Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2008

Dân chủ quá trớn?!

'Hình nhân' ông Sarkozy
Đây là vụ kiện thứ sáu của ông Sarkozy kể từ khi ông đắc cử Tổng thống
Một thẩm phán tại Pháp đã bác bỏ đơn kiện của Tổng thống Nicolas Sarkozy - người muốn chấm dứt việc bán búp bê ‘nộm hình nhân’ của ông.

Bác bỏ vụ kiện này, vị thẩm phán tại Paris nói loại búp bê ‘hình nhân thế mạng’ Tổng thống Pháp là nằm “trong phạm vi cho phép của tự do ngôn luận và quyền hài hước”.

Luật sư của ông Sarkozy nói Tổng thống Pháp sẽ kháng án lại phán quyết này.

Loại búp bê này được bán với các mũi kim để người mua có thể cắm vào những đoạn trích lời của Tổng thống Pháp được in trên thân búp bê - những câu như “làm thêm để kiếm thêm”.

Ông Sarkozy kiện công ty sản xuất búp bê K&B ra tòa sau khi loại búp bê này được tung ra thị trường vào ngày 9/10. Luật sư của ông Sarkozy nói ông có “toàn quyền và độc quyền” sử dụng hình ảnh của chính mình.

Bán chạy

Công ty K&B từ chối ngừng bán sản phẩm này, nói rằng phản ứng của ông Sarkozy là “hoàn toàn quá đáng”.

Phóng viên BBC Alasdair Sandford tại Paris nói vụ việc khiến nhiều người chế nhạo và làm tăng doanh số bán loại búp bê này.

Đây là vụ kiện thứ sáu của ông Sarkozy kể từ khi ông đắc cử Tổng thống Pháp vào năm ngoái. Tuy nhiên, đây là vụ kiện đầu tiên mà ông bị tòa bác bỏ.

Các ‘hình nhân thế mạng’ vốn thường đi đôi với các trò ma thuật, khi người ta dùng kim cắm vào hình nhân nhằm yểm bùa ngải lên kẻ thù. (BBC)

Các bác có thấy bên Pháp dân chủ quá trớn không? Tổng thống là đại diện cho đất nước thế mà dám mang hình ảnh Tổng thống ra làm trò đùa, nếu theo tín ngưỡng dân gian là xúc phạm và ác ý. Đung slà lợi dụng tự do dân chủ để làm phương hại đến hình ảnh Tổng thống. Tội nặng. Đã thế ông Thẩm phán nào đó lại xử Tổng thống thua kiện. Không hiểu viên Thẩm phán này do ai bổ nhiệm và phục vụ ai nữa. Chắc tay này sớm muộn sẽ bị kỷ luật, cho thôi chức hay chuyển đi miền núi...

Không biết phán đoán của mình có đúng không? Theo các bác, kỳ phúc thẩm tới bản án có thể thay đổi không?

--> Read more..

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2008

Quan chức

Trên báo Lao Động Cuối tuần số 43 có bài đặt câu hỏi: Sao lại xưng là quan chức? Tác giả nhận xét
gần đây ở nước ta, không chỉ nói năng giao tiếp, mà cả trên văn bản, trên mặt báo (cả báo hình, báo nói), không ít người thường hay dùng từ "quan chức" để chỉ cán bộ có chức quyền ở bộ nọ ngành kia, như quan chức Bộ NG.G., Bộ C.T., Bộ KH-ĐT...

Dùng như vậy vừa không chính xác về ngữ nghĩa, vừa không phù hợp với Hiến pháp và Pháp lệnh Cán bộ, công chức của nước ta và phản ánh sai lệch tính chất nhà nước dân chủ xã hội chủ nghĩa của nước ta. Bởi "quan chức là người có chức vụ cao trong bộ máy của nhà nước phong kiến hoặc tư bản" (Từ điển Tiếng Việt - 1992, Trung tâm Từ điển Ngôn ngữ, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam).

Dưới chế độ cũ, chức danh "quan" để chỉ người đứng đầu bộ máy nhà nước từ cấp huyện trở lên, như quan huyện, quan phủ, quan tỉnh... Nói đến từ "quan" là nhân dân ta từ thế hệ này đến thế hệ khác đều thấy xa lạ cách biệt với mình, quan đồng dạng với quan dạng, quan cách, xa lánh và đè nén dân. Nên Bác Hồ đã dùng từ "quan cách mạng" để chỉ những cán bộ mang danh là cán bộ cách mạng nhưng lại xa dân, đè nén dân, thậm chí đàn áp và xâm phạm quyền dân chủ và lợi ích của nhân dân, tức là đứng trên đầu trên cổ nhân dân như quan lại dưới chế độ cũ.

Do vậy, theo tôi không nên dung từ "quan chức" để chỉ bất cứ chức danh nào, cao cũng như thấp, của cán bộ nhà nước ta, nói chung là cán bộ nước ta. Như vậy, vừa tuân thủ theo Hiến pháp và Pháp lệnh Cán bộ, công chức, vừa phù hợp với bản chất chế độ xã hội ta và tính chất nhà nước ta.

Trăn trở của vị này rất đáng suy nghĩ. Nhưng ta sẽ thay cụm từ Quan chức bộ X bằng gì nhỉ? Xin đề cử vài cách để các bạn chọn giùm và gợi ý thế:

- "Lãnh đạo của Bộ X"- Lãnh đạo thì cũng là cấp trên, có quyền sai bảo cấp dưới. Nghe nó xa lạ với bản chất công nông nhỉ? Dưới chế độ ta cán bộ lãnh đạo là công bộc của dân cơ mà.

