Thứ Tư, 31 tháng 3, 2010

Tháng tư không có cá

 Nâng cao cảnh giác nhưng từ sáng đến giờ  chả thấy ai lừa mình. Chán quá! Chả nhẽ cuộc sống bây giờ buồn tẻ đến thế sao, ai cũng bận kiếm tiền hay sao ấy nhỉ...

Từ cảm xúc này tớ nghĩ vẩn vơ, thế ra không phải lúc nào cũng tràn trề sự thật cũng mang lại niềm vui và hạnh phúc cho con người. Không biết trong cuộc sống ta vui vẻ, hạnh phúc vì biết bao nhiêu thông tin sai sự thật nữa...

 

--> Read more..

Thứ Ba, 30 tháng 3, 2010

Mùi sầu riêng gợi nhớ...

Nhớ Sài Gòn quá. Giá như bây giờ mình có mặt ở Sài Gòn nhỉ?! Không phải bỗng dưng có nỗi nhớ ấy đâu, cái sạp trái cây trước cửa cơ quan tớ thơm lừng mùi sầu riêng, cái mùi rất đặc trưng Nam Bộ là thủ phạm gây ra cái cảm giác nhớ nhung ấy.

Và có một nguyên nhân khác quan trọng hơn nhiều... nhưng không tiện nói ra.

Ôi, Sài Gòn...

 

--> Read more..

Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2010

Se lạnh Mường Khương

Khi miền Nam đang 36-37 độ thì tôi ngược lên mạn Bắc, đến hai xã xa nhất của huyện biên giới Mường Khương, có hôm phải mặc áo ấm. Vì vùng núi cao nên họ khổ vì thiếu nước. Ở giữa rừng mà thèm màu xanh của rừng vì cây cối trơ trụi do đất bị sa mạc hóa.

Mang hàng xuống chợ

 

 

Thiếu nước nên người ta phải đi lấy nước cách nhà dăm cây số, mỗi lần một vài can.

Cái nghèo thể  hiện rõ nhất ở chợ phiên Tả Gia Khâu. Các cô gái đi chợ cũng chỉ mua vài cuộn chỉ, đôi dép nhựa cứng đơ...

thiếu nữ đi chợ

 

Hàng hóa nghèo nàn, chỉ có mùi khói của các bếp đun thắng cố là đậm đà. Rượu thì nhiều, mua từng bát to nhưng mồi thì ít, cả mâm có một bát thắng cố thôi. Cánh đàn ông uống rượu ngô đến khi tan mới về. say quá thì lăn ra ngủ ngay rệ đường.

Thắng cố Rượu ngô Một chiếu rượu Uống say mới về Tớ cũng làm một hớp Đi chợ thật vui

Tớ cũng tham gia đun thắng cố, nếm rượu ngô và uống với họ cho vui... Giá như có bác PNH đây thì chắc hình đẹp hơn. Hi hi.

Mời cả nhà xem cho vui.

 

 

--> Read more..

Thứ Tư, 24 tháng 3, 2010

Hiến kế chống nắng Nam Bộ...

Nam Bộ mấy ngày nóng quá chừng, đến 37-38 độ thì đến ốm hết mất. Làm thế nào để chống nắng, giữ cho thể chất và tinh thần dịu mát là điều đáng quan tâm. Thực ra giải pháp quá đơn giản. Đó là bay ngay ra Hà Nội chơi mấy ngày.

Hà Nội đang là cuối xuân, trời se se lạnh, nhiêt độ 18-20 độ và tối nay sẽ xuống 15 độ. Bên Hồ Gươm cây Lộc vừng 12 gốc đang trổ hoa tuyệt đẹp. Hà Nội lại có nhiều món ngon và bạn bè hiếu khách. Uống cà phê bên Hồ Gươm thật tuyêt đấy.

Còn chờ gì nữa mà các bác không ra tránh nắng?!

 

--> Read more..

Thứ Hai, 22 tháng 3, 2010

Nhiều loại biển được treo trước nhà.

 Quận Hà Đông, Hà Nội chi 3 tỷ đồng cho công tác gắn biển Gia đình văn hoá, chỉ trong một thời gian ngắn cả vùng đô thị này bỗng trở nên sang trọng hẳn lên vì nhà nhà có biển xác nhận có văn hoá. Với một số tiền không lớn mà hiệu quả như vậy thì thật là tuyệt...

Các quận khác lập tức bàn thảo và đưa ra dự án làm theo quận Hà Đông.

