Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2007

Cà Mau: Nhức nhối nạn hiếp dâm trẻ em

Theo báo cáo của Công an tỉnh Cà Mau, chỉ trong ba tháng đầu năm 2007, trên địa bàn tỉnh đã có 30 vụ hiếp dâm. Năm 2006, Toà án tỉnh Cà Mau cũng đưa ra xét xử 48 vụ án, 52 bị cáo phạm tội hiếp dâm. Điều kiện và hoàn cảnh nào khiến bọn yêu râu xanh có cơ hội thủ ác như vậy?Đây là câu hỏi cần được giả dáp để có thể ngăn ngừa loại tội phạm nay.

Ma men đưa lối

Nhậu là một sinh hoạt thường nhật ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Việc vui nhậu, việc buồn nhậu, không có việc gì cũng nhậu. Chỉ cần vài trái chuối chát, mấy con mắm và mấy xị rượu đế là có thể "gầy nhậu"- tức là tổ chức bữa nhậu tưng bừng. Nhậu cũng không sao nhưng điều đáng buồn là nhiều kẻ sau khi có hơi men đã vi phạm pháp luật, mà một trong những hành vi đáng lên án nhất là hiếp dâm và hiếp dâm trẻ em nói riêng.

Ngày 17-4-2007, TAND tỉnh Cà Mau đưa ra xét xử vụ án Nguyễn Minh Lịnh (sinh 1988) phạm tội hiếp dâm trẻ em và tuyên phạt Lịnh mức án 10 năm tù . Hôm đó, sau khi nhậu với anh em, Lịnh thấy Thạch Hạnh M ( sinh 1991) là em con cô cậu, đi qua. Linh nảy sinh ý định hiếp dâm liền bịa chuyện có người gửi thư cho M. Thư đang để ở vườn. M theo Lịnh ra lấy. Đến chỗ vắng vẻ, Lịnh đè M ra để thực hiện hành vi phạm tội. M giẫy giụa và kêu cứu nên Lịnh phải buông M ra. Tại cơ quan điều tra và tại phiên toà, Lịnh còn khai trước đó đã hai lần Lịnh có hành vi giao cấu với M, nhưng đều bị phản ứng mạnh nên không thực hiện được.

Một vụ khác cũng vừa được xét xử sơ thẩm cho thấy khoảng 8 giờ ngày 30 – 4, Trần Hoàng Liệt (sinh năm 1968) tổ chức nhậu tại nhà thuộc ấp Khai Hoang Vàm, xã Quách Phẩm, huyện

Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Tiệc rượu có 4 người là Liệt, Khởi, Đảo và Út nhậu hết 3,5 lít rượu. Sau đó Đảo rủ tất cả về nhà Đảo nhậu tiếp thêm 2 lít rượu nữa, đến khoảng 15 giờ thì Liệt và Khởi nghỉ nhậu cả hai về nhà Liệt ngủ.

Đến khoảng 16 giờ cùng ngày khi Liệt ngủ thức dậy và còn đang nằm trên võng thấy em ruột của Liệt đang chơi với bạn là Phạm Huyền Tr. Liệt kêu Tr vào nhà bảo Tr ngồi lên võng nơi Liệt đang nằm nói chuyện. Một lúc sau Liệt kêu Tr vào buồng ngủ của Liệt tìm thuốc hút trên nóc mùng. Lúc này Liệt nảy sinh ý định giao cấu với Tr nên liền đi vào buồng… Tr nói "chú làm gì vậy, buông con ra nếu không buông thì con la lên" do sợ mọi người phát hiện nên Liệt phải buông Tr ra.

Liệt bị kết án 10 năm tù về tội "hiếp dâm trẻ em" .

Không người trông trẻ

Đặc điểm dân cư ở Cà Mau, nhất là các vùng nông thôn là các hộ gia đình sống xa nhau. Mỗi nhà một khoảnh ruộng. Nhiều đứa trẻ phải ở nhà một mình do cha mẹ đi làm. Chính hoàn cảnh này dẫn đến nhiều cháu bị xâm hại.

Khoảng 14 giờ 30 phút ngày 3- 7- 2006, Phan V

ăn Minh (sinh năm 1985) đi nhậu về ghé nhà anh Ngô Văn Đợi ngụ tại ấp Rạch Chèo, xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân. Khi vào nhà thấy chỉ có cháu Ngô Thị D, mới 10 tuổi, con anh Đợi đang ngồi xem Tivi, Minh nảy sinh ý định giao cấu. Minh ôm D đè xuống giường. D kêu la liền bị Minh dọa bóp cổ chết nên không dám la nữa mà chấp nhận cho Minh thực hiện hành vi đê hèn. Toà án vừa tuyên phạt Minh 17 năm tù.

Bị cáo Nguyễn V

ăn Vinh (1963), cũng vừa bị bị kết án 12 năm tù. Khoảng 12 giờ 30 phút ngày 13-11-2005, sau khi đi nhậu về đến nhà của ông Nguyễn Văn Tân ở khóm 1, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, thì Vinh gặp cháu Nguyễn Kim D, mới 9 tuổi, Vinh kêu cháu D đưa dùm xuống bến đò. Trên đường, Vinh dụ cháu D vào lùm cây, cho cháu 2.500 đồng và kêu D nằm xuống cởi quần ra. D nghe theo lời của Vinh nằm xuống đất và cởi quần ra tới đầu gối. Lúc này có người dân sống ở khu vực này phát hiện và kêu nhiều người đến xem và bắt quả tang.

Vụ án khác thủ phạm là Lê Minh

Đô (SN 1987) . Khoảng 10 giờ 35 phút ngày 11-3-2005, tại nhà anh Mã Văn Vui ấp Đất Sét, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, Lê Minh Đô gặp cháu Mã Như N sinh ngày 16-9-1998 cùng em cháu là Mã Anh Thư chơi đùa trước sân. Lợi dụng lúc vợ chồng anh Vui không có mặt ở nhà, Đô nảy sinh ý định giao cấu với cháu N, khi đó mới 7 tuổi. Đô kêu cháu N vào buồng và cởi quần N ... Cháu Anh Thư phát hiện đi gọi người đến cứu, nên Đô không thực hiện được hành vi của mình.

Đô cũng vừa lĩnh án sơ thẩm 8 năm tù cho hành vi của mình.

Thiếu hiểu biết

Mới đây, Toà án tỉnh Cà Mau lại đưa ra xét xử bị cáo Lê Quốc Tổng (sinh năm 1962) về hành vi nhiều lần giao cấu với Trần Mỹ C, từ khi cô bé mới hơn 12 tuổi. Mặc dù đã có vợ nhưng Tổng vẫn khiến cho cô bé C mê mẩn. Cả hai bỏ quê rủ nhau lên Bình Dương và Bình Phước sống với nhau như vợ chồng. Đến tháng 02-2006, Tổng và C về địa phương. Hiện nay thì C có một đứa con chung với Tổng được 4 tháng tuổi. Đến ngày 17-7-2006 Tổng bị bắt theo lệnh truy nã và bị truy tố về tội hiếp dâm trẻ em .

Tương tự như vậy, bị cáo Trần V

ăn Phương (1984) bị kết án giao cấu với trẻ em do quan hệ với bạn gái mới 14 tuổi là Nguyễn Thị Bích Ng. Sau nhiều lần giao cấu với N, mẹ của Ngân phát hiện con gái mình đã mang thai. Đến ngày 23/6/2005 N sinh được một bé gái.

Một vụ án khác thể hiện sự thiếu hiểu biết của chính cha mẹ nạn nhân như sau: Phòng ở trọ của Đinh Văn Trường (1984) và phòng ở trọ của cháu Trần Thị Bích H (sinh năm 2000) ở gần nhau. Cháu H thường xuyên chạy qua phòng trọ của bị cáo để chơi. Lợi dụng sự ngây thơ của bé H, Trường đã ba lần giao cấu với cháu H, mặc dù cháu mới 5 tuổi.

Hành vi của bị cáo nghiêm trọng như vậy nhưng chính cha mẹ nạn nhân lại có đơn xin bãi nại cho Trường. Lý do là trong quá trình

điều tra, cha của Trường đã đưa cho gia đình số tiền 1 triệu đồng. Tất nhiên, bản án sơ thẩm vừa qua, Toà đã tuyên Đinh Xuân Trường phạm tội “Hiếp dâm trẻ em”, với mức hình phạt đến 15 (mười lăm) năm tù.

**

Còn nhiều nguyên nhân khác như trình độ dân trí thấp, hầu hết các bị cáo đều ít học; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật chưa hiệu quả; công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em còn nhiêu hạn chế…nên tình trạng xâm hại tình dục ở Cà Mau nhiều năm qua vẫn phức tạp. Đây quả là hồi chuông cảnh báo đến các bậc cha mẹ và chính quyền tỉnh Cà Mau.

