Thứ Năm, 31 tháng 7, 2008

Mất Hà Tây- Nhật thực

Hôm nay, Hà Tây mất do sáp nhập vào Hà Nội, cũng là ngày đầu tháng dương lịch (8) và âm lịch (7). Âm dương xoay vần lại là ngày Nhật thực, ánh dương quang bị che lấp. Đài báo hôm nay là ngày mưa gió sấm chớp.

Thử tìm ngẫu nhiên trong lịch sử xem đây có phải là điềm gì không. Chợt thấy một đoạn sử nhà Trần trong ĐVSKTT chép thế này:

Ất Hợi, [Bảo Phù] năm thứ 3 [1275]- Muà hạ, tháng 6, ngày Canh Tý mồng 1, nhật thực, mặt trời bị che hết .

Bính Tý, [Bảo Phù] năm thứ 4 [1276]- Tháng 3, mặt trời có chấm đen to bằng quả trứng gà, lay động hồi lâu. Có 2 ngôi sao đấu nhau ở giữa trời, một ngôi sa xuống.

Đinh Sửu, [Bảo Phù] năm thứ 5 [1277] - Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 1 , Thượng hoàng ( Trần Thái Tông- Trần Cảnh) băng ở cung Vạn Thọ .

Trước đó, Thượng hoàng đến ngự đường, bỗng thấy con rết bò trên áo ngự. Thượng hoàng sợ, lấy tay phủi nó rơi đánh "keng" xuống đất, nhìn xem thì hóa ra cái đinh sắt, đoán là điềm năm Đinh.

Lại có lần đùa sai Minh tự Nguyễn Mặc Lão dùng phép nghiệm quan nghiệm xem điềm lành hay điềm dữ. Hôm sau Mặc lão tâu : "Thấy một chiếc hòm vuông bốn mặt đều có chữ "nguyệt" , trên hòm có một cái kim, một chiếc lược".

Thượng hoàng lại đoán: "Hòm tức là quan tài, chữ " nguyệt" (tháng) ở bốn bên tức là tháng 4, cái kim có thể cắm vào vật gì, tức là nhập vào quan tài, chữ "sơ" là chiếc lược, đồng âm với "sơ" là xa tức là sẽ xa rời các ngươi".

Lại lúc ấy đương có trò múa rối, thường có câu : "Mau đến ngày mồng 1 thay phiên". Thượng hoàng lại đoán : "Thế là ngày mồng 1 ta chết".

Năm trước, có một hôm thượng hoàng chợt bảo tả hữu : "Tháng 4 sang năm ta tất chết". Đến nay quả như vậy.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói : Điềm lành hay tai họa, chỉ có người thành tâm mới biết trước được. Vì thế, Đại truyện trong Kinh Dịch có nói : "Hình dung sự vật thì biết được vật thực, chiêm đoán sự vật thì mới biết được tương lai". Nhưng tất là phải sau khi đã suy xét trong lòng, nghiền ngẫm trong óc. Thái Tông biết được việc tương lai là chiêm đoán sự vật đấy. Nhưng nếu không phải là người lý sáng, lòng thành, mà cứ thấy việc là phỏng đoán mò để rồi khẳng định, thì chưa bao giờ không chuốc lấy tai họa về sau . Đó là chỗ khác nhau giữa cái học sấm ký thuật số với cái học thánh hiền chăng?

Ngô Sĩ Liên là nhà nho, không tin chuyện mê tín dị đoan mà cũng nói như vậy. Không biết ngày 1-8-2008 này, các vị "lý sáng, lòng lành" đoán cho biết tương lai Hà Nội ( Hà Tây) thế nào?!

--> Read more..

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2008

Dấn thân- phương thức sống của kẻ sĩ

Khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần thì Nguyễn Trãi ra thi Thái học sinh với nhà Hồ, Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê thì Nguyễn Bỉnh Khiêm đi thi và làm quan với nhà Mạc, khi Quang Trung ra Bắc lần thứ hai thì Ngô Thì Nhậm theo Quang Trung rồi làm tới chức Thượng thư của triều đại Tây Sơn, khi quân Pháp chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ thì Hồ Huân Nghiệp ra làm Tri phủ Tân Bình trong chính quyền kháng chiến của Trương Định: trong hành động rất khác nhau của những người trí thức này đều có một dáng vẻ đồng nhất được quy định bởi phương thức tư duy đã đưa tới cung cách ứng xử “bất chấp lời khen chê, bất kể chuyện lợi hại” của họ. Có thể nói một phương thức sống phổ biến của kẻ sĩ xưa nay là dấn thân.