- "Các đầy tớ của dân ở Bộ X"... Nghe như thế có vẻ lột tả được sự tận tuỵ vì dân, khiêm tốn, giản dị, liêm khiết của đội ngũ cán bộ ta rồi đấy, nhưng nói đi nói lại chưa ổn nhỉ, nếu thế có người dịch là " Ô sin của dân..." cũng được à?!

- Hay " Đầy tớ cao cấp của dân ở Bộ X"- dài dòng mà vẫn dễ hiểu lầm. Làm việc với nước ngoài nó dịch linh tinh thì mất thể diện quốc gia, trong thời buổi hội nhập này.

- Thế "Chính khách Bộ X" cho nó thờì thượng được không? Không được vì chỉ có Bộ trưởng mới là chính khách thôi, còn lại Thứ trưởng, Vụ trường ... thì không được rồi.

Bí quá, thôi gọi là quan chức cho nó nhanh vậy...

--> Read more..

Thứ Ba, 21 tháng 10, 2008

CSGT được trang bị thước dây

Thông tin về quy định được Bộ Y tế kiến nghị đưa ra khiến nhiều CSGT băn khoăn: Làm thế nào để biết một cô gái đang đi xe máy có vòng ngực đủ trên 72 cm hay không?

Nếu cô gái không đủ vòng ngực mà vẫn để cho họ đi thì CS có lỗi, vì thế sẽ phải tích cực đo. Nhưng nếu ách lại để đo nhiều quá thì sẽ làm không xuể, lại gây ách tắc giao thông?!

Đo thì phải lấy con số chính xác, nên chắc phải yêu cầu đương sự bỏ áo nịt ngực ra. Nhiều laọi độn mút hay đánh lừa thị giác lắm! Vậy thì đo ngoài đường có được không nhỉ? Hay sẽ phải làm những lều tạm như chỗ thử quần áo để đo cho chính xác?!

Một anh khác nói, vào chỗ kín như vậy để đo nguy hiểm lắm, lỡ cô ta hối lộ, dúi vào tay CS mấy đồng để được đo sai, kết quả OK thì sao? Có cô hối lộ không được la toáng lên là CS quấy rối thì thanh minh sao giờ?!

Có ý kiến cho ràng nếu đo phụ nữ thì phải để CS nữ đo chứ. Nhưng lấy đâu ra đủ CS nữa để hỗ trợ việc này...

Một việc nhỏ khác là CSGT sẽ được phát thước dây chuẩn. Ở bên Pháp từ lâu họ đã được trang bị loại công cụ hỗ trợ này, nhưng chỉ để đo những cô nào váy ngắn quá đầu gối 15 cm. Bây giờ ta phải đo vòng ngực thì khó khăn gấp bội bên Pháp.

Lo như anh CSGT hơi quá , nhưng có lý lắm, phải không các bác. Mặc dù đã có bác sĩ khám sức khoẻ nhưng tình trạng mua bán Giấy khám sức khoẻ tràn lan như vừa rồi thì công tác hậu kiểm phải đến tay CSGT chứ còn ai nữa. Khổ thế!

--> Read more..

16000 tiến sĩ đời mới...lên bia

Hội nghị Khởi động dự án Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn di sản tiến sĩ Việt Nam vừa đưa ra những thông tin làm xôn xao dư luận. Một công viên Văn miếu đương đại sẽ được khởi dựng lên trên diện tích 25 ha đất, “quý tính cao danh“ các vị đại khoa hiện đại sẽ được tạc trên bia đá hoa cương…

Trước một việc hệ trọng liên quan đến văn hiến ấy, không thể không có suy nghĩ, dựng bia để làm gì, ca ngợi biểu dương hay răn đe nhắc nhở như cha ông ta xưa đã làm…

Sao cho khỏi “Nhơ nhuốc cho khoa mục”?

Nói đến 82 tấm bia ghi danh các vị Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, ai cũng thuộc lòng những câu chữ tha thiết, trọng thị mà cụ Thân Nhân Trung đã viết trong tấm bia cổ nhất, khoa thi Nhâm Tuất năm 1442 :” Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì nước mạnh và vươn cao; nguyên khí suy thì nước yếu mà xuống thấp. Vì thế, các bậc thánh đế minh vương không ai không lấy việc gây dựng người tài, kén chọn kẻ sĩ, bồi đắp nguyên khí là việc đầu tiên. Kẻ sĩ đối với đất nước quan trọng là thế cho nên quý trọng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng”.

Nhưng đó mới là một nửa ý nghĩa của việc dựng bia. Một nửa sau đáng tiếc là ít ai nhắc đến, ít ai để ý, nên không hiểu hết dụng ý của tiền nhân. Ngoài việc biểu dương, khuyến khích, bia Văn Miếu còn là những lời răn dạy, nhắc nhở các vị đã đỗ đạt, những người đang theo con đường học vấn rất nghiêm khắc.

