Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Vườn Phật ở Viêng Chăn

Bác Bu hỏi, có đến Vườn tượng Phật không, có lẽ bác quan tâm đến di tích này.

Tôi đã đến di tích Vườn tượng Phật và nói thật là hơi thất vọng một chút, vì nó không sang trọng như mình tưởng.




Đây là công trình mà cách đây 50 năm, pháp sư Bounlua Suliat xây dựng nên. Đó là một  quần thể tượng Phật theo các điển tích, Phật thoại... được tạo tác bằng phong cách ngây thơ, nhiều chỗ vụng về. Các pho tượng chen chúc nhau trong một phần của một công viên khá lớn.






Người ta nói rằng, Bounlua không phải là một hoà thượng. Ở đời thường, ông không cạo đầu, không mặc áo cà sa, thường mặc một bộ trang phục màu trắng trông giống như một vị pháp sư. Tương truyền ông là người rất tinh thông về triết học Hindu, Phật giáo, thần thoại học, biểu tượng học...Bounlua cũng không qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào về nghệ thuật tạo hình, điêu khắc. Ông đã từng lý giải về vườn tượng của mình là những hình ảnh kỳ lạ -được ông cùng mấy người cộng sự tạo ra - đến với ông trong những giấc chiêm bao, và trong những cảm nhận về thần linh mà ông ngộ ra được trong đời sống hàng ngày.



Ngoài những ý nghĩa mà sách báo đã nói, đến tận nơi mới thấy sự đơn sơ của công trình. Ở đây có một công trình hình quả bí ngô, cổng vào là một miệng quỷ, chui vào đó thì thấy bên trong như một lô cốt, có đường đi xung quanh, phần lõi không có lối vào, chỉ có các lỗ thủng để quan sát. Nghe nói có ba tầng, địa ngục, trần thế và thiên đường, nhưng cách tạo tượng cũng khá vụng về...





Phần đẹp nhất có lẽ là pho Thích Ca nhập Niết bàn và Tháp phật ở cuối vườn.




Công trình không đẹp lắm nhưng bù lại, nó này nằm ngay ven sông Mê Kông, có quán giải khát, có cô bán hàng xinh xắn...


Toro và ông chủ khách sạn
--> Read more..

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Người Viêng Chăn

Đi Lào về, phải viết bài nộp cho cơ quan nên chưa muốn bóc tách ra viết blog, mong các bác thông cảm. Em có loạt ảnh về khất thực rất hay, đang xem hình để viết bài về đề tài này, sẽ chai sẻ sớm với các bác ạ.

(Chị huynhtran, xem giúp em cái biển hiệu Khang Lạc Viên này có phải làm massage hay làm gì ạ)

Tạm thời mời cả nhà đọc một bài em đã đăng trên congly.vn, theo đường link dưới đây ạ.




http://congly.vn/dong-chay-viet-o-vieng-chan-c1047n20120427153737015p0.htm
--> Read more..

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Thăm ngôi chùa có sư cụ 100 tuổi

Cuối tuần, tôi và hai anh bạn đi thăm Hòa thượng Thích Thanh Bích, 100 tuổi trụ trì Tổ đình Sùng Phúc Thiền Tự, thường gọi chùa Hội Xá, xã Thắng Lợi, Thường Tín, Hà Nội, cách trung tâm thành phố chừng 20 cây, qua Nhị Khê một chút là tới.



Hòa thượng Thích Thanh Bích qua ngòi bút của Họa sĩ họ Trương

Có điều lạ là Thường Tín không chỉ là nơi tu hành của đại lão Hòa thượng Thích Thanh Bích, mà cách đó không xa là  Tổ đình Viên Minh với Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Hòa thượng năm nay 100 tuổi nhưng vẫn minh mẫn.


TT. Thích Bảo Nghiêm vấn an Đại Trưởng lão HT Thích Thanh Bích

- Ảnh st trên mạng.

Đến nơi mới biết chùa nằm giữa những ruộng lúa, ruộng khoai xanh ngắt, thấp thoáng mấy vị sư trung niên đang làm đất trồng cấy gì đó. Đây còn là trường Hạ của khu vực này. Vào trong chùa tôi thấy có những quy định, lịch học trong trường.