Cần minh định về khái niệm kẻ sĩ. Không ai phủ nhận kẻ sĩ là trí thức, nhưng nếu nói trí thức là kẻ sĩ thì chắc nhiều người sẽ không đồng tình. Điều này có nguyên nhân lịch sử, vì khái niệm sĩ (học trò) trong thang bậc tứ dân sĩ nông công thương của các quốc gia Nho giáo trước đây mang một nội dung không giống như trí thức hiểu theo nghĩa đơn thuần là người có học thức. Nếu chia các hoạt động xã hội của con người thành năm kiểu (lĩnh vực) cơ bản là sản xuất vật chất, sản xuất tinh thần, quản lý, giao tiếp và tái sản xuất sinh học – xã hội theo tiêu chí sự phân công lao động xã hội thì kẻ sĩ ở các quốc gia Nho giáo trước đây thuộc hai lĩnh vực sản xuất tinh thần và quản lý xã hội, trong đó quản lý xã hội được coi như thiên chức hàng đầu chi phối tất cả tư tưởng và tình cảm, quy định toàn bộ động cơ học tập và mục tiêu học nghiệp của họ. Và đi theo cái học tế thế kinh bang ấy, kẻ sĩ cũng dần dần nhất hóa hoạt động sống của mình vào với lý tưởng Vì đời.
Mọi hoạt động dấn thân bắt đầu từ đó. Ngay cả ở những người được gọi là ẩn sĩ, cũng dễ dàng tìm thấy các bằng chứng về sự dấn thân. Trang Chu câu cá trên sông, vua Sở sai sứ giả tới mời về làm quan, ông nói “Ta nghe trong Thái miếu nước Sở có cái mai của con thần quy sống ba ngàn năm, khi có việc lấy ra bói thì rất linh nghiệm. Con thần quy ấy thà sống để kéo lê đuôi trong bùn hay chết đi để cái mai được người ta thờ phụng?”. Sứ giả nói “Thà sống mà kéo lê đuôi trong bùn còn hơn”. Trang Chu nói “Ngươi về đi. Ta cũng muốn kéo lê đuôi trong bùn”. Phía sau thái độ minh triết bảo thân ấy là cả một sự khinh bỉ bất hợp tác đối với kẻ cầm quyền, và người ẩn sĩ Trang Chu ở đây đã không hề vô vi khi công nhiên dấn thân cho một lý tưởng. Gia Cát Khổng Minh ẩn cư ở Nam Dương nhưng khi Lưu Bị tam cố thảo lư thì ông trình bày rành rẽ đường lối cát cứ Lưỡng Xuyên, mà còn đem bản đồ Trung Quốc ra để minh họa. Một kẻ ở ẩn không màng tới thế sự thì cần gì phải lưu trữ bản đồ, cần gì phải tính toán việc tam phân thiên hạ? Không lạ gì mà sau khi ra giúp Lưu Bị ông lại “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”. Có thể nói trong đại bộ phận trường hợp ẩn sĩ xưa nay, ở ẩn chỉ là một cách thức chờ đợi thời cơ hay một phương sách bày tỏ thái độ. “Kẻ đại ẩn ẩn ở chợ búa, kẻ tiểu ẩn ẩn ở sơn lâm, kẻ trung ẩn ẩn ở triều đình”, nhưng ngay một kẻ trung ẩn như Đông Phương Sóc làm quan lang đời Hán Vũ Đế thường uống rượu say, bò ra đất mà hát “Luân lạc cùng bọ thế tục, ở ẩn trong cửa Kim Mã. Trung cung điện có thể trốn đời, bảo toàn thân mình, cần gì phải vào nơi núi sâu mà ngồi dưới lều cỏ”, sinh hoạt bê tha như một gã lãng tử mà lúc sắp chết cũng can nhà vua “Xin bệ hạ đuổi bọn xu ninh, bỏ lời gièm pha” giống hệt các bậc hiền thần trong lịch sử. Rõ ràng kẻ sĩ chân chính đều là người có học vấn hiểu được lẽ hưng suy trị loạn, có tấm lòng giúp nước lo đời. Chính kiến thức và phẩm chất ấy đã làm hình thành trong họ hai nhu cầu có thể coi như tiêu chí phân biệt kẻ sĩ và trí thức: được phát triển tài năng và được thi thố tài năng. Cũng phải nói rằng trong không ít tường hợp sự thỏa mãn một cách không đúng đắn các nhu cầu này đã khiến kẻ sĩ trở thành tội nhân thiên cổ trong những cuộc dấn thân bi thảm, ví dụ Đào Duy Từ không được chính quyền Lê Trịnh cho đi thi vì là “con nhà hát xướng” đã bỏ vào Nam chờ thời đợi giá, rồi khi được Nguyễn Phước Nguyên tin dùng đã đề xướng kế hoạch xây dựng Lũy Thầy gây ra tình trạng chia cắt đất nước hơn một trăm năm.
Xưa này đời nào cũng có những kẻ sĩ không thành đạt. Nhưng thành đạt hay không đối với kẻ sĩ chỉ là một chuyện rất nhỏ, thậm chí sở dĩ họ không được lên xe xuống ngựa, không có quan cao lộc hậu chỉ vì đã dấn thân. Đây chính là trường hợp của những kẻ sĩ Việt Nam thời hiện đại như Nguyễn An Ninh, Dương Bạch Mai, Ung Văn Khiêm, Bùi Công Trừng, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ…, những người có thể có nhưng vẫn tình nguyện từ bỏ địa vị cao sang trong chính quyền thuộc địa để dấn thân vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc trước 1975. Kẻ sĩ mỗi thời đều có mục tiêu và cách thức dấn thân riêng, thậm chí cả khi biết rõ mục tiêu ấy là vô vọng và cách thức ấy là vô nghĩa. Đôi liễn tuyệt mệnh của Nguyễn Hữu Huân trước khi bị xử chém năm 1875 “Việc lớn không thành, báo chúa cũng đành liều một chết. Lòng ngay khó tỏ, miệng đời luống để luận trăm năm” đã gói ghém tính chất bi kịch ấy trong sự dấn thân của nhiều kẻ sĩ. Nhưng khi đại cuộc đã hỏng, thì kẻ sĩ còn biết làm gì hơn là dâng hiến cả cuộc sống lẫn cái chết của mình cho nhân dân và đất nước, như một minh chứng sau cùng về việc dấn thân cho lý tưởng Vì đời?
***
“Nước loạn mà kẻ sĩ giàu là kẻ sĩ nhục, nước trị mà kẻ sĩ nghèo là kẻ sĩ nhục”- đất nước loạn lạc mà kẻ sĩ giàu thì đó là kẻ ích kỷ chỉ biết lo thân, đất nước thái bình mà kẻ sĩ nghèo thì đó là kẻ bất tài không nuôi nổi mình. Trong thời buổi kinh tế thị trường mà cái lẽ hưng suy trị loạn như gió mây biến đổi vô thường thì quả cũng khó mà lấy sự thành đạt hay tài năng để phân định chuyện thị phi vinh nhục của kẻ sĩ, nên không lạ gì mà hiện tại dường như ngày lại càng có nhiều hơn những kẻ “trung ẩn” không cần có công, chỉ cần không có tội để “bảo toàn thân mình”, từ bỏ thiên chức kẻ sĩ để làm công chức. Nhưng thế nước chưa yên, lòng người chưa định, liệu trong những kẻ sĩ Việt Nam hiện tại có bao nhiêu kẻ dám nối bước cha ông dấn thân theo con đường khổ nhục, cam chịu thua thiệt, thậm chí ăn đói mặc rách, đọc sách hai mươi năm để nói một câu mà dấy được cơ đồ?

Cao Tự Thanh( TCTia sang)

--> Read more..

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2008

Điện thoại đi động- mối nguy hiểm tiềm ẩn

1. Nghe nhạc, nghe điện thoại khi đi xe máy

Đây là thói quen rất có hại bởi nó tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn rất cao. Khi nghe điện thoại bạn bị phân tán tư tưởng nên không thể tập trung vào việc lái xe an toàn. Nghe nhạc khi lái xe cũng khiến bạn bị phân tán tư tưởng, đồng thời việc dùng tai nghe làm bạn giảm khả năng nghe thấy tín hiệu còi của các phương tiện khác. Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra mà nguyên nhân xuất phát chỉ từ thói quen này.

2. Dỗ con bằng ĐTDĐ

Điều này khiến trẻ hình thành thói quen tiếp xúc với điện thoại thường xuyên và coi điện thoại như một món đồ chơi.

Ngoài tác hại của việc trẻ đập vỡ, bẻ gãy điện thoại của bố mẹ, còn có một nguy cơ tiềm ẩn khác đó là sóng điện từ của ĐTDĐ có thể gây ra các nguy hại lâu dài cho trẻ thông qua tác động lên hệ thống thần kinh, tim mạch của trẻ. Các nghiên cứu khoa học trên thế giới về tác hại của sóng ĐTDĐ đều khuyến cáo không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với ĐTDĐ.

3. Điện thoại bất ly thân

Nhiều người có thói quen để điện thoại tại túi áo ngực hoặc để điện thoại ngay cạnh gối khi ngủ, điều này không có lợi cho tim cũng như giấc ngủ của bạn.

Sóng điện từ có thể gây ra sự mệt mỏi nếu bạn để điện thoại quá sát thân người với thời gian dài.

4. Dùng điện thoại để lưu trữ dữ liệu cá nhân quan trọng

Với dung lượng bộ nhớ trong và hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ ngày càng lớn, nhiều bạn trẻ hiện nay thích dung ĐTDĐ để lưu trữ những dữ liệu cá nhân như tài khoản ngân hàng, mật khẩu máy tính, mật khẩu thư điện tử.vv… thậm chí nhiều bạn cùng dùng ĐTDĐ để quay và lưu trữ những cảnh “nóng” riêng tư thuộc diện bí mật của cá nhân mình.

Nhưng chức năng bảo mật thông tin của các điện thoại hiện nay rất rất đơn giản, và các dữ liệu lưu trong thẻ nhớ của ĐTDĐ có thể dễ dàng bị đọc trộm, sao chép. Vì vậy nếu không cẩn thận, bạn rất dễ để mất các thông tin đó. Nếu bạn sở hở thì những thông tin đó rất dễ bị đánh cắp và người lĩnh hậu quả chính là chủ nhân của ĐTDĐ.

5. Lưu lại những tin nhắn nhạy cảm

Nhiều người do tiếc không muốn xóa đi những tin nhắn nhạy cảm với người thứ ba, biến điện thoại thành quả bom nổ chậm. Giả sử anh chồng bất chợt mở ra thấy một kho những tin nhắn :" Anh nhớ em lắm", " Anh chờ em ở X nhé", " Tối qua anh không ngủ được vì nhớ em"... và trong mục tin gửi cũng vô số những lời yêu đương , hò hẹn tương tự, thì gia đình không nổ tung lên mới là chuyện lạ.

