Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Đọc Văn tế thập loại chúng sinh

Bài Văn tế Thập loại chúng sinh không phải là bài văn tế cô hồn nổi tiếng duy nhất. Vua Lê Thánh Tông (1442- 1497) cũng đã viết Thập giới cô hồn  bằng chữ Nôm trước đó hơn ba trăm năm. Trong nhà chùa cũng đã có nhiều bài văn tế trong Khóa Mông Sơn Thí Thực dùng trong các cuộc trai đàn chẩn tế. Nhưng bài Văn tế này vẫn nổi tiếng hơn cả và là một tác phẩm duy nhất được coi là một thành tựu lớn của văn chương Việt Nam...

Tác giả Văn Tế Thập loại chúng sinh là Nguyễn Du (1765- 1820), nhà thơ lỗi lạc của Việt Nam. Ông sinh ra và trưởng thành ở đế đô Thăng Long và là một cậu ấm trong một gia đình danh giá nhất thời đó. Ðó là gia tộc họ Nguyễn ở Tiên Ðiền, Hà Tĩnh với cha ông là Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm, vị quan đứng đầu các hàng quan ở triều đình nhà Lê ở Thăng Long. Mẹ ông là bà Trần Thị Tần cũng là người Kinh Bắc, vùng đất nổi tiếng về văn học lẫn dân ca và có nhiều người đẹp của đất bắc. Khi cha mất và sau đó mẹ cũng mất lúc Nguyễn Du mới có 13 tuổi, ông về sống với anh người anh cả cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản cũng là người quyền thế bậc nhất ở Thăng Long và đang được chúa Trịnh sủng ái. 

 Sau khi nhà Lê sụp đổ, Nguyễn Du không làm việc với Tây Sơn nhưng cũng không chống đối như phần đông các cựu thần nhà Lê có lẽ một phần cũng ảnh hưởng của tinh thần bất nhị của Phật giáo. Ông rút về tá túc mười năm dài nơi quê vợ ở Quỳnh Côi, Thái Bình. Ðây chính là thời gian mà thi tài ông chín mùi qua kinh nghiệm của một thân phận lưu lạc, là chứng nhân và cũng là nạn nhân của một thời đại bi thảm và đau khổ nhất của người dân Việt trong gần ba thế kỷ chiến tranh và tao loạn. Có lẽ trong thời gian này ông đã hoàn thành bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh với máu lệ và nước mắt của lòng từ bi Phật giáo qua các cảnh thương tâm trước mắt. Nguyễn Du để lại nhiều tác phẩm, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Truyện Kiều và bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh này.

 Nguyễn Du nổi bật so với nhiều thi sĩ khác bởi vì người ta cảm thấy ông không chỉ là một nhà thơ mà còn là một thiền sư. Là thiền sư vì cuộc sống của ông vươn cao hơn những yêu ghét hận thù tầm thường của cuộc đời (Trăm năm trong cõi người ta!). Trong văn chương, ông luôn luôn tỏ ra mối thâm cảm với những người cùng khổ nạn nhân của xã hội bất công và nghiệt ngã. Tất cả tác phẩm của ông đều phản ảnh lòng từ ái trắc ẩn với những khổ đau và khó khăn của kiếp người.

Trong Truyện Kiều, dùng ngòi bút làm võ khí, ông đã lên tiếng chống lại một xã hội bất lương. Từng là công tử con của một đại gia tộc, ông biết rõ hơn ai hết mặt trái của xã hội phong kiến ấy. Ông lột mặt tất cả, từ bậc đại thần đường đường quyền cao chức trọng đến những quân tri thức trở thành quân ma cô “Có ba trăm lạng việc này mới xuôi … Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan.” Nhưng trong đến Văn Tế, ông xem tất cả chỉ là nạn nhân của một kiếp người mà theo tinh thần Phật Giáo nhìn bản chất cuộc đời là khổ. 

 Trong bài Văn Tế, tác giả đã bày tỏ tinh thần từ bi đến tuyệt cùng. Tác giả trải lòng từ ái với tất cả thập loại chúng sinh dù nhiều kẻ lúc còn sống đã làm nhiều điều tàn ác. Ở đây tác giả đã hoàn toàn giải thích theo quan điểm Phật học, cho thấy tất cả sự kiện vật chất hay tâm thức, thành bại sang hèn được thua, đều là nạn nhân của thay đổi và biến hoại. Tất cả đều là khổ như chân lý thứ nhất của Tứ Diệu Ðế mà Phật đã giải thích. Nhưng bài Văn Tế không chỉ nói lên triết lý và lòng từ ái mà còn là một tác phẩm văn chương. Giá trị văn chương của bài Văn Tế không thua sút Truyện Kiều mà còn có phần sâu sắc hơn, dù chỉ gồm 184 câu thơ. Tác giả đã dùng chung một bút pháp trong hai tác phẩm. Tất cả lòng trân thành, quan ngại và tính sáng tạo trong Truyện Kiều ta đều thấy rõ trong Văn Tế. 

*

Trong Truyện Kiều, hình ảnh mở đầu của thi phẩm trường thiên này là một buổi sáng sáng mùa xuân. Tác giả đã dùng bút pháp thủy mặc vẽ nên một bức tranh với mầu sắc ấm áp tươi trẻ:

Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

 Trong khi đó hình cảnh trong Văn Tế là một buổi chiếu thu. Tác giả đã dùng chung thủ pháp, nhưng lần này là với gam mầu tối lạnh gợi cảm sợ hãi:

Não người thay bấy chiều thu,
Ngàn lau khảm bạc giếng ngô rụng vàng,
Ðường bạch dương bóng chiều man mát
Ngọn đường lê lác đác mưa sa.

 Trong mỗi tác phẩm, tác giả trình bày các chủ đề khác nhau. Trong Truyện Kiều, qua chuyện một thiếu nữ tài sắc bị cuộc đời đưa dẫn thành một kỹ nữ, chúng ta thấy toàn cảnh là cả một xã hội phong kiến nhưng cũng đã có chủng tử từ trong tâm của chính nàng. Ðó là một thế giới thực nên các nhân vật trong truyện đều rất quen thuộc với chúng ta. Từ một đại quan nho gia đến một anh nhà buôn gian sảo, từ một chàng thổ phỉ anh hùng đến một gã ma cô đẹp trai, tất cả đều phản ảnh hình ảnh thực của một xã hội thối nát và bất công. Ở đó, tác giả đã lột mặt thật tất cả, phê phán tất cả và cho thấy rõ căn nguyên của nó trong một xã hội nho giáo phong kiến băng hoại:

Oan này còn một kêu trời nhưng xa.
Một ngày lạ thói sai nha,
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.

 Và tất cả những các nhân vật đó đều trở lại trong Văn Tế. Những nhân vật đó trở lại trong giờ phút hiện diện của sự thật. Trở lại không son phấn hư ngụy giả trá. Nhưng lần này ta không còn thấy tác giả than trách hay phê phán. Ta chỉ thấy tràn ngập tình cảm tiếc thương phản ảnh lòng trắc ẩn tha thứ của tác giả:

Phách đơn hồn chiếc lênh đênh quê người …
Phận bồ côi lần lữa đêm đen.
Còn chi ai khá ai hèn.
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu…

Trong nhiều loại người tác giả đã miêu tả trong Kiều, ở đây chúng ta chỉ tạm so sánh bốn nhân vật chính: Thúy Kiều, cô gái điếm nhưng thừa tài sắc: Kim Trọng, anh thư sinh ngớ ngẩn nhưng giỏi tài tán tỉnh; Từ Hải, người anh hùng áo vải nhưng si tình và Hồ Tôn Hiến một đại thần mà tài trí cũng là tài xảo trá với hậu thân của họ trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh.

 Trước hết là Thúy kiều. Trong tất cả tác phẩm, tác giả đều tỏ lòng thương cảm với những người nghèo đói bất hạnh. Trong bọn người này tác giả thường nhắc dến thân phận người phụ nữ trong xã hội Nho giáo phong kiến, đặc biệt hơn nữa lại là giai cấp các nàng Kiều buôn hương bán phấn vẫn thường bị người đời phỉ nhổ. Trong Tuyện Kiều tác giả viết:

Ðau đớn thay phận đàn bà,
Lời là bạc mệnh cũng là lời chung.
Phũ phàng chi mấy hóa công,
Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha.
Sống làm vợ khắp người ta,
Khéo thay thác xuống làm ma không chồng.

Trong Văn Tế, tác giả lập lại “Ðau đớn thay phận đàn bà” của một đời phiền não:

Lại có kẻ lỡ làng một tiết,
Liều tuổi xanh bán nguyệt buôn hoa.
Ngẩn ngơ khi trở về già,
Ai chồng con nấy, biết là cậy ai.
Sống đã chịu một đời phiền não,
Thác lại nhờ hớp cháo lá đa.
Ðau đớn thay phận đàn bà.

Ðây là những đại quan như Hồ Tôn Hiến và những bậc quyền cao chức trọng, cha mẹ của dân đen, “những người mũ cao áo rộng. Ngòi bút son thác sống ở tay” dù thực chất chỉ là bọn bất tài “Kinh luân chất một sải đầy” nay trở lại trong thân phận là một cô hồn thất thưởng dọc ngang:

Thịnh mãn lắm oán thù càng lắm,
Trăm loài ma xắm nắm chung quanh.
Ngàn vàng khôn chuộc được mình,
Lầu ca viện xướng tan tành còn đâu.
Kẻ thân thích vắng sau vắng trước.
Biết lấy ai bát nước nén hương
Cô hồn thất thưởng dọc ngang…

 Ðây là đám Kim Trọng, Vương Quan… bọn thư sinh, bọn theo đuổi con đường văn chương chỉ biết tìm đường tiến cá nhân trong chữ nghĩa, lặn lội cầu thân nơi sứ lạ quê người:

Mấy thu lìa cửa lìa nhà
Văn Chương đã chắc đâu mà trí thân
Dọc hàng quán phải tuần mưa nắng
Vợ con nào nuôi nấng kiêng khem
Vội vàng liệng sấp chôn nghiêng.
Anh em: thiên hạ, láng giềng: người dưng.
Bóng tang tử xa chừng hương khúc,
Bãi sa ma kẻ dọc người ngang.
Cô hồn nhỡ gửi tha hương
Gió trăng heo hắt khói hương lạnh lùng.

