Thứ Ba, 29 tháng 4, 2008

Giải trí với váy Hàn

Lễ trao giải Daeksang lần thứ 44 đã diễn ra vào chiều tối ngày 24/4 với sự góp mặt của đông đảo ngôi sao trong làng giải trí Hàn Quốc. Tờ Sport Seoul đã “chấm điểm” những bộ váy của các ngôi sao nữ trong bữa tiệc điện ảnh lớn nhất Hàn Quốc này.

Xem đánh giá mới biết, không nhất thiết hở nhiều đã là đẹp.

Lễ trao giải điện ảnh Daeksang năm 2008 tiếp tục là sự lên ngôi của váy dài và hở ngực khiến các minh tinh xứ Hàn trông thật quyến rũ và gợi cảm.

Theo đánh giá của độc giả tạp chí Sport Seoul, chiếc váy đẹp nhất tại lễ trao giải Daeksang năm nay thuộc về nữ diễn viên kỳ cựu Kim Hee Ae. Theo độc giả, chiếc váy xanh, và không quá “hở” của Kim Hee Ae giúp cô trông thật duyên dáng và sang trọng.

Chiếc đầm tím mà Son Ye Jin diện trong lễ trao giải cũng được chấm điểm khá cao. Màu sắc và kiểu dáng của chiếc váy rất hợp với Son Ye Jin. Cùng điểm với Son Ye Jin là chiếc đầm dành cho Han Ye Seul, Choi Yeo Jin, và Hyun Young.

Đáng tiếc, chiếc váy của Yoon Eun Hye, Lee Ji Ah, Jung Ryeo Won, Sung Yuri, Lee Yeon Hee lại bị “xếp” vào loạt những chiếc váy xấu nhất tại lễ trao giải điện ảnh Deaksang năm nay.

Những chiếc váy đẹp nhất:

Kim Hee Ae

Son Ye Jin

Han Ye Seul

Choi Yeo Jin

Hyun Young

Những chiếc váy phản cảm nhất:

Yoon Eun Hye

Lee Ji Ah

Jung Ryeo Won (trái)

Lee Yeon Hee

Sung Yuri (phải)

Mi Vân

Theo Sportsseoul

--> Read more..

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2008

Não trạng của sự thiếu tự tin

Những người thiếu tự tin thường hay "quá tự tin", nghĩ mình tài giỏi, làm chủ được tình hình và nhất là khi được người khác (hay tự mình) "tâng bốc", nhưng lại tỏ ra lúng túng, bối rối khi tình hình thay đổi.

Các phương tiện truyền thông góp phần làm cho triệu chứng "thần kinh phân liệt" xã hội này được khuếch đại lên nhiều lần với những lời phụ hoạ đôi khi thiếu cân nhắc. Bình tâm xem xét vài trong số vô vàn hiện tượng như vậy chắc không phải là chuyện thừa.

Bình chọn 7 kỳ quan thế giới do tổ chức
New7Wonders (hay NewOpenWorld Foundation) - một tổ chức phi chính phủ đăng ký tại Thụy Sỹ - tổ chức, là một ví dụ. Tham gia vào những sáng kiến như vậy là một việc tốt. Nó góp phần vào việc quảng bá hình ảnh đất nước, thúc đẩy du lịch.

Tuy nhiên, đẩy việc tham gia bình chọn một cách quá đáng như việc dự kiến thành lập "ban chỉ đạo nhà nước", việc các bộ, các tập đoàn, các báo lớn tổ chức rầm rộ để "tự bình chọn cho mình" và có lúc đã đưa 3 kỳ quan thiên nhiên của Việt Nam chiếm trọn 3 vị trí hàng đầu, khiến người dân "hừng hực khí thế tự hào" là việc có lẽ chưa thật ổn.

Rồi cả 3 địa danh này bị rút khỏi danh sách do vi phạm quy định của nhà tổ chức đã khiến nhiều người thất vọng, bối rối. Thậm chí nhiều tờ báo còn cho rằng đây là "sự thất bại của tính chuyên nghiệp", là chúng ta đã không tuân thủ "luật quốc tế", chê nhà tổ chức là "tư nhân" chứ không phải tổ chức quốc tế, v.v. và v.v...

Diễn đàn Kinh tế Thế giới do ông Klaus M. Schwab thành lập năm 1971 ở Thụy Sỹ cũng là một tổ chức tư nhân phi chính phủ, nhưng hàng năm hội nghị rất có uy tín của nó tại Davos quy tụ hàng chục nguyên thủ quốc gia, hàng trăm nhà chính trị và nhà doanh nghiệp hàng đầu thế giới đến để bàn những việc toàn cầu hết sức hệ trọng. Vấn đề đâu phải tổ chức tư nhân hay quốc tế đứng ra tổ chức. Vịnh Hạ long đã xuất hiện trở lại và vẫn đang chiếm vị trí số một. Có lẽ nên bình tâm để loại căn bệnh "thần kinh phân liệt" trong ứng xử của chính chúng ta.

Việc thứ hai là
vệ tinh viễn thông Vinasat-1. Đi thuê ai đó chế tạo cho mình một vệ tinh, rồi lại thuê ai đó khác phóng vệ tinh ấy lên quỹ đạo là việc bình thường. Công ty viễn thông Indonesia đã có vệ tinh của mình (Palapa-A1) từ 1976, cho đến nay đã có tổng cộng 7 vệ tinh viễn thông. Công ty viễn thông Shin Satellite (Thaicom) của Thái Lan có 5 vệ tinh (1993 Thaicom-1, 2006 Thaicom-5).