6. List điện thoại cũng nguy hiểm

List điện thoại mà có những số được gọi nhiều lần trong ngày, gọi vào những giờ nhạy cảm thì cũng sẽ là một tai họa. Nhiều người chỉ dùng điện thoại trả trước là vì thế. Nhiều người dùng điện thoại trả sau thì nhanh chông tiêu hủy chứng từ là đã lường trước những bất chắc này...

7. Còn gì nữa, các bạn kể tiếp nha...

(Bổ sung từ một bài trên Vnn)

--> Read more..

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2008

Trốn tăng giá vào trong...hoa hậu

Xăng tăng giá, phí giao thông tăng thêm 30%, cơm bụi tăng thêm 30%... Tóm lại là mức sống sẽ sụt giảm. Chả thế mà ai cung than vãn, tràn ngập blog đấy. Buồn quá. Thôi thì chui vào tháp ngà cái đẹp, ngắm hoa hậu cho quên nỗi bức xúc vậy nha. Hoa hậu Hoàn vũ 2005 đẹp dưới mọi góc nhìn đây.

Với làn da mịn, đôi mắt lạnh mơ màng, nụ cười quyến rũ, Natalie Glebova tự tin phô diễn nhan sắc một đại mỹ nhân dưới góc máy của Fadil Berisha - nhiếp ảnh gia nổi tiếng chuyên chụp ảnh cho các hoa hậu.

Natalie Glebova đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ năm 23 tuổi.
Cô sở hữu làn da mịn, gương mặt thanh tú...
... và thân hình lý tưởng.
Ấn tượng về một vẻ đẹp gợi cảm không thể che giấu.
Natalie đầy biến hóa từ vẻ đẹp cổ điển...
... tới hiện đại, thanh lịch...
... thậm chí là khác lạ, hoang dã.
Một số bức ảnh được chụp để minh họa cho cuốn sách Healthy, Happy, Beautiful được cô viết để truyền tải những bí quyết để có được thân hình đẹp và khỏe mạnh.

Natalie Glebova trong vai trò cô dâu hiền thục ở đất nước Chùa Vàng.

Ai mà không còn thấy Hoa hậu này đẹp nữa thì...hết thuốc.

--> Read more..

Thứ Năm, 24 tháng 7, 2008

Đừng hà tiện với người bị oan

Biết vụ án oan sai liên quan đến 8 người trong vụ án mất trộm cổ vật ở Bắc Giang từ lâu, hôm nay đọc được bài báo của nữ phóng viên Dân trí xinh đẹp Phương Thảo, tôi thật sự mừng cho họ. Mừng đấy mà lại ngao ngán trong lòng...

Viện phó VKSND Bắc Giang công khai xin lỗi người bị oan sai.

Lời xin lỗi đổi nỗi oan 2 năm “nằm khám”

Tại trụ sở UBND phường Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội sáng nay, đại diện cơ quan công tố tỉnh Bắc Giang đã tổ chức buổi công khai xin lỗi với anh Dương Phúc Thịnh (SN 1959, nhà số 10, ngõ 112, phố Ngọc Khánh, phường Giảng Võ) - một người bị hàm oan trong vụ án.

8 nghi phạm trong vụ án bị cáo buộc gây ra hàng loạt vụ trộm cắp tượng, cổ vật trong nhiều đình, chùa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong khoảng thời gian tháng 6/2001 và tháng 6-7/2003. Tổng số có 27 tượng và cổ vật bị đánh cắp, giá trị ước tính gần 6 tỷ đồng.

Các bị can bị truy tố, cáo buộc về tội “Trộm cắp tài sản” trong đó bị can Dương Đức Thịnh bị quy kết đã thuê và lái xe chở đồ trộm được từ Bắc Giang về Hà Nội, Hà Tây, “đổ mối” cho một số chùa để tiêu thụ.

Anh Thịnh (trái) đã đối mặt với cơ quan công tố nhiều lần tại toà.

Trong suốt thời gian bị tạm giam hơn 2 năm, trải qua 4 phiên toà, không đủ chứng cứ buộc tội những người bị truy tố, 8 bị can được đình chỉ điều tra, xác định bị làm oan.

Trước khi được “giải oan”, bị can Phan Hữu Hường, một nhà sư, đã chết trong trại giam Kế (Bắc Giang), được kết luận là do bị bệnh. Những người khác sau đó đều nhất loạt tố cáo tại các phiên xử công khai là đã bị tra tấn, nhục hình, ép cung…

Phiên toà mở lại lần thứ 4 (tháng 6/2006), TAND tỉnh Bắc Giang đã tuyên cả 8 bị cáo đều vô tội và trả tự do.

Ngày trở về tay trắng và cuộc “mặc cả” 20 triệu đồng

Buổi xin lỗi công khai kết lại cũng đã được tổ chức sau rất nhiều thời gian chờ đợi, rất nhiều yêu cầu của anh Dương Phúc Thịnh. Người đàn ông đã gần qua tuổi 50 không còn một người thân để cùng chia niềm vui ngày được phục hồi danh dự.

Dương Phúc Thịnh từng công tác tại Học viện Quốc phòng, trước khi bị bắt anh đang là một nghệ nhân làm cây cảnh, gia đình đuề huề, sung túc. Hơn 1000 ngày bị khởi tố oan, khi được tuyên trắng án, trở về thành ra tay trắng. Bố chết khi Thịnh bị tạm giam. Trở về gia đình, nỗi ám ảnh khi bị cùm trói, sinh hoạt ngay bên cạnh một bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, lở loét đầy mình khiến anh xa lánh, không dám gần gũi vợ con. Không thể sống tiếp cuộc sống đầy mặc cảm của người chồng mất cả khả năng “đàn ông”, vợ Thịnh đã quyết định ra đi.

Không gia đình, không người thân, không một xu dính túi, không còn chỗ làm, không còn công việc… anh Thịnh chỉ mong bắt nhịp lại với cuộc sống từ những đồng tiền được bồi thường oan sai.
"Hôm nay coi như ngày khai sinh lần nữa của tôi".

Hôm nay coi như ngày khai sinh lần nữa của tôi” - người đàn ông mái tóc đã bạc quá nửa rớm nước mắt thốt lên. Anh Thịnh cũng thẳng thắn đưa ra các đề nghị VKSND tỉnh Bắc Giang phải tích cực nhận sai và sửa sai, tích cực giải quyết vấn đề đền bù, giúp anh sớm trở lại cuộc sống.

Theo thông tư số 04 ngày 22/11/2006, VKSND tỉnh Bắc Giang mới thống nhất trả phần bồi thường danh dự (đây là khoản cứng quy định bắt buộc, không thể thương lượng), còn khoản bồi thường thiệt hại về thu nhập trong thời gian bị giam giữ đến nay vẫn trong tình trạng bất nhất. Đã 4 lần thương lượng với anh Thịnh, VKSND tỉnh Bắc Giang vẫn chỉ giữa quan điểm, lao động của một nghệ nhân như anh không khác lao động của một ô-sin, giúp việc gia đình.

Theo đó, thu nhập của anh Thịnh được đề nghị là 24.545đ/ngày. Với cách tính này, 2 năm nằm khám của anh được “quy đổi” bằng gần 20 triệu đồng. “Viện phải có một cái nhìn thực tế, không thể theo quan điểm bồi thường “đổ đồng” kiểu chú tiểu cũng như hoà thượng, người không công ăn việc làm cũng như người nghệ nhân. Cũng chỉ có thể bù đắp cho chúng tôi một phần nào, sao đền bù được cho chúng tôi tất cả, nỗi nhục nhã, đau đớn, tan nát gia đình…” - anh Thịnh không giấu vẻ bức xúc trong giọng nói.

Người được xin lỗi cũng công bố đã làm đơn khởi kiện ra TAND quận Ba Đình để đòi công bằng cho mình.