--> Read more..

Mồ mả ở Côn đảo

Đặc sản thu hút khách du lịch của Côn Đảo trước hết là hệ thống nhà tù và nghĩa trang, nơi những người “mắc oan tù rạc/ Gửi mình vào chiếu lác một manh”…

Người ta tính ra trên 130 năm tồn tại, hệ thống nhà tù Côn Đảo đã làm chết khoảng 2 vạn người, nhưng ở Nghĩa trang Hàng Dương hiện nay chỉ có 1912 ngôi mộ thôi, còn lại không có nấm. Như vậy có thể nói, rải rác khắp Côn đảo là hài cốt của người tù. Không hiểu sao tôi vẫn cảm thấy hai vạn oan hồn ấy vẫn đặc quánh xung quanh…Nghĩ và nói không dám tự nhiên như trong đất liền.

Ở ven biển còn nghĩa trang Hàng Keo, cả mộ dải đất ven biển um tùm, rậm rạp cây cỏ, chỉ có một cái bệ đặt nồi hương thôi, tất cả các ngôi mộ đều không có nấm. Người ta nói rằng những khi bão, lốc thì cát bay trơ cả xương… Họ không xây mộ như nghĩa trang Hàng Dương được vì quá nhiều hài cốt chồng chất lên nhau.

Photobucket - Video and Image Hosting

Tượng đài ở Nghĩa trang Hàng Dương

Ngược lại, nghĩa trang Hàng Dương được chăm chút như một công viên. Một hệ thống tượng đài vừa được hoàn thành, cổng đá hoa cương sừng sừng. Nghĩa trang cây cối xanh tươi, rợp mát. Trong nắng chiều vàng rực, nghĩa trang như một bức tranh phong cảnh, có sáng tối, đậm nhạt, xa gần, hòa sắc xanh vàng đẹp mắt.

Photobucket - Video and Image Hosting

Mộ Võ Thị Sáu

Phía bên tay trái, gần cổng là ngôi mộ Võ Thị Sáu, được xây bằng đá hoa cương, ngang với Tổng bí thư Lê Hồng Phong, khác hẳn với những ngôi mộ xung quanh. Đặc biệt là người dân trên đảo rất sùng bái Võ Thị Sáu, nên trên mộ lúc nào cũng có hương hoa, gương lược. Nhiều gương lược đến nỗi người trông mộ phải mang về kho, đến ngày giỗ thì phát cho du khách.

Ông lãnh đạo một cơ quan tư pháp nói với tôi rằng: Có một ông bạn tôi ra xin trúng xổ số thì về trúng ngay mấy chục triệu, hắn đang hứa tặng tôi cái điện thoại di động đấy. Nhưng ra mộ thiêng nhất là vào nửa đêm 14 rạng sáng đêm rằm, cầu gì được nấy. Mai là 14 rồi, tôi đưa ông đi.

Đêm hôm sau, gần 12 giờ đêm, trăng sáng và gió biển ầm ào, ổng đánh ô tô qua gọi bọn tôi đi. Tôi từ chối…Ban ngày đã rợn tóc gáy rồi còn ban đêm. Vả lại tôi nói, tôi không dám xin gì cho mình cả, tôi khấn rằng các vị có linh thiêng phù hộ cho đất nước phát triển, thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu thôi…

Photobucket - Video and Image Hosting

Nghĩa trang Hàng Keo

Tôi không đi nhưng 4-5 người khác vẫn đi. Họ đi được một lát thì mưa như trút. Không biết trong cơn mưa u uất lúc nửa đêm giữa bạt ngàn những nấm mồ ấy, họ cầu xin được những gì. Người ta nói trước các kỳ bầu bán, các quan cũng ra xin nhiều lắm…

Thật là một thứ tín ngưỡng vụ lợi và dễ dãi đến lạ lùng.

Nhân nói chuyện tâm linh, tôi vẫn tin rằng, những oan hồn, cả thường phạm và chính trị phạm ở đây cần có một đại lễ cầu siêu để giải thoát cho họ, hay ít là cho người sống cảm thấy như vậy. Hiện nay, trên đảo ngoài miếu thờ bà Phi Yến- An Sơn Miếu thì không có một cơ sở tôn giáo nào.

Trong trại Phú Hải, trại xây đầu tiên ở Côn Đảo từ cuối thế kỷ XIX, có một nhà nguyện Thiên Chúa nhỏ, nhưng bây giờ thuộc về di tích, không hoạt động. Một nhà thờ khác vốn xây bằng đá xanh rất đẹp ở ngay bờ biển thì nay đã cải tạo thành trụ sở cơ quan Tòa án.

Tuy vậy, trên đảo có một ngôi chùa khá đẹp, xây trên núi có bậc đá đi lên tươm tất. Từ chùa có thế ngắm được bao quát một vùng biển đảo mênh mông. Chùa có tên là Vân Sơn Tự. Nghe đâu chùa được xây trước 1975. Chúng tôi đến thấy chùa có khói hương nghi ngút nhưng không có người trông coi, không có sư trụ trì. Vì vậy mà phân dê rải rác khắp chùa. Tôi nghĩ giá như chùa có sư, sáng chiều gióng lên hồi chuông công phu, có tiếng mõ tụng niệm, để các oan hồn theo đó mà giải thoát thì tốt biết bao…

Mang tâm tư này nói với ông lãnh đạo huyện thì ổng gạt phắt đi, vì tôn giáo phức tạp lắm, ai biết sư sãi làm gì…Tôi nói người dân cần chỗ dựa về tâm linh. Ngay ở trong thành phố, quy hoạch cũng phải tính đến chùa chiền, cơ sở tôn giáo. Ông ấy bảo, sao không thờ cô Sáu, thờ cụ Lê Hồng Phong mà cứ phải thờ Phật. Nghe nói vậy tôi…pó tay luôn.

Tiện đây cũng xin nói thêm, nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội cũng tồn tại cả trăm năm, khi di dời đế xây khách sạn Tháp Hà Nội, người ta đã phải làm một đại lễ cầu siêu cho các oan hồn ở đó được giải thoát.

Hai vạn oan hồn ở Côn Đảo thì chưa…

--> Read more..

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2007

Một lần đến Côn Đảo

Mùa này đi Côn Đảo chỉ có thể đi bằng máy bay, vì sóng lớn, thuyền cao tốc (từ Saì Gòn) và tàu thủy ( từ Vũng Tàu) không đi được. Hôm tôi ra đảo phải mua vé trước hai ngày, giá vé 670.000đ/lượt. Bay từ sân bay Tân Sơn Nhất. Máy bay cất cánh chừng 15 phút đã thấy nhắc thắt dây an toàn vì đang giảm dần độ cao để hạ cánh.

Nhìn xuống phía dưới, thấy giữa nhấp nhô màu xanh có những miếng sáng lấp lánh dưới nắng, tôi nghĩ đó là mái tole hay bể nước inox trong thành phố, tôi ồ lên: Tới đảo rồi! Máy bay thấp dần mới thấy không phải. Đó là sóng. Những con sóng bạc đầu bắt nắng giữa màu xanh mênh mông của biển.

Máy bay sà gần mặt nước và hạ cánh xuống sân bay Cỏ Ống. Bước ra cầu thang máy bay, một không khí trong trẻo ùa vào, nắng thu vàng rực, cây cối mướt mát, gây cho du khách cảm giác yên bình đến lạ lùng.

Có xe của Nhà nghỉ Công đoàn đón hành khách về trung tâm, cách đó 15 cây số. 10 ngàn đồng/ người. Đường nhựa đen bóng, một bên là biển, một bên là núi xanh nguyên sơ. Cả quãng đường chỉ gặp dăm ba người…

Đến Nhà nghỉ Công đoàn mới thấy đó là một rì- sọt, có bể bơi ngay sát bờ biển, nhưng giá phòng thấp nhất là 720.000/ ngày. Kinh hồn luôn!

Thế là mấy du khách rủ nhau đi về Khách sạn Phi Yến, ngay trung tâm và đẹp nhất của Đảo, chỗ đường Tôn Đức Thắng có dãy bàng cổ thụ cả trăm năm, nhìn ra biển. Phòng ốc xoàng xĩnh nhưng vị trí đẹp, nhất là giá chỉ 200 ngàn đồng thôi. Đây là cơ sở kinh tế của Huyện ủy Côn Đảo.

