Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010

Dấu xưa Kinh Bắc



Ẻn trước làm các bác quan tâm đến văn vật buồn lòng, em cũng ngại quá. Lỡ ra, các bác chán, chả thèm ra Bắc chơi nữa thì nguy. Vì vậy, hôm nay xin mời bác đi một vòng sang quê hương cụ Lý, nhân lễ hội ngàn năm.

Ở đây, xứ Kinh Bắc có Đền Đô ở làng Đình Bảng, thờ Lý triều bát đế, có những ngôi chùa đặc biệt cổ kính, cổ kính đến thế nào mời các bác coi trên Google, em chỉ xin đưa hình ảnh.


Đền Đô
Cổ Pháp triệu cơ




Đức phối càn khôn


Anh minh kiệt xuất

Lý triều cường thịnh

Một trong tám án thờ

Thủy đình trước khu Đền Đô

Thăm Đền Đô xong ta có thể lên Tp Bắc Ninh gần đó ăn trưa và nghe Quan họ.

Có trầu mà chả có cau/ Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm...


Người ơi... người ở đừng về...

( Còn nữa)

--> Read more..

Thứ Hai, 27 tháng 9, 2010

Dấu xưa ở hà Nội


Sát ngày đại lễ thành phố của ta tròn 1000 tuổi, xin thể hiện lòng hiếu khách bằng vài phóng sự ảnh, để các bác cùng chia sẻ.

Hà Nội có bề dày lịch sử nên nhiều di tích, đình chùa, miếu mạo. Tuy nhiên, những di sản đó đang gặp một tai họa mới, đó là sự tân trang vô tội vạ. Có thể nói nhiều công trình tốn kém nhưng hậu quả/ hiệu quả không lường. Tam quan Đình Kim Liên giống Tam quan Chùa Láng; Cổng chùa Trấn Quốc bị phá dỡ, xây kiểu mới hoàn toàn... chỉ là những ví dụ nhiều người nhắc đến.

Tớ xin đưa thêm vài hình ảnh qua góc nhìn của mình.



Ngay sau Bến xe Kim Mã, cách chùa Kim Mã mà các bạn Bình Định đang quan tâm 100 m, là Lăng mộ Bố cái Đại vương Phùng Hưng. Người ta vừa khánh thành nhà thờ Cụ bên cạnh Lăng. Điều đó thật phù hợp.



Tuy nhiên, trông khu Lăng mộ quá mới và đặc biệt là dòng chữ Hán: "Năng Bố Cái Đại Vương " quá cẩu thả, nguệch ngoạc và tệ hại hơn là sai chính tả... Đề nghị Bác Bu đọc hộ xem chữ Năng đó là gì?!
 Hà Nội thiếu gì người viết chữ đẹp mà họ lại để tồn tại tình trạng này nhỉ? Không biết họ quan tâm đến gì khi tân trang khu di tích đặc biệt này.


Trên một ngõ nhỏ ở Võng Thị, ven Hồ Tây, một ngôi chùa cũng đang được gấp rút tân trang...





Những ngõ nhỏ êm đềm xưa cũ như thế này không biết còn tồn tại được bao lâu nữa...








Mình phải đi chụp một bộ ảnh để 50 năm sau mang triển lãm mới được.

--> Read more..

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

Ngũ thập lai hy

                              Mùa thu...

Nhiều người chúc sinh nhật, chợt thấy vui vui và chợt nhận ra  mình đã già thêm một tuổi.

Một anh bạn trêu  bằng bài vè " Nói với vợ"

Sống đến ngũ thập lai hy
Nửa sau khuyến mại còn gì nữa đâu

Của em cấu mãi không đau
Của anh mềm oặt cãi nhau làm gì...

Nghe vừa tức vừa buồn cười. May quá, tớ mới U 50.
Ha ha...

Chúc cả nhà cuối tuần vui vẻ nhé!!



--> Read more..