Chính trên tấm bia Nhâm tuất 1442, Thân Nhân Trung đã viết:” Hãy đem tên họ những người đỗ khoa thi này mà điểm lại. Người đem văn học, chính sự tô điểm cho cảnh trị bình, được quốc gia tin dùng suốt mấy chục năm cũng nhiều. Nhưng gián hoặc cũng có kẻ vì nhận hối lộ mà hư hỏng, hoặc sa ngã vào hàng bọn gian ác, có lẽ vì đời họ chưa được nhìn thấy tấm bia này ( bia dựng sau khoa thi 42 năm-1484-Nv). Ví thử đương thời được mắt thấy thì lòng thiện tất tràn đầy, ý ác tất ngăn chặn đâu còn dám nảy sinh như vậy được? Xem thế việc dựng bia này ích lợi biết bao, kẻ ác lấy đó làm răn, người thiện theo đây mà gắng, dẫn việc dĩ vãng, chỉ lối tương lai, vừa để rèn luyện danh tiết cho sĩ phu, vừa để củng cố mệnh mạch cho đất nước. Ai đó xem bia nên hiểu ý sâu này!”.

Bia ghi danh Tiến sĩ khoa Quý Mùi 1463 răn:” Kẻ sĩ mong được khắc tên trên bia đá này tất phải làm sao cho danh xứng với thực, sửa đức hạnh…ngõ hầu trên không phụ ý tốt của triều đình ban khen, dưới không phụ chí cả phò vua giúp dân, để tiếng khen mãi mãi…Khiến người đời sau xem bia đá này chỉ tên mà nói: Người này tận trung với nước, người này để ơn cho dân, người này đạo nghĩa ngay thẳng, người này giữ đức lập công. Thật vinh hạnh. Nếu không người ta sẽ trông vào mà nói: Đồ gian tà, tuồng phụ bạc, quân hèn nhát. Công luận còn rõ ràng há không thận trọng được ru?!”.

Tất cả những tấm bia đều có những lời răn đe như thế. ” Nếu chỉ mượn tiếng đỗ đạt để cầu no ấm, lấy con đường ấy làm lối tắt để ra làm quan, thì đời sau sẽ gọi là kẻ tiểu nhân gian tà, thành ra nhơ nhuốc cho khoa mục”( Bia Tiến sĩ khoa Đinh Sửu 1577).

Không biết Trung tâm Tiến sĩ Việt Nam có tiếp thu tinh thần ấy của cha ông ta còn để lại trên bia đá hay không?!

Danh có xứng với thực?

Chúng ta thường phê phán lối học thi cử đời xưa, nặng về tầm chương trích cú, nhưng lối học chân chính ngày xưa luôn đề cao những người có đóng góp thiết thực cho đất nước, đòi hỏi thực chất phaỉ xứng với danh nghĩa.” Nếu chỉ có tiếng mà không có thực… thì chỉ là hạng hủ nho, hạng tiểu nhân, thiên hạ chỉ tên, người đời khinh bỉ, đáng là vết nhơ cho người đại khoa” (Bia khoa Quý Hợi 1623). Mang đòi hỏi đó ra với 16.000 tiến sĩ chuẩn bị được ghi danh ta thấy điều gì?

Trước hết phải khẳng định có rất nhiều Tiến sĩ, nhiều nhà khoa học đang cần mẫn làm việc, đóng góp cho đất nước trên nhiều lĩnh vực, nhưng nói như ai đó “ Tiến sĩ cũng có dăm bảy đường”. Báo chí đã từng nêu ý kiến các nhà đào tạo Tiến sĩ chia sẻ trong một hội nghị rằng có người chọn đề tài tắm giặt cho quân đội làm đề tài Tiến sĩ. Lại có người đưa lên mạng rằng cái mới trong đề tài của mình là… phát triển Đảng cho quần chúng ưu tú và quần chúng đó phải tự nguyện xin vào Đảng. Đó là những quy định có sẵn trong Điều lệ Đảng. Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo phải thốt lên: “Bằng Tiến sĩ không phải vật trang sức. Anh thực sự muốn cống hiến cho khoa học ở trình độ cao thì hãy làm Tiến sĩ. Đừng chạy theo bằng cấp mà làm khổ nhiều người”.

Nhiều luận án cũng chỉ loanh quanh một số chủ đề quen thuộc, chỉ khác về vùng nghiên cứu kiểu như “nghiên cứu chuyển đổi cây trồng cho vùng A”, “ những giải pháp chủ yếu để phát triển nghề B”… Thứ trưởng Bành Tiến Long phải nhận xét chua chát:” Bản thân đề tài chỉ là sự sao chép, không có tìm tòi sáng tạo riêng thì làm sao đưa ra được cái mới”. Còn ông Nguyễn Đình Ngộ- Hiệu trưởng Trường Đại học dân lập Phú Xuân ( Huế) thì nói thẳng:” Việc đào tạo và cấp bằng Tiến sĩ như hiện nay khiến chúng tôi rất xấu hổ”.

Giáo sư Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Tokyo trong một bài viết đã nhận xét, việc đào tạo Tiến sĩ ở ta quá đơn giản. Theo ông, một luận án tiến sĩ phải đảm bảo hai tiêu chuẩn, tính “học thuật” và tính “độc sáng”. Ở nước ngoài “ trong khi nêu ý kiến đánh giá của mình trong hội đồng, không có giáo sư nào phát biểu những câu như “luận án nầy văn phong sáng sủa, bố cục chặt chẽ,…”, mà chỉ xoay quanh tính học thuật và tính độc sáng của luận án. Ngay cả trường hợp nghiên cứu sinh người Trung Quốc và người Việt Nam của tôi viết và bảo vệ luận án bằng tiếng Nhật cũng không có ai khen theo kiểu như vậy. Có dịp tham dự mấy buổi bảo vệ tại Việt Nam, tôi rất ngạc nhiên khi nghe những câu đánh giá như vậy và có cảm tưởng như người phát ngôn đương nói về một luận án tốt nghiệp đại học”. Do đó, ông cho rằng ta đang cho ra lò những Tiến sĩ tiêu chuẩn nội địa, tiêu thụ trong nước mà thôi.