Ngay cả người hùng Từ Hải, người đã được tác giả vẽ hào quang trong Truyện Kiều: “Ðường đường một đấng anh hào./ Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài…./ Thừa cơ trúc chẻ ngói tan. / Binh uy từ ấy sấm rang trong ngoài. / Triều đình riêng một góc trời. / Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà.” Nay trở về nheo nhóc than khóc trong mưa đêm:

Nào những kẻ tính đường kiểu hạnh
chí những lăm cướp gánh non sông
Nói chi đang thủa thi hùng
Tưởng khi thế khuất vận cùng mà đau.
Bỗng phút đâu tro bay ngói giở
Không bằng mình làm đứa thất phu
Cả giầu sang nặng oán thù
Máu tươi lai láng xương khô rã rời.
Ðoàn vô tự lạc loài nheo nhóc
Quỉ không đầu van khóc đêm mưa…

*

 Tóm lại, Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh dù là một bài văn tế tràn ngập cảm tính tôn giáo nhưng vẫn là một tác phẩm văn chương lớn. Trong thế giới thẩm quang thị giác, tác giả vẽ ra được cả một dẫy hình tượng tưởng tưởng của thế giới âm hồn đen tối tràn ngập những cảm giác lạ lùng nhưng vẫn truyền cảm và sống thật với thế giới hiện thực sắc mầu. Trong tác phẩm, từng hàng từng lời, khi thôi thúc khi diễn tả, củng cố và hòa điệu trong thanh điệu thi ca tuyệt vời. Tài nghệ và tình cảm của Nguyễn Du một lần nữa đưa ông đến một thành tựu văn chương lớn. Ðọc Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh, người ta liên cảm ngay với các tác phẩm văn chương cùng loại. Ðó là Purgatory của Dante hay Hamlet của Shakespeare. Ðộc giả đã quen biết với Truyện Kiều sẽ vô cùng ngạc nhiên khi tìm thấy bên cạnh danh phẩm này vẫn còn một tác phẩm khác mà có lẽ hương sắc bất phàm của nó còn sâu sắc hơn. Một thi phẩm không chỉ quan tâm đến thế giới con người đang sống mà còn với thế giới bên kia, thế giới của thần linh ma quỉ, và cũng là thế giới của lòng từ ái.

 Vũ Thế Ngọc



Xem tin nguồn: http://www.ttxva.org/ve-tac-pham-van-te-thap-loai-chung-sinh/#ixzz2572XR7Gz 

--> Read more..

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Nói thêm về phong tục thờ cúng

Anh bạn ở Vĩnh Long cho biết, ngày giỗ ở đó thường làm lớn lắm. Hôm trước đã cúng tiên thường, mời bà con đến làm giúp, gói bánh cỡ vài chục ký gạo, để mai làm quà cho những người đến dự. Khách đương nhiên là họ hàng, sau đó là bà con lối xóm... Xưa thì ai có gì mang đến góp nấy, con vịt, ký tôm, gói mì chính... Bây giờ thấy nó không thực tế, vì gia chủ đã chuẩn bị rồi, nên thôi thì cứ đi tiền cho nhanh. Mỗi đám 100 ngàn. Nhưng khốn nỗi cứ liên tục có đám giỗ như vậy, nên cũng oải lắm.

Hai anh em đi miền Trung có một tuần mà tôi thấy có ba đám gọi điện mời ăn giỗ. Có đám anh bạn giải thích, người gọi điện mời là con gái ông cậu, sắp tới là giỗ bố chồng chị ấy. Hai nhà cách nhau 5 cây số. Nghe thế thì đủ biết đám giỗ mời rộng tới đâu.

Giỗ còn mời cả cán bộ thôn ấp, xã phường, nên mấy ông này bận rộn ăn giỗ quanh năm...

Mấy năm trước, một ông quan tỉnh hồi hưu ở Cà Mau kể với tôi là giỗ ông già ổng thì từ hôm trước bà con ở quê đã ra, mang theo tôm cá, gà vịt... Và để cho vui thì phải mời đờn ca tài tử. Hôm sau cánh trẻ ở quê mới ra, bà con anh em mới tới. Một số người ở lại hôm sau nữa, vậy là đám giỗ kéo dài ba ngày. Điều đặc biệt hơn là ổng không có mời, anh em con cháu nhớ ngày mà tới thôi.

Nói về vụ này, anh bạn tôi ở Vĩnh Long kể, vì nhà ảnh là cháu trưởng, giữ hương hỏa nên đôi khi vào ngày giỗ các cụ, bất chợt có gia đình họ hàng đi cả nhà dăm sáu người tới thắp nhang và đương nhiên là ăn giỗ, khiến chủ nhà vắt chân lên cổ chuẩn bị cỗ bàn. Lý do họ đến bất chợt có thể vì mới đi xem bói đâu đó, thầy nói gia đình bỏ bê tổ tiên, vậy là họ tới thôi, còn những năm trước họ không tới.

Chuyện này khác ngoài Bắc lắm, ngoài Bắc nếu gia chủ không mời thì kể cả con gái cũng không đến. Thông thường ngoài Bắc thì sắp đến ngày giỗ, con gái mang chút tiền, hay gà gạo... đến gửi người anh (em) trai trưởng. Nếu định làm cỗ thì người con trai cũng nói luôn là mời cả nhà chị (em) gái đến ăn giỗ. Có khi vì khó khăn, người con trai chỉ cúng "nhớ ngày", có khi nghèo quá thì chỉ  có "bát cơm, quả trứng", nên không mời ai ăn cỗ cả, và họ cũng chỉ nhận một chút tiền tượng trưng.

Bây giờ không ai nghèo khó như vậy nữa, nhà ai giỗ cha mẹ cũng có cỗ, hẹp thì cũng đủ con cháu trong nhà, rộng hơn thì bà con hàng xóm, thông gia... nhưng nếp cũ vẫn còn, do đó nếu ông cậu không mời thì cháu ngoại cũng không đến dự đám giỗ ông ngoại mình.


Vì thế, phong tục do đời sống kinh tế mà ra, trong Nam dễ kiếm hơn nên chuyện ăn uống cũng thoải mái hơn, ngoài Bắc do nghèo khó  nên cũng khác. "Tùy gia phong kiệm" là thế.

Lại nói về chuyện gửi (góp) giỗ. Ở ngoài Bắc, con gái, con trai thứ có nghĩa vụ gửi giỗ cha mẹ cho người con trai trưởng. Có thể nhà con thứ cũng cúng giỗ nhưng theo lệ cổ thì vẫn phải mang lễ (tiền) đến gửi con trai trưởng. Đối với bên ngoại, theo lệ cổ thì việc gửi giỗ ông bà ngoại thường được giao cho các cô con gái. Như vậy là cháu gái có nghĩa vụ hương khói ông bà ngoại, vì con trai lo trách nhiệm bên nội rồi.

Hiện nay những tập tục trên đây đã thay đổi, không nhất thiết phải giữ như vậy, ví dụ có thể em trai không câu nệ gửi anh trai chút tiền nhang khói nữa, hay anh em có thể cũng tụ họp ở nhà người em làm giỗ nhưng đại thể thì vẫn như vậy.

Bây giờ ngoài Bắc cũng có khi làm giỗ ăn hàng chục mâm nhưng nhìn chung thì "thua xa" Vĩnh Long...




--> Read more..

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

Phong tục Bắc Nam cũng khác

Sắp đến ngày Vu Lan, xin nói về tục thờ cúng tổ tiên, sự khác biệt giữa hai miền Nam Bắc ( chứ không phải giữa ta và tàu).

Hôm tôi vào Vĩnh Long, ăn bữa cơm với gia đình anh bạn. Bữa ăn có ba người, nhưng thấy 4 bát, 4 chén, thức ăn được gắp vào một chiếc bát không có người ngồi, rượu cũng rót đủ. Tôi hỏi, còn ai ngồi đây? Chủ nhà bảo: Đấy là chỗ của cha em... ( mất cách đây chục năm rồi).

Hỏi ra thì chủ nhà giải thích: Phong tục ở đây như vậy, cứ làm cho đến khi hết cuộc đời mình thôi. Nghĩa là bữa cơm nào con cũng làm như cha mẹ còn sống. Nghe nói vậy, tôi nhớ đến chuyện nhà Victo Huygo, bên bàn tiệc nhà ông có một chiếc ghế trống có tấm biển ghi dòng chữ: Tất cả những người đã đi xa đều hiện diện...



Cô con dâu từ miền Đông lấy chồng về miền Tây thì nói: Cứ chừng 5-6 giờ tối là phải thắp nhang, ai không thắp thì bà con chê cười là bỏ bê ông bà. Nói thiệt với anh, khi nào chiều tối mà chỉ có mình em ở nhà là em ra cổng ngồi vì sợ. Phía trước thì là những ngôi mộ trắng toát, trong nhà thì khói nhang... Mấy năm em mới quen quen.

Nghe chủ nhà nói vậy, tất nhiên là đúng rồi, nhưng câu hỏi đặt ra xin các bác phía Nam giải thích giùm là phong tục đó có phổ biến không, hay chỉ riêng vùng Vĩnh Long?

Phong tục này rõ ràng là rất khác so với miền Bắc. Ngoài Bắc chỉ cúng tổ tiên khi có giỗ chạp, khi nhà có sự kiện hay gần đây là Rằm, Mùng Một. Xưa kia khó khăn, Rằm, mùng Một cũng chỉ cúng thổ công, không cúng tổ tiên. Và đã chết là thiêng liêng, không "sinh hoạt" lẫn với người sống như thế.

Miền Nam do khai khẩn đất hoang, mỗi nhà một khoảnh nên khi có người chết họ táng luôn trong ruộng nhà, cho đến bây giờ một vị quan chức cũng nói: Phải mua ruộng để sau này chôn, không vào khu nghĩa trang chung...