Đi xế hộp mua nhà dành cho người nghèo



 Đọc các bài trên báo chí gần đây về chuyện nộp đơn mua nhà tại Chung cư cao tầng Ngô Thì Nhậm, Hà Đông mới thấu hiểu nỗi vất vả của người dân và cái khó của người thực thi nhiệm vụ và nỗi bi hài  của cảnh đi xếp hàng nộp hồ sơ...  Chỉ có 328 căn hộ nhưng đã có đến 1890 hồ sơ xin mua.

Điều trớ trêu là trong đoàn người đi nộp hồ sơ kia có nhiều người đi ô tô đắt tiền, có chiếc xe tiền tỷ. Đi ô tô xịn mà xếp hàng mua nhà của người nghèo là sao?


Điều đó cho thấy vì cái lợi mà họ bất chấp tất cả. Có thể nào người no đủ, giàu sang chen chân vào chỗ có nồi cháo bố thí không? Có thể nào người giàu có cũng vờ nghèo khổ để vào nhà thương làm phúc, để được ăn, được chữa bệnh không mất tiền không? Nhiều người vì lòng tham có lẽ cũng muốn lắm nhưng vì sĩ diện, vì liêm sỉ, vì đạo đức… họ không dám làm như thế.

Bây giờ, người ta dám ăn cả tiêu chuẩn cứu trợ người bị thiên tai, vay chặn tiền của khoản quỹ dành cho hộ nghèo, đi ô tô xếp hàng mua nhà dành cho người nghèo. Điều đó như mũi dao xoáy vào đạo đức và liêm sỉ của xã hội.

Sự mất chuẩn mực sống mới là điều đáng lo ngại, lo ngại hơn cả sự thiếu thốn về vật chất hiện nay. Nếu không có biện pháp nào ngăn chặn sự vụ lợi bất chấp tất cả này thì chương trình nhà ở cho người có thu nhập thấp với dự kiến đến năm 2015, Hà Nội sẽ xây dựng khoảng 15.500 căn hộ, khó có thể thành công.

Gay lắm các bác ạ!

--> Read more..

Thứ Ba, 14 tháng 9, 2010

Đường... không tới Thăng Long




Bộ phim "Lý Công Uẩn - Đường tới Thăng Long" dường như sẽ không đến được Đại lễ Thăng Long - Hà Nội 1000 năm. Việc dừng lại này là chính đáng, thể hiện lòng tự tôn dân tộc và thận trong trước văn hóa ngoại lai. Mất văn hóa là mất tất cả.




Chúng ta dễ thông cảm với nhà làm phim, vì ta chưa giỏi làm phim lịch sử, trong khi đó Tàu quá giỏi môn này. Tìm thầy cũng là phù hợp ở khía cạnh đó. Nhưng họ đã không lường hết được hậu quả của việc tìm thầy ngoại, diễn viên, bối cảnh ngoại này.




Tôi thì tiếc cho non nước Ninh Bình đẹp như trong mộng, tiếc cho  đền đài miếu mạo và văn hóa Quan họ tuyệt vời không có cơ hội vào phim để quảng bá và tôn vinh.



Cái thực của ta đẹp như thế, sao không viết kịch bản để khai thác hết cái ta đang có đó nhỉ?

Không phải cái gì ngoại cũng hơn nội, bài học về sự thất bại của bộ phim này một lần nữa nhắc nhớ điều đó.






--> Read more..

Thứ Ba, 7 tháng 9, 2010

Bướm và Hoa



Hà Nội đã trang hoàng để chào đón Đại lễ 1000 năm Thăng Long, Hà Nội.
Thay vì cổng chào nhiều ì xèo bị dẹp tiệm, bây giờ các cửa ngõ Thủ đô đều trưng Bướm và Hoa. Ai nghĩ ra sáng kiến này hay thật, vừa rẻ vừa gợi cảm, ai cũng thích...







Hà Nội, bướm và hoa... Slogan này được không các bác?! Nếu thấy hấp dẫn thì ra thăm Thủ đô đi, các bác ơi!!
--> Read more..