Mái chùa lại có hình lưỡng long chầu bảo tháp, rất lạ và ngôi Tam bảo lợp ngói Hưng Ký, thời Pháp, mặc dù đây là chùa cổ lâu đời. Tôi chưa hỏi được vì sao lại có sự thay đổi như thế.

Dù là chùa cổ nhưng không có vẻ cổ kính lắm, có lẽ do phải sửa chữa nhiều lần. Khu nhà tổ tĩnh lặng, yên bình. Một chú tiểu ra chào hỏi, chúng tôi nói nguyện vọng thăm Hòa thượng. Chú tiểu vẻ mặt không niềm nở, rót nước mời khách và nói: Hôm nay cụ mệt, vừa đi nằm, các bác thông cảm.

Tôi nói, tùy duyên, cụ đã nằm nghỉ thì không nên phiền, để dịp khác. Tôi xin phép chụp mấy tấm hình nhà tổ, chủ tiểu nói: Nhà chùa không thích đưa hình lên báo, kẻ gian lại nhòm ngó đồ cổ... Tôi nói, không đưa lên báo chú mới yên lòng.

Chú tiểu dẫn chúng tôi lên tam bảo lễ Phật, chúng tôi định thắp hương, chú nói: "Để chú dâng, một nén thôi"... Điều đặc biệt là ở đây không có Hòm công đức. Tôi đành để chút tiền cúng dường vào mâm trên hương án. Lễ Phật xong xin phép ra về, hẹn dịp khác quay lại.

Có thể nói, dù không được toại nguyện, không gặp được Đại lão Hòa thường nhưng chúng tôi vẫn thấy vui vui, vì nhà chùa vẫn giữ được nét đơn sơ như xưa cũ, không nhiệt tình đón khách thập phương đến thăm để tăng thu nhập. Nhà chùa như muốn được yên bình cho tu tập... Ít nhất là thái độ của chú Tiểu cho thấy như thế.

Quả thật, Hòa thượng Thích Thanh Bích,  là bậc chân tu, cụ làm ruộng, sống một mình cho đến năm 80 tuổi, sau đó mới có học trò đến ở cùng để chăm sóc cụ. Có lần cụ tâm sự, cả đời tu hành chưa bao giờ dám dùng tiền cúng dường của thập phương, mà thầy trò bảo nhau cày cấy lấy ăn. Thầy nào môn đệ đó...

Cụ là thành viên kỳ cựu HĐCM GHPGVN, Nguyên Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hà Tây, Hạ chủ Trường Hạ Hội Xá, đồng tử xuất gia từ năm 6 tuổi. Khi 50 tuổi cụ trụ trì chùa Đậu trong lúc nhận thức của xã hội nặng bài trừ mê tín dị đoan nên cụ đã phải tốn không biết bao nhiêu là công sức để giữ cho được nguyên vẹn ngôi chùa Đậu - có hai tượng thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường,  những báu vật của Phật giáo Việt Nam cho thế hệ hôm nay.

Khi đã hơn 70 tuổi cụ mới về Tổ đình Hội Xá và là Viện chủ cho đến tận bây giờ.        

Cụ là tác giả san định nhiều bộ kinh quý của giáo hội Phật giáo VN.










Xin mời cả nhà xem vài tấm hình cảnh chùa Hội Xá,nhân ngày sóc  1-4 âm lịch.

Mới đây, đại lễ mừng cụ 100 tuổi đã được tổ chức long trọng, mời các bạn xem ở đường link dưới đây:

http://phattu.com.vn/tin-tuc/1761/7-ha-noi-le-khanh-tho-100-tuoi-truong-lao-ht-thich-thanh-bich.html



 Nam mô A di dà Phật!!.

--> Read more..

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Huynhtran off Hà Nội

Chị huynhtran từ Nam Vang về Hà Nội nhân dịp ái nữ sinh con thứ hai ( cháu gái xinh xắn, trước đó con chị M đã có cháu trai) đã triệu tập buổi gặp gỡ vào trưa nay. Chị M yêu cầu quán ăn đủ tiêu chí ngon và đẹp lại lãng mạn nữa.
 
