Thứ Tư, 30 tháng 1, 2008

Từ một dân tộc biện bác đến một dân tộc tư duy

Trò chuyện với TS VŨ MINH KHƯƠNG

(Trường chính sách công Lý Quang Diệu- Đại học Quốc gia Singapore)

Nguyễn Phan Khiêm

TS Vũ Minh Khương là giảng viên Trường chính sách công Lý Quang Diệu- - Đại học Quốc gia Singapore. Nhân dịp anh về nước giảng bài theo Dự án Đào tạo Chính sách công do Ngân hàng Phát triển châu Á phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện xung quanh vấn đề phát triển đất nước.

Nắm bắt cơ hội

Hai năm trước anh đã viết bài “Cơ hội của Thánh Gíóng”, cho rằng đất nước ta đang đứng trước một cơ hội lớn, một bước ngoặt trọng đại. Nhìn lại, chúng ta đã rẽ vào bước ngoặt ấy chưa? Chúng ta đã nắm bắt cơ hội như thế nào, thưa anh?!

Tôi nghĩ là Việt Nam đã bước vào bước ngoặt đó nhưng dường như chúng ta chưa đủ ý chí quyết tâm và tầm nhìn để nắm bắt triệt để cơ hội lớn lao này.

Những nỗ lực đáng kể của Việt nam dường như vẫn chỉ xoay quanh mô hình “cởi trói” đã định hình trong công cuộc đổi mới vừa qua để rồi thụ động chờ đợi. Dường như, thế giới đang nắm bắt cơ hội và khai thác Việt Nam hơn là Việt Nam đang chủ động nắm bắt vận hội mà thời đại đã mang lai. Chúng ta chưa mở ra được thế trận mới để cả toàn dân bước vào với sức mạnh quật khởi của ý chí dân tộc và nguồn lực toàn cầu.

Một dân tộc nào vượt lên cũng đều phải có được những vị tướng kiệt hiệt và những đội quân quả cảm, đặc biệt trên các mặt trận được xác định là có tính quyết chiến chiến lược. Về mặt này, tôi chưa thấy dấu hiệu của những chuyển biến vượt bậc.

Tại sao chúng ta nắm bắt cơ hội vàng cho công cuộc phát triển hôm nay chưa thật mạnh mẽ?

Nắm bắt cơ hội cho phát triển của một dân tộc tùy thuộc nhiều vào não trạng của họ. Não trạng “biện bác” nhìn thế giới với sự chủ quan, ngờ vực và luôn cố tìm ra nguyên nhân khách quan cho mọi thách thức hay thất bại mà mình gặp phải. Não trạng “tư duy” nhìn thế giới với con mắt khách quan và sự xét đoán khoa học, với niềm tin thế giới là kho tri thức và tài nguyên vô giá cho học hỏi và khai thác.

Dân tộc với não trạng “biện bác” thường thụ động, ngại đổi thay cho đến khi rơi vào vòng xoáy không cưỡng lại được của thời đại để rồi phải chịu những tổn thất và thua thiệt trong nhiều thế hệ. Dân tộc với não trạng “tư duy” thấm thía những bài học của quá khứ, thôi thúc bởi mục tiêu to lớn cho tương lai, tìm mọi phương cách nắm bắt các cơ hội và tránh những hiểm nguy do thời đại mang lại.

Với não trạng “biện bác” nước ta rơi vào sự đô hộ của Pháp và chúng ta có dư lý lẽ để kết tội sự tham lam, tàn bạo của thực dân Pháp đã làm dân ta bị đầy đọa trong suốt 80 năm trời.

Với não trạng “tư duy” dân tộc Nhật bản, trong cùng thời gian đó đã vượt lên với khẩu hiệu: “xây dựng đât nước Nhật bản bằng tinh thần của người Nhật Bản và tinh hoa tri thức của toàn nhân loại”. Nhật Bản có lẽ là nước có ý thức học hỏi cao nhất và ít có sự trách cứ các yếu tố khách quan nhất. Họ hiểu rõ mọi thành công và thất bại đều ở trong tay họ.

Xin anh cho thêm ví dụ về dân tộc với khả năng “ tư duy”.

Singapore là một ví dụ sinh động. Tầm nhìn xuyên suốt của họ là dân tộc Singapore phải là một dân tộc “tư duy”. Một dân tộc, tổ chức, hay cá nhân với chỉ quen “biện bác” sẽ không bao giờ trưởng thành.

Trong tư duy, người Singapore nhấn mạnh “tư duy chiến lược”, ‘tư duy học hỏi”, và “tư duy cải cách”.

“Tư duy chiến lược” đòi hỏi có tầm nhìn, hiểu rõ cơ hội và thách thức của tương lai để hoạch định được chiến lược khôn ngoan và hữu hiệu nhất cho công cuộc phát triển. Họ hiểu rất rõ phải làm gì để khai thác triệt để cơ hội do sự cất cánh của hai nền kinh tế khổng lồ kề cận Trung Quốc và Ấn Độ mang lại; đồng thời cũng tích cực chuẩn bị cho tình huống nước biển sẽ làm ngập một diện tích lớn của Singapore do khí hậu trái đất nóng lên.

“Tư duy học hỏi” ý thức cao độ việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong mỗi quyết định quan trọng của mình. Ông Lý Quang Diệu ước tính là 70% ý tưởng thực hiện bởi chính phủ Singapore là dựa trên kết quả trực tiếp của sự học hỏi[1]. Chẳng hạn, sân bay Logan ở Boston cho thấy bố trí sân bay ven biển giúp tránh tiếng ồn và tiết kiệm diện tích đất. Học hỏi ý tưởng này, Singapore đã mạnh dạn từ bỏ sân bay cũ với giá trị 500 triệu USD, để xây dựng sân bay mới Chengi như ta thấy ngày nay. Một vài bài học nổi bật mà Singapore đã học hỏi từ các dân tộc khác là:

· CCampuchia (của những năm 1960) về ý tưởng thanh phố vườn.

· IsIrael về học thuyết quân sự và cách tổ chức quân đội để làm sao bảo vệ một nước nhỏ an toàn trước sự đe dọa của những người láng giềng lớn hơn.

· HHà Lan về cách quản lý và đánh giá nhân sự.

“Tư duy cải cách” đòi hỏi người lãnh đạo có sự kết hợp hài hòa giữa ý chí quyết tâm, lòng tự tin, và tính khiếm tốn, để cùng đội ngũ của mình và toàn dân tìm kiếm chân lý từ thực tiễn để rồi dũng cảm thay đổi, cải cách để đủ tầm và lực nắm bắt vận hội mới do thời đại mang lại.

Tôi cũng rất ấn tượng với kế hoạch 747 của ông Lee Myung-Bak, người vừa được nhân dân Hàn Quốc bầu làm tổng thống. Ngoài nỗ lực đưa Hàn Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ bảy trên thế giới với mức thu nhập bình quân đầu người 40.000 USD vào năm 2015, họ còn nỗ lực giúp CHDCND Triều Tiên đạt mức tăng trưởng 17%/ năm và mức thu nhập bình quân 3.000 USD đầu người trong những năm tới.

Để nắm bắt vận hội đang tới của nước mình, dân tộc Việt Nam ta nhất định phải chuyển từ não trạng “biện bác” sang não trạng “tư duy” trên cả ba mặt: “tư duy chiến lược”, “tư duy học hỏi” và “tư duy cải cách”. Tôi ước muốn Chính phủ sớm ra quyết định lập bộ cẩm nang học hỏi cho tất cả các bộ ngành và địa phương. Mọi quyết sách đều phải được xây dựng dựa trên tham khảo kỹ lưỡng 10 kinh nghiệm hay nhất của thê giới.

Điều gì có thể tạo ra bước ngoặt để một dân tộc chuyển từ “biện bác” sang "tư duy”, thưa anh?

Tôi nghĩ là trăn trở về nỗi nhục quá khứ và hiện tại của quốc gia và khát vọng tương lai của dân tộc. Ông Đặng Tiểu Bình đã làm việc này rất thành công khi họ khởi đầu công cuộc cải cách. Tôi được người bạn Trung Quốc kể rằng, trước khi họp bàn Bộ Chính trị về các vấn đề quan trọng, đặc biệt là nhân sự, ông ấy cho mọi người xem tấm biển “khu này cấm chó và người Trung quốc” và bộ phim tài liệu về cảnh hành hình vợ chồng chủ tịch Ceausescu, lãnh đạo cũ của Roumanie. Các thành viên cuộc họp khi xem xong đều thấy xúc cảm mạnh mẽ về nỗi nhục quá khứ và lo lắng cho sự vững bền của hệ thống trong tương lai nên họ quên có thể đi những vụ lợi và mưu tính cá nhân để dồn trí lực và tâm huyết cho sự nghiệp chung.

Chính sách công của ta ?

Anh có nhận xét khái quát gì về chính sách công ở Việt Nam?

Chính sách công là một vấn đề có vai trò nền tảng cho công cuộc phát triển của mỗi quốc gia vì nó quyết định chất lượng của năm nhóm sản phẩm công trụ cột mà chính phủ một nước phải cung cấp cho người dân; đó là: dịch vụ công quyền, giáo dục, sức khỏe-y tế-thực phẩm, giao thông-qui hoạch đô thị- nhà ở, an toàn cá nhân, chất lượng của môi trường tự nhiên và xã hội.

Người làm chính sách trong thiết kế và triển khai một chính sách công phải giống như một người kỹ sư chịu trách nhiệm đưa ra một sản phẩm hay một doanh nhân thiết lập hay tái cấu trúc lại một doanh nghiệp. Họ đều phải tính đến giá trị thực sự mà nỗ lực của mình sẽ mang lại cho khách hàng hay nhà đầu tư.

Chính sách công của ta nói chung còn rất hạn chế trên cả ba tiêu chí đánh giá chủ yếu: hiệu quả (lợi ích trừ chi phí); hiệu lực (minh bạch và xác quyết); và công minh (người chấp hành thấy hợp tình hợp lý). Một nguyên nhân căn bản của tình trạng chất lượng chính sách công của ta còn thấp là do người làm chính sách công của ta chưa bị kiểm định và đánh giá bởi người dân nên không phải trăn trở tìm cách đáp ứng kỳ vọng của họ.

Điều đáng quan ngại là chính sách công của ta thiếu hàm lượng trí tuệ, đặc biệt ở tính phân tích thấu đáo và tầm chiến lược; do đó các chính sách công thường giải quyết sự vụ, hơn là tìm ra điểm căn nguyên có tính đột phá. Khi thiết kế một chính sách công, ta thường không đi phân tích thấu đáo vấn đề gốc rễ mà thường đi ngay vào một vấn đề nhánh, không then chốt để rồi dồn sức lực để giải quyết vấn đề không phải là chính yếu này.

