Thứ Năm, 31 tháng 12, 2009

Khoả thân và máy bay

-Chào anh, năm mới tốt lành anh nha…

-Anh cũng chúc em một năm nhiều sức khoẻ bình yên, hạnh phúc, có nhiều tiền đến ra Hà Nội dự lễ 1000 năm Thăng Long nhé.

-Ối, em sợ đi máy bay lắm. Khoả thân hết dưới ống kính của mấy anh an ninh.

-Ai bảo em thế?

-Mỹ vừa có vụ một tay hành khách của hãng hàng không Northwest Airlines đi từ Amsterdam, Hà Lan, tới Detroit, Mỹ đã giấu một khối thuốc nổ trong quần lót, vì thế y thoát các cửa kiểm tra an ninh. Trên máy bay, y kích hoạt thiết bị nổ. May thay, vì lý do kỹ thuật, khối thuốc không kịp phát nổ như dự tính, hành khách và phi hành đoàn đã kịp khống chế nếu không thì hậu quả đau thương. Vấn đề đặt ra là phải soi khoả thân hành khách.

-Ồ, đúng là nếu không soi khoả thân thì làm sao phát hiện ra thuốc nổ bị giấu ở chỗ kín.

-Dạ, phiền phức ở chỗ nó sẽ phát hiện ra cả silicon trong vòng 1 của chị em, đeo khoen ở rốn hay dùng chân tay giả, bộ phận cơ thể giả… Ngượng chết đi được.

-Chỉ một nhân viên máy soi nhìn thấy và có thấy như chụp ảnh đâu mà lo em.

-Có khác gì lột sạch quần áo để xem xét đâu. Khi thấy có bộ phận nghi ngờ thì các nhân viên an ninh phải hội ý chứ, thế là bàn tán, chỉ trỏ… Nghĩ mà xấu hổ.

-Em thuộc diện bảo thủ thật đấy. Ở nước ngoài từng có nhiều bức ảnh chụp hàng ngàn người khoả thân, rồi có nhiều cuộc biểu tình khoả thân để kêu gọi bảo vệ môi trường… Như thế còn chả ngại nữa là soi.

-Nhưng nhiều người lại không thể làm thế, nhất là phụ nữ Hồi giáo, họ còn không để lộ mặt cho người ngoài chồng nhìn thấy cơ mà.

-Anh biết là về mặt tâm lý không dễ chịu với đa số người, không chỉ riêng phụ nữ nhưng phải vì cái quan trọng hơn là an ninh cho chuyến bay, mà chấp nhận em ạ.  Như trường hợp vào bệnh viện sinh đẻ, chữa bệnh, dù trước cả tập thể thầy thuốc hội chẩn cũng phải…cởi chứ sao? Vì sức khoẻ, tính mạng quan trọng hơn hết. Như trước đây mình cấm pháo cũng tiếc, tiếc một nét văn hoá nhưng vì an ninh nên phải chấp nhận.

-Hì hì, anh thuộc trường phái cởi…mở. Nói đùa vậy thôi, tôn trọng sự riêng tư của nguời này có thể làm mất an ninh của người khác. Vấn đề ở chỗ các cơ quan chức năng phải dung hoà để có giải pháp hữu hiệu và hợp lý nhất. Khi cần thì cũng phải… cởi.

-Lại quá đà rồi, đi máy bay không cần cởi đâu. Hẹn gặp nhau ở Thủ đô em nhé!!                 
--> Read more..

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2009

Cười một cái chia tay năm cũ

-Anh em mình trò chuyện hôm nay là tất niên 2009 đó nha. Loáng cái đã hết một năm.

-Ừ, nhìn lại năm qua nhiều vất vả em nhỉ. Lũ lụt miền Trung này; giá vàng chao đảo thị trường này; nhiều vụ tai nạn đau lòng…

-Thôi anh à, nghĩ làm chi cho rầu. Hết năm rồi, mình nghĩ cái gì dzui dzui để tiễn đưa năm cũ một cách nhẹ nhàng. Em thì thấy khoái nhất là năm vừa rồi có nhiều dự thảo chủ trương, quy định giàu tính u-mua. Đúng là dân tộc mình có tính hay cười, chết cũng cười…

-Em nói hay đấy. Hà hà, vụ ngực lép không được đi xe máy là anh thấy ấn tượng nhất. Không hiểu nếu được áp dụng sáng kiến này của Bộ Y tế thì trên đường giao thông sẽ còn bi hài đến đâu. Tắc nghẽn chứ chả chơi. Ví dụ cảnh sát phải lấy thước dây ra đo ngực các cô người tham gia giao thông xem có đủ số cm theo quy định không. Mà đo thực chứ không được đo qua Triumph, Vera… nhá.

