Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

RƯỚC TIẾN SĨ

Quê tôi từ xưa cho đến nay, Trung thu bao giờ cũng gắn liền với Tiến sĩ giấy. Tục đó chưa bao giờ đứt quãng, kể cả thời chiến tranh. Hồi nhỏ, từ đầu tháng 8 bọn trẻ chúng tôi đã đến nhà ông Lạc, một gia đình chuyên làm đồ trung thu để xem làm TS. Mỗi ông TS thật sự là một tác phẩm nghệ thuật.
Có ba loại TS. Loại thông thường là mặt mẹt, mặt chỉ in trên giấy. Loại này ít tiền nhất, một ông kèm theo 4 cái cờ đuôi nheo là 2 hào, chắc bằng 10 ngàn bây giờ.

Loại thứ hai là TS mặt lai, tức là mặt nổi khối, mũ áo, lọng che đều đẹp và lớn hơn rất nhiều. Giá gấp 5 lần loại thứ nhất.

Loại đặc biệt thì đẹp hơn nữa, hai ống chân cũng nối, đôi hia cũng nối.
Dù loại nào thì hai biển TS cũng đều in bằng khuôn có hai chữ Hán TIẾN SĨ màu tím rất đẹp. Áo có hình thủy ba, bố tử… như thật.

Không hiểu sao mẹ tôi thường chỉ mua cho tôi ông TS mặt mẹt, nhưng bao giờ mâm cỗ trung thu cũng rất đầy đặn. Cỗ bày trên mâm chữ nhật sơn son, ông TS ngồi chính giữa, bốn góc cắm bốn lá cờ. Trên mâm có ngũ quả, có na, có hồng ngâm, bánh trái. Mâm đặt trên cái cối đá đặt dưới tán cây ngâu già, trải cái chiếu hoa, cả nhà cũng ngồi ngắm trăng. Thật là vui.



Có thể nói xem TS giấy trưng bày ở Viện BT Mỹ thuật tôi thấy cũng không đẹp bằng TS nhà ông Lạc quê tôi xưa. Và cả làng, nhiều nhà làm TS nhưng không ai sánh được với nhà ông Lạc.

Nhà ông rất nghèo, bà vợ mắt xấu kèm nhèm và ba người con là chị Thìn, anh Tỵ và chị Trật. Ai cũng hiền lành, và khéo tay. Ông bà đã mất từ lâu, ngôi nhà mặt đường cũng đã bán nên không còn hiệu TS nhà ông Lạc nữa. Cách đây vài năm, gặp lại anh Tỵ tôi có hỏi những khuôn mẫu biển TS, thủy ba đó còn không thì anh nói bỏ lâu rồi, không giữ được. Thật là tiếc. Tôi nói: TS gia đình anh làm là một ký ức đẹp của tuổi thơ chúng tôi.

Xưa nữa, trước 1954 thì làng tôi có gia đình làm hẳn kiệu sơn son thiếp vàng như ở đình, nhưng cỡ nhỏ hơn, để rước TS đêm trung thu. Đám rước có cờ biển, trống phách rộn rã đi quanh làng, trên kiệu nhất định là một ông TS giấy cỡ đặc biệt…
Có ông chơi ngông đóng giả TS làm kiệu cho người khiêng quanh làng. Tất nhiên kèm theo đám rước đó là phải làm dăm mâm cơm rượu thết đãi phu kiệu... Xưa ăn chơi Trung thu vậy đó.
--> Read more..

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

Nên đổi thành Văn hiến từ, thờ danh nhân đất Việt

                                                                                    
Công trình Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc đang gây tranh cãi về việc thiết kế, bài trí thờ tự bài vị Khổng Tử. Chúng tôi cho rằng, nên đổi công trình này thành “Văn Hiến Từ” thờ các nhà khoa bảng Việt Nam có công lao đối với đất nước.

Có nên thờ Khổng Tử không?

Hiện nay Trung Quốc khởi xướng cơn sốt đọc lại Luận ngữ và mở hàng loạt Viện Khổng Tử nhằm lan tỏa quyền lực mềm, đẩy mạnh chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Do đó, ngay tại Trung Quốc cũng có nhiều ý kiến phản đối. Giáo sư Đại học Bắc Kinh, Lý Linh, xuất bản cuốn sách có tên “Chó nhà tang – Tôi đọc Luận ngữ”, NXB Nhân dân Sơn Tây, Trung Quốc, 2007,  trong đó kết luận: “Sau khi đọc Luận ngữ, tôi thấy tốt nhất không nên đặt Khổng Tử lên bệ thờ, cũng không nên dìm ông xuống bùn, mà chỉ nên nói rằng ông rất giống Don Quixote.”

Lúc sống không được trọng dụng nhưng các triều đại sau lại ra sức lợi dụng Khổng Tử để củng cố quyền lực của họ, khiến cho hình ảnh thật sự của người trí thức cổ đại Khổng Khâu khác hẳn với “Đại thành chí thánh Văn Tuyên Vương” sau này. Đổng Trọng Thư (175-105 trước CN) đã sửa đổi học thuyết của Khổng Tử, biến những đế chế vốn dĩ được thiết lập dựa trên bạo lực trở thành biểu hiện của đạo trời. Nguyên lý của Đổng Trọng Thư, ghi trong cuốn Lịch sử Tiền Hán, cho rằng “trời không đổi gì thì không gì phải đổi” (“thiên bất biến đạo diệc bất biến”) là căn cứ để khẳng định tính hợp pháp của triều đại, rằng sự trường tồn của các triều đại là việc đã được vũ trụ an bài.

Ngay ở Trung Quốc cũng có những tiếng nói phản đối như vậy. Do đó, lập mới miếu thờ Khổng Tử vốn đã có rất nhiều ở Việt Nam là việc không cần thiết, không nên làm và không phù hợp với thực tế hiện nay.

Nên thờ danh nhân Việt Nam

Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc là công trình mới hoàn toàn, do đó nên đổi thành “Văn Hiến Từ” nghĩa là Đền Văn hiến, và thay vì thờ Khổng Tử  với các học trò của ông ta, nơi đây là nơi thờ các vị khoa bảng Việt Nam có công lao to lớn với đất nước.

Hai chữ “ Văn hiến” lấy từ “Đại cáo bình Ngô” của Ức Trai Nguyễn Trãi (1380-1442). Ngay sau khi đại thắng quân Minh, giành lại đất nước, nhưng mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập này, Nguyễn Trãi không nói đến võ công hiển hách mà khẳng định “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông, bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác”. Sự khác biệt về văn hiến thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ của dân tộc ta. Trải qua 6 thế kỷ, nhận định về vai trò của văn hiến, văn hóa đó của Nguyễn Trãi vẫn có giá trị thời sự và trường tồn.

Ngôi đến thờ có thể chọn thờ các vị khoa bảng tiêu biểu nhất. như Lê Văn Thịnh, Chu Văn An (12921370), Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn (1726 - 1784), và Nguyễn Bỉnh Khiêm (14911585). Phối thờ tại “Văn Hiến Từ” là các vị đỗ đại khoa và trung khoa của Vĩnh Phúc.


Nếu “Văn Hiến Từ” được thực hiện, đây sẽ là ngôi đền độc đáo, khác biệt nhằm phát huy truyền thống hiếu học, truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, của người Vĩnh Phúc…
--> Read more..

Flags

Flag Counter