Anh Chánh án huyện đảo đón chúng tôi như anh em trong nhà nên cũng đỡ bỡ ngỡ. Bữa trưa đầu tiên ba anh em ăn trong quán Phương Thảo. Quán là một căn nhà kiểu Pháp được khuyến cáo giữ nguyên vẹn vì mục đích bảo tồn bảo tàng.

Photobucket - Video and Image Hosting

Nhà của Chúa Đảo, nay là bảo tàng

Ấn tượng ban đầu là đảo rất vắng người, những con đường hai chiều rộng rãi, sạch như lau như ly không một bóng người qua lại. Không chỉ ở trung tâm mà đường lên nghĩa trang Hàng Dương cũng sạch sẽ như thế. Bãi biển cát trắng phẳng lỳ, nước trong veo nhưng không có ai tắm. Một mình mình xuống tắm cũng kỳ, nên tiếc mà đành thôi. Giá như có bạn bè đông vui thì tuyệt. Nhất là bãi biển trên đường ra Bến Đầm, phía trên có Đỉnh Tình Yêu, sóng tung trắng xóa, bãi cát mịn màng...

Photobucket - Video and Image Hosting

Bãi biển rất đẹp

Đỉnh Tình Yêu thuộc Hòn Bà, một trong 16 hòn của quần đảo này, nơi xưa kia Nguyễn Ánh giam bà Phi Yến vì tội ngăn cản chồng nhờ Bá Đa Lộc cầu viện nước Pháp…

Đảo nằm trong khu bảo tồn quốc gia nên cây cối tươi tốt, nguyên sơ, ngọn núi Chúa (Nguyễn Phúc Ánh chăng?) sừng sững, xanh thẫm nhìn ra biển. Chỉ tiếc là người ta chưa cho khai thác du lịch sinh thái, sợ ảnh hưởng đến rừng.

Cả huyện đảo này chỉ có chừng 5-6000 người thôi, nên chợ cũng vắng như vậy. Chợ im ắng như một thánh đường. Điều đặc biệt nữa là mua bán không mặc cả, nói bao nhiêu bán bấy nhiêu.

Hôm đó tụi tôi đi với anh Chánh án, thấy ghẹ tươi ngon ghé xuống mua. Người bán nói 80 ngàn đồng ký, lại còn nói người quen nữa, nhưng dù mặc cả vài câu mà giá bán vẫn đúng 80 ngàn. Trên đường về Chánh án mới nói, anh vừa xét xử, giúp cho người bán ghẹ đòi được mấy chục triệu đồng. Quen kiểu vậy đó. Ở đây mọi người biết nhau cả và người dân vẫn cho rằng cán bộ, chính quyền phải có trách nhiệm giúp đỡ dân…Lạ thật!

Người ta vẫn còn giữ được nếp sống yên bình, để xe máy ngoài đường không khóa, thậm chí cả đêm, mà không lo mất. Nhưng anh Chánh án nói thật, ăn cắp vặt vẫn có. Không lấy xe máy nhưng tháo trộm xăng, lấy trộm điện thoại di động…Anh đã từng phải xử một số vụ ăn cắp vặt rồi.

Photobucket - Video and Image Hosting

Đường Tôn Đức Thắng, có dãy bàng cổ thụ

Đêm xuống, đường đã vắng lại càng vắng vẻ hơn. Không có karaoke, có rất ít quán cà phê. Chỉ có nhậu thôi, nhưng dù ai mời thì cũng từng ấy nhân vật, và những câu chuyện ấy thôi…

(Kỳ sau: Nhà tù và Nghĩa trang. Chơi gì ngoài Côn Đảo?)

--> Read more..

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2007

Cần Thơ - nỗi đau nghiệp dư

Đã ba bốn ngày trôi qua kể từ lúc gần 8 giờ sáng ngày 26-9 thảm khốc, mà các nguồn thông tin về số nạn nhân của tại họa sập cầu dẫn Cần Thơ vẫn chưa thống nhất. Mỗi nguồn mỗi cách khác nhau. Ngoại trừ khó khăn ban đầu trong thu thập thông tin, điều đó cho thấy đơn vị thi công dường như không có danh sách công nhân làm việc ngày hôm đó, để điểm danh xem ai còn ai mất.

Báo chí cũng cho hay đa phần công nhân của đơn vị thi công- một công ty trách nhiệm hữu hạn nhỏ là lao động thủ công, họ không phải những người thợ làm cầu được đào tạo. Họ ăn lương công nhật, như một đám thợ xây miệt vườn vậy thôi. Chả thế vì không nhận được lương để xài Trung thu, nhiều người đã nghỉ việc, nghỉ việc hóa may mắn.

Một cung cách quá nghiệp dư đối với công trình tầm cỡ quốc gia như thế này. Một khía cạnh khác ở tầm cao hơn cũng cho thấy sự thiếu “pro” của các nhà chức trách.

Trước hết, đó là chưa ai đứng ra chịu trách nhiệm về vụ này. Người ta còn nói, bây giờ chưa phải lúc nói đến trách nhiệm. Vậy thì bao giờ có thể bàn đến trách nhiệm nhỉ? Khi nỗi đau đã liền sẹo chăng?!

Khi chưa chỉ ra ngay lập tức được cơ quan, đơn vị, cá nhân phải chịu trách nhiệm chính trong vụ này thì cách quản lý của ta vẫn còn chưa chuyên nghiệp. Và khi hậu quả xảy ra thì lại chỉ là mấy cá nhân trực tiếp phải chịu đòn còn cấp trên của họ đều vô can.

Nói như thế không phải là suy luận vô căn cứ. Vụ tai nạn tàu hỏa ở Lăng Cô chết rất nhiều người, cuối cùng chỉ có kíp lái là ra tòa lĩnh án, còn các vị đã chỉ đạo, chịu trách nhiệm về hoạt động đường sắt cả nước thì kiểm điểm, rút kinh nghiệm vậy thôi.

Có ý kiến cho hay, ở các nước khác, thì không thế, chức vụ càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Moscow - Nga mất điện chỉ có vài tiếng mà Bộ trưởng, Tổng giám đốc điện lực phải từ chức. Ở Pháp chỉ vì nhân viên để máu dự phòng nhiễm HIV mà Bộ trưởng phải từ chức…

Ta có phải là một ngoại lệ so với thông lệ quốc tế không nhỉ?

Cuối cùng, cách giúp đỡ những gia đình nạn nhân cũng cần có sự chỉ đạo để chuyên nghiệp hơn. Hiện nay nhiều cơ quan báo chí, nhiều tổ chức từ thiện, nhiều cơ quan đơn vị phát động ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân vụ sập cần có đầu mối cho hay, số tiền cần là bao nhiêu, dự kiến giúp đỡ mỗi nạn nhân bao nhiêu…để tránh không lặp lại sự không minh bạch như vụ ủng hộ nạn nhân cơn bão miền Trung năm nào. Nên chăng thay vì ủng hộ theo phong trào, chúng ta đề nghị những cơ quan, đơn vị có điều kiện đỡ đầu con em nạn nhân cho đến tuổi trưởng thành, chăm lo cha mẹ già của nạn nhân đến cuối đời…

Cần lắm một cơ chế vận hành, quản lý có tính chuyên nghiệp cao.
--> Read more..

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2007

Thủ tướng đi Mỹ và sự trung thực của truyền thông

Thủ tướng đi Mỹ & sự trung thực của truyền thông magnify

Các tờ báo trong nước đều đưa tin về sự kiện Thủ tướng đi Mỹ, dự khóa họp lần 62 của Đại Hội đồng LHQ. Việc đưa tin dĩ nhiên là bình thường và cần thiết.

Bình thường, bởi hoạt động của chính khách luôn thu hút giới truyền thông. Cần thiết, bởi người dân có nhu cầu và có quyền được biết Thủ tướng của họ đang làm việc như thế nào, vị trí VN ra sao.

Đất nước nào, thể chế nào cũng ý thức được sức mạnh của truyền thông. Nga, Mỹ hay Somali đều cần PR. Việc báo chí thông tin về chuyến đi của Thủ tướng, hẳn nhiên rất cần cho cả người dân và nhà nước.

Trong cái sự hứng khởi ấy, Thông tấn xã Việt Nam, VTV và các tờ báo lớn đều đưa một thông tin đáng chú ý: Tờ báo hàng đầu của Mỹ Wall Street Journal (Nhật báo Phố Uôn) số ra ngày 24/9 đã dành 4 trang đặc biệt giới thiệu các thành tựu kinh tế-xã hội của Việt Nam, nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Niu Yoóc dự phiên thảo luận chung của Khóa họp thường niên lần thứ 62 Đại hội đồng Liên hợp quốc.(TTXVN).

