Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Vỡ bát hương


Bác  ngochieppham ngochieppham có bài "Nuôi cá" nói về chuyện lo lắng những điềm xấu của nhiều người hiện nay, nhân đây tôi kể lại một câu chuyện trong nhà để các bác tham khảo.

Tôi có ông chú mua đất làm nhà. Ngày chuẩn bị khánh thành, cúng nhập trạch, ông ra chợ mua bát hương. Mua xong về lau rửa sạch sẽ, lấy cát sạch cho vào và đưa lên bàn thờ. Sáng hôm sau, cái bát hương tự nhiên vỡ đôi. Lạ thế...



Cả nhà xúm vào hỏi mua của ai, có xem kỹ không?

Chú tôi bảo ra chợ thấy bà K ngồi bán chả ai mua nên mình mua giúp bà ấy.

Cả nhà lại ồ lên bàn tán, ai lại mua của cái bà ấy. Phải chọn người bán đàng hoàng, có con cháu khá giả mà mua chứ. Chả là hai vợ chồng bà K này không có con, bà ấy đáo để lắm, lũ trẻ con hay trêu chọc... Chú tôi chắc cũng lo nhưng bảo, chả sao, để tôi đi mua cái khác.

Chuyện chưa hết, chiều hôm đó có hai con chim đâu cứ bay lạc vào trong nhà. Quẩn lại không đi... Phải xua đuổi mãi nó mới thoát ra được.

Ối trời, lại sắp có chuyện gì rồi, "chim sa cá nhảy" không hay đâu...

Đã 20 năm trôi qua, nhà chú tôi ngày càng khá giả. Ông bà khỏe lạnh, con đàn cháu đống, con nào cũng có cả đống tiền...

Như vậy là vỡ bát hương và chim lạc vào nhà trong trường hợp ông chú tôi không phải là điềm xấu.

--> Read more..

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Hoa đào mùa thu



Trời mưa tầm tã, loa phường ra rả: Mời các cụ đã có giấy mời đến tầng 3 trụ sở ... để làm lễ mừng thọ. Mừng thọ! Mình cứ tưởng nghe nhầm...

Năm mới cho người ta thêm một tuổi, vì vậy sau mừng Năm mới, người ta chúc thọ các cụ cao niên. Xuân gắn với thọ, những chữ " Xuân đài, thọ vực", "Cõi thọ đền xuân"... là những chữ dùng để chúc thọ. Như hoa đào chỉ đẹp vào dịp năm mới, mùa xuân, đón Tết thôi. Giả sử giữa mùa thu có hoa đào thì cũng chả ai muốn mua...



Vì thế, vụ chúc thọ cuối thu này như hoa đào lạc mùa.

Họ chúc thọ các cụ vì hôm nay là ngày Người cao tuổi thế giới. Hii... Hội nhập nhưng vụ này chả ăn nhập tý nào.

--> Read more..

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Tượng đài xứ người



Tượng đài Andecxen
, thật thân thiện với trẻ nhỏ và bạn đọc nói chung

Tượng đài VN đã được phê bình nhiều, căn bệnh phổ biến này ngày càng to nhưng không đẹp vì nặng sao chép, rập khuôn, thiếu cá tính... Nhân chuyện sắp có tượng đài BMVNAH ở Quảng Nam, mời cả nhà ngắm vài bức tượng đài nước ngài, cả Tây và Tầu cho vui...



Tượng đài Nevada, mất mát trong chiến tranh thể hiện thật chân thành



Liệt sĩ vô danh nên là tượng đài một tấm đã chìm, thấp hơn mặt bằng nhưng hy sinh của họ như ngôi sao không ngừng cháy...


Tấm biển dưới chân tượng ghi: Chúng ta kính trọng cả những hy sinh như thế này. Bức tượng gợi hình ảnh mẹ và con chia sẻ nỗi đau mất cha, mất chồng trong chiến tranh, bên cạnh là quốc kỳ gấp lại...