Chẳng hạn, trong thách thức giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ chúng ta dồn ngay sức vào vấn đề nhánh là đội mũ bảo hiểm; trong vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục đại học, chúng ta bắt ngay vào ưu tiên thực hiện đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ. Các cơ quan chức năng, do đó bận rộn với việc cố gắng chứng minh tính khả thi của các vấn đề nhánh do ai đó đặt ra để rồi dốc sức thực hiện nó, hơn là phân tích thấu đáo và toàn diện, tìm ra các vấn đề căn nguyên để đi tới chính sách có sức đột phá nhằm giải quyết vấn đề chính yếu một cách triệt để với hiệu quả và hiệu lực cao nhất.

Nếu anh có một đề nghị để đất nước chúng ta chuyển từ “biện bác” sang “tư duy”, anh sẽ đề nghị gì?

Tôi thực sự muốn thấy mô hình “Thành phố toàn cầu” theo kiểu Singapore ở Việt Nam. Trong công cuộc phát triển ở thế kỷ 21 này, mỗi dân tộc đều cần có những thử nghiệm mạnh dạn với sự đóng góp cao nhất tài năng và tâm huyết của toàn dân tộc. Khu kinh tế đặc biệt như đã thấy ở Trung Quốc đi tiên phong trong cải cách thể chế kinh tế đã thu những thành quả đặc biệt. Chúng ta hiện nay không chỉ mày mò về mô hình kinh tế mà cả mô hình chính trị.

“Thành phố toàn cầu” sẽ đi tiên phong thử nghiệm cả về thể chế kinh tế và mô hình chính trị và chắc chắn sẽ thu được những kết quả kỳ vĩ, cả về phát triển kinh tế và củng cố lòng tin của người dân và cộng đồng quốc tế vào tương lai của đât nước chúng ta.

Tôi ước mong thấy Khánh Hòa là tỉnh được lựa chọn để xây dựng thành “Thành phố toàn cầu”. Đây sẽ là không chỉ là thông điệp của chính phủ đến người dân, cũng không chỉ là thông điệp của Việt Nam với thế giới, mà là thông điệp của thế hệ hôm nay đến thế hệ mai sau về ý chí và tầm nhìn của dân tộc chúng ta trong sự nghiệp kiến quốc./.

Xin cảm ơn anh đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện này.

Bài đăng trên báo Công lý số Tết mậu Tý 2008, bị cắt đi một số chữ.

[1] Xem thêm “DYNAMIC GOVERNANCE-Embedding Culture, Capabilities and Change in Singapore”

by Boon Siong Neo and Geraldine Chen, Singapore :World Scientific, 2007.

--> Read more..

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2008

Tết đến sau lưng người nghèo

Tết đến sau lưng/ Con cháu thì mừng bác mẹ thì lo, rất đúng với hoàn cảnh hiện tại. Hôm qua, đi chợ Hoa Nhạt Tân, kiếm cành đào phai chơi tết, cành nào cũng hét 400-500 nghìn đồng. Đang bâng khuâng vì khoản chơi tết đắt đỏ, đọc mấy trang báo ngày mà lòng se lại, khắp hai miền Nam Băc, ở đâu cũng còn quá nhiều người lo chưa đủ ăn, nghĩ gì đến Tết...

Báo Tiền Phong gặp một vài người, cho hay đối với một số người dường như trong họ từ lâu đã không tồn tại khái niệm về ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Ảnh: Lê Thơm

Chỉ hơn một tuần nữa là đến Tết. Không khí tết đang gõ cửa từng nhà. Hàng hóa, bánh kẹo, hoa quả, quần áo tràn ngập thị trường sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cho dịp tết năm nay.

Hầu hết ai cũng khấp khởi vui mừng khi nghĩ về ngày Tết. Chỉ có những người phụ nữ như chị Bắc quê Hưng Yên là lo lắng tất bật hơn. 20 năm nay, chị gắn bó với nghề bán hàng mã rong ruổi khắp phố phường Hà Nội.

Khuôn mặt chị vốn vất vả, khi nói vẻ khắc khổ hằn lên rõ hơn. Chị lắc đầu chép miệng than thở: “Giá cả, phân gio đồng loạt tăng giá đến chóng mặt. Tôi với nhà tôi làm 12 sào ruộng chỉ đủ đong gạo hàng ngày còn thì không biết làm gì mà ăn. Khổ lắm!”.

Chị giải thích thêm: “Phải đi làm thêm thế này mới có thêm chút tiền mà trang trải thịt cá, bánh kẹo và đồ dùng cho ngày Tết chứ”.

Mặc dù con cái đã ai yên phận nấy nhưng người phụ nữ gần 60 tuổi này vẫn quẩy gánh hàng rong lặn lội kiếm sống. Nhắc đến ngày Tết với chị, nhận lại là nụ cười nhạt nhẽo chứa đựng bao chua xót và mệt mỏi đời thường như muốn buông xuôi.

Sự dửng dưng với ngày Tết của chị Bắc còn có thể được, nhưng với chị Linh, người phụ nữ bán bánh mì rong bên cầu Long Biên có ba con nhỏ thì dù nghèo cũng không thể làm ngơ khi Tết đang về.

Những bậc làm cha làm mẹ như vợ chồng chị không nỡ để con trẻ mất đi niềm vui ngày Tết với bánh kẹo, bánh chưng, giò, quần áo xúng xính ngày Tết. Lọ mọ từ 3 giờ sáng bắt xe từ Hà Tây lên Hà Nội bán bánh mì rong bên chân cầu Long Biên để mong kiếm được 20 – 30 ngàn đồng cho bữa cơm chiều muộn mằn với chồng con.

“Thôi thì gia đình hoàn cảnh, con nhà người ta có bộ quần áo mới 50 ngàn đồng thì mình cũng cố mua cho con bộ 20 ngàn đồng; nhà người ta có 10 cái bánh chưng, con mình cũng phải có vài ba cái. Vừa trốn lủi công an vừa bán bánh ngoài đường cơ cực lắm nhưng đây là công việc duy nhất chị có thể làm”.

Nhà nghèo, bé Mai vẫn mong mẹ mua cho mình bộ quần áo mới

Ngày Tết càng trở nên bi thảm hơn với những số phận dập dềnh trên bãi sông Hồng, quận Long Biên, Hà Nội. Những con người mới nhìn là thấy khổ không thể cố gắng cho một ngày tết ít ra cũng như chị Bắc hay chị Linh. Từ lâu trong đầu họ đã không tồn tại ý niệm về ngày tết dân tộc.

Tội nghiệp nhất vẫn là lũ trẻ nơi đây. Chỉ cách một cây cầu nhưng chúng phải sống trong một thế giới hoàn toàn khác so với lũ trẻ thành thị. Khoác trên mình những chiếc áo rét mỏng manh, bé Mai lủi thủi một mình trên tấm ván bắc qua sông mân mê đất cát và nước sông Hồng.

Người lớn không có Tết, nhưng trẻ nhỏ cũng bị tước đi quyền vui chơi, mặc đẹp dịp Tết. Nhà ai khá hơn thì mãi đến 29 – 30 Tết mua cặp bánh chưng, một hộp mứt đặt lên bàn thờ cho có không khí truyền thống ngày Tết, vừa để cho con trẻ biết hôm nay là ngày Tết.

Dáng người phụ nữ đi xiêu vẹo trong gió như chực gục ngã giữa bãi sông Hồng. Chị đang bị sốt virut nặng, hai con mắt đờ đẫn vì mệt mỏi, hơi thở khó khăn nói trong vô vọng: “Thử lên cầu đi làm nhưng làm không được đành quay về”.

Chúng tôi đến làng nghề đan lát xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa. Ở nông thôn có một cái nghề phụ là có thêm một cần câu cơm, thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống trong khi hạt thóc ngoài đồng giờ đây chỉ đủ ăn.

Nghề đan lát phát triển đã đem lại cho xã Hoằng Thịnh một bộ mặt sáng sủa hơn hẳn các xã bên. Vậy mà vẫn còn có những gia đình như gia đình anh Hòa phải vay mượn cho cái Tết năm nay.

Anh Hòa da dẻ đen đủi, đầu tóc bù xù chỉ biết nín lặng chua chát: “Cái gì cũng tăng giá, nhất là thịt lợn. Đã 2 tháng nay chúng tôi chưa được nếm miếng thịt lợn. Tết nhất đến đành vay mượn hoặc mua chịu thịt để có cái gọi là Tết cho đứa con duy nhất còn lại”.

Những thú vui ngày Tết như đào, quất, hoa quả không hề được nhắc đến, đối với bà con đó chỉ là những mặt hàng xa xỉ.

Hiện nay, cả xã có 50% học sinh chưa đóng đủ tiền học phí. Tết 2008, trường THCS Hoằng Đông đã tổ chức quyên góp chia sẻ niềm vui ngày Tết cho những người nghèo trong xã. Mỗi giáo viên 20.000 đồng, học sinh 2.000 đồng. Số tiền tuy ít ỏi nhưng phần nào làm ấm lòng những người nghèo khổ nơi đây.

Ở phiá Bắc đã vậy, phía Nam qua báo NLĐ cũng bi đát không kém.

Thời tăng giá muốn sửa lại cái bếp, nấu bữa cơm ngon, chị Võ Thị Vui cũng bất lực

Chúng tôi ghé An Thới Đông đúng dịp xã hỗ trợ dây kẽm cho dân buộc lại nhà để phòng bão. Ở tổ 20, ấp An Bình, đứng bên căn nhà tranh xác xơ, anh Nguyễn Văn Dâu luôn miệng thúc hai đứa con nhỏ khiêng tấm tranh cho anh che lại cái mái bị tốc. Thấy tôi ngơ ngẩn nhìn “túp lều lý tưởng” của mình, anh chép miệng: “Chắp vá một chút, Tết đỡ dột, chứ kèo cột cũng mục hết rồi, thay lại chịu tiền không thấu”. Chỉ về phía hai đứa con, anh nói: “Mấy bữa nay, tui không cho tụi nhỏ ngủ ở đây, phải vào nhà ngoại ngủ. Tối nhà này sập chạy không kịp thì chết”.

Không riêng nhà anh Dâu, hàng trăm mái nhà tranh của các hộ nghèo khác trong xã cũng đang sống chông chênh giữa hai cơn bão: cơn bão trời (khốc liệt nhất là cơn bão số 9 vào tháng 12-2006) và cơn bão giá. Riêng khu đất tổ 17 ấp An Bình, có khoảng 10 nóc nhà thì đến hơn phân nửa là nhà lá. Ghé qua chỗ trú ngụ của chồng con chị Võ Thị Vui, chúng tôi muốn rơi nước mắt. Căn nhà chưa tới 20 m2, lại kê đến 3 cái giường cho 6 người ngủ. Trước nhà, mái lá chắp vá rơi lả tả. Sau nhà là mấy cây cột đang trốc gốc. Nhìn một lượt cả cái tổ ấm này rách bươm như vừa đi qua một trận lốc xoáy dữ dội. “Đây là nhà góp, chứ không phải nhà mua. Từng miếng ván, tấm tranh đều do bà con thương mà cho. Bây giờ nhà rách, nền đất thì quá thấp, nước sông lên là ngập nhưng một tấm tranh lúc trước 170 đồng giờ lên 230 đồng, một xuồng đất đắp nền chừng 200.000 đồng giờ cũng lên giá đến 350.000 đồng, sửa nhà thì chết mất”.