Bạn đọc ít quan tâm đến truyền thông sẽ rất tự hào. Bởi Wall Street Jounal là tờ báo có số phát hành thuộc hàng lớn nhất thế giới, mỗi kỳ xuất bản hơn 2 triệu bản ở ba châu lục. Vậy mà cái thằng đại gia này dành hẳn bốn trang đặc biệt viết về Việt Nam. Thế thì quả này VN lên hương rồi, to rồi. Chúng ta thành cường quốc đến nơi chứ chẳng chơi.

Sự thật thì không phải vậy. Đó chỉ là bốn trang quảng cáo, dưới dạng bài viết, giống như trang 24h của Tuổi Trẻ vậy.

Đã là quảng cáo dĩ nhiên phải trả tiền. Biểu giá quảng cáo của mỗi trang cỡ trên dưới 120.000 USD. Nửa triệu đô đấy, hơn tám tỷ đồng chứ chẳng phải thằng Tây nó quan tâm đến Việt Nam mà "dành" hẳn cho Thủ tướng của ta.

Cách đưa tin của Thông tấn xã Việt Nam trong trường hợp này là thiếu trung thực vì chỉ thông tin một nửa sự thật. Đúng là có Wall Street Jounal đưa tin; có đăng bốn trang, nhưng lờ tịt cái chuyện có trả tiền. Lại còn dùng cụm từ "đã dành bốn trang đặc biệt". Thực sự thì bán mua chứ có ai "dành" cho ta đâu.

Hôm trước, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đi Mỹ, cũng được "dành" bốn trang như thế. Mà theo tiết lộ của báo Lao Động thì Đây là lần đầu tiên Wall Street Jounal đăng phụ trương về Việt Nam. Phụ trương này do Công ty 2B Media của Việt Nam và Công ty Partner Concepts tại Mỹ phối hợp thực hiện. Đó là sản phẩm của công ty PR chuyên nghiệp

PR cho đất nước là điều tốt, chi phí bỏ ra cỡ 8 tỷ cũng là hợp lý. Nhưng không nên khiến bạn đọc hiểu lầm cái ta mua và cái người khác trân trọng dành cho mình. Từ đó ngộ nhận và hiểu sai, hiểu vống lên về vị thế đất nước.

Tự hào về đất nước cũng phải có cơ sở.

Theo http://360.yahoo.com/profile-8lS.UvQ_c6do9gs8MdbNxve0T5mN
--> Read more..

Bay trong đêm mưa

Cầu Cần Thơ chụp hôm 23-9 từ phà Cần Thơ

Tối qua, tôi bay từ Sài gòn ra Hà Nội chuyến 17g15. Máy bay vừa cất cánh thì phi hành đoàn nhắc nhở :Vì thời tiết xấu, đề nghị quý khách không dời khỏi ghế và thắt dây an toàn. Nhìn ra ngoài, mịt mù một màu trắng mờ đục rồi đen kịt. Nao lòng!

Thôi nhắm mắt lại vậy. Những sự việc trong chuyến đi khiến tôi không thể chợp mắt được. Vừa đi qua bến phà Cần Thơ, chụp mấy tấm hình về công trình cầu Cần Thơ được vài ngày thì công trình cầu dẫn sụp đổ. Buổi chiều, cùng với mấy phóng viên phía Nam , chúng tôi khẩn trương xử lý tin bài để tôi có thể in báo vào buổi đêm. Nguồn thông tin của chúng tôi cho hay, số người chết đã lên đến 53, vậy mà đến tối vẫn thấy các báo, cả VTV1 đưa tin có hơn 30 người tử vong. Có lẽ việc cập nhật số liệu khó khăn. Hay họ muốn giấu nhỉ?!

Chắc chắn số công nhân bị vùi trong khối bê tông còn rất nhiều, phải đến cả trăm người và hy vọng sống sót là rất mong manh. Điều tôi nêu trong bài báo của mình là ngay hôm 24, Thứ trưởng Bộ GTVT vào đốc thúc tiến độ cầu dẫn, liệu có phải vì áp lực tiến độ mà họ làm ẩu dẫn đến tai nạn chăng?

Cứ suy nghĩ miên man. Chợt nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay, trăng đang tròn vành vạnh, ngang tầm mắt và tỏa sáng mênh mông. Phía dưới là mênh mông mây trắng, có lúc trông như dòng sông, có lúc trông như cánh đồng hoa lau trắng xóa đang rạp mình trong gió, có lúc như bãi biển có những tảng đá đen lô nhô giữa sóng nước …Vì đám mây dày đặc kia mà dưới đất mọi người không thấy trăng.

Chợt nhớ, cậu phóng viên phía Nam nói đùa: Anh đi đến đâu là có sự kiện đến đó. Đầu tiên là cầu vào trường tiểu học ở U Minh sập một nửa; ra Côn Đảo thì có vụ một hành khách nói có lựu đạn , VTV1 và nhiều báo đưa tin, Bộ Công an và các cơ quan chức năng phải vào cuộc; sáng nay thì sập công trình cầu Cần Thơ…

Máy bay vẫn ầm ì lầm lũi bay. Ở Cần Thơ hẳn nhiều người còn đang than khóc. Tai nạn xảy ra mới biết, đa phần công nhân của một công trình lớn nhất Quốc lộ số 1 này chỉ là những người lao động phổ thông. Sử dụng đối tượng lao động như vậy liệu có đảm bảo chất lượng công trình không nhỉ?!

Miên man nhiều chuyện không vui. Một tay luật sư ở Cà Mau bảo: Nơi anh cứu trợ chưa phải là xã khó khăn nhất U Minh đâu, vào sâu 5-6 cây số nữa, chỗ Khánh Hội, Khánh Lâm ấy, mỗi năm 5-6 tháng người dân ăn đu đủ thay cơm…Giá như mình có điều kiện giúp đỡ họ nhỉ?

Nhưng những công nhân xây cầu Cần Thơ, những người nghèo U Minh…trông cậy vào ai? Họ phải trông vào Nhà nước. Chỉ có Nhà nước mới có thể giải quyết được căn bản vấn đề của họ.

Máy bay hạ dần độ cao để hạ cánh. Ngoài trời tối đen như mực. Ở độ cao này người ta không biết trên kia trăng 16 vẫn đang rong chơi!

Sau 15 phút tai ù đặc trong tiếng ầm ào, máy bay xuống đến Nội Bài. Thở phào! Ngoài sân ga nhiều vũng nước lấp loáng, dư âm của một cơn mưa. Mưa lúc nào mà mình không biết nữa.…

--> Read more..

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2007

Trung thu ở U Minh

Dù đang vội vàng vì ngồi nhờ máy nhưng xin được chia sẻ ngắn với các bạn về chuyến đi Cà Mau nhé.

Hôm đó, trời mưa tầm tã, xe đỗ bên bờ kênh có ngôi trường tiểu học Trường An, xã Khánh An mình ngỡ ngàng thấy cây cầu cách đây mấy tháng mình vừa chụp ảnh (đưa lên THEME) đã sụp đổ một nửa, chỉ còn một phần chơ vơ như phế binh đứng giữa dòng kênh. Buồn quá…Chỉ có mấy tháng mà đã thay đổi như vậy . Chưa cần mình mang tiền đến xây cầu mới nó đã tự sụp đổ mất rồi.

Buổi trao tặng 40 triệu đồng có cả ông Phó Bí thơ, ông Phó Chủ tịch huyện đến dự để chứng kiến. Mình cũng sợ mấy ổng tự ái vì viết bài gọi những người dân nơi đây là những người bị bỏ quên và dân nói cả năm chưa thấy mặt ông Chủ tịch xã…Vậy mà họ không nói gì, lại bảo nhà báo cố gắng giúp thêm nhiều nữa nha…Cứ như là trách nhiệm thuộc về ai đó.

Vì mình mang quà cứu trợ đến nên mấy xe ô tô đi theo, làm rộn ràng cả một xóm nghèo.Người dân chưa bao giờ thấy quan chức “quang lâm”, tất nhiên có cả giám đốc lâm trường, Chủ tịch xã, tập đoàn trưởng… đến xó rừng này tấp nập như hôm đó. Không biết người dân vui hay buồn vì sự có mặt của quan chức nhỉ?!

Trong số những người đến nhận quà, tôi thấy có chị Chi, vợ anh Tấn mà trong phóng sự có nói “cho 50 ngàn đồng bằng cả một năm tiền điện”. Chị Chi vui lắm, cười hoài, có phần hãnh diện …vì quen nhà báo (!).

