Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Nhớ nhau mây trắng bay đầy gối/ Em có là mây? Em của anh.

--> Read more..

Tòng tâm sở dục


Blog của nghệ sĩ PNH có bài rất hay về Tam thập nhi lập - thành ngữ cửa miệng hiện nay, có nêu rất rõ, cả chữ Hán rằng:

Tam thập nhi lập; (三十而立)
Tứ thập nhi bất hoặc; (四十而不惑)
Ngũ thập nhi tri thiên mệnh; (五十而知天命)
Lục thập nhi nhĩ thuận; (六十而耳順)
Thất thập nhi tòng tâm dục bất du củ. (七十而從心欲,不踰矩)
(Luận Ngữ)

Tuy vậy, anh H chỉ phân tích dòng đầu tiên được chứng minh qua cuộc đời của hai đại danh nhân đặc biệt là Đức Phật Thích Ca và Đức Khổng phu tử, mà không đi vào diễn giải các nội dung tiếp theo. Vì vậy, tôi ăn theo anh H, viết entry này để "chua" thêm nội dung cho rõ nghĩa.

Trước hết đây là đoạn Khổng Tử nói về cuộc đời mình với các học trò, trước đó là câu: 15 tuổi ta đã chăm chú việc học hành.
Năm 30 tuổi ta đã vững vàng lập thân xử thế, đã độc lập trong suy nghĩ và hành động - tam thập nhi lập.
Năm 40 tuổi ta hiểu rõ mọi sự, không còn nghi ngờ gì nữa- tứ thập nhi bất hoặc.
Năm 50 tuối ta hiểu rõ mệnh trời, quy luật - ngũ thập tri thiên mệnh.
Năm ta 60 tuổi thì chỉ những điều hợp với lễ nghĩa mới lọt vào tai - lục thập nhi nhĩ thuận.
Năm 70 tuổi thì ta sống theo mọi ham muốn, sở thích của mình nhưng những ham muốn đó cũng không vượt ra ngoài lễ nghĩa - Thất thập tòng tâm sở dục bất du củ.

Như vậy, đó là tổng kết cuộc đời của thánh nhân, chứ không phải của tất cả phàm phu. Bây giờ, ai cũng biết câu "Tam thập nhi lập" rồi "Ngũ thập tri thiên mệnh" nhưng ít hiểu rõ nó.

Tôi thích nhất câu cuối "Thất thập tòng tâm sở dục bất du củ", tức là cái ham muốn, dục vọng thông thường của con người cũng không trái với lễ nghĩa. Hay là ngay từ tuổi 60, những điều không hợp đạo lý thì đã không bao giờ lọt vào tai, chứ chưa nói đến những chuyện trái đạo lý, bậy bạ, hư hỏng... Điều này đâu dễ đạt được, vô số người già vẫn hư, "ỷ lão mãi lão"- dựa vào cái già để bán nó đấy chứ. Thế mới là người thường, thế mới biết thánh nhân hiếm lắm.

                    Du củ 1
Hiện nay các cụ cao tuổi cặp bồ không ít. Chả thế có cụ sáng sớm, còn cầm vợt mà đưa một cụ bà vào bệnh viện cấp cứu do chảy máu chỗ kín. Bác sĩ hỏi làm sao, các cụ bảo đánh cầu lông bị ngã. Bác sĩ biết thừa, các cụ vừa "ấy", bị thủng cùng đồ... 
          Du củ 2

Vậy là không được rồi, già còn cặp bồ, trái lễ nghĩa. Hii...

Do đó, với tất cả sự khiêm tốn, em không dám nhận mình "tam thập nhi lập" nên có đến 70-80 thì "sở dục" vẫn có thể "du củ" như thường.

--> Read more..

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Tiếng lóng quê tôi

Ở nhà tôi hay kể chuyện quê cho lũ trẻ con nghe và dạy nó những ngôn từ địa phương cho vui. Thỉnh thoảng mang ra dùng cũng thú vị.

Quê tôi là một làng buôn bán từ xa xưa, do đó, để có thể nói với nhau mà người ngoài không hiểu được thì phải có ngôn ngữ lóng. Trong thời kỳ bao cấp, 1960-1985 thì tiếng lóng phát triển mạnh mẽ và phong phú nhất, vì thời đó mọi sự buôn bán bị cấm ngặt.