Ta còn có một lực lượng đông đảo các Tiến sĩ, Phó Tiến sĩ do các nước XHCN trước kia đào tạo giúp, nhưng không phải bằng nào cũng thực chất. Một tác giả có bằng Phó Tiến sĩ ở Đông Âu về tự động hoá văn phòng vừa có bài trên VNN nói thật lòng “Nếu ai dùng Lotus Notes hay các loại lịch trên internet của Google, Yahoo và so sánh hệ thống tôi xây dựng cách đây 20 năm sẽ nói đó là mớ…giấy lộn. Luận án được đóng gáy vuông, hơn trăm trang, trông rất được. Về nước nộp cho thư viện quốc gia một cuốn. Nhưng hình như nó đã bị mối xông hoặc bán cho hàng rong gói xôi. Vài năm trước đến xin lại, không thấy nữa. Thú thật, tôi nhẹ cả người. Nếu ai không may tìm thấy để tham khảo cũng không sợ vì “biết mình là ai?”. Nhưng tôi biết chắc “tôi tên là gì”. Bạn đọc biết tôi sợ nhất cái gì không? Sợ đọc luận án PTS của chính bản thân (!)”.

Ông cho rằng tấm bằng đó chỉ là sự động viên của các nước bạn đối với ta thôi. “Tôi tin rằng, những nhà khoa học thật sự của Việt Nam không ai muốn nằm cạnh những tiến sỹ “ngoại giao” hay “mua bán”. Họ thà làm viên sỏi lát đường cho người nghèo đi cắt lúa hơn là có tên trên bia đá để phủ bụi thời gian”.

Chính vì vậy tôi tin rằng, nếu hỏi ý kiến thì chắc hẳn không ít Tiến sĩ sẽ từ chối cái “ân điển” được khắc tên vào bia đá này. E rằng lúc đó dự án sẽ dở dang, 25 ha đất lại trở nên hoang hoá hay sử dụng sai mục đích.

Ở Trung Quốc hiện nay cũng có tình trạng tương tự như ta, đang cố gắng để trở thành quốc gia nhiều Tiến sĩ nhất thế giới. Họ có 310 trường đại học có thẩm quyền cấp bằng Tiến sĩ, trong khi Hoa Kỳ là 253. Năm 2006, Trung Quốc đào tạo 49.000 Tiến sĩ, không kém 51.000 của Hoa Kỳ bao nhiêu. Số lượng tăng nhưng chất lượng giảm ghê gớm. Báo chí Trung Quốc đã nêu có vị làm luận án Tiến sĩ với đề tài “ Thử nghiên cứu mối quan hệ biện chứng giữa người nếm thức ăn và nhiệt độ nấu”. Đây không phải là cá biệt, có luận án nghiên cứu về “ Địa điểm các chợ rau xanh trong thành phố”…Giả sử họ cũng dựng bia cho các vị Tiến sĩ này thì sẽ cần bao nhiêu ha đất nhỉ?!

Phù hợp với thời đại?

Ngày xưa, 5 năm mới có một khoa thi, đến thời thịnh trị Lê Hồng Đức mới quy định 3 năm một kỳ thi, vậy mà có năm chỉ đỗ có ba bốn người, thậm chí hai người, khoa thi đỗ nhiều nhất cũng chỉ ngoài 60 người. Nói về số lượng, ngày xưa ít hơn bây giờ nhiều. Khi đó, điều kiện eo hẹp, các cụ chỉ có cách tôn vinh trang trọng nhất là khắc bia, nhưng mỗi người chỉ mấy dòng họ tên, quê quán, ngoài những sĩ tử đến học ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám thì dân chúng chả ai nhìn thấy. Bây giờ khác, chúng ta có phương tiện thông tin đại chúng, chỉ cần một anh nông dân nghĩ ra máy tuốt lúa hay cũng có thể được truyền hình, báo chí đưa lên, chưa nói đến các vị Tiến sĩ có công trình thiết thực.

Công trình của các vị Tiến sĩ thời nay có thể đưa lên mạng để cả thế giới biết. Vì vậy, giữa thời buổi tin học mà các nhà tổ chức vẫn nghĩ ra cách tạc bia như thế kỷ XV thì thật lạ lùng. Không thể hình dung ra một rừng bia chữ quốc ngữ trên những tấm lưng rùa cổ kính sẽ như thế nào?! Ai đọc? Người dân mọi miền Tổ quốc ư? Họ không có tiền mua vé ô tô để đến. Khách nước ngoài ư? Họ vào mạng còn nhanh chóng và đầy đủ hơn. Hay là chính những người có tên?