Công ty Measat của Malaysia vận hành 3 vệ tinh viễn thông (Measat-1 và 2 năm 1996, Measat-3 năm 2006). Có rất nhiều công ty có vệ tinh riêng của mình. Ngày 19.4.2008 vệ tinh viễn thông Vinasat-1 của VNPT do Lockheed Martin (Mỹ) chế tạo đã được Arianespace (Pháp) phóng thành công lên quỹ đạo. Đây một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành viễn thông Việt Nam.

VTV đã truyền hình trực tiếp sự kiện rất ngoạn mục này. Báo chí đã đưa tin làm người dân lại "hừng hực khí thế tự hào". Đó là một sự kiện rất quan trọng, song cũng không nên phóng đại quá đáng. Nào là Việt Nam "mở cửa vũ trụ", "hội nhập vũ trụ", "đây là một giờ phút thiêng liêng đối với mọi người Việt Nam, vì kể từ đây, chúng ta đã khẳng định được chủ quyền của Việt Nam trên quỹ đạo không gian", "đây là lần đầu tiên, không phải diễn ra một sự kiện khoa học mang ý nghĩa "thắng lợi tinh thần", mà gồm cả tinh thần và vật chất, cho cả đất nước và cho mỗi người dân" (Thanh Niên, 19.4).

Những nhận xét thiếu thận trọng như vậy có thể khiến thiên hạ chê cười. Nhiều báo viết không chính xác, mập mờ có thể làm cho bạn đọc hiểu lầm, thí dụ thay cho nói Việt Nam (thuê người khác) phóng thì lại viết "ngay sau khi Việt Nam phóng thành công vệ tinh đầu tiên Vinasat-1 vào quỹ đạo" (TTXVN), cứ như chúng ta đã phóng, đã chế tạo được vệ tinh.

Việc thứ ba là
giỗ tổ Hùng Vương. Đây là một sự kiện tâm linh quan trọng đối với tất cả mọi người dân Việt. Lễ hội được tổ chức hoành tráng tại đền Hùng, các địa phương khác cũng tổ chức rầm rộ. Có đoàn đã thành kính dâng cúng lễ Giỗ Tổ cặp bánh chưng nặng 1,8 tấn, bánh giày nặng một tấn. Báo chí đưa tin long trọng, kể cả hành trình của hai chiếc bánh. Rồi hoá ra bánh thiu, ruột làm bằng xốp và người ta quay sang phỉ báng những hậu duệ bất hiếu với tổ tiên, đòi xử lý nghiêm những kẻ làm bậy.

Chuyện bỏ khoản tiền lớn ra mua cái gì đó và được người bán ca ngợi, tán dương rồi nghĩ mình tài giỏi là sự ngộ nhận. Hãy thận trọng với những lời khen của người bán hàng. Cũng nên cẩn trọng với lời khen của khách nước ngoài, họ giữ phép xã giao mà. Rồi chuyện có người muốn đưa ra chỉ tiêu đào tạo 20.000 tiến sĩ đến 2020 để đến 2045 Việt Nam có người được giải Nobel khoa học v.v...

Rất cần trí tưởng tượng, song ngộ nhận, phóng đại, ảo giác, hoang tưởng là những dấu hiệu của chứng thần kinh phân liệt, biểu hiện của những người thiếu tự tin và cần được chữa trị. Báo chí với chức năng khuếch đại của nó có thể làm cho căn bệnh xã hội này nặng thêm, vì thế hãy cẩn trọng.

Nguyễn Quang A
--> Read more..

Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2008

Thành phố nào say tình nhất VN nhỉ?!

Trên mạng vừa xếp loại Top những thành phố say tình nhất nước Mỹ. Nếu ta cũng xếp loại thì không biết thành phố nào sẽ vinh dự được đứng đầu bảng nhỉ?! Một trong những tiêu chí ở ta có lẽ là con số nạo phá thai, thay vì mấy tiêu chí mà Hoa Kỳ đưa ra. Xem họ để ta tự so sánh cho vui vậy nha...

Quên đi Las Vegas hay Miami hào nhoáng, nếu bạn thực sự muốn sex, hãy đến San Antonio hoặc Cicinati của Mỹ. Dân các thành phố này làm chuyện ấy nhiều nhất theo thống kê số bao cao su và viên tránh thai họ mua.

Denver, Colo.
Đứng đầu danh sách này là thành phố Denver, Colorado. Tỷ lệ mua các dụng cụ tránh thai của dân thành phố này cao hơn mức trung bình là 189%.
San Antonio, Texas (tie)
Thành phố San Antonio, Texas chia sẻ vị trí thứ hai với thành phố Portland của bang Oregon. Dân nơi này mua dụng cụ tránh thai cao hơn mức trung bình là 127%.
Portland, Ore.
Đôi tình nhân tình tự dưới rừng hoa đào ở thành phố Portland, bang Oregon, xếp thứ hai trong danh sách các thành phố say tình nhất Mỹ.
Seattle, Washington.
Tình nhân ở thành phố Seattle, bang Washington, xếp thứ 4.
Salt Lake City, Utah, and Boise, Idaho.
Thành phố Salt Lake, bang Utah được xếp thứ 5 trong danh sách. Các cặp tình nhân ở đây mua bao cao su, viên tránh thai cao hơn mức trung bình là 107%.
Washington D.C.
Đôi tình nhân say nhau dưới rừng hoa đào ở Washington D.C., thành phố xếp thứ 6 với tỷ lệ mua bao cao su, viên tránh thai cao hơn trung bình là 89%.
(Tie) Cincinnati, Ohio
Thành phố Cincinnati, bang Ohio, cùng chia sẻ vị trí thứ 7 với thành phố Columbus.
Columbus, Ohio.
Tình nhân ở Columbus, Ohio. Dân thành phố này mua dụng cụ tránh thai hơn trung bình 70%.
Baltimore, Md.
Thành phố Baltimore, bang Maryland, được xếp thứ 9.
Buffalo, N.Y. and Rochester, N.Y.
Các cặp tình nhân ở Buffalo, New York về thứ 10 trong danh sách yêu đương của Forbes.
--> Read more..

