Thứ Ba, 31 tháng 8, 2010

Mất mạng người vì chặn tên cướp

Rạng sáng 31-8-2010, Hiệp sĩ săn bắt cướp (HSSBC) Nguyễn Xuân Chinh (CLB phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, Thủ Dầu Một, Bình Dương) đã tử nạn trong lúc truy đuổi một nghi phạm.

 

Đội săn bắt cướp

 

Những HSSBC như anh Chinh ở Bình Dương hay Nguyễn Văn Minh Tiến ở TPHCM đã gặp khá nhiều hiểm nguy. Nhưng luôn có phương châm không sợ nguy hiểm và không tư lợi. Đồng đội của Nguyễn Xuân Chinh, tâm sự: "Với anh em chúng tôi, phần thưởng đáng quý nhất là sự tin yêu của người dân".

Còn Nguyễn Văn Minh Tiến cũng không ít lần đổ máu khi giữa đường thấy chuyện bất bằng…

Tuyên dương những người can đảm là đúng nhưng khuyến khích những lực lượng không chính quy, chưa được đào tạo bài bản trong khi thiếu những quy định cụ thể đôi khi lại phản tác dụng.

 Anh Chinh vừa tốt nghiệp Đại học Luật, ra đi để lại cha mẹ già sống bằng nghề cạo mủ cao su thuê và một mai khi đau yếu họ sẽ nương nhờ vào ai, sống bằng nguồn gì khi người con trai độc nhất không còn nữa?

Vì thế, cá nhân tôi nghĩ rằng, mất mát này lớn hơn nhiều lần cái dây chuyền, cái giỏ xách mà bọn cướp chiếm đoạt. Mạng người mới là tài sản quý giá nhất.

Nước mình hay có những chuyện ngược đời, tréo ngoe như thế. Nông dân chế tạo máy bay; nhà văn đi vẽ tranh; các chuyên viên thi nhau nghiên cứu khoa học... Những tréo ngoe như thế cũng ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới nhưng khuyến khích quá nó càng tăng thêm tính nghiệp dư của các hoạt động chuyên môn.

Trở lại vụ săn bắt cướp, đâu rồi các lực lượng cảnh sát,  được trang bị đầy đủ cả về vũ khí, kỹ năng và tư cách pháp lý?

--> Read more..

Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010

Sang Long Biên, thấy đền Mẫu Thoải

Từ trung tâm Hà Nội qua cầu Long Biên rẽ phải một quãng thì có Chùa Bồ đề và Đền Ghềnh nổi tiếng, nhưng rẽ về bên trái, ta sẽ gặp một cụm di tích khác ở làng Bắc Biên.

 Chính điện đền Mẫu Thoải

Trước mặt đền là sông Hồng, bên trái là cầu Long Biên thấp thoáng

Trầu không ở sân chùa Phúc xá

 

Lối vào đền Mẫu Thoải

 

 

Ngay đầu làng là đền Phúc Xá ( Cơ Xá) thờ Lý Thường Kiệt, sát đền là ngôi chùa cổ. Làng quê của Lý Thường Kiệt vốn ở chỗ Ba Đình bây giờ, khi xây dựng kinh thành, dân làng này bị di ra bãi sông Hồng. Vì làm ở bãi sông nên nhà bằng tre, gỗ phải thường xuyên thay đổi chiểu cao để tránh nước. Vì thế mới có tên là làng Cơ Xá. Sống thế nên đói nghèo, có thời gian chữ Cơ là thay đổi ( cơ động) ấy lại được viết là với nghĩa là Đói ( cơ hàn). Mãi sau này, tên làng mới được đổi thành Phúc Xá, như một ước vọng. Sông Hồng cũng đổi dòng, một nửa làng bên tả, một nửa sang bên hưu. Thế là hai bên sông đều có bãi Phúc Xá. Dân làng thờ cụ Lý Thường Kiệt ( Ngô Tuấn) làm Thành hoàng là vì thế, cụ là người làng này. Làng còn có tên nôm là làng Khế. Quả thật ở đây nhà ai cũng trồng khế.

 

Hoa trái nơi cửa Thiền

 

Đi sâu vào trong làng, vòng ra sát bờ sông, qua những ngôi biệt thự mới xây, gió sông Hồng lồng lộng, cây cối xanh tươi là đến đền Mẫu Thoải, cũng gọi là Đền Cửa Sông, nơi các bà các cô hầu bóng cho rằng linh thiêng lắm. Đền nhìn thằng ra sông mênh mông sóng vỗ.

Vào đền, chính điện thấy thờ Mẫu, xung quanh là các ông Hoàng, gian bên cạnh thờ Trần Hưng Đạo nhưng mới có thêm tượng cụ Hồ.