Ngoài Bắc xưa cũng chôn ở ruộng nhà mình, ai không có ruộng thì chôn ruộng chùa hay nghĩa trang chung. Nghĩa trang thường ở phía Tây của làng.

Ngoài Bắc thường bốc mộ sau 3 năm, tuy nhiên có những vùng ít bốc mộ. Ở trong Nam đều xây kim tĩnh, chôn một lần rồi thôi. Ở chỗ Vĩnh Long tôi đến, bây giờ người ta hạ huyệt xong đổ luôn bê tông xuống, thế là quan tài nằm giữa khối xi măng, muôn năm không tiêu hủy. Lạ thật!

--> Read more..

Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

Tiên học lễ...

Người ta đang bàn nên có bỏ khẩu hiệu :" Tiên học lễ , hậu học văn " hay không, tôi thì chú ý ngay đến cái ảnh minh họa mà tôi vốn rất ghét bấy lâu. Đó là cái hình cuốn thư kết bằng hoa giả, khẩu hiệu màu đỏ, trên nền vàng đất. Hai bên cổng Văn miếu Quốc tử giám HN vốn rất đẹp, trang nghiêm, thanh lịch bị chèn bởi hai cái cuốn thư hoa giả thô kệch, lố bịch này. Tôi thương những du khách nước ngoài, cả đời đến đây một lần nhưng không lựa góc nào mà chụp được Tam quan VM mà không có hai cái của nợ kia.



Không hiểu sao HN tự cho mình là thanh lịch mà lại có gu thẩm mỹ như thế? Tương tự như vậy, mỗi khi đi qua tượng đài cụ Lý Thái Tổ tôi đều mong manh hy vọng cái mớ hoa giả đầy bụi, vô hồn được cắm như hiệu bán hoa giả dưới chân tượng được hót đi, nhưng cứ thất vọng hoài, nó cứ trơ tráo ở đó hết ngày này sang ngày khác.


Lễ ở đấy chứ ở đâu. Khi nào tưởng nhớ đến cụ, ta đặt bó hoa huệ, hay một bông hoa nhỏ, chân thành, cung kính, chứ đâu có lối cúng hoa giả, giả dối, thô thiển thế. Về mặt thẩm mỹ cũng dở, về mặt tâm linh cũng hỏng.

Không biết mình có khó tính quá không, nhưng tôi rất hy vọng mấy cái giả đó được dọn đi sớm.
--> Read more..

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

Kỵ húy - kiêng tên

Bác PNH bàn về việc đặt tên, bác Bulukhin bàn về chữ Phong Nha, em té nước theo mưa, nói về việc kỵ húy cho vui.

Kỵ húy nghĩa là kiêng, tránh dùng một số từ nào đó, điều này thời nào cũng có, nhưng đặc biệt là trong thời phong kiến và dân gian rất được coi trọng. Ai dùng vào những chữ đã quy định phải tránh thì gọi là phạm húy.

Trước hết là kỵ húy triều đình, các triều đại đều ban hành những chữ phải kiêng tránh, để quan lại, dân chúng khi soạn thảo văn bản, tấu sớ, thi cử, làm văn chương dùng chữ khác thay thế, hoặc viết thêm nét vào chữ đó, nếu không thay thế được. Do đó, cụ Hoàng Xuân Hãn, cụ Nguyễn Tài Cẩn mới căn cứ vào những chữ kỵ húy đó để suy ra thời điểm xuất xứ của văn bản.

Ví dụ Lan là tên mẹ vua Gia Long, nên chữ Lan trong một số bản Kiều đổi thành Hương

Nhà hương thanh vắng một mình ( câu 375)

hay So vào với thiếp hương đình nào thua ( câu 1988)

Cũng vì kỵ húy nên miền Trung trở vào kiêng chữ Hoa, gọi là Bông; Cảnh thành Kiểng...

Bịt mắt bắt dê ở Hội làng...

Bên cạnh những chữ húy chung cho cả nước thì mỗi vùng miền, mỗi làng xã lại có thêm những chữ kỵ húy riêng, đó thường là tên thần thánh, danh nhân. Ví dụ, ở quê tôi thờ Thành hoàng là Nam Hải đại vương thì cả làng kiêng hai chữ Nam Hải, không ai đặt tên con trùng hai chữ này và khi phát âm thì chệch đi là Nơm Hởi. Chỉ từ 1954 trở về đây thói quen này mới giảm dần và đến nay chưa mất hẳn.

Thụy khí tường quang

Cuối cùng là kỵ húy trong gia tộc, gia đình. Những chữ phải kiêng kỵ là tên ông bà, tổ tiên. Không chỉ con cháu kiêng mà những người hàng xóm, thông gia... cũng kiêng theo. Vì cái sự kiêng thái quá này mà có lắm chuyện buồn cười.

Một ông cán bộ HTX nông nghiệp họp toàn thể xã viên lại nói oang oang: "Tôi xin đọc Phang án để xin ý kiến bà con xã viên"... Ông này kiêng chữ Phương, khiến cử tọa cười ồ...

Bà mẹ tôi thì kể, một hôm chơi nhà bà hàng xóm, có mấy người cùng uống nước.Mẹ tôi hỏi, nhà bác có cây gì ngoài kia mà trông xanh tốt nhỉ? Bà chủ nhà bảo: Cây cơm đấy mợ.

-Cây gì bác?

-Cây cơm.

-Cây cơm là cây gì nhỉ, em chưa nghe tên bao giờ - bà mẹ tôi thắc mắc.

Bấy giờ bà ngồi bên cạnh mới lên tiếng: Cây cam đấy bác ạ, bà đây kiêng tên cụ nhà tôi.

Kiêng tên người chết đã đành, kiêng cả tên người sống nữa. Có khi dân làng, họ hàng đặt chữ tránh cho ai đó, lâu dần thành tên như thật, ví dụ cụ lang Giai ( Giai là đẹp- giai phẩm, giai nhân) được gọi chệch đi là cụ lang Bở; cụ Chánh Bang, gọi là cụ Chánh Bống, Bống lại thành tên nên chệch tiếp sang cụ Chánh Ấm... Những chuyện kỳ khôi như thế thì bây giờ không còn.

Nhưng bà bác tôi tên là Phan Thị Dung, lấy chồng trên phố huyện, vậy mà thư trong Nam gửi ra rồi bị trả lại vì không có bà PTD ở địa chỉ đó. Té ra là khi mới về nhà chồng thì gọi theo tên chồng, có con thì gọi theo tên con, có cháu gọi theo tên cháu nên không mấy khi nhắc đến tên thật của người đàn bà... Do đó bưu tá hỏi hoài ai cũng lắc đầu.

Ở nông thôn kiêng tên rất kỹ, nói đến tên cha ông nhà người ta mà không cẩn thận là gây xích mích. Bây giờ đỡ hơn nhưng vẫn rõ nét, tùy vùng miền...

Do đó, khi làm hoành phi, câu đối người ta phải hỏi rất kỹ chủ nhà những chữ này gia đình có trùng tên húy không. Ví du, mừng bác Nguyễn Quốc Toàn 70 tuổi mà anh em làm bức trướng " Phúc Lộc Thọ toàn"  là không được rồi.

Hà đức như sơn

Hơn nữa, câu đối thờ tổ tiên mà đọc lên thấy tên các cụ bị réo thì hỏng quá. Do đó, khi được bạn bè anh em nhờ tham mưu làm hoành phi, câu đối, bao giờ tôi cũng bảo họ về hỏi kỹ những chữ này, nếu sơ ý cứ làm xong, mang về treo mới có người nhắc thì nguy. Đó là một thứ văn hóa truyền thống không thể không biết.



--> Read more..

Cô chủ quán và Thẻ nhà báo



Từ hôm qua đến giờ, rất nhiều ý kiến đã bình luận về sự kiện này và tôi rất vui thấy đại đa số các bác, các bạn chọn Phương án 1, nghĩa là cô chủ quán không giữ gì cả, vui vẻ để tôi trả tiền sau.
Tôi thấy vui vì đại đa số các bạn còn khá mơ mộng, đề cao những giá trị tinh thần, đó là niềm tin vào những điều tốt đẹp, cao hơn những giá trị vật chất ( trong việc này là số tiền nhỏ - bằng một tô miến).

Một số bạn chọn Phương án 2, giữ thẻ cho an toàn.


Phương án 3, ít ai chọn vì thực tế ít có người bán hàng quá quắt như vậy. Người ta bảo: Không biết nở nụ cười thì đừng mở quán cơ mà. Do đó, ai bán hàng cũng muốn vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi.

Thực tế thì sao?


Cô bán hàng dịu dàng, thích nghe nhạc Trịnh nhẹ nhàng đó đã chọn phương án 2. Khi tôi đứng dậy nói: " Anh vô duyên quá, sáng nay đi quên ví. Anh gửi tạm cái Thẻ, chiều về qua anh gửi tiền nhé". Có lẽ sự cố quá bất ngờ để cô chủ quán có một quyết định thật thấu đáo. Cô đã cầm thẻ của tôi cho vào ngăn kéo. Cử chỉ dễ dàng của cô khiến lòng tôi chợt se lại.


Có bạn bảo, sao không cắm điện thoại? Thật ra tôi có thể để lại cái đồng hồ, đắt giá hơn điện thoại, nhưng theo phản xạ, tôi đưa thẻ để chứng minh thân phận, để cô biết tôi nghiêm túc. Và cũng có chút hy vọng, chỉ cần xem là đủ, cô có thể gửi lại tôi... Nhưng như vậy là  con người và cả tấm thẻ có ảnh hẳn hoi cũng không khiến cô tin cậy.


Tôi lên xe đi mà tâm trí không thể vô tư được. Người xưa nói: Mặt người bằng mười mặt ruộng. Nhưng bây giờ không phải thế. Tôi cũng cho rằng, cô gái đã không làm khó tôi, không khiến tôi mất mặt, cầm thẻ theo yêu cầu của tôi, nên cũng là người tốt. Chỉ có điều mình muốn tốt đẹp hơn chút nữa thôi.