Thứ Hai, 6 tháng 9, 2010

Thôn dã giữa đô thành



Buổi chiều phải qua Gia Lâm, lúc trở về chiều đã tà, chợt thấy bãi giữa sông Hồng như một cánh đồng quê xa lắc. Khói đốt cỏ nghi ngút hòa với nền trời đầy sương mù, những người nông dân nhỏ xíu thấp thoáng xa xa... trông thật gợi cảm. Nếu không có bóng cây cầu Long Biên thì không ai ngờ rằng cảnh thôn dã hoang sơ nằm giữa đô thành Hà Nội.



Tiện máy bấm luôn cả mấy con thuyền nhỏ. Thuyền cũng đơn sơ nghèo khó như bất cứ bến sông nào.




Bấy lâu công việc thường nhật cuốn chúng ta đi, rảng một lát là cà phê và nhậu, quên mất cả thiên nhiên xung quanh. Mùa thu đã sang, sắp đến Trung thu rồi mà ta quên mất cả mùa thu.

Bận quá, đến quên mất cả phần thiên nhiên trong con người mình. Gay thế!!

--> Read more..

Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2010

Vừa xấu vừa hôi

 Cậu con trai TORO, sắp khai giảng lớp 1, mới qua ít ngày học hè để làm quen với trường với cô... Hôm qua ngồi dạy con cầm bút sao cho đúng cách. Nó bảo:

- Bạn ngồi cạnh con toàn cầm bút sai bố ạ.

- Thế à, cô giáo sẽ dạy bạn cách cầm bút cho đúng.

- Đã thế bạn ấy lại rất xấu, người lại hôi nữa.

- Bạn trai hay bạn gái hả con? Thấy hấp dẫn quá, mình khai thác ngay.

- Bạn gái ạ... 

- À, chắc bạn này đi học mệt quá, quên tối qua không tắm đấy.

- Không, con hỏi rồi, bạn ấy bảo có tắm nhưng vẫn bị hôi.

Nhìn bộ mặt ngây thơ, đau khổ của cu cậu tôi rất buồn cười và bảo: Khổ thân con, bố sẽ nói với cô giáo. Cô sẽ đổi cho con một bạn vừa xinh vừa thơm nhé!!

"Vừa xinh vừa thơm"... Nhiệm vụ mình tự giao cho mình thật nặng nề.

 

--> Read more..

Thứ Năm, 2 tháng 9, 2010

Mang tiền nộp phạt khi đốt vàng mã

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ nay, nếu đi lễ đền Bà Chúa Kho hay đi thăm mộ, nhà có đám tang… phải đốt vàng mã, rải vàng mã ra đường, bạn phải mang theo tiền để nộp phạt, có thể phạt đến 10 triệu đồng chứ không phải ít. Lý do là Nghị định mới của CP có hiệu lực từ 1-9 quy định như thế.

Bấy lâu nay, vàng mã phát triển như nấm sau mưa; lễ hội bùng phạt khắp cả nước… tịnh không thấy ai chấn chỉnh. Điển hình như Đền Bà Chúa Kho, Bắc Ninh, mỗi ngày đốt cả tấn vàng mã mà không thấy ai  ngăn chặn; các đám tang có tục rải “ vàng thoi”, tiền lẻ thật cũng chả ai bảo thế nào… Bây giờ, đùng một cái, ngăn chặn, xử phạt thế này tôi e những ngày đầu thực hiện sẽ không đủ cán bộ đi lập biên bản và viết giấy phạt.

 

Và có nhiều tình huống lách nghị định cần được dự liệu trước:

-Dân chỉ cúng vàng mã thôi, nhưng không đốt, liệu có phạt không? Họ sẽ mang vàng mã đến cúng xong, để mặc nhà đền. Nhà đền có “tiêu hủy” không? Nếu nhà đền đốt thì có phạt không? Không đốt thì xử lý thế nào?

-Nếu phạt cả người mang đến cúng vàng mã, thì có phạt người bán không?