Ngôi nhà ngang, lợp tôn mới thờ Mẫu Thoải mặc áo màu trắng nhưng có biển đề Mẫu Hàn Sơn. Khó hiểu thế. Về tìm hiểu thêm mới biết rằng:

Thánh Mẫu Thoải Phủ vốn là con Vua Bát Hải Long Vương Thủy Quốc Động Đình, theo lời Vương phụ, bà kết duyên cùng Kính Xuyên (là con Vua Đất). Một buổi, Kính Xuyên đi vắng, tiểu thiếp Thảo Mai tìm cách giả đồ thư để hãm hại cho bà. Kính Xuyên mù quáng, nghe lời Thảo Mai vu cho bà thất tiết, đem đóng cũi, bỏ lên rừng cho thú dữ ăn thịt. Tại nơi rừng sâu bà không những được thú rừng yêu quý, mang vật quả đến dâng mà còn tình cờ gặp được nho sĩ Liễu Nghị. Cảm thương trước nỗi oan của bà, Liễu Nghị theo lời ngỏ, mang thư của bà về đến Hồ Động Đình, kể hết sự tình về cho vua cha. Sau đó vua cha sai người đi đón và bà được minh oan, rồi kết duyên cùng Liễu Nghị, còn Kính Xuyên và Thảo Mai thì bị trừng phạt. Sau này, theo một số câu chuyện, bà thường hiển linh, phù hộ cho những người đi biển khỏi sóng to gió lớn nên được nhân dân biết ơn và lập đền thờ ở khắp nơi cửa sông, cửa biển.

Khi ở chốn Động Đình bà vốn là con vua cha Bát Hải nên được gọi là: “Động Đình Trung Công Chúa Ngọc Hồ Thần Nữ”, sau này bà còn có danh hiệu: “Bạch Ngọc Thủy Tinh Xích Lân Long Nữ Công Chúa”.

Đền thờ Mẫu Thoải có khá nhiều nhưng hầu hết đều do lòng thành kính của nhân dân hoặc do nơi cửa sông cửa biển chứ hầu như không có dấu tích của Mẫu vì Mẫu không giáng trần. Nổi tiếng nhất có Đền Mẫu Thác Hàn Sơn ở huyện Hà Trung, Thanh Hóa, nơi bến Đò Lèn, còn có Đền Mẫu Thoải ở thị xã Lạng Sơn, gần sông Kì Cùng. Ngày tiệc chính của Mẫu Thoải là ngày 10/6 âm lịch, thường được tổ chức long trọng nhất là ở Đền Mẫu Thác Hàn Sơn.

Vì thế mà ngôi đền ở bến sông Hồng, gần cầu Long Biên này cũng thờ Mẫu Hàn Sơn. Như vậy, ta hiểu là đây là nơi thờ mẫu Thoải nhưng theo dòng Hàn Sơn.  

Nhiều nam thanh nữ tú đến thăm những di tích này

 

Giới thiệu một di tích này để mời các bác phía Nam ra thăm Bắc Kỳ nhân dịp 1000 năm Thăng Long…

--> Read more..

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

Phong nguyên soái cho bác Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi vào lịch sử dân tộc với võ công hiển hách. Năm nay cụ lại đại thọ 100 tuổi... Thật là đặc biệt. "Nhân tước" và "Thiên tước " đều cao vời.

Trong niềm hân hoan đó, không ít ý kiến đề nghị phong hàm nguyên soái cho bác Giáp. Quả thật, nước ta hiện có đến 11 Đại tướng, thì Người anh cả của Quân đội xứng đáng có quân hàm cao hơn một bậc. Vì thế đề nghị cũng có ý nghĩa và đáng trân trọng.

Tuy nhiên, theo tôi, phong quân hàm Nguyên soái cho bác Giáp cũng không cần thiết vì đó cũng chỉ là vinh hàm, mang tính hình thức. Cụ Giáp đã đi vào lịch sử, có chỗ đứng sang trọng, tự hào và yêu quý trong lòng dân và thế giới công nhận rồi. Không vì không có hàm Nguyên soái mà vị thế đó kém đi.

Chưa kể, có thể đây lại là một tiền lệ... nguy hiểm.

Một ngày nào đó ta lại có 10 ông nguyên soái thì gay cho dân lắm. Ngày xưa vua Trần không phê duyệt danh sách thăng thưởng quan chức vì: Nước bằng cái đấu, nhiều quan thế dân nuôi sao nổi.

Do đó, tôi tin rằng, nếu hỏi ý kiến thì chắc bác Giáp cũng xua tay....

--> Read more..

Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2010

Vu Lan trong trại giam

Ngày 21-8, Đại đức Thích Quảng Truyền, Phó trưởng ban Đại diện Phật giáo tỉnh Lạng Sơn, cùng tăng ni, phật tử đến Trại tạm giam Yên Trạch (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) thuyết giảng về ý nghĩa của ngày rằm tháng bảy, lễ xá tội vong nhân, chữ hiếu, chữ tình.

Hoa hồng cài ngực, tưởng nhớ cha mẹ
Hoa hồng cài ngực, tưởng nhớ cha mẹ .

Đại đức ân cần giảng giải cho các phạm nhân, khơi dậy trong lòng họ tính nhân bản, đạo hiếu, nét nhân văn cao đẹp của mỗi con người khi biết sống thiện, sống hiếu thảo, biết ăn năn hối lỗi, tránh xa điều ác, không tái phạm lỗi lầm.

Phạm nhân tên Bề, tuổi ngoài năm mươi, giấu bao giọt nước mắt vào tấm áo kẻ sọc, nói không nên lời: “Lỗi lầm do tôi làm ra, tôi gắng chịu, nhưng với cha mẹ, bao giờ mới trả hết nghĩa, tình. Không biết, khi tôi được ra trại, có kịp báo hiếu không?”. Bà Bề phạm tội “tham ô tài sản”, chịu án gần chục năm, mới về Yên Trạch được chừng bảy tháng.