Tôi có bà mợ, có đàn con 7-8 đứa, nên chỉ trông vào gạo bao cấp thì vô cùng thiếu thốn, do đó phải chạy chợ. Ban đêm, cõng trên vai một bao phân đạm đi qua những cánh đồng để tránh phòng thuế, với quãng đường 10 cây số, mà số tiền lãi chỉ đủ mua vài cân gạo. Trong khi đó nếu bắt được có thể đi tù. Do đó, bí mật là rất quan trọng, mọi thông tin liên quan đều "lát tăm lảy"- nói tiếng lóng.

Nguyên tắc đầu tiên của tiếng lóng làng tôi là dùng tên một nhân vật trong làng để chỉ đối tượng hành nghề hoặc có chức vụ đó. Ông Trưởng Công an xã là ông Mở, thì "ông Mở" nghĩa là Công an; ông Hưởng làm thuế vụ thì "ông Hưởng" là Thuế vụ.

Làng có một tay ăn cắp vặt tên là Mỵ, do đó "Cu Mỵ" nghĩa là ăn cắp. Đi chợ Đồng Xuân mấy bà nhắc nhau "Cu Mỵ đấy" là biết ngay có thằng ăn cắp đang len lỏi...

 Bên cạnh đó là những từ cổ hơn như "cụ Lang" nghĩa là tiền.

Vì thế mới có chuyện gia đình bà Hoa ở Hà Nội nhưng vẫn dùng tiếng quê, gửi một bức điện tín vào Nam cho anh cháu thế này: "Bà Hoa bị ốm, ông Mở đến thăm , mời cụ Lang ra ngay". Người nhận được hiểu ngay là: Nhà bà Hoa bị Công an đến khám nhà, gửi tiền ra ngay". Hii. Nhà bà Hoa buôn đồ cổ, hồi đó hay bị bắt bớ, khám xét lắm.

Làng có một anh tên là Tam xung phong đi bộ đội, trong khi đại đa số người ta trốn, nên coi anh  này rất dại dột, từ đó này sinh từ Tam Dột nghĩa là bộ đội. Người làng nói với nhau: "Dạo này bớ Tam Dột kinh quá" có nghĩa là Dạo này bắt lính ghê quá...

Nguyên tắc thứ hai là lấy từ láy thay từ chính.  Ví dụ Dột là Dại; Khứa là khách... "Nhà tao đang có khứa"-  nhà tao đang có khách. "Sít dẳng" là sống lâu, sống dai.

Nguyên tắc thứ ba là đặt từ mới thay thế. Ví dụ Dênh là đi. "Lão ấy dênh rồi". Tai là đánh, làm gì đó, "Tai cấu" là ăn cơm, "tai nhau" là đánh nhau... Xoài là xinh, xẻm là xấu. "Mố lủng" nghĩa ban đầu là Tay chó d... nhưng sau có nghĩa như Gã, hắn thôi. Mố hiệp, mố hìa chỉ đàn bà.

                          "Mố hiệp này xoài quá!"....

Do đó, họ có thể bình luận: "Mố lủng xẻm thế mà lải được mố hìa xoài quá, nên mố lủng sệt mố hìa"... Các bác có dịch được không? Đó là: " Tay này xấu trai thế mà lấy được con vợ xinh quá, nên tay này sợ vợ"... Hii
...

Hiện nay, do kinh tế thị trường, không cấm đoán như xưa nên tiếng lóng mất dần, ở quê cũng ít ai dùng. Tuy vậy, những người xa quê lại coi đó như đặc sản quê nhà thỉnh thoảng vẫn dùng cho vui. Tết vừa rồi, về quê, lũ trẻ con nhà tôi thấy ông trẻ nói:" Tay Minh ấy "sài lát" đấy, gặp nó mất thời gian lắm" chúng nó cười như nắc nẻ vì hôm trước tôi mới dạy "Sài lát" là mắc bệnh nói nhiều.

Thỉnh thoảng trẻ con lại hỏi: Bố ơi, nếu muốn nói... thì quê mình nói thế nào?

--> Read more..

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

Ai thích làm lính không?

Cô bé Công đoàn mang danh sách sang đề nghị đăng ký danh hiệu thi đua.
-Không đăng ký có được không? Tôi hỏi.
-Quy định mà anh, ai cũng phải đăng ký.
- Có những mức nào?
- Thấp nhất là Lao động Tiên tiến, cao hơn thì có Chiến sĩ thi đua cơ sở, rồi Chiến sĩ thi đua ngành và cao nữa là ... gì gì đó.
- Cho anh đăng ký mức cao nhất.
-Anh đăng ký Chiến sĩ thi đua toàn quốc á? Cô bé này thấy lạ quá vì tôi vốn dị ứng với thi đua.