-Có khi mấy tay lang băm chuyên nâng ngực vận động hàng lang cho quy định này anh ạ. Lúc đó họ tha hồ hốt bạc bằng silicon. Trước đây suýt có quy định xe  chẵn đi ngày chẵn, xe lẻ đi ngày lẻ nữa chứ.

-Ừ, lại còn có sáng kiến xe ngoại tỉnh để ngoài, không được vào thủ đô. Nghe mà hãi… Giả sử thực hiện sáng kiến này, các tỉnh khác cũng học tập thì mỗi tỉnh cát cứ một kiểu, không cho xe biển lạ vào thì … ngang với loạn 12 sứ quân.

-Ấn tượng nữa của tụi em trong này với ngoải là dự án phổ cập tiến sĩ cho cán bộ thành phố. Họ biểu: Có trình độ tiến sĩ mới có tư duy đột biến. Ha ha… Đột biến có hay có dở, có lành lặn, có quái thai. Sao họ thích đột biến vậy không biết…

-Em ơi tác giả đề án cũng là một Tê - ét đấy. Hà Nội đang có một đề án ấn tượng nữa, đó em biết là cái gì?

- Dạ, cấm cán bộ cưới con ăn quá 40 mâm, đúng không? Em đọc vụ này mà khó tin. Một ông cưới con làm đúng 40 mâm theo quy định, bất ngờ có nhóm bạn nghe tin mà đến mừng, phải bổ sung 2 mâm. Vượt quy định, he he, kỷ luật. Đúng là bi hài.

-Em đoán sai rồi.

- Cấm lấy tiền có nguồn gốc công quỹ đi biếu tết, đúng không? Cái này hài hước ở chỗ, đã cấm thế thì ngưòi đi biếu bảo “nhà em trồng được”. Mà tưởng tưởng cảnh sếp nhận gói quà và hỏi: Nguồn gốc thế nào, có chứng nhận nguồn gốc không… thì cười đau bụng.

-Cũng sai. Lệnh cấm mới liên quan đến đối tượng rộng hơn- Cấm hôn nhau ở công viên, nơi công cộng.

- Trời… Thế thì chết các đôi yêu nhau rồi, chết các đôi vợ chồng tiễn nhau ra sân bay đi ngoại quốc rồi…Em công nhận cái này là quái chiêu cù thiên hạ.

-May thay, những cái đó chỉ là dự thảo cho dân chúng giải trí thôi em. Nó lú có chú nó khôn… em ơi. Năm mới vui vẻ nhé!       
--> Read more..

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2009

"Tình yêu" giáng sinh

Thiên Chúa tức là Tình yêu, ở đâu có Tình yêu ở đó có Thiên Chúa.

Anh không tin ở Chúa nhưng anh tin ở Tình yêu... Tình yêu  mang đến cho chúng ta những hạnh phúc nhiệm mầu, khiến cho ta trở nên yên bình trong lòng và nhìn đời bằng con mắt độ lượng hơn.

Nếu không có tình yêu thì mặt đất này buồn tẻ biết bao nhiêu... (ST)

--> Read more..

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2009

Mất vàng vì sao?

Tối qua, coi trận chung kết bóng đá nam tại SEA Games mà buồn thúi ruột. Các cầu thủ đã không trả được món nợ cho người hâm mộ em nhỉ?! Nhìn những cổ động viên mặc áo hình quốc kỳ đỏ rực trên sân, háo hức, hân hoan mà xót xa. Cuối trận, có cầu thủ khóc như mưa…

Thua thắng trong thể thao là bình thường, dù quả này rất đắng. Điều quan trọng là rút ra điều gì từ thất bại này. Có nhiều điều để bàn, nhưng chỉ xin nói đến thủ môn.

 Tấn Trường đau đớn, lăn lộn trên sân  khiến đồng đội lo lắng. Tại sao không thay thủ môn dự bị là điều không thể hiểu nổi.