Còn anh Nguyễn Văn Vinh (21 tuổi), trú tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Sắp tới, tôi được đặc xá, ra tù trước thời hạn. Tôi thấm thía những lời khuyên dạy của Đại đức, tôi mong ngày đoàn tụ với gia đình, được cầm tay mẹ, thắp hương cho cha, mong được làm người con tốt, công dân có ích.

Rất nhiều phạm nhân bật khóc nức nở khi được các phật tử trong Ban đại diện Phật giáo tỉnh Lạng Sơn cài trên ngực những bông hoa hồng đỏ và trắng. Giây phút lễ Vu lan chợt ùa về trong niềm nhớ thương, sám hối với cha, mẹ. Có lẽ, chưa bao giờ, họ nghĩ rằng, trong bốn bức tường xám lạnh lại có giây phút đón nhận tình cảm thiêng liêng, ân nghĩa của xã hội dành cho.

Nguyễn Duy Chiến

http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/510494/Vu-lan-som-o-xu-Lang.html

--> Read more..

Chuyện vui về thầy trò

Ông không có ý kiến

Cô giáo dặn học sinh mang theo một số đồ dùng hiện đại trong gia đình đến lớp để minh hoạ cho buổi học mang tên “Cuộc sống hiện đại”. Hôm sau, trong giờ học cô giáo hỏi xem học sinh mình mang theo vật dụng gì và có thể làm gì với nó.
Natasa: Em mang máy Sony Walkman và em có thể nghe nhạc.
Boris: Em mang cái mở đồ hộp chạy điện và nó có thể mở hộp dễ dàng.
Cô giáo:
Vova, thế còn em mang gì đến vậy
Vova: Em mang máy trợ tim của ông nội ạ.
Cô giáo: Thôi chết, thế ông có mắng em không?
Vova: Không ạ, ông chẳng có ý kiến gì đâu. Ông chỉ ặc ặc 2 tiếng thôi ạ.

Công nhân

-         Các em chú ý, hãy nhìn cô và nói xem thích cái gì trên người cô thì cô sẽ cho biết, lớn lên các em sẽ làm gì?
Cô bé Masha nói:
- Thưa cô, em thích mái tóc của cô.
- Ôi, Masha yêu quí, lớn lên em sẽ trở thành thợ làm đầu nổi tiếng.
Cậu bé Pêchia:
- Thưa cô, đôi mắt của cô rất đẹp.
- Cám ơn Pêchia, lớn lên em sẽ trở thành bác sỹ nhãn khoa. Thế còn Peter, nói gì đi chứ, đừng xịu mặt như vậy.
- Thưa cô, em còn biết nói gì bây giờ? Em đã hiểu, kiểu gì em cũng sẽ chỉ là công nhân vắt sữa bò ở nông trại thôi …

 

Chẳng nghe thấy

Thầy giáo trẻ hỏi học sinh:
– Ai đã hái trộm táo của trường và còn làm gãy cả cành?
– (Im lặng)
– Thầy cao giọng hỏi đầy vẻ ám chỉ: Nào Peter, em có biết không?
– Thưa thầy, em ngồi ở cuối lớp nên chẳng nghe thấy thầy hỏi gì ạ.
- Em nói thế nào ấy chứ. Thôi được rồi, tôi sẽ có cách
kiểm tra. Bây giờ em hãy thử hỏi tôi một câu gì đó, xem tôi có nghe rõ không?
– Vâng ạ, xin thầy hãy nói xem, hôm qua ai đã hôn chị gái em ở dưới gốc cây sồi già?
– Peter, em nói rất đúng. Thầy chẳng nghe thấy em hỏi gì cả. (ST)

 

--> Read more..

Chuyện vui có thật- Gọi hồn

Làng tôi xưa có ông PLT là một người lịch lãm, tháo vát, quen bước xê dịch giang hồ. Lần đó đi đến bến đò từ Nam Định sang Thái Bình ông thấy người ta kháo nhau, ở bến đò có cô đồng chuyên gọi hồn rất linh. Điều đặc biệt là cô đồng còn rất trẻ và nhan sắc mặn mà, xinh đẹp. Ông vờ đi theo mấy người vào xem gọi hồn, thấy quả là tiếng đồn không ngoa.

Ông T trở ra, mua mấy quả cau, thẻ hương và chỉnh trang y phục, đợi lúc quá trưa, khách đến gọi hồn về hết ông mới vào.

Ông thưa: Vợ tôi bị chết oan ở đây mấy năm trước, khi đang sang sông thì bị đạn lạc. Từ đó đến nay tôi vẫn thương nhớ mà không biết làm sao gặp được. Trăm sự nhờ cô gọi giúp hồn nhà tôi về... Vợ tôi tên là ... khi chết 26 tuổi. Thành tâm nhờ cô ạ! Ông T nói và đặt vào đĩa số tiền gấp đôi mấy bà cụ nông dân vẫn đặt.

Cô đồng thắp hương rồi lầm rầm khấn khứa. Một lát sau, cô ngất ngư, hai mắt nhắm nghiền rồi nói: Anh ơi, em đây... Không ngờ anh còn đến bến sông oan nghiệt này tìm em... Hu hu...