Bên Tây có người nói: Sự nghi ngờ ẩn chứa trong những tâm hồn tội lỗi. Nhưng biết nói sao, ở ta họ bị lừa nhiều rồi, cả tin thì thiệt... Do đó, tôi nghĩ phương án 2 chắc chắn được áp dụng nhiều nhất trong thực tế hiện nay, ít ra là ở miền Bắc.


Buổi chiều tôi trở lại nói: Anh gửi tiền buổi sáng, em cho anh xin cái thẻ. Cô gái có vẻ hơi ngại ngùng nói: Có lẽ sáng ngày anh đi vội quá. Ừ, cám ơn em! Tôi định nói câu gì đó nhưng thôi.


Tôi đi ra không ngoái lại, tôi biết tôi sẽ không trở lại quán này nữa vì tôi có một kỷ niệm không vui với nó.


Hôm đi Bình Định,
Moido Tyty nói: Em thấy những người chơi blog đều rất tình cảm. Qua vụ này tôi thấy ý kiến đó có lý lắm.
--> Read more..

Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

Xin cắm Thẻ nhà báo

Sáng nay trên đường đến cơ quan, tớ ăn sáng ở một quán khá sạch sẽ, quán miến lươn nhưng nghe nhạc Trịnh, cô bán hàng có vẻ trái nghề vì khá nhẹ nhàng, làm cô giáo hay thợ may thì đúng hơn. Đang ung dung thưởng thức thì vợ gọi, báo tin: Anh bỏ quên ví ở nhà đây này. Ối trời, vô duyên đến thế... Miến lươn trong miệng bỗng đắng ngắt.
Thế là tôi nói bà xã mang ví đến cho tôi... Ngồi nhìn ra ngoài , trời đổ mưa rào rào, vợ lại đi làm theo hướng ngược lại, chưa kể còn chở thằng cu đi học vẽ. Tôi phân vân, hay gọi cho người bạn gần đây ra "cứu nét" nhỉ? Không được, mới có 7g 15 thôi.
Tôi quyết định liều, mang thẻ nhà báo ra cắm quán, bảo vợ không cần mang ví qua nữa.
Tôi đặt ra ba tình huống: 1. Cô chủ quán thấy tôi chìa thẻ đỏ ra thì bảo, Thôi, không cần đâu, khi nào anh qua thì cho em xin cũng được mà. 2. Ok, nhận thẻ và mình đi. 3. Không có thẻ thiếc gì cả, anh cứ trả tiền em thôi.
Đến nước này thì kiểu gì cũng phải chấp nhận, tôi rút thẻ ra và muối mặt có lời với chủ quán...
Theo các bác phương án nào đã xảy ra?! 
--> Read more..

Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

Hành trình đi tu của Phật sống LCD

Thoáng cái đã đến ngày tôi phải lên đường. Bữa đó, từ sớm người ta đã vây lấy cổng nhà tôi ở rồi sau đó chia làm hai hàng quỳ dọc theo lối đi. Khoảng 7 giờ, một đoàn người rước kiệu cùng cờ quạt chiêng trống thì thùng tiến vô sân. Vị sãi cả cúi đầu mời tôi lên kiệu. Tôi quay lại xá mọi người trong nhà rồi lên kiệu. Ông sãi cả chậm rãi lần tràng hạt bước phía trước, người đi đường nối theo thành đám rước dài. Tới chùa, tôi được dẫn tới trước bàn thờ Phật tổ, một lễ cầu nguyện diễn ra, vị sãi cả làm lễ chúc phúc cho tôi. Tôi ở lại chùa ít ngày vừa học kinh vừa nghe hướng dẫn về con đường đến Tây Phương. Ngày lên đường, các vị tăng đưa tôi ra cổng. Tại cổng chùa, hai hàng người quỳ lạy, trong tiếng chiêng trống rộn ràng tiễn tôi đi. Vị sãi cả đưa tôi đi một quãng xa thì dừng lại. Chiếc xe hơi quen thuộc của gia đình đón sẵn. Ông Ibrahim mời tôi lên xe ngồi ghế trên, còn bà Ibrahim ngồi sau với Mary. Ông Ibrahim lên xe sau cùng, ngồi sau tay lái. Theo con đường quốc lộ, xe đi về phía tây. Ðến chiều, khi không còn đường đi nữa, tôi xuống xe, chia tay gia đình. Cả ba người quỳ xuống trước mặt tôi. Tôi bước lùi lại. Mary tay vẫn để trước ngực, mắt nhìn tôi đăm đắm như người mất hồn. Cầm lòng không đặng, tôi quay người lại, bước vội. Một nhà sư đã chờ sẵn, dắt tới con ngựa màu lông hung hung rồi tôi cùng nhà sư lên ngựa đi vào rừng. Ngoái lại tôi thấy vợ tôi cùng cha mẹ vợ vẫn quỳ, nhìn hướng về tôi…

Phải qua nhiều đèo suối, nửa đêm tôi mới tới một cảnh chùa nằm trong hang núi.


Sáng ra vị sãi cả trong chùa nói rằng tôi phải ở lại chùa một thời gian vừa học kinh vừa học thuốc và luyện tập, khi nào thành thục mọi thứ sẽ lên đường đi Tây Phương. Ðầu tiên tôi được cho ngồi thiền và nhìn mặt trời buổi sáng. Vừa cầu kinh, tôi vừa lần bấm ngón tay, từ ngón trỏ tới ngón út. Lúc đầu nhìn mặt trời mới lên còn êm nhưng sau đó thì chói quá, muốn nổ tung con mắt. Ðúng lúc đó người ta kêu vô. Tôi được dạy kinh Phật, không có quyển sách nào, chỉ học truyền miệng. Buổi chiều một vị hoà thượng cao niên dạy các môn thuốc toàn bằng cây cỏ : lá nào trị cảm cúm, nhức đầu, lá nào trị đau bụng tháo dạ, rồi dần dần những thuốc trị rắn cắn, gẫy xương. Do biết chữ Hin-đu, tôi ghi chép những lời thầy giảng để học lại nên mau thuộc. Chiều xế lại được hướng dẫn ra ngồi thiền cầu kinh nhìn mặt trời lặn. Ban đêm tôi được cho nằm trên phiến đá rất lạnh. Không hiểu sao lại có phiến đá lạnh đến vậy, lạnh hơn mọi vật chung quanh, như có ai ướp nước đá. Ban đầu lạnh quá không ngủ được nhưng về sau mệt ngủ thiếp đi. Cứ đêm đêm nằm thế riết rồi quen. Tôi còn được tập luyện Yôga, mà nhìn mặt trời cũng là một môn luyện Yôga. Tiếp đó học khí công, luyện cách điều hoà nhịp tim. Trong cái hang tôi ở còn có phiến đá nữa, nóng hơn bình thường, dường như được người ta nung lên vậy. Sau thời gian ngủ trên đá lạnh, tôi được chỉ cho ngủ trên tảng đá nóng. Lúc đầu nóng quá không ngủ được nhưng mãi rồi quen. Nhờ vậy quen dần với nóng với lạnh. Thời gian trong ngôi chùa hang trôi đi chậm chạp, không có việc gì phải gấp gáp. Học không thuộc thì học lại, học nữa, chỉ khi nào thật thuộc thật nhuyễn mới thôi. Khi thấy tôi đã học đủ có thể lên đường được rồi, vị sãi cả cho người đưa tôi đi bộ trở lại con đường mấy tháng trước, đến bịnh viện gần nhất. Ở đấy tôi nằm lại một tuần cho người ta cắt ruột dư. Trong những ngày đó, tôi càng nhận ra người ta chuẩn bị cho người đi tu Phật thật chu đáo. Cắt ruột dư xong, tôi trở về chùa. Ngày lên đường, vị sãi cả đưa cho một ít thuốc, một ít trái cây làm thức ăn rồi tất cả cùng quỳ xuống đọc kinh tiễn tôi lên đường. Trước khi đi, tôi được dặn kỹ đường đi cách sao cho khỏi lạc và cần phải làm gì khi đến nơi tiếp.

Ba người đi tu Phật bọn tôi ra khỏi chùa, quay lại xá mọi người rồi chân trần bước trên sỏi đá. Mỗi người là một thế giới riêng câm lặng nên chỉ mấy ngày sau mỗi người một ngả. Sau này tôi không bao giờ gặp lại những bạn tu đó nữa. Tôi đi theo những con đường mòn ngoằn ngoèo khi lên đèo khi băng suối trong ánh sáng u u minh minh ban ngày và mịt mùng tối trong đêm. Không hề có bóng người nhưng lâu lâu lại bắt gặp cái am nhỏ, có nhang đèn có trái cây cúng. Của ai ? Tôi tự hỏi rồi đoán chừng, phải chăng có người của nhà Phật vẫn theo dõi và giúp mình trong những ngày đầu tiên? Nghĩ thế, tôi yên tâm, thắp nhang, khấn vái rồi ăn một mớ, còn lại cho hết vô bọc mang theo. Quả thật, nếu không có những trái cây đó, không biết tôi có qua được không ? Mình to con, làm khoẻ nhưng cũng mau đói nên lúc đầu ăn lá cây chịu sao thấu, nhiều khi đói muốn ngất xỉu, mắt đổ hào quang. Những trái cây ngon lành từ các am đó trợ sức nhiều lắm. Buổi đầu tập ăn lá cây cũng cả là một chuyện khổ ải. Ðói khát thì phải ăn nhưng ăn rồi bụng đau cồn cào, ói ra mật xanh mật vàng. Nhưng không ăn thì chịu chết sao? Những bận gặp tổ ong thì mừng thiệt lớn. Ăn một mớ rồi lấy mật, lấy sáp mang theo. Tôi cũng chú ý kiếm củ sâm rừng, mang theo ăn dần.

- Vậy trong rừng không khi nào ba gặp tổ chim rồi sóc hay thỏ sao? Ba có bắt nó ăn thịt không ?

