Báo chí hồi này đưa nhiều chuyện nhiễu nhương, đau lòng quá, bên cạnh đó là nhiều tin vô thưởng vô phạt, nên đọc bài này trên Bee net thấy có ý nghĩa. Xin post lên để mọi người tham khảo, biết đâu góp phần cho chúng ta di dưỡng tính tình, bình tâm trước những nhiễu nhương trước mắt... Những quan niệm, suy ngẫm của cụ Nguyễn Hiến Lê như thế này:
Rải rác trong các tác phẩm của tôi thường đưa ra những suy tư, ý kiến của tôi về nhiều vấn đề, dưới đây tôi lựa và gom lại một số thuộc về nhân sinh quan:
Nguyễn Hiến Lê |
1. Đời sống tự nó vô ý nghĩa, trừ ý nghĩa truyền chủng, nhưng mình phải cho nó một ý nghĩa. Từ hồi ăn lông ở lỗ đến nay, nhân loại quả đã tiến rất nhiều phương diện. Chúng ta được hưởng công lao, di sản của biết bao thế hệ, thì phải duy trì di sản đó và cải thiện nó tuỳ theo khả năng mỗi người.
2. Chúng ta làm điều phải vì tin nó là điều phải, chứ không phải vì ý muốn của Thượng Đế hay một thần linh nào, cũng không phải vì mong chết rồi được lên Niết Bàn hay Thiên Đàng.
3. Quan niệm thiện ác, thay đổi tuỳ thời, tuỳ nơi, cái gì ích lợi cho một xã hội vào một thời nào đó thì được xã hội cho là thiện: cũng cái đó qua thời khác không còn ích lợi nữa mà hoá ra có hại thì bị coi là ác.
Ví dụ như đạo tòng phu, tòng tử của phụ nữ có lợi cho gia đình, xã hội ở thời nông nghiệp, tới thời kỹ nghệ không có lợi cho gia đình, xã hội nữa, nên mất giá trị. Khi sản xuất được ít, đức tiết kiệm được đề cao: ngày nay ở Âu Mỹ, sản xuất vật dụng thừa thãi quá, nên sự phung phí gần thành một bổn phận đối với xã hội. Tuy nhiên, vẫn có một số giá trị vĩnh cửu, dân tộc nào văn minh cũng trọng, như đức nhân, đức khoan hồng, công bình, sự tự do, tự chủ....
4. Đạo nào cũng phải hợp tình, hợp lý thì mới gọi là đạo được. Tôi không tin rằng hết thảy loài người chỉ thấy đời toàn là khổ thôi; cũng không tin rằng hết thảy loài người thích sống tập thể, không có của riêng.
5. Đạo Khổng thực tế nhất, hợp tình hợp lý nhất, đầy đủ nhất, xét cả về việc tu thân, tề gia trị quốc. Vậy mà tới nay lý tưởng của ông nhân loại vẫn chưa theo được. Về tu thân, ba đức nhân, trí, dũng luyện được đủ tình cảm, trí tuệ và nghị lực của con người.
6. Nên trọng dư luận nhưng không nên nhắm mắt theo dư luận. Biết đắc nhân tâm, cũng có lúc phải tỏ nỗi bất bình của mình mà không sợ thất nhân tâm.
7. Mỗi người đã phải đóng một vai trò trong xã hội thì tôi lựa vai trò thư sinh. Sống giữa sách vở và hoa, được lòng quý mến, tin cậy của một số bạn và độc giả, tôi cho là sướng hơn làm một chính khách được hằng vạn người hoan hô, mà có phần giúp ích cho xã hội được nhiều hơn chính khách nữa. Nhưng làm nhà văn thì phải độc lập, không nên nhận một chức tước gì của chính quyền.
8. Ghi được một vẻ đẹp của thiên nhiên, của tâm hồn và tả được một nỗi khổ của con người khiến cho đời sau cảm động, bấy nhiêu cũng đủ mang danh nghệ sĩ rồi.
9. Văn thơ cũng phải tự nhiên, cảm động, có tư tưởng thì mới hay. Ở Trung Hoa thơ Lý Bạch, văn Tô Đông Pha hay nhất. Ở nước ta, thơ Nguyễn Du tự nhiên, giản dị mà bài nào cũng giọng buồn man mác.
10. Tôi khuyên con cháu đừng làm chính trị, nhưng nếu làm thì luôn luôn phải đứng về phía nhân dân.
11. Một xã hội văn minh thì nhà cầm quyền không đàn áp đối lập; cùng lắm chỉ có thể ngăn cản họ để họ đừng gây rối thôi, tuyệt nhiên không được tra tấn họ. Phải tuyệt đối tôn trọng ý kiến của mọi người.
12. Một xã hội mà nghề cầm bút, nghề luật sư, không phải nghề tự do thì không thể gọi là một xã hội tự do được.
13. Khi nghèo thì phải tận lực chiến đấu với cảnh nghèo vì phải đủ ăn mới giữ được sự độc lập tư cách của mình. Nhưng khi đã đủ ăn rồi thì đừng nên làm giàu, phải để thì giờ làm những việc hữu ích mà không vì danh vì lợi. Giá trị của ta ở chỗ làm được nhiều việc như vậy hay không.