- Trời ơi, vợ tôi. Vợ chồng mình đang yên ấm, bỗng đâu âm dương cách biệt. Anh thương đi gọi, nhớ đi tìm, may gặp em đây.

- Em cũng nhớ những ngày vợ chồng mình " cơm dẻo canh ngọt", "đệm ấm chăn êm"... Bây gìơ em ở dưới này lạnh lẽo lắm anh ơi.

- Anh đốt cho em nhà cửa, bát đĩa, chăn chiếu đầy đủ,  em có nhận được không em...

Vừa thủ thỉ trò chuyện, ông T vừa sán vào cạnh cô đồng. Miệng nói, tay ông vuốt má, nắm tay cô đồng... " Em đẹp quá, thương em quá"... "Vâng, hồn cũng không quên được chồng của hồn đâu"...

Chả biết ông T làm những gì nữa mà đang giữa trưa, cô đồng vùng lên chạy, mặt đỏ bừng, bỏ mặc ông khách tủm tỉm cười lững thững sang đò.

Ông T về quê khoe chiến tích, trai làng tròn mắt kính phục và nuốt nước bọt ừng ực. Vợ ông ấy nghe chuyện bảo:" Phải gió cái ông này"...

--> Read more..

Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2010

Về quê "ăn Rằm"

Nói đến "ăn Rằm" tức là Rằm Tháng Bảy. Ở vùng Sơn Tây quê tôi, dịp này là đại lễ, con cháu đi xa cũng về. Có lẽ quan niệm đó là Ngày xá tội vong nhân, tổ tiên mình dù có lỗi cũng được về nên con cháu sum họp đầy đủ chăng?

 

Ngày rằm tháng Bảy nhà nào cũng có cỗ. Cả làng say sưa cỗ bàn nên quê tôi có câu " ăn rằm, nằm 16" nghĩa là hôm 16 cũng nghỉ ngơi sau một ngày tiệc tùng, không ai đi làm.

Hôm nay, mới 12 tháng Bảy , tranh thủ là Thứ Bảy tôi về quê cúng các cụ trước. Đã nhờ bà chị đặt mã sẵn, hôm nay cúng bên ngoại, 17 bộ. Các cụ cao tổ thì khăn xếp, áo the, ô đen, giày Gia Định; các bác quen sống ở Sài Gòn, Hà Nội ... thì sơ mi kẻ, cà vạt mũ phớt. Mấy cái nón cho các cụ bà y như nón thật.

Cúng bái xong, tôi mang mã ra sân hóa. Mấy đứa trẻ con hàng xóm thích quá, xúm vào xem, mình tận dụng các cháu, nhờ bóc bao nilon để đốt cho đỡ khét. Đống lửa cháy ngùn ngụt, bập bùng trên nền sân lát gạch bát đỏ au sau một trận mưa rào. Khi cháy gần hết thì trời lắc rắc mưa, lo quá. Tôi vội vào lấy mấy chén rượu cúng tưới vào đống lửa. Mùi rượu thơm, lửa bén xanh lét. Vừa cháy hết số mã thì trời đổ mưa. Một trận mưa ào ạt, rộn ràng.

Chúng tôi hạ lễ, ngồi uống rượu ngất ngư. Nhìn ra ngoài sân, đám tro vàng mã đã trôi biến đi không còn một chút tàn, như có một phép mầu. Có lẽ các cụ đã nhận lễ của chúng tôi, mà đúng hơn là nhận tấm lòng của con cháu. Chứ cái đám quần áo mã kia đâu có thể mặc được nhỉ...

Lúc này trên sân chỉ có vết ám khói đen  là còn lại. Mưa vẫn rạt rào. Mưa tháng Bảy này quê tôi gọi là mưa chở mã đấy. Mưa chở quà của con cháu gửi biếu những người thân đã ở cõi xa vời.

Nếu không trận mưa thì chúng tôi phải mang số tro đó đổ xuống ao, nước sẽ mang số vàng mã này về cõi thiêng cho các cụ. Bây giờ ao làng không còn, không biết làng tôi họ đổ mã đi đâu nữa?!

Tiếc là tôi không chụp mấy tấm hình để tặng các bác ở xa có thể thấy được phong tục này. Xin mượn hình của người khác vậy nhé.

 

Nhân lễ Vu lan, xin tặng những bông hồng đỏ thắm cho những ai còn cha mẹ trên đời. Tôi cũng tự tặng tôi hai bông như thế.... 

 

--> Read more..

Thứ Ba, 17 tháng 8, 2010

Chân dài và bằng cấp

Hai cái này có liên quan đến nhau hay không nhỉ?

Hồi này báo chí bàn nhiều đến nhiều chuyện một số quan chức làm TS, Thạc sĩ từ các trưởng rởm. Mấy hôm nay, báo lại đăng vô số quan chức các tỉnh miền Tây Nam bộ xài bằng giả, chủ yếu là bằng cấp 2, cấp 3 thôi. Khi có Công văn xác minh nhiều người lo chạy chọt, chạy không được thì xin chậm gửi kết quả, cho đến khi họ xong Đại hội. cá biệt có người còn làm Công văn trả lời giả mạo để xác nhận bằng giả thành bằng thật.