Trong mỗi phần quà hôm đó có 20 kg gạo, 200 ngàn đồng, một túi bột ngọt, một túi muối I ốt, đặc biệt là có cặp bánh trung thu, một gói kẹo và cả lồng đèn. Mình nhắc anh em trong đoàn dù tăng chi phí cũng phải có bánh trung thu, lồng đèn cho các cháu, cả nến nữa, mỗi cháu chục cây.

Vậy mà có đứa trẻ hỏi bà rằng “cái này chơi sao bây giờ bà?”. Tội nghiệp từ bé đến giờ nó mới thấy có đèn ông sao. Cũng phải nói thêm, đèn ông sao, đèn bướm ở Cà Mau không đẹp như Hà Nội mà lại đắt hơn, 6-7 ngàn đồng/ cái, trong khi ở Hà Nội có khi chỉ 2 ngàn thôi.

(Một cộng tác viên đã viết bài về buổi cứu trợ này, vì mình không muốn viết về mình. Sẽ post bài ấy lên cho các bạn đọc sau nha)

--> Read more..

Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2007

Đóng góp đầu năm học

Báo chí đang phản ánh về tình trạng đóng góp đầu năm của các vị phụ huynh học sinh, ngoài các khoản quy định, còn có nhiều khoản “tự nguyện”, ví dụ quỹ phụ huynh học sinh 150.000 đồng, ròi 200.000 đồng một học kỳ.

Ở tp Hồ Chí Minh, một trường trung bình, chỉ thu hội phí phụ huynh học sinh 90.000 đồng/năm theo khung tối thiểu, quỹ Hội phụ huynh học sinh năm học này đã hơn 150 triệu đồng. Đối với một số trường ở các quận trung tâm, gia đình học sinh phần đông khá giả, mức thu quỹ hội phụ huynh còn cao hơn nữa, có nơi thu gấp 3 lần mức 90.000đồng…Nhẩm tính ra con số quỹ đến 400-500 triệu đồng.

Mọi người bàn tán xôn xao để rồi ai cũng lo đóng góp cho đủ, vì các khỏan đó đối với dân thành phố cũng không quá lớn. Có một thực tế khác, cũng trong những ngày đầu năm này là ở các vùng nong thôn, vùng sâu vùng xa., lo thu đủ mức bắt buộc đã khó, lấy đâu ra các khoản “tự nguyện”.

Tại trường tiểu học Trường An, xã Khánh An , huyện U Minh, Cà Mau, nơi tôi vừa đến, có một cây cầu tràm vào trường, vừa bị sập đổ xuống kênh. Thế là người ta phải cấp tốc làm một cây cầu mới, nếu không lũ trẻ không đến trường được. Mỗi cháu phải đóng 10.000đồng.

Vậy mà vất vả mãi vẫn không thu đủ 1 triệu đồng theo dự toán. Hộ gia đình chị Nguyễn Thị Thoa, có bốn đứa con học ở đó mà cố lắm cũng chỉ chạy được 25.000 đồng thôi. Và những hộ nghèo như nhà chị Thoa không ít .

Ông Hiệu trưởng nhăn nhó nói, học trò đi học đủ là mừng dữ rồi, đòi hỏi chi được, họ có đâu mà đóng góp. Câu nói mộc mạc của ông hiệu trường này có lẽ đại diện cho số đông các thầy các cô đang đứng lớp ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Đọc báo, nói toàn chuyện thành phố không hiểu họ có chạnh lòng?!

À, họ có báo đâu mà đọc. Ở đó không có báo, nhất là báo mạng lại càng không. Các thầy các cô không khác nông dân cha mẹ học sinh là mấy.

Đầu năm, những khoản thu ngày một tăng, nhưng là những chuyện đâu đó, chứ không phải ở những vùng khó khăn này. Vậy mà ở đây lũ trẻ vẫn hàng ngày cắp sách đến trường, chúng vẫn đang phải lớn lên…Thương dữ à!

--> Read more..

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2007

Phố bỗng thành dòng sông uốn quanh

Ở Hà Nội vẫn có chuyện kẹt xe ở Kim Mã, ở Chùa Bộc, Kim Ngưu…nhưng so với thành phố Hồ Chí Minh thì chả thấm vào đâu. Ấn tượng đầu tiên của người Bắc vô là kẹt xe kinh hoàng. Buổi chiều tan tầm thì nhiều điểm kẹt xe có khi cả nửa giờ mới qua được ngã tư.

Theo báo cáo của Sở GTCC, TP hiện có 33 điểm có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông cao, tập trung chủ yếu trên các trục giao thông chính như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám, Pasteur, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phan Đăng Lưu... Trong khi đó, con số về điểm có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông cao theo khảo sát của Công an TP lên tới 55 điểm.

Tại sao kẹt xe hoài mà không khắc phục được vậy ta?

Với hơn 3,5 triệu xe máy và ô tô đăng ký lưu hành tại TP cùng gần 800.000 phương tiện của người dân nhập cư, khách vãng lai thì hệ thống hạ tầng giao thông hiện nay trở nên quá tải là đương nhiên. Chưa kể mỗi ngày có thêm gần 2.000 phương tiện mới đăng ký đưa vào lưu hành (trong đó có gần 200 ô tô) trong khi diện tích mặt đường gần như không tăng càng đẩy bài toán kẹt xe đi vào chỗ nan giải.

Một ấn tượng khác với thành phố lớn nhất cả nước này là “phố biến thành dòng sông uốn quanh” sau những cơn mưa. Sài Gòn mùa này chiều nào cũng mưa, mà mưa rào kéo dài chừng 30 phút thì ngập đường rồi. Nếu mưa đến một giờ thì có thể chỗ ngập tới yên xe máy. Vậy mà người ta vẫn cố chạy. Không biết khi thiết kế, người ta có tính tới khả năng xe máy chạy trong nước như vậy không nhỉ?!

Nhìn những người đi học, đi làm trở về nhà sau một ngày vất vả, lại gặp phải trận mưa ngập đường thì thật khổ. Không khéo ốm chứ chả chơi! Hỏi thì ai cũng có chung một câu, về được đến nhà là mừng lắm!

Ấn tượng thứ ba là một tấm biển dường như không đáng có trên cầu Kinh Tẻ, nối quận Tư qua quận Bảy. Liên tiếp dọc cây cầu phía quận Bảy sang là những tấm pano “ Chú ý, đường cong nguy hiểm chết người”, “ Chú ý, đường cong nguy hiểm chết người”…khiến cho mình ngồi trên xe Honda mà cũng giật mình. Lý do là cây cầu không thẳng như thông lệ mà nó đổ dốc theo một khúc cua. Hình như họ cố ý nắn cây cầu cong để tránh một khu chung cư phía trước.

Thật là một cây cầu có thiết kế và biển cảnh báo chết người độc nhất vô nhị.

Bao giờ thành phố Hồ Chí Minh khắc phục được tình trạng này, câu hỏi có lẽ chưa dễ có câu trả lời.

--> Read more..

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2007

Trung thu này là sinh nhật tớ

Lâu lắm rồi ngày sinh nhật tớ mới lại trùng vào tết Trung thu. Vui quá! Cả nhà đã hẹn nhau một Trung thu Sinh nhật thật vui.

Ở trên tầng 4 nhà mình có một cái vườn nhỏ, trồng hoa, nhưng chủ yếu là lá xanh thôi, có cây hoa dạ hương chỉ thơm về đêm...Trên đó thoáng mát, trăng sáng lồng lộng nên cả nhà quây quần, có gõ trống, có reo hò cũng không làm phiền hàng xóm. Nhà tớ lại có nhiều trẻ con nữa nên rất vui. Chơi xong phá cỗ tanh bành mà cứ để đó, mai lên dọn cũng chẳng sao...

Mình cũng dự định mời thêm vài người bạn nữa đến uống rượu, cùng phá cỗ với bọn trẻ con.

Mấy đứa nhỏ nhắc phải treo cái đèn lồng đỏ lên giữa sân...

Nhưng kế hoạch thay đổi rồi, mình phải đi miền Nam để chuyển tiền và quà từ thiện cho bà con xã Khánh An, U Minh, Cà Mau. Có người bảo sao không hoãn lại, sang tuần hẵng đi? Nhưng mình là người đi xin tiền, chờ đợi từng ngày, bây giờ có rồi lại để đó hay sao, trong khi đó người dân đang chờ đợi .

Tôi đã gọi điện vào cho anh em lo chuẩn bị, nhất định trong túi quà có bành trung thu cho trẻ, không chỉ gạo, bột canh và tiền đâu nha...Anh em đồng tình lắm.

Thế là tôi sẽ kỷ niệm ngày sinh của mình xa gia đình, nhưng bên những người bạn Cà Mau, và những người bạn mới. Tôi biết gia đình tôi sẽ thông cảm và vui cùng niềm vui của tôi.