Mấy đứa con của anh Võ Văn Lùng đang chờ chực ở mé sông đợi cha mang ốc về ăn với bữa cơm chiều. Anh Lùng cũng như hàng trăm người dân nghèo trong xã này đang từng ngày bám lấy con ốc, con cua dưới gốc cây đước, cây dừa giữa rừng ngập mặn mà sống. Đây là “nghề truyền thống” của xã. Nhưng đúng cái thời tăng giá thì con cua con ốc lại hết mặn mà với người nghèo. “Ốc đen thì ăn, ốc đỏ thì bán, mỗi ký ốc đỏ bán được 50.000 đồng nhưng gần Tết lại hiếm, phải vào sâu trong rừng mới có. Đi cả ngày, mò được chỉ nửa ký”, chị Nguyễn Thị Kim Huệ, vợ anh Lùng, than. Nhà có được chiếc xuồng để chồng vào rừng bắt ốc bắt cua thì cũng phải bán nốt để lấy tiền chữa bệnh sốt xuất huyết cho con gái.

Cái nợ đã trở thành nỗi ám ảnh của những người dân nghèo trong xã này. Nợ bà con thì khất dần, nợ quỹ xóa đói giảm nghèo, làm ăn thất bát, nhiều năm rồi cũng được miễn. Nhưng còn nợ ngân hàng thì sao? Chị Võ Thị Nõn co rúm người: “Nhà tui đem cái gò đất thuế chấp vay thêm ngân hàng 10 triệu nhưng rốt cuộc 3 năm nay vẫn chưa trả được nợ, cứ nơm nớp lo bị xiết đất”. Đi dọc ấp An Bình, hỏi thăm mấy nhà nằm trong diện xóa đói giảm nghèo thì hầu như nhà nào cũng vay vốn nhưng rồi thành cục nợ quá hạn. Nếu không cặm cụi mò cua ốc trong rừng ngập mặn thì họ đều theo cái nghề “ai kêu gì làm nấy”. Chị Nguyễn Thị Phiến (tổ 17) nói: “Công việc bữa được bữa mất nhưng không lên TP làm được, ở đây đói thì có con cua con ốc ăn, ở phố giá cả trên trời, đói cắn răng à?”

Sao cho mùa Xuân đến với tất cả mọi nhà, các ông các bà ơi!!!

--> Read more..

Người VN lạc quan nhất thế giới

GS tương Lai trong một bài báo gần đây đăng trên Người đại biểu cho hay: “Tổ chức Gallup International” (GIA) công bố “người Việt Nam lạc quan nhất thế giới” . Khảo sát của GIA tại 53 nước về mức độ lạc quan của người dân thế giới về năm 2007 cho thấy, cứ 100 người Việt Nam được hỏi ý kiến, thì 94 người biểu tỏ niềm tin về cơ hội việc làm và kinh tế đất nước năm 2007 sẽ khá hơn năm ngoái.
Báo cáo của tổ chức trên cho thấy người Việt Nam lạc quan nhiều hơn gấp đôi so với mức trung bình của thế giới.

2007 là năm đầu tiên quỹ đạo kinh tế nước ta buộc phải vận hành theo cùng với quỹ đạo của thế giới khi Việt Nam đã chính thức gia nhập WTO. Những cơ hội và thách thức khi vận hành trong quỹ đạo mới đó quả đã ghi nhận những thành tựu đáng khích lệ và những diễn biến đáng suy ngẫm. Thành tựu thì đã quá rõ: 2007 là năm chỉ số phát triển đã phá kỷ lục của những năm trước đó. GDP đạt 8,5%, là mức cao nhất từ 10 năm trở lại đây, hầu hết các chỉ số đều vượt tốc độ của năm 2006, đặc biệt FDI thực hiện tăng 17% so với 2006; FDI cam kết đạt gần 20 tỷ USD, cũng là cao nhất so với trước đây. Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt ngưỡng 100 tỷ USD, trong đó dự trữ ngoại tệ quốc gia cũng đạt đến 20 tỷ USD. Ở đầu vào, vốn đầu tư so với GDP vượt qua ngưỡng 40%, tức là một tỷ lệ cao trên thế giới (sau Trung Quốc: 44%), trong đó, tăng trưởng vốn của khu vực dân doanh đạt cao nhất, chiếm tỷ trọng cao trong tổng vốn đầu tư... Nhiều, còn nhiều nữa để mà thống kê. Nhưng làm sao thống kê cho khắp?
... Thành tựu thì đã rõ và dễ nhận ra, thế còn những tồn tại của yếu kém và thiếu sót thì thế nào? Tăng trưởng cao nhất, đúng. Nhưng chỉ cần nhìn vào những con số “thuần túy” GDP tính theo đầu người của Việt Nam sau đây cũng khiến phải nhìn vào tốc độ và chất lượng của sự tăng trưởng đó bằng đôi mắt nghiêm cẩn và tỉnh táo: Chỉ số đó của nước ta năm 2005 bằng 33% của Trung Quốc (1.940 USD); 2,1% Singapore (29.765 USD), 3,6% Hàn Quốc (17.865 USD); 4,2% Đài Loan (15.387 USD); 12% Malaysia (5.376 USD); 21% Thái Lan (2.993 USD); 43% Indonesia (1.500 USD); và 50% Philippines (1.278 USD).
Và rồi, khoảng cách nói trên lại ngày càng kéo dài ra: Năm 1986, thu nhập theo đầu người của ta kém Trung Quốc 200USD, kém Thái Lan 997 USD, kém Malaysia 1.950 USD, kém Indonesia 550 USD, kém Philippines 440 USD, kém Hàn Quốc 6.940 USD… Thì, 20 năm sau, năm 2006 thu nhập của ta kém Trung Quốc 1.100 USD, Thái Lan 2.140 USD, Malaysia 4.520 USD, Indonesia 750 USD, Philippines 420 USD, Hàn Quốc 17.000 USD... Có nghĩa là, trên đường đua, càng chạy, tuy có tiến lên về phía trước, song khoảng cách trên đường đua giữa ta và những vận động viên khác ngày càng xa ra thêm, và ta vẫn đang là vận động viên chạy áp chót.
Đáng quan ngại hơn, trong so sánh với 125 nước, năng lực cạnh tranh của Việt Nam xếp thứ 74 năm 2005, tụt xuống thứ 77 năm 2006 và rồi 2007 vẫn chưa đủ lực và đủ kinh nghiệm để bứt lên khỏi vị thế không lấy gì làm hay đó. Điều đáng suy nghĩ nhiều hơn nữa là hiệu quả chung của nền kinh tế còn thấp, chỉ số ICOR ước tính là 4 - 5 - nghĩa là cao nhất trong khu vực. Chỉ riêng một chuyện tăng trưởng dựa phần lớn vào khai thác tài nguyên, ưu đãi vốn và tăng đầu tư công, hàm lượng chất xám của sản phẩm còn quá thấp, do đầu tư vào nguồn nhân lực và đổi mới công nghệ còn quá chậm, là đã thấy ngay tính bức xúc của vấn đề đặt ra. So sánh tỷ lệ sử dụng công nghệ cao của nước ta với một số nước ASEAN sẽ thấy rõ sự bức xúc ấy: Việt Nam 2%,Thái Lan 30%, Malayxia 51% và Singapore 73%! Nếu lại so sánh với tốc độ tăng trưởng của các nước NICs ở vào giai đoạn phát triển như nước ta hiện nay thì ta kém rất xa.
Và tất cả những điều trên càng làm lộ rõ ra một sự thật của 2007, không hề có cỗ bày sẵn khi ta đã là thành viên của WTO, chỉ có cơ hội được mở rộng do có một không gian mới về thị trường, dòng chảy của nguồn vốn đầu tư được khơi thông đang tràn vào, và những cam kết quốc tế cho hoạt động thương mại, dịch vụ để phát triển kinh tế mà không phải chịu sự phân biệt đối xử. Đó là những nhân tố tạo điều kiện cho những ai biết khai thác và tận dụng để bứt lên trong xu thế chung của thời đại. Đây chính là thách đố mới cho khả năng nắm bắt và tận dụng được cơ hội để phát triển kinh tế một cách bền vững. “Tăng trưởng về số lượng phải đi đôi với chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong khi khai thác các yếu tố phát triển theo chiều rộng, phải đặc biệt coi trọng các yếu tố phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức”, như khuyến cáo của Đại hội X, năm 2007 đã thực hiện Nghị quyết đó như thế nào?. Chắc là còn quá nhiều điều phải sòng phẳng trong nhận định.
Cùng với những điều trên, 2007 là năm phải gồng sức chịu đựng và vượt qua những giận dữ của ông trời. Mà cũng chẳng riêng gì Việt Nam, dường như quả đất đang phải nhận lĩnh cơn phẫn nộ đó. ... Trời nổi giận vì người quá bậy, có ý thức hay vô ý thức, đã hủy hoại, thậm chí có nơi là hủy diệt môi trường sống của chính mình. Ph.Angghen đã từng cảnh báo về sự trả thù của thiên nhiên, nay xem ra sự trả thù đó còn dữ dội tàn khốc hơn. Vì vào thởi điểm đưa ra sự cảnh báo đó, thế kỷ XIX, Ph Angghen chưa biết được rằng quả đất nóng dần lên, băng tan làm mực nước biển dâng cao. Cứ mỗi mét nước biển dâng trên toàn cầu sẽ gây thiệt hại 950 tỷ USD, đe dọa trực tiếp cuộc sống của 145 triệu người.
Hàng ngày, hình ảnh đau thương của những gốc cây bị chém cụt ở những khu rừng vừa bị triệt hạ, cất lên tiếng gào thảm thiết và vô vọng của thiên nhiên, những lá phổi của những cơ thể sống chưa bị ung thư đã bị cắt bỏ vì bàn tay con người. Mà vì không có con người chung chung, trừu tượng, con người bao giờ cũng là “con người này” theo cách nói của Hégel, nên phải chỉ ra những con người nào đang tàn phá môi trường.
... Thế là, ngẫm cho kỹ, những kỷ lục, những thành tựu người ta hay nói cũng là chuyện con người. Nét khởi sắc đáng nói vẫn là “con người”, và “mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ” cũng lại do con người. Con người được giải phóng, con người được thăng hoa trong sáng tạo, hay con người cùn gỉ ẩm mốc trong những lối mòn, con người bất thành nhân dạng bị tha hóa bởi quyền lực, trong dục vọng. Trong cái “ngôi làng toàn cầu” đã ngày càng trở nên gần gũi hơn và cũng chật hẹp hơn, mỗi con người đang đối diện với cả thế giới, và cả thế giới cũng bày ra trước con người những thách thức và vận hội. Con người là nguồn lực rất quan trọng, nhưng cái quan trọng hơn rất nhiều, con người là mục tiêu của toàn bộ sự nghiệp cách mạng, mục đích tối thượng của phát triển. Phát triển là vô nghĩa nếu không lấy con người, sự giải phóng con người, hạnh phúc của con người làm mục tiêu.Ngôi sao mới nổi” trên bầu trời có tỏa sáng được hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, song yếu tố quyết định nhất là con người Việt Nam phải tự thắp sáng mình lên để không bị chìm lấp trong bầu trời đầy sao.
... Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI với chặng dừng 2007 để chuẩn bị bước vào 2008, càng thấm thía với lời cảnh báo của những cái đầu đi trước thời đại, vào những thập kỷ cuối của thế kỷ XX đã đưa ra khuyến cáo “con đường cũ dừng ở đây. Thế giới đã thay đổi, kiểu tư duy tuyến tính không còn thích hợp với một thế giới phi tuyến tính. Những ai chần chừ tin rằng tương lai sẽ là sự tiếp tục của quá khứ sẽ sớm thấy mình bị hụt hẫng trước sự thay đổi. Họ sẽ bị buộc phải suy nghĩ lại: Sẽ đi đến đâu và bằng cách nào để đi đến đó khi mà đã quá muộn để tránh được điều không thể tránh khỏi!
Đúng là sẽ quá muộn nếu không từ bây giờ phải soạn thảo một chiến lược quốc gia, như khuyến cáo của UNDP, nhằm đối phó với hiểm họa về nước biển dâng đối với một quốc gia bán đảo ba bề là biển. Và cũng sẽ là quá muộn cho một “chiến lược con người” không được vạch ra một cách thông minh và có những cơ sở vững chắc ngay từ bây giờ từ những điều rút ra được trong những thành bại của năm 2007, chặng dừng chân của một cung đường nhiều thử thách của thập kỷ đầu thế kỷ XXI. Chắc không phải ngẫu nhiên khi ứng cử viên tổng thống của nước Nga được Putin hậu thuẫn lại đưa vào chương trình vận động tranh cử việc đặt con người vào vị trí trung tâm của các chính sách kinh tế, xã hội của một nước Nga đang lấy lại vị trí siêu cường của mình. Phải chăng đó là bài học đắt giá về sự sụp đổ của Liên Xô trước đây được vận dụng vào thời điểm mới?
GS Tương Lai nói như vậy, còn các bạn, có phải là những người lạc quan không?!

