Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Chuyện một người lính khố đỏ

Hai hôm nay tôi dành thời gian đọc hết cuốn sách lạ, có tên là " Chuyện một người lính khố đỏ" tự truyện của tác giả Phạm Khải Tri, do NXB Quân đội nhân dân ấn hành năm 2009.



Tôi có được cuốn này lạ nhờ blog. Các bác còn nhớ cách đây chừng 2 tháng tôi có một bài viết về Lính Khố đỏ nhân đọc Gia phả. Ít ngày sau, nhận được tin nhắn qua PM của bạn tuyettinhcocchu cho hay, "có một cuốn sách của một người từng là lính khố đỏ viết và tác giả hiện còn sống, anh cho xin địa chỉ để em gửi tặng một cuốn".


Thật là tuyệt, tôi ghi địa chỉ và mong, nếu có được cả chữ ký người tặng và tác giả thì quý quá. Ít lâu sau, tôi nhận được cuốn " Chuyện một người lính khố đỏ" qua Bưu điện, người gửi là KTS Nguyễn Quốc Lanh  ( tức tuyettinhcocchu ) ở Biên Hòa - Đồng Nai.  Cuốn sách có chữ lời tặng của KTS Lanh và dòng chữ " Trân trọng kính tặng ông Nguyễn Phan Khiêm - báo Công Lý và gia đình", có chữ ký của tác giả PKT.



Tôi nhắn cám ơn KTS Lanh nhưng hôm nay đọc xong mới viết entry này để một lần nữa trân trọng cảm ơn bạn Lanh và nhất là cám ơn cụ Phạm Khải Tri, tác giả cuốn sách rất hay, tuổi đã ngoại 85, đã tặng cho kẻ hậu sinh xa lạ những chữ trân trọng đến thế.

Cuốn tự truyện thật hấp dẫn, từ đầu đến cuối. Tác giả kể lại cuộc đời mình, một người quê gốc Bắc Ninh, do ông nội Cần vương mà gia đình lưu lạc ra Móng Cái lập nghiệp... Sinh trong thời loạn lạc, những năm 20 đầu thế kỷ trước, Phạm Khải Tri dấn thân vào binh nghiệp làm Lính Khố đỏ. Mặc dù học trường Tây, nói tiếng Pháp rất tốt nhưng anh lính Phạm Khải Tri, thầy cai "thổ mừ" luôn giữ cốt cách con nhà Nho, theo phong cách ông nội và những lời dạy bảo của người mẹ hiền mà ông rất mực thương yêu.

Trong thời loạn lạc, nhố nhăng giữ được mình không lấm láp là rất khó, giữ tư cách kiểu Nho gia còn khó hơn nhưng ông đã giữ được, dù không ít lần phải trả giá. Ông đã dắt bạn đọc đi hết cuộc đời binh nghiệp của ông từ giữa thế kỷ trước cho đến 1975, qua các miền đất nước và đến tận hôm nay.

Cốt cách Nho gia ấy làm chuẩn mực ứng xử cho ông, dù là trong cuộc chiến. Có lần binh lính bắt giữ mấy người dân qua đêm, trong đó có một cô gái trẻ 16-17 tuổi, ông nghĩ tối nay bọn lính thế nào cũng làm bậy, hãm hiếp cô gái, ông nói nhỏ với cô gái đến nằm với ông. Cô gái nghe lời và suốt đêm đó ông nằm quay lưng vào lưng cô gái, cố giữ không cho động chạm, chăn không được bùng nhùng và chỉ sợ nhỡ vô ý chạm vào cô gái bất chợt la lên trong đêm hôm thì ông sẽ không biết thanh minh thế nào, chưa kể chuyện còn đến tai vợ... Nhưng ông đã làm được, sang hôm sau cô gái được thả về. Khi đó, có lẽ ông chưa đến tuổi 30.



Cũng cách ứng xử ấy, sau này ông gặp nhiều khó khăn khi có những tên chỉ huy tham lam, vơ vét, trục lợi... mà loại quan chức đó thời nào cũng rất nhiều..

Cuộc đời ông là một chuỗi những gian nan, lận đận, những lần chuyển đơn vị, rồi những hoạn nạn bất ngờ ụp tới. Ông đã vẽ nên chân dung nhiều những người ông đã gặp trong suốt cuộc chiến, thân sơ, đậm nhạt khác nhau. Nhưng có lẽ tử vi của ông cung Nô không tốt, nên có khi ngay cả những người chịu ơn ông cũng bạc.