Chắc các bạn cũng vậy, đúng không?!

Cám ơn tất cả mọi người...

--> Read more..

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2007

Ba ước mơ mùa thu

Rằm Trung thu, trẻ em, mà không chỉ trẻ em, sẽ chung vui dưới trăng với nhiều bánh trái, hoa quả và đồ chơi. Bọn trẻ thơ ngây chắc hẳn nhìn trăng có rất nhiều mơ ước. Còn người lớn chúng ta ước gì nhỉ?

1.Ở các thành phố thì bánh trung thu được bày bán từ đầu tháng tám âm lịch với nhiều loại khác nhau và giá cả cũng khác nhau, thông thường cũng dăm bảy chục ngàn một hộp, cá biệt có đến cả triệu đồng. Ngon là thế, đắt là thế mà chả ai ăn được nhiều, nên trẻ em thành phố sợ... bánh trung thu.

Mới đây vào blog, gặp ngay thông báo của tổ chức từ thiện MT, họ lên kế hoạch mang bánh trung thu đến cho trẻ em nghèo. Lần này họ mang niềm vui đến với trẻ em nghèo lại bị bệnh tật hiểm nghèo với nguyện vọng “
giúp cho những bệnh nhân nghèo có thêm nghị lực để tiếp tục chiến đấu với con đường bệnh tật chông gai còn rất dài phía trước”.

Như vậy là những nhà hảo tâm đã mang ánh trăng rằm đến cho những số phận không may mắn rồi. Giá như nhiều nơi làm được như vậy nhỉ?

2. Đưa con đi chơi Hàng Mã mới thấy tràn ngập đồ chơi Trung Quốc, từ những mặt hàng truyền thống như mặt nạ, đèn lồng, trống đến ô tô, gươm súng...Và hầu hết đều được làm bằng nhựa.

Trong khi các nước phát triển đang xem xét lại chất lượng đồ chơi bằng nhựa cho rằng không đảm bảo an toàn cho trẻ em thì con em chúng ta vẫn đang phải chơi những thứ đồ chơi không an toàn ấy. Lo quá.

Đồ chơi bằng nhựa của Việt Nam cũng không ít. Có thứ đồ chơi nào làm bằng nhựa rác thải y tế hay không nhỉ? Ai dám tin chắc là không? Chẳng lẽ ta không mua đồ chơi cho con trẻ?!

Ước mơ sao con em chúng ta có được những đồ chơi đẹp, có tính nhân văn và sáng tạo nhưng thật sự an toàn.

3.Và trung thu không thể không nói đến hoa trái, nào hồng trứng, bưởi, na, cam quýt, mãng cầu, rồi lê táo để bày cỗ trông trăng. Nhưng an toàn thực phẩm trong lĩnh vực này cũng rất nghiêm trọng. Ở thành phố nhiều gia đình đã không còn ăn lê táo nữa...

Bao giờ chúng ta, nhất là trẻ em có đủ thực phẩm sạch nhỉ?

Thôi, hãy để cho con trẻ ước mơ tiếp những giấc mơ con trẻ dưới ánh trăng thu, các bạn ạ...

--> Read more..

Cây cầu THEME chỉ còn là kỷ niệm

Khi khởi đầu sự nghiệp blog, tôi được nhà tư vấn chọn cho tấm hình em Chương Tử Di làm ava, có thế mới câu được các anh...Nhưng tôi vẫn quyết định đặt theme bằng tấm hình tôi ngồi trên một cây cầu gập ghềnh ở tận U Minh , Cà Mau.

Cây cầu đó là lối vào điểm trường tiểu học Khánh An, nơi hàng ngày các em nhỏ qua lại để đi học. Về viết phóng sự “Những người bị bỏ quên bên cánh rừng U Minh” đăng lên báo và đưa lên blog này, tôi cũng giữ cái ảnh đó, kèm theo nỗi ám ảnh là làm sao có tiền cho họ xây được cây cầu.

Và có chút tiền giúp cho những người quá nghèo mà tôi đã gặp.

Bây giờ, tôi đã có trong tay "Trái thị của Tấm", một doanh nghiệp đã chia sẻ với tôi nỗi quan tâm ấy và ủng hộ 40 triệu đồng, để tôi chuyển đến cho Trường tiểu học Khánh An- U Minh xây cầu và lát sân trường.

Một người bạn tôi cũng ủng hộ 3 tấn gạo để tôi giúp cho đồng bào nghèo.

Cám ơn những tấm lòng nhân ái, cám ơn sự tin cậy của mọi người dành cho tôi, tuần tới tôi sẽ phải mang vào tận nơi để trao cho những nhân vật trong phóng sự ấy.

Cây cầu trong THEME của tôi sẽ chỉ còn là kỷ niệm thôi. Những sẽ là một kỷ niệm ấm áp.

VO nói rằng, trông THEME của tôi thật bình yên. Có thể cảm giác nó mang đến cho bạn là có thật, nhưng những người dân ở đó đang hàng ngày chống chọi với cái đói, cái nghèo thì không bình yên đâu VÔ à...

--> Read more..

Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2007

Bơm ngực cho nữ thuỷ thủ miễn phí

Quân đội quyết định chi tiền cho một số nữ thủy thủ bơm ngực.

Phát ngôn viên Lực lượng quốc phòng cho rằng :”Theo chính sách quốc phòng, chúng tôi xem xét nhu cầu chính đáng của nhân viên, cả về mặt thể chất và tâm lý", ông nói. "Tuy nhiên, không có chuyện hễ binh sĩ nào nói rằng họ không thích ngoại hình của mình là chúng tôi chi tiền ngay để họ đi phẫu thuật như bơm ngực".

Ông cũng từ chối cho biết bao nhiêu nữ binh sĩ đã được trả tiền cho đi bơm ngực, nhưng cho biết quân đội có thể cân nhắc chuyện thanh toán tiền phẫu thật thẩm mỹ cho những quân nhân khi có lý do chính đáng về tâm lý, hoặc y tế.

Đọc tin này bạn thấy thế nào? TORO cho rằng, trước hết Quân đội đã thông cảm và chia sẻ nỗi ám ảnh do thiếu hài lòng với bộ ngực của các nữ thuỷ thủ. Nhân đạo tuyệt vời, các bác nhỉ?!

Thứ hai, chứng tỏ kỹ thuật bơm ngực hiện nay đã rất cao nên có thể làm đại trà mà không lo có các biến chứng, nên Quân đội mới có quyết định này.

Thứ ba, chứng tỏ nhu cầu bơm ngực của phụ nữ nói chung, nữ thuỷ thủ nói riêng là khá lớn. Thế ra ít có phụ nữ nào hoàn toàn hài lòng với bộ ngực của mình.

Thứ tư, nguy cơ nữ thanh niên tình nguyện gia nhập hải quân sẽ tăng. Nhưng với một đất nước biên giới biển dài như vô tận thế này thì hải quân càng đông đảo càng tốt nhỉ?

Một câu hỏi chợt bật ra, Quân đội quyết định chuyện này vì nữ thuỷ thủ bao nhiêu % và nam thuỷ thủ bao nhiêu % nhỉ?

Lan man đầu tuần để giải trí. Chúc các bạn vui vẻ!!!

P/S Nói lại cho rõ: Chuyện này đang diễn ra ở Úc đấy nha. Không phải VN đâu.

--> Read more..

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2007

giáo dục có làm người ta tử tế hơn không?

Cơ quan điều tra kết luận, ông Lê Thái Bình (giáo viên trường trung học kỹ thuật) đã lợi dụng quan hệ thầy trò, nhiều lần đưa một nữ sinh 18 tuổi "lên giường". Việc này diễn ra liên tục suốt 9 tháng.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Cần Thơ vừa chuyển hồ sơ, đề nghị VKS truy tố bị can Lê Thái Bình về tội hiếp dâm.

Từ tháng 6/2005, thày giáo 47 tuổi này nhiều lần khống chế, buộc một nữ sinh đang theo học trong trường, phải "phục vụ" ông ta. Đến tháng 2/2006, hành vi của Lê Thái Bình bị bại lộ. Thày giáo này bị buộc thôi việc, khai trừ Đảng.

Đây là một tin trên báo Thanh niên hồi đầu năm.

Bản tin cho thấy một giáo viên , tức là có trình độ tối thiểu là Cử nhân đã phạm tội với ngay học trò của mình, biến học trò thành nô lệ tình dục, làm hoen ố mối quan hệ thầy trò lẽ ra phải thiêng liêng, trong sáng.

