Thứ Ba, 30 tháng 9, 2008

700 tỷ USD, trông người nghĩ đến ta

Kế hoạch 700 tỷ USD giải cứu thị trường tài chính Mỹ đã không thành, mặc dù Tổng thống, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Tài chính, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang. Lãnh đạo đảng Dân chủ và Cộng hoà tại Quốc hội. Tất cả họ, từ Nhà Trắng tới đồi Capitol đều nói một câu giống nhau: bỏ phiếu thuận cho kế hoạch.

Nhưng phần đa những nhà chính trị đại diện cho ý chí và nguyện vọng của người dân Mỹ lại bỏ phiếu chống cho kế hoạch đó. Những người giữ vai trò chủ chốt trong cuộc vận động ủng hộ kế hoạch này đã không tập hợp đủ số phiếu cần thiết ở Hạ viện.

Bản thân cơn bão tài chính “siêu cấp” và có nguy cơ kéo dài chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ đến thị trường tài chính thế giới và trước hết là các nền kinh tế phát triển. Đặc biệt, nó rất dễ gây tác động tiêu cực đến tính thanh khoản của thị trường liên ngân hàng quốc tế.


Ảnh AFP


Trong nền kinh tế toàn cầu hóa như ngày nay, không ai dám chắc cơn bão tài chính này sẽ không “đổi hướng” sang châu Á, thậm chí là khu vực Đông Nam Á. Khi đó, sự tàn phá của nó sẽ khôn lường.

Mặt khác, cuộc khủng hoảng tài chính này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng gián tiếp đến thị trường tài chính Việt Nam do khả năng thu hẹp tài chính, đầu tư và thương mại sẽ rất lớn.

Một điều đáng quan ngại nữa là “cơn bão tài chính” này sẽ tác động đến thị trường tài chính nhiều quốc gia khiến cho tiềm lực thị trường tài chính toàn cầu cũng bị giảm sút; thị trường hàng hóa toàn cầu cũng suy giảm. Tình hình đó khiến hoạt động xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam sẽ gặp khó khăn.

Hệ thống Ngân hàng Việt Nam đang được đánh giá là có khả năng thanh khoản dồi dào và hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Tuy nhiên, chúng ta không thể bình chân như vại khi “cháy nhà hàng xóm” - dù “ông hàng xóm” ở cách chúng ta đến nửa vòng trái đất! (VNN)

Những người quan tâm đến hoạt động ngân hàng đều lo ngại về thực trạng ngân hàng của ta hiện nay. Liệu nó đang tiềm ẩn nguy cơ nào mà chưa được cảnh báo? Nếu có trường hợp tương tự ta có dám công bố công khai thực trạng cũng như công khai bàn cách giải quyết hay không? Nếu có thì ta sẽ đứng về phía ngân hàng hay quyền lợi người dân để xử lý?

Tình trạng " Trăm hoa đua nở" ngân hàng mọc lên như nấm những năm qua liệu có phải trả giá? Nếu có bệnh mà che giấu thì hậu quả càng nặng nề hơn, vig thế mà không thiếu câu hỏi có thể đặt ra...

Bài học nào từ vụ 700 tỷ đô cho chúng ta, mới là điều quan trọng!

--> Read more..

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2008

Một blogger là 1/18 nhà thiết kế trong đêm Grand Prix

Đêm chung kết trao giải Vietnam Collection Grand Prix 2008, tối ngày 28/9 diễn ra tại Cung thể thao tổng hợp Quần Ngựa (Hà Nội) thêm hào hứng với khán giả khi có sự tham gia của Tân Hoa hậu Việt Nam Trần Thị Thuỳ Dung.

Một trong 18 nhà thiết kế đã vượt qua hàng trăm thí sinh góp mặt trang giải là bloger NATURE, tên thật là Lê Nguyễn An Nhiên, sinh viên khoa thời trang ĐH Kiến trúc tp HCM ( thứ ba từ trái sang)

Theo thông tin dò rỉ từ Ban giám khảo, sau buổi chấm trực tiếp hôm thứ Bảy, người được giải khác với lúc công bố chính thức. Cuối cùng, cả 5 người đoạt giải đều là người của các Công ty đã tài trợ... Điều đó khiến các thí sinh khác nghi ngờ sự công tâm của Ban giám khảo.

Hoa hậu Thuỳ Dung là một trong số 30 gương mặt người mẫu nữ trình diễn hơn 160 bộ trang phục của các thí sinh và nhà thiết kế trong đêm chung kết cuộc thi.

Sự trở lại sàn diễn thời trang với vai trò một người mẫu tối qua của tân Hoa hậu sẽ rất hoàn hảo nếu như không xảy ra sự cố nhỏ ngoài ý muốn. Thuỳ Dung là một trong ba người mẫu trình diễn trang phục của thí sinh Hà Duy mở màn cho VietNam Collection Grandprix 2008. Cô mặc trang phục được thiết kế như quả khinh khí cầu, nhiều màu sắc trông khá ấn tượng. Tuy nhiên, trang phục độc đáo này đã khiến người đẹp “dở mếu dở cười” trong lúc di chuyển vào cánh gà. Thùy Dung đã bị mắc kẹt giữa màn hình và bục di chuyển lối vào hậu trường, cả người nhào về phía trước.
Thuỳ Dung gặp "sự cố" trên sàn diễn thời trang tối qua, ngày 28/9

Loay hoay khá lâu, người đẹp này mới “thoát” kẹt, nhưng lại tiếp tục “mắc cạn” tại cầu thang phụ dành cho người lên trao giải. Phải đến khi có sự trợ giúp kịp thời, Thuỳ Dung mới rời khỏi sân khấu một cách “an toàn”.( DT).