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2008

Chào bác Lê Đạt , nhớ Nguyễn Đình Thi

Nhà thơ Lê Đạt- một trong tứ trụ của nhóm Nhân văn Giai phẩm xưa, người "phu chữ" nhẫn nại đã ra đi. Cuộc đời ông cũng như các bạn văn trong nhóm như Trần Dần, Phùng Qúan, Hoàng Cầm ... đã trải qua "trăm cay nhìn đắng" để cuối đời mới được ghi nhận công lao bằng một giải thưởng nhà nước muộn màng. Bên cạnh nhưng người "đa đoan" này, có những văn nghệ sĩ được ưu ái suốt đời. Nguyễn Đình Thi là một người như thế. Ông là một vị quan văn nghệ lớn...

Bất ngờ đọc bài về tập thơ cuối cùng của Nguyễn Đình Thi mới thấy, té ra ông cũng chẳng sung sướng gì. Xin post lên để bạn đọc chia sẻ.

Sóng reo - thanh và vô thanh

THANH THẢO

Tôi bắt đầu đọc tập thơ cuối cùng của Nguyễn Đình Thi, tập “ Sóng reo”-xuất bản năm 2001-từ bài thơ cuối cùng của tập thơ này, bài “ Đêm mưa”:


“ Đêm mưa hàng cây đứng lặ ng
Phố vẫn loá đèn ầm ào
Nước mưa đọng đầy mi mắt
Ngoảnh trông lại đã bạc đầu
Thoáng đời người tiếng cười khóc
Bay vào vô tận sóng reo
Anh mơ màng nhìn trên tay
Ướt đẫm mưa nhành lan tím”


Đây là những hình ảnh đã lặn vào bên trong, cả những âm thanh dù “ ầm ào” hay “ sóng reo” cũng đã lặn sâu vào bên trong. Một “đêm mưa” chìm sâu ngấm sâu vào “ cõi tù mù” của người viết, để từ đó ứa ra những chiêm nghiệm. Đó cũng là cách thế vận động của thơ Nguyễn Đình Thi: những hình ảnh hiện thực lặn sâu vào bên trong, và từ vùng mờ nhoè của ký ức hay tâm thức, những hình ảnh ấy lại dần hiện ra. Nó như thế mà không còn như thế. Nguyễn Đình Thi là nhà thơ cho tới những bài thơ cuối cùng vẫn giữ cho mình một cái nhìn “ mơ màng”. Những ai đã biết Nguyễn Đình Thi đều không hề nghĩ ông là người chuyên “ thả tâm hồn treo ngược trên cành cây”, hay ông cứ mơ mơ màng màng trong đời sống. Nhưng đời là đời mà thơ là thơ. Bởi hơn ai hết, nhà thơ hiểu rằng mỗi khi đắm chìm vào những câu thơ là mình đang sống một cuộc đời khác, mơ những giấc mơ khác, thậm chí chu du vào một thế giới khác. Thơ có khả năng tạo ra những ảo giác-hiện thực như thế, trước hết là cho nhà thơ, sau đó có thể lan truyền tới người đọc thơ. “ Anh mơ màng nhìn trên tay/Ướt đẫm mưa nhành lan tím/”-đó có thể là nhành lan thực, mà cũng có thể là một biểu tượng, là cái còn lại sau cùng của một đời người. Tôi lại đọc bài thơ đầu tiên trong tập “ Sóng reo”, bài “ Hoa không tên”.Đây không phải là bài thơ hay trong tập này, nhưng nó vẫn nằm trong “kênh” thơ ảo giác-hiện thực của Nguyễn Đình Thi, nó kêu gọi người đọc tìm đến một không gian vượt ra ngoài hiện thực, trong khi vẫn ở trong hiện thực:


“Điểm biếc trên vách đá
Một đoá hoa
Bé nhỏ cười với núi mây lộng gió

Đóa hoa không quên
Từ rất xa
Từ rất lâu
Một ngày bỗng nở

Đóa hoa không tên
Từ rất lâu
Từ rất xa”


Người ta có thể nghĩ nhà thơ đang viết về chính những câu thơ của mình, nó như một đóa hoa không tên tình cờ nở trong lặng lẽ, nhưng nó cũng là “ đóa hoa không quên” mình từ đâu tới, không quên gốc gác của mình. Một tập thơ viết từ những năm sắp qua tuổi thất thập, tới những năm sắp giã biệt cõi trần, một tập thơ như thế là rất đặc biệt. Nó bộc lộ những gì mà trước đó có thể tác giả đã nghĩ đến nhưng chưa nói đến, cả những gì nhỏ nhặt nhất, bình dị nhất trong cuộc sống hàng ngày mà ở vài tập thơ trước tác giả đã bỏ qua. Người ta đọc trong tập thơ này những bài thơ mang tính tranh luận công khai và mạnh mẽ như bài thơ “ Cách mạng”:


“Không sao chịu nổi
Lật hết đi
Thử xoay ngược lại
Xem thành cái gì”


Và đáng buồn thay, một cuộc “ lật ngược” theo kiểu “cách cái mạng” đã không tạo nên những giá trị mới, mà chỉ là đảo ngược những cung cách, những thuộc tính cũ cho những cặp đối lập :


