Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

BÁC TÔI




Bác là anh cả của mẹ tôi, năm nay đã 91 tuổi. Sau ít ngày mệt nặng, bác đã  lặng lẽ về với ông bà, tổ tiên…
Bác là người rất hiền hậu, cả đời không dám quát ai, tức giận lắm cũng nói ra những lời hiền khô. Năm 1955, quê loạn quá, bác gồng gánh đưa vợ con ra Hà Nội. Ở quê nhà ngang dãy dọc, ra Hà Nội làm dân nghèo thành thị, ngơ ngác thuê nhà, dệt cửi thuê qua ngày… Có lẽ vì thế, cả đời bác là nỗi nhung nhớ ngày xưa, nhung nhớ quê nhà. Tôi nhớ, Tết bác về quê ăn Tết thường đến rằm tháng Giêng mới ra Hà Nội.
Bác kể chuyện ngày xưa với anh em con cháu đến thuộc lòng. Thuộc lòng mà vẫn thích nghe lại. Nghe hoài khiến chúng tôi thấy như mình cũng tham gia vào ký ức đó. Từ chuyện việc họ, việc phe, đi tuần, đi lễ tết, chuyện nhỏ như sang quê ngoại ăn giỗ, chuyện thả diều đêm trăng, chuyện sinh hoạt của cha chú, anh em trong nhà đến những biến cố trong nhà, trong làng cứ như cuốn phim chiếu hoài mà người chiếu, người xem đều không chán. Những nhân vật trong các câu chuyện xa lắc đó như cụ Ký Quy, cụ Hai Lịch, cụ Quản Hán, cô Thầy, ông Cửu Võ, chú Lam… mà chúng tôi không biết nhưng lại rất thân thuộc.
Vì tha thiết với quê như thế nên nhà bác ở Hà Nội là một nửa gian phòng 24m2 quanh năm không mấy ngày không có khách quê. Có khi nửa đêm còn có người gọi cửa vì đi buôn bán theo tàu Yên Bái về xin ngủ nhờ. Vậy là người trong nhà lại sang nhà hàng xóm ngủ, nhường chỗ cho khách. Sáng mai bà bác lại giặt chăn, giặt chiếu vì mấy ông khách đi tàu về hôi hám quá.
Thời bao cấp nghèo khó nhưng nhà bác luôn luôn có khách ở lại ăn cơm. Cơm độn, thức ăn là đậu phụ, lạc rang, mà ngồi chéo cánh xẻ, tức là ngồi nghiêng mới đủ chỗ. Khổ thế nhưng hai bác không kêu ca, vẫn quý hóa, thân tình. Mà thế là khách không ngại… ai lỡ chân cũng ghé vào.
Sau này có nhà to hơn, rộng rãi bác thường nói: “Bây giờ rộng quá mà chả có ai ngủ lại để nói chuyện cho vui. Buồn rứt”…
Mấy hôm rồi, bác dở mê dở tỉnh nói đây không phải nhà mình, nhà mình ở xóm Trại, ở quê cơ mà... Vậy là con cháu đã đưa cụ về quê để cụ được sống những ngày cuối cùng trong ngôi nhà thân yêu của đại gia đình.
Bác tôi đã mang kho ký ức thấm đẫm tình làng nghĩa xóm, đầy ắp những chuyện về một làng quê êm đềm, đầm ấm ấy về với tổ tiên.
--> Read more..

Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

MỐI TÌNH CẢI CÁCH


Gia đình cụ Ngó ở làng tôi rất nhiệt tình với kháng chiến. Nhà cụ giàu có, ở quê mà có nhà Tây, đẹp lắm. Cả nhà tham gia kháng chiến nên các con cụ tên là Quì, là Cánh, là Búp, là Nhụy… đều đổi tên mới thành Kháng, Chiến, Thắng, Lợi…

Cô Quì là chị cả, được gả cho anh hàng xóm, con một lương gia khá giả. Hai gia đình đã làm lễ ăn hỏi. Phong trào kháng chiến lên cao, cô rất hăng hái nhưng anh chồng kiên quyết không tham gia. Thế là cô “trả tiền trầu cau”, tức là thoái hôn, để toàn tâm toàn ý cho kháng chiến. Tiền bạc thóc lúa gia đình ùn ùn gánh lên chiến khu.