Tuy An Nhiên không giành được giải nào nhưng tác phẩm của cô cũng khá bắt mắt, gam màu rất đẹp . Không được giải nhưng vào đến chung kết cũng là một thành công, xin chia sẻ với NATURE.
--> Read more..

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2008

Tình mẫu tử ghê rợn ở xứ ta

Ban giám đốc Công an tỉnh Long An vừa có văn bản chỉ đạo Công an huyện Cần Giuộc điều tra, xử lý theo thẩm quyền về hành vi bắt người trái pháp luật và cố ý gây thương tích đối với bà Nguyễn Thị Phỉ và Bùi Phương Thanh.

Theo hồ sơ vụ việc, chị Nguyễn Thị Hoa (36 tuổi, ngụ ấp Kim Điền, xã Tân Kim) mắc bệnh phong xù (động kinh), bị chồng ruồng bỏ nên thường về nhà mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Phỉ nương náu.

Không chấp nhận con gái đã gả chồng mà phải ăn nhờ, ở đậu nhà mình nên bà Phỉ thường chửi mắng, đánh đập, đuổi chị Hoa ra khỏi nhà.

Ngày 5.9, bà Phỉ cùng con trai là Bùi Phương Thanh - đối tượng có nhiều tiền sự - đánh đập chị Hoa không thương tiếc. Họ quật ngã chị Hoa, dùng dây xích xích tay chân chị vào cột nhà. Chưa dừng lại ở đó, họ còn dùng thanh sắt nung đỏ đánh vào người chị.

Đau đớn, chị Hoa la hét, kêu cứu liền bị họ đánh vào miệng, mặt gây bỏng nặng. Sau đó, bà Phỉ và Phương trói chị Hoa bỏ trước hiên nhà suốt cả đêm, đến sáng hôm sau mới tháo xích, trả tự do cho chị.

Xót thương hoàn cảnh bi đát của chị, ngày càng có nhiều người dân ở xã Tân Kim đứng đơn tố giác, yêu cầu các cơ quan pháp luật huyện Cần Giuộc xử lý nghiêm khắc đối với và Nguyễn Thị Phỉ và cậu con trai Bùi Phương Thanh.

Chiều 26/9, người dân phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội xôn xao về việc một phụ nữ khoảng 50 tuổi ở nhà số 4, D4 bị con hành hung, rơi xuống từ tầng 4.

Một phụ nữ sinh sống gần đó kể lại: Khoảng đầu giờ chiều, người dân nhìn thấy bà V. mặt mũi tím bầm đứng ở lan can tầng 4 và kêu cứu "Gọi 113 giúp tôi với". Sau đó, bà trèo qua lan can tầng 4, định chạy trốn nhưng bị rơi, đập người vào lan can tầng 3, vướng phải dây điện rồi rơi xuống đất bất tỉnh một lúc. Một anh hàng xóm thấy vậy liền trèo vào giúp đỡ bà mẹ thì người con trai ở tầng trên ném một chiếc ghế vào vai, khiến anh này đau ê ẩm.

Người thanh niên hung dữ ném lon nước ngọt vào một phóng viên khi phóng viên này giơ máy ảnh lên chụp anh ta.

Sau khi bà V. được đưa đi cấp cứu, con trai bà "cố thủ" trong nhà, không cho ai vào trong, thỉnh thoảng anh ta chạy ra ban công, ném đồ vật vào những người ở dưới đang hướng mắt lên trên. Có mặt trước cửa nhà số 4, D4 theo dõi sự việc, một phóng viên bị anh ta chửi bới và ném lon nước ngọt vào máy ảnh khi phóng viên này giơ máy chụp ảnh anh ta.

Chị hàng xóm cho biết tiếp: Công an phường đã trèo qua nhà bên cạnh, nhưng người thanh niên này tỏ ra rất hung dữ, liên tục ném vỏ chai, cốc nước ra bên ngoài, chốt chặt cửa và đe dọa nếu xông vào sẽ dùng dao lam tự sát.

Sự việc xảy ra từ khoảng 2 giờ nhưng 3 tiếng đồng hồ sau, công an vẫn không thể vào bên trong để tiếp cận người thanh niên. Một số người cho rằng anh ta bị tâm thần.

Tuy nhiên, người đàn ông bán hàng nước ở gần đó lại cho rằng anh ta hoàn toàn bình thường, không hề có biểu hiện của người tâm thần. Hàng ngày anh ta vẫn đi chợ mua thức ăn. Ông cho biết, người thanh niên kể trên tên là Quân, khoảng 30 tuổi, sống ở ngôi nhà số 4, D4 một mình. Anh ta ở nhà, không làm ăn gì ngoài việc suốt ngày chơi games và tiêu tiền của bố mẹ. Trước đây anh ta từng có lần hành hung bố mình.

--> Read more..

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2008

Vú để làm gì?!

