Thứ Hai, 31 tháng 12, 2007

Chúc mừng 2008

Chỉ còn mấy giờ nữa là nhân loại bước sang năm mới 2008, Việt Nam chúng ta chính thức giã từ năm 2007 với quá nhiều phiền muộn. Chào giã biệt một năm đời sống khó khăn hơn năm trước; giã từ một năm với những vụ tai nạn lao động đau lòng; một năm thiên tai, lũ lụt khốn khổ...

Xin chào năm mới, hãy mang đến cho dân tộc này bình yên, ổn định, no ấm và hạnh phúc!

Xin đặt tên cho năm mới là Năm Yên Bình!!!

--> Read more..

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2007

Các bạn đã thật sự cao thượng chưa?

Thư của bạn ông Riedl gửi cổ động viên bóng đá
Minh họa: Dad

Các bạn thân mến!

Tuần trước, tôi có đọc một bức thư của một người trong số các bạn gửi cho ông Riedl nhân chuyện ông ấy phải ra đi sau thất bại của đội tuyển Việt Nam trong SEA Games vừa rồi. Với tư cách là một người bạn của ông và là bạn của các bạn, tôi thấy mình cần phải nói lên vài suy nghĩ rất thành thật của mình.

Các bạn là những cổ động viên bóng đá, là những con người có lòng đam mê rất tuyệt vời. Trong khi các giải đấu lớn diễn ra, các bạn có thể, như lời của một bình luận viên: ăn bóng đá, ngủ bóng đá, mơ bóng đá, tỉnh bóng đá, say bóng đá, xỉu... bóng đá.

Nghĩa là các bạn coi bóng đá chẳng khác gì một cô gái đẹp. Nếu cô ấy là Juliet thì chắc chắn các bạn chính là Romeo. Romeo yêu Juliet đến điên cuồng, đến say mê, thậm chí đến chết!

Nhưng các bạn ơi, dù nàng bóng đá có xinh đẹp tới đâu chăng nữa thì khi yêu nàng, ta cũng phải có hiến dâng, có hy sinh, chịu đựng chứ không thể chỉ có tận hưởng. Thậm chí, thời gian đầu, có khi phần hy sinh, chịu đựng phải nhiều hơn!

Tóm lại, bạn không những phải quan tâm, phải săn sóc nàng khi tươi tắn mà còn phải làm như thế khi nàng cảm sốt, nàng nhức đầu, nàng biếng ăn hay nàng hờn dỗi, hoặc có khi tệ hơn thế, lúc nàng bị té xe hay bị mèo cào.

Nếu các bạn yêu nàng bóng đá hết mình, các bạn nhất định không thể quay đi khi nàng bị đau răng hay khi nàng thi hoa hậu bị trượt khỏi vòng chung kết. Tình yêu chắc chắn cần một thứ gì đấy lớn lao hơn, bền vững hơn các danh hiệu.

Nhưng than ôi, không phải lúc nào các bạn cũng là các đấng nam nhi hoàn hảo như thế thì phải.

Tôi rất ngạc nhiên, và rất đau lòng khi biết rằng trong trận đấu cuối cùng của đội tuyển gặp Singapore ở SEA Games vừa qua, trận tranh huy chương đồng, gần như không có cổ động viên nào có mặt trên sân, hoàn toàn khác hẳn với một hai trận đầu, cả ngàn người hò la cổ vũ rồi sau đó tươi cười khi chiến thắng. Nghĩa là các bạn đã bỏ rơi những cầu thủ của mình. Các bạn yêu, rồi khi người yêu gặp nạn, các bạn quay đi hay ghê hơn nữa, vừa quay đi vừa kể tội.

Các bạn ơi!

Dân ta có câu “Nghèo khó thì chẳng ai nhìn, đến khi đỗ đạt chín nghìn anh em”. Các cầu thủ chắc rất thấm thía điều này. Nếu tôi là cầu thủ, tôi không những thấm thía, mà còn đau xót nữa.

Nếu các bạn yêu bóng đá thì phải yêu chung thủy chứ! Cả trong tình yêu lẫn trong thể thao, các bạn hẳn đã biết rằng thắng thua không quan trọng bằng cảm xúc và một ngày không phải là một đời. Đội tuyển Đức đã từng thảm bại tới năm bàn trước đội tuyển Anh, đội tuyển Pháp đã từng rời khỏi giải vô địch thế giới ngay từ vòng đầu trong khi là ứng cử viên đoạt cúp. Nhưng sau đó, họ vẫn đứng vững và vẫn đoạt các danh hiệu cao quý khi công chúng không bỏ rơi họ.

Các bạn có thể bỏ rơi một huấn luyện viên. Các bạn có thể bỏ rơi một liên đoàn. Nhưng tại sao lại quay lưng với toàn bộ hai mươi hai cầu thủ? Các bạn có khi nào nghĩ tình yêu của mình thực dụng quá không? Nếu tôi là một thiếu nữ mang tên Công Tằng Tôn Nữ Bóng Đá, tôi sẽ rất suy nghĩ khi gắn đời mình với các bạn. Tôi sẽ tự tin khi mình trẻ đẹp, nhưng nhỡ bị ho hay tệ hơn bị xe đụng, bị cúm gà thì tôi sẽ nằm trong phòng bệnh một mình. Các bạn có đến thăm thì cũng kèm theo những lời đay nghiến, chưa kể chẳng có quà gì, ngay cả chục quả cam sành cũng nên.

Các bạn cổ động viên ơi!

Các bạn đã thực sự cao thượng chưa? Đã thực trong sáng và công minh chưa? Còn nhớ Cúp Tiger năm nào, các bạn đến sân chật cứng nhưng khi đội tuyển thua trận ở đêm chung kết, các bạn đã ra về hết sạch, không một ai ở lại dự lễ trao cúp vô địch cho đội tuyển đối phương. Điều đó làm tôi bàng hoàng và choáng váng tới tận bây giờ. Tôi chợt nhận thấy tình yêu của các bạn quá ích kỷ, quá đơn giản và quá sơ sài. Nói một cách nào đấy, các bạn yêu bản thân nhiều hơn thì phải.

Các bạn cũng phải cẩn thận, đừng biến bóng đá thành ma túy. Cái hại của ma túy là nó tạo ra những ảo giác, nó khiến người ta tưởng rằng cứ hút vào là hạnh phúc nhất, là mọi thứ khác ở đời chẳng còn nghĩa lý. Thiếu gì những dân tộc thua trong bóng đá lại thắng trong các nền văn minh. Thiếu gì những cổ động viên khóc trên sân nhưng lại cười trong cuộc sống. Say mê thể thao, say mê bóng đá là tốt, nhưng đừng dùng sự say mê ấy như một liều thuốc kích thích thần kinh và cứ đòi hỏi được tăng hàm lượng không ngừng.

Một nền bóng đá chân chính bao gồm cầu thủ, ban huấn luyện và khán giả chân chính. Việc xưa nay các bạn tự cho mình cái quyền phán xét vô biên, quyền áp đặt ham muốn và quyền không bao giờ bị phê phán chưa chắc đã là tốt cho sự nghiệp thể thao. Tôi yêu quý các bạn, nhưng tôi sợ các bạn, ngại các bạn và đôi lúc tủi thân, đôi lúc nhếch môi, đôi lúc thở dài nghẹn ngào vì các bạn.

Xin các bạn bình tĩnh đọc những chữ này. Trong kinh doanh, khách hàng là thượng đế. Trong thể thao không phải như vậy. Thể thao là sự vươn tới của những khát vọng. Nếu không tin các bạn cứ nhìn giải thi đấu của những con người khuyết tật mà xem, tỷ số khi ấy chả nói lên điều gì.

Chúc các bạn khỏe.

Lê Hoàng

--> Read more..