Nên chăng thay cách lập Công viên 25 ha bằng việc lập một website trên mạng internet. Trên đó ta đưa chân dung, tiểu sử, công trình từng vị Tiến sĩ để tiện tra cứu. Việc đưa lên mạng như vậy đạt được mục đích mà cha ông ta mong muốn, đó là ca ngợi biểu dương đồng thời răn đe, nhắc nhở. Những luận án, những công trình sao chép, những ý kiến nhận xét, phản biện đánh giá có trách nhiệm hay không, mang tính khoa học hay không sẽ đựơc kiểm chứng. Vàng thau sẽ không lẫn lộn, “danh với thực” được kiểm tra.

Ông giám đốc Trung tâm Tiến sĩ cho biết, sẽ cố gắng thu thập toàn bộ thông tin và tư liệu khoa học liên quan đến các tiến sĩ Việt Nam; sau đó, sẽ nghiên cứu để lựa chọn những nhà khoa học có đóng góp thực sự cho nước nhà để ghi bia lưu danh. Việc trưng bày tư liệu về các tiến sĩ dựa trên thẩm định của hội đồng cố vấn gồm hơn 20 nhà khoa học đầu ngành. Đây sẽ là vấn đề vô cùng phức tạp, không tránh khỏi tranh cãi. Nếu lập công viên trên mạng thì tất cả những phức tạp này sẽ đựơc loaị bỏ.

Làm như vậy ta còn tiết kiệm được 25 ha đất cho bà con nông dân đang thiếu ăn cày cấy, tiết kiệm được khoản ngân sách lớn thu từ tiền thuế của dân. Chưa kể, nghĩ đến dự án, đến 25 ha đất dân dễ hiểu sai… (Đã đăng An ninh thế giới 18-10)

--> Read more..

Thứ Tư, 8 tháng 10, 2008

Thi nhau tự tử

Ba diễn viên Hàn Quốc, trong đó có những người rất nổi tiếng thi nhau tự tử trong tuần qua khiến dư luận xót xa va lo ngại. Nhìn bề ngoài họ đều là những người thành đạt, có nhân sắc, tài năng và tiền bạc, tại sao họ phải chạy trốn cuộc đời?!

Viêt Nam cũng vậy, theo TT, sáng 8-10, tại hội nghị khoa học của BV cấp cứu Trưng Vương, BS Phạm Anh Tuấn đã báo cáo một nghiên cứu mới nhất về vấn đề tự tử. Theo BS Tuấn, từ tháng 5-2007 đến 5-2008, BV Trưng Vương tiếp nhận cấp cứu 310 trường hợp tự tử (sau khi được điều trị chỉ có 1,3% tử vong). Tính bình quân cứ hơn một ngày lại có một ca tự tử vào cấp cứu, trong đó gần 72% trường hợp là nữ.

Tuy nhiên, tỉ lệ tự tử “thành công” ở nam giới lại nhiều hơn nữ. Đa số người tự tử ở độ tuổi dưới 35, trong đó 50% dưới 25 tuổi. Đối tượng tự tử chiếm tỉ lệ cao nhất là công nhân (19%), kế đến là HS-SV (hơn 16%), nông dân chiếm tỉ lệ thấp nhất (4,2%). Về học vấn, 47% người tự tử có trình độ trung học cơ sở, 30% trình độ trung học phổ thông. Đặc biệt, trước khi tìm đến cái chết có đến gần 43% BN có triệu chứng trầm cảm.

Nguyên nhân dẫn đến hành vi tự tử chủ yếu là vấn đề tình cảm (62%), kế đến là do vấn đề tiền bạc (gần 15%). Đáng lưu ý, có 53% trường hợp tự tử là người độc thân. Cách thức tự tử nhiều nhất là uống thuốc (gần 98%), trong đó loại thuốc BN thường dùng tự tử là thuốc ngủ, kế đến là thuốc bảo vệ thực vật (gây tử vong 100%). Chỉ có tỉ lệ nhỏ treo cổ tự tử hoặc cắt mạch máu.

Gần 93% số ca chọn nhà mình làm nơi tự tử; vì vậy nếu gia đình quan tâm, để ý có thể ngăn chặn được và phát hiện sớm người thân tự tử để đưa đi cấp cứu kịp thời. Về thời gian tự tử, đa số BN chọn ngày chủ nhật và thứ hai, ít nhất là vào thứ bảy. Thời điểm tự tử nhiều nhất là từ 20g trở đi cho đến gần sáng (49%), kế đến là buổi trưa (38%).

Trong lúc BS Tuấn đang báo cáo về vấn đề tự tử, tại BV Trưng Vương cũng vừa cứu sống BN H.T.Đ. (26 tuổi, Đức Huệ, Long An). Ngày 4-10, vì buồn giận người yêu, trong một phút nông nổi, H.T.Đ. đã mua thuốc rầy về uống. Sau khi cấp cứu, BV Hậu Nghĩa đã chuyển H.T.Đ. lên BV Trưng Vương. Qua ba ngày điều trị tích cực, H.T.Đ. đã thoát khỏi tử thần.

Trước đó, ông C.V.Q. (50 tuổi, TP.HCM, nhập viện ngày 6-4) cũng tự tử bằng thuốc rầy. Ông C.V.Q. là một người có học thức, địa vị cao trong công việc và sống với vợ con rất hạnh phúc. Tháng 1-2008 biết mình bị nhiễm HIV ông đã suy sụp tinh thần, bỏ việc, sống cô lập và bắt đầu có ý nghĩ tự tử. Ông thu xếp mọi chuyện và trở về ngôi nhà ở Q.12 mua thuốc rầy tự tử.