--> Read more..

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2008

Ngày Cá tháng Tư cấm hàng rong

Chiều 25/1, bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó GĐ Sở Thương mại Hà Nội cho biết, dự kiến, từ 1/4/2008, Hà Nội sẽ chính thức quản lý hoạt động bán hàng rong. Trước đó, thành phố sẽ thông qua quy hoạch các tuyến phố cấm bán hàng rong, các khu vực được phép bán tạm thời.

Hà Nội hiện có trên 10.000 gánh hàng rong. Ảnh : Phạm Yên

Hiện tại, quy hoạch này đã trình UBND Thành phố và đang chờ phê duyệt. Nếu được thông qua, ngành chức năng sẽ tổ chức công bố công khai, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trước thời điểm áp dụng. Công tác chuẩn bị sẽ được thực hiện kỹ ngay từ phường, xã, thị trấn. Các tuyến phố cấm bán sẽ được cắm biển chỉ dẫn....

Theo thống kê của Sở Thương mại, Hà Nội hiện có trên 10.000 gánh hàng rong. Trong đó, có khoảng 5.700 người bán rau; 5.900 người bán các loại hoa, quả. Độ tuổi trung bình của người bán hàng rong là 40 với 93% là phụ nữ; 75% là người ngoại tỉnh. Chỉ có từ 30% tới 40% là bán hàng rong thường xuyên; số còn lại hoạt động theo thời vụ….

Chúng ta nên hiểu đây là tin Cá tháng Tư hay một thời điểm quan trọng đối với người bán hàng rong nhỉ? Tớ thì tin vào khả năng thứ nhất hơn.

Bởi lẽ việc bán hàng rong là một nhu cầu tất yếu của xã hội hiện nay, khi mà đại đa số thu nhập của người dân còn thấp. Những người khá giả thì có thể đi siêu thị, đi Metro hay Big C để mua hàng sạch, chất lượg bảo đảm, nhưng đa số người dân vẫn cần mua hàng rẻ, tiện lợi, không phải đi xe máy, ô tô đến chợ mới mua được chút thức ăn cho gia đình. Cái gì hợp lý sẽ tồn tại.

Hai nữa, chợ ở Hà Nội hiện nay không nhiều và chợ nào cũng chật hẹp, quá tải. Đội ngũ hàng rong đáp ứng cho chỗ thiếu hụt ấy của hệ thống chợ.

Thứ ba, quản lý hàng rong để bảo đảm mỹ quan đô thị thì tốt thôi, nhưng còn hàng trăm thứ khác làm ảnh hưởng mỹ quan đô thị ví dụ lấn chiếm vỉa hè của những nhà mặt phố chẳng hạn. Bạn thử lên phố Hàng Mã xem vỉa hè có còn dành cho người đi bộ nữa không? Thành phố có thu được đồng thuế nào từ những họ kinh doanh trên vỉa hè công cộng không?

Vì vậy, chúng ta mong thành phố sạch đẹp, thanh lịch hơn nhưng cũng không đành lòng khi dùng một biện pháp đánh vào đối tượng nghèo, cả người bán và người mua đều nghèo trong xã hội.

--> Read more..

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2008

Nguyên Chánh án TANDTC Trịnh Hồng Dương...(tiếp theo và hết)

Nỗi khổ tâm

Một cán bộ gần gũi với ông Dương nói, nỗi khổ tâm lớn nhất của ông Dương là bà mẹ quá nghiêm khắc, muốn phụng dưỡng cụ mà không được. Ông có ba anh em, thì hai người có học vị tiến sĩ. Cụ bà sống với cô em út trong căn nhà một mái lợp tôn rộng 15m2 ở trong một ngõ nhỏ phố Lò Đúc. Căn nhà chập chội, dột nát lại không có nhà vệ sinh riêng nên sinh hoạt của một người già ngót 90 tuổi hết sức khó khăn. Với chút tiền dành dụm được ông muốn xây lại căn nhà cho mẹ và em gái đỡ khổ nhưng cụ nhất định không bằng lòng. Cụ nói, trước đây dăm bảy người còn sống cả ở đây được, bây giờ còn có hai người sao lại không được? Anh xây lại nhà để người ta cho rằng có con làm Chánh án, tham nhũng được nên có tiền xây nhà cho mẹ hay sao?!

Có người bàn, hay đưa cụ đến nhà bác cả chơi ít ngày, ở nhà cứ dỡ ra mà làm lại, cụ về thấy sự đã rồi là xong. Cụ biết chuyện bảo: nếu anh cố tình dỡ nhà ra xây lại là tôi ra nhảy xuống sông Hồng đấy. Cụ nói thế thì đành chịu. Mỗi khi thấy cảnh nhà dột, căng nilon, hứng chậu chỗ này chỗ kia, lòng ông đau như cắt mà không biết làm sao. Ông phải tôn trọng ý thích của mẹ.

Hàng tuần, dù đương kim Chánh án tối cao, có xe sẵn sàng đưa đón, nhưng ông vẫn đèo vợ bằng chiếc xe phượng hoàng cũ về thăm mẹ. Anh em hỏi thì ông nói, việc riêng sao mình lấy xe công đi được. Vả lại, mẹ tôi không thích như vậy.

Người lái xe của ông kể, có lần đi công tác về, tiện ô tô ông ghé vào, cụ mắng ngay. Mua nước mắm Phú Quốc, gạo tám thơm biếu cụ thì cụ nhất định không nhận. “Lương anh được bao nhiêu, còn nuôi vợ nuôi con, sao hoang phí như thế” cụ bảo. Biết ý nên vợ ông chỉ dám mua nước mắm, gạo quê thông thường mang đến cụ mới vui lòng.

Có lẽ do được sinh ra và giáo dục trong một gia đình như vậy nên ông Trịnh Hồng Dương là một người khắc kỷ, luôn luôn gìn giữ sự liêm chính của mình.

Ông từng kể, có lần tôi bị bệnh, vào Bệnh viện Việt - Xô khám. Một tay bác sĩ khám xong, hỏi: “Này, ông có hút thuốc không?”. “Không”. “Thế có thích rượu không?”. “Không”. “Còn cà phê, chè?”. “Cũng không”. “Thế tôi hỏi thật ông nhé, ông có thích phụ nữ không?”. “Không”. Ông bạn bác sĩ đó thở dài đứng dậy: “Thôi, không khám cho ông nữa. Thuốc không. Rượu không. Chè, cà phê không. Gái cũng không. Thế thì chết quách đi cho rồi, sống làm gì nữa”.

Không ham thích những thú vui vật chất đã đành, ông cũng không thích cả những thú vui tinh thần khác mà nhiều quan chức ưa thích như được thể hiện quyền cao chức trọng của mình; được lăng xê trên báo chí; được anh em tán tụng…

Có lần đi công tác một tỉnh Tây Nguyên, chia tay ở cổng toà xong, lên ô tô đi được một qũang ông mới thấy xe ô tô của Toà án tỉnh nối đuôi theo sau. Ông dừng lại hỏi đi đâu, mới biết họ tiễn ông đi hết địa phận tỉnh. Ông yêu cầu họ quay về làm việc ngay, không thể lãng phí như thế được. Anh em nói mãi ông đành chấp nhận cho đi tiễn hết địa phận thị xã.

Ở cương vị Chánh án TANDTC, ông Trịnh Hồng Dương, ngoài Lào và Trung Quốc không thể từ chối, ông không đi nước nào khác. Có lần thấy ông từ chối lời mời của một Toà án châu Âu, tôi hỏi: Sao chú không đi, đưa cô đi du lịch luôn thể? Ông nói, việc ở nhà làm không hết, đi làm gì. Mà tớ cũng chán ở nước ngoài rồi… Như người khác thì nhân cương vị của mình, tranh thủ đi nước này nước khác, vừa công tác vừa du lịch, có thể đưa cả vợ đi cùng, nhưng ông Dương thì chả bao giờ nghĩ thế.

Nhà khoa học

Nhiều nhà nghiên cứu luật học, nhiều thẩm phán đánh giá ông là một chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về luật hình sự. PGS.TSKH Lê Cảm thì khẳng định, ông Trịnh Hồng Dương “là chuyên gia số Một về tư pháp-hình sự của đất nước” .

Ông Trịnh Hồng Dương được đào tạo về hình sự theo định hướng của cụ Phạm Văn Bạch- Chánh án đầu tiên của TANDTC. Ông tốt nghiệp Đại học luật và bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ luật hình sự ở Liên Xô. Khi làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ, ông bị bệnh dạ dày nên đang làm dở thì về nước. Trước khi làm Chánh án TANDTC, ông là Phó Chánh án phụ trách hình sự, trước đó là Chánh toà hình sự, Phó Chánh án rồi Chánh án TAND tp Hà Nội…

Năm 1984, khi làm Phó Chánh án Hà Nội, ông được giao xét xử một vụ án hóc búa, bị cáo Thái Nghĩa Siêu bị truy tố về tội làm gián điệp, nhưng suốt cả quá trình điều tra nhất định không nhận tội. Qua quá trình thẩm vấn tại phiên toà, với cách thẩm vấn sắc sảo, thông minh của ông Trịnh Hồng Dương, bị cáo đã tâm phục, khẩu phục, thú nhận tội lỗi. Làm cả ngàn vụ án nhưng đó là vụ ông nhớ nhất. Cũng vì thành công quá lớn của phiên toà mà lần đầu tiên và có lẽ là duy nhất trong lịch sử tố tụng nước ta, tất cả những người dự phiên toà đều được mời ăn cơm.