Có lẽ do Tấn Trường vẫn nghĩ là mình giỏi nhất, không thể ai có thể thay thế được, nên dù đau đớn vẫn quyết trụ lại, ngay cả khi ban huấn luyện ra dấu thay người.

Tâm lý đó dễ hiểu, cơ hội thi đấu trận lớn như thế ai chả muốn thể hiện, muốn cống hiến đến giây phút cuối cùng. Nhưng họ đâu biết, có thể vì muốn cống hiến đến giây phút cuối cùng mà hại cho đại cục và làm mất cơ hội của lớp đàn em sung sức, tràn đầy hứng khởi ngoài lề sân cỏ đang khởi động với khát vọng sục sôi?!

Lẽ ra huấn luyện viên phải quyết định, phải thay người khi thấy cần thiết, bất kể anh là ai, khi không đáp ứng được yêu cầu công việc là phải thay. Ban huấn luyện có quyền như vậy cơ mà, sao họ không thực thi quyền đó của mình. Trách Tấn Trường 1 thì trách ông Tô 10.

-Có lẽ ông Tô không phải không biết, nhưng còn vướng mắc gì đó chăng? Người ngoài nhìn vào thấy đơn giản nhưng người trong cuộc có cái khó của họ, ví dụ nợ tình nợ nghĩa, ví dụ con ông nọ cháu bà kia, vv và vv…

-Chuyện sân cỏ mà anh cứ làm như chuyện chính sự. Hi hi… Đúng là mắc bệnh  nghề nghiệp.

-Thì thể thao cũng đâu có tách khỏi đời sống xã hội, luật pháp… Các cầu thủ được cưng như vàng của ta đã chả biến thành tội phạm, thành bị cáo ra Toà lĩnh án vì bán độ năm nào hay sao. Bóng đá cũng là một lăng kính phản ánh đời sống chứ em.

-Đúng thật. Nếu suy ngẫm kỹ thì ta có được nhiều bài học từ trận đấu này…

--> Read more..

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2009

Xôi trắng chè kho

Bác PNH viết một bài về bánh mỳ, món Tây nhập rất hay, tôi nhân đấy viết về một món dân dã, mời cả nhà thưởng thức.

Hồi còn nhỏ, khi được một tý xôi trắng và thỏi chè kho bằng cái bật lửa mà ăn thì ngon vô cùng. Vị ngọt của chè kho, có thảo quả, quế chi thơm quện lẫn xôi trắng khiến đứa nào cũng ăn thật chậm.

Mỗi đứa có một chút thế thôi vì đó là lộc ông bà đi việc họ hay tế lễ về, chia cho nhiều đứa.

Một trong những nguồn chè kho là "cỗ lễ đám cưới". Quê tôi có tục lệ khi có con cháu cưới, người ta mang lễ đến cúng ông bà nội , ông bà ngoại cô dâu chú rể và cả ông bà nội ngoại của cha mẹ cô dâu chú rể nữa. Một đám cưới có thể dăm ba cỗ lễ như thế... Ngày xưa có thể bưng cả mâm cỗ đến nhưng sau này để cho giản tiện, người ta chỉ mang một đĩa xôi to, một miếng chè kho vuông 20, dày chừng 5 cm, mấy quả cau, chén rượu đến thôi. Người chủ nhà nhận được lễ ấy sau khi cúng thì mang chia lộc cho con cháu của cụ được cúng. Vì thế mà không có nhiều.

Hôm nọ về quê, lại thấy có xôi trắng chè kho, hôm đó nhà bà cô tôi có con cưới vợ.

Tôi nghĩ thầm, cưới con ăn hàng trăm mâm mà cúng bố mẹ lại cúng chay, chán thật. Hii, ngày đẻ thằng chú rể bây giờ, bà nội tôi, bà ngoại nó vất vả trông nom hàng tháng... Các cụ bây giờ có ăn đâu, nhưng đơn bạc quá, nghĩ thế cũng thấy chạnh buồn.

Chè kho là đỗ xanh đồ chín, cho đường hay mật vào đánh kỹ, đun đến khi khô mới đổ ra khay, rắc quế chi, thảo quả lên trên. Món này có thể để cả tuần không ôi thiu.

Bây giờ ăn chè kho cũng không thấy ngon như xưa vì ngọt quá... Dù tết nào về quê cũng phải ăn dăm ba miếng, các gia đình truyền thống vẫn không quên món này.

--> Read more..

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2009

Em có đến không?