“ Cái ác của kẻ mạnh/(thành)/Cái hèn của kẻ mạnh/
Cái hèn của kẻ yếu/ ( thành)/Cái ác của kẻ yếu/
Cái tham của kẻ thừa/( thành)/ Cái thèm của kẻ thừa

Cái thèm của kẻ thiếu/( thành)/ Cái tham của kẻ thiếu” v..v…Nghĩa là rốt cuộc, chả có gì thay đổi! Thế đâu phải là cách mạng! Nhưng thế nào mới là cách mạng ? “ Ra khỏi bóng đêm/Đi tới buổi sáng/”.Tác giả trả lời. Nhưng làm sao ra khỏi bóng đêm, làm sao tới được buổi sáng, câu trả lời của tác giả khá lấp lửng: “ Nhưng đó không phải chuyện một lúc.” Thì đó lại là “ tiệm tiến thay đổi” như nhà văn lỗi lạc Nga Mikhail Bulgakov từng ủng hộ, chứ không phải “ đột biến cách mạng” như ta đã biết. Và chính ở đó, Nguyễn Đình Thi bộc lộ mình không phải, không thể là nhà lý luận chính trị, lý thuyết gia cách mạng, mà chỉ đơn thuần là nhà thơ. Vì nhà thơ cảm nhận được, nhưng không thể đề ra giải pháp. Nhà thơ biết cái kiểu “ lật ngược” như thay một thế lực thống trị này bằng một thế lực thống trị khác thì không phải là cách mạng. Nhưng làm thế nào để có “cách mạng nhân ái” thì câu trả lời thật không dễ. Mọi giải pháp, nếu có, của nhà thơ, chỉ là những ảo giác-hiện thực. Nó có vẻ để an ủi chính nhà thơ và người đọc thơ hơn là để tạo ra một cuộc cách mạng hay lý giải đường hướng của một cuộc cách mạng. Tranh luận( dù rất nhỏ nhẹ), bộc lộ( dù rất khiêm nhường) đã khiến tác giả phải chịu nhiều áp lực rồi, nhưng tới bài thơ “ Gió bay” thì sự tự thú đã quyết liệt( may mà tự thú thì chỉ chịu áp lực từ chính mình):


Người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ
Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình
Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Tôi biết tôi đã nhiều lần ác
Và ngu dại còn nhiều lần hơn”


Trong sự chân thành tới đau đớn, người ta đọc được ở khoảng giữa những dòng thơ là cái lắc đầu ngao ngán của một trong những nhà văn nghệ Việt Nam thành công nhất ở thế kỷ hai mươi.Trong suốt mấy chục năm làm quan chức( cao cấp) văn nghệ, có cảm giác con người nhà thơ trong Nguyễn Đình Thi như một đứa trẻ con luôn phải rụt rè, núp tránh phía sau con người quan chức, con người nhà văn, con người lý luận, hay cả con người nhạc sĩ. Những phát ngôn thỏ thẻ của đứa trẻ ấy nhiều khi bị át đi bởi những giọng cao hùng biện, hay những âm thanh “ầm ào” của một thời đại khốc liệt và ít biết khoan thứ. Nhưng cuối cùng, còn lại với Nguyễn Đình Thi-danh nhân văn hoá Việt-có khi lại chính là “ đứa trẻ-thơ” ấy. Một đứa trẻ không chỉ biết tự hào mà còn biết tự thú, không chỉ biết vinh danh mà còn biết ẩn danh, không chỉ biết sung sướng mà còn biết đau khổ, nhất là biết đau khổ. Cái đáng ngại với một nhà thơ nhiều khi lại là thơ của mình. Đáng ngại nhất là khi đối diện với thơ mình ở những “phút 89” của cuộc đời. Không thể nói khác, không cả lẩn tránh, không phải những bữa tiệc ngôn từ. Chỉ còn những khoảng trắng, những khoảng trống, những khoảng lặng. Và chính ở đó, hình ảnh trung thực của nhà thơ chợt đẹp lên trước thơ mình, bởi thơ mình, như đứa trẻ cô đơn chạy trần truồng dưới cơn mưa nặng hạt. Tôi đọc tập “ Sóng reo”, mừng cho tác giả, và mừng cho thơ. Mừng nhất là được đọc những bài thơ giản dị, thật lòng, những bài thơ không thêu thùa, không cố sức, giống như những đóa hoa chua me đất lẫn trong cỏ. Bài thơ “ Hoa chua me đất” trong tất cả vẻ khiêm nhường tự nhiên của lời thơ và hơi cố ý nhún mình của giọng điệu tác giả, vẫn âm thầm một tranh luận, thậm chí một thách thức:


“ Lâu, may gặp anh, chúng ta đi chơi vui trên đê
Anh đăm chiêu: “ Sông ở đây nước đục ngầu”.Tôi không dám nói lại. Sông ở đây nhiều phù sa.
Anh nghiêm nghị: “ Còn quá nhiều bóng tối. Lâu nay chúng mình quá lý tưởng.”

Vâng. Hôm qua, hôm nay, các bà mẹ chúng ta vẫn ăn đói nuôi con.
Anh đứng lại, kéo cổ áo lên cười. “ Lạnh nhỉ, buổi sáng mùa xuân mà lạnh nhỉ”.
Tôi không dám nói, cúi đầu. Vâng, ở đây gió nhiều và đồng rộng.

Mắt tôi bỗng hoa lên. Muôn nghìn nụ cười hồng hồng tím tím, hoa chua me đất trong cỏ.”