Sống chung với sự dối trá

Hàng giả phát hiện đã khó, thành tích giả còn khó hơn nhiều

Cuối năm là mùa của những báo cáo tổng kết, báo cáo thi đua, mùa của những lời khen và phần thưởng. Là con người ai cũng thích được khen, được thưởng nên mùa này có thể hiểu là mùa vui. Mùa vui nếu đó là những thành tích thực chất, những kết quả thực chất sau một năm cố gắng, chắt chiu, vun vén, còn ngược lại thì đơn thuần nó chỉ là bệnh thành tích kịch phát mà thôi.

Trong những cuộc họp tổng kết ở cơ quan, có những người xin tự nhận là không hoàn thành nhiệm vụ cũng không được chấp nhận; người chỉ xin mức hoàn thành nhiệm vụ cũng bị đẩy lên thành "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" vì thành tích chung , vì thành tích của sếp. Có người thốt lên: Kết quả công tác năm nay của cơ quan thấp hơn so với năm ngoái, đời sống cán bộ nhân viên sa sút hơn năm ngoái, nhiều kế hoạch, chương trình đề ra đã thất bại...mà tất cả đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là sao? Các vị hãy thẳng thắn, khiêm tốn , thật thà, dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, theo 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng đi...Nói thế mà chả ai nghe. Vẫn "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".

Không ai nghe bởi vì bệnh thành tích hay nói đúng hơn là sự dối trá đã lên ngôi, mọi người đã sống chung với nó quen rồi, nên sự thật sẽ trở nên lạc lõng giữa cái sân khấu loè loẹt mũ áo và sự giả dối ấy. Mà mấy chữ" bệnh thành tích" cũng là cách nói làm sang kiểu dối trá thôi. Đó phải gọi tên là bệnh dối trá. Mà bệnh đã trở thành dịch, một thứ dịch nguy hiểm hơn cúm gà hay lở mồm long móng ở trâu bò.

Cách đây mấy ngày, báo Thanh niên có baì viết về vấn đề này khá sâu sắc. Bài báo đưa ra nhiều thông tin:

Thi đua là để đạt được mục tiêu đã đề ra, để đạt được thành tích cao hơn năm trước, cao hơn nơi khác. Nhưng cần tránh tình trạng "thi đua là phải đi đầu, đi đâu không biết, đi đầu cứ đi", bởi thi đua kiểu ấy chẳng những không có ích gì, mà nó hại đơn hại kép.

Những con số mà những người mắc bệnh thành tích rất ưa dùng có rất nhiều, ở đây xin tập trung vào một số con số nhạy cảm chủ yếu. Trong khi tốc độ tăng GDP của cả nước phải phấn đấu quyết liệt mới có thể đạt 8,5%, nhưng của hầu hết các địa phương đều cao hơn rất nhiều, kể cả những địa phương mà nông nghiệp còn chiếm trên một nửa GDP do năm nay bị thiệt hại lớn về thiên tai, dịch bệnh. Năm tới sẽ lặp lại khi mục tiêu đặt ra lại cao hơn mức thực hiện của năm trước. Có những địa phương có GDP bình quân đầu người chỉ bằng một nửa của cả nước, nhưng HDI (chỉ số phát triển con người) do họ tính ra lại ngang bằng hoặc lớn hơn của cả nước; điều này chỉ có thể lý giải bằng việc họ phải "mượn" thêm các cụ thượng thọ, đại thượng thọ, "mượn" thêm những người biết chữ, những người lớn đi học và đẩy những người mù chữ và những người lớn không chịu đi học ra khỏi bảng thống kê. Diện tích rừng trồng mới hằng năm được một số địa phương báo cáo thường cũng không chính xác, bởi nếu đem cộng diện tích rừng trồng mới của địa phương này trong nhiều năm có khi còn lớn hơn cả diện tích của tỉnh đó, trong khi theo số liệu của cả nước phấn đấu phải đến năm 2010 mới đạt tỷ lệ che phủ rừng vào năm 1945 - tức là 42%!

Số lượng doanh nghiệp hiện nay cũng có các con số khác nhau đến một trời một vực. Số doanh nghiệp của cả nước hiện nay theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (tổng hợp từ các cơ quan đăng ký kinh doanh) đã lên đến trên 250 nghìn và có lẽ đây là con số để xây dựng mục tiêu đến năm 2010 phải đạt 500 nghìn doanh nghiệp; theo Tổng cục Thuế cũng đã vượt 200 nghìn; còn theo Tổng cục Thống kê thì mới khoảng trên dưới 150 nghìn doanh nghiệp...

Tình hình lãi, lỗ của doanh nghiệp ở nhiều nơi chẳng khác gì con kỳ nhông đổi màu: với ngân hàng thương mại thì phải lãi để được vay, với cơ quan thi đua thì cũng phải lãi để có thành tích; nhưng với cơ quan tài chính, thuế vụ thì phải lỗ để được xin cấp bù... Muốn lãi, muốn lỗ thì chỉ cần dùng vài thủ thuật kế toán (như treo nợ, tăng hay giảm giá sản phẩm tồn kho, tăng hay giảm khấu hao...).

Điển hình mới đây là chuyện công bố tốc độ tăng giá tiêu dùng. Giá tiêu dùng năm 2006, nếu lấy tháng 12.2006 so với tháng 12.2005 thì tăng 6,6%, còn nếu tính bình quân thì tăng 7,5%, nhưng lúc đó không thấy Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá đưa ra con số 7,5%. Trong khi 11 tháng năm nay, các con số tương ứng trên là 9,45% và 7,92%, thì Thứ trưởng Trần Văn Tá lại bảo chỉ tăng 7,92%. Phải chăng với 7,92% thì hoàn thành mục tiêu Quốc hội giao, còn 9,45% thì không hoàn thành mục tiêu? Nếu năm nay mà giá tiêu dùng diễn ra theo chiều hướng của năm 2006 (cách tính sau cao hơn cách tính trước) thì liệu đại diện Bộ Tài chính có lấy cách tính sau hay không? Có lẽ là không. Hơn nữa, theo luật thì Tổng cục Thống kê mới có quyền công bố chỉ số giá tiêu dùng chứ đâu phải là đại diện Bộ Tài chính!

Ngay cả vấn đề nhập siêu, nếu năm trước mới chưa đến 5,1 tỉ USD và mới bằng 12,7% kim ngạch xuất khẩu; kế hoạch năm nay đề ra cũng chỉ trên 5 tỉ USD, nhưng thực hiện cả năm có thể cao gấp đôi. Nhưng nhiều cơ quan, nhất là cơ quan chịu trách nhiệm chính về vấn đề này lại vẫn cho rằng không có vấn đề gì, thậm chí còn nói đó là sự cần thiết; khi đề cập đến nguyên nhân thì đều quy cho khách quan là chủ yếu.

Về dân số, không ít địa phương khi báo cáo về giảm tỷ lệ sinh thì đều đạt hoặc vượt mục tiêu đề ra. Nhưng khi báo cáo về số lượng dân thì ít có địa phương nào lại thấp hơn dữ liệu của Tổng cục Thống kê, nếu cộng các địa phương lại thì cao hơn số liệu của Tổng cục Thống kê hàng nửa triệu người.

Nếu như lấy số liệu tổng hợp các địa phương để tính số liệu chung của cả nước thì tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm phải gấp một lần rưỡi số liệu mà Tổng cục Thống kê đã công bố. Cũng may là Tổng cục Thống kê khi tính toán số liệu đã áp dụng các phương pháp khoa học để loại trừ các "báo cáo láo".

Điều đáng lo lắng hơn là những báo cáo láo, những thành tích ảo ấy lại nhằm mang lại lợi ích thật, lợi ích vật chất và cả uy tín cho những người tham quyền cố vị, bất tài có cơ hội ngồi lâu hơn trên cái ghế của mình..

--> Read more..