Nhân một ngày đặc biệt, nhớ một bài thơ đặc biệt, bài "Đêm mưa" của Nguyên Sa, xin post lên để chia sẻ. Vì bài thơ dài nên cắt bớt một số câu, dù rất tiếc...
 
Đêm mưa
Tôi đợi em ở một góc công trường.
Ðằng sau lưng tôi: một giòng sông chảy quanh co.
Trước mặt: con đường nhựa đen dài chạy về xa bóng mưa rơi thấp thoáng.

Tôi đợi em từ 8 giờ. Bây giờ đã 9.
Có lẽ đã 9 giờ 5 phút.

Tôi không đếm thời gian bằng đôi mắt say mê của người biển lận
đếm bạc vàng rồi cất vào tủ sắt.
Nhưng chắc em biết rằng thời gian đợi chờ -
đợi chờ một người yêu - bao giờ cũng trôi qua rất chậm.

Tôi đứng hỏi thầm: Em đến hay không đến?
...
Tôi sẽ chỉ đem lại được cho em một cuộc đời đạm bạc: tôi chỉ biết ôm tóc em trong mưa để uống
từng giọt nước và nói cùng em những lời đắm đuối đầy thơ.

Phải, tôi sẽ ôm mái tóc dài đen ướt đẫm
bằng bàn tay của người chết đuối níu lấy mảng thuyền lướt đi trong bóng tối đêm khuya.

Và sẽ tìm trong mắt em những nụ cười say đắm.
Những nụ cười có sức đắm say mở rộng chân trời và nguồn sống vô biên.

Còn nếu như em không đến?
Em không đến tôi cũng chả dám giận hờn em.

Em hãy ở lại nhà. Ðóng chặt cửa sổ kẻo mưa hiu hắt.
Kéo chăn chùm kín cổ kẻo gíó lùa về lạnh những giấc mơ êm.

Em hãy ở lại nhà. Tôi không dám giận hờn em.

Tôi lại ra đi. Sáng ngày mai tôi lại ngửa mặt lên trời cao nhìn vầng thái dương đỏ lửa chói mắt thế nhân.

Tôi lại đi thẳng vào cuộc đời nghiêng ngửa.

Tôi lại đàn cho lòng tôi hát dịu lời ca.
Rồi những đêm khuya nhớ em tôi đàn to, hát to
gọi cuồng phong về điều khiển trăm cây làm vũ điệu.

Và nếu đến một ngày không còn ai dám hò hẹn trên bờ sông tôi sẽ về đốt đuốc đứng bên bờ Ngân Hà để Chức Nữ Ngưu Lang nhìn rõ mắt nhau qua đôi bờ sông tình tự.

Những ngôi sao rụng: tôi sẽ nhặt từng ngôi sao rụng.
Trăm ngôi sao tôi kết lại một vòng sao.
Ðể những đêm tối trời tôi trốn về đặt trên mộ
những người trinh nữ yêu thơ mà cũng phải giã từ nhân thế.

Còn những bài thơ tình của chúng mình xưa cũ
tôi sẽ chôn kín dưới những gốc hoàng lan để mai sau những người con gái hẹn hò mà e ngại đường xa ngồi nghe gió hiu hiu của lòng mình rung động.

Em sẽ đến hay em không đến?
Tôi sẽ đợi trong mưa mà không giận hờn trách móc em đâu.

Tôi không trách em bởi vì không thể trách người đời không biết nghe âm thanh của đá chuyển mình, mây vần vũ và bóng tối đổ mồ hôi
rồi cứ nhìn những tâm hồn thi sĩ bằng những đôi mắt vô cùng ngơ ngác, láo lơ.

Em không đến thì tôi lại đi.
Tôi sẽ cười vang và nghe núi vọng tiếng cười vang.

Tôi sẽ đến trên bờ đại dương xanh để soi gương và cũng để biết rằng: Tôi dám chạy ngược chiều mây bay vì tóc tôi là một bầu trời lồng lộng.

Phải, em không đến thì tôi lại đi.
Nhưng còn một phút một giây chờ đợi trong mưa
tôi vẫn hỏi thầm âu yếm: Em có đến không?
Em có đến với cuộc đời?
--> Read more..

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2009

Không đói cũng ăn vụng

-Em vừa đọc trên báo một câu chuyện thật có hậu anh ạ. Ước gì ở ta cũng có nhiều chuyện như vầy..

-Chuyện gì em?