Người ta phải đặt câu hỏi: Sao các can bộ này không đi học tử tế mà phải làm bằng cấp như vậy. Mà có đến hàng trăm người chứ không ít?

Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là ta trọng bằng cấp quá, thật giả cũng OK, miễn là có bằng. Đấy là nói chuyện nhà nước, bây giờ đến tư nhân cũng rứa.

Bằng chứng đây, HN bắt đầu có dịch vụ chân dài, sexy rửa xe ô tô, copy từ bên Mỹ về. Có điều hơn Mỹ ở chỗ, dù cho chân dài đến nách, da trắng, cười duyên, giao tiếp tốt rồi, các nhân viên rửa xe này cũng phải... học đại học. Kinh thế!

Xin trích một đoạn báo:

Chân dung những chân dài rửa xe xôn xao Hà Thành

Mấy ngày qua, sự xuất hiện dịch vụ người đẹp rửa xe - Babe Wash ở hồ Ba Mẫu (Hà Nội) trở thành đề tài "hot" của đấng mày râu. Những cô em xinh tuơi, cao ráo, ăn mặc sexy đứng rửa xe, với nhiều tư thế cực gợi cảm, tạo cảm giác việc rửa xe chỉ là cái... cớ!

Khi chúng tôi đến, cửa hiệu tấp nập xe ra vào. Những chiếc xe sang trọng, láng coóng được đánh thẳng vào gara. Mấy “chân dài” trong trang phục áo vàng bó sát, quần siêu ngắn cùng chiếc mũ vàng in chữ sexy đon đả đón khách. ông chủ xế hộp bước xuống như bị hớp hồn, "bỏng mắt" trước những cô em xinh tươi.

Ngay phía bên trái cửa hiệu là một nhà hàng mát lạnh, phong cách thiết kế đều xuất phát từ ý tưởng ô tô và được thửa bằng những chiếc la - răng ô tô độc đáo có một không hai. ở đó, bà chủ Babe Wash còn lắp camera và phát trên màn hình lớn trong quán để khách có thể quan sát nhân viên chăm sóc chiếc xe của mình. Nhưng có lẽ sức nóng của "vũ điệu người đẹp rửa xe" đã khiến các chàng không rời mắt chứ không phải ly cafe nóng hổi hay lon Heineken mát lạnh hấp dẫn họ. Rung đùi ngồi nhâm nhi cà phê, ngắm người đẹp ngay dãy ghế phía ngoài cửa hiệu. Những cô gái trong bộ đồ gợi cảm vừa phun chất cọ rửa vỏ xe, cọ lốp, lau sạch kính ô tô vừa nở những nụ cười tình tứ.

Với chiêu kinh doanh độc đáo, đánh trúng tâm lý cánh đàn ông, của Babe Wash, khách tò mò tìm đến ngày một đông. Người được giao quản lý cửa hàng chia sẻ, 13 cô gái được tuyển vào Babe Wash đều qua một khoá đào tạo chuyên nghiệp, bài bản. Mặc dù không phải tuyển như tuyển người đẹp tham gia sàn diễn thời trang, nhưng các cô gái rửa xe tại đây đều phải có chân dài miên man cao từ 1m65 trở lên, ngoại hình ưa nhìn, có khả năng giao tiếp tốt và biết làm đẹp.

Điều đặc biệt, các cô gái đều phải là người có kinh nghiệm và tốt nghiệp đại học.

 Các cô gái được các chuyên gia đào tạo 3 tháng về các kỹ năng rửa và chăm sóc xe.

Mấy anh có xế hộp học hành dở dang, chắc ngắm các em rửa xe có bằng đại học thì chi tiền không tiếc chắc.

Đến lạ cái chuyện bằng cấp ở xứ ta, các bác ạ.

 

--> Read more..

Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2010

Giải trí cuối tuần

Giao thông ở ta  có số vụ tai nạn thuộc hàng đẳng cấp thế giới nhưng cũng có nhiều cảnh hài hước cũng đẳng cấp quốc tế luôn. Mời cả nhà xem vài cái TORO vừa sưu tầm cho vui cuối tuần...

 

Vợ trông thấy thì chết tay này...

 

Cầu vắng vì chị em không dám qua...

Vợ chồng xuống phố

 

--> Read more..

Thứ Hai, 9 tháng 8, 2010

400 vợ quan chức hiến nửa tài sản làm từ thiện

Tiết kiệm, giảm mua quần áo

Hơn 400 phu nhân của các quan chức đã đăng ký hiến 1/2 tài sản để làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo trong toàn quốc. Tổng số tiền là bao nhiêu chưa được thống kê do  con số 1/2 biến động tăng liên tục. Chỉ biết rằng, ngay đợt đầu số tiền đã xây được 1 triệu căn nhà cho người nghèo, 1000 trường học, 100 cây cầu (vượt nhiều sông kiểu Poko)...

Các chị xin được giấu tên, vì làm từ thiện để lấy phúc chứ không lấy tiếng, cho biết: Đây là số tiền các chị ăn tiêu tiết kiệm, vun vén trong nhiều năm mới có được. Có chị còn nói: Nhiều khi thích cái váy đẹp mà không dám mua, đành ăn mặc thiếu vải ( như ảnh trên)...