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2007

"Dối mình, dối người"

Một câu chuyện xảy ra cuối năm ở Hàn Quốc khiến nhiều người quan tâm, suy nghĩ. Ấn bản Thời báo Giáo Sư của nước này vừa mời 340 giáo sư tham gia cuộc khảo sát chọn ra một thành ngữ thích hợp nhất để mô tả năm 2007. Kết quả, 43% vị đã nhất trí chọn "tự khi khi nhân" (lừa mình dối người) làm bốn từ khái quát toàn bộ tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của nước này trong năm qua.

Báo Chosun Ilbo cho biết người đề xuất thành ngữ này là giáo sư Ahn Dae Hoe, đang giảng dạy tại Trường đại học Sungkyunkwan.Ông nói "tự khi khi nhân" dùng để chỉ những hành động bắt nguồn từ lòng tham không đáy, mà tất cả những xìcăngđan gây sốc xã hội Hàn Quốc trong năm qua đều là kết quả của những lòng tham như thế. "Hành vi lừa mình dối người là kết quả của ham muốn thái quá của con người (từ đó dẫn đến việc) làm bằng giả, đạo văn luận án và sự biến chất của các chính trị gia cũng như các tập đoàn lớn. Tất cả đã làm rúng động xã hội Hàn Quốc" - giáo sư Ahn Dae Hoe giải thích.

Việc các vị giáo sư tên tuổi hàng đầu Hàn Quốc mượn một thành ngữ chẳng lấy gì làm đẹp đẽ để đúc kết 365 ngày qua, cho thấy thái độ chán ngán và bất bình của dư luận trước sự suy đồi về mặt đạo đức trong xã hội. Chưa có năm nào số vụ lừa dối lại nở rộ tại xứ kim chi nhiều như năm nay. Theo giáo sư Seong Hwan Gap ở Trường đại học ChungAng, người ta gian dối đã đến mức thành thói quen. "Giống như bạn cứ lừa dối người khác thường xuyên đến nỗi đạt tới ngưỡng tự lừa dối chính mình".

GS này muốn nói đến các vị bị lật tẩy hoặc tự nguyện nhận mình xài bằng giả đều là các tên tuổi lớn trong các lĩnh vực văn hóa, giải trí, trong đó có ca sĩ - nhạc sĩ Joo Young Hoon, kiến trúc sư Lee Chang Ha...

Bên cạnh đó, những vụ gian dối trong kinh doanh cũng khiến công chúng bức xúc. Gần đây nhất là vụ Tập đoàn Samsung bị điều tra với cáo buộc lập quĩ đen để chi hối lộ. Ngay cả tổng thống mới đắc cử Lee Myung Bak cũng đang đối mặt với một cuộc điều tra độc lập về mối liên hệ giữa ông với sự thành lập công ty đầy tai tiếng BKK năm 2001, dù ông đã phủ nhận tất cả.

Điều đáng chú ý trong thông tin trên đây là thái độ thẳng thắn bộc lộ quan điểm của người dân, cụ thể là các nhà khoa học, mà chắc chắn nhà cầm quyền không thích thú gì, nhưng vẫn được công bố.

Bên cạnh những tiêu cực không lớn trên đây, nền kinh tế Hàn Quốc năm qua vẫn tăng trưởng cao, khoảng 4%. Theo một tổ chức Quốc tế nhận định vị trí của Hàn Quốc trong bản xếp hạng đứng ở vị trí thứ 12 vào năm ngóai và thứ 11 trong năm nay, nhờ những tiến bộ vượt bậc trong quan hệ hợp tác, ảnh hưởng tốt từ thị trường và ngành công nghiệp tài chính.

Người ta có nhiều lý do để phản bác lại thành ngữ đáng buồn mà các nhà khoa học chọn cho năm 2007, nhưng điều đáng suy ngẫm nữa là họ chấp nhận. Chấp nhận tiếng nói trái chiều, chấp nhận thái độ của người dân. Chấp nhận và biết xấu hổ. “Tri sỉ cận dũng hồ”, biết xấu hổ là có dũng khí. Có dũng khí ấy, có sự cởi mở, sòng phẳng ấy chứng tỏ Hàn Quốc đang lớn mạnh, Hàn Quốc sẽ còn tiến những bước dài…

Nếu chọn một thành ngữ cho năm 2007 của Việt Nam mình,các bạn sẽ chọn thành ngữ nào?

--> Read more..

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2007

Một tin vui về Hồ Gươm

Mấy entry trước làm các bạn buồn lòng, tự cảm thấy áy náy, chỉ mong có tin vui để chuyển đến các bạn. Tìm mãi, có tin "Tạm dừng chuyển trụ sở Điện lực Hà Nội, Cty Điện lực I" trên báo TP, đáng quan tâm, xin chuyển ngay đến các bạn.

Rõ ràng, sự phản đối của các nhà khoa học, các kiến trúc sư và dư luận đã khiến một sự án mang tính "cưỡng hiếp" Hồ Gươm thiêng liêng, mơ mộng của Hà Nội đựơc tạm dừng. Tôi tin tưởng rằng Chính phủ sẽ không phê chuẩn dự án làm ăn này của các nhà kinh doanh điện.

EVN “tiền trảm, hậu tấu”

Ngày 21/12/2007, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng GĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký văn bản số 6833 gửi Cty Điện lực 1, Cty Điện lực Hà Nội và Văn phòng EVN nêu rõ:

EVN đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng Trung tâm tài chính thương mại Điện lực.

Trong thời gian chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam yêu cầu Văn phòng Tập đoàn, Cty Điện lực 1 và Cty Điện lực Hà Nội tạm dừng triển khai các công việc liên quan tới kế hoạch chuyển trụ sở làm việc.

Sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn sẽ có thông báo đến các đơn vị để thực hiện.

Dự án Trung tâm Tài chính thương mại Điện lực của EVN được dự kiến xây dựng tại 69 Đinh Tiên Hoàng – Hà Nội. Nhiều nhà kinh tế, kiến trúc sư, nhà văn hóa… đã bức xúc lên tiếng phản đối dự án.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc một số cơ quan chức năng cho phép dự án được triển khai với các chỉ tiêu về quy hoạch kiến trúc sai lệch với quy hoạch chi tiết của khu vực Hồ Gươm đã được phê duyệt là vi phạm pháp luật.

Đặc biệt, chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận dự án mà EVN đã có nhiều văn bản thúc ép các đơn vị có trụ sở tại 69 Đinh Tiên Hoàng phải chuyển trụ sở là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật. Việc ra thông báo 6833 ngày 21/12/2007 của EVN càng thấy cách làm “tiền trảm, hậu tấu”.

Trong khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự án, EVN đã tổ chức thi phương án thiết kế, họp bàn việc phá dỡ trụ sở cũ và xúc tiến thuê trụ sở làm việc mới, làm hàng ngàn người lao động hoang mang… Dư luận đang trông đợi vào quyết định sáng suốt của Thủ tướng Chính phủ.

--> Read more..

Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2007

"Săn đầu người"

Đầu là tài sản quý giá nhất

-Tôi thấy thằng cháu đọc báo nói đến chuyện “Săn đầu người” trong xã hội hiện nay mà rùng cả mình. Ghê rợn thế chú nhỉ?

- Đấy là thuật ngữ kinh tế chứ không phải săn đầu người kiểu các bộ lạc da đỏ trong sách vở, giết người rồi chặt lấy sọ về khoe chiến tích đâu, bác ạ.

-Nghiã là sao?

- Trên Tạp chí Fortune có bài viết về vấn đề này. Em mời bác nghe một ví dụ. Đất nước Ả-rập Xê-út chiếm 25% trữ lượng dầu lửa của thế giới, nhưng Quốc vương Abdullah vẫn hiểu rằng tương lai của đất nước này chắc chắn không thể chỉ là dầu lửa.

-Người ta gây chiến tranh cũng vì dầu lửa mà lại bảo dầu lửa không phải tài sản lớn nhất là sao nhỉ?