Ông là người rất giỏi trong việc đọc hồ sơ. Khi nghe thẩm phán, chánh toà báo cáo bao giờ ông cũng trực tiếp đọc tài liệu, chứng cứ liên quan đến những vấn đề có khiếu nại. Vì thế thẩm phán nói với nhau là làm việc với ông Dương rất vất vả. Không những cẩn thận trong việc xét xử, giám đốc bản án mà cả trong văn bản, câu chữ trả lời đương sự. Không ít lần ông tự tay sửa đỏ cả trang án văn.

Với phong cách của nhà khoa học, ông không thích nói vòng vo. Chả thế mà câu nói trần trụi của ông tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội X “Ở ta có vụ án xử thế nào cũng được” làm xôn xao nghị trường và được nhắc đi nhắc lại như điển hình cho việc tuỳ tiện khi xét xử của Thẩm phán. Thực ra người ta mới chỉ nghe có nửa câu trước mà không nghe nửa câu sau. Do tình trạng luật pháp của ta hiện còn nhiều bất cập, cái nọ đôi khi “đá” cái kia, nên khi xét xử áp dụng văn bản này thì cho kết quả này, áp dụng văn bản kia cho kết quả khác. Ví dụ, xe của tôi, người ta thuê tôi chở hàng mà tôi không biết là hàng lậu, thì khi bị bắt tôi được trả xe. Nhưng luật xử phạt vi phạm hành chính lại quy định bắt tất cả phương tiện gây án. Vậy là tòa cấp huyện xử theo luật hình sự, không tịch thu xe, nhưng cấp tỉnh căn cứ vào luật xử phạt vi phạm hành chính lại tịch thu xe. Như vậy cùng một hành vi nhưng cả hai cấp xét xử cho hai kết luận khác nhau đều đúng. Cái bất cập đó của pháp luật cần phải sớm khắc phục.

Thời gian càng lùi xa thì người ta càng thấy ông Trịnh Hồng Dương có lý. Tiến sĩ luật học Ngô Huy Cương, khi làm Thư ký tòa soạn Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, phát biểu về cải cách hệ thống tư pháp Việt Nam, bàn đến câu nói trên đây của Chánh án Trịnh Hồng Dương cho rằng: Tôi nghĩ các nhà lập pháp cũng phải chia sẻ trách nhiệm về điều đó. Theo tôi, có một số nguyên nhân cơ bản cần được xem xét kỹ lưỡng…Trước hết, phải bàn đến cách thức thiết lập hệ thống tiêu chí. Hiện Quốc hội cũng như nhiều cơ quan, tổ chức thường phàn nàn về việc xét xử oan sai. Có lẽ họ lấy pháp luật mà Quốc hội thông qua làm tiêu chí đánh giá, chứ ít ai nhận định rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến oan sai lại là do chính pháp luật, chính cách tổ chức hệ thống tư pháp.

Giờ đây, vấn đề khắc phục các quy định luật chồng chéo nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau, tình trạng luật khung, luật ống đã trở nên rõ ràng và cấp thiết rồi.

**

Khi kết thúc nhiệm kỳ Chánh án TANDTC, ông được mời làm một công việc khác, nếu nhận lời ông sẽ tiếp tục công tác 5 năm nữa, sẽ có xe đưa xe đón, nhưng ông từ chối. Ông về hưu như một công chức bình thường.

Nhà ông có 78 mét vuông, ông bán đi 40 mét, lấy tiền sửa chữa, nâng cấp phần còn lại, dư ra ít tiền để giúp con cái và dưỡng già.

Mấy năm qua, dân cư khu Thành Công thấy ông Trịnh Hồng Dương hàng ngày đưa cháu đi mẫu giáo, chiều về đón giúp cả con nhà hàng xóm. Nhìn cảnh ông khoác trên vai vài cái ba lô xanh đỏ của con trẻ, dẫn mấy đứa cháu ríu rít về nhà…bất giác tôi nhớ đến cảnh cuối trong phim “Tể tướng Lưu gù”. Sau khi về hưu, Lưu Dung chả mang theo của cải gì, hàng ngày ông ngồi chơi bi với cháu chắt như một lão nông tri điền, mọi danh lợi qua đi như gió thoảng…

Mà như vậy thì ông Trịnh Hồng Dương đâu có cô đơn nhỉ?!

Mùa Giáng sinh 2007

Nguyễn Phan Khiêm

(Bài đã đăng trên tạp chí Pháp lý cuối tháng- số 3)

--> Read more..

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2008

Nguyên Chánh án Trịnh Hồng Dương (tiếp)

Ông Trịnh Hồng Dương và phu nhân tại Bệnh viện Hũu nghị

Người hay đùa

Một người tưởng chừng lạnh lùng như vậy nhưng thực ra lại là người có tâm hồn nghệ sĩ, trẻ trung và dí dỏm. Ông hay hát và hát khá hay. Đã có lần trong liên hoan văn nghệ cơ quan ông hát bài Tình ca của Hoàng Việt được hoan nghênh nhiệt liệt.

Điều bất ngờ đối với tôi là ông mê bóng đá. Hồi World Cup 2002, tôi viết bài về các Thẩm phán xem bóng đá thế nào, tôi đến nhà ông mới biết ông xem hầu hết các trận, trừ những trận phát vào đêm khuya. Ông còn kể hồi còn học bên Liên Xô ông là một cầu thủ trong đội bóng của trường. Một trong những người bạn thân của ông là ông Trần Bảy- Chủ tịch liên đoàn bóng đá trước đây.

Ông cũng là người hay đùa. Có lần một phóng viên hỏi ông rằng có khi nào ông cảm thấy bất lực trước tội phạm không- câu hỏi to tát và không dễ trả lời nhưng ông Trịnh Hồng Dương nói ngay: Có chứ, mới đây thôi, mà lại ngay trước cửa nhà tôi mới tức chứ. Có hai tên đi xe gắn máy, tóm ngay con chó của nhà Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc. Tôi nhìn thấy, kêu lên nhưng chúng chạy mất tăm.

Tại diễn đàn Quốc hội, có lần có đại biểu phàn nàn về tình trạng có Thẩm phán nói ngọng, trách nhiệm của Toà án tối cao thế nào, ông trả lời, như vậy thì từ nay khi tuyển chọn sẽ phải yêu cầu ứng viên Thẩm phán nói thử một câu, nếu nói “Cái nọ nục bình năn nông nốc” thì loại ra. Cử toạ bật cười.

Nhưng cũng chính vì hay đùa có lần ông khá mệt mỏi. Ông có kể lại khi trả lời báo chí cách đây mấy năm: Một lần, trong cơ quan có cậu được kết nạp Đảng. Mình khen cậu ấy: “Tốt lắm! Hiện nay đang có những kẻ tìm cách chống Đảng, xin ra khỏi Đảng mà cậu phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng là quý lắm”. Ấy vậy mà có người lại xuyên tạc, rồi tố cáo tôi là sai lập trường, quan điểm. Bậy đến thế là cùng.

Kỳ sau: Nỗi khổ tâm

--> Read more..

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2008

Nguyên Chánh án TANDTC Trịnh Hồng Dương- chuyện bây giờ mới kể

Người liêm chính cô đơn

Nguyễn Phan Khiêm

Người đàn ông nhỏ thó, có vầng trán cao và cặp mắt sáng ấy từng là một trong những người quyền to nhất nước, nhưng không giống như những chính khách khác, luôn biết nở nụ cười xã giao, biết vờ vui vẻ với báo chí, biết diễn khi có ống kính hướng vào mình…

Chả thế báo chí đã có lần viết ”Ông nổi tiếng là người khó gần và rắn như đá”. Nhận xét ấy chưa biết đúng hay sai nhưng tôi thấy ông là một người cô đơn vì cách hành xử dường như không phù hợp với thời cuộc của mình…

Khác người

Quả thật, ấn tượng đầu tiên về ông bao giờ cũng là sự thiếu cởi mở. Ông ít nói, nghe là chính. Cán bộ đến nhà ông hình như chưa ai được mời uống nước bao giờ, khi khách về ông cũng không giữ lại một câu kiểu xã giao. Sau này mọi người mới hiểu, thực ra ông không muốn anh em đến nhà, nhất là đến để bàn công việc.

Vì thế, không ai dám đến nhà ông để tranh thủ tình cảm, để đưa chút quà cáp rồi nhờ cậy ông theo lẽ thông thường. Có người còn nói đùa:” Ai đến biếu ông Dương chai rượu thì mai ra Hội đồng ông ấy nói ngược lại nguyện vọng cho mà vã mồ hôi”.

Không chỉ đối với cấp dưới, đối với người khác ông cũng “rắn như đá” như vậy. Có lần một vị chức sắc đến tận nhà ông, loanh quanh một lúc ông ấy đặt vấn đề về một vụ án. Thấy vậy, dù rất tôn trọng nhưng ông cũng buộc phải đứng dậy mời khách ra khỏi nhà.

Khi còn là Chánh án Toà án Hà Nội, có lần xem hồ sơ thấy một bị cáo bị truy tố về tội ăn cắp chính là cháu họ ông, vốn là sinh viên đại học, nhưng ông không can thiệp. Thẩm phán cũng không biết mối quan hệ ấy, bản án được tuyên một cách khách quan.

Có vụ con trai một vị lãnh đạo cấp trên trong ngành bị truy tố về tội lừa đảo. Thẩm phán báo cáo để ông chỉ đạo cho phù hợp. Ông nói, cứ theo luật mà làm, có như thế mới bảo vệ được uy tín của lãnh đạo.

Khi lên làm Chánh án TANDTC thì các mối quan hệ cũng nhiều lên và phức tạp hơn, nhưng ông vẫn giữ nguyên tính cách của mình. Đã có lần một vị lãnh đạo chuyển đơn thư xuống có bút phê đề nghị xem lại hai bản án đã có hiệu lực pháp luật. Theo lẽ thông thường thì Chánh án sẽ chỉ đạo Toà chuyên trách nghiên cứu tìm ra một lý do nào đó để kháng nghị. Trong ngành gọi đó là “kháng nghị ngoại giao”, biết là án xử đúng nhưng vẫn kháng nghị để đẹp lòng người bút phê. Tất nhiên bản án bị kháng nghị sẽ được xét xử giám đốc thẩm, quyết định lúc đó do Hội đồng, dẫu bị bác kháng nghị thì vị lãnh đạo đó cũng không trách Chánh án thiếu quan tâm.