Tích cóp nhiều năm nay mang ra cho người nghèo vì nghe nói để phúc đức cho con cháu quý giá hơn tiền bạc. Các chị thực hiện phương châm để lại cả hai cho chắc ăn, vì thế chỉ hiến 1/2 tài sản.

( Tin chưa kiểm chứng. Tham khảo www.vtc.vn/311./40-ty-phu-my-cam-ket-hien-nua-tai-san-lam-tu-thien.htm

 

--> Read more..

Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2010

Hồn nhiên như nhà văn

15 vị chấp hành
Cộng hàng ngang thành lục (1+5=6)
Lục sáu mặt xúc xắc mùa thu (1)
Ai Hòa thân ai sẽ Lưu gù ?

Văn chương ắt vào mùa phát lộc
Dăm Noben rõ sướng bố cu
Cùng sát cánh đừng một mình một ngựa
Là biển là sông chớ có ao tù....

Dàn đồng ca nhiều bè đừng hát nhép
Bài hát văn chương xin chớ tít đèn cù

(Minh họa và chú thích của Trannhuong.com)
 
 

 

 

 

 

Đại hội toàn thể Hội nhà văn lần thứ VIII đã khép lại, đã bầu ra được một Ban chấp hành có nhiều gương mặt mới để lãnh đạo Hội trong 5 năm mang tính bản lề và hứa hẹn nhiều đổi thay sắp  tới.

Điều đáng suy nghĩ là thông tin về Đại hội trên các trang báo, các trang blog cá nhân lại phản ánh một đại hội  dường như lộn xộn, nào là giành nhau phát biểu, phát biểu quá giờ, vỗ tay bảo xuống cũng không xuống, thậm chí lăng mạ nhau. Có nhà văn còn  nằm phục ở bậc tam cấp để lên phát biểu. Rồi các đại biểu xả rác vô tư, khiến người phục vụ phát mệt… Trong cái lộn xộn, nhốn nháo ấy tôi lại thấy có nét vui vui, đáng yêu, đó là các nhà văn giữ được nét hồn nhiên của mình, ngay cả đó là Đại hội, một sinh hoạt tập thể quan trọng vào bậc nhất của Hội, dù có quan chức nhớn đến dự hay báo chí săm soi. Ngày xưa, Lý Bạch mà không giữ được cái hồn nhiên đó ngay cả khi làm thơ trước mặt Đường Minh Hoàng thì liệu thơ ông có bất tử như vậy không nhỉ?!

Nếu nhà văn, nhà thơ mất đi cái hồn nhiên trong trẻo của mình, mất đi cái lương năng, lương tri, cái bản ngã của mình thì khó có thể có tác phẩm giàu tính nhân văn, phản ánh được hơi thở đẫm mồi hôi mặn mòi,  phản ánh được những bước chân nhọc nhằn của con người, của dân tộc trên con đường đi tìm hạnh phúc.  Nhiều nhà văn đã tiếc nuối những tác phẩm một thời nổi danh nhưng qua khỏi thời của nó là chết, là bán giấy cân vì nhà văn phải che giấu cái con người thực của mình, cái mà trái tim mình mách bảo. Xót xa thế… Bài học từ các nhà văn đàn anh  hẳn khiến cho nhiều người trăn trở.

Tuy vậy, muốn giữ được cái hồn nhiên như khi đi dự Đại hội lúc cầm bút, lúc ngồi trước trang giấy lại không dễ chút nào. Phải có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh văn hóa… mới có thể để cái hồn nhiên của mình được sống trên trang sách mà không sợ hãi, lo âu. Sống trong sợ hãi đã khổ, viết trong sợ hãi thì may lắm nó cũng chỉ cho ra xác chữ.

Bạn đọc mong lắm những tác phẩm thấm đượm tính nhân văn, trung thực, hồn nhiên và kỹ thuật cao, phản ánh sâu sắc tâm hồn Việt, của các nhà văn, vì nói gì thì nói cái cuối cùng người ta quan tâm vẫn là tác phẩm, và chỉ tác phẩm. Tác phẩm của anh thế nào, có hay hay không, có ý nghĩa gì với cuộc sống hay không mà thôi.

(Bài viết cho một tờ báo, mời cả nhà đọc trước và góp ý)

--> Read more..

Blog gặp hạn

Sau chuyến đi Đồng Hới về tự nhiên mình lại thích thú với blog hơn, hy vọng sẽ không để mốc như trước đấy nữa. Do đó, hôm nay mới loay hoay tìm một cái theme mới. Nào ngờ lâu ngày quên kỹ năng rồi, vừa post được cái hình đồi cát, thử một vài mầu thì quay lại cái cũ không được nữa. Bây giờ blog trông rất dở hơi, đồng bóng, và nát bét ra... Chán như "sư chửa".

Ai có bí quyết gì xin cứu chữa giùm!!! Thank U!!!

--> Read more..

Thứ Năm, 5 tháng 8, 2010

Thư giãn cuối tuần : S ti

 

 

Dỗ trẻ con cho sờ ti

Dỗ người lớn cũng khác gì trẻ thơ

Có điều người lớn ngẩn ngơ

Lại mơ cái chỗ trẻ thơ ra đời...

 

 

Dài lắm, nhưng nhớ được có thế, qua một cuộc nhậu. Mời cả nhà phát triển thêm nhé.