-Bác nghe em nói tiếp đã. Vì thế ông vua này đã dành đến 12,5 tỷ đôla để thành lập một trường Đại học chuyên vào lĩnh vực nghiên cứu Công nghệ và Khoa học với tham vọng là xây dựng được một trường tầm cỡ như Học viện Công nghệ Massachusetts, được thành lập cách đây 142 năm ở Mỹ .

-Tôi hiểu rồi, chất xám. Chất xám mới là tài sản lớn nhất.

-Đúng thế ạ. Liên minh Châu Âu mới đề xuất những qui định mới để thu hút nhân tài . Nếu ai chứng minh được năng lực và đạt được thỏa thuận lao động, ngay lập tức sẽ được EU cấp thị thực trong vòng 2 năm.

-Họ “săn đầu người” đó phải không chú?

-Rất đúng ạ. Trước đây, đã có thời kỳ, chỉ có Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản được coi là những đối thủ cạnh tranh trong việc tuyển nguồn nhân lực. Nhưng giờ đây, rất nhiều quốc gia tham chiến vào cuộc tìm kiếm nguồn nhân lực giỏi và họ đưa ra những lời đề nghị hấp dẫn như nhau.

- Thế mới biết tớ lạc hậu quá.

- Bác về hưu, phụ với vợ bán phở thì không quan tâm đến chuyện này cũng là thường thôi, không lạc hậu đâu. Chuyện này của các nhà lãnh đạo, các chủ doanh nghiệp.

-Chú coi thường nghề bán phở nhỉ. Tôi đang tìm cách câu tay kỹ thuật bên Phở Tư Mít có tay nghề tuyệt hảo, chính tông Nam Định, về làm cho nhà tôi đấy.

-Bác ghê thật, thuật ngữ không biết mà áp dụng ra trò.

-Chuyện ấy ai mà chả biết. Mấy tay thợ xây nó cũng thế, cuối năm hiếm thợ, nên các tay chủ thầu tranh nhau trả tăng thêm tiền để kéo thợ giỏi của thằng khác về làm cho mình kia kìa. Chỉ có điều họ không gọi bằng cái tên rùng rợn đấy thôi.

- Thế mới biết em thua các bác thật…
--> Read more..

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2007

Phải mềm dẻo với Trung Quốc

Tượng đài Anh hùng dân tộc Quang Trung, người đã đại phá 20 vạn quân Thanh

Cụ Huỳnh Thúc Kháng, trong báo Tiếng Dân, xuất bản ngày 23-7-1938 đã ghi lại các tài liệu, các dấu tích về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó có đoạn viết "Vấn đề "quốc tịch đảo Tây Sa" này, nếu trên sân khấu quốc tế, nhận chủ quyền sở hữu của những ai chiếm trước và có tài liệu làm chứng hẳn hoi, như luật điền thổ, khai tài, khai lập nghiệp ở xa, bằng theo lộ tịch và phân thư chúc từ của tiền nhân để lại, tưởng không có nước nào có chứng cứ đầy đủ như nước ta."

Ngay tài liệu của chính người Trung Quốc như Hải Ngoại Ký Sự của Thích Đại Sán đã cho biết Chúa Nguyễn sai thuyền khai thác các sản vật từ các tàu bị đắm ở Vạn Lý Trường Sa, tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Các tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đã xuất hiện liên tục qua các đời: từ đầu thời Chúa Nguyễn (tức đầu thế kỷ XVII), sang thời Tây Sơn rồi tới triều Nguyễn (từ vua Gia Long), Việt Nam có khoảng gần 30 tư liệu các loại, đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam hết sức rõ ràng.

Như vậy, Hoàng Sa và Trường Sa đã được tổ tiên chúng ta khẳng định chủ quyền. Việc Trung Quốc coi đó là lãnh thổ của họ khiến mỗi người dân Việt Nam đều cảm thấy bị xúc phạm, nhiều blogger đã bày tỏ nhiệt tình sẵn sàng nhập ngũ để bảo vệ Tổ Quốc; có người nhắc đến chiến tranh; có người kể những mối thù lâu đời giữa ta và phong kiến phương Bắc…Thật là những bầu máu nóng của con Hồng cháu Lạc!

Tuy vậy, bình tĩnh xét lại mới thấy, gây ra cuộc chiến thì hiểm hoạ khôn lường, mà ta là nước nhỏ chắc chắn sẽ chịu thiệt thòi. Dẫu có chiến thắng nhất thời thì về lâu dài vẫn thua thiệt.

Có người nói vui, giả sử đánh nhau họ xin thua, hôm đầu họ dẫn một trung đoàn sang hàng; hôm sau một sư đoàn, hôm sau nữa một Quân đoàn sang hàng thì ta có lo nổi cơm ăn , nước uống cho đám hàng binh khổng lồ ấy không?! Đông người có thế mạnh đặc biệt như vậy đấy.

Ta tự hào đánh thắng nhiều đế quốc, nhưng Thái Lan tự hào là không phải đánh nhau với đế quốc nào cả. Ta có thể học được bài học nào từ Thái Lan chăng?!

Trở lại vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, trước hết chúng ta phải đấu tranh bằng con đường đàm phán, có lý lẽ vì “khôn không qua lẽ, khoẻ không qua lời”. Thứ hai là tìm ngay một đối tác đủ mạnh làm đối trọng với Trung Quốc, có thể qua hợp đồng khai thác thềm lục địa để họ giúp ta bảo vệ lãnh thổ. Thứ ba là tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế…Làm được như vậy thì hay hơn việc phải cầm súng.

Người Việt chúng ta có truyền thống anh hùng, không sợ hy sinh để chống giặc ngoại xâm, nhưng chúng ta cũng là dân tộc mềm dẻo, “lạt mềm buộc chặt”, xin hãy phát huy tính mềm dẻo ấy và biết kiềm chế.

“Quốc gia hưng vong sất phu hữu trách” nên lạm bàn vài lời, mong các bạn bàn bạc xem sao…

--> Read more..

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2007

"Bên nhau trọn đời"


" Từng có người hỏi tôi, định nói gì trong cuốn sách? Thực ra ban đầu khi viết, tôi đơn thuần muốn kể một câu chuyện, không nghĩ nhiều như vậy. Nhưng người ta hỏi nghiêm túc, tôi cũng phải nghiêm túc trả lời. Tôi nghĩ câu trả lời thế này: Có bao nhiêu chuyện tình trong cuộc đời nhưng hạnh phúc nhất vẫn là được nắm tay nhau đến đầu bạc răng long. Điều mà " Bên nhau trọn đời" muốn nói, chính là hạnh phúc đó. Đó là tâm sự của Cổ Mạn (tác giả) muốn gửi đến chúng ta qua cuốn tiểu thuyết " Bên nhau trọn đời".

Hôm qua, máy tính hỏng nên mới có thời gian đọc hết cuốn tiểu thuyết thuộc dòng văn học mạng" Bên nhau trọn đời" của Cố Mạn- Trung Quốc. Nhan đề của cuốn sách hơi sến nhưng khi đọc thì thấy thật hấp dẫn. Người đọc bị cuốn ngay vào mạch chuyện. Những tình tiết éo le, hiểu lầm vốn có của bất kỳ mối tình nào được Cố Mạn xử lý khéo léo...Nhưng đọng lại trong tâm trí người đọc là một nỗi buồn man mác, sau lắng, mặc dù tiểu thuyết có hậu.

Đã biết bao lần chúng ta cũng từng mắc phải những hiểu lầm, những nóng giận do tự ái, do kiêu ngạo để làm mang lại nỗi buồn đau cho nhau, như những vết thương lòng, trong khi cuộc đời vốn đã quá nhiều đau khổ.

Giá như chúng ta biết lắng nghe, biết cảm thông chia sẻ, biết dẹp bỏ tự ái của mình, biết tôn trọng sự "tôn nghiêm" của bạn thì cuộc đời có lẽ bớt khổ đau hơn...

"Bên nhau trọn đời'" không phải một tác phẩm xuất sắc nhưng đọc được.

--> Read more..