Báo chí đã cảnh báo về mối nguy hiểm do sữa kém chất lượng mang lại cho người sử dụng. Bà Shelaye Boothey- phát ngôn viên của WHO tại Hà Nội trả lời trên BBC rằng: Trên website của WHO có nhiều thông tin về melamine mọi người có thể vào xem để tham khảo nhưng tôi nghĩ vụ sữa nhiễm độc này tái khẳng định một điều, đó là cho con bú sữa mẹ cho đến 6 tháng tuổi là điều quan trọng nhất người mẹ có thể làm cho con của mình. Đó là cách an toàn để nuôi con.

Bà Shel cho biết một con số đáng ghi nhớ và kinh ngạc: Tỉ lệ cho con bú sữa mẹ ở Việt Nam rất thấp, chỉ có 17%, tức rất là thấp. WHO và UNICEF khuyến nghị tất cả các bà mẹ nên cho con bú sữa đến 6 tháng tuổi.

Chúng không cần ăn thêm, không cần thêm nước, không cần thêm bột gạo. Không đúng khi nói rằng ăn thêm sẽ làm cho đứa bé mạnh hơn. Và chắc chắn thêm sữa bột cũng không làm chúng mạnh hơn.

Trẻ bú sữa mẹ khỏe hơn và có sức đề kháng mạnh hơn nhờ kháng thể có trong sữa mẹ. Đó là điều chúng tôi cổ súy và tôi nghĩ đó là bài học rút ra từ chuyện này, bên cạnh nhu cầu củng cố luật lệ an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cho con bú sữa mẹ là điều tốt nhất họ có thể làm cho con. Cho bú sữa mẹ liên tục, và chỉ có sữa mẹ, là chất dinh dưỡng an toàn nhất cho đứa trẻ- Chuyên gia này nói.

Vấn đề đặt ra là tại sao chị em lại ít cho con bú như vậy. Các cụ nói: "Đàn ông không râu bất nghì/ Đàn bà không vú lấy gì nuôi con". Bây giờ có vú cũng không nuôi con là cớ làm sao?!

- Sợ cho bú lâu thì bị "mướp hoá" chăng?

- Sợ bận rộn, ít có thời gian tự do chăng?

... Thôi, chả suy luận nữa, xin kính chuyển đến chị em ( Thuthuy, An Thao, Van lam, Diemxua, Vo, May N... ) giải đáp giùm.

Anh nào có ý kiến cũng cho biết luôn, có khi vì các anh mà các chị không con bú cũng nên...

--> Read more..

Thứ Ba, 23 tháng 9, 2008

Vô trách nhiệm là tội ác

GS Hồ Ngọc Đại vừa có bài trả lời PV trên DT, xin trích một đoạn... cho vui ( hay buồn nhỉ?!)

Trẻ em đang cần một nền giáo dục khác

Trước khi từ giã thế kỉ 20, chúng ta đã cố gắng hoàn thiện một nền tảng lý thuyết về giáo dục cho thế kỉ 21. Thế nhưng đã bước sang thế kỉ mới 8 năm rồi mà ông vẫn nói là vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu?

Khi chuẩn bị việc đó, chúng ta vẫn là con đẻ của thế kỉ 20 đi lo công việc của thế kỉ 21. Đó là một sai lầm. Phải coi thế kỉ 20 ra đi như một kẻ đột tử mà không thể "ăn bám" vào nó thêm nữa. Do đó, thế kỉ 21 phải tự lo liệu thân mình. Đây là hai thế kỉ hoàn toàn khác nhau về bản chất. Những đứa trẻ của thế kỉ 21 không phải là những đứa trẻ của thế kỉ 20.

Chúng đi xe hiện đại, sử dụng điện thoại di động hiện đại, sử dung intenet siêu tốc và máy vi tính hiện đại. Ngay cả đồ chơi và trò chơi chúng cũng không còn chơi những đồ chơi và trò chơi của các thế kỉ trước. Do đó, chúng rất cần được hưởng nền giáo dục hiện đại, nội dung hiện đại, phương pháp hiện đại thì ngược lại, chúng đang bị "nhốt" trong cái lồng quá cũ và được "nhồi nhét" kiến thức theo phương cách cũ. Tóm lại, trẻ em hôm nay cần một nền giáo dục khác.

"Nền giáo dục khác" là nền giáo dục như thế nào?

Một nền giáo dục có lý thuyết, không mò mẫm, không đối phó, không lừa dối, dù lừa dối người khác hay tự lừa dối chính mình. Tiếc thay có nhiều điều tỉnh táo thì lại đang được thực hiện một cách ngông cuồng!

Ngông cuồng. Đó là những điều gì vậy?

Loạn trường đại học, loạn giáo sư, loạn tiến sỹ… Cái cần "nổi loạn" nhất là sự nổi loạn của tư duy thì lại trì trệ, lại không dám, chỉ biết cam chịu.

Bằng đại học “cỏ đồng ta”

Cái mà ông nói là "nổi loạn tư duy" cụ thể ở đây là cái gì vậy?

Là thay đổi cách học và nội dung cần học, đặc biệt là ở tiểu học và đại học.

Tại sao lại đặc biệt ở tiểu học và ở đại học?