- Không, mức Lao động tiên tiến ấy.
-?!
- Tiên tiến tức là tiến hơn mọi người, đi trước, đi đầu. Thế là nhất còn gì nữa, đạt được danh hiệu này như thế là quá khó. Còn Chiến sĩ thi đua thì kém, chiến sĩ tức là người lính. Lính thi đua với nhau, anh muốn là sĩ quan, anh không thích là lính, nên em ghi vào là anh chọn Lao động Tiên tiến.


Hơn nữa, chiến sĩ tức là người đi đánh nhau chuyên nghiệp, anh không biết, không muốn, không dám đánh nhau, anh chỉ lao động thôi.
 
Buồn cười những thuật ngữ, danh hiệu của nước mình hiện nay. Không hiểu khi nghĩ ra và đề xuất có ai phản biện không nhưng nghĩ kỹ thì nó rất buồn cười như thế. Các bác thấy thế nào, sĩ quan chả muốn lại muốn làm lính, tức là chuyên đi đánh nhau hay sao nhỉ?...

--> Read more..

Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Cấm dùng chữ Giao Chỉ, An Nam

Một quán phở trên đường Bùi Thị Xuân (quận 1, TP HCM) đã bị cơ quan quản lý yêu cầu ngừng sử dụng tên Giao Chỉ. Quán này đã phải đổi tên thành phở Việt. Một cán bộ quản lý giải thích, từ Giao Chỉ cũng như từ An Nam được dùng với ý miệt thị dân tộc.

Quán An Nam phải đổi thành Ân Nam

Có lẽ cán bộ quản lý cho rằng đó là những cái tên do Tàu đặt cho nên coi đó là bị miệt thị chăng? Thái độ tự tôn mạnh mẽ này thật đáng quý trong bối cảnh hiện nay, nhưng xem ra hơi quá.

Xét gốc tích từ Giao Chỉ thì không có ý miệt thị gì trong đó. "Giao Chỉ" thời Chiến Quốc trở về trước là vùng đất chỉ phía Nam khu vực người Hán ở, do đó các cụ cho rằng không quá tỉnh An Huy, Trung Quốc hiện nay.

Nhà Triệu, nhà Hán sau này cũng lấy chữ "Giao Chỉ " đặt cho miền Bắc nước ta.

Chữ " Giao Chỉ" trong thư tịch viết nhiều chữ khác nhau, khi thì GIAO là giao thiệp, giao nhau, khi thì GIAO có bộ trùng bên cạnh là Giao long. Mà hai chữ này lại dùng thông nhau.

CHỈ có khi viết là chữ Chỉ là đất, có khi là ngón chân. Một thuyết được nhiều người lầm tưởng thật là dân ta có hai ngón chân cái chĩa ra ngoài, khi đứng chụm hai bàn chân thì hai ngón giao nhau, do đó đặt tên là Giao Chỉ.

Thuyết này đã bị BS Đỗ Xuân Hợp, trong một nghiên cứu năm 1944 cho hay, tật choạc ngón chân cái là tật chung của nhiều dân tộc, chủng tộc lạc hậu mà thỉnh thoảng mới thấy. Như vậy không thể tin rằng người Hán lấy tật ấy làm đặc trưng cho cả vùng đất của những người họ tiếp xúc ở phương Nam.

Cụ Đào Duy Anh cho rằng, do tục xăm mình cho giống Giao Long, coi Giao Long là vật tổ, coi mình là dòng giống Giao Long -(con Rồng cháu Tiên) và Chỉ là đất, nên Giao Chỉ là đất của người giao long hay đất giao long thôi.

Giao long là con gì? Theo mô tả ở nhiều thư tịch, cụ Đào nhận định đó là một loài cá sấu lớn.

Sài Gòn cấm đặt cả những chữ nhạy cảm như Em Yêu, Sung Sướng hay liên quan đến tôn giáo như một quán mang tên Buddha... nhưng chỉ xin bàn chữ Giao Chỉ cho vui thôi...





--> Read more..

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

Nghệ sĩ nói đùa...

Tối qua tôi có đi nghe đêm nhạc Trịnh ở Nhà hát Công nhân Hà Nội, với các ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh, Mỹ Tâm, Mỹ Linh, Quang Dũng, Tuấn Ngọc...