Tôi nghĩ đây là bài thơ tiêu biểu cho giọng thơ Nguyễn Đình Thi ở những năm cuối đời ông. Hay có thể là tiêu biểu cho cách nói( bên ngoài) và cách nghĩ( bên trong) của cả đời ông, khi ứng xử bên ngoài của ông luôn là “ Tôi không dám nói lại”, hay “ Tôi không dám nói, cúi đầu.” Đó chỉ là bên ngoài, vì bên trong ông nghĩ khác, lẩm nhẩm nói khác cho riêng mình nghe. Hay cho những bông hoa chua me đất lẫn trong cỏ kia nghe. Bởi những bông hoa chua me đất tầm thường, khuất lấp ấy mới chính là cuộc sống. Một cuộc sống luôn âm thầm sinh sôi nảy nở, bất chấp những “ đăm chiêu” hay “nghiêm nghị”, bất chấp những thờ ơ vô cảm của người đời. Những bông hoa chua me đất ấy là Thơ. Và Nguyễn Đình Thi đã biết lặng lẽ thuộc về nó như một đồng cảm không lời. Âm thanh trong “ Sóng reo” chính là vô thanh vậy!

Quảng Ngãi, tiết Xuân phân 2008

--> Read more..

Chạy chức chạy quyền lên mặt báo

Hôm nay báo chí đưa tin, trong cuộc họp Tỉnh uỷ cách đây hơn chục ngày, ông Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau sai lái xe đem đến nộp một gói báo trong đó có 100 triệu đồng, nói là tiền của một người chạy chức đưa đến nhà ông. Ông Bí thư còn nói, trong hai tuần qua, nếu ông nhận thì đã có vài tỷ trong tay. Nguyên do là Cà Mau đang sáp nhập một số sở ngành, sắp xếp lại cán bộ, nên quan chức phải chạy để lo giữ ghế.

Tuy vậy, mặc dù được chất vấn nhưng ông Bí thơ vẫn chưa tiết lộ danh tính người đã đưa cho ông 100 triệu mà ông đem nộp. Vật chứng này hiện giữ tại Văn phòng tỉnh uỷ Cà Mau.

Tin ngắn này cho ta thấy gì?

Thứ nhất, bấy lâu báo chí cứ nói đến chạy chức chạy quyền, Quốc hội cũng chất vấn nhưng không có chứng cứ nào. Vụ này cho thấy thực tế chạy chức diễn ra sôi động. Một cá nhân đã 100 triệu, mà còn bao nhiêu người khác nữa. Con số ước vài tỷ trong hai tuần cho thấy điều đó.

Rồi ngoài ông Bí thơ, còn những ai có quyền tác động vào việc sắp xếp bộ máy nhân sự nữa?! Họ đã được đưa đến bao nhiêu?!

Thứ hai, tại sao ông Bí thơ nộp vật chứng mà lại không công bố danh tính tác giả của nó nhỉ? Ông thương cán bộ chăng?! Nếu danh tính được công bố thì cán bộ này khó thoát tội đưa hối lộ, vừa mất chức vừa có thể phải đối diện với vòng tố tụng.

Nếu thương thì trả lại cho họ rồi im lặng có hơn không ? Không lẽ ông Bí thơ không nghĩ đến hậu quả của việc nộp 100 triệu này cho cơ quan. Mà tại sao ông chỉ đưa 100 triệu này ra mà nhưng người khác lại được rút lui trong bí mật? Chắc hẳn phải có nguyên do…

Thứ ba, nếu ông Bí thơ kiên quyết không công bố người đưa 100 triệu và những người đã mang đến vài tỷ cho ông thì liệu có phải là che giấu tội phạm không nhỉ?! Chắc chắn rồi ông Bí thơ sẽ phải công bố tác giả vụ 100 triệu đồng này.

Thứ tư, những người có chức vụ bằng cách chạy chọt thế này khi làm việc họ phải lo thu hồi vốn. Giữ thanh liêm đối với họ khó hơn con trâu chui qua lỗ kim…Như vậy thì bộ máy cán bộ sẽ hư hỏng. Có cách nào để ngăn chặn tệ nạn này không nhỉ?

Tóm lại là đây là một vụ việc còn nhiều bất ngờ và đáng suy ngẫm ở đằng sau.

--> Read more..

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2008

Tản mạn " chinh phục không gian"

Phạm Tuân và phi hành đoàn trên tàu vũ trụ năm 1980

Việt Nam vừa phóng vệ tinh Vinasat, một hình thức chinh phục không gian như các nước lớn và không lớn lắm xung quanh đã làm. Lại nhớ chuyến chinh phục không gian lần trước. Đó là năm 1980, "Phạm Tuân quê ở Thái Bình" đã cùng Gorobatco "Chân dép lốp mà lên tàu vũ trụ". Hồi đó, anh Tuân đã mang "bèo hoa dâu" lên đó để ...nghiên cứu.

Về mặt lợi ích, thì có lẽ chả có gì. Cũng không thấy sau chuyến lên vũ trụ ấy bèo hoa dâu được nhân rộng, được xuất khẩu hay chế biến thành cái gì quý hơn...bèo. Ngay cả câu thơ của Tố Hũu đầy tự hào trên đây cũng trở nên ngộ nghĩnh. Chắc chắn anh Tuân phải bỏ lại đôi dép "dẫm lên bao xác Mỹ" để dùng giày đặc biệt. Con người bây giờ khác ngày xưa rồi nên các nhà thơ dùng hình tượng cũng phải hợp lý nghe mới ổn, chưa nói đến hay.