Đó là hai bậc học hoàn toàn khác nhau về mục đích. Nếu bậc học tiểu học là cơ hội cuối cùng để duy trì, gìn giữ bản sắc dân tộc thì ở bậc đại học lại là cơ hội đầu tiên để hòa nhập, hội nhập quốc tế. Một chương trình tiểu học không cần phải giống nước nào và cũng không cần nơi nào công nhận thì ngược lại, chương trình đại học phải là chương trình quốc tế và bằng cấp phải được thế giới thừa nhận. Một bằng tốt nghiệp đại học chỉ dùng ở "tiêu thụ nội địa" là một bằng đại học "trâu ta ăn cỏ đồng ta", chỉ có sức để kéo cày chìa vôi thôi.

Vô trách nhiệm là tội ác

Ông là người cả đời đi dạy tiểu học nên ông đặt vấn đề quá lớn về cấp tiểu học này chăng?

Tôi xin nói lại, không phải cả đời mà tính đến nay, tôi mới có 54 năm làm nghề sư phạm thì 40 năm gắn bó với tiểu học và tôi rất hiểu bậc học này. Đây mới là bậc học liên quan đến từng gia đình, toàn xã hội nên đòi hỏi phải có nghiệp vụ sư phạm tinh tế nhất, hiệu quả nhất, chặt chẽ nhất. Ở đây, đúng là đúng mãi mãi mà sai là sai mãi mãi, không thể sửa chữa sai lầm. Thiếu trách nhiệm, "bôi bẩn" những trang đầu đời của trẻ em là tội ác.

Theo ông, cần phải "bôi" cái gì lên trang giấy ấy? Hay nói cách khác, yêu cầu cụ thể ở từng lớp bậc tiểu học là gì?

Ví dụ lớp một là đọc thông, viết thạo, nắm vững luật chính tả, không thể tái mù. Đối với lớp hai viết thành câu, lớp ba không bao giờ viết sai câu. Thật vô lý khi 5 - 6 tuổi đã nói rất sõi, rất tinh tế, nhưng đến hết đại học vẫn viết sai chính tả. Viết sai tiếng mẹ đẻ là một điều sỉ nhục.

--> Read more..

Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2008

Thủ đoạn nham hiểm của Vedan

Thủ đoạn ngụy trang tinh vi trên hệ thống "trận đồ bát quái" xả thải của Vedan

Đại bản doanh của Công ty Vedan trải rộng trên diện tích 120ha tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Tuy vậy, việc tiếp cận vào phía trong công ty là không hề dễ dàng.

Vedan có tới hơn 3.000 công nhân làm việc theo 3 ca, chủ yếu là người Việt, nhưng đã có xe đưa đi đón về cho nhân viên. Toàn bộ đại bản doanh được bao bọc kín cổng cao tường, trong công ty có đường giao thông nội bộ và mọi hoạt động được quản lý bằng hệ thống điện đàm.

Công ty có ba cổng chính ra QL51, cảng Gò Dầu và cổng Vedan, tiếp giáp với sông Thị Vải - tất cả đều được bảo vệ nghiêm ngặt. Do đó, chỉ riêng việc tiếp cận địa bàn của Vedan đã rất khó khăn và cần tới những giải pháp mưu trí của các trinh sát.

Đại tá Lương Minh Thảo, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, người trực tiếp cầm quân vào Nam làm vụ án này từ đầu, đã thẳng thắn cho biết, lần đầu đi khảo sát tại Vedan với tư cách tham quan năm 2007, ông cảm thấy "hoa mắt" trước hệ thống xả thải nước thải chằng chịt đường ống, van xả, công tắc… ở đây.

Chỉ riêng hệ thống bể chứa nước thải đã ngồn ngộn, khó đếm xuể, mỗi bể dung tích lên tới 15.000 - 30.000m3. Đường ống xả thải được thiết kế chỗ chìm chỗ nổi, có nhiều đoạn lẫn lộn vào hệ thống cung cấp nhiên liệu từ cảng vào nhà máy. Các bồn chứa khổng lồ cũng xen kẽ với đủ loại từ nguyên liệu đến mật gỉ đường và chất thải lỏng với hệ thống bơm áp lực cao ra sông Thị Vải…

Tuy nhiên, bằng con mắt nghiệp vụ tinh thông, ông đã nhận thấy, trong hệ thống xả thải này đang có những thủ đoạn hết sức tinh vi nhằm bố trí thật, giả lẫn lộn. Nhất thiết phải tìm cách xác định đâu là đường ống nguỵ trang dẫn nước thải đã qua xử lý, đâu là đường ống ngầm xả thẳng chất thải độc hại ra sông, giờ nào là giờ bơm xả nước thải thật, đâu là động tác bấm công tắc giả để qua mắt cơ quan chức năng…

Những băn khoăn trên đã khởi đầu cho một chuyên án, khám phá ra những thủ đoạn gian dối của Công ty Vedan gây xôn xao dư luận sau này.

Vedan đã thiết lập một hệ thống xả thải nước thải không qua xử lý chằng chịt, tinh vi, thì đương nhiên, họ sẽ bố trí lực lượng thân tín, biết "giữ mồm, giữ miệng" để giám sát chặt chẽ các hoạt động gian dối của hệ thống này. Vedan dùng nhiều thủ đoạn nguỵ trang để che mắt cơ quan chức năng và thậm chí còn đề phòng cả quan sát của người dân.