14. Chỉ nên hưởng cái phần xứng đáng với tài đức của mình thôi. Nếu tài đức tầm thường mà được phú quý hoặc được nhiều người ngưỡng mộ thì thế nào cũng sẽ mang hoạ vào thân.
15. Hôn nhân bao giờ cũng là một sự may rủi. Dù sáng suốt và chịu tốn công thì cũng không chắc gì kiếm được người hoàn toàn hợp ý mình; phải sống chung năm ba năm mới biết rõ được tính tình của nhau. Từ xưa tới nay tôi chỉ mới thấy cuộc hôn nhân của ông bà Curie là đẹp nhất, thành công nhất cả cho cá nhân ông bà lẫn cho xã hội. Hiện nay ở Mỹ có phong trào kết hôn thử, tôi cho rằng chưa chắc đã có lợi cho cá nhân mà còn có thể gây nhiều xáo trộn trong xã hội.
16. Có những hoa hữu sắc vô hương mà ai cũng quý như hoa hải đường, hoa đào; nhưng đàn bà nếu chỉ có sắc đẹp thôi, mà không được một nét gì thì là hạng rất tầm thường. Chơi hoa tôi thích loại cây cao; có bóng mát, dễ trồng và có hương quanh năm như ngọc lan, hoàng lan. Ở đâu tôi cũng trồng hai loại đó.
17. Rất ít khi con người rút được kinh nghiệm của người trước. Ai cũng phải tự rút kinh nghiệm của mình rồi mới khôn, vì vậy mà thường vấp té. Nhưng phải như vậy thì loài người mới tiến được.
18. Cơ hồ không thể thay đổi được bản tính con người: người nóng nảy thì tới già vẫn nóng nảy, người nhu nhược thì tới già cũng vẫn nhu nhược. Nhưng giáo dục vẫn có ích lợi.
Không nên cho trẻ sung sướng quá. Phải tập cho chúng quy củ, kỷ luật, biết tự chủ và hiểu rằng ở đời có những việc mình không thích làm nhưng vẫn phải làm ngay, và làm thì phải làm ngay, làm đàng hoàng, làm cho xong.
19. Thay đổi bản tính loài người như Mặc Tử, như Karl Marx muốn làm chuyện không dễ một sớm một chiều. Thế giới còn những nước nhược tiểu có nhiều tài nguyên thì còn bọn thực dân họ chỉ thay đổi chính sách thôi. Thực dân nào cũng vậy. Khi họ khai thác hết trên mặt đất, trong lòng đất thì họ sẽ khai thác biển, đáy biển. Họ còn sống lâu. Tuy nhiên, cũng phải nhận rằng sự bóc lột trong một nước tân tiến thời nay đã giảm nhiều, thì sau này sự bóc lột các dân tộc nhược tiểu cũng sẽ giảm đi lần lần.
20. Xã hội bao giờ cũng có kẻ tốt và kẻ xấu. Như Kinh Dịch nói lúc thì âm (xấu) thắng, lúc thì dương (tốt) thắng; mà việc đời khi giải quyết xong thì lại sinh ra việc khác liền sau, quẻ kí tế (đã xong) tiếp ngay tới quẻ vị tế (chưa xong). Mình cứ làm hết sức mình thôi còn thì để lại cho các thế hệ sau.
21. Hồi trẻ, quan niệm của tôi về hạnh phúc là được tự do, độc lập, làm một công việc hữu ích mà mình thích, gia đình êm ấm, con cái học được, phong lưu một chút đừng giàu. Nhưng hồi 50 tuổi, tôi thấy bấy nhiêu chưa đủ, cần thêm điều kiện này nữa: sống trong một xã hội lành mạnh, ổn định và tương đối thịnh vượng.
Hôm nay GR quên kính lão, tối đọc lại.
Trả lờiXóaCó vẻ như điều thứ 21 chí lí nhất. Hỏi sao rất nhiều người có ước mơ ra đi vì ở nơi chúng ta đang sống đây chờ bao lâu nữa XH mới lành mạnh, văn mihh, thịnh vượng?
Cụ Nguyễn Hiến Lê là một trí thức điềm đạm,tỉnh táo về minh triết Phương Đông nhưng rất khoa học,không thần bí. Vô cùng Kính trọng!
Trả lờiXóaCụ chắt lọc viết ra nên đã hàng chục năm trôi qua, mà những điều ấy vẫn còn nguyên giá trị.
Trả lờiXóaChơi đi học hành, nghiên cứu làm gì
Trả lờiXóaTôi đọc NHL từ nhỏ, lớn vẫn thích đọc, một con người điềm đạm và nghiêm túc.
Trả lờiXóaĐọc lại rồi. Hay lắm.
Trả lờiXóaCũng xem cái clip còm bên dưới nữa. :) Đẹp!
EM đọc từ từ để ngấm ạ!
Trả lờiXóa