Có nơi còn bàn sâu sắc hơn rằng thì là  văn hoá là khái niệm quá rộng, các nhà nghiên cứu với báo giới lại soi mói, bới bèo ra bọ, chi bằng ta làm cụ thể.

Tức là xếp hạng và gắn biển " Gia đình hiếu học", "Gia đình sạch sẽ". "Gia đình đạo đức", "Gia đình chung thuỷ", "Gia đình không bạo lực"... Cụ thể như thế thì một nhà có thể được gắn nhiều biển, cả quận là vô số biển. Mỗi loại biển chi 3 tỷ, ba loại thì 9 tỷ, quận đông dân thì hơn nữa, hơn nữa... Dự án quá hay.

Tiếc là chưa kịp triển khai thì Bộ văn hoá có văn bản bảo , thôi, tháo hết biển ra, dư luận không ổn. Chán thế!!!

--> Read more..

Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2010

Một phụ nữ cứu con tàu suýt đắm

Trên một chuyến tàu vượt Đại Tây Dương, cô gái viết trong nhật ký của mình:
- Ngày thứ nhất: Biển đẹp, con tàu rất lớn, và thuyền trưởng cực kỳ đẹp trai.
- Ngày thứ hai: Thuyền trưởng đã tỏ tình, doạ sẽ làm đắm con tàu nếu mình từ chối.
- Ngày thứ ba: Ăn tối với “mối đe doạ con tàu”.
- Ngày thứ tư: Suốt đêm qua, mình đã cứu con tàu cùng 1300 hành khách.

Cuối tuần  chúc các bạn vui vẻ, cứu được cái gì thì cố gắng nhé...

--> Read more..

Thứ Năm, 18 tháng 3, 2010

Nhớ Sè goòng

 

Lâu lâu không vô Sài Gòn, hôm nay xem ảnh cũ lại nhớ anh em ở trỏng. Hẹn sớm trở lại để uống Cafe Thềm xưa với bác H và cafe Chim mà các bác quảng cáo rềnh rang nữa... Nếu bác H cho em đi theo một chuyến sang bên kia Thủ Thiêm thì càng tuyệt...

 

Gap bac H o Se goong

--> Read more..

Thứ Ba, 16 tháng 3, 2010

Cảnh giác khi đi lễ đền Kiếp Bạc

Ngày Chủ nhật cuối tháng Giêng, tôi rủ một anh bạn đi thăm Côn Sơn - Kiếp Bạc. Từ hồi xây đền Nguyễn Trãi tôi chưa đến. Côn Sơn và đền Nguyễn Trãi tuyệt đẹp, tùng bách xanh tươi, phong cảnh u nhã, khiến lòng ta thư thái.

Kiếp Bạc cách Côn Sơn 8 km.

Xe ô tô đến bãi để xe, một tay nhân viên vẫy ra hiệu xe cứ đi vào tiếp. Chạy một quãng thì thấy barie, cấm xe ô tô. Lạ thế!

Một tay đội mũ cối chạy xe máy sát cửa ô tô bảo, các anh vào quán nhà em, ngay sát của đền nhé, em sẽ bảo lãnh cho xe qua barie. Đỗ xe ở ngoài thì phải đi bộ vài trăm mét nên thấy gợi ý cũng hay, nhưng vẫn e ngại. Lái xe hỏi: Mất bao nhiêu tiền?

-Không mất xu nào cả, các anh cứ vào uống nước, lần sau nhớ lại đến quán nhà em thôi.

-Chắc không?

-Khổ quá, ai dám nói dối các anh.

Thế là xe vào. Ngay trước của tam quan “ Hưng Đạo Đại Vương Từ” có đôi câu đối nổi tiếng “ Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếp khí/ Lục đầu vô thuỷ bất thu thanh” đã đỗ rất nhiều ô tô.

Vào quán mới thấy, quán không bán nước mà bán vàng mã và viết sớ thuê. Ông chủ quán năn nỉ gợi ý “Mỗi lá sớ có 10 ngàn đồng, đến cửa nhà Ngài phải kêu bằng lá sớ chứ”. Anh bạn tôi ngại quá, tặc lưỡi OK. Ông già mang sớ ra, té ra là sớ quốc ngữ, chữ ông già như con gà mái điền tên tuổi vào… Viết xong, cô con dâu ông già mặc quần thể thao mới bảo, mời anh vào lấy lễ vật, sớ phải có kim ngân đi theo chứ. Anh làm một lễ Nam Tào giải hạn nữa. Xong ông em vào khấn, kêu cầu cho anh.