Với Chánh án Trịnh Hồng Dương thì khác. Nhận được đơn có bút phê, ông chỉ đạo Toà chuyên trách báo cáo và mang hồ sơ lên để ông kiểm tra. Thấy án xử đúng, ông tự mang hồ sơ sang để báo cáo với vị lãnh đạo đó rằng không có căn cứ kháng nghị. Họ cười đấy nhưng hẳn trong lòng không vui. Người trải đời nói nhỏ: Ông Dương làm thế thì chết, lúc nào cũng thẳng băng thế thì làm thế nào được…

Nhưng người ta nói gì ông chả quan tâm, ông vẫn làm theo cách của riêng mình.

Minh oan

Cũng nhờ nguyên tắc đơn giản “cứ đúng pháp luật mà làm” của ông mà nhiều người được minh oan. Ông Đỗ Văn Chỉnh, nguyên Chánh Thanh tra TANDTC kể, có bà Nguyễn Thị Hoan, là kế toán, ở Bình Trị Thiên khi đó, bị kết án 6 năm tù về tội tham ô. Ra tù mới đi kêu oan. Ông Chỉnh được phân công ra tiếp bà Hoan, sau đó ông báo cáo với ông Dương khi đó đang là Phó Chánh án TANDTC rằng không có dấu hiệu phạm tội. Bà Hoan còn giữ được hai chứng cứ là bút tích giám đốc ra lệnh chi tiền, chứ không tự ý. Mặc dù chứng cứ có trong hồ sơ nhưng không được xem xét. Ông Dương cho nghiên cứu hồ sơ và kiểm tra, sau đó ký kháng nghị huỷ án để giải quyết lại từ giai đoạn. Năm 1993, xử sơ thẩm lần hai, Toà án tỉnh lại tuyên bà Hoan phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, bị phạt 6 tháng tù. Toà phúc thẩm cũng tuyên y án sơ thẩm. Đơn kêu oan lại gửi ra, ông Trịnh Hồng Dương kháng nghị lần thứ hai. Cuối cùng bà Hoan đã được minh oan, và đã yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Hay vụ bà Lê Thị Chanh ở Thái Bình, nguyên là Chủ nhiệm HTX, năm 1989 bị kết án 1 năm tù về tội tham ô do hành vi chiếm đoạt 1 tạ thóc. Án xử đi xử lại do bị cáo kêu oan. Năm 1998, khi ông Dương là Chánh án thì mới được kháng nghị và cuối cùng bà Chanh được tuyên là không phạm tội.

Nhưng cho đến tận bây giờ bà Chanh, cũng như bà Hoan và nhiều người khác nữa vẫn chưa bao giờ gặp mặt ân nhân là ông Trịnh Hồng Dương. Có lần tôi đề nghị ông kể nhưng ông bảo, nhiều lắm, nhớ sao hết, mà kể để làm gì. Ông quên nhưng những cộng sự của ông thì không thể nào quên được.

Có một vị đại tá về hưu ở Đồng Kỵ, Bắc Ninh ký bảo lãnh cho con trai vay ngân hàng 40 triệu đồng. Hợp đồng kết thúc và món nợ đã trả xong nhưng anh con trai photo bản bảo lãnh, móc ngoặc với cán bộ ngân hàng để vay tiếp 80 triệu nữa. Sau đó, do vỡ nợ nên con trai ông đại tá bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, và người ta bán nhà của ông đại tá để thi hành án. Khiếu nại lên Toà án tối cao thì Toà dân sự trả lời là án xử đúng. Đơn đến tay Chánh án Trịnh Hồng Dương, ông cử ngay Phó Chánh án phụ trách dân sự xuống tận địa phương làm rõ hai vấn đề, nhà đất bị thi hành án là của ai, nếu của ông đại tá thì đã cho con chưa, và ông đại tá có bảo lãnh lần vay thứ hai không. Sau khi làm rõ, thấy khiếu nại có căn cứ, Chánh án Trịnh Hồng Dương đã kháng nghị huỷ án.

Chính vì cách làm án như vậy mà dưới thời ông làm Chánh án, TANDTC kháng nghị nhiều, nhìn vào tỷ lệ án bị kháng nghị sẽ có ý kiến cho rằng chất lượng xét xử hạn chế. Do đó, để có tỷ lệ đẹp nhiều khi người ta không kháng nghị dù có thể bản án có hiệu lực xử chưa đúng. Ông Dương không tính toán kiểu đó, một khi đã phát hiện oan sai thì nhất định phải kháng nghị để trả lại công bằng cho người dân.

(Kỳ sau đăng tiếp)

--> Read more..

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2008

Thi nhau xin về làm dân

Về làm dân?!

Thời gian gần đây, nhiều cán bộ, thậm chí có chức vụ quyền hạn ở một số cơ quan , doanh nghiệp nhà nước xin nghỉ để làm cho tư nhân hay nghỉ hưu, tóm lại là về làm dân...Ở Ngân hàng nhà nước trung ương, người ta nói có đến 100 người xin nghỉ, trong đó nhiều người rất thông thạo nghiệp vụ, có kinh nghiệm công tác. Ở Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, một doanh nghiệp sáng giá mà nhiều người cũng cho hay là chờ cổ phần hoa xong là nghỉ, họ ra làm cho cac công ty chứng khoán, kiếm nhiều hơn và cũng thoải mái hơn.

Ở ngành Toà án cũng đang đối diện với nỗi lo thiếu cán bộ chưa kịp bổ sung, trong khi đó nhiều người có năng lực lại xin nghỉ vì nhiều lý do...

Hôm nay đọc báo Tuổi trẻ lại thấy nói, nhiều cán bộ nhà nước tại TP.HCM đã xin nghỉ việc để ra "làm dân". Nguyên nhân xin nghỉ việc mỗi người mỗi khác, nhưng trong đó vẫn có những vấn đề rất đáng quan tâm đối với công tác sử dụng và đãi ngộ cán bộ.

Chỉ riêng Sở Bưu chính - viễn thông năm 2007 đã có ba cán bộ chủ chốt và một số chuyên viên xin nghỉ việc, sắp tới một số thạc sĩ thuộc chương trình đào tạo 300 tiến sĩ; thạc sĩ cũng sẽ nghỉ việc sau khi hết thời hạn cam kết phục vụ. Tại Viện Kinh tế TP.HCM, chỉ trong vòng một năm đã có khoảng mười người "ra đi", trong đó có những người có trình độ, bằng cấp cao.

Tại các đơn vị khác như Sở Kế hoạch - đầu tư, Sở Giao thông công chính, các cơ quan trực thuộc Thành đoàn TP.HCM cũng có tình trạng cán bộ "ra dân". Đặc biệt, có cán bộ lãnh đạo ở cương vị cao đã xin nghỉ việc như phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư, phó giám đốc Sở Giao thông công chính, phó giám đốc Sở Du lịch, phó chủ tịch quận 12, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, giám đốc Nhà xuất bản Trẻ...

Là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước ở TP.HCM về ngành bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin - những ngành thị trường lao động đang có sức hút rất lớn, ông Lê Mạnh Hà - giám đốc Sở Bưu chính - viễn thông TP.HCM - tỏ ra rất lo lắng chuyện giữ ổn định đội ngũ. "Tôi lo nhất là mỗi lần thấy cán bộ của mình lên gặp lãnh đạo mà mang theo cái đơn xin thôi việc, chuyển công tác, nhất là cán bộ chủ chốt. Về nguyên tắc, chúng tôi phải tôn trọng nguyện vọng cá nhân của anh em. Không thể cố giữ chân, dù anh em có ở lại mà không yên tâm làm việc thì cũng chẳng thể có hiệu quả, thậm chí có thể còn làm mất cơ hội tốt hơn của anh em" - ông Hà tâm sự.

Ông Lê Hiếu Đằng - phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM - nhấn mạnh việc hàng loạt công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo như các phó giám đốc sở, mà xin nghỉ việc thì không thể nói là đơn giản. Ông Đằng nói: "Theo tôi, lương thấp chỉ là một phần nguyên nhân chứ không phải quyết định. Tôi cho rằng cách phân công công việc ở nhiều nơi còn bất hợp lý, công tác tổ chức cán bộ không tốt.

Qua những vụ bố trí cán bộ cụ thể gần đây cho thấy không có một qui hoạch nào cả, điều động người này đến vị trí kia, đưa người kia ngồi vào chỗ nọ mà không biết họ có năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ hay có tâm huyết với công việc mới hay không. Đó là chưa kể có nơi bố trí cán bộ không tuân thủ qui định về thâm niên, nghiệp vụ chuyên môn. Tôi không thấy rõ tiêu chí nào trong việc bố trí cán bộ ở đây. Điều đó cho thấy có một sự áp đặt quá rõ. Mà đã áp đặt thì nhiều người không nể, không phục, kết cục là không ít người đã quyết định chia tay với cơ quan".

Ông Đằng kết luận: "Cách đối xử với cán bộ thiếu tôn trọng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự ra đi của một số cán bộ. Với những người tâm huyết, muốn cống hiến, họ chỉ đòi hỏi được đối xử công bằng, đánh giá đúng năng lực và bố trí đúng công việc. Nếu những điều này không được đáp ứng thì họ sẵn sàng nghỉ việc một cách dứt khoát để tìm chỗ làm khác đúng sở trường của mình".

Ông Nguyễn Văn Quang - phó viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, đại biểu HĐND TP - cho rằng mặc dù chế độ tiền lương của nước ta đã được cải tiến nhưng so với yêu cầu cuộc sống thì chưa giải quyết được căn cơ đời sống của người làm việc ăn lương. Thị trường lao động đang diễn ra "cầu" cao, ở khu vực ngoài nhà nước các doanh nghiệp sẵn sàng trả lương xứng đáng cho những người làm việc có hiệu quả. Chính vì vậy đã xảy ra việc cán bộ nhà nước rời bỏ nhiệm sở để ra ngoài. Đó là vấn đề thực tế, chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật.

Theo ông Quang, ngoài thu nhập, môi trường làm việc và cơ hội thăng tiến cũng là điều rất quan trọng đối với cán bộ. Nhưng yếu tố nào nặng hơn yếu tố nào thì còn tùy thuộc vào mỗi người.

Ở NHNN, một nhân vật nữa có hàm vụ trưởng, ông Trương Văn Phước, Giám đốc Sở Giao dịch thuộc NHNN mới đây cũng xin nghỉ việc để chuyển sang nơi khác. Ông Phước từng làm việc tại một ngân hàng thương mại cổ phần lớn ở cương vị tổng giám đốc với mức lương cao "ngất ngưởng". Sau đó, vì "niềm đam mê lớn nhất cuộc đời là tỉ giá", ông đã quyết định về NHNN. Nhưng rồi, niềm đam mê ấy cũng không thể giữ chân một chuyên gia giàu cả về kiến thức nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác lẫn năng lực quản lý và đầy tâm huyết như ông.

"Tiền quan trọng, không ai phủ nhận điều đó, nhưng nó không quyết định tất cả, đặc biệt với những tầng lớp người hướng tới một môi trường để cống hiến nhiều hơn chứ không phải muốn thu lợi được nhiều hơn", ông Phước tâm sự.