Đáng buồn là đây không phải trường hợp cá biệt. Dư luận từng xôn xao về những vụ đạo đức thầy cô xuống cấp như thầy giáo hiếp dâm học trò tiểu học ở Bắc Ninh, thầy gạ trò đổi tình lấy điểm ở Trường Trung học Phát thanh truyền hình...

Ở lĩnh vực pháp luật thì không thiếu cán bộ tư pháp như cán bộ Toà án, Kiểm sát viên...có hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức như ăn chơi sa đoạ, nhận hối lộ; thậm chí có cả cảnh sát đi cướp.

Như vậy tất cả kiến thức giáo dục họ được tiếp nhận trong hơn 10 năm trời không đủ để ngăn thú tính trong con người họ trỗi dậy?!

Những ví dụ trên đây đặt ra một vấn đề là tri thức, học vấn, giáo dục nói chung có làm cho con người ta tốt lên không?

Một người thầy dạy văn mà tôi kính trọng từng nói rằng: Văn học hay tri thức không thể làm cho người ta tốt lên được, mà nó chỉ khiến cho người tốt thì tốt hơn mà người xấu thì càng xấu, càng nham hiểm hơn thôi.

Trong khi đó nhiều người đồng tình rằng : Hiền dữ đâu phải là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên.

Ý các bác thế nào?

--> Read more..

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2007

Ai thụ thai hôm nay sẽ được thưởng ô tô!

“Bạn đừng ngạc nhiên nếu các đường phố ở Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh hôm nay vắng tanh và nhà nhà đều buông rèm kín nhé, bởi các cặp vợ chồng ở đây đang bận lên giường. Nếu thụ thai, 9 tháng sau sinh em bé họ sẽ được thưởng ô tô”.

Xin lỗi các blogger, tin trên đây có sự nhầm lẫn địa danh, chuyện xảy ra ở bên Nga chứ không phải VN.

Chính quyền tỉnh Ulyanovsk của Nga đã treo thưởng một ô tô cho người sinh một em bé.

Tỉnh trưởng Sergei Morozov tuyên bố ngày 12- 9 là ngày Thụ thai và cho các đôi vợ chồng được nghỉ làm việc để chuyên tâm tạo em bé. Nhà nào sinh được trẻ con vào đúng 9 tháng sau đó, tức là ngày Quốc khánh Nga 12- 6, sẽ được thưởng tiền, xe hơi, tủ lạnh và các phần quà khác.

Đây là năm thứ ba tỉnh bên bờ sông Volga này tổ chức cuộc chạy đua. Kể từ đó, số các cặp vợ chồng tham gia, và theo đó là số trẻ em ra đời, đều tăng lên.

"Nếu có một không gian lành mạnh ở nhà, có không khí ấm cúng của gia đình, nếu vợ chồng yêu nhau và yêu con cái, họ sẽ có tinh thần tốt và hiệu quả công việc cao. Như thế sẽ tạo ra môi trường tốt cho cả nước", ông tỉnh trưởng nói.

Dân số Nga giảm kể từ năm 1991, khi Liên bang Xô viết tan rã. Nguyên nhân là do tỷ lệ sinh giảm, tuổi thọ giảm, làn sóng di cư và hệ thống y tế yếu kém. Quốc gia rộng lớn nhất thế giới hiện có 141,4 triệu người, là một trong những nước có mật độ dân cư thưa nhất thế giới. Các chuyên gia dự đoán dân số Nga năm 2050 chỉ còn 100 triệu.

Năm ngoái Tổng thống Nga Putin bình luận rằng cuộc khủng hoảng dân số đang trở thành vấn đề nhức nhối, và kêu gọi chính quyền có những biện pháp cần thiết để gia tăng dân số, trong đó có trợ cấp cho những cặp vợ chồng sinh hơn một con. Phụ nữ Nga sinh con thứ hai hoặc ba được nhận thẻ trị giá 10.000 USD để chi cho sửa sang nhà cửa hoặc giáo dục.

Tuy nhiên, những nỗ lực tăng dân số cũng gặp phải lời chỉ trích. Một truyện đùa mới xuất hiện trên mạng, nói rằng giáo viên đại học của tỉnh này, sau khi được lệnh phải cổ vũ những "hành động đặc biệt" cho ngày thụ thai, đã yêu cầu nhà trường trải chiếu và để đèn mờ ở phòng thể dục.

Trông người mà nghĩ đến ta, đúng là “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”, sao mà dân ta cấm đoán đủ kiểu, thậm chí thu lại cả ruộng nếu sinh con thứ Ba, thứ Tư mà họ vẫn đẻ. Nếu theo cách đánh giá của Nga thì những bà mẹ không ngần ngại mang nặng đẻ đau ấy của ta đáng phong Anh hùng.

Theo cách nhìn của Nga thì khả năng đẻ và sự thích đẻ của phụ nữ Việt Nam là một tài nguyên vô giá. Vậy mà ta lại phải cấm, khổ thế! Làm sao để khai thác được nguồn tài nguyên ấy mà không bị nạn nhân mãn và đói nghèo nhỉ?!

Liệu có khi nào nước ta cũng áp dụng các biện pháp khuyến khích đẻ như bên Nga không,các bác ơi?

Cặp vợ chồng giật giải năm ngoái trên chiếc UAZ Patriot được thưởng. Ảnh: AP

--> Read more..

Bài học nào từ ông Abe

“Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, 52 tuổi, đã bất ngờ thông báo từ chức, khiến các thành viên trong đảng của mình hết sức ngạc nhiên, chấm dứt một năm cầm quyền với một Nội các có nhiều bộ trưởng dính bê bối. Đảng cầm quyền của Nhật Bản đang cố gắng tìm kiếm một lãnh đạo mới để cố gắng tránh một khoảng trống về chính trị”.

Ô hay, báo chí bình luận lạ nhỉ, ai làm người ấy chịu chứ. Còn tôi, rất nghiêm, không bao che cho bất cứ ai nhé. Dù bất cứ ai, bất cứ cấp nào sai phạm đều bị xử lý đúng pháp luật…

Nhưng ông Abe không nói thế.

Tôi đã làm hết khả năng, tận tụy vì công việc, còn kết quả thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ. Nào là thiên tai, nào là thị trường biến động…

Nhưng ông Abe không nói thế.

Mới có một năm làm Thủ tướng, vạn sự khởi đầu nan, năm sau tôi sẽ khắc phục nhược điểm, phát huy những thành tích đã làm được để…

Nhưng ông Abe cũng không nói thế.

Ông ấy nói rằng: "Trong tình hình hiện nay, rất khó thực hiện các chính sách hiệu quả mà giành được sự ủng hộ và lòng tin của công chúng. Tôi đã quyết định rằng chúng ta cần một sự thay đổi trong tình hình này…Tôi tự thấy mình không đủ khả năng giữ đúng lời hứa. Tôi trở thành một trở ngại trong chính quá trình thực thi những lời hứa đó".

Mấy người có thể tự đánh giá mình không đủ khả năng và mình là một trở ngại nhỉ?! Vì ít có người làm được điều đó, nhất là so với Việt Nam mình, nên tôi cho rằng ông Shinzo Abe là một người đáng kính trọng.

Thói tham quyền cố vị “sợ trẻ hơn già” của quan chức dường như là mãn tính, vô phương cứu chữa, vì thế chuyện từ chức của ông Abe quả là một liều thuốc đắng quý giá, có thể thức tỉnh lòng tự trọng của những ai đó bấy lâu bị bỏ quên, nếu họ có thời gian suy ngẫm…

Giá như văn hóa từ chức cũng có thể nhập khẩu được nhỉ?!

--> Read more..

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2007

Người Việt tốt bụng hay độc ác?!

Câu hỏi này ám ảnh tôi từ khi thơ dại, khi đọc chuyện Tấm Cám thấy cô Tấm thảo hiền đã giết em mình, sau đó còn làm mắm cho dì ghẻ ăn để bà ta ngã lăn ra chết theo...Kinh hãi quá! Sao một người bình thường lại có thể độc ác, man rợ đến nhường ấy, chứ chưa nói đến một cô Tấm tượng trưng cho người con gái Việt Nam thuỳ mỵ, nết na...

Truyện Tấm Cám thuộc típ chuyện Lọ lem khá phổ biến trên thế giới, nhưng trừ người Choang (Trung Quốc) và Tấm Cám Việt Nam có chuyện trả thù, giết em, còn không một nước nào trên thế giới có kết thúc như vậy cả. Theo tớ biết là như vậy.

Vậy mà trong thi ca, trong tâm thức dân gian, người ta vẫn không ngừng ca ngợi cô Tấm.