Phía trong nhà máy, Vedan thiết kế van, ống hút, bảng điện điều khiển rất tinh vi, có nơi ghi công khai là bơm nước thải, nhưng khi bật công tắc thì đường ống không vận hành. Hệ thống xả thải được đặt trong khu vực bao quanh bằng rào thép B40. Hệ thống còn được bảo vệ tinh vi tới mức, bên trên hai máy bơm bố trí một tủ điện và một máy bơm hỏng để giả làm hệ thống bơm nước từ sông lên.

Phía ngoài, họ che giấu miệng ống xả thải bằng nhiều hình thức. Từ nhiều năm nay, có một con tàu cũ luôn đỗ tưởng như vô tình trên mặt sông Thị Vải, chỉ khi các trinh sát vào cuộc mới phát hiện, đó là con tàu nguỵ trang do Vedan bố trí để che vị trí sủi nước thải lên, người dân có đi lại trên sông cũng không thể phát hiện ra được.

Về nhân lực, Vedan bố trí 8 nhân viên điều hành hệ thống xả thải của Vedan, trong đó có 5 người Việt và 3 người Đài Loan. Tuy nhiên, trong đó chỉ có 2 người Đài Loan là Lâm Mậu Phủ và Vương Kim Điền thật sự nắm được toàn bộ "công tắc ma" điều khiển hệ thống xả thải này. Những người còn lại cũng chỉ biết một phần hoạt động của hệ thống.

Cuộc khám phá mưu trí của Cảnh sát môi trường

Trung tá Trần Quốc Tỏ, Trưởng phòng 2, Cục Cảnh sát môi trường cho biết, mặc dù lực lượng Cảnh sát môi trường mới được thành lập với rất nhiều khó khăn về lực lượng, phương tiện, kinh phí… nhưng sau khi nắm bắt tình hình, lãnh đạo Cục đã cử ngay các tổ trinh sát tới tiếp cận địa bàn Công ty Vedan hoạt động.

Thủ đoạn sai phạm tinh vi, hiện đại của Công ty Vedan đã được đáp trả bằng cuộc đấu tranh đầy mưu trí của các trinh sát.

Muốn tiếp cận hệ thống đã khó, các trinh sát lại vướng phải thái độ bất hợp tác, che giấu của Vedan. Ban đêm, như những người đi giăng lưới, các trinh sát phải mò mẫm đi men theo dòng sông chết, nhiều khi nép vào những cây cối đang héo rũ bên sông để tránh bị phát hiện.

Tuy nhiên, những ngày gian khổ đó, các trinh sát nắm được một thông tin quan trọng, ban đêm ở khu vực cầu cảng hay có nước sủi lên. Nhờ đó, các trinh sát tìm cách tiếp cận vị trí sủi bọt, tìm hiểu đường ống dẫn dắt, bố trí ra sao.

Qua một quá trình tìm hiểu, các trinh sát xác định được Vedan có tới 3 hệ thống xả thải nước thải công khai, hiện đại. Do không thể tiếp xúc với nhân viên Vedan để tìm hiểu về hệ thống xả thải, lực lượng trinh sát phải vận dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ mưu trí để xác định được hệ thống xả thải dài khoảng 800m nằm bí mật dưới lòng đất.

Cơ quan điều tra phải mất nhiều giờ đấu tranh với Vedan mới tiếp cận được với Lâm Mậu Phủ - người điều khiển hệ thống. Trước đó, đã có nhân viên ấn công tắc xả thải (thực chất là công tắc nguỵ trang), nhưng không hề thấy nước thải chảy ra.

Chỉ khi Lâm Mậu Phủ ấn "công tắc ma" vận hành toàn bộ hệ thống xả thải, mới thấy nước thải sủi lên từ dưới lòng sông. Quá trình đấu tranh, Phó Tổng Giám đốc Trần Bình Huy và nhân viên vận hành Lâm Mậu Phủ đã thừa nhận vi phạm.

Hiện phía Vedan vẫn trì hoãn giao nộp bản thiết kế hệ thống xả thải nước thải không qua xử lý. Phía cơ quan điều tra vẫn tiếp tục thu thập thêm các thông tin liên quan đến vụ việc này.

Dư luận cũng bất bình trước việc Công ty Vedan xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển bền vững kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ cộng đồng, gây bức xúc trong dư luận.

Khi chúng tôi kết thúc bài viết này, Đại tá Lương Minh Thảo, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường cùng các trinh sát đang vội vã chuẩn bị chuyến công tác vào TP Hồ Chí Minh, phối hợp với các cơ quan chức năng để trong thời gian không xa nữa, toàn bộ vụ việc sai phạm của Công ty Vedan sẽ được làm sáng tỏ trước công luận. ( AND)

--> Read more..

Thứ Năm, 18 tháng 9, 2008

Vedan và mối lo môi trường

Miệng ống xả thải chưa qua xử lý tại cầu cảng của công ty Vedan đang xả thải. Ảnh: Cục CSMT.