Ca sĩ Mỹ Linh kể, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi còn sống có nói, dù là những bài hát ru ( Ru tình, Ru em từng ngón xuân nồng...) thì các nhạc sĩ cứ PHỐI cho nó bốc lên, để người nghe phải thức chứ không ngủ. Đại ý như thế nhưng cô pha trò "Phối là phối khí, chứ không phải phối gì khác đâu ạ". Câu pha trò của Mỹ Linh không làm ai cười cả. Trong một đêm nhạc lãng mạn như thế này không ai có suy nghĩ theo hướng phối gì đó của Mỹ Linh.



Mở đầu chương trình này là Nguyễn Ngọc Anh, cách đây vài ngày trên TV có chương trình gì đó, về ca sĩ hướng dẫn một tốp ca biểu diễn để khán giả bình chọn. Tôi xem chương trình và thấy ngượng cho cô ca sĩ xinh đẹp này khi nhận xét một nam ca sĩ đứng trên sân khâu rằng: Anh là một hot boy nổi loạn, "đồ đạc" của anh cũng nổi loạn... Khiến anh chàng này vội cúi xuống nhìn xem "đồ đạc" của mình có bất thường hay không.

Pha trò cho vui, nhưng trên sân khấu, trên chương trình truyền hình trực tiếp mà pha trò kiểu quán bia hơi như vậy, cho thấy phông văn hóa của các ca sĩ có vấn đề.



Trong đêm qua, ca sĩ Tuấn Ngọc tưng tửng pha trò lại được khán giả Ok, khi nói: Hôm nay 8-3 là ngày của phụ nữ, ngày bình đẳng giới, tôi xin chúc mừng các quý ông ( Khán giả cười) . Bởi lẽ, bố tôi ngày xưa hay nói với tôi là "Nhất vợ nhì trời", nên bây giờ bình đẳng thì phụ nữ bị xuống hạng ( khán giả cười). Nói vậy, sau đó Tuấn Ngọc xin hát tặng các quý bà, quý cô một ca khúc...

--> Read more..

Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

Người ấy bây giờ...

Trên blog chị bangtam có kể về thời học trò, kết thúc bằng hình ảnh "một anh chàng nghịch ngợm , khi đi quanh vòng tròn mời người nhảy chung  đã bắt chước kiểu nhảy của tôi làm mọi người bấm nhau cười khúc khích . Anh chàng này khi đêm lửa trại bắt đầu tàn , đã ôm đàn guitar buông từng nốt nhạc , giọng trầm ấm : " Em tan trường về . Đường mưa nho nhỏ ... ".

Kết mà lại mở ra bao nhiêu chuyện phía sau, hay thế, tôi có gợi ý chị bangtam kể nốt đoạn sau nhưng chưa thấy. Hay cứ để lửng như vậy thì hay hơn nhỉ...


Tôi nhớ đã đọc một truyện cực ngắn thế này. Trong một lần tan sở về, trong lúc đường đông xe của cô gái bị cán đinh. Đang lúc dắt xe ngao ngán ấy thì cô giật mình thấy anh bạn cũ cùng trường phổ thông xưa kia trong một tiệm sửa xe. Anh là thần tượng của cô, là cán bộ Đoàn trường, đẹp trai, hát hay, nói chuyện có duyên... Cô cứ nghĩ anh đã đi du học hay đi đâu xa lắm, không ngờ lại gặp anh ở nơi không xa cơ quan cô. Tim cô đập  rộn ràng với bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ của thời học trò áo trắng.

Cô vá xe ở quán bên này đường, nhìn thần tượng của mình qua dòng người cuồn cuộn lúc tan tầm. Cô hỏi thầm, không biết có đúng là anh ấy không, anh làm gì ở đó nhỉ...

Về nhà, ăn cơm tắm giặt xong, đêm đã khuya, cô dắt xe ra trở lại tiệm sửa xe ban chiều để ngắm kỹ thần tượng của mình nếu anh vì lý do gì mà vẫn ở đó, cô dự định sẽ chào hỏi xem anh có nhớ mình không...

Đến nơi, cô không dám bước vào tiệm, vì cô nhận ra đó chính là nhà anh, anh hành nghề sửa xe. Trong đêm tối, cô thấy anh ngó trước ngó sau rồi  ra sức rải những chiếc đinh ra mặt đường...

Hừm, xem ra để lửng như chị bangtam lại hay. Chúc các chị em một ngày 8-3 có nhiều giấc mơ đẹp về cố nhân của mình.


--> Read more..