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2007

Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974 như thế nào?

Hải chiến Hoàng Sa 1974

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Hải chiến Hoàng SaTham chiếnChỉ huyLực lượngThương vong

Sơ đồ diễn biến trận hải chiến
Trung Quốc VNCH
Không rõ Đô đốc Lâm Ngươn Tánh
2 tảo lôi hạm
4 liệp tiềm đỉnh loại Krondstadt
2 chiến hạm chở quân cùng 4 tiểu đoàn thủy quân lục chiến
2 tuần dương hạm
1 hộ tống hạm
1 khu trục hạm
1 đại đội hải kích
1 nhóm biệt kích quân
1 trung đội quân địa phương
4 tàu bị hư hại nặng
18 thủy thủ
Thương vong lính thủy không rõ
1 hộ tống hạm chìm
hơn 40 thủy thủ
16 người bị thương
48 tù binh

Hải chiến Hoàng Sa là một trận chiến giữa Hải quân VNCH và Hải quân Trung Quốc từ 17 đến 19-1 năm 1974 trên quần đảo Hoàng Sa. Sau khi Pháp rút khỏi Đông dương, VNCH đã thu hồi chủ quyền toàn bộ quần đảo này từ chính phủ bảo hộ Pháp nhưng một phần quần đảo đã bị CHND Trung Hoa cho quân ra chiếm giữ khi người Pháp rút đi, Việt Nam Cộng hòa chỉ chiếm giữ và thực hiện chủ quyền được một phần quần đảo cho đến khi cuộc hải chiến xảy ra. Sau trận chiến, Trung Quốc đã chiếm đóng toàn bộ quần đảo cho đến nay.

//

Bối cảnh

Quần đảo Hoàng Sa gồm hai nhóm đảo, nhóm đảo mà Việt Nam Cộng hòa bảo vệ và thực hiện được chủ quyền là nhóm Nguyệt Thiềm hay Trăng Khuyết (Crescent group) và nhóm Bắc đảo hay An Vĩnh/Tuyên Đức (Amphitrite group). Dưới thời Việt Nam Cộng hòa đã có đài khí tượng do Pháp xây, trực thuộc ty khí tượng Đà nẵng và được bảo vệ bởi một tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến

Năm 1956, Hải quân Trung Quốc chiếm đóng đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc nhóm Bắc đảo.

Năm 1958 , Trung Quốc cho công bố bản Tuyên ngôn Lãnh hải 4 điểm, trong đó có tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc bao gồm các đảo Đài Loan, Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam) và Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam), đảo Macclesfield (Trung Sa), quần đảo Bành Hồ (Pescadores).

Vào giai đoạn này, Trung Quốc vẫn là đồng minh hậu thuẫn cho VNDCCH tiến hành cuộc Chiến tranh VN chống lại Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ.

Ngày 22-9 năm 1958, báo Nhân Dân đăng công hàm của Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Trung Quốc , ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày4-9 năm 1958 của chính phủ Trung Quốc quyết định về hải phận.

Năm 1961, chính phủ Việt Nam Cộng hòa ban hành sắc lệnh khẳng định chủ quyền Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam của Việt Nam Cộng hòa.

Trong thời gian 1964-1970, Hải quân Trung Quốc và Hải quân Việt Nam Cộng hòa chạm súng liên tục trên hải phận Hoàng Sa, nhưng không đưa đến thương vong[3]. Trong thời điểm đó, Việt Nam Cộng hòa cũng thiết lập một sân bay nhỏ tại đảo Hoàng Sa.

Năm 1970 Hoa Kỳ và Nhật bản ký Hiệp ước trao trả Okinawa (Okinawa Reversion Treaty) trao trả quần đảo Điếu Ngư (Diaoyu) của Nhật) về dưới chủ quyền của Nhật Bản với sự phản đối của Đài Loan và Trung Quốc; và cùng năm Đô đốcElmo Zưmưalt, cựu Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ họp báo tuyên bố tại Guam rằng Hoàng Sa và Trường Sa không nằm trong chiến lược triển khai các hải đảo tiền đồn của Hạm đội 7 Hoa Kỳ. Theo nhận định của Hải quân Việt Nam Cộng hòa thì đây là sự kiện trao đổi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và là nguy cơ cho Việt Nam Cộng hòa trong việc bảo vệ Hoàng Sa.

Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16)
Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16)

Năm 1971, Hải quân Trung Quốc và Hải quân Việt Nam Cộng hòa tiếp tục chạm súng trên hải phận Hoàng Sa. Những năm cuối của cuộc Chiến tranh Việt Nam, vì nhu cầu chiến trường, tiểu đoàn thủy quân lục chiến của Việt Nam Cộng hòa tại Hoàng Sa được đưa vào đất liền, chỉ còn một trung đội đại phương quân trấn giữ nhóm Nguyệt Thiềm.

Năm 1973, với Hiệp định Paris Hoa Kỳ và Đệ thất Hạm đội sau khi rút quân và thiết bị của Hoa Kỳ ra khỏi quần đảo Hoàng Sa. Như vậy Hoa Kỳ đã xem việc bảo vệ quần đảo này là việc riêng của Việt Nam Cộng hòa.

Năm 1974 Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa quyết định thiết lập một phi trường trên đảo Hoàng Sa có khả năng chuyên chở vận tải cơ hạng nặng để chuyển quân nhanh ra nhóm Nguyệt Thiềm. Khi một phái đoàn của quân lực VNCH thăm dò một số đảo Hoàng Sa trong việc chuẩn bị thiết lập phi trường nói trên thì khám phá ra sự hiện diện của Hải quân Trung Quốc, và giao tranh xảy ra sau đó.

Tương quan lực lượng

Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4)
Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4)

Diễn tiến

Ngày 16-1 năm 1974 , Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt sau khi đưa một phái đoàn của Quân lực Việt Nam Cộng hòa thăm dò một số đảo Hoàng Sa phát hiện hai chiến hạm số 402 và số 407 của Hải quân Trung Quốc gần Cam Tuyền, và phát hiện quân Trung Quốc chiếm đóng hoặc cắm cờ Trung Quốc tại các đảo Quang Hoà, Duy Lạc.
Poster của Trung Quốc nói về trận chiến ở Hoàng Sa
Poster của Trung Quốc nói về trận chiến ở Hoàng Sa

Sau khi cấp báo về Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải tại Đà nẵng , HQ-16 dùng quang hiệu yêu cầu các chiến hạm Trung Quốc rời lãnh hải Việt Nam. Các chiến hạm Trung Quốc không rời vùng, và cũng dùng quang hiệu yêu cầu phía Việt Nam Cộng hòa rời lãnh hải Trung Quốc.

Ngày 17-1 năm 1974, Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) đến Hoàng Sa đổ bộ một toán biệt hải và một đội hải kích xuống Cam Tuyền để nhổ cờ Trung Quốc. Sau đó các chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa rút trở lên tàu. Cùng trong ngày Liệp tiềm đĩnh số 274 và Liệp tiềm đĩnh số 271 của Trung Quốc xuất hiện.

Ngày 18-11 năm 1974,Đề đốc Lâm Ngươn Tánh, Tư lệnh phó Hải quân Việt Nam Cộng hòa bay ra Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải tại Đà Nẵng để trực tiếp chỉ huy trận đánh. Ông ban hành lệnh hành quân Hoàng Sa 1 nhằm chiếm lại các đảo Cam Tuyền, Quang Hòa, Duy Mộng, Vĩnh Lạc. Lực lượng hành quân Hoàng Sa 1 được tăng cường thêm Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) làm soái hạm cho cuộc hành quân, và Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10). Do hải hành lâu ngày chưa kịp tu bổ, HQ-10 tham chiến với một máy bất khiển dụng, chỉ còn một máy hoạt động.