Vedan có hơn 2.000 lao động. Theo một nhân viên văn phòng, lương khởi điểm của một công nhân là 1.350.000 đồng, sau 1 năm trung bình là 1,7-1,8 triệu đồng một tháng. Với con số và thu nhập như vậy, quả là công ty này đã giải quyết việc làm một số lượng người đáng kể. Ngoài ra, còn đóng góp của Vedan qua thuế nữa. Chưa có con số nhưng chắc cũng cả trăm tỷ/ năm.

Đấy là nhìn cái lợi trước mắt.

Đoàn kiểm tra của Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) và Bộ Tài nguyên môi trường đã đưa ra những bằng chứng về hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của Vedan. Trung bình mỗi tháng Vedan xả 45.000 m3 dịch thải sau khi lên men xuống sông Thị Vải, chưa kể hơn 5.000 m3 xả trực tiếp ra sông mỗi ngày chưa qua xử lý.

Đại tá Lương Minh Thảo, Cục phó Cảnh sát môi trường cho biết, hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn (mà Vedan công bố) được xây dựng song song với hệ thống xả trộm nhưng chủ yếu hoạt động cầm chừng để ngụy trang và đối phó với đoàn kiểm tra. Chất thải được xả ra vào ban đêm, thường 8-12h tối, qua các cống ngầm sâu 7-8 m dưới lòng sông.

Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Phạm Khôi Nguyên nhận định, những vi phạm của Vedan là nghiêm trọng, tinh vi và kéo dài nhiều năm nay, nếu bằng nghiệp vụ thanh tra môi trường thì không thể bắt quả tang.

Hậu quả cuả việc làm ô nhiễm, làm chết dòng sông không dễ tính bằng tiền. Bao nhiêu người đã mất việc làm ngay chính trên mảnh đất của mình, do nuôi tôm thì chết, trồng trọt không được? Không biết bao nhiêu người đã mắc bệnh ung thư, mà cái đó không thể tính bằng tiền?

Để phục hồi, cứu vãn dòng sông, cứu vãn môi trường có lẽ cần con số cả ngàn tỷ đồng.

Nếu không có tầm nhìn xa hơn cái mối lợi trước mắt thì những cái doanh nghiệp kiếm ra chỉ bằng móng tay so với cái mất mát. Môi trường bị huỷ diệt thì sự sống cũng không còn.

Vedan và các doanh nghiệp làm giàu kiểu bất lương như thế phải xử thật nghiêm, phải xử lý bằng hình sự cho thoả đáng.

Không biết vụ này có thể " chạy chọt" để thoát tội hay không?!

--> Read more..

Thứ Tư, 17 tháng 9, 2008

Bức hình tiêu biểu của dân nhậu

Tở tự đánh giá bức hình chộp được hôm đang chơi Dinh Cậu- Phú Quốc này như thế. Bấy lâu cứ nghe nói thôi chứ chưa tận mắt thấy dân nhậu ngồi uống rượu với một vài trái cóc như thế này. Ở ngoài Bắc cũng uống rượu dữ lắm, nhất là miền núi nhưng dường như nhậu phải có mồi, có thứ để " đưa cay". Xoàng xĩnh cũng vài ba củ lạc rang ( đậu phộng)... Ít khi uống xuông lắm.

Nhìn từ trên xuống mới rõ, túi nilon rượu do cậu mặc áo vàng giữ, có một cái chén thôi, uống quay vòng. Mồi không có.... Điều lạ lùng là họ ngồi ngay bên bờ biển, kiếm mấy con cá, ít ốc cũng không khó, sao họ lại chấp nhận nhậu chay vậy nhỉ? Hay là có cái thú riêng?! Tiếc hôm đó quá ít thời gian, nếu không cũng ghé vào xin một ly xem sao...

Bản thân chữ nhậu theo tôi hiểu là bia rượu + mồi . Nếu không có mồi có thể gọi là nhậu được không nhỉ?

Nhớ năm ngoái ra Côn Đảo, tôi cũng thấy một Hán tử cầm túi nilon rượu trắng ngồi uống ngất ngư dưới cột đen đêm.

Tớ cũng thích vui nhưng nhậu kiểu đó thì... vái cả nón. Còn các bác thì sao?!

--> Read more..

Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2008

Ba học sinh trường Đoàn Thị Điểm chết đuối

Trong khi trẻ em cả nước đang hân hoan chơi Tết Trung thu thì Trường phổ thông Đoàn Thị Điểm -Hà Nội có một cái tang đau buồn: Ba học sinh chết đuối khi đi picnic do nhà trường tổ chức tại khu du lịch Thiên Sơn- Ba Vì.

Tai nạn xảy ra vào 10 g sáng hôm qua, khi các bé đứng chụp ảnh trên một tảng đá bị trượt chân xuống suối phía dưới. Nạn nhân gồm hai em gái học lớp 6 và một em trai đều sinh năm 1997. Một trong hai bé gái là con của ca sĩ chuyên hát opera DMĐ; bé trai thì đang chuẩn bị đi thi kèn trong một cuộc thi quốc tế.

Sáng và chiều nay, ngày Trung thu - các đám tang đã được tổ chức. Rất nhiều phụ huynh học sinh trường này bàng hoàng, đau xót. Cô giáo phụ trách các cháu như phát điên, có lúc định tự tử.

--> Read more..