- Thằng nầy hỏi coi bộ gắt ta ! Ăn chớ sao không ? Biết là giới răn cấm sát sanh nhưng đói quá chịu sao thấu. Một lần gặp tổ chim gì đó trong bộng cây, tôi mò tay vô thấy bốn cái trứng bằng trứng gà con so. Mút vô, thấy tỉnh táo hẳn. Có bận gặp con nhái bên bờ suối, mình bắt, lột da rồi ăn sống từ từ từng chút một, vừa ăn vừa coi chừng xem bụng dạ có sao không. Cũng nghĩ là mình làm bậy, phạm điều răn. Nhưng lại nghĩ, mình mới đi tu mà, đã thành Phật được đâu, cũng phải từ từ. Càng đi lâu càng quen với trái với lá cây rừng không còn bị cái đói hành hạ nữa, lúc đó tôi thấy tổ chim, hay sanh vật ngay trước mắt cũng dửng dưng không còn thèm khát ! Tôi tự hỏi : phải chăng như thế mình đã thành Phật ? Từ đó tôi không còn bao giờ sát sanh nữa.

Sống lâu trong rừng tức là sống trong đêm và hoàng hôn, mắt người thường sẽ nhìn kém đi nhưng tôi nhờ tập nhìn mặt trời nên mắt vẫn tinh, có thể nhìn khá xa trong bóng tối. Tuy vậy nhưng mắt không ngon bằng tai. Trong rừng tai thành giác quan chủ yếu. Nhờ nghe tiếng rừng, mình biết nơi có thác nước là có vực sâu, phải thận trọng tránh xa, nếu không sa xuống vực thì bỏ mạng. Nhưng cái chính là nhờ tai mà kiếm được thức ăn. Trong rừng chủ yếu ăn trái cây mà chim rừng là loại thày dạy kiếm trái cây thần sầu. Do theo dõi hoạt động của chim, mình biết, nếu có con nào phát hiện ra trái chín, chúng gọi nhau, báo cho nhau nên lũ chim lần lượt bay về một hướng, vừa bay vừa kêu. Mình đi theo hướng đó. Khi thấy bầy chim vừa ăn vừa hót huyên náo là đã đến gần cây có trái chín. Lúc đó chỉ còn việc leo cây hái trái, còn nếu cây cao quá thì mót lại những trái mà bầy chim làm rớt, nhưng thường thì tôi ráng leo cây vì gặp những bữa liên hoan như vậy chẳng dễ dàng gì. Những trái cây chim ăn vừa ngon ngọt lại không độc.

Ði mãi lâu, chừng khoảng nửa năm, mới tới cảnh chùa thứ hai. Mầy có biết tao mừng cỡ sao không ? Mừng vì nhìn thấy con người, mừng vì được nghe tiếng người. Khi đi trong rừng, tôi chỉ lầm rầm đọc kinh, nói một mình, nghe cũng một mình. Giờ được nghe tiếng người, tôi hiểu mình không cô độc. Ðâu đâu trong rừng tối mênh mông vẫn có đồng loại đồng đạo của mình. Thấy người thấy cảnh chùa là vui nhưng cũng không phải là chuyện nghỉ ngơi. Lại học những bài kinh mới do vị sãi cả truyền cho, lại ngồi thiền, lại tập Yôga. Các vị hoà thượng dạy thêm cho những môn thuốc quý cùng những biện pháp chống thú dữ, rắn độc. Những gì học được khi ở ngôi chùa đầu tiên cộng với kinh nghiệm trên đường đi, lại được nâng lên một chút. Khi kiểm tra những bài kinh đã dạy, thấy tôi thuộc rồi, vị sãi cả hướng dẫn đường đi đến ngôi chùa tiếp. Sau đó cho tôi ít thuốc cùng trái cây, họ cầu kinh chúc phước tiễn lên đường.

- Vậy có khi nào ba gặp thú dữ không ba, nghe nói rừng Ấn Ðộ dễ sợ lắm mà ba ?

- Dễ sợ là với cái khác, còn thú dữ tôi không gặp gấu, chỉ một lần gặp cọp. Bữa ấy tôi đang đi thì thấy bầy khỉ nháo nhác chuyền cành chạy trối chết. Tôi đoán chừng có cọp nên chuẩn bị đề phòng. Lát sau thì mùi hôi xốc lên và con cọp lớn bước tới. Trước khi vô rừng, tôi được dạy, nếu gặp thú dữ thì ngồi xuống tụng kinh, Phật sẽ độ. Tôi nghĩ ngồi tụng kinh hổng chắc ăn nên vội ngồi thụp xuống, lấy cái cây vẫn mang bên mình chõi ngược lên. Chúa sơn lâm dừng lại nhìn trừng mình, mình nhìn lại. Hai bên đang đấu trí nhau như vậy, mình lấy hết hơi sức bất ngờ thét lớn, vang như tiếng sấm. Cọp giật mình dông tuốt vô rừng.

- Ði trong rừng hoài vậy, ba có nhớ nhà không ?

- Thằng nầy hỏi kỳ, nhớ chớ sao không ? Nhớ ba má ở Mốp Giăng, nhớ vợ con không biết sống ra sao. Từ ngày ra đi nào có tin tức gì đâu. Tôi cũng nhớ ông bà Ibrahim và Mary. Thương Mary muốn thắt ruột. Tôi không trách nàng. Lúc đầu nàng không thương mình cũng có lý của nàng bởi mình có ra gì đâu. Khi hiểu và thương tôi thì nàng thương hết lòng. Nhưng tới lúc đó mọi thứ đã rồi, không thể hồi được nữa. Càng thương họ, tôi càng muốn sống để về gặp lại. Mà tôi mang máng tin là sắp có con với Mary.

Công việc của tôi trong rừng chỉ là đi. Muốn mau tới đích, tôi tận dụng mọi thời gian, lần hồi rồi đi được ngay cả khi ngủ, việc kiếm thức ăn cũng ít mất thời gian hơn vì nhu cầu của cơ thể giảm đi, mà cũng làm quen với lá rừng, củ rừng nên không phải tìm kiếm mất công như trước nữa. Khi bị bịnh, tôi tự chữa bằng những vị thuốc mang theo hoặc ngắt những lá cây chung quanh. Có bận tôi bị hòn đá chuồi lăn trúng bàn chân trái, đau quá, ngất đi. Ðêm xuống tỉnh lại thấy bàn chân còn bị đá đè, tôi lấy cái cây luôn mang theo bên mình bẩy hòn đá rút chân ra rồi lấy thuốc trong bọc bôi, lấy lá rừng bọc lại. Hai bữa sau chân khỏi, lại đi tiếp.

Ðến một cảnh chùa khác, tôi lại được học kinh, ngồi thiền. Nhưng ở đây nhung nhúc những rắn nên mọi người phải học cách sống chung với rắn. Họ dạy tôi cách dùng một loại lá rừng thoa khắp cơ thể, lúc đó rắn không cắn nữa. Lúc đầu cũng hoảng nhưng rồi thấy ai sao mình vậy, quen dần. Có bữa ngủ dậy thấy chú hổ mang cuộn tròn ngủ ngon lành trong áo cà sa. Thấy động, chú ác xà dương cái đầu ba cạnh bành mang nhìn rồi lặng lẽ bò đi.

Cứ thế, tôi đi qua nhiều cảnh chùa. Có ngôi chùa làm trong hang núi. Tận dụng cái hang, người ta đục đá làm thành bệ thờ, tu sửa những ngách hang thành tăng phòng. Kỳ công hơn là những ngôi chùa do con người tự tạo. Ở đây ngoài xã hội loài người, con người sống hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, hầu như không có chút gì của thế giới văn minh. Chỉ bằng bàn tay, họ xếp đá thành những bức tường, lấy cây làm cột, làm mái che mưa chắn gió. Các tăng sĩ sống lặng lẽ nhưng tự giác. Họ là những con người của thế giới thoát trần với những khuôn mặt ưu nhã, những vầng trán thanh cao không chút vẩn đục vì dục vọng. Trong số họ có những người cũng đi tu Phật như mình nhưng không thể đi tiếp mà ở lại đây. Họ không ghen tỵ mà hết sức giúp những người đi xa hơn họ. Có những người vì muốn được ghi nhớ, muốn được người sau thờ nên kỳ công khoét núi làm thành cái am nhỏ rồi cũng lập ban thờ, nhang đèn thờ Phật. Khi người đó viên tịch, đồng đạo đem thiêu rồi đặt xá lỵ trong am. Những người đến sau thừa hưởng cái am nên thờ họ. Cùng nén nhang cúng Phật có nén nhang thắp cho vị bồ tát quá cố. Nhìn những cảnh ấy, nghe những câu chuyện ấy, tôi thật cảm động, thấy kính trọng họ. Không biết việc tu hành của họ có thành chánh quả không nhưng họ là những con người đáng trọng.

- Ðường xa như vậy, gian nan vậy, có khi nào ba muốn bỏ về ngang xương không ba ?

- Làm sao bỏ ? Có ai bắt mình đi tu đâu, tình nguyện cơ mà. Dù cực chẳng đã mới đi nhưng mình hiểu, nếu không thành Phật thì ít nhất cũng là đền được ơn ông bà Ibrahim và cả Mary nữa. Tôi không có đường trở về. Tôi không sợ chết vì biết rằng người đi tu Phật mà bỏ trốn sẽ bị phỉ nhổ thậm chí bị giết chết vì bị cho là ma quỷ, thần phật không cho phép đi tu nên đuổi về. Cái chính là nếu bỏ trốn sẽ không còn mặt mũi nào nhìn mọi người nữa. Chính việc không có đường lui càng khiến tôi thêm nghị lực đi đến cùng để được trở về với người thân. Nói thực lúc đó tôi chả biết là Phật rồi thì sẽ làm gì mà chỉ nghĩ đi cho tới nơi để được trở về với mọi người.