Tôi
đề xuất Quán Ngon Phan Bội Châu, nhưng em Tudinhuong thạo ăn chơi hơn e quán đó đông quá, nên chuyển sang Quán Ngon ở 26 Trần Hưng Đạo.



Đúng 11g 30 các thành viên đã tụ họp đông đủ, trừ anh BICON cáo bận, không tham dự được. Lần đầu tiên chị M và thuthuy, tudinhhuong gặp nhau. Tương tự như vậy, tôi được gặp người đẹp tudinhuong, được ké cẩm bá vai chụp hình. Tử xinh đẹp, vui vẻ nhưng khi máy sắp bấm bao giờ cũng làm mặt kiêu. Hii, nên xem hình đôi khi ta nhầm lẫn tý. Hôm nay, Tử mặc jupe đen xếp nếp có nhiều khóa ( cho an toàn?!), ngắn trên đầu gối 19cm, áo xanh màu non tơ...



Ảnh chị M đón cháu từ hộ sinh về

Để thể hiện sự hiếu khách, chúng tôi không xài máy ảnh mà dành cho chị M bộ ảnh độc quyền, có nhiều ảnh rất độc, nhưng chị M hẳn sẽ chỉ công bố những tấm hình trung tính.

Cuộc gặp gỡ được mở rộng bằng viễn thông, kết nối hình ảnh và âm thanh với bác Bulukhin tại Vũng Tàu. Tiếc rằng 3 G đang trở chứng nên không rõ nét lắm, chúng tôi phải kết hợp với điện thoại di động. Tuy vậy, chúng tôi cũng thấy phu nhân bác Bu cười tươi bên chồng, trong ngôi nhà rất đẹp... Như vậy là ổn rồi.

Cuộc thảo luận mênh mông, trên trời dưới bể, từ chính trị đến du lịch, gia đình đến cơ quan và tất nhiên là đến các blogger. Ví dụ Quỳnh Anh bật mý vì sao cứ muốn gọi bác Phạm Ngọc Hiệp PNH là anh; ví dụ, huynhtran kể lần xin anh Bu địa chỉ gửi tặng sách nhưng anh Bu dỗi ra sao; thuthuy bật mý vì sao lại sống ở Gia Lâm, nơi tập trung dày đặc nhà nghỉ và có câu "Ăn tranh thủ, ngủ Gia Lâm" làm chị M ngạc nhiên ...

Thôi, để bảo đảm bí mật cho những thông tin độc quyền, chúng tôi chỉ xin giới thiệu như vậy, những chi tiết hay xin đọc từ trang của huynhtran. Hii

--> Read more..

Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Ai được xây lăng?

Báo chí đã nói nhiều đến hiện tượng đua nhau xây mộ bạc tỷ ở nhiều nơi, nhất là miền Trung gió Lào cát trắng. Hôm nay báo chí đưa tin về  thôn Tân Mỹ (Thừa Thiên Huế) có mấy chục nóc nhà nhưng lại có cả trăm ngôi mộ được xây dựng công phu, hoành tráng như một thành phố ma với chi phí lên tới vài ba tỷ đồng cho một ngôi.





Nhìn những ngôi mộ này ta thấy một vấn đề lớn đó là sự khủng hoảng hệ giá trị hiện nay. Hay nói cách khác là không có chuẩn mực nào cả, nên địa phương hay cơ quan chức năng cũng không biết nên can thiệp thế nào.

Xưa kia, mộ của Vua mới được gọi là Lăng như Lăng Vua Hùng, Lăng Ngô Quyền, Lăng Tự Đức...; mộ của thánh nhân gọi là Lâm như Khổng lâm bên Tàu; chỗ chôn của dân thường là Mộ thôi. Vì thế mới có Mộ chí và nội dung mộ chí ghi, ví dụ " Tiên mẫu Nguyễn Thị A chi mộ"... ( Chỗ này mời bác Bu tra cứu thêm giúp).

Tuy nhiên trong thực tế, những ngôi mộ quan chức lớn người ta cũng có thể gọi là lăng mộ, nhưng không phải cứ xây to thì được gọi là lăng.