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2008

Dinh Cậu

Người ta nói Dinh Cậu là biểu tượng của đảo Ngọc - Phú Quốc, hiểu như Văn Miếu, Chùa Một Cột biểu tượng của Hà Nội. Vì thế điểm đầu tiên đi thăm của tôi ở Phú Quốc là Dinh Cậu. Đến đó mới thấy có những chuyện băn khoăn.

Tên là Dinh Cậu nhưng trên bài vị ghi rõ Chủ ngọc nương nương. Tôi hỏi ông từ , sao vậy? Ông mang quyển sách Tam thế diễn cầm ra bảo thờ bà và hai cậu, cậu Tài ( tiền) , cậu Quý ( sang trọng) ai mà không cần cầu khẩn. Nói thế chịu rồi. Thấy tôi không tin tưởng lắm ông bảo : Lẽ ra phải gọi là dinh bà cậu mới đúng. Bó tay!!!

Buồn nhất là cái cổng, nó là một sản phẩm hỗn hợp đông tây, chắc xây dựng trong niên hiệu CHXHCNVN, đầu thế kỷ 21 hoặc cuối 20. Mái ngói mũi kiểu Giếng Đáy, có lưỡng long chầu nguyệt kiểu Tàu,, nhưng hai trụ lại là kiểu Gotic của văn hoá Phục hưng bên châu Âu. Thêm ánh đền tuýp và mấy chữ quốc ngữ nữa thì nó là món lẩu quốc tế hoá. Hai đối cấu đối hai bên trụ, té ra là phiên âm từ hai cột trụ chữ Hán trên đền.

Ngôi đền mang tên Dinh Cậu này xây dựng những năm 30 của thế kỷ trước, cũng trên 70 năm rồi. Nếu cái cổng giữ được phong cách đó thì cũng quý.

Sao biểu tượng của Phú Quốc giàu có lại như vậy? Xin cán bộ văn hoá của tỉnh Kiên Giang quan tâm giùm.

( Viết entry này theo chỉ đạo của Diễm, nhan vật trong hình không phải là tớ đâu nha)

--> Read more..

Thứ Hai, 8 tháng 9, 2008

Cái rún chị sui

Bạn Diễm xưa có hỏi, sao hồi này không thấy viết về các vùng miền, hay là không đi đâu... Vì thế xin viết một entry về mấy câu chuyện vặt mới nhặt ở Cà Mau về hầu chuyện các bạn.

Món đặc sản Toro được nhậu hai lần ở Cà Mau là rắn. Một lần nhậu con rắn hổ đất dài đến 1,5 m, chủ nhà gắp cho cái đuôi rắn và bảo:" Ngon lắm nè. Thứ nhất cái rún chị sui, thứ nhì cái đui ( đuôi) con rắn". Câu thành ngữ làm tôi ngạc nhiên quá trời vì quan hệ thông gia ở ngoài Bắc là khách sáo, nể trọng và giữ kẽ với nhau vô cùng, không bao giờ có chuyện suồng sã thân mật quá đà như thế.

Nhờ một vị lão thành giải thích, ổng nói: Cái đuôi con rắn rất ngon vì xương nó mềm, không cứng như phía trên. Cái rún chị sui cũng vậy. Cả hai đều rất hấp dẫn.

Ông nói thêm, trong này có nhiều chuyện xung quanh mối quan hệ anh sui chị sui lắm.

Một ông kể một chuyện để minh hoạ. Một ông già nghĩ ông sui gia mới mất, ngày 30 Tết ổng mang mấy thứ hoa quả đến thắp nhang cho sui gia. bà sui thấy ông đến vội vàng chống cái liếp cửa lên. Bất chợt cái quần bả tụt, bả vội vàng buông cái chống liếp để kéo quần, cái liếp đổ ngay lên đầu ông sui. Máu chảy, bà sui phải băng bó.

Chiều bà sui nghĩ áy náy, ông sui đến thăm mình và chảy máu đầu nên đến thăm xem ổng đỡ chưa. Bà gặp ổng và biểu: Anh sui đỡ chưa, tôi nể quá, anh đến thăm tui mà vỡ cả đầu.

- Trời, chị nể gì tui? ông sui nổi cạu

- Sao anh nói dậy, tội cho tui...

- Chị coi cái l. chị hơn cái đầu tui nên mới buông cái gậy để kéo cái quần chớ...

Mấy anh trong bàn nhậu còn kể vô số chuyện tương tự như vậy nữa.

Cũng là sự khác biệt xa giữa hai miền Nam Bắc. Ở ngoài Bắc, dù còn rất trẻ, thậm chí vốn là bạn bè, sau khi kết thông gia cũng gọi nhau là ông, là bà. Trong Nam gọi nhau là anh chị... đủ thấy mối quan hệ thân mật thế nào.

Ai có những câu tương tự, xin cho hay để anh em thêm hiểu biết.

--> Read more..

Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2008

Nỗi lo ngại chiến tranh

Trên BBC hôm nay có bài cho hay,
Bản đồ 'xâm lược VN' đăng trên Sina.com
Theo 'Phương án A' Trung Quốc chỉ cần 31 ngày là thôn tính Việt Nam
Việt Nam đã chính thức gửi phản đối tới phía Trung Quốc về một kế hoạch dùng quân sự để xâm lược Việt Nam hiện đang được đăng tải trên một số trang mạng của Trung Quốc.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng xuất bản tại Hong Kong cho hay Hà Nội đã hai lần triệu tập quan chức ngoại giao cao cấp của Trung Quốc để bày tỏ quan ngại về tài liệu mà, tuy không phải chính thức, cũng đã khiến giới ngoại giao và quân sự Việt Nam cảnh giác vì xuất hiện với tần suất cao trong thời gian vừa qua.