Ngày 19-11 năm 1974, các nhóm biệt hải và hải kích của Việt Nam Cộng hòa từ HQ-5 đổ quân lên mặt Nam đảo Quang Hòa, Hải quân Trung Quốc đổ quân xuống mặt Bắc đảo. Hai bên giao tranh và phía Việt Nam Cộng hòa có 3 chết và 2 bị thương. Do quân Trung Quốc quá đông, quân Việt Nam Cộng hòa rút trở lên HQ-5.

Ngay sau đó chiến hạm hai bên triển khai đội hình gần đảo Quang Hòa và chiến hạm Việt Nam Cộng hòa khai hỏa trước. Hai bên chạm súng từ 30 đến 45 phút, cùng thời điểm đó Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa nhận được thông báo của Văn phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ (DAO) tại Sài Gòn cho biết rada Đệ thất Hạm đội ghi nhận một số phóng lôi hạm (guided missile frigate) và chiến đấu cơ MIG từ Hải Nam đang tiến về phía Hoàng Sa. Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa sau đó yêu cầu Đệ thất Hạm đội trợ giúp, nhưng không thành công. Các chiến hạm Việt Nam Cộng hòa được lệnh rút bỏ quần đảo Hoàng Sa[.

Kết quả

Theo tài liệu của Việt Nam Cộng hòa thì 274 trúng đạn, tay lái bất khiển dụng phải ủi vào bãi san hô để thủy thủ đoàn đào thoát, 271 hoặc 389 bị chìm tại trận, và 389 và 391 bị hư hại nặng. HQ-10 trúng đạn vào pháo tháp bị chìm tại trận, HQ-16 bị hư hại nặng nghiêng 15 độ, HQ-5 và HQ-4 bị hư nhẹ. Gần 50 thủy thủ và hạm trưởng Nguỵ Văn Thà của HQ-10 tử vong. Ngoài ra HQ-5 có 3 quân nhân tử vong và 16 bị thương. Hai ngày sau trận hải chiến, ngày 20-11 tàu chở dầu Hà lan "Kopionella" vớt được 23 người thuộc thủy thủ đoàn của HQ-10 đang trôi dạt trên biển. Đến mười ngày sau, ngày 29-1 ngư dân Việt Nam vớt được một toán quân nhân Việt Nam Cộng hòa gần Mũi Yên, Quy Nhơn gồm 1 sĩ quan, 2 hạ sĩ quan và 12 quân nhân thuộc lực lượng đổ bộ lên Quang Hoà đã dùng bè vượt thoát đảo sau trận hải chiến.

Theo tài liệu của Trung Quốc thì 274, 271, 389, 391 đều trúng đạn, 281, 282 và 402, 407 bị hư hại trung bình, HQ-10 bị chìm tại trận. Trung Quốc bắt giữ 48 tù binh, trong đó có một người Mỹ. Trung Quốc có trao trả tù binh sau đó tại Hôngkông qua Hội chữ thập đỏ.Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ thời điểm này. Sau trận chiến, Việt Nam Cộng hòa đã ra nhiều tuyên bố cũng như trưng ra các chứng cớ lịch sử về chủ quyền của mình[ và đã được Chính phủ Pháp ủng hộ vì trước đây theo Hoà ước Pháp Thanh thì người Pháp đã thực hiện chủ quyền ở quần đảo này. Tuy nhiên, Trung Quốc đã cho đập phá các bia chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, đào các mộ của người Việt đã chôn ở đây, xóa các di tích lịch sử của người Việt.

Phản ứng trước vụ việc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ tuyên bố rằng "các nước liên quan nên giải quyết mâu thuẫn bằng đàm phán trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, và quan hệ láng giềng". Họ đã không thể làm gì hơn, do tại thời điểm giữa cuộc chiến tranh đó, họ vẫn cần đến viện trợ quân sự và kinh tế của Trung Quốc. Ngay sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc này đã gây ra sự bất bình lớn của Trung Quốc và bắt đầu một thời kì quan hệ căng thẳng giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Nhà nước CHXHCN VN hiện nay vẫn khẳng định chủ quyền hợp pháp đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và vùng lãnh hải liên quan trên biển Đông.

--> Read more..

Hãy đòi lại Hoàng Sa của chúng ta

GS. Tương Lai có bài "Lời nói phải đi đôi với việc làm" đăng trên Thanh niên để phản đối việc Trung Quốc tranh chiếm Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu của chúng ta. Mong mọi người đồng cảm và lên tiếng để bảo vệ đất đai thiêng liêng của Tổ tiên truyền lại...
Mối tình hữu nghị "núi liền núi, sông liền sông" giữa Việt Nam và Trung Quốc là báu vật trời cho của nhân dân hai nước. Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự giúp đỡ quý báu của nhân dân Trung Quốc trong hai cuộc kháng chiến, đánh sụp chủ nghĩa thực dân cũ và thực dân mới, góp phần đẩy tới phong trào giải phóng dân tộc, làm tan rã hệ thống thuộc địa, củng cố vững chắc vai trò và vị thế của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong một bối cảnh của thế giới mới.

Máu xương của nhiều thế hệ Việt Nam đổ ra cho sự nghiệp giải phóng dân tộc mình, cũng trực tiếp góp phần vào sự nghiệp chung chống thực dân, đế quốc làm sụp đổ hệ thống thuộc địa, giành quỵền độc lập tự chủ của nhiều quốc gia. Vì vậy, nhân dân Việt Nam càng trân trọng những "chữ vàng" mà phía Trung Quốc thường trang trọng nhắc đến mỗi khi cần nói đến mối quan hệ Việt Trung.

Đáng tiếc là việc làm vừa rồi của Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam trực tiếp quản lý ba quần đảo, trong đó gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa, lãnh thổ bất khả xâm phạm của Việt Nam. Việc làm ngang ngược này đã trực tiếp làm hoen ố những chữ vàng thường được nói đến trên kia.

Nhân dân Việt Nam vốn trân trọng lời răn của Khổng Tử: "Tiên hành kỳ ngôn, nhi hậu tòng chi", tạm dịch là "làm trước điều mình muốn nói, rồi sau hãy nói" (Luận Ngữ, thiên Vi Chính). Chính vì vậy, việc làm của Quốc vụ viện Trung Quốc khiến người Việt Nam nhớ đến, cũng lời răn của Khổng Tử: "Thị khả nhẫn dã, thục bất khả nhẫn dã", tạm dịch là "Việc ấy nhẫn tâm làm được thì việc gì mà không nhẫn tâm làm được" (Luận Ngữ, thiên Bát Dật), điều mà đức Khổng Tử thường lên án: "Xảo ngôn, lệnh sắc, tiển hỉ nhân", tạm dịch là "nói năng khéo léo, nét mặt vờ niềm nở, hạng người đó ít lòng nhân" (Luận Ngữ, thiên Học Nhi). Chính vì vậy, chúng ta tin rằng nhân dân Trung Quốc vĩ đại, một nhân dân có bản lĩnh "hoành mi lãnh đối thiên phu chỉ", (trợn mắt coi khinh ngàn lực sĩ) như đại văn hào Lỗ Tấn viết, cũng sẽ không tán đồng với việc làm thiếu cân nhắc nói trên.

Trong thời đại toàn cầu hóa, khi mà ngôi làng toàn cầu đã trở nên gần gũi và nhỏ hẹp, nhất cử nhất động, mỗi việc làm của một quốc gia, lập tức được toàn thế giới biết đến. Chỉ việc thiếu nhà giam, Brazil giam chung nữ tù nhân với nam tù nhân lập tức bị Ủy ban Nhân quyền quốc tế đến tận nơi điều tra. Chỉ một con tin người Pháp Ingrid Betancourt trong số 45 con tin do FARC ("quân đội cách mạng" Colombia) giam giữ khiến Tổng thống Pháp đang được yêu cầu làm trung gian hòa giải sau khi vai trò hòa giải của Tổng thống Venezuela chấm dứt. Vậy thì, chuyện chiếm giữ lãnh thổ bất khả xâm phạm của nước láng giềng thì tránh sao được sự phê phán của dư luận thế giới.