Đồng cảm với ông Phước, Trưởng Ban Pháp luật của Hiệp hội ngân hàng, Luật gia, TS Trần Đình Triển, người cách đây 15 năm từng là trưởng phòng đầu tiên xin thôi việc và rời khỏi NHNN cho rằng: Công tác tổ chức, cán bộ chính là nguyên nhân sâu xa của việc ra đi hàng loạt nhân vật cốt cán.

"Công tác tổ chức theo tôi thực sự có vấn đề. Với những cán bộ có năng lực và tâm huyết, mong ước lớn nhất chính là được cống hiến. Nhưng thực tế, họ cảm thấy không có cơ hội để thực hiện mong ước đó và đặc biệt hẫng hụt khi việc đề bạt không dựa trên tiêu chí trình độ và đạo đức", ông Triển thẳng thắn.

Các bạn thấy ai nói có lý nhất? Tôi thì thấy ông Lê Hiếu Đằng và Ls Trần Đình Triển nói trúng vấn đề trọng tâm ...

--> Read more..

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2008

Vụ hành hạ trẻ và công tác quản lý

Vụ con mụ Hoa nhận trông giữ trẻ ở Đồng Nai với cung cách thú dữ khiến cho tất cả những ai có con, có cháu ( mà không ai không có) đều xót xa, phẫn nộ. Con cái chúng ta ở nhà nâng như nâng trứng, hơi đau đã xót xa, vậy mà mấy đứa trẻ, có cháu mới 14 tháng tuổi bị bàn tay hộ pháp của mụ Hoa vả đôm đốp vào mặt, cũng với những tiếng chửa rửa và ánh mắt căm ghét...Tôi nghĩ, sự tổn thương của các cháu không dễ đo đếm. Đó là vết thương đeo bám các cháu lâu dài.

Thương các ông bố bà mẹ nghèo đã gửi nhầm con vào tay ác quỷ. Họ hẳn đau đớn vô cùng. Nhưng không thể trách họ được, mà phải trách chính quyền.

Khi họ cần nhà trẻ, họ đi gửi con và tin tưởng mặc nhiên rằng nhà trẻ đó được chính quyền và pháp luật bảo hộ. Tương tự như ta vào hàng ăn, ta tin tưởng vào Nhà nước. Nhà nước đảm bảo cho hàng ăn này hợp vệ sinh.

Người ta đi xe bus, người ta tin tưởng ở Nhà nước, đã được Nhà nước kiểm tra đảm bảo người lái xe có đủ trình độ và sức khoẻ, xe đủ điều kiện lưu thông.

Ta vào một nhà nghỉ, một khách sạn, người ta có thể yên tâm vì đã có Nhà nước. Nhà nước đảm bảo nhà này xây đúng kỹ thuật, không thể sập đổ được; chủ nhà có đủ tư cách, không phải dân lưu manh để đêm có thể cắt cổ khách , cướp đồ...VV và VV.

Người dân đòi hỏi ở Nhà nước như vậy có quá nhiều không? Không. Vì dân đóng thuế nuôi chính quyền nên những đòi hỏi đó là chính đáng. Và Nhà nước đã có bộ máy từ Trung ương đến địa phương hùng hậu, nên không thể không làm rõ trách nhiệm, từ trên xuống dưới.

Ở cấp cao, qua những vụ bạo hành trẻ em vừa qua, Nhà nước phải thấy công tác quản lý , chăm sóc trẻ em của ta hiện có nhiều lỗ hổng lớn, nếu những vụ việc vừa qua báo chí không lên tiếng thì không ai thấy cả hay sao?!. Qua đó để có những quy định sát thực tế hơn, phù hợp hơn để không còn những lỗ hổng như vậy.

Ở cấp địa phương, thì thấy rõ trách nhiệm của ngành giáo dục, của chính quyền cơ sở, thiếu năng lực hay thiếu quy định để xử lý cũng phải làm cho rõ để khắc phục. Không thể thành tích thì thi nhau nhận mà khi có chuyện không hay thì không tìm đâu ra người có trách nhiệm.

Nói đến trách nhiệm lại liên quan đến công tác cán bộ...

Từ một chuỵên nhỏ mà thấy cả chuyện lớn về quản lý nhà nước ở ta hiện nay. Nếu qua đây khắc phục, sửa chữa được chuyện lớn mới điều đáng mừng, chứ không chỉ dừng lại ở mấy bài báo, một phiên toà rồi dăm ba vị mang đường sửa đến thăm hỏi để lên TV...

--> Read more..

Câu nói đau lòng của Nguyễn Khải

Tin buồn lòng là nhà văn Nguyễn Khải- một người tôi yêu thích qua đời. Văn của ông sâu sắc, chuỵện như không mà cũng để lại nhiều suy nghĩ. Hồi bắt đầu đổi mới, Nguyễn Khải có nói một cấu khiến mình yêu ông ấy hơn, đại ý là bây giờ nghĩ lại những sáng tác trước đây của mình coi như bỏ đi cả. Quả thật những Mùa lạc, những Tầm nhìn xa...cũng đáng bỏ đi thật. Xót xa!

Nhưng ai cũng một lần ra đi, Tào Mạt có câu thơ trước khi chết:" Trăm năm vui cái hẹn về"- khi sinh ra người ta đã có cái hẹn ngày về với hư vô rồi. Nguyễn Khải cũng không tránh được. Nhưng buồn vì một câu nữa của Nguyễn Khải, được nhà báo Vu Gia dẫn lại trong bài tưởng nhớ trên Người lao động hôm nay:

"Khi tôi in được vài ba đầu sách, ông dặn tôi đừng tự huyễn hoặc mình. Ông nói, bọn mình chỉ là con chó bông, chó kiểng. Ngày ngày, người ta tắm rửa, vuốt ve nhưng chớ dại tưởng mình là nhất mà cào cấu, cắn bậy làm cho chủ hoặc người thân yêu của chủ chảy máu là bị... đập đầu ngay. Những lời dặn dò của ông, tôi nhớ đời".

Một nhà văn cách mạng hàng đầu, được Giải thưởng Hồ Chí Minh mà nói như thế, nghe đau lòng quá...

--> Read more..

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2008

Tạ Đình Đề (tiếp và hết)

Con gái, con trai và người cháu gọi TDD bằng chú tại Lễ trao Huân chương (Ông Đề có hai con trai, một con gái)

Bị giam lỏng vì đi cải cách ruộng đất

Tạ Đình Đề được giao nhiệm vụ làm đội trưởng một đội cải cách về Thanh Hà, Hải Dương, vùng đất ông đã từng hoạt động và được cưu mang. Khi bắt tay vào cải cách ruộng đất ông mới thấy hoang mang, day dứt. Nhà báo Xuân Ba đã trò chuyện với Tạ Đình Đề và ghi lại trong “Tạ Đình Đề- huyền thoại và sự thật” rằng, đội cải cách coi việc bắn người như một thành tích, họ tử hình địa chủ một cách tuỳ tiện.” Sao, đội mày đã tìm được tay ác bá nào chưa? Bên tao mấy bữa nay “pằng pằng” ba tên rồi. Trên khen là vượt mức đấy!”...Có nhiều buổi ông ngồi ghế chánh án mà như ngồi trên đống gai. Người ta lăn xả vào mà đấu , mà chửi, ném đất đá, nhổ nước bọt vào mặt kẻ bị đấu chỉ vì trước đây bữa cơm của thợ gặt thiếu mất nửa bát tương. Chưa hết, chính mắt anh còn trông thấy cảnh con tố cha, anh tố em chỉ vì hiềm khích nho nhỏ từ đời nảo đời nào rồi nâng lên thành kẻ thù giai cấp...

Ghê sợ hơn, có một đêm ông còn trông thấy một đội trưởng đang ngồi chơi cờ tướng. Đôị trưởng đang nhăn trán, cau mày vì gặp nước chiếu bí thì một cốt cán len vào đưa một tờ giấy gì đó ”Bẩm đồng chí đội trưởng ký ạ”. “Ký cái gì?”- đội trưởng quắc mắt hỏi người mới đến. “Dạ thưa, ký lệnh mai tử hình hai tên ác bá ạ”. Tay vẫn vê vê con xe, mắt vẫn nhìn vào bàn cờ, đội trưởng giọng đều đều ” Đã điều tra kỹ chưa?”. “Dạ thưa đồng chí, chúng con điều tra kỹ rồi ạ”. Nghe vậy đôị trưởng vẫn không nhìn lên, rút chiếc Parker đánh tách rồi ký roạt vào tờ giấy vô tri nọ.

Vô tình chứng kiến cảnh đó, ông rùng mình. Cơn giận đâu làm ông không tự chủ được...Ông nhảy ngay vào ổ rơm, nơi đồng chí đội trưởng khoác tấm chăn trùm hum đang đánh cờ, túm ngực lôi dậy “Này anh có biết tội anh thế nào không, ký giấy tử hình mà như ký giấy mời họp vậy? Anh quan liêu nó vừa vừa chứ?”...

Những chuyện như vậy cộng với thành tích “lệt bệt” của đội ông phụ trách,( đội không đề nghị tử hình một đối tượng nào- Đại tá Quách Hải Lượng cho hay) nên cuối cùng ông bị đánh giá là có tư tưởng thông đồng với kẻ thù giai cấp mà lại còn ngoan cố...Thế là ông bị “gô cổ “ lại và giam lỏng trong một ngôi đình gần bốn tháng. Rồi có lệnh sửa sai, ông thả và trở về làm đường sắt, làm Chủ nhiệm Tổng kho Lạng Sơn, rồi về Đoạn trưởng Đoạn đầu máy toa xe Hà Nội.

Về ngành đường sắt và phiên toà 6 ngày

Về ngành đường sắt ông được giao làm Trưởng ban Thể dục thể thao rồi kiêm Xưởng trưởng xưởng dụng cụ cao su. Đây là giai đoạn phản ảnh lối tư duy táo bạo, thiết thực và giỏi giang của ông trong việc làm kinh tế, giữa thời bao cấp nhiều khó khăn, ràng buộc. Nhà báo Ngọc Phúc đã có bài gọi ông là “Một cánh én” báo hiệu mùa xuân, tương tự như Kim Ngọc (Vĩnh Phúc) trong làm kinh tế. Tiếc rằng “cánh én” Tạ Đình Đề xuất hiện quá sớm, giữa những năm chống Mỹ ác liệt nên chưa gặp thời, dẫn đến tại hoạ đổ xuống đầu ông.

Năm 1965, ông biết ông Nguyễn Văn Thi- Đội viên đội biệt động của ông ngày trước làm vợt bóng bàn nổi tiếng, ông mời ông Thi về bàn chuyện sản xuất. Lúc bấy giờ vợt bóng bàn phải mua từ nước ngoài khá đắt đỏ nên sản phẩm của tổ làm ra được thị trường tiêu thụ rất tốt. Từ tổ sản xuất đã nâng lên thành Xí nghiệp, sản xuất ngay tại trụ sở của Ban Thể dục thể thao 65 phố Quán Sứ. Anh chị em vận động viên, cầu thủ, diễn viên đoàn văn công ngoài giờ luyện tập đều đến xưởng tham gia sản xuất vợt bóng bàn.

