Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Nhớ Tây nguyên

Chiều Tất niên, tôi đưa trẻ con qua hiệu sách và cũng kiếm cho mình cuốn "Nhưng người bạn tôi trên ấy" của nhà văn mà tôi rất quý trọng - Nguyên Ngọc. Nhẩn nha mấy ngày Tết, xen kẽ những bữa rượu và chúc tụng, hết Tết sách cũng vừa hết 24 bút ký. Đọc hết những trang viết của Nguyên Ngọc nhưng dư âm về Tây Nguyên thì dài mãi, dài như tiếng chiêng hay dài như cái nhà dài trên ấy...

Nguyên Ngọc, người suốt đời mê đắm và gắn bó với Tây Nguyên đã cho ta thấy vẻ đẹp sâu thẳm trong văn hóa Tây nguyên, triết lý khá đặc biệt mà ông gọi là minh triết Tây nguyên, thể hiện qua lễ hội, qua sinh hoạt thường nhật, tâm hồn và tính cách người Tây Nguyên vừa đơn sơ vừa sâu sắc.


Nếu không đọc cuốn này tôi không biết đến Ninh Nông. Đồng bào Xơ Đăng trên đỉnh Ngọk Linh cao ngất có một lễ hội mùa xuân đặc biệt gọi là Ninh Nông- Ninh Nông nghĩa là không làm ruộng, không làm rẫy. Mùa Ninh Nông người ta trở lại với rừng. "Đó là khi  vụ canh tác năm trước đã xong. Mẹ lúa đã được rước về kho, cửa kho đã được cài chặt, tiếng sấm đầu mùa còn chưa nghe âm âm, vang vọng ở chân trời xa, vụ mùa sau chưa tới, chưa thúc giục, người Kinh gọi là lúc nông nhàn" thì đến một ngày nòa đó giữa mùa Ninh Nông "cả làng bỏ lại tất cả những thứ mà công cuộc tiến hóa hàng vạn năm hay hàng triệu năm đã đem đến cho con người: rìu rựa, dao mác, quần áo, nhà cửa, chiêng ché, gạo bắp, nồi niêu... tất cả, tất cả và trước đây thì cả quần áo nữa, rồi cả làng theo già lang kéo nhau vào rừng thật sâu. Ở đó, họ hú gọi linh hồn tổ tiên về cùng mình và họ lại sống đời sống nguyên thủy, hái lượm và săn bắt, cọ đá vào nhau mà làm lửa... Mươi ngày, có khi nửa tháng hay một tháng"... Người ta bảo đấy là trở về với tổ tiên và với tự nhiên, tắm gội toàn bộ con người trong suối nguồn đó... Rồi người ta trở về làng, và đời sống bình thường lại tiếp diễn. Cũng là sắp đến lúc sấm ra. Mẹ lúa thức dậy. Một năm mới trong cuộc sống vạn đại của con người lại bắt đầu".

Con người hiện đại ngày càng xa cách với tự nhiên, thậm chí thù nghịch với tự nhiên bằng những hành động ngôn cuồng khai thác, đục khoét, chặt phá, gây ô nhiễm môi sinh... đến khi nhận ra thì dường như đã quá muộn. Vì thế, lễ hội Ninh Nông hàm chứa triết lý sâu xa, nếu không gắp bó với tự nhiên, trân trọng tự nhiên và luôn trở về với tự nhiên thì cuộc sống sẽ ngày càng cằn cỗi.



Nhà văn Nguyên Ngọc cho hay, khi ông đến Ngok Linh lần đầu, cách nay nửa thế kỷ thì tục Ninh Nông mất trước đó chưa lâu. Ngày nay thì đã mất hoàn toàn rồi. Đơn giản chỉ vì có còn rừng đâu để người Xơ Đăng hiền minh trở về tắm gội hàng năm... Ông bảo, có người Xơ Đăng ở Ngok Linh nói: Bây giờ mình bẩn hơn, ngày càng bẩn.