Lăng Hùng Vương ở Đền Hùng, Phú Thọ

Họa tiết trang trí cũng có chuẩn mực như thế, chỉ có lăng vua, đền thờ vua hay thần thánh mới dùng Rồng, chi tiết hơn thì còn quy định Vua rồng 5 móng, quan lại 4 móng... Còn thường dân, thậm chí Từ đường gia tộc cũng chỉ được dùng rồng hóa, tức là cây mai, cây trúc tạo dáng rồng để trang trí.

Ở quê tôi cho đến giờ vẫn giữ chuẩn mực đó và nhà thờ tư nhân không được dùng hoành phi câu đối nền đỏ, mà chỉ nền đen chữ vàng hay ngược lại mà thôi. Cách đây hai năm, nhà anh bạn tôi ở quê có ông bố lên lão 80, con cháu làm mấy đôi câu đối treo cho đẹp, vì có nhà cổ khá to. Sát tết, anh bạn tôi hốt hoảng gọi ra hỏi: Có người nói không được treo câu đôi nền đỏ, có đúng không anh, nếu đúng để khắc phục ngay không có thì nguy. Tôi bảo đúng đấy, thế là gia đình lập tức xử lý, lấy sơn Nhật phủ đen lên nền đỏ ngay...

Nhưng nếu họ không tôn trọng quy định đó thì sao, dân làng ở đó không coi trọng chuyện đó thì sao? Vậy là không có chuẩn mực. Chuẩn cũ là phong kiến suy tàn, bây giờ ai muốn vẽ rồng chả được. Nói thế thì ai dám bảo không được...


Lăng Ngô Quyền ở Đường Lâm, Sơn Tây

Hiện nay những lăng mộ của bà con thôn Tân Mỹ lớn hơn nhiều so với lăng Hùng Vương, Ngô Quyền, lăng Phùng Hưng... Nếu bên cạnh những lăng cổ này mọc lên những lăng "khủng long" như thế thì thật vô lễ, phản cảm và vô văn hóa. Do đó, tôi nghĩ rằng quy định về chuẩn mực xây lăng mộ, dù ở dạng cứng,  bắt buộc hay vận động, nhưng không thể không có...

Ở khía cạnh tâm linh , có lẽ linh hồn người chết, vốn là một ông ngư dân, nông dân chất phác Lê Văn Kèo, Đào Văn Cột, giản dị, như ông đang đánh xe bò qua công trình lăng mộ trên đây ... cũng khó thanh thản mà "ngự" trong cái lăng đồ sộ kia.

--> Read more..

Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

Ông Bếp

Dạo này đọc Gia phả gia đình mới thấy có cụ Bếp, vì cụ đi lính nhưng năm cuối thế kỷ 19.

Ở làng sau này cũng có một vài ông Bếp, nghe nói đi lính cho Tây, sang tận châu Phi, ông nào cũng có áo dạ màu cứt ngựa, khuy đồng sáng loáng.
Hỏi ông bạn Viện Sử rằng: Sao gọi là Bếp?
Ông bạn bảo vì đi lính, chỉ nấu bếp nên gọi như vậy. Tôi không tin lắm, tra cứu mới biết, Bếp là bậc thứ hai từ dưới lên trong hệ thống quân hàm của lính tập, tức lính khố đỏ ngày xưa.
Thấp nhất là Lính, sau đến Bếp rồi Cai, Đội...


Và ở Bắc Kỳ, sau Nghị định 1884 của Pháp mới tuyển mộ lính tập, trước hết là những người Thiên chúa giáo, sau mới mở rộng ra mọi thành phần. Do trang phục có thắt lưng đỏ buông thõng phía trước nên gọi là khố đỏ. Tuy nhiên nhìn hình thì thấy họ ăn mặc cũng đàng hoàng.

Lính khố đỏ do Pháo tuyển chọn, huấn luyện và trả lương nên khá chính quy, được coi như đội lính đánh thuê của Pháp.


Tuy nhiên, tôi muốn biết thêm ví dụ lương bổng, thời hạn đi lính và các chi tiết sinh hoạt khác, ai biết xin trao đổi dùm...

--> Read more..

Flags

Flag Counter