-Phạt người bán thì có phạt nguời sản xuất không? Trong các hàng hóa chịu thuế của ta có “vàng mã” đấy.

Tóm lại là tôi rất lo cho cơ quan xử phạt và cả người dân đi lễ mà tâm tâm niệm rằng phải đốt vàng mã cúng thần thánh, ông bà mới yên lòng…

Ý kiến các bác thế nào, xin hiến kế.

Mời cả nhà tham khảo thêm bài trả lời PV của GS Ngô Đức Thịnh, nguyện Viện trưởng Viện Văn hóa về vấn đề này.

 

-          

Nghị định 75/2010 NĐ-CP“quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa”

“KHÔNG THỂ CẤM NGAY BẰNG MỘT SẮC LỆNH”

Ngày 1/9/2010, Nghị định 75/2010/NĐ-CP ngày 12/07/2010 “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa” chính thức có hiệu lực thi hành. Việc người dân đốt đồ vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử-văn hóa, và nơi công cộng khác sẽ bị phạt tiền, thậm chí việc rải vàng mã trong đám tang cũng sẽ bị xử phạt được quy định tại nghị định này đang tạo ra những ý kiến trái chiều. Để rộng đường dư luận, Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trao đổi với GS Ngô Đức Thịnh- Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn,Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam- về vấn đề này.

ĐS&PL: Xin GS cho biết tục lệ đốt vàng mã của người Việt có từ bao giờ?

G.S Ngô Đức Thịnh: Cho đến nay, vẫn chưa có một tài liệu nào cho thấy thời điểm xuất hiện việc đốt vàng mã ở nước ta, nhưng chắc chắn điều này đã tồn tại từ hàng trăm năm do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Tuy nhiên, quan niệm người chết không phải là hết, chia của cho người chết ở ta cũng đã có từ rất lâu đời rồi. Đến nay, người Tây nguyên không chịu một chút nào văn hóa Trung Hoa, nhưng vẫn tiến hành tục chia của cho người chết trong lễ bỏ mả, song họ không có tục làm đồ mã mà dùng chiêng ché, đồ dùng thật hàng ngày chôn theo người chết (tục chôn đồ tùy táng). Nói như thế để thấy, tục đốt đồ vàng mã là một hành động mang tính nghi lễ, nó có cơ sở nhận thức chứ không phải một hành động vu vơ

Tuy nhiên, xã hội hiện nay đang tồn tại 2 quan niệm, đồ mã và đồ vàng mã. Đồ mã có bao gồm vàng mã hay không và vàng mã có bị cấm không?.Để tránh gây tranh cãi và thuận cho việc thực thi luật pháp, trước tiên chúng ta cần phân định rõ khái niệm về đồ mã vì theo như tôi biết thì có nhiều người đang hiểu là cấm đốt đồ mã chứ không cấm đốt vàng mã. Trên thực tế, đồ mã là khái niệm chỉ chung những đồ làm bằng giấy và có thể đốt đi được. Nó liên quan đến một quan niệm, muốn người âm nhận được thì đồ lễ phải được đốt (hóa) sau khi dâng cúng. Vì thế đồ mã không thể làm bằng gỗ hay vật liệu khác. Đồ mã chính là những thứ vật dụng như nhà, xe, voi ngựa, đồ đạc, hình nhân…bằng giấy, còn vàng mã là những thỏi vàng, bạc hay tiền địa phủ (sau này người ta in giống như tiền thật)

Ở đây còn một vấn đề khác cần phải xác định rõ là quan niệm về lễ hội? Một nhóm người tập trung lại và cùng nhau thực hiện một nghi lễ nào đó thì có được coi là lễ hội không? Tôi cho rằng, ngay một gia đình, một dòng tộc tập họp nhau lại để tiến hành một nghi lễ nào đó với tổ tiên cũng đã là lễ hội rồi, vậy thì cấm đốt vàng mã, đồ mã ở lễ hội làng, vùng, cả nước, còn loại thờ cúng mang tính gia đình thì sao ?