Năm 1970, theo chủ trương của Tổng cục Đường sắt, xí nghiệp chuyển xuống Giảng Võ để mở rộng sản xuất. UBHC tp Hà Nội đã duyệt cho 15 ha nguyên là bãi tha ma. Xí nghiệp phải di dời gần 400 ngôi mộ và đắp đường. Tháng 12-1972 cơ sở ở Quán Sứ bị cháy nên kế hoạch xây dựng càng gấp rút hơn để có thể tiếp tục sản xuất vào năm 1973. Để mở rộng sản xuất xưởng cao su cần đến nhiều nguyên vật liệu và máy móc, lúc đó lại khan hiếm, Tạ Đình Đề nảy ra sáng kiến, tận dụng những máy móc phế liệu do chiến tranh phá hoại còn vứt dọc đường quốc lộ 5. Ông liền đến xin ông Đinh Đức Thiện- Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần và được ủng hộ ngay.

Nhờ sự quyết tâm của Tạ Đình Đề và lãnh đạo xí nghiệp nên trên mảnh đất tha ma ấy nhà xưởng, rồi hội trường, nhà trẻ, khu văn phòng lần lượt mọc lên…Không ngờ công ấy trở thành cái để họ hạch tội ông sau này.

Để khuyến khich người lao động, ông Đề và lãnh đạo xí nghiệp áp dụng hình thức khóan sản phẩm, khoán công việc đến từng người, từng tổ và trả lương theo sản phẩm, thực hiện thưởng lương tháng 13 để công nhân có tiền ăn tết. Công nhân được đưa đón bằng xe ô tô và ăn giữa ca không mất tiền…Bây giờ nghĩ đó là những việc làm bình thường nhưng lúc đó là sự kiện chấn động tư duy kinh tế kế hoạch hoá, bao cấp triệt để của thời chiến. Nhờ đó mà sản phẩm của xí nghiệp ngày càng đa dạng, được xuất khẩu, có thời điểm xuất cho thị trường 9 nước XHCN.

Đội bóng đá đường sắt có điều kiện được quan tâm đầy đủ nên trở thành một đội bóng mạnh lúc bấy giờ.

Trong đội ngũ công nhân của Xí nghiệp có những người có tiền án tiền sự, người không có nghề nghiệp, người thất cơ lỡ vận... Được nhận vào họ đều làm việc hăng hái và có kết quả tốt. Có hai nghệ sĩ đang thất cơ lỡ vận được ông nhận vào, dù lúc đó xã hội còn chưa ai biết đến họ, đó là thi sĩ Lưu Quang Vũ và nhạc sĩ Phan Lạc Hoa. Nhờ sự cưu mang của ông mà ngành đường sắt có bài “ngành ca” nổi tiếng “Tàu anh qua núi” và cũng từ đó người yêu nhạc biết đến Phan Lạc Hoa. Lưu Quang Vũ sau này trở thành kịch tác gia nổi tiếng đã lấy từ nguyên mẫu Tạ Đình Đề và xí nghiệp cao su này để làm chất liệu dựng vở kịch “Tôi và chúng ta“ nổi tiếng...

Giữa lúc công việc trôi chảy và phát đạt ấy thì ngày 27-11-1974, Tạ Đình Đề và vị phó của ông là Nguyễn Xuân Luật bị bắt giam, vì nghe đâu có đơn tố cáo ông Đề ba tội: chứa thuốc nổ và vũ khí; tập hợp các phân tử xấu và rút tiền mặt chi tiêu vô tội vạ…

Sau 18 tháng giam cứu, ngày 7-6-1976 Tạ Đình Đề và các đồng phạm được đưa ra TAND tp Hà Nội để xét xử. Phiên tòa kéo dài 6 ngày trở thành một sự kiện chấn động dư luận thời bấy giờ.

Tổng cục trưởng Tổng cục đường sắt Hà Đăng Ấn cho anh em xí nghiệp nghỉ vịêc để đi tham dự phiên tòa. Nhiều anh em công nhân ôm hoa đứng ở cổng Hỏa Lò để tặng ông khi Công an dẫn sang Tòa án. Quảng trường Tòa án ngày nào cũng đông nghịt người theo dõi phiên tòa.

Bà Thẩm phán Phùng Lê Trân đã làm rõ từng nội dung cáo trạng buộc tội Tạ Đình Đề và 7 bị cáo khác trong vụ án. Hội đồng xét xử nhận định: Toàn bộ hoạt động của Tạ Đình Đề từ 1971 đến 1974 là thấy việc gì có lợi cho đơn vị thì kể cả móc ngoặc, xin nhượng, mua bán, đổi chác để thực hiện bằng được. Thấy mặt hàng gì có khả năng bán được là tung tiền ra mua kỹ thuật và đầu tư sản xuất, trước mắt lấy lãi phục vụ kiến thiết cơ bản, hoạt động thể dục thể thao và mục tiêu lâu dài là đưa xí nghiệp trở thành xí nghiệp lớn, kinh doanh tổng hợp. Kết quả đạt được là một cơ ngơi khang trang được hoàn thành trong hai năm trên một bãi tha ma và ao rau muống…Các bị cáo cố ý làm trái nhưng không có tư lợi.

Cáo trạng dựa vào một bản báo cáo thanh tra, nhưng Thẩm phán Phùng Lê Trân phân tích: Báo cáo của đoàn thanh tra liên bộ chưa có căn cứ để tin. Xét về nguyên tắc thì không có quyết định thành lập đoàn thanh tra liên bộ. Báo cáo thanh tra không có ngày tháng, không ghi những ai, tên gì, của cơ quan nào được cử tham gia đoàn thanh tra. Không ghi ai là đoàn trưởng, đoàn gồm có mấy người…nên không thể xem đây là văn bản có giá trị pháp lý.

Hơn nữa, Bộ trưởng Bộ GTVT Dương Bạch Liên trong công văn số 72 ngày 4-12-1974 khẳng định :”Có những việc liên quan đến Tổng cục đường sắt và Bộ có trách nhiệm, không phải giám đốc xưởng tự ý làm”… Hội đồng xét xử quyết định Tạ Đình Đề và 7 bị cáo khác không phạm tội cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế gây thiệt hại cho tài sản XHCN; không phạm tội tham ô và hối lộ. Tạ Đình Đề và các bị cáo khác được trả tự do.

Lời tuyên án vang lên trong tiếng hoan hô vang dội của những người tham dự phiên tòa. Người ta ào vào công kênh Tạ Đình Đề như người anh hùng…

Ngay sau phiên tòa, Tổng cục đường sắt đã phục hồi ngay quyền lợi như lương bổng, chức vụ cho Tạ Đình Đề. Nhưng số phận ông vẫn chưa hết rủi ro. Ngày 15-8-1985 ông lại bị bắt về tội “Tuyên truyền phản cách mạng”. Nhưng mọi nghi ngờ được giải tỏa, cuối năm 1987, Tạ Đình Đề được trả tự do và phục hồi quyền lợi mọi mặt.

**

Nhà văn Mai Ngữ kể “Sau này thỉnh thoảng gặp ông Đề ở nhà bè bạn, khi nghe có người giới thiệu, ông Để thường nói: “Cả nước đánh Đề , Đề không chết/ Chung quy Đề đỗ tú tài (tái tù)...”. Nói cho vui thế thôi nhưng Tạ Đình Đề là con người rất hiền lành, bia rượu hay thuốc lá chưa bao giờ dùng, cái con người mà hồi chín năm tôi được nghe bao nhiêu là chuyện như là huyền thoại sao mà ít nói, hay có bao nhiêu điều không muốn nói ra. Hôm đi lĩnh huy hiệu 50 tuổi Đảng, ông đến Câu lạc bộ Ba Đình bỏ cái phong bì kèm theo huy hiệu ấy có năm chục nghìn mua bia cho tất cả anh em cùng uống, riêng ông thì không. Một lần có bạn nào đó đọc lại hai câu thơ kiểu Bút Tre cho ông nghe: “Hoan hô anh Tạ Đình Đề/ Trước làm gián điệp sau về với ta”, ông chỉ cười nụ, bảo rằng thiên hạ đồn thổi về ông quá nhiều nên ông cũng hay mắc vạ về những lời đồn thổi ấy. Ông im lặng và tôi cũng im lặng ngắm gương mặt đã sạm, bộ ria con kiến của ông và không hỏi gì về ông. Mà có hỏi ông cũng chẳng muốn nói, ông như cái bóng mờ mờ ảo ảo, ai muốn hiểu thế nào thì hiểu, chỉ biết một điều ông là một người tốt, một nhà cách mạng lão thành, vậy thôi”.

Ngày 2007, năm kỷ niệm 90 năm sinh “ người tốt”, “nhà cách mạng lão thành” Tạ Đình Đề, Chủ tịch nước đã quyết định truy tặng ông Huân chương Độc lập hạng Ba để tưởng thưởng những “thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc”. Lễ truy tặng được tổ chức ngay tại Xí nghiệp Cao su đường sắt, nơi ông đã cùng đồng đội đổ mồ hôi, sôi nước mắt, nhiều niềm vui và cũng nhiều cay đắng xây đắp nên. Có mặt trong buổi lễ là Thượng tướng GS Hoàng Minh Thảo và các đồng chí đồng đội của ông, đại diện Tổng cục đường sắt và cán bộ, công nhân Xí nghiệp...

NGUYỄN PHAN KHIÊM

BOX

Chân dung đích thực của Tạ Đình Đề là một con người chân quê, thuần phác, đầy nhiệt huyết và thẳng thắn, bộc trực. Ông có tố chất chính trị tự nhiên, có tài năng hoạt động tình báo, biệt động, đặc công, có năng khiếu làm kinh tế, có lòng nhân đạo cao cả và có tính nhân văn chân chất trong đối xử giữ con người với con người”

Đại tá Quách Hải Lượng-

nguyên tuỳ viên quân sự Việt Nam tại Trung Quốc

“ Lịch sử nhất định sẽ ghi nhớ những đóng góp xứng đáng của anh. Nhân dân còn truyền tụng mãi những huyền thoại đầy thiện cảm về Tạ Đình Đề. Những người thân thiết và bè bạn chiến đấu rất tự hào về anh, một chiến sĩ cao thượng, vững vàng vượt qua những chông gai chìm nổi trong đời mà vẫn giữ vững phẩm chất trong sáng”...

Điếu văn của Hội cựu chiến binh Hà Nội

“ Tôi nhìn ông, gương mặt rạng rỡ, nụ cười luôn nở trên môi. Đó là nét hiếm thấy ở ông, một con người điềm đạm, ít nói, từng rực rỡ trong huyền thoại, chìm ngập trong lao đao, bão tố tưởng như không chịu nổi”

Nhà báo Thọ Cao

“Nhiều khi tôi cứ tẩn mẩn nghĩ, một con người bị cuộc đời dần lên, hắt xuống ghê gớm như ông mà không biết đùa, không biết cười cợt, ngang tàng thì dễ quỵ lắm”.

Nhà văn Chu Lai

--> Read more..

Flags

Flag Counter