Suốt những năm đi trong rừng, quá nhiều hiểm nguy nhưng có lẽ thử thách gay go nhất với tôi là hai lần vượt sông. Mùa mưa, con sông cuồn cuộn chảy như thác, nước lao ầm ầm. Sông rộng chỉ khoảng nửa cây số nhưng việc vượt qua là quá sức người. Hàng tuần dừng lại bên bờ sông, vừa ngồi thiền vừa suy tính. Tôi thử cho cành cây xuống nước, dòng nước hung dữ cuốn mất tăm. Tôi thử đẩy cả một cây lớn xuống. Cây cũng bị cuốn đi nhưng trôi chậm hơn, ngụp lặn trong xoáy nước. Mừng thầm, tôi nghĩ là có cách rồi. Tôi lấy dây rừng kết lại thành một cái dây thiệt dài. Cột một đầu dây vô gốc cây trên bờ, mình ngồi lên cái cây lớn làm bè, chất đống dây lên đó rồi thả từ từ. Nước dữ quá, cuốn cây đi băng băng tưởng chết. Ðành bỏ cây, bám vô dây lội vào bờ. Lần sau tìm cái cây lớn hơn, tôi lên cây, rị dây cho cây từ từ trôi qua phần sông bên kia. Thả riết cho tới khi cây cách bờ bên không bao xa. Nhưng nước vẫn xiết nên phải ngồi rình cả buổi tới một giây phút dòng nước có vẻ bớt hung hãn hơn, tôi nhảy đại xuống nước lội sang bờ bên. Lần sau có kinh nghiệm, tôi vượt sông nhanh hơn nhưng cũng thuộc về may mắn. Biết bao bất trắc có thể xảy ra : dây đứt hoặc bất thần có một cái cây lớn trôi ngang qua, cuốn luôn mình đi. Cũng thiệt phiêu lưu khi nhảy xuống nước, biết đâu lúc đang lội, dòng nước tưởng là yên ổn bỗng nổi hứng bất tử chảy mạnh nhấn chìm mình luôn...

- Tôi đi riết trong rừng không biết bao nhiêu năm nữa, có chừng ngót cả chục năm thì đến cảnh chùa thứ chín. Cũng như ở các chùa trước, vị sãi cả cùng chư tăng đón mình không vồ vập nhưng chân tình. Còn mình thì mừng hết lớn vì biết không lạc đường, lại được gặp người, được nói tiếng người. Vị sãi cả dạy những bài kinh mới. Khi nghe tôi đọc lại, biết rằng tôi đã thuộc, vị đó bảo có thể lên đường đến cảnh chùa cuối cùng là Tây Phương. Vị đó nói, đường tới chùa sẽ gặp thử thách lớn nhất là phải đi qua cây cầu độc mộc bắc ngang một khe núi nước chảy xiết. Khi đi ngang qua không được mở mắt. Một buổi chiều, các vị bồ tát trong chùa tụng kinh chúc phước cho tôi, sau đó tôi lại tiếp bước vô rừng.

Ði miết, tôi thấy trời ngày một lạnh thêm, khí trời hình như cũng loãng hơn, phải thở nhiều hơn. Lúc này, bàn chân đã dạn dày, không còn ngán sỏi đá gai góc, cái bao tử cũng teo lại, hầu như không thấy đói nữa, một ngày chỉ ăn mấy trái cây, thậm chí nhấm mấy hạt mè cũng xong. Nhìn phương hướng, tôi biết mình đang đi lên phía Bắc. Gặp một khe núi sâu, nước chảy sôi sục, tôi men theo khe đi ngược dòng nước chảy để tìm lối sang bờ bên kia. Ði mãi thì đúng như vị sãi cả ở ngôi chùa thứ chín nói, gặp một cái cây đổ vắt ngang khe, làm thành cây cầu độc mộc dài hun hút mà phía dưới nước chảy cuồn cuộn sôi sục gầm réo như thác đổ. Làm cách nào để qua cầu ? Tôi tự hỏi trong khi ngồi thiền vừa lần tràng hạt vừa tụng niệm. Tôi phân vân, tại sao vị sãi lại nói qua cầu không được mở mắt ? Cố nhiên vị bồ tát không nói dỡn, lại càng không lừa mình. Nhưng nhắm mắt làm sao qua cầu ? Tuy ngủ trong khi đi đường đã quen nhưng đó là trên đất. Làm sao có thể nhắm mắt khi qua cây cầu như vầy ? Suy nghĩ mãi, rồi nhìn dòng nước tôi chợt hiểu, vị sãi cả nói đúng : mở mắt nhìn dòng nước sẽ bị chóng mặt rớt xuống liền ! Hiểu ra vậy, tôi nghĩ : mở mắt nhìn dòng nước sẽ bị chóng mặt té. Nhưng nhắm mắt thì còn dễ té hơn vì làm sao mà bước đi ? Như vậy phải mở mắt mà không nhìn dòng nước và giữ sao cho không bị chóng mặt. Nghĩ vậy, tôi bước lên gốc cây trên bờ vực, giữ nhịp tim đập chậm, đồng thời he hé mắt nhìn thẳng phía trước, tai quên tiếng nước gầm, tìm những chỗ sẽ đặt chân mà không nhìn xuống vực. Và tôi lần từng bước qua cầu. Sang tới bờ bên, tôi quỵ xuống, người xỉu đi.

Qua cầu, đi không bao lâu nữa theo hướng vị sãi cả ngôi chùa thứ chín kể thì tới chùa Tây Phương, ngôi chùa lớn nhất trong tất cả những cảnh chùa tôi đã đi qua. Chùa cũng khá đông người. Vị sãi cả vẻ người phương phi quắc thước rất già nhưng không biết là bao nhiêu tuổi, dường như biết trước là tôi sẽ đến nên đã chuẩn bị những thứ cần thiết. Khi tôi bước tới, một người dẫn tôi đi tắm bằng nước thơm, thay bộ cà sa mới vì áo của tôi đã rách bươm. Sau đó tôi lại tiếp tục ngồi thiền học kinh, học theo những câu kinh vị sãi cả truyền dạy. Ðến khi tôi đọc lại cho ông toàn bộ bản kinh ông đã dạy thì sãi cả nói : Học vậy là đủ, không còn kinh để dạy nữa. Cần ôn lại những kinh đã học trong những ngày qua. Tôi lại ngồi thiền, tự mình nhẩm đọc lại toàn bộ những bài kinh học được từ ngày vô chùa, mấy tháng trời cần mẫn ngày nào cũng như ngày nào. Một bữa tôi đang đọc như mọi ngày thì vị sãi cả đến nói: đã đắc đạo trở thành Phật rồi, không đọc nữa mà trở về giúp ích cho đời.
--> Read more..

DI NGÔN PHẬT SỐNG LƯU CÔNG DANH


Một sáng mùa hè năm 1958, chiếc xe com-măng-ca biển số đỏ chở hai người sĩ quan dừng trước doanh trại Sư đoàn 338 đi tìm Phật sống ! ...
 
Cuộc tìm kiếm Phật sống không khác nào mò kim đáy bể. Không thể tìm Ba Chà trong danh sách quân nhân vì đó là tên dân gian Nam Bộ. Ông này thứ ba nhưng người Chà Và (Ấn Ðộ) nên dân gian kêu là Ba Chà ! Cái tên Nam Bộ ấy chắc cũng để lại miền Nam mà không theo chủ đi tập kết ? Phải nhiều ngày mò mẫm qua từng đơn vị rồi một hôm 3 sĩ quan đến Ðại đội 19 công binh, Trung đoàn 3. Một tiểu đội trưởng tình cờ nghe thấy các sĩ quan bàn nhau việc kiếm Phật sống Ba Chà, anh nói :
 
- Tôi có biết một ông Phật sống nhưng không rõ ổng có phải Ba Chà không ?
 
Mừng như bắt được của, các phái viên hối dẫn đi tìm ngay. Tiểu đội trưởng tên là Trần Hữu Ðức dẫn họ tới Chợ Chuối xã Thăng Long huyện Nông Cống. Xe dừng lại trước khu lò gạch, chiến sĩ đang làm việc ì xèo. Hai Ðức dẫn mấy anh em ra hiện trường thì gặp đại đội trưởng lò gạch là ông già to cao đang gánh đất, chân tay lấm bê bết :
 
- Ðó, ổng đó !
 
Hai Ðức chỉ. Khi được hỏi về Phật sống Ba Chà, ông trả lời thủng thẳng :
 
- Ông nầy tôi có biết nhưng không biết giờ ông ở đâu, để rồi tôi kiếm giùm.
 
Lát sau ông hỏi lại :
 
- Nhưng mấy cậu kiếm ổng có chuyện gì ?
 
Viên trung uý nói :
 
- Bộ Ngoại giao mời ông ấy về Hà Nội để tiếp khách Ấn Ðộ. Việc này được báo cáo Bác Hồ, Bác yêu cầu bên quân đội tìm giúp. Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh trực tiếp giao nhiệm vụ cho chúng tôi…
 
Ông đại đội trưởng già vẫn giọng chậm rãi hỏi :
 
- Mời ra Hà Nội nhưng có gặp Bác Hồ được không ?
 
- Nếu ra thì sẽ gặp được. Viên thiếu tá đáp sau thoáng nghĩ ngợi.
 
Ông già nói tiếp, vẫn bằng giọng thủng thẳng :
 
- Ổng biểu, nếu được gặp Bác Hồ thì ổng ra, nếu không, ổng lội bộ về đó !
 
Mừng quá, mấy anh phái viên lôi từ trên ô tô xuống một thùng bia hơi để đãi Phật sống cùng anh em đơn vị rồi đưa trung uý Lưu Công Danh về Bộ Tư lệnh Sư đoàn.