--> Read more..

Vụ Bắc Giang: Đã khởi tố, bắt tạm giam một cảnh sát

Một nguồn riêng cho biết, Cảnh sát Nguyễn Đức Nghiệp, nghi can vụ gây chết người gây biểu tình tuần trước, đã bị khởi tố bị can và bắt tạm giam. Trước đó, cậu này đã bị câu lưu. Nghe nói, bố của nghi can là một Kiểm sát viên, và cậu này đã có tiền sự đánh đương sự ở nơi khác... Cậu này cũng là nghịch tử, làm đau lòng bố mẹ lâu nay.

Ngoài ra, có bốn Cảnh sát liên quan vụ này bị tạm đình chỉ chức vụ.

Qua đó có thể thấy, luật pháp nghiêm minh, không bao che cho những kẻ ngông cuồng, coi thường pháp luật.

 

--> Read more..

Thứ Ba, 3 tháng 8, 2010

Hiện tại và hiện tại

Để nhận thức được giá trị của một tháng
Hãy hỏi bà mẹ vừa sinh con chưa đầy tháng tuổi.


Để nhận thức được giá trị của một tuần
Hãy hỏi biên tập viên tuần báo.


Để nhận thức được giá trị của một giờ
Hãy hỏi những người yêu nhau đang chờ cuộc hẹn.


Để nhận thức được giá trị của một phút
Hãy hỏi người vừa trễ một chuyến xe.


Để nhận thức được giá trị của một giây
Hãy hỏi người vừa trải qua tai nạn trong gang tấc.


Để nhận thức được một sao
Hãy hỏi người vận động viên vừa đoạt huy chương vàng Olympic

Hãy trân trọng mỗi phút giây bạn có
Hôm qua là lịch sử
Ngày mai là bí ẩn còn đó
Hôm nay là món quà của trời đất mà chúng ta có được
Đó là lý do chúng ta gọi nó là "hiện tại"
Hãy trân quý và tỉnh thức trong mỗi phút giây của hiện tại.

Hai tấm hình TORO chụp tại chùa Wat Yannava ( Bangkok- Thailand). Hoa trên không biết tên là gì, có bạn bảo đấy là Hoa Vô ưu (Sla la). Ai biết xin chỉ giúp...
--> Read more..

Thứ Hai, 2 tháng 8, 2010

Bac Bu




--> Read more..

Bác Bulukhin- một người chơi kỹ

Đôi câu đối, bác Bu chép lại từ đôi câu đối của gia đình hiện treo ở phòng khách. "Chu biên quốc trọng thân hầu mệnh/ Đường truyện gia truyền liễu tử danh"

Trước khi viết gì đó về Đồng Hới, Quảng Bình, tôi phải viết về bác Bu đã, bác là một blogger uyên bác, cẩn thận, chu đáo, chơi hết mình, nói theo cách nói của bác là "chơi kỹ".

Cái sự kỹ của bác thể hiện từ mỗi cái còm. Không phải như các đàn em tham ăn xổi, lướt ào ào, còm cho nhanh, cho nhiều. Bác Bu còm mang theo cả kiến thức, cả tâm tư... Quý lắm.

Vì cái sự tận tình của bác nên nhiều chị em làm nũng, cái gì không hiểu là hỏi, Tứ diệu đế là gì? Sao không có "tự ngã" mà lại có luân hồi? Sông Gianh, chữ Gianh là gì?... Toàn những câu hỏi vỡ đầu nhưng bác cặm cụi đọc đọc viết viết, hồi âm kỹ lưỡng. Nhà bác Bu như một thư viện nhỏ, hiện đã có 3000 cuốn sách, trong đó có rất nhiều sách quý. Chả thế lũ trẻ con nhà tôi đến thăm nhà bác Bu sướng mê.

Ngoài sự kỹ về viết blog, bác còn là một người anh, người bạn chí tình, ấm áp và chu đáo. Nữ blogger NTT vô Đồng Hới, bác đánh hẳn một xe taxi lên sân bay đón về nhà và lấy xe Honda chở đi khắp nơi, từ rừng phi lao đến đồi cát để chụp ảnh...

Một nữ blogger khác từ miền  Nam ra bác cũng tiếp đón chu đáo và giao cho một xe máy để khám phá Quảng Bình.

Cổng nhà bác Bu

Tôi hẹn vào Đồng Hới mấy lần với bác mà mãi cuối tuần rồi mới có duyên, trở lại Đồng Hới. Vì đi cả đoàn nên không dám báo giờ tàu. Vừa xuống xe, tôi gọi điện chào bác, 10 phút sau bác đã chạy đến. Sau khi ăn sáng xong, anh em kéo đến thăm nhà bác Bu.

Nhà bác Bu ở một khu phố yên tĩnh, nhà đẹp lắm, có bốn mặt thoáng. Có sân, có non bộ , có cây cảnh và một vườn phong lan nhỏ, có hệ thống phun hơi nước.

Bác Bu có con trai là một kiến trúc sư trẻ, có Công ty riêng tại Sài Gòn nhưng ngôi nhà đẹp này do chính bác Bu thiết kế, không cần đến ông con. Nhà thoáng mát, duyên dáng và hết sức đầy đủ tiện nghi.