Sau thống nhất đất nước 1975, khi ấy Việt Nam hừng hực khí thế rồng bay, đưa công nghiệp nặng lên hàng đầu, nên vụ "lên tàu vũ trụ" đó có "ý nghĩa" chính trị to lớn. Nếu chúng ta thật sự được đầu tư, được giúp đỡ để phát triển hàng không vũ trụ ngay từ lúc đó thì biết đâu bây giờ chả khá rồi. Nhưng sau đó chúng ta quên. Đi một chuyến cho vui vậy thôi, các bạn Liên Xô cũng không cho ta đi thêm chuyến nào nữa. Nguời dân quên ước mơ vũ trụ để đối phó với cơn khủng hoảng những " Năm 80 gạo quá 80/ Dân xứ Nghệ mắt vàng như Nghệ"...

Năm 2008 này khác xưa rồi. Chúng ta có tiền để thuê Mỹ chế tạo vệ tinh in hình cờ đỏ sao vàng rồi phóng lên vũ trụ, phải nói tư thế khác lần trước. Khác ở chuyện không phải đi ké kiểu xe ôm miễn phí. Khác ở chỗ không phải mang bèo hoa dâu, mà tuần sau thôi, vệ tinh sẽ hoạt động, mạng thông tin của ta sẽ được đảm bảo, không còn phải đi thuê của nước ngoài nữa. Hiệu quả tức thì đến mỗi người dân xem truyền hình, dùng điện thoại...Hay thế!

Lần này chúng ta cũng không đi "dép lốp" mà Mỹ dị ứng nữa, chúng ta mặc comple, đi dày bóng loáng bắt tay Mỹ ( không dẫm lên như ngày xưa) vì Hoa Kỳ đã trở thành đối tác đặc biệt quan trọng (chưa phải là chiến lược đâu đấy)...Nói thế để thấy hai lần chinh phục vũ trụ của ta gắn với hai siêu cường khác nhau một trời một vực.

Có người bảo chi phí phóng vệ tinh Vinasat đắt quá, vì bây giờ giá thuê vệ tinh đang rẻ, nhưng ngoài lợi ích kinh tế nó còn có giá trị tinh thần vô giá. Tiền dẫu còn đi vay nhưng tiêu vào chỗ này là OK đi, đừng thắc mắc thế.

Ý các bác thế nào?

--> Read more..

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2008

Putin lấy vợ mới là tin...vịt

Tổng biên tập tờ Moskovsky Korrespondent đã từ chức và tờ báo tạm thời đóng cửa, vài giờ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin bác bỏ thông tin mà báo này đưa ra về đám cưới giữa ông và nữ vận động viên thể dục xinh đẹp.

Cô gái bị đồn đoán là bồ của Putin. Ảnh: Reuters.
Cô gái bị đồn đoán là bồ của Putin. Ảnh: Reuters.

"Chúng tôi không hề có cơ sở chứng thực cho bài báo đó", báo Moskovsky Korrespondent đăng lên trang nhất lời xin lỗi hôm qua.

Trước đó, tờ này đưa tin Putin, 55 tuổi, đã bí mật ly dị vợ và chuẩn bị làm đám cưới với vận động viên thể dục Alina Kabayeva vào tháng 6 tới.

Chủ sở hữu tờ báo - Công ty Truyền thông Quốc gia - cho hay tổng biên tập Grigory Nekhoroshev đã từ chức và báo này tạm thời đình bản vì "lý do tài chính". "Việc đóng cửa tờ báo không hề có liên quan gì tới chính trị", Giám đốc Công ty Artyom Artyomov cho hay. "Chúng tôi sẽ quyết định về hướng đi mới và kế hoạch kinh doanh cho việc phát triển tờ báo trong tương lai".

Kể từ đêm qua, trang web của báo này là moscor.ru cũng không hiện nội dung.

Hôm qua, Tổng thống Putin đã lên tiếng bác bỏ thông tin ông chuẩn bị cưới vợ. Ông cũng cho hay đây không phải lần đầu báo chí đồn đoán về việc ông có quan hệ tình cảm với các cô gái đẹp và cho rằng ông yêu mến tất cả họ "giống như những phụ nữ Nga khác". Tổng thống cũng lên tiếng khen phụ nữ Nga là những người tài năng và đẹp nhất thế giới.

Putin đã cưới vợ - Ludmilla Putina - vào tháng 7/1983 hai tháng trước khi nữ vận động viên thể dục Kabayeva ra đời. Họ có hai cô con gái đã lớn. Ông và vợ ít khi xuất hiện cùng nhau trước công chúng.

Tin này theo tôi rất hay ở chỗ, một Tổng thống đương nhiệm đầy quyền uy cũng không bị kiêng dè khi thấy có thông tin mà dư luận quan tâm. Cái hay thứ hai là Tổng thống không nặng lời, không nhân danh này khác để quy chụp (Tổng thống mà quy chụp thì chỉ có chết). Các "cơ quan chức năng" cũng không đòi xử lý nghiêm khắc, treo bút hay doạ khởi tố phóng viên vì tội "xâm phạm đời tư" hay vu khống".

Cuối cùng thì làm sai phải trả giá, TBT tự từ chức và tờ báo tự đóng cửa...nhưng họ giải thích là vì lý do tài chính.

Đối với các nước phát triển thì là bình thường nhưng với xứ ta thì vụ này là một bài học về nhiều khía cạnh. Các bạn có nghĩ vậy không?!

--> Read more..