Xuyên suốt văn hóa Tây Nguyên đó là sự gắn bó với rừng, với tự nhiên, nhà văn Nguyên Ngọc cho ta biết nhiều những câu chuyện mà ông đã gắn bó và suy ngẫm lâu nay. Một lễ hội khác, rất lớn đối với mỗi gia đình và cộng đồng ở đây là lễ bỏ mả. "Họ quan niệm, một người chết chưa đi ngay khỏi thế giới này, hàng ngày họ vẫn được người thân chăm lo cơm nước trên nấm mộ tạm... cho đến khi một ngôi mộ ( nhà mồ) thật đẹp được xây dựng xong, với đầy đủ vật dụng cần thiết gửi sang thế giới bên kia, với chiêng ché bị đập vời- với quan niệm âm ngược với dương, cái lành và vỡ, cái vỡ là lành - với tượng nhà mồ, như ta đã biết, đã tạo nên cả một nền nghệ thuật mê hồn trên vùng đất kỳ lạ này- thời gian chuẩn bị dài hay ngắn tùy từng gia đình. Chuẩn bị xong, đúng mùa Ninh Nông, người ta làm lễ bỏ mả. Gia đình, cả làng, nhiều làng xung quanh kéo đến, có khi hàng ngàn người, tham dự cuộc tiễn đưa cuối cùng một con người đi hẳn khỏi cõi trần... Đi đâu? Chính tục bỏ mả trả lời rõ ràng câu hỏi ấy. Sau cuộc lễ long trọng và tưng bừng - rất tưng bừng - ngôi mộ được bỏ hẳn không ai đi lại thăm viếng, chăm nom nữa. Những pho tượng nhà mồ tuyệt đẹp mà chính Picasso hẳn cũng đến ganh tị, bị bỏ mặc cho mưa nắng và thời gian tàn phá  đến mục nát. Chìm trong rừng. Tan biến vào rừng. Ngôi mộ của một con người. Cũng tức là một con người".

Có một triết lý sâu xa mà đơn giản trong lễ bỏ mả Tây Nguyên... một triết lý sống chết, hơn nữa về thực chất và ý nghĩa của con người trên cõi đời này. Con người đến từ rừng và lại trở về rừng. Người Việt có câu tương đồng: Sinh thổ hoàn thổ - sinh ra từ đất rồi lại trở về với đất. Con người sinh ra từ rừng rồi lại trở về  với rừng, với mẹ Tự nhiên vĩnh cửu. Vì quan niệm như thế nên bỏ mả là một lễ hội náo nhiệt, tưng bừng. Có gì vui hơn trả con người về với Mẹ vĩnh hằng.

Vì thế, anh hùng Núp dù có ngôi mộ ốp đá ở nghĩa trang của tỉnh Pleiku nhưng gia đình và làng quê vẫn làm lễ bỏ mả theo phong tục Ba nar cho ông. Để trả ông về với rừng...

Từ tục bỏ mả của đồng bào Tây Nguyên, trở lại nhìn những thành phố nghĩa địa của người đồng bằng, rồi những cuộc tìm mộ đầy xót xa... mới thấy mỗi cộng đồng có triết lý riêng, nhưng rõ ràng, quan niệm của người Tây Nguyên về tự nhiên gần gũi, gắn bó và thân thiết hơn nhiều. Và vì thế người ta coi sống chết cũng nhẹ nhõm hơn nhiều...



Cuốn sách của Nguyên Ngọc chủ yếu viết về con người, những người bạn rất thú vị của Nguyên Ngọc, nhưng cái đó để mọi người tìm đọc, tôi chỉ giói thiệu về những phát hiện thú vị về văn hóa, phong tục mà nhà văn viết ra thôi.

Nếu không đọc cuốn này thì ta chỉ biết Klong Pút là một dãy ống tre xếp hàng ngang, các cô gái chỉ cần bụm tay vỗ là tạo ra âm thanh, thành bản nhạc hay lạ lùng, đọc Nguyên Ngọc mới biết, Klong Pút ở Tây Nguyên không phải như trên sân khấu giả tạo như vậy. Đó cũng là những ống tre, số lượng không cố định. Mỗi lần chơi họ lại bày một cách ngẫu hứng, xếp đống ống tre xong họ vắt nhẹ một cái áo lên cho nó khỏi xô lệch và cùng nhau chơi. Mỗi người quỳ trước một ống và vỗ, vỗ cũng tùy hứng, tạo thành một hòa điệu ngầu hứng lạ lùng, đầy bất ngờ... Đấy là Klong Pút làng như Quan họ làng khác với Quan họ phố ở ngoài Bắc.

Viết dài quá, xin dừng đây vậy, mời cả nhà nếu rảnh thì tìm đọc cuốn sách của bác Nguyên Ngọc - một trong 72 nhân sĩ ký tên trong Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp hiện nay.





--> Read more..

Flags

Flag Counter