Nhà bác có cái tủ lạnh rất to, Bác Bu bảo, tủ lạnh to để bạn bè, khách khứa vào chơi có chỗ chứa thức ăn  và nhiều khi anh em đi chợ mua tôm, cá có chỗ tích trữ để bảo quản rồi mang về chứ. Quả thật, vô số văn nghệ sĩ nổi danh và chưa nổi danh ở đất nước này đã là khách nhà bác Bu.

Bác dẫn tôi đi thăm nhà và bảo: Đây tôi chuẩn bị sẵn phòng cho ông, có điều hòa, có quạt phun hơi nước chống muỗi, một phòng riêng. Cũng chuẩn bị sẵn một xe máy để ông đi chơi đây.

Sân vườn nhà bác Bu

Trưa hôm sau, bác lấy xe đưa tôi những nơi NTT đã đi.. Trời nắng như đổ lửa, cát trắng nóng bỏng chân nhưng bác Bu rất vui. Bác bảo: "Có ông vào tôi mới đến chỗ này đấy, lần trước NTT chưa đi đến đoạn này".

Bác chơi được kỹ như thế bởi vì bác có một hậu phương quá tuyệt. Chỗ dựa tuyệt đối của bác Bu là bác Bu gái. Một cô gái thôn Vĩ Dạ, Huế rất đẹp ( xin xem ảnh trên blog bác BU ) theo bác từ năm 21 tuổi, và ngây thơ, trong trẻo, yêu bác suốt cho đến bây giờ. Khách đến, phu nhân đi làm, bác gọi điện hỏi: Mẹ mẹ, nước khoáng mặn để đâu, bố tìm không thấy... Tiễn khách ra cổng, nhờ bác gọi taxi, bác loay hoay một lúc rồi lại bấm điện thoại: Mẹ gọi cho bố một xe taxi bảy chỗ đến cổng nhé. Thế là có xe ngay. Khi bác Bu đưa tôi đi chơi, đến bữa trưa, bác gái đang ở Huế thăm gia đình cũng gọi về. Dừng xe giữa đường  bác Bu trả lời oang oang: Bố đang đưa cha Kh đi chơi... ừ ừ, biết chỗ ăn rồi. Bảng điện hỏng, thợ chưa chữa được. Ừ, ừ nhớ rồi, nhớ rồi...

                               Bác Bu nghe vợ chỉ đạo...

Ở Đồng Hới có ba ngày, buổi tôi đầu tiên bác Bu dẫn bác gái đến rủ đi ăn. Tối hôm sau bác Bu lại dẫn bác gái đến cho quà và nói: Mai chị vô Huế, nên cô chú về chị không tiễn được, chị chào cô chú trước. Cả đời mình mới gặp lần đầu mà bác gái chu đáo, chân tình đến thế đấy. Tôi trêu: bác Bu có nhiều nữ blogger hâm mộ lắm, bác có lo không? Chị cười hồn hậu: Không sao, miễn anh vui là được. Chị nói tuyệt không có một mảy may xã giao nào.   

Bác Bu và bác gái rủ đi ăn tối

Hai anh em đi thăm Lũy Thầy xong qua đồi cát, vòng về Quảng Bình quan. Chụp hình xong vào một quán ăn nhanh liền đó. Bác Bu chỉ sang tòa nhà đối diện và bảo: Ngân hàng cô Hà ( bác Bu gái) làm đó. Mấy lần cô ấy dẫn tôi đến đây nên nói thiệt, tôi biết mỗi quán này... He he.

Vừa ngồi yên vị, bác Bu nhắc ngay: ông gọi cho PNH đi. Cha này nói giọng Bắc, tính cách nhẹ nhàng thâm trầm kiểu Bắc mà chưa ra Bắc lần nào. Gọi đi... Tôi gọi và bác Bu lấy máy ảnh ra. Bác bảo: Tôi và cô Hà đã uống cà phê chim với PNH, vui lắm ông ạ...

Bác Bu để máy tính trên gác, mùa hè ngồi trên gác nóng bức, bác gái sắm ngay cho một laptop nhỏ gọn để anh ngồi dưới nhà cho mát mẻ. Quần áo, đồ dùng, tất tần tật đều do vợ  sắm sửa lo toan nên bác Bu tha hồ phát huy sở trường đọc sách, ngâm thơ, nghiền ngẫm kim cổ đông tây. Chả thế mà vốn là một kỹ sư cầu cống, bác Bu trở thành nhà nghiên cứu giữ cương vị Trưởng ban của Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình nhiều nhân tài hội tụ...

Không có bác gái, chắc hẳn không bác Bulukhin hôm nay.

**

Tôi biết bác Bu được nhiều bạn bè yêu quý, nhưng chưa mấy người được gặp cũng như đến nhà bác ở Quảng Bình nên làm entry này để chia sẻ với cả nhà, tuy chỉ là những nét phác sơ sài...

 

--> Read more..

Bác Bu




Trước khi viết một bài về Đồng Hới, tôi phải viết mấy dòng về bác Bulukhin, một nguwoif Đồng Hới tuyệt vời đã mới yên lòng. Chưa viết về bác thì chưa dám viết cái khác...
--> Read more..

Anh Rô




Một vài ảnh về Rô từ lúc 1 tuổi đến nay
--> Read more..

Flags

Flag Counter