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2008

Ưu tư sau ngày Giỗ Tổ

Sáng nay đọc blog của bố cu Hưng, thấy buồn lòng vì chuyện chiếc bánh dày của Công viên Đầm Sen từ Sài Gòn mang ra dâng lễ Vua Hùng đã đem lại niềm thất vọng ê chề. Nó là một khung sắt được lót xốp và phủ bột chín lên trên. Chiều tối qua, khi cắt bánh, nhiều người đã bất ngờ và thất vọng. Chưa kể, bánh đã mốc…

Phó Giám đốc Công viên văn hóa Đầm Sen cho biết làm xốp bên trong để tạo nền, còn thì phủ lên lớp hột hấp chín dày một tấc. Ông này cũng cho biết làm hết chừng 500kg bột, cộng với xốp và khung sắt thì bánh nặng chừng 800 kg.

Thế ra, lễ vật dâng lên chỉ là một sản phẩm để quảng cáo cho thương hiệu. Giữa thời buổi kinh tế thị trường, có cơ hội phải tranh thủ để quảng bá là một chiêu thức của kinh doanh, nhưng nhân danh cái to tát, thiêng liêng nhất thì chua xót quá.

Câu chuyện này khiến chúng ta lo lắng. Chúng ta có cách gì để ngăn chặn họ làm tiền trên những giá trị tinh thần thiêng liêng của dân tộc?

Trong buổi trò chuyện với ông Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tôi biết rằng, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch khu di tích này với 20 công trình xây dựng, kinh phí chừng 1000 tỷ đồng. Trong ba năm qua, họ mới tiêu hết có vài trăm tỷ thôi. Họ đang nghĩ cách để tiêu cho hết số tiền khổng lồ kia.

Một trong những dự án ông Giám đốc nói khiến chúng tôi kinh hãi nhất là sẽ xây dựng một Tháp cao 18 tầng, tầng 1 trưng bày, tầng 2 dùng để Hội thảo… Như vậy, các bạn có thể hình dung nó lớn cỡ nào. Tôi hỏi, công năng và ý đồ kiến trúc thế nào thì được biết: Sẽ như tháp Thượng Hải, nhưng cụ thể thế nào thì…tuỳ các kiến trúc sư. Hiện nay họ đang lấy ý kiến, trong tháng 6 này sẽ có kết quả.

Một công trình khác là sân gol mini (tiếc là không có đất để làm 18 lỗ?!), một hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, bên cạnh các ngôi đền mới như đền Mẫu Âu Cơ, đền Lạc Long Quân- Hai cụ hai đền chứ không phải hai cụ chung một đền …

Năm nay, ngôi đền Thượng (Kính thiên lĩnh điện) cũng đã được xây lại to rộng hơn, kinh phí nội thất hậu cung đã mất 10 tỷ đồng. Phần đồ thờ cũ sẽ mang đi đâu khi thay toàn bộ đồ mới? Ông Giám đốc cho biết, dự kiến sẽ xây một ngôi đền khác để đưa những đồ thờ ấy vào… Không hiểu ngôi đền mới sẽ nằm ở đâu và thờ ai? Không lẽ lại thờ các vua Hùng nhỉ?!

Thiết nghĩ, Đền Hùng là nơi dấu vết của thời quốc sơ, khi đó vua còn đi cày, công chúa dệt lụa, vua tôi như anh em cha con…Dẫu còn nhiều mơ hồ giữa truyền thuyết và sự thật lịch sử, ngay bài vị thờ trên Đền Thượng cũng mang dấu vết của thờ thần núi, nhưng dù sao đây cũng là nơi cố kết cộng đồng, tạo sức mạnh truyền thống cho dân tộc nên phải hết sức thận trọng khi can thiệp vào . Phải nói rằng khu rừng nhỏ bao quanh di tích như hiện nay là tuyệt vời, nó giữ được không gian riêng rất đặc biệt cho di tích, giữa một thành phố công nghiệp như Việt Trì.

Chúng ta nên tôn trọng không gian ấy, không nên xây thêm các công trình bê tông, biến nó thành khu du lịch, dù có tên mỹ miều là du kịch tâm linh thì du lịch vẫn là nơi ăn chơi, nghỉ ngơi, dễ làm hỏng khí thiêng sông núi nơi đây. Nếu khách muốn ở lại dài ngày thì Việt Trì đã đủ điều kiện đáp ứng, không nhất thiết nhà nghỉ và khu vui chơi phải nằm trong khu di tích.

Bài học về sự chân thành, đơn sơ được đề cao trong sự tích bánh chưng bành dày cần được đem ra học lại…

--> Read more..

Tai xanh- HIV của lợn

Dù là người quan tâm đến ngành chăn nuôi hay không thì những ngày này , mấy tiếng “heo tai xanh” vẫn buộc người ta phải biết đến vì tần suất xuất hiện của nó trên các phương tiện thông tin đại chúng rất cao. Hầu như không có ngày nào TV không đưa tin về các vụ tiêu huỷ lợn mắc bệnh. Nhìn những con lợn béo tròn bị lăn xuống hố để chôn mà xót xa, có những người chăn nuôi ứa nước mắt. Trong lúc lạm phát đang gia tăng, trận dịch bệnh “heo tai xanh” này càng khiến cho giá thực phẩm đắt đỏ hơn, túi tiền bà nội trợ nhanh xẹp lép hơn.

Nhìn những cuộc hành quyết các chú ỉn, chúng ta không thể không nghĩ ngợi.

Thứ nhất, người ta nói nhiều đến “heo tai xanh” nhưng đó là căn bệnh gì, cơ chế lây lan ra sao, tại sao phải chôn sống con vật mà không chữa trị được như những căn bệnh khác thì chưa được tuyên truyền rộng rãi.Các tài liệu chuyên ngành cho hay, bệnh heo tai xanh là bệnh gây rối loạn hô hấp và sinh sản ở heo do virus Leylystad gây ra. Heo có thể chết sau 5-7 ngày vì suy giảm hệ miễn dịch, giống như trường hợp nhiễm HIV ở người. Bệnh chỉ lây từ heo sang heo và không lây sang người.