Những người sáng lập Kiev


Lot Angeles, hình ảnh một người đàn ông đang căng thẳng


Pháp, ước mơ của hai mẹ con thật bay bổng


Tàu, tượng Trương Khiên và con đường tơ lụa



Đức, hình như muốn nói đến sự giải phóng khỏi xiềng xích


Mỹ, một cô gái Việt bên tượng đài trong Công viên.

--> Read more..

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Yêu đến nỗi trong lòng run rẩy mãi Phút thiêng liêng thức tỉnh lại bao điều Nhìn thấu suốt nhỏ nhoi và vĩ đại Càng yên lòng rõi tới đích mình theo.

--> Read more..

Hóng chuyện bác Bu và bác PNH về tháp Chăm







Đại tháp Kesariya

Đọc một lèo hai bài mới thấy bác PNH đã bỏ công sức làm một nghiên cứu thật công phu. Em chỉ hỏi một câu sơ sài cho vấn đề quá lớn mà bác cho bài này, bác Bu lại tiếp tục nghiên cứu nữa thì đúng là em "Thao chuyên dẫn ngọc" ném hòn ngói đi lấy hòn ngọc về.

Tháp Chăm Phố Hài - Phan Thiết

Ngoài những thông tin quý giá bác PNH cung cấp như tháp Chăm VN có trước và nguồn gốc người Chăm thì vẫn còn câu hỏi lớn về tác giả đích thực của kỹ thuật xây tháp gạch không có vôi vữa mà cả ngàn năm viên gạch vẫn tươi mới đó.

Tháp đá ong ở Siêm Riệp

Em rất chú ý đến ý kiến của TS Nguyễn Hữu Thông, Viện nghiên cứu Trung bộ đưa ra giả thiết, những nhà buôn Ấn độ đã mang theo thợ từ chính quốc sang xây dựng đền tháp này, bởi lẽ nếu là kỹ thuật của cư dân bản địa thì phải có những kiến trúc khác sử dụng loại gạch này. Hơn nữa, gốm bản địa như Bầu Trúc cho đến nay vẫn không có bàn xoay và lò nung.

Tháp gạch ở Angkor Thom

Vì ý kiến này mà em tìm về Ấn Độ xem họ có những tháp tương tự hay không?! Tìm mãi mới thấy thông tin về Đại tháp Kesariya là ngôi tháp tưởng niệm những ngày cuối cùng của Đức Phật Thích Ca, được Vua Chacravarty xây vào thế kỷ thứ 5 và hiện vẫn được coi là ngôi tháp gạch cổ cao nhất thế giới. Tháp đã thấp hơn nhiều so với nguyên gốc, do một trận động đất. Đỉnh tháp đổ sập, gạch, đá vương vãi quanh chân tháp. Bức tường gạch vẫn tươi mới, dù dầm dãi mưa nắng đã hơn hai ngàn năm, gợi nhớ đến tháp Chăm VN.

Trong bài Viên gạch “Chăm” ở Bihar, Ấn Độ - Ký sự của Nguyễn Trung Hiếu trên Báo Lao Động, tác giả nêu ý kiến tương tự ý kiến của TS Thông. Đó là Giáo sư M.G Prahlad ở Đại học Ngoại ngữ Hyderabad nhận định rằng: “ Kiến trúc gạch phục vụ tôn giáo của vùng Đông Nam Á cổ đại trong những thế kỷ đầu sau công nguyên đều chịu ảnh hưởng từ Ấn Độ”. Ông giải thích: Giới tăng lữ mang tôn giáo đến, tất yếu phải mang theo cả tập quán xây dựng đền tháp thờ cúng các vị thần. Vì vậy từ Campuchia, Lào, Myanmar và cả Phù Nam, Chămpa… trong quá khứ đều bị ảnh hưởng sâu sắc kỹ thuật chế tác vật liệu và phương pháp xây dựng từ Ấn Độ là điều không còn tranh luận trong giới chuyên môn.