Anh L.M.H. (31 tuổi, Long An, nhập viện ngày 13-4) tự tử bằng thuốc diệt cỏ Paraquat. BN làm nghề bảo vệ, có gia đình và một con nhỏ 3 tuổi nhưng cuộc sống vợ chồng không được hạnh phúc. Trong một lần cãi nhau, vợ anh mang con bỏ nhà đi. Buồn chán, BN uống hết 1/3 chai thuốc diệt cỏ Paraquat.

Có liệu pháp nào chữa trị cho những người trầm cảm, quá căng thẳng hay không?

--> Read more..

Thứ Ba, 7 tháng 10, 2008

Sông Vân và Dương Vân Nga

Bạn Thu Thuỷ yêu cầu nói thêm về sông Vân, xin đưa ra một số thông tin.

Sông Vân là một chi lưu của sông Đáy, chảy từ thị xã Tam Điệp qua huyện Hoa Lư và hội lưu với sông Đáy tại trung tâm thành phố Ninh Bình. Sông có chiều dài trên 20 km, chỗ rộng nhất tới 300 m.

Sông Vân còn gọi là Vân Sàng, gắn với truyền thuyết về Lê Hoàn khi thắng Tống trở về, Dương Vân Nga đã đem một đoàn cung nữ ra đón và mở tiệc giao hoan với nhà vua ở trên dòng sông. Cái tên Vân Sàng (giường mây) đã ra đời từ đó. Về sau nhân dân đã lập đền Thượng thờ Lê Hoàn và Dương Vân Nga ở ven bờ sông Vân. Như vậy tên sông bắt nguồn từ chữ “ mây mưa”, chỉ cuộc làm tình một cách bóng bảy. Chữ này cũng có điển, gắn với sự tích Vu Sơn bên Tàu, mời bác Bu chỉ giáo tiếp.

Trở lại với sông Vân, gắn với mối tình Lê Hoàn- Dương Vân Nga mà lịch sử phân định mãi chưa xong, xin trích đưa lên một bài có liên quan để bạn Thu Thuỷ chia sẻ.

LÊ HOÀN,DƯƠNG VÂN NGA VÀ CÁI ÁN THÔNG DÂM

Lật trang sử, chúng ta nhận thấy việc kết tội vua Lê Ðại Hành có thể nói là từ thời sử thần Ngô Sĩ Liên. Trước đó dưới thời Trần,Sử gia Lê văn Hưu (nhà viết sử đầu tiên của Ðại Việt và là triều đại gần nhất để có thể xác định việc đúng sai tương đối khả tín nhất) không hề có một lời kết luận nhỏ về tội của Lê Ðại Hành và Dương Vân Nga.

Khi Ðinh Bộ Lĩnh còn là Vạn Thắng vương thì Lê Hoàn đã có ở dưới trướng, có lẽ tuổi của Lê Hoàn cũng tương đương tuổi tác của Ðinh Liễn (con Ðinh Bộ Lĩnh). Lịch sử đã mô tả Lê Hoàn là một tướng lĩnh rất thương yêu binh sĩ và luôn luôn đồng cam cộng khổ cùng binh sĩ của mình.

Từ khía cạnh nhỏ này chúng hãy thử tưởng tượng, một ngày đẹp trời nào đó, Lê Hoàn, đã gặp Dương Vân Nga. Trai tài gái sắc sóng mắt đưa tình . "Thế là tình trong thì đã mặt ngoài còn e". Mặt khác Ðinh Bộ Lĩnh là chuá tể Hoa Lư dĩ nhiên sắc đẹp của Dương Vân Nga và tiếng đồn về sắc đẹp của nàng khó lòng qua được Ðinh Bộ Lĩnh. Dĩ nhiên Ðinh Bộ Lĩnh không biết mối tình của Lê Hoàn và Dương Vân Nga và chuyện gì sẽ đến phải đến. Dương Vân Nga về với Ðinh Bộ Lĩnh không còn con đường khác để chọn.
Chúng ta nhận thấy Ðinh Bộ Lĩnh rất tin tưởng ở Lê Hoàn, bằng chứng là Hoa Lư có 10 Ðạo quân thì trao cả cho Lê Hoàn, nếu Lê Hoàn có lòng phản nghịch thì thật không thể tưởng tượng nỗi.

Ở đây chúng ta thử đặt giả thuyết: Sau khi lấy Dương Vân Nga, Ðinh Bộ Lĩnh mới được biết Dương Vân Nga chính là người yêu của Lê Hoàn, từ điểm này ÐBL chắc phải có những thử thách để chứng minh lòng trung thành của Lê Hoàn và Lê Hoàn chắc đã không phụ lòng ÐBL, cuối cùng thì vị chúa tể Hoa Lư đã không ngần ngừ trao cả Thập Ðạo binh cho Lê Hoàn .

Ngày ÐBL và Ðinh Liễn bị Ðỗ Thích giết, Lê Hoàn còn đang ở ngoài biên ải cùng với binh sĩ của mình không ở kinh đô Hoa Lư. (Tất cả các bộ sử dù chống đối hay lên án Lê Hoàn đều nói là sau khi về kinh Lê Hoàn mới tư thông với Dương Vân Nga). Tại sao Lê Hoàn không ở kinh đô Hoa Lư mà lại luôn luôn ở ngoài biên ải? Có lẽ ÐBL dù tin Lê Hoàn cũng không muốn Lê Hoàn ở gần ái hậu của mình thành ra Lê Hoàn phải ra biên ải và cũng có lẽ chính Lê Hoàn không muốn gặp Dương Vân Nga, thà đi xa còn hơn.