Như vậy, hậu xin lỗi còn là một chặng đường dài mà người bị hàm oan phải theo đuổi để tìm công bằng. Tôi mong sao các cơ quan đã làm sai thật sự biết lỗi, và có biện pháp hối lỗi chân thành và hiệu quả hơn. Nếu vẫn cửa quyền áp cho người bị oan mức thu nhập để tính đền bù hơn 20 nghìn đồng/ ngày thì không bao giờ người bị oan cảm thấy họ được tôn trọng và bồi thường thoả đáng.

Nhà nước có đủ điều kiện để cơ quan làm sai đền bù cho họ thoả đáng ( tuy nhiên những mất mát vô giá khác thì không tiền nào bù đắp được). Đừng vì những lý do nào đó mà hà tiện một cách vô cớ với người đã chịu thiệt thòi vì chính sự vô trách nhiệm, yếu kém của chúng ta.

Hãy thử nghĩ chính mình bị giam oan xem mình muốn đòi bồi thường bao nhiêu?! Tôi mong các vị đi thương lượng có một giả thiết như thế...

--> Read more..

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2008

Hài hước chính trị ở Mỹ

Biếm họa trên bìa tạp chí New Yorker vẽ ông Barack Obama trong trang phục Hồi giáo và bà Michelle Obama là khủng bố
Những tranh cãi về bìa của The New Yorker cho thấy giới hạn về sự hài hước
PV BBC vừa có bài viết về hài hước chính trị ở Hoa Kỳ rằng những ngày này là một cánh đồng với đầy trứng điểm xuyết vài hòn đá dẫm chân.

Những chuyện cười về Hillary Clinton, cho dù không còn hấp dẫn như khi bà còn vận động tranh cử, là một hòn đá như vậy.

Cũng tương tự là những chuyện tiếu lâm về chồng bà, ông Bill mặc dù dục tình vương vãi của ông đã không còn là đề tài trên các sân khấu ở Broadway.

Tổng thống Bush vẫn tiếp tục là cái kho lớn để các danh hài khai thác, vừa rẻ và vừa sẵn.

Những chuyện chọc quê Thượng Nghị sĩ John McCain về tuổi tác tràn ngập các tiết mục hài trên truyền hình.

Điều mà tất cả các chính trị gia vừa kể - ngoại trừ trường hợp ông Bill Clinton - giống nhau là họ đều thích (hay giả vờ thích) tự chế giễu bản thân.

Trong chặng cuối cuộc vận động của bà, Hillary có khả năng diễn xuất của một danh hài.

Tổng thống Bush đã coi khả năng tiếng Anh 'củ chuối' của ông là một phần của chiến lược tranh cử và trở thành ứng viên thành công đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ biến sự kém lưu loát và điểm số thấp thành tài sản tranh cử.

Ngay cả cựu Phó Tổng Thống Dick Cheney với đôi mắt sắc cũng thích mang bản thân ra để đùa cợt.

Ông kể về chuyện tất cả các bác sỹ trong một khán phòng đã đổ dồn về chỗ ông với chiếc máy sốc tim khi ông để tay trên ngực vào lúc quốc ca vang lên.

Ông McCain thích nói rằng ông ''già khú đế hơn cả hơn cả Frankenstein".

Nếu chính trị là một bãi mìn thì hài hước và tự giễu là máy rà mìn và đội phá mìn.

Tranh cãi hiếm thấy về trang bìa của tạp chí The New Yorker tuần này mà trong đó vẽ ông Obama mang trang phục Hồi giáo và vợ ông bà Michelle trông vừa giống du kích Farc của Colombia.

Ảnh trên trang bìa cũng còn có hình lá cờ Mỹ cháy trong Phòng Bầu Dục.

Ông Obama nói mình đại diện cho 'hy vọng và đổi thay'

Ông Barack Obama từng tỏ ra khá hài hước.

Khi ông tự giới thiệu với công chúng ông thường bắt đầu các bài diễn văn với chuyện vợ ông mới chính là bà chủ và sẽ không để ông ra tranh cử nếu ông không bỏ hút thuốc.

Nhưng giờ đây ông Barack Obama bị bó buộc bởi gọng kìm tế nhị chính trị mà một gọng là chủng tộc và gọng kia là hình ảnh trong sạch của ông như người rước ngọn đuốc hy vọng và thay đổi.

Những chuyện hài hước trên đây dù có khía cạnh này khía cạnh khác nhưng nó khiến cho các chính trị gia, những người ở trên cương vị xa vời gần gũi với công chúng hơn. Tự giễu mình cũng là cách làm chính trị để các vị này gần dân hơn. Và phải là người "mạnh", tự tin mới dám mang mình ra tự giễu như vậy.

Đây là điều mà nhiều vị lãnh đạo các nước trên thế giới còn gò bó phải tham khảo. Nếu có tinh thần chủ động như vậy thì sẽ ít có hiểu lầm, ít các vụ suy diễn của các tay nịnh thần dẫn đến những điều không hay, nhất là với những vị vốn xa dời quần chúng.

Trong lịch sử Trung Quốc chẳng hạn đã có vô số vụ án văn tự do suy diễn và do đấng bậc bề trên thiếu tính hài hước mà tự ái đã nổi giận.

Không thích MỸ chuyện gì chứ chuyện hài hước này là tớ OK.

--> Read more..

Thứ Hai, 21 tháng 7, 2008

"Hà Nội cắt giảm một nửa ô tô"

Đường phố luôn mù mịt vì khói bụi.
Hôm 20/7, Thủ đô đã chính thức bắt đầu thực hiện kế hoạch kiểm soát giao thông, đây là mắt xích cuối cùng trong kế hoạch tổng thể nhằm làm trong sạch bầu khí quyển luôn kín đặc khói xe.

Theo kế hoạch sẽ được tiến hành trong 2 tháng này, một nửa trong số 3,3 triệu xe sẽ phải ngừng hoạt động trên các con phố vào những ngày nhất định, phụ thuộc vào biển số xe lẻ hay chẵn. Tuy trong ngày đầu tiên bắt đầu thực hiện, bầu không khí thực sự có trong lành hơn, nhưng thách thức sẽ chỉ bắt đầu khi tuần làm việc mới bắt đầu.

Ngoài ra, các công sở và trường học cũng được yêu cầu mở cửa muộn hơn bình thường 1 tiếng; các nhà máy hóa chất, nhà máy nhiệt điện và các cơ sở sản xuất phải cắt giảm 30% lượng khí thải bắt đầu từ ngày Chủ Nhật, 20/7.

Đùa các bạn cho vui tý thôi, đấy là chuyện bên Bắc Kinh, chứ chưa phải của ta. Nhưng ta thường, dù chủ động hay vô thức thì cũng lấy cảm hứng từ những chuyện bên Tàu để hành động, nên em nghĩ sớm hay muộn ta cũng bắt chước nên đăng sớm để có sự chuẩn bị. Đang lo tiết kiệm xăng dầu mà các quan giảm cho một nửa ô tô thì dân được nhờ. Có nhiều cái dở nhưng học cái này thì OK.

Ý các bác thế nào?!

--> Read more..

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2008

Ra Tòa vì mặc áo linga

Tự do như Mỹ- người ta hay nói thế, nhưng xem ra không hẳn như vậy.

Một thanh niên Mỹ đã buộc phải lên tiếng xin lỗi thành phố quê hương anh sau khi diện bộ trang phục hình “cậu nhỏ” trên sân khấu trong buổi lễ tốt nghiệp.

(DT) Calvin Morett, 19 tuổi, tới từ thành phố Saratoga Springs thuộc bang New York, đã khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi anh khi mặt bộ trang phục hình “cái ấy” và chạy trên sân khấu trong buổi lễ tốt nghiệp.