Tuy nhiên đến đây lại nảy ra câu hỏi, vậy Ấn Độ ngày nay có còn giữ được phương pháp xây tháp với kỹ thuật làm gạch đặc biệt đó không? Nếu họ đích thực là tác giả thì tại sao họ không có nhiều đền tháp gạch như ở Mỹ Sơn? vv...

Hy vọng sẽ có thêm thông tin về những ngọn tháp Chăm bí ẩn có mặt ở vài ba quốc gia này... sau những nghiên cứu của bác Bulukhin...



--> Read more..

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

Quá khứ - toát mồ hôi

Ngày trước, có những bài phê bình văn học miền Nam, dẫn chứng những câu thơ để phê phán. Quan điểm thì quên nhưng những câu thơ đó thì em lại nhớ, anh PNH ạ. Đại khái có những câu như:

Lạc bến mộng vu vơ cười ngả ngớn...
...                         sầu tim đau đớn.

Hay

Trả lại nhau những yếu mềm
Trả nhau lại những êm đềm ấu thơ.

Hay

Hôm nay tôi chết thêm lần nữa
Ngã gục bên bờ tương lai đen...

Hay

Nhìn về tương lai trào nước mắt
Trông về quá khứ toát mồ hôi...

Lâu ngày nhớ lõm bõm, không biết có đúng không. Nhớ lại những câu này vì tình cờ tôi được xem một xeri hình ảnh chiến tranh những năm 1960-1970 ở Saigon. Có những tấm hình kinh khiếp và cũng nhiều hình ảnh ngoạn mục!

Bộ sưu tập hình ảnh cũ này rất đa dạng, quý giá...  Mời anh PNH và cả nhà xem ảnh theo đường link dưới đây.





--> Read more..

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

Tu bổ chùa Một Cột, mừng và lo


Báo chí vừa loan tin Nhà nước đã duyệt chi đến 31 tỷ đồng cho công trình Chùa Một Cột, một kiến trúc nhỏ nhưng đẹp và thiêng ở Hà Nội.

Công trình chính là ngôi chùa gỗ trên cột bê tông chắc chỉ 10m2. Nhỏ mà đắt như thế cho thấy sẽ trùng tu kỹ lưỡng. Vì vậy, đây là tin vui cho những ai quan tâm đến di tích này.



Nhưng số tiền to cũng là nỗi lo lớn. Liệu có vì phải chi cho hết mà di tích sẽ bị tân trang biến dang hay không? Những yếu tố gốc có được bảo tồn hay không? ( Dù đây là công trình mới xây dựng lại sau 1954 chứ không phải như nguyên bản thời Lý)...

Hiện nay hai con sư tử đá kiểu Trung Quốc đang chồm hỗm trước chùa Một Cột, và thêm bàn thờ tượng Phật bà đứng trên tòa sen nữa rất phản cảm. Trên chùa một cột đã thờ Phật Bà thiên thủ thiên nhãn, sao lại hạ bà xuống sân chùa thế?! Vì lý do gì không biết hay chỉ đơn giản để có thêm bát hương và hòm công đức nhỉ?!


 Hy vọng kỳ này những yếu tố ngoại lại và tân thời dị hợm đó được mang ra khỏi công trình vốn là bông sen tinh khiết, thuần Việt kia...

--> Read more..

Tu bổ chùa Một Cột, mừng và lo


Báo chí vừa loan tin Nhà nước đã duyệt chi đến 31 tỷ đồng cho công trình Chùa Một Cột, một kiến trúc nhỏ nhưng đẹp và thiêng ở Hà Nội.

Công trình chính là ngôi chùa gỗ trên cột bê tông chắc chỉ hơn 10m2. Nhỏ mà đắt như thế cho thấy sẽ trùng tu kỹ lưỡng. Vì vậy, đây là tin vui cho những ai quan tâm đến di tích này.



Nhưng số tiền to cũng là nỗi lo lớn. Liệu có vì phải chi cho hết mà di tích sẽ bị tân trang biến dạng như nhiều công trình sau tu bổ gần đây hay không? Những yếu tố gốc có được bảo tồn hay không? ( Dù đây là công trình mới xây dựng lại sau 1954 chứ không phải như nguyên bản thời Lý)...