Là một cường quốc, thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, vị thế của Trung Quốc trong khu vực và trên trường quốc tế đang cần có một diện mạo thân thiện. Vừa qua, chỉ một chuyện mặt hàng đồ chơi Trung Quốc bị tẩy chay vì vi phạm tiêu chuẩn chất lượng, Chính phủ Trung Quốc đã lập tức có chính sách rất nghiêm túc và sòng phẳng đối với các nhà sản xuất trong nước, nhằm lấy lại uy tín của thương hiệu Trung Quốc. Điều này nói lên nhân dân Trung Quốc rất coi trọng chữ tín. Việc bất chấp sự thật lịch sử về chủ quyền của một nước, ngang nhiên đưa Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào một huyện của mình, điều ấy sẽ khiến cho Trung Quốc hiện diện trước thế giới như thế nào đây?

Nhân dân Việt Nam có thể quên đi sắc chỉ của Minh Thành tổ ngày 21.8.1406 gửi viên tướng viễn chinh Chu Năng "...một khi binh lính vào nước Nam, trừ các sách vở và bản in đạo Phật, đạo Lão thì không tiêu hủy, ngoài ra, hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến những loại ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ nhỏ, loại sách có câu thượng đại nhân, khưu ất kỷ… một mảnh, một chữ đều phải đốt hết. Khắp trong nước, phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều gìn giữ cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy tất cả, một chữ chớ để còn...". Có thể quên vì đó là chính sách thông thường của các triều đại phong kiến, khi nhà Thanh thiết lập nền thống trị lên đất nước Trung Hoa, thì điều ấy cũng đã diễn ra ngay trên đất nước của Minh Thành tổ, ông vua đã ban ra chỉ dụ kia!

Bằng bản lĩnh quật khởi vốn là truyền thống của dân tộc, nhân dân ta trân trọng nền văn hóa có bề dày lịch sử hàng nghìn năm của nước Trung Hoa vĩ đại, trong quá trình tiếp biến văn hóa, những tinh hoa của nền văn hóa ấy cũng đã làm phong phú thêm nền văn hóa của ta, âm mưu hủy diệt văn hóa của các triều đại phong kiến xâm lược không thể nào tận diệt được. Ngược lại, nó càng nung nấu và sục sôi tinh thần dân tộc gắn liền với ý chí độc lập của con người Việt Nam.

Tinh thần dân tộc là cội nguồn của sức mạnh Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam. Mỗi khi nền độc lập của đất nước bị uy hiếp thì chủ nghĩa dân tộc ấy lại bùng phát mãnh liệt "nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước" (*) như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định.

Hy vọng rằng, trong bối cảnh mới của thế giới bước vào kỷ nguyên của thế kỷ XXI với xu thế hòa bình và hợp tác, ý chí và tinh thần dân tộc của Việt Nam bắt gặp được ý chí và nguyện vọng hòa bình của nhân dân Trung Quốc, lời nói đi đôi với việc làm, cùng nhau tôn trọng những chữ vàng hữu nghị để trong vị thế địa-chính trị chiến lược núi liền núi, sông liền sông cùng nhau sánh bước đi lên trong đời sống hòa bình và phát triển của khu vực Đông Nam Á, châu Á và cả thế giới.

--> Read more..

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2007

Ba nhà thơ rủ nhau về cõi mộng

Nhà thơ Phạm Tiến Duật, tác giả của những vần thơ gắn liền với thời lửa đạn chống Mỹ, với Trường Sơn, đã trút hơi thở cuối cùng sáng 4-12. Trước đó dăm ngày nhà thơ Vũ Cao của bài Núi đôi “Bảy năm về trước em mười bảy/ Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng/ Xuân Dục- Đoài Đông hai cánh lúa/ Bữa thì anh tới bữa em sang” và nhà thơ Chính Hữu, tác giả của những bài thơ chắt lọc như Đồng chí “ Ruộng nương anh gửi bạn thân cày/ Gian nhà không để mặc gió đông lay/ Giếng nước gốc đa nhớ người trai làng ra lính” , như Ngọn đèn đứng gác “Nhưng ngọn đèn không bao giờ tắt/ Như những tâm hồn không bao giờ nhắm mắt”... cũng rủ nhau về cõi mộng.

Phạm Tiến Duật đại diện tiêu biểu cho thế hệ nhà thơ chống Mỹ đã mang cái hào sảng từ thế hệ các nhà thơ chống Pháp như Quang Dũng, Hữu Loan, Chính Hữu, Vũ Cao... vào cuộc chiến với hơi thở mới mẻ, mạnh mẽ:” Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn / Hai đứa ở hai đầu xa thẳm/ Đường ra trận mùa này đẹp lắm / Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây...

Trong bài "Phạm Tiến Duật : Người đi lạc trong hòa bình" nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết: "Tôi nhớ mãi một câu chuyện về những người lính giữ chốt trên một quả đồi ven đường mòn Hồ Chí Minh trong chiến tranh. Họ bị bao vây. Những đơn vị ở bên ngoài không thể nào tìm cách tiếp cận được họ ngoài hệ thống liên lạc bằng điện đài. Khi cấp trên hỏi họ cần gì thì họ trả lời: "Chúng tôi cần thơ Phạm Tiến Duật" Những người lính trên điểm chốt ấy biết rằng có thể tất cả họ sẽ hy sinh. Cái cần nhất lúc đó đối với họ không phải là thức ăn, nước uống. Cái cần nhất đối với họ trước cái chết là một bài ca của sự sống vang lên đôi lúc như một bản thánh kinh. Thơ của Phạm Tiến Duật không phải là thánh kinh. Nhưng nó là một điều gì đó kì lạ của thời điểm ấy. Một bộ phận được phân công chuyển thơ Phạm Tiến Duật lên điểm chốt đó. Bộ phận này đã tháo thuốc nổ trong một đầu đạn súng cối và cho thơ Phạm Tiến Duật vào rồi bắn lên chốt. Đấy là một chuyện có thật. Nhưng khi được kể lại, nó đã trở thành huyền thoại. Câu chuyện đó là một hiện thực huyền thoại. Đấy là một hiện thực chứa đựng sự kì diệu lộng lẫy của thi ca và đời sống của tinh thần con người ở bất cứ nơi nào trên thế gian này".

Xin được nghiêng mình tiễn đưa các nhà thơ:

"Đầu súng trăng treo"

"Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo"

Các thi sĩ mang pháo thơ lên "đỉnh núi"

"Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm"...

--> Read more..

Phụ nữ VN khác phụ nữ Pháp không?

Một phái đoàn phụ nữ Việt Nam sang Pháp dự hội nghị (không biết có Mây N ở đó không?). Trưởng đoàn Pháp hỏi trưởng bà trưởng đoàn Việt Nam:

-Ở Việt Nam thì người phụ nữ thế nào được coi là hạnh phúc?

-Đó là người phụ nữ có chồng và có con.

- Chúng tôi cho rằng người phụ nữ hạnh phúc phải là người có chồng và có bồ.

-Có chồng lại còn có bồ thì người Việt Nam chúng tôi gọi đó là đàn bà bỏ đi.

-Đàn bà bỏ đi là người không có chồng mà cũng không có bồ.

-Ở Việt Nam những người không có chồng, không có bồ là những phụ nữ cô đơn...

-Ở bên Pháp thì phụ nữ cô đơn là người chỉ có chồng mà không có bồ.

Hai vị còn nói với nhau nhiều lắm nhưng tớ không kịp ghi hết. Ai biết bổ sung dùm nha.

--> Read more..

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2007

Chỉ số phát triển con người của ta tăng 4 bậc?!