Chiếc áo Hoàng Bào khoát lên vai Thập Ðạo tướng quân, không phải là khoát lên cái ngai vàng mà là khoát lên cả một sức nặng của cả một dân tộc. Nếu Lê Hoàn đầu hàng Tống để giữ ngôi vị thì đó là ngôi vua, nhưng lên đường để ra biên ải diệt giặc thù thì cái ngôi vua mỏng manh đó có thật là ngôi vua hay không? hay đó là sức nặng oằn vai của cả giòng tộc đè trên vai người anh hùng, ngày trở về lại kinh đô ai dám chắc là có. Nói thẳng ra cho dù có Dương Vân Nga hay không có thì ngai vàng đó chắc chắn cũng lọt vào tay Lê Hoàn khi quân Tống sang xâm lấn. Hãy nhìn thái độ của các tướng lãnh và binh sĩ hăm hở theo Thập Ðạo tướng quân lên chiến trường với niềm tin tất thắng thì cũng biết Lê Hoàn được lòng binh sĩ như thế nào. Hành động khoác áo bào mang nhiều tính chất trìu mến cá nhân của Dương Vân Nga nhiều hơn là hành động thực tế trao ngai vàng. Còn Dương Vân Nga có sáng suốt hay không sáng suốt hoàn toàn không có nghĩa gì cả. Mọi việc đã được quyết định khi Phạm Cự Lạng lên tiếng cùng với binh sĩ yêu cầu Lê Hoàn lên ngôi. Hành động khoác áo là hành động tượng trưng cho tình yêu của Dương Vân Nga đối với Lê Hoàn mà thôi.

Ngày Lê Hoàn lên đường bình Chiêm mang theo Dương Vân Nga lên chiến trường, điều này chứng tỏ đã có một tình yêu sâu đậm giữa hai người. Triều đình thiếu gì cung phi mỹ nữ. Tại sao người theo Lê Hoàn không là người khác mà lại là Dương Vân Nga - một thiếu phụ đã có con và là của thừa của người khác. Tại hạ có dịp đọc một bài viết về ngày giỗ ở Hoa Lư. Tại Hoa Lư dân thờ Dương Vân Nga chung với Lê Hoàn, khi đến ngày lễ của Ðinh Tiên Hoàng thì thỉnh Dương Vân Nga đến đền thờ Ðinh Tiên Hoàng một đêm rồi sáng mai đem trả lại đền thờ của vua Lê. Cúng tế ở Hoa Lư chắc đã truyền từ đời này sang đời nọ không thay đổi và cũng chỉ những người dân Hoa Lư mới biết được sự thật cuộc tình như thế nào. Ðinh Bộ Lĩnh lấy Dương Vân Nga phong làm Hoàng Hậu, bình thường mà nói thì Dương Vân Nga là vợ thật sự của Ðinh Bộ Lĩnh mà Lê Hoàn chỉ là người chấp nối sau này. Nhưng thực tế ở đền thờ thì Dương Vân Nga lại được coi như là vợ chính thức của Lê Ðại Hành còn Ðinh Bộ Lĩnh chỉ là kẻ qua đường. Tại sao? câu trả lời chỉ chính do những người dân Hoa Lư lập bàn thờ là chính xác nhất (đừng quên dân Hoa Lư tôn kính cả hai vua Ðinh-Lê vì cả hai đều xuất thân ở Hoa Lư).
http://www.maiyeuem.net/vtopic89162.html

--> Read more..

Thứ Hai, 6 tháng 10, 2008

Tiếc cho núi Thuý sông Vân

Mỗi lần đi đường sắt Bắc Nam, qua thị xã Ninh Bình, nhìn thấy ngọn núi Dục Thuý Sơn như con chim chả xanh thắm tắm bên dòng sông Vân ai mà không mong ước có một mong ước có dịp bước chân nên chốn danh thắng này, nơi in dấu chân của biết bao danh nhân đất nước.

Theo sử sách, từ thời Lý Nhân Tông vào năm Quảng Hựu thứ 7 (1091) đã tháp Linh Tế trên núi. Trải qua thời gian, tháp bị hư hại, đến thời Trần Hiển Tông, nhà sư Trí Nhu đã xây lại tháp Linh Tế ở trên đỉnh núi, sáu năm mới xong (1337 - 1342). Trương Hán Siêu, một danh sĩ thời Trần đã có nhiều kỷ niệm với núi Non Nước. Trong bài "Dục Thuý Sơn Linh Tế tháp ký", Trương Hán Siêu đã cho biết "Tháp cao bốn tầng, đêm toả hào quang, người ở xa, gần đều trông thấy rõ". Trương Hán Siêu cũng là người đổi tên núi từ Băng Sơn thành Dục Thuý Sơn (Chim trả tắm). Quả là con mắt của một nghệ sĩ đã khiến cho núi có tên rất hay, ngọn núi nhỏ xinh như con chim đậu bên dòng nước biếc để rỉa lông, đập cánh. Núi tĩnh mà cái tên thì động. Nghe đâu Trương Hán Siêu không ở quê mà ở ngay chốn thanh nhã này. Trong một bài thơ, Trương Hán Siêu gửi gắm tâm tư:” Sắc núi còn xanh ngắt/ Lâu rồi người vẫn đi/ Lòng sông in bóng tháp/ Tầng thẳm cửa thôi che/ Từ cách xa đời tục/ Mới hay điều thị phi/ Năm Hồ trời đất rộng/ Bến cũ nơi nào về? ( Băng Thanh dịch).