Chối cũng không được, anh bạn tôi đành mua một bộ vàng mã giá 370.000 đ. Ông già lại đưa ra bộ ấn đền Trần Kiếp Bạc nữa, tuỳ chú cúng bao nhiêu thì cúng… Lại móc tiền ra. Cô gái bên mâm, ông già cầm sớ, anh bạn tôi bị dong vào đền. Sau khi chen được một chỗ sát cánh gà bàn thờ, ông gìa mang sớ ra đọc và keng keng, gieo hai đồng xu, OK nhé, nhất âm nhất dương…

Tôi lặng lẽ đi thăm đền, nhiều phụ nữ tuổi sồn sồn lượn lờ trong sân để gạ xem bói. Hai bên tả hữu vu là vài chục ông viết sớ thuê kiêm xem bói chỉ tay. Dù già hay choai choai, ông nào cũng khăn xếp, mặc áo gụ.

 

Ban Tổ chức  phát trên loa liên tục rằng: Khách thập phương chú ý cảnh giác, hiện nay có bọn cò mỗi gạ khấn thuê, để bán vàng mã... quý khách nên cảnh giác để không bị lừa. Họ cứ nói nhưng lại không đi dẹp bọn cò mồi này.

Trở ra quán, ông già lại bảo anh bạn tôi: Chú là người có tâm, bây giờ chú ghi tên tuổi vào đây, để ngày nào tôi cũng vào khấn xin Ngài phù hộ cho chú. Cuốn sổ nhàu nhĩ, có vô số tên tuổi ghi sẵn.

-         Nhiều thế này ông khấn sao được?

-         Khấn được chứ, ai nói dối chú làm gì. Thành tâm bao nhiêu tuỳ chú.

Như có ma ám, anh bạn tôi lại hý hoáy ghi. Lúc lên ô tô tôi hỏi, hết bao nhiêu tiền? Tính một lúc, anh bạn tôi mất ngót triệu bạc. Thật là một cú lừa ngoạn mục vì sự nhẹ dạ cả tin…

( Lúc nào rảnh tôi post ảnh nhé)

--> Read more..

Thứ Sáu, 5 tháng 3, 2010

Thở phào xem khi ấn đền Trần

Sự vất vả để có được mảnh vải in ấn Đền Trần đã được các báo tả khá kỹ. Phải nói rằng vô cùng vất vả, nhiều người ngất xỉu phải cấp cứu, người mất cắp cũng không thiếu... Nếu hiểu rằng, để có được một bảo vật thì phải chịu gian nan như muốn có đựoc chân kinh thầy trò Đường Tăng phải đi mất 15 năm và trải qua 81 kiếp nạn thì sự vất vả đó cũng có giá trị... thể hiện lòng thành.

Qủa thực ai cũng tò mò, không biết trong ấn viết thế nào, tôi thì nghĩ chắc phải viết như các sắc phong kiểu như " Phụng thiên thừa vận, Hoàng đế chiếu viết..." và nhất định phải có mấy chữ kiểu như " ban thưởng" hay " phong tặng" gì đó, vì ai cũng nói ấn có giá trị giúp cho sự thăng tiến trên quan trường .

May thay , nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo post lên mạng bức ảnh chụp tờ in ấn này. Té ra trong đó chỉ có nội dung:" Trần Đế Miếu- Việt Nam quốc, Thái Bình tỉnh, Hưng Hà huyện, Tiến Đức xã, Tam Đường thôn" nghĩa là tên đền thờ vua Trần và địa chỉ mà thôi. Hai bên có hai hàng chữ nhỏ "Kim ngọc mãn đường" và " An khang thịnh vượng", tức là hai lời chúc tụng thông thường, đậm đà hương vị "kinh tế thị trường". Nó cũng cho thấy ấn mới được làm để đáp ứng cơn khát của thị trường thôi.

Đọc xong tôi thở phào nhẹ nhõm. Hoá ra các cụ rất chu đáo, ban nội dung có tính vui vẻ vậy thôi, tuyệt không thấy nói sẽ ban cho người có ấn này chức tước gì cả. Làm như thế là đúng tinh thần nhà Trần. Không biết có ai nhớ đến câu chuyện khi vua Trần Anh Tông chuẩn bị thăng thưởng quan tước, Thượng hàng Trần Nhân Tông không chuẩn y, Cụ bảo:" Nước bằng cái đấu thế này mà nhiều quan tước như thế dân nuôi sao nổi". Việc ấy bị bãi bỏ.