 
Chuyện là thế này : Hiệp định Giơnevơ năm 1954 lập Uỷ ban Giám sát và Kiểm soát đình chiến tại Việt Nam do Ấn Ðộ làm chủ tịch, hai thành viên là Ba Lan và Canada. Ấn Ðộ là nước trung lập nhưng lúc đó chưa hiểu lắm về ta nên trong nhiều vụ việc cụ thể gây cho ta không ít khó khăn. Tranh thủ được Ấn Ðộ không chỉ có lợi lúc này mà còn là chiến lược lâu dài vì vai trò quan trọng của Ấn trong khu vực và thế giới. Thực hiện nhiệm vụ ngoại giao cấp bách này, Bác Hồ đã mời Tổng thống Ấn Ðộ Praxat và phu nhân sang thăm nước ta với danh nghĩa nước Chủ tịch Uỷ ban quốc tế. Trước chuyến thăm, qua con đường ngoại giao, ta biết có một số vấn đề về quan điểm bạn chưa đồng ý với ta. Nếu không thuyết phục được bạn, cuộc viếng thăm sẽ kém kết quả. Nhưng làm sao để thuyết phục ? Bộ Ngoại giao lúc đó tìm hết phương kế nhưng đành chịu. Thứ trưởng Ung Văn Khiêm chợt nhớ, trong kháng chiến ở miền Tây Nam Bộ có ông Phật sống Ấn Ðộ tên Ba Chà làm Giám đốc Ðề lao binh. Nghe nói gia đình người vợ Ấn Ðộ của ông ta có họ hàng với Thủ tướng Ganđi. Tổng thống Praxat và phu nhân cũng là phật tử. Nếu có được ông Vua Phật Ấn Ðộ để giao thiệp với phái đoàn Ấn Ðộ thì quá ngon ! Ý kiến này được báo cáo lên Bác Hồ. Bác ủng hộ liền vì thấy là sáng kiến tốt. Công việc tìm Phật sống được giao cho bên Quân đội. Ðại tướng Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh cử nhóm công tác đi Thanh Hoá là nơi hai sư đoàn bộ đội Nam Bộ đang đóng.
 
Ðầu năm 1955, ăn Tết xong, từ vàm Sông Ðốc một số cán bộ chiến sĩ miền Tây Nam Bộ lên chuyến tàu thứ hai, chiếc tàu Ba Lan Kilinxki vừa chở người vừa chở gạo ra cứu đói miền Bắc. Cũng đi chuyến này có Lưu Công Danh, nguyên là Phật sống Ấn Ðộ. Nhân viên người Ấn trong phái đoàn quốc tế nghe nói có Phật sống trên tàu nên đôn đáo đi tìm. Lo cho sự an toàn của ông, anh em dấu Lưu Công Danh xuống hầm tàu.
 
Tới Sầm Sơn, sau những tháng học tập, chỉnh huấn, đến tháng 10 biên chế lại đơn vị. Lính miền Tây thành Sư đoàn 338, lính miền Ðông thành Sư đoàn 330. Một số chiến sĩ miền Tây sang Sư miền Ðông, trong đó có Lưu Công Danh và Trần Hữu Ðức. Hai người cùng trong Tiểu đoàn 209 chuyên xây dựng doanh trại. Khi Hai Ðức về đại đội công binh 19 thì gặp Ba Danh (Từ khi Ðề lao binh giải thể, Lưu Công Danh không dùng tên Ba Chà nữa mà lấy lại tên thật Ba Danh, trong khi đó ông Ung Văn Khiêm lại nhớ tên cũ nên việc tìm kiếm khó khăn) cùng đóng quân trong khu vực chợ Chuối. Ðại đội do trung uý Ba Danh làm đại đội trưởng tiếp thu cái lò gạch của tư nhân bỏ hoang, chiến sĩ sửa lại để nung gạch. Cánh Hai Ðức thường sang lò gạch Ba Danh đá banh. Một bữa đang đá hăng thì một cậu bị thương gãy ngang ống quyển, đau quá la thét kinh hoàng. Anh em xúm quanh định khiêng đi bệnh xá. Ông Ba hỏi :
 
- Gì mà la dữ vậy bây ?
 
Nhìn thấy ông lính già dáng cao lớn, Hai Ðức buột miệng nói :
 
- Lính con nó gẫy giò ba ơi ! Ông Ba bước tới nhìn, nói :
 
- Ôi, tưởng gì, đem vô đây ! Anh em khênh người bị nạn vào lán lợp nứa dùng để chứa gạch mộc. Ông nắn lại xương gân cho ngay ngắn rồi lấy trong bọc đồ riêng của mình ra những loại bột gì đó ngào với đất sét, bó giò, lấy cây nứa nẹp lại cho khỏi cấn rồi dùng băng quấn xung quanh. Xong việc, ông nói :
 
- Về đi, vài bữa đá banh nữa.
 
Hai bữa sau ông tới tháo nẹp, nói :
 
- Mầy đứng tao coi !
 
Người lính do dự :
 
- Liệu có gẫy lại không ?
 
- Giỡn hoài, mầy. Gẫy tao thường ! Không đổi sắc mặt, ông lính già nói.
 
Run run, anh ta vịn vào thành giường đu mình đứng dậy.
 
- Mầy bước tao coi !
 
Khi cậu lính trẻ đứng vững trên đôi chân của mình, ông Ba nói tiếp.
 
Người lính dò dẫm bước một bước hai bước rồi đi một đoạn dài như chưa từng bị thương. Anh em ngạc nhiên hết sức, rối rít cảm ơn ông già. Tin về ông lính già Nam Bộ có tài bó xương gẫy lan nhanh trong đơn vị rồi ra ngoài dân. Nhiều người đến nhờ. Đại đội lò gạch của Ba Danh gần thành một trạm cứu thương.
 
Một bữa ngồi uống nước, ông Ba hỏi Hai Ðức :
 
-         Bữa đó sao mầy kêu tao là ba ?
 
-         Tôi thấy ông già gần như tía tôi nên kêu vậy thôi.
 
-         Mầy quê đâu ?
 
-         Tôi dân Phú Quốc !
 
-         Vậy sao ? Ông già mừng húm reo lớn :
 
-         Tao Rạch Giá nè, ở Mớp Giăng, Châu Thành đó.
 
Gặp người cùng xứ, chàng lính trẻ Hai Ðức mừng hết lớn :
 
- Vậy tôi kêu ông ba luôn nghe, ông là ba nuôi tôi vậy !
 
Họ nhận cha con như vậy đó.
 
Rồi cha con hủ hỷ. Ba Danh thủng thẳng từng chút một kể cho Hai Ðức nghe chuyện đời mình. Anh Hai Ðức nói thật tiếc vì lúc đó anh chỉ nghe cho vui mà không có ý thức khai thác ông già nhiều hơn.
 
Về Hà Nội, trung uý Lưu Công Danh được đưa tới gặp Phó Thủ tướng Phan Kế Toại bàn về việc tiếp phái đoàn Ấn Độ, sau đó được bố trí nghỉ tại Bộ Ngoại giao. Ở Hà Nội hơn một tháng không được gặp Bác Hồ, Ba Danh đòi trở về đơn vị. Trước khi đoàn tới ít ngày, Bác Hồ bố trí thời gian gặp Ba Danh. Bác nói :
 
-  Chính Phủ Ấn chưa hiểu mình nên trong công việc có gây cho Chính phủ ít nhiều khó khăn. Chú có thể giúp cho phái đoàn ta !
 
- Thưa Bác, cháu thì giúp được gì ạ ?
 
- Nếu biết cách thì chú giúp được đấy !
 
- Giúp thế nào, xin Bác chỉ cho cháu. Nếu làm được, cháu sẽ hết sức cố gắng !
 
- Thế này nhé, chú hút thuốc đi, Bác chỉ vào gói thuốc Ðại Tiền Môn trên bàn, mỉm cười, sau đó nói chậm rãi, có thể bà Tổng thống Praxat sẽ xin gặp chú. Nếu bà Praxat muốn gặp thì chú nên gặp.
 
- Nhưng thưa Bác, Ba Danh ấp úng, bà ta gặp cháu để làm gì ạ?
 
- Gặp chú vì chú là Phật sống Ấn Ðộ.
 
Ba Danh toát mồ hôi, không hiểu ông Cụ nhắc đến Phật sống với ý nghĩa gì. Anh lén ngước nhìn Bác, thấy nét mặc Bác nghiêm trang chân thành, anh cảm thấy yên tâm.
 
- Thưa Bác !
 
- Bà Praxat là phật tử, Bác Hồ nói tiếp bằng giọng nhỏ trầm tĩnh, nên rất ngưỡng mộ Phật sống Ấn Ðộ. Vậy nếu bà ấy gặp chú thì rất tốt cho công việc của phái đoàn.
 
Ba Danh láng máng hiểu ra vấn đề, anh hỏi :
 
- Thưa Bác, gặp bả cháu phải thế nào ạ ?
 
- Chú cứ xử sự như trước đây chú tiếp các phật tử. Còn trong câu chuyện, chú cứ nói thật về cuộc đời chú và nhất là vì sao chú lại đi kháng chiến. Nói tới đây Bác cười, chòm râu rung rung, điếu thuốc trên tay Người cũng rung theo. Chú đừng làm chính trị !
 
Ít ngày sau thì Tổng thống Praxát cùng phái đoàn Ấn Ðộ đến Hà Nội, theo chuyến bay đặc biệt từ Sài Gòn ra. Trong chuyến thăm ngoại giao này, chính phủ Việt Nam có phần bị thất thế so với chính quyền Sài Gòn. Đoàn của Tổng thống Praxat tới Sài Gòn trước rồi mới ra Hà Nội, là chỉ dấu cho thấy Ấn Ðộ nghiêng về phía Ngô Đình Diệm. Báo chí của chính quyền Sài Gòn làm rùm beng chuyện này, coi như thắng lợi lớn của “chính nghĩa quốc gia”. Quả như dự liệu lúc đầu, có một số vấn đề giữa ta và bạn khác quan điểm nên buổi hội đàm thứ nhất diễn ra không suôn sẻ. Trung ương rất lo. Qua câu chuyện hành lang, ta bóng gió cho người Ấn biết là Phật sống Ấn Ðộ Hăcxacôp Chanđra đang ở Hà Nội. Ông rất nhớ đất nước Ấn Ðộ, muốn biết tin tức gia đình. Biết tin này, phu nhân Tổng thống Praxat rất mừng, bà nhờ Đoàn Việt Nam xin tiếp kiến Phật sống.
 