Các vua Lê cũng đặt hành cung ở trên núi Thuý để thường đến chơi thăm. Trong một lần viếng Vĩnh Lăng trở ra, Lê Thánh Tông dừng thuyền lên núi Dục Thuý, đã làm bài thơ Đề núi Dục Thuý, khắc ở vách đá nhô cao về phía đông. Vua Tự Đức cũng từng đến thăm và đề thơ trên núi này.

Mới đây nhân có Hội thảo tại Ninh Bình, chúng tôi mới có dịp đến thăm nơi in đậm dấu ấn của lịch sử và văn hoá, biểu tượng của Ninh Bình này. Tiếc rằng, chuyến thăm đã để lại cho tôi nhiều suy nghĩ không vui.

Chân núi có chùa, tên chữ là Sơn Thuỷ Tự, sát nghĩa dân gian là chùa Non Nước. Đáng tiếc là chùa cổ đã bị phá, thay vào đó là một ngôi chùa bê tông, trong chùa vàng son sáng choé. Ngoài sân pho tượng Quan Âm Nam Hải bằng đá trắng Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng khiến cho ngôi chùa không còn dáng vẻ của chùa Bắc. Lại thêm con rồng mới đắp chạy quanh làm lan can kiểu du lịch Suối Tiên nữa khiến cho cảnh trí bị phá vỡ hoàn toàn. Con Rồng biểu tượng quân chủ thường gắn với đình đền, ít khi ( hay không bao giờ) xuất hiện tại các ngồi chùa truyền thống ( trừ trang trí bát hương hay chạm trên ngai, trên hương án) lại hiện hữu nơi đây. Một nữ nhà báo đi cùng than: Trông thấy con rồng Suối Tiên em không còn cảm hứng nữa… Sự lại tạp đã khiến cho ngôi chùa không còn bản sắc.

Lên núi nhỏ, cây cối xanh biếc, chỉ chừng dăm chục bậc đá là lên đến đỉnh núi. Đây rồi, núi Thuý “ thơ phú anh hoa đầy vách” ghi dấu ấn của biết bao tao nhân mặc khách, trở thành một tuyển tập thơ có một không hai. Trên núi còn trên 30 bài thơ văn khắc vào đá, ngoài ra còn đến hàng trăm bài thơ còn lưu trong sách vở của các danh nhân từ Trần Anh Tông, Phạm Sư Mạnh, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Phạm Huy ích, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Ninh Tốn, Phạm Văn Nghị, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Bùi Dị ...

Tôi đi tìm ngày mấy tấm bia ma nhai, mong tìm thấy chữ của Trương Hán Siêu mà không còn. Bà cụ bán nước nói, bia đó mất lâu rồi. Nhiều tấm bia rêu phong, sứt vỡ. Có bia đá trắng cao trên 1m, chữ rất tốt, lại vứt chỏng trơ, bia sứt một góc trên, góc vỡ vứt đó không xa. Đây là tấm bia ghi công đức những ngừơi cúng ruộng cho chùa. Một tấm bia thập phương công đức khác bị chôn ngập một nửa bên vỉa hè dưới chân núi.

Có thể nói, ngoài cảnh trí thiên nhiên, tài sản vô giá của di tích này chính là những tấm bia đá. Ngoài những bia khắc thơ có giá trị nghệ thuật về thư pháp, thi ca còn có những tấm bia có thể khai thác về các dòng họ địa phương, về địa danh, về phong tục… Tiếc rằng những thứ vàng ròng đó lại không được ngành văn hoá Ninh Bình chú trọng.

Trên đỉnh núi nhỏ, ngoài đình nghinh phong tám mái duyên dáng là một lô cốt thực dân Pháp xây từ những năm chiến tranh. Cái lô cốt đen sì, to tướng đã phá hỏng hoàn toàn cảnh quan Núi Thuý. Không hiểu vì lý do gì mà người ta không phá nó đi để trả lại vẻ đẹp nguyên bản cho danh thắng này. Bên cạnh lô cốt laị đặt một tượng bán thân hiện đại của một liệt sĩ Ninh Bình, có chiến công gắn với ngọn núi này. Có vẻ tượng đặt không đúng chỗ, ba công trình chen chúc nhau, không biết cái nào là chính thể hiện sự lúng túng của những người làm văn hoá nơi đây.

Xuống núi tôi tự an ủi rằng, nay mai khi nhận thức của người Ninh Bình khác đi, hẳn họ sẽ phá lô cốt của giặc, thay vào đó là phục dựng tháp Linh Tế, những tấm bia được dựng lên trang trọng. Có như thế thì ngọn núi nhỏ này mới thực sự là địa chỉ văn hoá lớn, tô điểm cho vùng đất Ninh Bình huyền thoại bên cạnh cố đô Hoa Lư, Tam Cốc Bích Động, nhà thờ Phát Diệm, rừng Cúc Phương nổi tiếng.

Ảnh 1: Lô cốt nơi dựng tháp Linh Tế xưa

2: Bia vứt chỏng trơ

3. Bia vùi ngập bên vỉa hè.

5. Nghinh phong đình

--> Read more..

Flags

Flag Counter