Hiện nay hai con sư tử đá kiểu Trung Quốc đang chồm hỗm trước chùa Một Cột, và thêm bàn thờ tượng Phật bà đứng trên tòa sen nữa rất phản cảm. Trên chùa Một Cột đã thờ Phật Bà thiên thủ thiên nhãn, sao lại hạ bà xuống sân chùa thế?! Vì lý do gì không biết hay chỉ đơn giản để có thêm bát hương và hòm công đức nhỉ?!


 Hy vọng kỳ này những yếu tố ngoại lai và tân thời dị hợm đó được mang ra khỏi công trình vốn là bông sen tinh khiết, thuần Việt kia...

--> Read more..

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

Ông Hùng Dũng bị oan

Hôm trước có người từ Cần Thơ ra bảo: Ông Hùng Dũng bị oan. Bởi vì việc ghi tên và chức vụ bố vào thiệp mời cưới con đã diễn ra từ mấy năm trước rồi. Có ông còn in cả anh bố lên thiếp cơ... Vậy mà có ông nào bị kiểm điểm, khiển trách gì đâu.

Ông Hùng Dũng thiệt thà, không kể ra những đồng chí xây dựng tiền lệ nên cắn răng chịu kỷ luật vậy thôi.

Té ra, không may ông nào ông ấy chết!

--> Read more..

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Sức chiến đấu chưa cao...

Ngày 14/9, theo nguồn tin của VnExpress.net, trong cuộc họp, ông Nguyễn Hùng Dũng (Phó ban thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng thành phố Cần Thơ) đã thừa nhận "sức chiến đấu của cá nhân chưa cao cộng với chủ quan trong việc tổ chức tiệc cưới con nên để xảy ra sai sót đáng tiếc khi in chức danh ngoài bìa thiệp cưới, gây dư luận không tốt". Ông Dũng tự nhận mức kỷ luật khiển trách.

"Sức chiến đấu" là cái gì mà lại bị lôi vào chịu trách nhiệm vụ ghi chức danh vào thiếp cưới nhỉ? He he...

Giả sử, vợ chê vì "sức chiến đấu" chưa cao còn dễ hiểu các bác nhỉ?!

Ông nào phải dịch cho Tây nó hiểu câu kiểm điểm này cũng méo mồm mất...
--> Read more..

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

Hỗ trợ trường "đổ bỏ cơm rang trứng"


Hôm nay, nhóm họp anh em làm từ thiện, tôi nói đến vụ "Đổ bỏ cơm rang trứng", ai cũng ngậm ngùi, nhất là nghĩ đến cảnh các cháu không có nước sạch, phải lễ mễ xách nước từ suối lên, ngày nắng cũng như mưa... Hội ý nhanh, anh chị em đều đồng lòng giúp đỡ các cháu. Liên lạc ngay với thầy Hiệu trưởng, thì nguyện vọng của trường là xây được bể chứa nước, chừng 35 m3, tốn kém ngót 30 triệu đồng. Anh em đều đồng ý  xây tặng các cháu bể nước ngay. Hôm nào khánh thành, anh em trong nhóm sẽ lên thăm tình hình cụ thể và tính chuyện kêu gọi tài trợ để cháu nào phải ăn "cơm trứng" thường xuyên được ăn cơm trắng và mỗi tuần các cháu có một bữa ăn tươi thì thật tốt...

Dưới đây là bài đã post lên từ trước:

 Một vị lãnh đạo đến thăm trường phổ thông dân tộc nội trú ở Chi Lăng, Lạng Sơn, thấy cơm rơi đổ dưới đất bèn phán: Các cháu ở đây thật sướng, cơm rang trứng mà tôi thấy đổ thừa ngoài sân.