Hai chiếc xe hơi sang trọng mang cờ Ấn Ðộ tiến vào biệt thự trên đường Quán Thánh bên bờ Hồ Tây. Chiếc xe màu đen dừng lại trên lối đi rải sỏi. Từ ghế đầu, người sĩ quan tuỳ tùng bước xuống mở cửa. Người đàn bà Ấn son sẻ nước da màu đồng hun mặc sary vàng bước ra khỏi xe. Chiếc túi xách nhỏ màu mận chín trong tay, bà nhìn bao quát ngôi biệt thự. Hạt kim cương từ chiếc nhẫn trên ngón tay thon dài phản quang loé sáng. Từ chiếc xe trắng đi sau mang cờ của Ủy ban quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến ở Đông Dương, ba người đàn ông mang đồng phục trắng lần lượt xuống xe. Anh cán bộ lễ tân người Việt hướng dẫn phu nhân Tổng thống cùng các vị khách bước lên tam cấp, qua phòng khách lớn rồi lên cầu thang. Tới một căn phòng cửa mở, hai sĩ quan người Ấn nhanh nhẹn đứng lại hai bên cửa, còn hai người khác tháp tùng phu nhân tổng thống bước vào. Theo thường lệ, anh cán bộ người Việt đi trước dẫn đường. Vừa vào trong phòng, cả ba người khách nước ngoài bước vội lên trước rồi quỳ xuống tấm thảm Ba Tư trải trên sàn, đầu cả ba người cúi sát đất. Không xa trước mặt họ là cái sập gỗ mun khảm trai trải chiếu hoa. Trên đó Phật sống Ba Danh dáng cao lớn, nước da ngăm đen, mặc cà sa màu vàng trong tư thế tọa thiền, hai mắt nhắm lại. Trên cao phía sau ông là bàn thờ Phật với hình Quan Thế âm, những nén nhang cháy toả mùi trầm thơm sâu lắng. Sau khi lạy, cả ba người trong tư thế quỳ, hai tay chắp trước ngực, đầu cúi, mắt nhắm lại vẻ thành kính.
 
Lúc lâu sau Phật sống mở mắt, nhìn xuống ba phật tử, nói chậm rãi tiếng Hinđu bằng giọng Newdelhi trầm ấm :
 
- Mừng các con tới đất nước Việt Nam. Thầy ban phước cho các con.  Bữa nay thầy cho các con biết một phần của đời thầy. Chắc các con vẫn nhớ, theo quy định của người tu Phật, sau khi thành Phật, có thời gian hai năm để tế độ chúng sanh thì trở về trời trong giàn lửa. Nhưng năm ấy, thầy đã không về trời theo cách đó vì thầy còn có việc phải làm. Trong đêm thầy được chánh quả, Phật tổ có dạy rằng, sau thời gian ở Ấn Độ, thầy phải về nước Phật giáo sát bên đất nước của thầy để khi nước được độc lập thì về tế độ đồng bào mình. Vậy là theo lời Phật tổ, thầy đã về nước anh em là Miên quốc. Thầy tế độ chúng sinh ở đó. Khi Việt Nam được độc lập thì theo lời Phật tổ, thầy về nước. Nhưng đúng lúc đó thì giặc Pháp trở lại xâm lược. Không còn cách nào khác, thầy phải cùng Chính phủ đánh Pháp cứu chúng sinh, giữ vững nền độc lập cho Việt Nam. Cũng trong đêm thành chánh quả đó, Phật tổ có đem giáo lý đạo Phật truyền cho thầy. Trong những điều thầy được nghe thì chính Phật tổ nói : “Đạo Phật ưa sống hoà bình nhưng nếu có bọn ác tới tàn hại chúng sinh thì phải đánh đuổi chúng đi.” Khi thầy về thì đánh nhau rất ác liệt, Chính phủ Việt Nam lo cho an nguy của thầy nên khuyên thầy trở lại Pnômpênh vì chúng sinh nơi đâu cũng là con của Phật tổ, giúp cho dân Miên cũng là giúp dân Việt. Nhưng thầy xin ở lại để cùng đánh giặc với đồng bào. Đức Phật tổ dạy rằng, không được sát sanh nhưng nếu có kẻ ác muốn giết mình thì phải cùng mọi người đánh lại chúng. Hơn nữa thầy biết rằng, dắt dẫn dân tộc Việt Nam là Hồ Chủ tịch, một vị thánh nhân. Được chiến đấu dù có hy sinh dưới cờ của Bác Hồ cũng là làm tròn Phật sự.
 
Ba người quỳ nghe một cách thành kính. Im lặng một lúc lâu, ngài nói tiếp :
 
- Nay đất nước Việt Nam cũng như nước Ấn Độ cùng được độc lập. Thầy rất muốn về thăm lại Ấn Độ. Nhưng Việt Nam mới chỉ độc lập được một nửa. Đồng bào miền Nam còn sống trong áp bức, cho nên cả nước còn phải đấu tranh cho độc lập và thống nhất, đồng bào ai cũng được tự do hạnh phúc. Vì vậy công việc của thầy còn nặng… Nay các con sang Việt Nam cũng là làm công việc theo lời Phật dạy. Giúp người Việt Nam cũng là giúp cho nhân dân Ấn Độ. Rồi chúng sanh hai nước sẽ được sống hoà bình trong tình anh em…
 
Nói tới đây Phật sống dừng lại. Những vị khách im lặng chờ đợi. Lúc lâu sau không thấy ngài nói nữa, họ ngẩng nhìn lên thì nhận ra Phật sống ngồi im như pho tượng, hai mắt nhắm nghiền…
 
Lặng lẽ, cả ba người lết bằng đầu gối tới bên sập gụ. Họ khom người tới gần Phật sống, nâng vạt áo cà sa hôn một cách thành kính, sau đó vái ba vái rồi đi lùi ra cửa.
 
Cuộc hội đàm hôm sau diễn ra thuận lợi không ngờ, nhiều đề xuất của Việt Nam được chấp nhận, tuyên bố chung được ký kết, Tổng thống Praxat mời Bác Hồ sang thăm Ấn Ðộ, mở ra trang mới trong quan hệ Việt Ấn.
 
Ông Ba Danh rời khỏi đơn vị từ đó. Ít lâu sau anh Hai Ðức chuyển ngành, đi học Trung cấp thuỷ sản tại Hải Phòng. Lâu lâu anh có về Hà Nội thăm cha nuôi.
 
Năm 1958, sau khi công việc trong nước tạm ổn định, chính phủ Việt Nam tổ chức những chuyến thăm ngoại giao tới nhiều nước trên thế giới do Hồ Chủ tịch dẫn đầu. Lưu Công Danh được tham gia phái đoàn. Tại những nước Phật giáo, Phật sống Lưu Công Danh được quốc vương, chính quyền, giới chính khách và đông đảo phật tử hân hoan chào đón, đem lại uý tín cho chính phủ Việt Nam. Sau chuyến đi nước ngoài trở về, Lưu Công Danh được mời lên gặp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
 
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh hỏi :
 
- Anh có muốn đi học không ?
 
Không cần suy nghĩ, anh trả lời luôn:
 
- Dạ muốn.
 
Anh có nguyện vọng đó vì khi còn nhỏ chỉ được cắp sách tới trường làng. Lớn lên đi tu thì học kinh. Như vậy là anh nhận thức được trình độ anh còn kém. Nhưng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thì nghĩ theo hướng khác. Vì theo cấp đại uý, lúc đó đối với quân đội là hiếm, phải là người lãnh đạo trung đoàn, ít nhứt cũng là tiểu đoàn trưởng. Vậy cần phải đào tạo cho xứng đáng vói cấp bậc của anh.
 
Chẳng bao lâu sau anh được cấp hộ chiếu đi Liên Xô tu nghiệp tại Học viện quân sự và chính trị của Quân đội Xô-viết. Nhưng gần một năm rồi việc họ tập của anh không tiến bộ đựơc chút nào. Đại sứ quán Việt Nam tại Matxcơva được thông báo về người sinh viên đặc biệt này. Đại sứ Nguyễn Văn Kỉnh đã e ngại rằng vì đồng bào quê hương bị đàn áp khốc liệt nên anh nóng ruột mà không học được. Khi gặp anh, đại sứ Nguyễn Văn Kỉnh đã hết sức đông viên anh cố gắng học tập thành tài rồi trở về Việt Nam chiến đấu giải phóng miền Nam, giành lại độc lập thống nhất cho nước nhà. Anh không cãi điều gì nhưng một học kỳ nữa đã qua, trong các buổi tập thì anh chưa bao giờ bắn đạn thật đựơc trúng mục tiêu. Cho anh thi lại lần thứ hai thì viên đạn của anh bay đi đâu chớ không hề dính được vào bia. Trước sa bàn anh cũng không hề trình bày được các thế trận, không thuyết trình được về các trận đánh dù đã có giáo trình chuẩn bị trước. Anh phải về nước để có hướng đào tạo khác.

DI NGÔN PHẬT SỐNG LƯU CÔNG DANH  của Hà Văn Thùy, mời cả nhà đọc trên http://vnthuquan.net/diendan/tm.aspx?m=437462&mpage=1&key=&#437480.
--> Read more..

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

Xem thời sự, nhớ Bình Ngô đại cáo..

"Vừa khi cờ nghĩa dấy lên,
Chính lúc quân thù đang mạnh.

Lại ngặt vì:

Tuấn kiệt như sao buổi sớm,
Nhân tài như lá mùa thu,
Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần,
Nơi duy ác hiếm người bàn bạc,
Tấm lòng cứu nước,
Vẫn đăm đăm muốn tiến về Đông,
Cỗ xe cầu hiền,
Thường chăm chắm còn dành phía tả.

Thế mà:
Trông người, người càng vắng bóng,
Mịt mù như nhìn chốn bể khơi.
Tự ta, ta phải dốc lòng,
Vội vã hơn cứu người chết đói.

Phần vì giận quân thù ngang dọc,
Phần vì lo vận nước khó khăn,
Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần,
Lúc Khôi Huyện quân không một đội.

Trời thử lòng trao cho mệnh lớn
Ta gắng trí khắc phục gian nan...

Việt Nam ta giai đoạn này liệu có khó khăn như hồi các cụ kháng chiến chống quân Minh không nhỉ?

--> Read more..

Flags

Flag Counter