Hay một chuyện khác, bà Trần Thị Dung xin Trần Thủ Độ cho một người cháu họ chức câu đương bé tý ở quê. Ông đồng ý nhưng gọi người đó đến bảo, ta cho ngươi làm chức câu đương nhưng phải chặt một ngón tay để đánh dấu. Người đó vãi linh hồn mà xin tha...

Qủa thực, Vua tôi nhà Trần đã trải quan biết bao gian lao, ba lần đổ máu với quân Nguyên Mông, nhiều lần đánh dẹp Chiêm Thành... mới có được triều đại thịnh trị, nên hiểu hơn hết giá trị và tầm quan trọng của quan tước. Các cụ đâu có thể tặng quan tước bừa bãi được.

Ngày nay chúng ta đến chiêm bái đền Trần để tửơng nhớ đến hào khí Đông A, đến Bạch Đằng, đến Đông Bộ Đầu, Chương Dương Độ;  đến tình vua tôi gần gũi, thân thiết, đến sự nghiêm minh, sáng suốt cuả tiền nhân thì nhất định được các vị minh quân nhà Trần phù hộ. Còn nếu chỉ chen vào cướp ấn xong ngồi chờ thăng chức thì... đúng là đến Đền Trần mà chả hiểu gì nhà Trần, các ngài không phạt là may.

http://hieuminh.org/2010/03/04/to-an-cua-nha-tho-ntt/

--> Read more..

Thứ Hai, 1 tháng 3, 2010

Đầu năm ... lễ ở đâu?

Đi lễ đầu năm là một phong tục đẹp nhưng dường như đi lễ thời nay khác với những ước mong bình dị, khiêm nhường “vạn sự bình an, lão ấu khang kiện” thời xưa. Trong cơn lũ người hành hương về các đền chùa miếu mạo hiện nay, không ai thống kê đựơc nhưng chắc chắn là đa phần đều đi cầu tài, cầu lộc, cầu danh, cầu thăng quan tiến chức, học hành đỗ đạt… Xu hướng thực dụng trong lễ bái đã trở nên phổ biến.

          Đành rằng, những nguyện vọng đó cũng chính đáng nhưng điều đáng nói là không mấy ai hiểu rằng, một ít  vàng mã, mớ tiền lẻ, con gà, nải chuối của họ không thể đổi được những thứ cao vời đó. Thần thánh không phải là đối tượng nhận hối lộ, rồi ban phát bổng lộc một cách vô tội vạ và thiếu công bằng.

          Một người có chút ít hiểu biết về lời Phật dạy đều biết rằng mọi sự là do quy luật nhân - quả mà thành. Mỗi việc làm  của chúng ta đều tạo nhân cho những cái quả ở phía trước. Ta có thể đỗ đạt, phát tài, thăng tiến nếu hàng ngày ta biết cố gắng nâng cao trình độ, rèn luyện nghề nghiệp, biết giữ chữ tín, biết làm điều tốt, biết quan tâm đến ngươì khác…

          Thật là buồn lòng khi đổi tiền lẻ để đầu năm đi lễ trở thành một thói quen phổ biến. Ngày tết, ngày lễ, mỗi pho tượng, mỗi thần vị được nhét đầy tiền lẻ một cách vô lễ đến rợn người mà không ai ngăn chặn là điều đáng suy ngẫm.

Năm mới tốt lành, chắc ai cũng mong như thế, nhưng làm thế nào để mọi điều tốt lành nhỉ? Không ai làm thay ta được cả. Hãy bắt đầu bằng việc làm những việc tốt, ví dụ như giúp đỡ một người khó khăn; tha thứ cho một ai đó; bắt đầu học thêm một cái gì đó… Có thể không cần đến Văn Miếu - nơi thờ Khổng Phu Tử mà vẫn được ngài phù hộ khi làm theo lời ngài rằng: ”Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”- cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác; không cần đến Chùa mà vẫn được đức Phật phù hộ khi sống theo lời Phật dạy “ Từ, bi, hỷ, xả” giảm bớt “Tham, sân, si”… Hay cụ thể hơn, mỗi tháng ta dành ra một hai ngày ăn chay, như thế vừa giảm bớt sát sinh, bảo vệ môi trường mà lại có lợi cho sức khoẻ.

 

--> Read more..

Flags

Flag Counter