Giải phóng miền Bắc năm 1954, chị Qùi ( tên mới là Kháng) làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã... Tố chức vun vén cho chị  lấy anh Khoăn,  Chủ tịch xã - một cán bộ đang có uy tín lúc bấy giờ. Anh Khoăn bị tật nên tập tễnh từ nhỏ, anh cao lênh khênh, mặt nhăn nhó với dáng đi chấm phảy. Vốn không phải người làng, Khoăn được một gia đình hiếm muộn trong làng nhận làm con nuôi… Hai bên tổ chức đính hôn theo nếp sống mới. Cặp đôi như biểu hiện của mối tình cách mạng, con gia đình giàu có lấy người thuộc tầng lớp dưới, vốn bị coi là nghèo hèn, nay là lớp trên của thời đại mới. Cả hai tuy xuất thân khác nhau nhưng cùng chung lý tưởng.

Chưa kịp cưới thì Cải cách ruộng đất nổ ra, nhà cụ Ngó bị quy thành phần địa chủ kháng chiến. Thế là đang hồ hởi, hy vọng thì họ rơi xuống đáy. Anh Khoăn thể hiện ngay lập trường giai cấp, từ bỏ con nhà địa chủ… Khoăn còn thể hiện sự kiên quyết đoạn tuyệt bằng cách bắt cụ Ngó và cô Quì ra quét chợ, việc xưa nay của mõ. Trong mấy chục địa chủ, công việc bị hạ nhục nhất này lại rơi xuống nhà cụ Ngó - địa chủ chui đầu vào kháng chiến để phá hoại.

Sau này, bà Quì được gả cho một ông người làng, con nhà tử tế nhưng ông này không thật hồn, hâm hâm, dở dở. May thay, sau đó các con bà đều giỏi giang, tử tế. Vợ chồng bà bỏ quê ra HN sinh sống. Bà Quì mới cách đây mất vài năm.

Chuyện tình duyên lận đận của bà không biết các con có biết không nhưng trong làng đôi khi vẫn kể lại…

Đang dở chuyện cải cách nên kể thêm chuyện này cho vui.
--> Read more..

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

ĐI Ị THỜI BAO CẤP


Chả hiểu cơn cớ gì mà mấy sự kiện văn hóa ( Triển lãm CCRĐ, rồi Đèn Cù) đều dẫn về chuyện xưa. Xưa khổ lắm, nhắc làm gì nhỉ? Chỉ xin ví dụ chuyện đi ị, để ai chưa biết thì thấu hiểu.

Trong Đèn Cù có chuyện, ở Khu văn công Mai Dịch, có dãy nhà vệ sinh, chỉ vài hôm  là mất hết cửa. Vậy là các nữ nghệ sĩ lớn nhỏ, minh tinh, công chúa, nữ hoàng trên sân khấu, mỗi khi đi vô đó mang đều theo cái nón trắng để che chỗ hiểm. Như vậy ai có nhu cầu mà đi ngang qua, tìm chỗ cũng thấy mặt nhau. Chưa kể, một bọn trẻ choai mất dạy, ngồi sau nhà vệ sinh ngó ngược lên coi, vì nhà vệ sinh dưới trống hoác, để tiện xúc phân ra. Tởm thế đây.


 Hoàng Cúc, một ngôi sao sân khấu hồi đó.

Loại nhà vệ sinh như thế phố biến ở Hà Nội những năm đó, dành cho những nhà không có nhà vệ sinh. Ở khu tôi ở ( Kim Mã, Ba Đình) có cái nhà vệ sinh như thế. Mỗi người có nhu cầu phải mang theo một miếng vải hay nilon có cán như cái cờ, để ra đó che lên thay cửa, kèm theo cái bô dội nước. Mỗi buổi sáng dân cư trong khu đứng lố nhố quanh nhà vệ sinh chờ đến lượt. Hồi bao cấp cái gì cũng xếp hàng nhưng xếp hàng đi ị là kinh khủng nhất chăng?!


Xếp hàng mua rau

Có hôm đi qua tôi thấy một ông chủ tiệm may cầm bô chờ, gần đó một cô bé 18 tuổi xinh như mộng - người yêu của con trai ông ấy cũng đang cầm bô và chờ đợi. Bi hài hết cỡ…

Loại nhà vệ sinh này rất tởm, có khi giòi bò lên chân… Đi vệ sinh về tắm ba lần xà phòng “Hoa nhài” chưa hết mùi.

Chỉ một chuyện đó thôi, đủ thấy đời sống tinh thần và vật chất của người dân mình kinh khủng đến thế nào. Bây giờ, so với hồi đó, cách đây trên 20, là quá happy, nếu cứ so từ khâu “đầu ra” này.
--> Read more..

Flags

Flag Counter