Morett, tốt nghiệp trường trung học Saratoga Springs hồi năm ngoái, sau đó còn xịt nước vào khoảng 5.000 người trong đám đông tham gia buổi lễ.

Bộ trang phục của Morett khiến tất cả mọi người phải ngoái nhìn.

Hành động của Calvin Morett đã gấp phải những lời chỉ trích và khiến anh phải ra tòa. Thẩm phán yêu cầu Morett phải gửi thư chính thức xin lỗi thành phố Saratoga Springs

Cũng theo quyết định của tòa án, Morett phải trả phí đăng tải lời xin lỗi trên tờ báo địa phương, trả chi phí tòa án. Ngoài ra, thanh niên này cũng bị phạt đi lao động công ích 24 giờ.

Xem ra Mỹ còn nghiêm khắc hơn xứ ta về chuyện này. Ở ta chưa có ai bị mang ra Tòa vì ăn mặc lố lăng. Còn về hình của quý, các cụ ta Thờ đành hoàng, vô số linga cỡ đại còn đang hiện diện ở nhiều đền miếu...

Nói thế thôi chứ nếu bên MỸ họ không xử vụ này, mấy hôm nữa bọn trẻ VN lại bắt chước, thậm chí làm cả cặp âm dương lên sân khấu hay trong lễ tốt nghiệp thì hỏng. Thời buồi toàn cầu hóa này nó học nhau nhanh lắm..

--> Read more..

Thứ Tư, 16 tháng 7, 2008

Đặc điểm trí thưc Việt

Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, NXB Giáo Dục, 1994) định nghĩa: “Trí thức là người chuyên làm việc trí óc và có tri thức chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của mình”. Còn theo Cao Huy Thuần, từ “trí thức” (intellectuel) được sử dụng để chỉ cho một dạng công dân của Pháp thời kỳ sau Công xã Paris, cuối thế kỷ 19, đó là “những người không chỉ có học vấn hay trình độ chuyên môn cao, mà hơn hết phải là những người quan tâm và có chính kiến trước những vấn đề chính trị xã hội nóng bỏng của thời cuộc”. Cao Huy Thuần đã dẫn thêm định nghĩa của Karl Marx: “Trí thức là những người có đủ tri thức để quan tâm và có chính kiến riêng đối với các vấn đề của xã hội, nên họ phải là những người phê bình không nhân nhượng những gì đang hiện hữu, không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước kết luận của chính quyền hoặc trước xung đột với chính quyền, bất cứ chính quyền nào”. (Thế giới quanh ta, NXB Đà Nẵng, 2006).
Nhìn nhận những định nghĩa trên, Chu Hảo cho rằng, Karl Marx nói đến “phê bình không nhân nhượng” và “xung đột với chính quyền” đều phải nằm trong luật pháp của xã hội đương thời (Chu Hảo đã cho “ý kiến riêng” này của mình bằng một từ “chúng tôi hiểu rằng” để giải thích không công cho định nghĩa của Marx. Nhưng Marx trở thành nhà triết học nổi tiếng bởi chính cái khí phách không biết "nằm trong" trước một xã hội Tư bản đang ở thời khủng hoảng). Chỉ cần nhìn cụm từ “nằm trong luật pháp” thì thấy rõ vì sao “trí thức” Việt Nam lại thiếu cái “vế thứ hai” quan trọng ấy. Trí thức chứ có phải ăn trộm đâu?
Vì vậy khi đi nói đến đặc điểm của trí thức các nước, ông Chu Hảo đã dẫn như khoe: “Trí thức Trung Hoa thâm thúy (thâm nho), trí thức Nhật khiêm tốn (đến khách khí), trí thức Nga sâu sắc đôn hậu, trí thức Mỹ thực dụng, trí thức Anh lạnh lùng tỉnh táo, trí thức Pháp hào hoa phong nhã… Còn đặc điểm của trí thức Việt Nam như thế nào thì ông cũng chỉ có thể dẫn: “phò chính thống” (ông K.G), “quan văn” (bà P.T.H - người viết còn thấy bà Phạm Thị Hoài nhấn mạnh đến trí thức Việt Nam bằng hình ảnh cái “ỉu xìu”), và tựu chung lại là tính “thích được chính quyền sử dụng” (theo Vietnamnet).
Khi bàn về vấn đề trên, chúng ta đã bỏ qua một câu nói được nhiều người quan tâm của Hồ Chủ Tịch: “Một người học xong đại học có thể gọi là có trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế.” (“Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr. 235-238).
Nếu theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt kể trên, đối chiếu với lời phát biểu của Hồ Chủ Tịch thì chúng ta mới chỉ có “trí thức một nửa”. Vậy phải đi tìm “nửa” còn lại ở đâu? Có lẽ nó không nằm ở phía “chân tay”: biết cày, làm công, đánh giặc (vì bây giờ có thí thức nào làm ruộng, làm công và đánh giặc đâu), mà nó nằm ở chỗ “nhiều việc khác”. Phải biết được cái “nhiều việc khác” ấy là gì thì chúng ta mới có thể tiếp tục bàn về đặc điểm của người trí thức Việt Nam (trên cơ sở nhận thức “chính thống” về trí thức) được.
Và nếu so sánh định nghĩa vừa “chính thống” vừa “ngoài luồng” một chút thì thấy ở Việt Nam, trí thức vừa rất thiếu mà lại vừa rất thừa. Rất thiếu vì không có cái “vế thứ hai”: có chính kiến riêng trước các vấn đề chính trị xã hội của thời cuộc; phê bình không nhân nhượng với bất cứ chính quyền nào… Rất thừa vì chỉ cần người có trình độ cử nhân trở nên là đã đứng vào hàng ngũ trí thức. Nhưng chợt giật mình, vì cứ theo những “định nghĩa” và “tiêu chí” cả “nội” lẫn “ngoại” trên thì Việt Nam hiện nay “chưa có trí thức?”. Và nếu chưa có trí thức “đúng nghĩa” thì có thể hội nhập và phát triển nền kinh tế tri thức, phấn đấu ngang tầm với trí thức thế giới hay không?
Vietnamnet và tạp chí Khoa học và Tổ quốc mở ra diễn đàn “trí thức” với những vấn đề “rất đắt” như: “Khái niệm trí thức được hiểu như thế nào? Chúng ta nghĩ gì về trí thức Việt Nam trước đây, hiện tại, và tương lai? Chúng ta biết gì về bản thân những con người cụ thể, cũng như vai trò của họ trong vận mệnh dân tộc?”, đã không ít ngày rồi, nhưng thực sự vẫn chưa nóng.
