Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

DINH THẦY THÍM



Đây là một di tích - ngôi đền nổi tiếng của thị xã La Gi, Bình Thuận, cách đó cả chục Km đã có biển chỉ đường. Tên đền nôm na lạ lẫm quá, đến nơi đọc lời giới thiệu tôi mới lý giải được.

Đó là một vị quan nhà Nguyễn có sai phạm gì đó bị phạt tử hình với "tam ban triều điển" - tự chọn cách chết. Ông này bí mật cùng vợ chạy trốn đến La Gi ngày nay thì ở lại. Ông chữa bệnh và dạy dân cách đóng ghe thuyền... Vì ông mai danh ẩn tích nên không ai biết tên, dân cứ gọi ông là Thầy, vợ Thầy là Thím. Nói ngắn gọn như thế nhưng tương truyền ở điạ phương thì linh thiêng, huyền hoặc hơn nhiều. Trên cổng Tam quan có phù điêu về những thần tích đó.
 
 


Quy mô của Dinh cũng rất lớn, từ cách xa nửa cây số đã có barie. Vào trong thì nhiều người mời mua gạo. Gạo đóng thành bao 10 kg, 20 kg... Lý do họ nói là Dinh không nhận tiền mà nhận gạo.

Đến cổng Dinh thì có người ngồi gác, cấm tiệt bọn bán hàng rong, hương hoa, vé số được vào trong. Bên trong Dinh sạch sẽ, khang trang lắm. Tôi không mua gạo. Vào nói chuyện với ông từ thì biết là Dinh nhận cả gạo lẫn tiền nhang đăng. Mỗi năm Dinh ủng hộ chính quyền cả chục tấn gạo... Vì lễ vật bằng gạo nên Dinh phải làm cái bàn thờ bằng thép rất to...


 
 
 
 
 
 Ở đây còn có phòng chữa bệnh bằng cách mài cây gậy còn lại của thầy ra làm thuốc thánh (?!). Hii, ai có niềm tin mãnh liệt vào sự linh thiêng của Thầy và Thím thì hẳn sẽ khỏi bệnh. Mình lạc bước giang hồ rẽ vào chơi tý rồi đi tiếp thôi...
--> Read more..

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

MỘT THOÁNG BÀ RỊA



Địa danh Bà Rịa khá đặc trưng Nam Bộ, dù không xa SG nhưng lại không có lý do để đến. May thay, hành trình ra Phan Thiết hôm rồi, mình đi qua. Đây quả là một đô thị yên tĩnh. Tiếc rằng, cũng như tình trạng chung, dấu vết cũ hầu như đã bị các công trình đời mới thay thế triệt để.

Điểm thú vị đầu tiên ai đến đây chắc cũng chú ý, đó là Tháp nước cổ ngay cửa ngõ thành phố. Tháp nước không đẹp như Tháp nước Phan Thiết nhưng hấp dẫn ở chỗ có vô số chim én lấy đó làm nơi trú ngụ. Đây là loài chim đắp tổ bằng đất, nên chi chít trên Tháp nước là những tổ chim tựa như  những tổ ong. Chim bay vào bay ra ríu rít, hồn nhiên. Đất lành chim đậu, nhưng đây là Tháp lành chim đậu.























Qua Tháp chim một quãng ta sẽ gặp một công trình tôn giáo đẹp mắt, đó là Nhà thờ Chánh tòa Bà Rịa. Đây là nhà thờ cổ, xây dựng từ  năm 1865 nhưng mới được xây dựng lại năm 2005. Phía trong khuôn viên nhà thờ là những cụm tượng đá trắng diễn tả cuộc đời Chúa Giê su, hành trình lên núi Sọ... Các bức tượng rất sinh động, đẹp mắt. Hai bên bực lên nhà thờ là hai pho tượng Thiên thần cầm đuốc và hai vị thánh tông đồ. Ở giữa sân là Tượng đức mẹ bế Chúa Hài đồng.





Nhà thờ Chánh Toà có hai ngọn tháp cao 45m trong màu đá hoa cương. Từ trên ngọn tháp, sáu quả chuông với đường kính từ 60 cm đến 114 cm.

 

 





Theo thông tin từ Nhà thờ: “Bên trong ngôi nhà cầu nguyện, khu vực Cung thánh được thiết kế theo dạng thức hình tròn liên cấp, tạo nên ý nghĩa của tình hiệp thông trọn vẹn giữa đoàn Dân Thiên Chúa được qui tụ để làm nên Ngôi Đền Thờ của Chúa Thánh Thần và cùng nhau cử hành hy tế Con Chiên Thiên Chúa.


Bàn tiệc Thánh Thể làm bằng cẩm thạch trắng đặt tại vị trí trung tâm, mặt trước là bức phù điêu khắc hoạ lại khung cảnh Tiệc Ly, mặt sau là nơi niêm ấn thánh tích của ba vị chứng nhân đức tin đến từ ba miền đất nước:
- Miền Nam với Thánh Matthêu  Lê Văn Gẫm, tín hữu thuộc xứ Long Điền, Bà Rịa, tử đạo ngày 11.5.1847 tại Chợ Đũi, Giáo phận Sài Gòn;
- Miền Trung với Thánh Phêrô Hoàng Khanh, tử đạo ngày 12.7.1842 tại Hà Tĩnh, Giáo phận Vinh;
- Miền Bắc với Thánh nữ Anê Lê Thị Thành, tử đạo ngày 12.7.1841 tại Phúc Nhạc, Giáo phận Phát Diệm.

Di cốt của ba vị Thánh Tử Đạo được cẩn khảm trong một tấm phù điêu ghi khắc chân dung của 117 Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam”.
Nhà thờ mở cửa, bên trong thông thoáng, hiện đại pha lẫn nét cổ kính của các vòm cửa và tranh kính. Có hai người đang thì thầm cầu nguyện. Có điều lạ là họ ngồi sát ngay cửa, như vậy là rất xa bàn thờ chính, thì thầm một cách thành kính. Tôi thường thấy cảnh chen nhau tiến sát nhất cung cấm, chen cho đến gần chỗ thờ chính nhất ở các sinh hoạt tín ngưỡng khác, nhưng ở đây thì không... Đúng là Chúa ở trong lòng.

Một anh bạn hẹn đến quá Cafe Hello gần đó. Quán rộng rãi, người ta thảnh thơi đánh cờ, uống cafe... Bên ngoài đường phố vắng vẻ, yên tĩnh khác rất xa so với SG.

Ở đây, cán bộ công chức không được đi nhậu buổi trưa nên các quán này vắng tanh. Nghĩ ngơi để chờ cho hết giờ hành chính...
Một thoáng Bà Rịa với tôi cũng thú vị.
--> Read more..

Flags

Flag Counter