- Một tên trộm đột nhập vào một cửa hàng tiện lợi ở Long Island (Mỹ). Tên trộm đã bị ông chủ cửa hàng Mohammad Sohail bắt quả tang. Tên trộm khóc sướt mướt, bảo rằng nhà hắn quá nghèo nên buộc phải làm thế để vợ con không bị đói. Ông chủ cửa hàng mủi lòng đưa cho tên trộm một ít bánh mì và 40 USD sau khi buộc anh ta hứa sẽ không đi chôm chỉa nữa. Trong khi Sohail quay vào trong để lấy thêm cho hắn một ít sữa thì kẻ trộm đã lủi đi mất.

-Chắc nó lại cuỗm thêm món đồ?!  

- Dạ không. Ha ha… Chuyện xảy ra từ hồi tháng 5 và có lẽ ông Sohail không còn nhớ gì tới nó nữa nếu như không vừa nhận được 50 USD gởi qua đường bưu điện cộng một lá thư. Người gởi chính là kẻ đã bị bắt quả tang ăn trộm. Anh ta hồ hởi khoe rằng đã có việc làm mới, có thêm một đứa con và không còn gặp khó khăn nữa. 50 USD là để trả lại món nợ ngày nào! Có điều ông ta không ký tên. Ông chủ cửa hàng cho biết sẽ dùng 50 USD này để làm từ thiện.

-Như chuyện cổ tích em nhỉ. Trường hợp bên Mỹ này đúng với nhận định của các cụ nhà ta ” Đói ăn vụng, túng làm càn” chứ họ không muốn như vậy. Khi người ta đói nghèo quá dễ làm bậy để sinh tồn. Như Giăng Vangiăng trong “Những người khốn khổ” đi ăn trộm bánh…

-Đấy là lẽ thông thường thôi nhưng nhiều người quyết “Đói cho sạch, rách cho thơm “ anh ạ. Ngược lại có người không đói, thậm chí giàu ních đố đổ vách vẫn ăn vụng, vẫn làm càn.

-Anh biết ý em rồi. Quan tham không nghèo mà vẫn tham nhũng… Đúng không!?  Lòng tham có tính bản năng mà em.

- Dạ, anh nói đúng. Người nghèo đói khó giữ được sự trong sạch, nhưng dường như quan chức cũng khó giữ được thanh liêm khi nhận quà quá dễ…

-Chính vì thế mà tại Hội nghị các nhà tài trợ CG 2009, người ta bày tỏ mối quan tâm đến tham nhũng và nâng cao tính minh bạch ở Việt Nam. Đây cũng là chủ đề “truyền thống” của các kỳ CG.  Đại sứ Thụy Điển Rofl Bergman nhận định tham nhũng tiếp tục là “một trong những tai họa lớn của xã hội Việt Nam”.

-Muốn chống tham nhũng thì phải minh bạch, minh bạch trong quy định của pháp luật, trong chính sách và dư luận nữa.

- Đúng thế. Đại sứ Thụy Điển nhấn mạnh đến vai trò của người dân, của báo chí  trong việc chống lại tham nhũng. Nếu quy định chặt chẽ, minh bạch thì quan chức cũng thận trọng, cũng dễ dưỡng liêm hơn.

--> Read more..

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009

Nhớ gió mùa đông bắc

... Hà Nội bỗng dung nhan đổi khác nhờ những cơn Gió Mùa Ðông Bắc. Thanh niên, thiếu nữ giấu trong chiếc áo len, áo dạ, những mơ uớc lãng mạn của mình. Họ khoác tay nhau ngồi xuống những quán ăn đơn sơ ngay ở vỉa hè. Chuyền tay nhau những chén lục tào xá, bánh trôi, bánh chay. Họ ăn bằng mơ mộng của tuổi trẻ, ăn bằng hoang mang của những ngày cuối năm, ăn bằng nôn nao của mùa xuân đang tới. Gió lãng mạn, gió phiêu du, gió làm gầy những con phố, làm trái tim dập dịu dàng và làm những bài thơ bỗng nghiêng xuống, nằm sát vào những chiếc lá cuối đông.
 
Bây giờ ngồi đây nhớ Gió Mùa Ðông Bắc, muốn khóc. 

(Vừa nhặt được trên mạng, tác giả là Trần Mộng Tú- Việt kiều)
 

--> Read more..

Flags

Flag Counter