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

Bạn cũ, bạn mới

Hôm nay, các bác huynhtran, bangtam, Bulukhin và PNH... họp mặt nhau tại Sài Gòn đang bừng nắng. Giá như có cơ hội, tôi cũng muốn bay vào để dự buổi gặp mặt những anh chị mà tôi rất quý trọng và thân thiết này. Internet đã cho chúng ta có thêm bạn bè, thêm những người thân. Tuyệt thế...

Trong lúc chờ thông tin từ các bác, tôi chợt nhớ đến một người bạn thời thơ ấu. Hồi đó tôi học lớp 2, hàng xóm có bạn Dũng hình như hơn tôi 1-2 tuổi, nhưng học cùng lớp, ngồi cạnh nhau. Ở quê tôi có nghề dệt vải, nên bọn trẻ con phải quay sợi, hồi đó gọi là quay ống. Mỗi ngày tôi phải quay 5 cái, nhưng vì tôi không thạo việc này nên thường là đến đêm không xong, trong khi Dũng thì quay rất siêu. Vì thế, buổi chiều đến rủ tôi đi chơi, Dũng thường ngồi xuống quay hộ, một loáng là xong...



Nhà Dũng rất nghèo, nhà tranh, nền đất, nhưng có cái sân láng xi măng sạch bong. Nhiều khi đi chơi lang thang,nặn đất, đánh quay về... chúng tôi lăn ra cái sân nhỏ xíu ấy mà nằm, không lo bẩn quần áo... Bố Dũng nghe nói rất đẹp giai, đã lấy vợ lẽ, sinh sống  ở trên mạn ngược, hầu như ông ấy không về quê, nên tôi không biết mặt. Dũng sống với mẹ và một người anh trai. Anh này đi làm thợ xa nên ở nhà Dũng thường có hai mẹ con. Mẹ Dũng cao gầy, khắc khổ, suốt ngày lạch cạch với cái khung cửi khổ hẹp. Tôi không thấy bác ấy cười khi nào cả...

Hồi đó cả HTX ăn gạo mậu dịch, cái sân xi măng nhà Dũng trở thành nơi tập kết lương thực, khi thì gạo, khi thì sắn, bột mỳ... để chia cho cả xóm... Nhà khá giả thì mua thêm gạo ngon trộn lẫn gạo mậu dịch, bột mỳ loại 2 đen quá thì cho lợn, mua bột mỳ trắng về ăn, nhưng nhà Dũng thì có thế nào ăn thế, rất kham khổ. Món bánh mỳ nặn từng viên dẹt như quả cà nén, không có nhân, cho vào nồi luộc là món khá phổ biến...

Thế rồi, không hiểu sao Dũng bị đi kiết. Mẹ Dũng phải để một cái chậu trong buồng để Dũng chạy ra chạy vào. Nó nghỉ học dài dài... Đi học về tôi lại sang chơi với Dũng. Bà  mẹ Dũng nói tôi bảo Dũng phải uống thuốc đúng giờ hoặc nói chuyện gì đó cho nó đỡ buồn. Nhà Dũng nghèo nên tôi không thấy có đường, có thịt, có cam như những người ốm khác. Nó cứ nằm còng queo, uống nước gạo rang vậy thôi.

Cuối cùng thì nó phải đưa lên Bệnh viện huyện cách nhà 6-7 cây số. Vài ngày sau, tôi nghe người lớn bảo Dũng chết rồi, lát nữa đưa về. Tôi chạy như bay ra đầu làng, và thấy người ta kéo một chiếc quan tài gỗ nhỏ, trên chiếc xe cải tiến lọc cọc đưa về làng. Tôi lặng lẽ đi theo cái xe ấy. Tôi không nhớ là tôi có khóc không nhưng tôi rất buồn. Hôm sau đi học, tôi mới báo tin cho cô giáo là Dũng mất rồi. Cô vội vàng lấy xe đạp vào làng thăm viếng đứa học trò bé bỏng, tội nghiệp...

Tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt gầy gò nhưng trán cao, mắt sáng,  tóc cắt rất cao của Dũng.Nó rất hay cười... Cuối năm ngoái, tôi về làng dự một đám bốc mộ mới biết tin hôm đó cũng bốc mộ bố mẹ Dũng. Tôi hỏi thăm anh trai Dũng xem có bốc mộ Dũng không? Anh ấy bảo: Mất mộ lâu rồi em à...

Tôi thấy ngậm ngùi, thương nhớ người bạn đơn sơ thời thơ ấu...
Thế mới biết những lúc được ở bên nhau, được cười, được nói thật trân quý
biết bao...
--> Read more..

Flags

Flag Counter