Bài viết có nêu chi tiết quá trình xâm lược kéo dài 31ngày, khởi đầu bằng năm ngày tấn công bằng tên lửa rồi tới cao trào là việc tiến quân bằng đường bộ với 310.000 lính tràn vào Việt Nam từ Vân Nam, Quảng Tây và Nam Hải.

Kế hoạch xâm lược Việt Nam được đăng trên trang mạng Sina.com và một số trang khác dưới tựa đề ‘Quân Đội Trung Quốc hãy dùng Phương án A để tấn công VN!’ viết: “Việt Nam là mối đe dọa chủ yếu nhất đối với an ninh lãnh thổ Trung Quốc, là trở ngại lớn nhất đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc”.

“Việt Nam cũng là đầu mối và trung tâm chiến lược của toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Muốn kiểm soát lại Đông Nam Á cần chinh phục Việt Nam."

“Từ mọi khía cạnh, Việt Nam là cái xương khó nuốt.”

Phía Trung Quốc đã trấn an rằng đó chỉ là trò đùa, và TQ - VN là đồng minh.

Cách đây ít ngày một người bạn tôi chia sẻ: Nghe chuyện TQ có kế hoạch tấn công VN mới biết cái chúng ta lo sợ nhất là chiến tranh. Nó quá tàn khốc và đau khổ, những lo toan thường nhật bây giờ không đáng kể gì so với nối lo sợ chiến tranh.

Đó có lẽ là tâm trạng của tất cả mọi người. Chiến tranh dù ai thắng thì nhân dân vẫn là những người thua thiệt.

Làm sao tránh được chiến tranh?!

Làm sao giữ được hoà bình, ổn định ở cạnh Trung Quốc vốn có nhiều ân oán là bài toán khó, nhưng không thể không giải được của lãnh đạo nước nhà?!

--> Read more..

Thứ Ba, 2 tháng 9, 2008

Chuyến bay Jestar Pacific nhớ đời

Sau chuyến đi miền Tây và Phú Quốc, tôi trở về Saigon định chơi một ngày. Đã hẹn với anh PNH nên tối hôm trước đã đi thăm vội hai gia đình người thân để hôm sau rảnh rang. Rất may, tôi và anh PNH đã có chút thời gian gặp nhau ở “café Thềm xưa” trên đường Nguyễn Cảnh Chân rồi đi thăm chùa. Đang đi thì cậu đi cùng gọi về gấp, xem lại thì vé máy bay về Hà Nội mà chúng tôi nhờ mua bay lúc 11g 45 chứ không phải buổi tối như đã hẹn. Thế là anh PNH vội quay xe, đưa tôi về nhà khách. Theo kế hoạch, trưa đó chúng tôi sẽ ăn cơm Bắc, canh cua cà pháo ở quận 1, sẽ mời thêm vài bạn cho vui…Vậy mà “ hết duyên”.

Cấp tốc lao ra sân bay cho kịp giờ. Làm thủ tục xong, lần lữa mãi mới lên máy bay. Máy bay khởi động như cất cánh đến nơi thì phát hiện động cơ trục trặc. Thế là quay lại nhà chờ.

Một giờ, hai giờ, ba giờ trôi qua… không biết khi nào mới cất cánh được. Cho đến 16g vẫn chưa có thông tin bao giờ có thể bay. Thế là hành khách bùng lên cơn giận dữ. Tiếng quát tháo, rủa xả và đám đông vây quanh anh nhân viên Jestar Pacific. Bọn Tây đi cùng ngán ngẩm. Ga hàng không mà như bến xe đò.

Lúc đó mới biết trong xe có người về làm đám tang mẹ, người thì chồng chết, người thì mẹ hấp hối… Vậy mà họ vẫn bị chôn chân ở sân bay không biết lúc nào có thể về.

Mãi rồi 19 giờ mới có máy bay. Ngồi vào ghế, bất chợt tôi thấy cái khung nhựa bao quanh cửa sổ bong ra. Tôi vô tình kêu lên, tay tiếp viên chaỵ lại lắp khung nhựa vào và bảo: Anh nói thế bọn kỹ thuật lên nó lại làm cho ba tiếng nữa bây giờ…

Ối trời ơi máy bay!

Bay một lúc tôi thấy có mùi khét. Khiếp quá. Cậu bên cạnh bảo không sao đâu. Một lát sao cả khoang nhao nhao nói có mùi khét và thi nhau chỉnh núm điều hoà. Cô tiếp viên chạy ra bảo do nhiều người mượn chăn nên tắt điều hoà, không phải mùi khét gì đâu.

Về đến sân bay Nội Bài mới biết là sống. Tôi bảo cậu đi cùng, lần sau cạch máy bay giá rẻ đi nhé. Đã bảo rồi mà cứ tiếc tiền.

(Chuyện này em có đăng báo Khoa học và Đời sống rồi Thể thao và Văn hoá)

--> Read more..

Flags

Flag Counter