ĐS&PL: Được biết trong giáo lý đạo Phật không chủ trương đốt vàng mã, song việc đốt vàng mã đang tồn tại như một “nghi thức” không thể thiếu của người dân trong mỗi dịp lễ trọng. Vậy vàng mã có được coi là một sản phẩm của văn hóa tín ngưỡng không, thưa GS?

GS Ngô Đức Thịnh: Trước nhất cần nói rõ, không thể đồng nhất Phật giáo với dân tộc, đồng nhất nghi lễ Phật giáo với nghi lễ toàn dân tộc, mà Phật giáo chỉ là một bộ phận, một sắc thái văn hóa trong dân tộc mà thôi. Do vậy không thể áp đặt nghi lễ của Phật giáo cho toàn dân tộc !

Như tôi đã nói, hành động đốt vàng mã là một trong các nghi lễ, mà nghi lễ nào cũng có cơ sở nhận thức và được thực hiện trên một nền tảng quan niệm vững chắc, trở thành một tập quán.xã hội. Tín ngưỡng chính là việc người ta tin vào một lực lượng siêu nhiên, như hiện tượng linh hồn chẳng hạn. Người ta tìm mọi cách để liên hệ với cái siêu nhiên đó. Vì thế con người đốt hương và tin rằng, những lời cầu khấn sẽ theo khói hương bay lên tới linh hồn tổ tiên, thần, Phật. Đồ vàng mã cũng vậy, dân gian quan niệm, chết không phải đã hết mà linh hồn tồn tại ở một thế giới siêu nhiên nào đó nên họ tư duy “trần sao âm vậy”, có nghĩa là người sống cần có gì, người âm cũng cần có cái đó. Bằng rất nhiều cách người sống cố gắng liên hệ với thế giới linh hồn. Họ đốt tiền, vàng mã là để tin rằng người chết cũng có được cuộc sống đủ đầy. Vì thế, đồ vàng mã khó có thể tách rời khỏi văn hóa tín ngưỡng của người Việt.

Tuy nhiên, việc đốt vàng mã cũng nên quy định theo mức độ, đúng với bản chất của nó. Ở nhiều nơi, việc đốt vàng mã đang bị người ta thực hiện một cách thái quá vì cho rằng, dâng cúng càng nhiều thì càng được thánh thần hay người âm phù hộ. Thực chất, đây chỉ là sự “phô trương” với người trần, hơn thế nữa là để thỏa mãn thói thường “con gà tức nhau tiếng gáy”, dẫn đến sự lãng phí tiền của một cách không cần thiết, điều này đáng phạt.

ĐS&PL: Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng dân gian, theo GS việc xử phạt hành vi đốt vàng mã sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đời sống văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng?

GS Ngô Đức Thịnh: Bạn nghĩ thế nào nếu cấm người dân đi bán buôn trong nền kinh tế thị trường? cấm người theo đạo kito ăn bánh thánh và giáo dân thiên chúa đi lễ nhà thờ, cấm lễ cầu siêu trong Phật giáo? Nói như vậy để thấy, trong tín ngưỡng có một số nghi lễ cần thiết và việc ngăn cấm thực hiện là một vấn đề khá nhạy cảm. Chẳng hạn, cho thờ cúng tổ tiên nhưng lại không cho thực hiện việc dâng cúng quần áo, tiền vàng vì là đồ vàng mã? Đạo mẫu được coi là một tín ngưỡng và được luật pháp bảo vệ nhưng lại bị cấm lên đồng trong khi lên đồng là một nghi lễ quan trọng nhất của Đạo Mẫu?

Mâu thuẫn là ở chỗ, quy định cấm hoạt động lên đồng nhưng vẫn cho thực hiện nghi lễ cầu siêu, trong khi cầu siêu chính là một nghi thức theo quan niệm có tồn tại linh hồn. Việc thực hiện nghi lễ cầu siêu là để cầu cho các linh hồn đó được siêu thoát, một hành vi mang tính nhân văn, và lên đồng cũng vậy, người ta quan niệm các vị  thần như Đức Thánh Trần, Mẫu Liễu Hạnh… cũng có linh hồn và các Ngài nhập vào các thân xác ông đồng, bà đồng thì lại bị cấm?!

Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện bằng nhiều nghi lễ và tự do tín ngưỡng là một trong những quyền cơ bản của con người, hơn nữa nghi lễ có  nguồn gốc từ nhận thức nên theo tôi, muốn thay đổi hành động đó thì phải thay đổi từ chính nhận thức của người hành lễ.

ĐS&PL: Dường như quy định và tính khả thi không có dấu hiệu tỷ lệ thuận, thưa GS?

GS Ngô Đức Thịnh: Không thể bằng một sắc lệnh mà có thể cấm ngay được những nghi lễ tín ngưỡng, vấn đề là nhận thức của con người. Theo truyền thống việc rải vàng mã trong đám tang người chết có ý nghĩa đánh dấu đường cho linh hồn người chết trở về. Nếu đốt vàng mã trong lễ hội, chính quyền tiến hành xử phạt đã khó thì việc xử phạt hành vi rải vàng mã trong đám tang lại hết sức nhạy cảm. Dùng vàng và đồ mã khối lượng nhiều, rải vô tội vạ là hành vi đáng lên án, nhưng nếu lấy lí do làm bẩn môi trường thì không thuyết phục cho lắm. Thành phố đang ngập ngụa rác thải từ nhiều nguyên nhân khác chứ không phải là từ việc rải vàng trong các đám ma.

Để luật pháp đi vào cuộc sống là việc làm cần thiết nhưng cần có thời gian tuyên truyền để người dân nhận thức được vấn đề và có hành vi phù hợp truyền thống chứ không thể tiến hành ngay từ ngày mai được. Chúng ta nên giao trách nhiệm này cho chính những địa phương, đơn vị, cá nhân quản lý di tích, văn hóa và cơ quan tổ chức lễ hội để định hướng, tuyên truyền cho người dân về các nghi thức hành lễ phù hợp với dân gian. Nếu cứ nhất nhất “ép” ngay vào lề lối, rất có thể sẽ lại nảy sinh tiêu cực, thậm chí người dân sẽ “nhờn” luật pháp.

--> Read more..

Thứ Tư, 1 tháng 9, 2010

Đáng suy nghĩ

Không nên ăn theo hiện tượng Ngô Bảo Châu, nghĩ thế nên tôi chưa viết dòng nào về nhân vật rất đáng trân trọng và tự hào này. Tuy nhiên, khi dư luận đã lắng xuống, tôi xin ghi lại vài câu trong bài phát biểu của GS Ngô Bảo Châu mà tôi thấy rằng rất đáng suy ngẫm vì nó thật sâu sắc.

"Trong hầu hết các gia đình Việt Nam, việc học hành vẫn được coi là quan trọng nhất nhưng tình yêu trí thức, yêu khoa học trong suy nghĩ chủ quan của tôi vẫn là sự hiếm hoi."

 

"Nếu không có sự đoàn kết, tình yêu thương lẫn nhau cùng tinh thần nghiêm khắc không bao che những yếu kém về học thuật thì toán học Việt Nam cũng như các ngành khoa học khác không theo kịp bất kỳ một cơ hội nào để tiến bộ".

 

"Môi trường khoa học lành mạnh chính là nơi học thuật và đạo đức trong học thuật được luôn xếp ở vị trí đầu tiên cùng với sự bình đẳng trong các nhà khoa học không phân biệt già trẻ cũng như sự tự do tuyệt đối trong nghiên cứu khoa học".

 

"Nhiệm vụ của nhà khoa học không chỉ đơn thuần là chuyên môn mà còn bao gồm việc đem đến cho những người trẻ tuổi, không kể xuất xứ, không nhất thiết phải là người thân, cái cơ hội để tiềm năng của họ được phát triển, trong khoa học, và rộng hơn là trong cuộc sống".

--> Read more..

Flags

Flag Counter