Chúng ta lưu ý đến phát biểu của ông Nguyễn Quang A: “Người trí thức một mặt phải có lòng dũng cảm nói lên ý kiến của mình, đấu tranh vì những giá trị phổ quát của nhân loại như tự do, bình đẳng (thực ra là giảm bình đẳng) hạnh phúc, thịnh vượng, công bằng xã hội (thực ra là giảm bất công xã hội). Trí thức phải trung thực, độc lập, sáng tạo, tự chủ, góp sức mình cho sự nghiệp phát triển của đất nước, mặt khác phải có trách nhiệm và cân nhắc về những điều mình nói và mình viết vì chúng có thể tác động sâu sắc đến xã hội” (Vietnamnet).
Từ “bình đẳng” và “công bằng” được ông Nguyễn Quang A nhấn mạnh bằng cái gọi là “thực ra là giảm”. Ai chẳng biết thế. Tuy nhiên cái chữ “tự do” thì bị “phớt” đi bằng một cái “quyền tự do” thông qua lòng "cởi mở" của internet (không “chính ngạch” như báo viết). Quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận có sẵn trong Hiến pháp Việt Nam, nhưng cứ “tự do” đi là sẽ thấy ngay hậu quả nhãn tiền: nhẹ thì "chỉnh huấn, học tập tư tưởng", nặng thì bị chụp mũ “phản động” (có nhiều người đã “giác ngộ” và hiểu rằng cần phải biết tự do trong khuôn khổ cho phép, đừng nói chi đến cái “không lùi bước trước kết luận của chính quyền” - Marx).
Dũng cảm nói lên ý kiến của mình” là để đấu tranh với những thói hư, tật xấu của trí thức trong xã hội mình đang sống cái đã, khoan nói đến “những giá trị phổ quát của nhân loại”, vì nó lớn lao quá. Thử hỏi có “trí thức” nào viết mà không “cân nhắc” đến cái “tác động sâu sắc”? Lâu rồi, người ta vẫn “cân nhắc” trên tinh thần “ông mất chân giò, bà thò chai rượu” đấy thôi. Chỉ có như vậy “bàn tiệc” mới trọn vẹn đồ uống và thức nhắm. Nếu chỉ có một bên phải “mất” là thiếu bình đẳng. Thiếu bình đẳng sẽ nảy sinh mâu thuẫn. Mâu thuẫn thì sẽ có người nổi nóng, hoặc cả hai cùng nổi nóng. Người nào “định hướng được dư luận” người đó chiếm ưu thế (mà không có báo, đài, truyền hình ở trong tay thì sao có thể định hướng dư luận được). Tuy nhiên, trong những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, lời khuyên “cân nhắc” của ông A rất có giá trị. Phải là người từng trải lắm, thậm chí là “oan ức” thì mới có thể có một lời khuyên sâu sắc đến như vậy. Nhưng vẫn phải xin thưa với ông một câu: “mâu thuẫn mới là nguồn gốc và động lực của sự phát triển”, cân nhắc với mục đích “dĩ hòa vi quý” vốn dĩ không phải thái độ thực sự của người trí thức.
Trên tinh thần “ông mất chân giò, bà thò chai rượu” kia, chúng ta mới thấy được sự thỏa hiệp trong một hiện thực “ích lợi” cho cả hai (không phải lúc nào cũng thống nhất với ích lợi của số đông, của nhân dân). Nếu chỉ có một người ích lợi thôi thì không được. Đó là lý do tại sao có những người trí thức đang bất đồng (một cách tự do, chân chính) tự nhiên thay họ, chuyển giọng, đổi bút đen thành bút đỏ, và nhanh chóng được tưởng thưởng bằng một chức vụ nào đó…
Từ đây, có thể thử đưa ra một đặc điểm tương đối phổ biến của trí thức Việt Nam đó là “khen trước mặt chê sau lưng và sẵn sàng thỏa hiệp khi có lợi ích”. Và sự khen chê này có được hoán chuyển từ trước ra sau hay không còn tùy thuộc vào “ích lợi” ở mức nào. Trong một chừng mực nào đó, ở đặc điểm này, người trí thức đương đại chỉ có thể xếp vào kẻ "ném đá giấu tay" hoặc cùng nắm là “hạ quân tử” theo quan điểm Nho gia (hạ quân tử: nắm đuôi hổ mà đánh; trung quân tử: cưỡi lưng hổ mà đánh; thượng quân tử: nhằm mặt hổ mà đánh - Khổng Tử).
Khen trước mặt để không phải khó khăn với cơm áo gạo tiền. Chê sau lưng để tỏ ra mình còn có vai trò phản biện mang tính tri thức. Chỉ cần đi dạo một vòng các trường đại học sẽ thu được những kết quả bất ngờ. Thầy “chê” trên bục giảng của chúng ta không thiếu. Nhưng thầy “viết” thì cực kỳ “cân nhắc”, vì học đến cỡ ấy có ai mà không hiểu ra “bút sa là gà chết” (chết chứ không phải sống vật vờ đâu).
Đó cũng chính là bộ mặt của cái “yếu tố kinh tế” mà ông Nguyễn Khánh Trung (Pháp) khi nói về tâm sự của một người thầy mà ông từng tiếp xúc: “Là người giảng viên, tôi có hai chức năng: nghiên cứu và giảng dạy. Khổ nỗi, tôi không thể chu toàn hai nhiệm vụ đó. Nói thật, bây giờ tôi không dám sử dụng động từ “dạy” nữa, vì trong thực tế tôi có dạy gì đâu. Tôi như một chiếc cassette xuất hiện trước sinh viên, lặp đi lặp lại những điều đã có trong đầu từ bao năm nay để kiếm sống. Anh thấy đó, ngôi nhà này tôi vừa xây là nhờ vào tiền kiếm được. Để như vậy, tôi phải dạy ngày, dạy đêm. Tôi không là trường hợp duy nhất nhé, hầu như tất cả các giảng viên bây giờ đều vậy. Tôi buồn lắm, không phải vì thiếu thốn vật chất mà là nỗi buồn, sự xấu hổ của một kẻ sĩ. Làm thế nào được, khi tôi phải nuôi vợ con tôi trong cái xã hội này? Tôi phải chọn lựa, một bên là bảo vệ hình ảnh của một trí thức chân chính trong tôi, bên kia là gia đình. Cũng như những người khác, tôi đã chọn gia đình…” (Vietnamnet).
Sự lựa chọn của người trí thức bao giờ cũng nhiều dằn vặt, mâu thuẫn và đau đớn. Nhưng chỉ có thế người trí thức mới là người trí thức đúng nghĩa. Trong xã hội, người trí thức sống tốt đã là đáng quý, nhưng người trí thức nhận ra những lỗi lầm, giới hạn của bản thân mình còn đáng quý hơn. Thế mới biết, thái độ và cách ứng xử trí thức nhiều khi còn được đánh giá cao hơn cái giả danh “trí thức”.