Báo cáo “Phát triển con người” 2007-2008 của UNDP công bố chỉ số phát triển con người (HDI) của nước ta tăng 4 bậc, ở vào vị trí 105/177. Từ năm 1990, khi Báo cáo Phát triển con người ra đời đến nay, vị trí của Việt Nam vể chỉ số HDI liên tục được cải thiện, đó là một cố gắng lớn của chúng ta. Những tiến bộ được “chỉ số hóa” dễ tạo ra được những động viên kịp thời. Những con số luôn biết nói, đó là thành tựu của công nghệ tính toán, một công cụ của thời đại “số hóa”, thời đại @.

Trước thềm của Hội nghị cấp cao của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu diễn ra từ 3 đến 14.12.2007 tại Bali (Indonesia), Báo cáo của UNDP tập trung vào chủ đề về hiểm họa của sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Với nước ta, báo cáo cho rằng “trong 15 năm qua, Việt Nam đã có tiến bộ vượt bậc về phát triển con người... Tuy vậy, biến đổi khí hậu gây ra mối đe dọa thật sự đối với những thành tựu này...”. Báo cáo của UNDP nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu làm xói mòn thành tựu của Việt Nam: “Việt Nam sẽ là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu khi mực nước biển dâng”. Báo cáo cho rằng, mức độ nguy hiểm của biến đổi khí hậu tùy vào việc nó gây nguy hiểm cho ai và ở đâu. “Viễn cảnh biến đổi khí hậu làm tăng mực nước biển có thể được người dân London hoặc vùng hạ Manhattan bình thản đón nhận do họ có hệ thống đê bao kiên cố, nhưng đối với những nơi như Bangladesh, đồng bằng sông Cửu Long tại Việt Nam, hoàn toàn có cơ sở cho rằng đây là mối hiểm họa đáng lo ngại”.


Cảnh báo ấy có thể tính ra bằng những thống kê, chuyển thành những chỉ số rất sống động. Quả thật đây là một cảnh báo có ý nghĩa chiến lược sống còn với đất nước ta, một bán đảo với hơn 3.260km bờ biển. Để chống lại sự xói mòn những thành tựu của phát triển con người do biến đổi khí hậu, UNDP đã khuyến cáo việc xây dựng một chiến lược toàn diện, huy động mọi nguồn lực tài chính từ ODA tới vốn trong nước để đáp ứng nhu cầu đối phó với biến đổi khí hậu. Quả thật, nếu không ngay từ bây giờ, với một nhận thức đầy đủ về hiểm họa nước biển dâng cao do sự biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra có tác động trực tiếp đến cuộc sống của hàng chục triệu người, để kịp thời vạch ra một chiến lược quốc gia nhằm chủ động đối phó với hiểm họa nhỡn tiền đó thì sẽ là quá muộn.


Đồng thời cũng sẽ là quá muộn đối với một hiểm họa khác có sức xói mòn thành tựu về “Phát triển con người Việt Nam trong thế kỷ XXI”. Những tác động xói mòn này không thể quy thành con số để hiện hình lên thành chỉ số như chỉ số HDI, mặc dầu chúng liên quan hết sức mật thiết đến cuộc sống con người, đến mối quan hệ giữa người và người. Thậm chí, lại là nhân tố quyết định sự phát triển con người, đó là đạo lý xã hội, lương tâm con người. Chỉ xin gợi lên vài sự kiện:


... Chẳng hạn chuyện vừa có quyết định khởi tố bắt tạm giam bốn tháng chờ ngày xét xử nguyên chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự phường và các dân quân trong vụ dùng nhục hình tra tấn các cháu học sinh lớp 9, theo đơn đặt hàng của Hiệu phó Trường PTTH Trần Phú, quận 10, TP Hồ Chí Minh. ..

Cũng như vậy, những hành vi của “mẹ nuôi” dùng búa để dạy con ở Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh; Vợ chồng chủ quán phở tra tấn, đánh vào chỗ kín của cô gái suốt bao nhiêu năm tại phường Nhân Chính ở Thủ đô Hà Nội; Rồi hành vi bạo liệt, nhục hình của bọn “xã hội đen” gây ra cho 2 cô gái nhưng lại được bao che ở Quảng Ninh; Và lá thư tuyệt mệnh xin lỗi bố mẹ của cháu học sinh 9 tuổi nọ ở Đăk Lăk đã tự tử vì bị truy bức là ăn cắp... thì làm sao “số hóa” được trong thời đại @ này, để chuyển thành chỉ số góp vào thống kê về sự “phát triển con người” đây.


Càng không thể chỉ số hóa lời giải thích tỉnh queo về nỗi nhục hình học trò phải chịu của thầy giáo Hiệu phó Trường THCS Trần Phú ở Quận 10 TP Hồ Chí Minh: “Đơn giản thôi, có một dân quân báo cho tôi biết là các học sinh này hay đánh nhau”. Chỉ số hóa làm sao được sự “đơn giản” này! Cũng như chỉ số hóa thế nào đây sự vô lương tâm của vợ chồng thầy thuốc chữa bệnh trẻ con bằng thuốc gây hại cho trẻ, nhưng lại thản nhiên trả lời cho thân nhân người bệnh rằng đó là “hội chứng búp bê”! “Hội chứng vì tiền” đã vứt bỏ lương tâm, mà rồi chiểu theo quy định thì tội trạng vô lương tâm đó cũng chỉ bị phạt 13 triệu đồng! Trong đạo lý dân tộc, có 2 người được xã hội tôn làm thầy, đó là thầy giáothầy thuốc, không thể nào chỉ số hóa được sự tha hóa, thất nhân tâm trong 2 sự kiện về 2 “người thầy” vừa nêu!


... Đạo lý xã hội là một khái niệm vừa đủ trừu tượng để không quy ra thành con số được, song lại cũng đủ cụ thể để có thể hiển hiện thành những ánh mắt thương cảm, những cử chỉ an ủi, những đồng quà tấm bánh sẻ chia. Nhưng tất cả những cái đó chưa đủ tạo thành một sức mạnh cộng đồng để cứu giúp một cô gái đang sống trong địa ngục, địa ngục ấy nằm ngay giữa phố! Vì, những ánh mắt ấy, cử chỉ ấy, sự sẻ chia ấy vẫn còn bị chi phối bởi cách ứng xử của bộ máy quyền lực ở cơ sở. Cũng có thể nói, bị lây nhiễm bởi sự bất lực và vô trách nhiệm của bộ máy ấy. Đấy là chưa nói đến những nghi vấn về sự thông đồng và bao che cho tội ác. Sức hút của cái thiện, trong trường hợp này, chưa đủ để thắng được lực đẩy của cái ác.


... Trở lại với khuyến cáo về hiểm họa mặt nước biển dâng sẽ xói mòn mọi thành tựu có được, phải chủ động ngay từ bây giờ vạch ra một chiến lược quốc gia để đối phó có hiệu quả với những hệ lụy của sự biến đổi khí hậu toàn cầu không thì quá muộn, đòi hỏi một tầm nhìn. Một hiểm họa khác cũng sẽ gây nên sự xói mòn đáng sợ hơn, xói mònnền tảng tinh thần của đời sống xã hội”, xói mòn văn hóa!


Có thể thống kê những tấm panô, những “băngrôn” lớn với dòng chữ “Khu phố Văn hóa” treo ngang lối vào một khu phố, chuyển thành những “chỉ số” về thành tích xây dựng văn hóa, song không thể nào chỉ số hóa sự xuống cấp về đạo lý xã hội, về sự sa sút của lương tâm con người, những cái sẽ xói mòn nền tảng tinh thần của đời sống xã hội. Trong sự xói mòn này thì thời gian là một yếu tố nghiệt ngã, càng nghiệt ngã hơn với sự xây đắp, vì văn hóa không thể là “mì ăn liền”.


Không có một chiến lược quốc gia thật chủ động như chiến lược đối phó với “hiểm họa mặt nước biển dâng” trong việc chấn hưng văn hóa, ngăn chặn một cách hữu hiệu và có bài bản sự xuống cấp về đạo lý xã hội cũng sẽ là quá muộn.

GS.Tương Lai
--> Read more..

Flags

Flag Counter