Tuy nhiên, bệnh heo tai xanh dễ bị nhiễm trùng cơ hội trong đó có nhiễm liên cầu khuẩn heo (streptococcus suis) typ 1, typ 2. Khi heo đã nhiễm bệnh này thì rất nguy hiểm vì có thể lây sang người.

Bệnh liên cầu khuẩn heo (streptococcus suis) là một trong nhiều bệnh mà heo mắc phải sau khi đã suy giảm hệ miễn dịch do mắc bệnh tai xanh. Khi đó, heo bệnh trở nên nguy hiểm vì sẽ lây lan sang người ăn phải hay tiếp xúc heo mắc bệnh, hoặc hít thở không khí nơi có heo bệnh. Vi khuẩn gây bệnh thuộc nhóm streptococcus suis gây viêm họng, nhiễm trùng phổi… nhưng dễ bị tiêu diệt bằng hóa chất, kháng sinh, chất tẩy rửa. Bệnh liên cầu khuẩn heo chưa có dấu hiệu lây từ người sang người nhưng có thể lây từ heo sang người và từ heo sang bò, dê, chó.

Thứ hai, để hạn chế tổn thất, có lẽ nên xử lý ngay những con đã phát bệnh, những con còn lại trong đàn nên tách ra nuôi cách ly để theo dõi. Nếu sau 1 tuần hay 10 ngày, heo không phát bệnh thì có thể cho người dân giết mổ. Như vậy sẽ tránh được sự lãng phí và giảm được số lượng các con lợn bị tiêu huỷ bằng cách chôn lấp.

Nếu chúng ta cứ tiếp tục “chữa trị” bằng cách “chôn lấp” thì vai trò của ngành thú y thật mờ nhạt.

Thứ ba, có ý kiến cho rằng, những con lợn bị bệnh có thể giết mổ để dùng làm phân bón. Nếu cách này được xem xét, áp dụng thì tiết kiệm được một khoản đáng kể và quan trọng hơn là hạn chế được nguy cơ ô nhiễm do các hố chôn lợn bị bệnh gây ra.

Tương tự như vậy với việc xử lý gia cầm bị bệnh.

Nước ta là một nước nông nghiệp, nên việc xảy ra dịch bệnh ở gia súc, gia cầm là khó tránh khỏi, vì thế chủ động phòng chống, chủ động trong xử lý dịch bệnh theo tiêu chi hiệu quả và tiết kiệm là điều cần được đặt ra một cách cấp thiết.

--> Read more..

Thứ Năm, 3 tháng 4, 2008

Ngượng quá!!!

Quả thật mấy hôm nay không biết post gì lên blog. Cảm hứng cũng không đủ, sự bi hài xung quanh cũng có mà chưa muốn đưa lên...Túm lại "nếu không có ruồi" thì thế nào tớ cũng có entry mới. AQ vậy nhưng vẫn không tránh được cảm giác như người có lỗi.

Nhìn Frien list mà ngượng quá. Bao nhiêu người yêu mến, mà mà mình lại không có cái gì vui vẻ mang đến cho các bạn. Lướt qua blog của mọi người thì quá nhiều bài hay...

Cứ thế này thì các bạn quay lưng lại tớ mất thuii...

--> Read more..

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2008

Mất chức Bộ trưởng cũng vì DTDD

Hôm qua, có thông tin về sự nguy hiểm đến sức khoẻ cho người sử dụng điện thoại di động, hôm nay đọc tin này cón thấy nó nguy hiểm cho cả sinh mạng chính trị nữa. các bác đọc và cẩn thận hơn trong sử dụng điện hoại di động nha...

Ngoại trưởng Phần Lan Ilkka Kanerva đã buộc phải từ chức sau khi có tờ báo đăng tải 24 tin nhắn ướt át mà ông gửi cho một vũ nữ thoát y.

Ngoại trưởng và vũ nữ thoát y

Ngày 1/4, tờ Hymy đã đăng 24 tin nhắn mà Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phần Lan Ilkka Kanerva gửi tán tỉnh Johanna Tukiainen, một vũ nữ thoát y sống ở Mỹ.

Thời gian qua, Thủ tướng Matti Vanhanen vẫn tin tưởng ông Ilkka Kanerva nhưng sức ép dư luận quá lớn, đảng Liên minh Dân tộc đã phải chỉ định người thay thế ông. Người thay thế là ông Alexander Stubb, 40 tuổi.

Ilkka Kanerva đã gửi cho Johanna Tukiainen khoảng 150 đến 200 tin nhắn khá ướt át từ khi họ gặp nhau ở Laponie (phía Bắc Phần Lan) hồi cuối tháng Một. Ông Kanerva còn gửi cả tin nhắn cho chị của Johanna.

“Chúng mình sẽ làm việc ấy ở một nơi thật khêu gợi, có được không em?” – Đó là một trong những tin nhắn mà tờ Hymy đăng tải.

Ông Kanerva có 2 con gái, ly thân từ 3 năm nay. Điều này thật đáng tiếc vì Ngoại trưởng Ilkka Kanerva là một gương mặt sáng giá có thể là ứng cử viên cho chức Tổng thống Phần Lan.

Đây là lần đầu tiên một Ngoại trưởng Phần Lan phải từ chức vì scandal cá nhân.

Việt Thụy

--> Read more..

Flags

Flag Counter