Thái Nam Thắng (huongsenviet.blogspot.com)
--> Read more..

Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2008

Đất và nông dân

Người ta rất thường có bệnh hay quên. Hồi kết thúc kháng chiến chống Pháp, trở về thành phố, về thủ đô, Tố Hữu đã ngậm ngùi nhắc: “…Nhà cao còn nhớ núi đồi nữa chăng?...”. Vậy mà rồi nhà cao khiến người ta chẳng còn nhớ thật.


Vừa qua lần quên thứ nhất, lại đến quên lần thứ hai.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và thoát được khỏi khủng hoảng lương thực đến khốn khổ, ta lại liền quên nông thôn, nông dân, những người không những đã nuôi ta suốt những năm dài gian nan nhất, mà còn từng là “chủ lực quân” của công cuộc biến cải xã hội to lớn, và kỳ diệu thay cũng lại là ngòi nổ dũng cảm và sáng tạo của công cuộc đổi mới đã cứu đất nước ra khỏi cơn khủng hoảng không hề ngắn… Để đến hôm nay nhiều người đã phải nói lên một sự thật đã tới hồi không còn có thể quay mặt làm ngơ nữa: nông dân chán ruộng, nông dân chán nông thôn. Nghĩa là về cả hai mặt quan trọng, sống còn nhất trong đời sống con người đã khủng hoảng thật quá sâu: về kinh tế, người lao động trên ruộng đồng đã chán cả mảnh đất ngàn đời máu thịt của mình; về văn hóa thì cái nơi vốn là gốc rễ của văn hóa dân tộc ấy đã chán chường đến mức người ta không còn muốn sống ở đấy nữa, mặc dầu bỏ ra đi thì sẽ là lao vào một cuộc phiêu lưu cũng thật mịt mùng!
Ai cũng biết quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập là một cuộc thách thức to lớn, như chưa từng có, về mặt nào đó còn nghiêm trọng, sâu sắc hơn cả chiến tranh. Thách thức ấy chắc chắn nông dân, nông thôn chịu đựng gay gắt hơn cả. Chủ nghĩa tư bản đã phải bỏ cả ba trăm năm để đi qua, và đi qua với “từng lỗ chân lông thấm máu”, tất nhiên là máu nông dân, ta học mãi rồi, cái thời “cừu ăn thịt người” ấy. Ta định đi qua trong vài ba chục năm. Mà trong cuộc đi qua ấy, vũ khí chủ yếu của người nông dân chính là đất. Nông dân, tức là đất. Từ đất sinh ra, mọc lên, lăn lộn trên đất mà sống và nuôi sống xã hội, đất là sức mạnh duy nhất, là vũ khí duy nhất của nông dân. Không có đất của riêng mình thì người nông dân như con bệnh bị mất hết sức đề kháng, không còn gì để chống đỡ với các lực lượng dữ dằn của thị trường, mà lại là thị trường hoang dã như chúng ta đang có. Họ từng làm chủ lực quân vô cùng kiên cường ấy bỗng trở nên lúc nào cũng nơm nớp lo sợ: sợ mất đất, cái mảnh đất vốn đã không phải là của họ, họ cứ như được cho sống nhờ, bất cứ lúc nào cũng có thể bị “thu hồi”, bị “chuyển đổi”, bị đoạt mất. Cái thứ đất quen thân, thống thiết, máu thịt với họ thế, mà bỗng trở nên rất đỗi kỳ lạ, ở trong tay họ, khi họ bị tước đi thì giá chỉ có mấy đồng, nhưng chỉ cần chuyển sang tay doanh nghiệp nào đó, một ông nước ngoài xa lạ, sang trọng nào đó thì bỗng có giá hàng nhiều tỷ!...
Nông dân, thời nào cũng vậy, xưa nay đều vậy, là cái nền của xã hội. Và cái nền thì không ồn ào, không hào nhoáng, không huênh hoang, nhưng chính vì là cái nền nên xã hội sẽ không thể yên nếu cái nền không yên. Mọi sự phát triển, mọi bước đi tới sẽ chông chênh, nếu không đổ vỡ.
Và cách củng cố, trả sức lại cho cái nền ấy là vô cùng quan trọng nhưng không khó, chỉ cần dám dứt khoát làm mỗi một việc: trả toàn quyền có đất thật sự lại cho từng người nông dân. Khi nông dân đứng chặt chân trên mảnh đất thật sự của họ, của riêng họ thì chẳng ai chiến thắng nổi họ. Xã hội sẽ bền, đất nước sẽ vững chãi trong cuộc đi tới đầy sóng gió.
Và cũng nên biết rằng mọi nhũng nhiễu trên con đường đi tới của chúng ta, trong đó có đại họa tham nhũng nếu không khắc phục được sẽ phá từ bên trong, bằng cách này cách khác, đều có liên quan đến đất, đất của nông dân. Chỉ khi đất là của nông dân, thật sự, lâu dài, đời kiếp, thì mọi sự mới ổn, để mà đi tới, để mà hội nhập, với toàn cầu hóa.

Nguyên Ngọc (Tc Tia sang)

--> Read more..

Thứ Năm, 10 tháng 7, 2008

Bayby Thượng Hải

Đọc xong cuốn "Baby Thượng Hải " của Vệ Tuệ, thân phận những nhân vật trong đó cứ ám ảnh tôi. Coco là con một giáo sư, nhưng cô không sống chung với cha mẹ.

Coco yêu Thiên Thiên với một tình yêu chân thành, say đắm. Thiên Thiên không có nghề nghiệp, sống nhờ tiền trợ cấp của người mẹ đang sống ở Tây Ban Nha với người chồng bản xứ. Anh ta lấy việc thúc đẩy Coco viết tiểu thuyết làm động lực để sống. Thiên Thiên không được đào tạo nhưng vẽ được. Anh minh hoạ cho tiểu thuyết của người tình.

Nhưng Thiên Thiên không bình thường, anh không thể làm tình một cách trọn vẹn...

Mark- một người Đức là người tình thứ hai của Coco, đã mang đến cho cô sự đam mê cuồng nhiệt, cháy bỏng, "món quà tặng tuyệt vời". Cả hai đồng tình rằng, tình dục và tình yêu mang đến cho họ sự thông minh và tài năng.

Nhưng người đọc không trách cô đã lừa dối Thiên Thiên, ngược lại chia sẻ với cô nhiều hơn. Nỗi trăn trở, xót xa xen lẫn những cảm xúc ngọt ngào, mê đắm của nhân vật đã lôi cuốn người đọc.

Ngoài ra, cuốn sách còn hấp dẫn ở cách viết ngắn gọn, giàu cảm xúc và những đoạn viết về tình dục rất hay...

Lời cuối sách Vệ Tuệ viết:"Đây là tiểu thuyết đầu tiên của tôi, được viết từ mùa xuân tới mùa hạ, được viết có phần lơ mơ. Tâm trạng lúc đó không được ổn định. Khi đánh xong từ cuối cùng trên máy tính, tôi nhận được một cú điện thoại nước ngoài. Đầu dây bên kia vừa vẳng tới tiếng “hello”, mãi rất lâu tôi vẫn chưa kịp phản ứng lại. Ánh nắng ngoài cửa sổ đã nhạt dần, những dây trường xuân leo lên cửa sổ bằng sắt uốn hoa trên căn nhà cổ kiểu Pháp. Đứa trẻ ở lầu trên đang chơi đàn dương cầm. Nó đang chơi bản “Lisa yêu quý”. Tôi vứt mẩu thuốc trong tay và gạt tàn, nói tiếng Đức vào ống nghe điện thoại, “Em yêu anh”.
Đúng vậy, hầu như trong tất cả các truyện, tôi đều đang nói câu “Em yêu anh”. Có lúc nói dịu dàng, nền nã, có lúc nói điên cuồng và tuyệt vọng. Có lúc tham lam, bất chấp tất cả, có lúc lại nói trong ngượng ngập. Nhưng dù sao chăng nữa, tôi đã nói ra rồi. Và cũng có độc giả nói với tôi rằng, họ thích, rất thích.
Đây là một cuốn sách có thể nói là bán tự truyện. Trong từng hàng chữ, tôi luôn muốn giấu mình kín hơn một tí. Nhưng tôi thấy điều đó rất khó khăn. Tôi không thể phản bội nổi triết học cuộc sống chân thực đơn giản, không thể che đậy được những đau đớn, xúc động trào lên từ tâm can. Dù cho rất nhiều lần, tôi luôn bị động chấp nhận mọi điều mà số phận đã ban tặng cho tôi. Tôi là một người phụ nữ trẻ chấp nhận số phận như thế, mâu thuẫn như thế, không thể hiểu được như thế"...

--> Read more..

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2008

Vô cảm- Lộ đề

Báo TP vừa đưa tin -đề thi tuyển sinh đại học vừa qua, đã bị lộ truớc đó 10 ngày trên một trang Web.

Giao diện trang web được cho là có những bài toán “sinh đôi” với đề thi

GS Văn Như Cương bức xúc kể : Chúng tôi là tập thể các giáo sư, tác giả sách đang tập huấn cho giáo viên cốt cán, đang ra sức nói về cái hay cái đẹp của SGK mới, chiều 6/7, khi giảng bài, tôi lấy đề thi tuyển sinh môn Toán của kỳ thi 2008 để làm ví dụ cho các học viên về việc không nên ra đề thi đánh đố học sinh như thế thì một học viên là giáo viên của một tỉnh giơ tay xin phát biểu:

“Thưa thầy, đề thi thầy vừa nói đúng i-xì các câu hỏi ở trên mạng mà em đã biết từ trước”.