Các thầy cô và học trò ngớ ra. Một lát họ mới biết lãnh đạo nhầm, đó là cơm độn ngô, khó nuốt quá nên nhiều cháu bỏ dở. ( Sau vụ này, xem TV thấy lãnh đạo lên to hơn)...

Cậu PV đi về kể cho tôi nghe câu chuyện đó rồi ứa nước mắt.

Các cháu ở nội trú nhưng phải tự nấu cơm, tự phục vụ. Mỗi đứa 1 can nước 20 lít, tự xách từ suối về. Nhiều cháu ngủ ngay trên sàn nhà. Cuối tuần về nhà, bố  mẹ cho bảy bát gạo, 10 nghìn đồng ăn trong 1 tuần. Các cháu tự nấu cơm, ăn với canh gừng và muối. Triền miên như thế. Mỗi đứa một nồi. Các thầy cô giáo nói: Có khi cả tháng các cháu không có miếng thịt, rau cũng không có vì đất đá không trồng được rau.



Nấu cơm, bé nào chậm chân, hết bếp thì 3 giờ chiều mới được nấu


Cậu PV đang ngồi trong phòng Hiệu trưởng thì một cô bé lớp 6 gầy gò mếu máo lên trình bày: Con nấu xong nồi cơm, ra suối một tý thì về các bạn đã ăn mất, để lại nồi cơm toàn ngô... PV an ủi mãi rồi cho cháu 50 ngàn đồng. Cậu PV tiếc là không có vài triệu trong túi để tặng nhà trường lo cho các cháu một tết Trung thu...

Ra suối xách nước

Vậy mà các bác vẫn tưởng các cháu sướng, cơm rang trộn trứng còn đổ đi mới khổ chứ...

--> Read more..

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

Chơi đồ cổ




Chủ nhật vừa rồi, tôi đến thăm một bác nhà văn già, không ngờ nhà có rất nhiều đồ cổ tuyệt đẹp.
Ấn tượng đầu tiên là bức hoành phi " Văn Thái Thanh Môn" nghĩa là Nhà thanh nhã, văn chương đẹp đẽ, nhưng lại đọc từ trái qua phải. Tôi suy đoán rằng đây là bức hoành treo ở gian bên trái, hẳn bên gian phải cũng có bốn chữ tương ứng, đọc từ phải qua.

Giữa nhà là bức tranh lụa cổ thời Vạn Lịch nhà Minh, có tên là Mã Liễu, vẽ con ngựa ô buộc dưới gốc liễu, có bài thơ đi kèm. Tiếc là tôi quên tên tác giả bức tranh, hôm nào sẽ hỏi lại. Bác nhà văn bảo, hôm nọ có người trả hơn 500 triệu nhưng nghe chừng cũng không am hiểu tranh lăm, không bán. Cụ bảo, chắc phải trên 1 tỷ đồng, nhưng của gia bảo, cứ treo chơi. 



Vào gian trong, cụ cho xem cái lư trầm hình quả đào, trên thành là hoa đào, cành đào  sinh động. Vui nhất là dưới đế có dòng chữ "Đại Minh Tuyên Đức Niên Chế". Té ra ấm này làm thời kỳ quân Minh xâm lược Việt Nam, nên cụ Nguyễn Trãi nhà mình nhắc đến ông vua này trong Bình Ngô đại cáo là "Thằng nhãi con Tuyên Đức". Nghe thật sướng tai!

Có cái ấm hình búp sen, cành và hoa đào, trên có con chim sẻ, dưới đáy là "Gia tàng trân ngoạn" không biết từ thời nào.
Một cái ấm khác hình hoa sen, vòi là cái lá sen non cuốn lại rất đẹp, trên nắp có con cóc. Dưới lại là một cái hoa sen bằng gỗ chịu nhiệt, vốn để than hồng hâm rượu. Hâm rượu là thú vui trong Hồng Lâu Mộng rất hay nhắc đến. Dưới đáy có dòng chữ "Khang Hy niên chế", như vậy làm thời nhà Thanh.

--> Read more..

Flags

Flag Counter