Tôi khổ như chàng trai tương tư

Yêu em hò hẹn tự bao giờ

Em là cô Tấm đi hài đỏ

Rắc bướm hoa vào những giấc mơ

(Lê Đại Thanh)

Như vậy có thể nói , cho đến bây giờ người ta vẫn cho việc cô Tấm giết và làm mắm Cám là thoả đáng chăng?! Vậy người Việt nhân ái hay độc ác?!

Photobucket - Video and Image Hosting


Người Việt có câu “Giọt máu đào hơn ao nước lã”, để nói lên cái tình ruột rà, máu mủ thiêng liêng, tha thiết đến nhường nào. Vậy mà, vừa xa anh em, người ta đã ca câu “Bán anh em xa mua láng giềng gần”; rồi thì “Người dưng có ngãi thì đãi người dưng/ Anh em vô ngãi thì đừng anh em”. Ngãi đây là cái gì nhỉ? Nghĩa tình hay lợi lộc đây. Câu này nói ra nghe rất thực dụng. Nếu anh em đã như vậy thì tình đồng hương, đồng bào còn mau nhạt tới đâu nhỉ?

Cũng liên quan đến tình anh em, có câu rất đề cao anh em nhưng lại rẻ rúng người vợ Anh em như thủ túc/ Vợ chồng như y phục”. Ghê không, anh em coi nhau như chân tay, không thể lìa bỏ được, còn vợ “tao khang chi thê”- chỉ như quần áo ấy thôi, có thể cởi bỏ dễ dàng.

Quý trọng anh em như thế đấy nhưng có lẽ chỉ bằng lời nói thôi, chứ lợi ích thì không, “Anh em kiến giả nhất phận”- ai có người nấy ăn, không ai giúp ai cả.

Chúng ta hãy giải mã những mâu thuẫn trong cốt cách người Việt ấy xem sao?! Ý kiến của bạn thế nào?!



Tấm trèo cau (MH lấy cô gái Đồ Long)

















--> Read more..

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2007

Quà thật từ người bạn ảo

Hôm qua, một món quà được Bưu điện chuyển cho tớ từ Tp Hồ Chí Minh ra. Quà của VÔ đấy. Có điều là tên người gửi ghi rõ tên và địa chỉ như trên Chứng minh thư, chứ không phải bằng cái nicname trên mạng, rõ ràng là như vậy rồi.

Xin nói ngay, đây là phần thưởng do tớ đoán ra các nhân vật trong Tam Quốc diễn nghĩa, sau khi thay đổi giới tính, mà VÔ tung lên blog để thách đố. Phần thưởng một cuốn sách rất dễ thương của Nguyễn Nhật Ánh- nhà văn của tuổi ô mai, viết về đôi bạn nhỏ gắn với một khu vườn, mà VÔ rất thích. Ngay trang đầu VÔ viết đề từ:” Cuộc đời dù lớn/ Nỗi nhớ quá dài/ Chỉ ước mong sao mình bé lại (Thân tặng anh TORO).

Cuốn truyện được bọc nilon trong veo. Ở cuối là một bài bày tỏ cảm xúc của VÔ, như lời giải thích vì sao VÔ chọn món quà này. Bài viết trên giấy ô ly với nét chữ viết tay đẹp đẽ, nghiêng nghiêng “ Vô thấy đồng cảm với câu chuyện này- một câu chuyện giản đơn, trong sáng giữa cuộc đời có quá nhiều trái ngang. Mong anh Toro cũng sẽ thích món quà này của Vô”. Đọc những dòng chữ như thế, ai mà không thích cơ chứ.

Lâu lắm rồi mới nhận được những bức thư viết tay như vậy.

Thế là người bạn VÔ, người bạn ảo trên mạng đã trở thành một người bạn nhỏ, xinh xẻo, ấm áp và lãng mạn ngoài đời. Đó quả là một giấc mơ, do phép thuật của inh tẹc nét mang đến cho chúng ta.

Cám ơn VÔ, cảm ơn tất cả các bạn đã cũng Toro nối vòng tay lớn, cùng nhau chia sẻ những suy tư từ cuộc sống bộn bề và cũng rất đẹp đẽ này.

Mà xin lỗi nha, sao lại gọi là các bạn ảo được, các bạn thân thiết của tôi!!!

P/S Bạn Agatha...muốn “xe” món quà này với tớ đấy. OK luôn!

Thư cho hay VÔ thích khu vườn trong ký ức của mình, TORO cũng vậy. Chợt nhớ một bài thơ viết về khu vườn, thuộc vào hàng những bài thơ hay nhất thời chiến tranh (lại nhớ đến Cuộc chia ly màu đỏ của Vân Lam) xin post lên để tặng VÔ và mọi người nha.

VƯỜN TRONG PHỐ

Lưu Quang Vũ

Trong vườn phố có một vườn cây mát

Trong triệu người có em của ta

Buổi trưa nắng bầy ong đi kiếm mật

Vào vườn rồi ong chẳng nhớ lối ra.

Vườn em là nơi đọng gió trời xa

Hoa tím chim kêu bàng thưa lá nắng

Con nhện đi về giăng tơ trắng

Trái tròn căng mập nhựa sinh sôi.

Nơi ban mai cỏ ướt sương rơi

Một hạt nhỏ mơ hồ trên má

Hơi se lạnh nào ngón tay cầm se giá?

Suốt một đời cũng chẳng hiểu vì sao…

Nơi đêm khuya vọng lại tiếng còi tàu

Bỗng nhớ xa xôi những niềm đất nước

Nơi bài hát lên đường ta hẹn ước

Nơi góc vườn ta để quên vườn hoa…

Nơi vòm lá rì rào xao động cơn mưa

Quả ngọt chín khi mùa ve lại đến

Những chân trời màu hông những chân trời màu tím

Những ngôi sao bàng bạc cả hoàng hôn.

Nơi lá chuối che nghiêng như một cánh buồm

Cánh buồm đi về trong hạnh phúc

Se sẽ chứ, không cánh buồm bay mất

Qua dịu dáng ẩm ướt cảu làn môi.

Dưa hấu bổ ra thơm suốt ngày dài

Em cũng mát lành như trái cây mùa hạ

Nước da nâu và nụ cười bỡ ngỡ

Em như cầu vồng bảy sắc hiện sau mưa.

Đến bây giờ đánh giặc anh đi xa

Nhìn lại mảnh vườn xưa thấy hẹp

Biết bao điều anh con chưa nói được

Rối rít trong lòng một nỗi em em.

Rừng rậm đèo cao anh đã vượt lên

Theo tiếng gọi con tàu ngày bé dại

Vườn không níu được bước chân ở lại

Những lá còn che mát suối đường anh.

Mảnh vườn em vẫn là mảnh vườn xanh

Nơi ban đầu lòng ta ươm tổ mật

Nơi ta hái những chùm thơ thứ nhất

Nơi thu sang mây trắng vẫn bay về.

1967

--> Read more..

Đã có người chia sẻ ...với mùa thu

Ngày mùng Một, đầu tháng 7 TORO có entry “Chia sẻ với mùa thu”, mở đầu một tháng chơi blog với rất nhiều bỡ ngỡ, kỹ thuật kém cỏi. Nhưng may sao, tâm tư về một trời thu thiếu người chia sẻ, dần dà cũng có người đồng cảm.

Hôm nay, qua một tháng chập chững, blog của TORO có 7. 556 lượt người đọc, một con số nhỏ nhoi với các blog nổi danh khác nhưng với TORO thì thật có ý nghĩa. Cảm ơn rất nhiều những người bạn, mà đa phần là không biết mặt, đã dành thời gian ghé vào blog của tớ.

Và những người bạn “ảo” đã trở thành mối quan tâm, chia sẻ, quý mến rất thực của TORO. Một ngày không một hai lần ghé thăm VO, Vân Lam, Trọng An, Thu Trang, Đongkisot...thì không yên lòng.

Qua một tháng TORO có thêm những người bạn thật giỏi giang, uyên bác và nhiệt tình như tịnh tâm, buluk, Trần... Có thêm những người bạn đôn hậu, nhân ái như Flamenco, TTMT.

Không thể không kể đến những trang blog rất hấp dẫn, nhiều thông tin và cá tính như Tắc kè, Điếu cày, Cô gái Đồ long...đã mang đến cho TORO nhiều điều bổ ích...

FL của TORO mới chỉ có 75 người, hy vọng trong thời gian tới, con số này sẽ được tăng lên, và số bạn ghé thăm cũng nhiều hơn nữa.

Hy vọng có thành hiện thực hay không phụ thuộc vào chính sự ủng hộ và giúp đỡ của các bạn, những người bạn vừa ảo vừa thực của tôi ơi.

--> Read more..

Flags

Flag Counter