Để chứng minh, học viên này còn kể cho giáo sư Văn Như Cương rằng, chiều 4/7 khi học viên kể trên đến đây để học về SGK mới thì học trò của anh đã gọi điện thoại và khoe: “Thầy ơi trúng rồi, 4 bài, bọn em trúng hết. Học viên nọ còn đưa ra chiếc USB ghi đầy đủ “tang chứng vật chứng”: Giao diện của trang web (có ngày, giờ đăng lên mạng thông tin này); đủ 4 câu toán giống y đúc các câu hỏi của đề thi tuyển sinh môn Toán “sinh sau đẻ muộn” so với các bài này mãi đến hơn 10 ngày!

Đây có thể nói là chuyện "động trời" ở một xứ coi trọng chuyện thi đại học như ta. Dấu hiệu tội phạm hay vô ý, sẽ phải được điều tra. Nếu đúng như vậy thì kết quả thi phải huỷ bỏ và thi lại. Tốn kém vô cùng, kéo theo hậu qủa phức tạp khôn lường... Biết thế vậy mà tôi thực sự lại thấy bình thường hay nói cách khác là không bất ngờ, dù rất quan tâm đến kỳ thi này do có câụ cháu ruột vừa dự thi.

Tôi cũng thấy lạ vì mình đã không bất ngờ, không sôi lên như đáng lẽ phải như vậy.

Ngày xưa các cụ thấy chuyện bất bình thì "nộ khí xung thiên"- tức dựng cả tóc lên mà bây giờ mình ...như không? Tại sao mình lại "miễn dịch" được trước những điều vô lý, bất công như thế được nhỉ?! Hay là do vừa vào blog của nhà văn Nguyễn Quang Lập, đọc về Trần vàng Sao thấy ngán ngẩm trong lòng nhỉ?!

Nghĩ mãi chả ra... đành post lên để các bạn chỉ giáo.

--> Read more..

Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2008

Bush quyết không để ngã xe đạp

Vừa có entry về ông Ngoại trưởng Úc bán phở, thấy tin này cũng cùng seri lên psst để bà con coi. Tổng thống Mỹ George Bush vừa hạ quyết tâm không để lặp lại cú ngã khỏi con ngựa sắt, khi chuẩn bị lên đường tới dự hội nghị thượng đỉnh G8 tại Nhật Bản.

Tổng thống Mỹ George Bush. Ảnh: AFP.
Tổng thống Mỹ George Bush. Ảnh: AFP.

Bush cho hay ông mang theo xe đạp khi tới hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày ở thành phố Toyako, miền bắc Nhật Bản. Đây là một khu nghỉ mát ở trên đồi, nhìn ra một hồ nước rất đẹp.

"Tôi rất mong tới đó. Họ chắc có những đường đua rất đẹp", Bush nói trong chương trình phát trên truyền hình Nhật hôm qua. "Tôi chỉ phải cẩn thận để không ngã xe".

Ông chủ Nhà Trắng từng đâm vào cảnh sát địa phương khi tham dự hội nghị thượng đỉnh G8 năm 2005 ở Scotland. Năm 2004, ông bị xước và thâm tím chân tay khi ngã xe ở trang trại tại Texas. Trước đó năm 2003, ông cũng hứng một cú ngã nhớ đời khi điều khiển một chiếc scooter.

Tổng thống Bush, nhà lãnh đạo có thú vui đi xe đạp, có mặt tại Nhật Bản vào ngày 6/7 .

Tưởng tượng các cụ nhà mình khi được kết nạp vào G9 (cứ coi như thế cho lạc quan) mà phải đi xe đạp thì chết nhỉ?! Lo cho các cụ quen áo mũ, xe ngựa xênh xang quá...Đúng là văn hoá Mỹ, không phải cái gì ta cũng OK được, phải không ạ...Đến khổ các cụ!

--> Read more..

Thứ Ba, 1 tháng 7, 2008

Bộ trưởng Úc "bán" phở VN

Chiều 1.7, nhân chuyến thăm tại Hà Nội, Ngoại trưởng Australia Stephen Smith đã trổ tài vào bếp tại quán Phở 24 để chế biến món ăn truyền thống VN.

Với trang phục mũ nấu bếp, tạp dề và găng tay, trông Ngoại trưởng Smith (ảnh) khá điêu luyện trong vai trò đầu bếp, khi bỏ phở vào tô, rải đều thịt bò, hành rồi rưới nước nghi ngút lên bát phở. Cái nóng từ bếp lò, cộng hưởng với không khí oi ả và sức nóng từ đám đông phóng viên cùng những du khách tò mò vây chặt khu bếp nhỏ, khiến Ngoại trưởng Smith liên tục lấy tay quệt mồ hôi đọng đầy trên trán. Ông Smith lộ rõ vẻ tự hào về bát phở tự tay chế biến, trước khi thốt lên: "Ôi, nóng quá".

Không biết ai may mắn được thưởng thức bát phở do ngài ngoại trưởng tự tay làm ...

Sau khi rời Phở 24, Ngoại trưởng Smith đã đến thăm Văn Miếu, thành kính thắp hương tại nhà Thái học. Tiếp theo lịch trình, ông đã đến thăm và trò chuyện với trẻ em tại KOTO - Trung tâm dạy nghề cho trẻ em đường phố VN (LĐ)...

Ai cũng hiểu rằng ông Ngoại trưởng Úc đi làm phở giữa Hà Nội cũng là một cách làm chính trị, nó cũng tương tự như ông đã bàn với lãnh đạo VN về các vấn đề khu vực và toàn cầu, các vấn nạn của VN như lạm phát, cuộc chiến chống tham nhũng, ... rồi Australia sẽ tài trợ 500.000A$ cho các khoá đào tạo về chống tham nhũng; sẽ giúp VN 3,5 triệu A$ giúp VN cải thiện hiệu quả các nguồn cung cấp điện...

Ông cũng giải thích rằng ngoài mối quan hệ chính thức giữa hai Chính phủ, Australia cũng chú trọng phát triển mối quan hệ nhân dân. Vì vậy, ông mới đến thăm cơ sở Phở 24 - thương hiệu do một cựu du học sinh VN tại Australia tạo dựng và thăm trẻ em đường phố tại Trung tâm dạy nghề KOTO do Việt kiều Australia sáng lập.

Nhưng cái hay chính là ở chỗ ông đã bày tỏ thiện chí của mình một cách đơn sơ, rất đời thường như vậy, và đối với ta quả thật là lạ mắt và gây ấn tượng. Có lẽ do căn cốt văn hoá chăng mà các quan chức của ta nặng về comple- cavat, ít có được những cử chỉ thoải mái, thân thiệt như các chính khác thuộc các nền văn hoá khác.

Ở nước ngoài ,một chính khách từ Thủ tướng đến Bộ trưởng khi hết nhiệm kỳ đều trở về làm dân một cách thực thụ, họ cũng lao động để kiếm tiền bằng cách viết sách, giảng bài, thậm chí tham gia vào doanh nghiệp hay các tổ chức từ thiện... Ông cựu Thủ tướng Đức, ông cựu Tổng thống Mỹ đã từng trở lại VN trong các tư cách dân thường như vậy.

Tại sao xứ ta khi đã có mũ cao áo dài xuống làm dân lại có vẻ khó khăn nhỉ? Nhiều ông may mắn được bố trí về làm hội đoàn nào để tiếp tục làm quan. Còn lại, hầu hết đều cũng im hơi lặng tiếng ( hay có nói thì cũng chỉ nói nhỏ với đàn em), viết hồi ký cũng chả dám, tham gia kinh doanh lại càng không....

Vì vậy, khi cá biệt có vị quan chức nghỉ hưu hay phát biểu về các vấn đề nóng cũng có nhiều người than phiền, "sao ông không nghỉ ngơi đi cho rồi, cứ phát biểu lung tung làm khó cho đàn em"...

Thế mới biết, làm quan đã khó về làm dân cũng khó.




--> Read more..

Flags

Flag Counter