Thân phận ông cũng như thân phận những người cùng trang lứa, dù ở trong Nam hay ngoài Bắc đều gian nan, vất vả như thế, không mấy ai được an nhàn...



Cuốn tự truyện như cuốn phim hay và nó nhắc nhở ta một điều không mới, nhưng không bao giờ cũ, là trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải sống cho tốt, cho trong sạch.


Cuốn sách còn có giá trị tư liệu quý giá về Lính Khố đỏ, sắc lính đặc trưng Đông dương, đã lùi vào dĩ vãng mà do chính nhân chứng kể lại.

Mặc dù là người cầm bút nghiệp dư và cao tuổi nhưng Phạm Khải Tri viết với một văn phong mạch lạc, truyền cảm và rất hiện đại. Hiện đại ở chỗ không rườm rà, lan man mà rất cô đọng, trong sáng. Văn ông trẻ hơn tuổi ông rất nhiều.

Cuốn sách là một món quà quý, một kỷ niệm mà bạn tuyettinhcocchu, người định chui vào hang tuyệt tình với thiên hạ, lại ra khỏi hang, gửi tặng tôi, người ít khi vào trang của bạn, không phải là rất lạ hay sao. Có lẽ nhờ cưới vợ, mà KTS Lanh đã lại dan díu với cuộc đời.

Cuối cùng xin kính chúc cụ Phạm Khải Tri mạnh khỏe, an vui với con cháu. Cụ đã trải qua một cuộc đời phong phú, thấm đẫm mồ hôi và nước mắt nhưng đã làm được nhiều việc nhân nghĩa
, hẳn cụ sẽ được hưởng những trái ngọt của đàn con hiếu thảo và xã hội đang đổi thay mang đến.



44 nhận xét:








  1. Hay nhỉ. Không biết cuốn truyện này đã có trên thư viện mạng nào không. Nghe giới thiệu hấp dẫn đấy.
    Vào những năm 60 thế kỷ trước tôi cũng được một cụ già tên là cụ Bường, kể cho nghe về lính khố đỏ. Đại để là thời Pháp thuộc, chính quyền cai trị ở các thuộc địa thường tuyển lính người bản xứ phục vụ trong quân đội Pháp. Các cụ thường gọi lính dạng này là lính khố đỏ hay lính viễn chính (đánh xa). Lính khố đỏ có thể được điều động tới bất cứ vùng nào thuộc Pháp (các nước thuộc đia hay cả ở chính quốc). Còn một loại lính khác gọi là lính khố xanh thì chỉ phục vụ tại nước thuộc đia bản xứ thôi.
    Cụ Bường kể rằng khi đại chiến II nổ ra cụ đang đóng ở thành Vec-đoong trên đất Pháp. Thành bị phát xít Đức bao vây nhiểu ngày đêm chặn đường tiếp tế lương thực, quan quân trong thành cuối cùng đã phải nấu các đôi giầy bằng da thuộc thành nước cháo loãng cầm hơi. Giữa năm 1945 cụ về phép thăm quê hương họ hàng tại Việt Nam thì cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Cụ bị kẹt lại trong vùng du kích kháng chiến. Mãi sau này khoảng 1976 cụ được tin chính phủ Pháp vẫn trả lương hưu cho các cựu binh sĩ cũ ở khắp nơi, nên con trai cụ đã viết thư cho Tổng thống Pháp và đã được thư trả lời có chữ ký của chính Tổng thống lúc bấy giờ là ông Mit-tơ-răng, trong thư  có câu: "Nước Pháp không bao giờ quên ơn những binh sĩ đã hy sinh phục vụ cho nước Pháp". Tuy nhiên cụ Bường sau này cũng không nhận được tiền trợ cấp của CP Pháp (không rõ nguyên nhân) và cụ đã qua đời tại nhà con trai trưởng ở thành phố Sài Gòn năm 1989.

    . ..

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn bác yeuhannoi, thông tin cụ Bường của bác thật thú vị.

    Trả lờiXóa
  3. Cuốn tự truyện thực sự hấp dẫn em. Khi đọc em đã đọc một mạch một buổi. Mua cũng rất tình cờ, sáng CN đang chơi thể thao thì có ông cụ râu tóc bạc phơ đạp chiếc xe rất nhọc nhằn đi bán sách, bán 1 loại sách duy nhất. Mới đầu em mua vì ái ngại ông cụ tuổi cao, sau về đọc lại thấy được rất nhiều. Em cũng vui vì anh cũng thích món quà nhỏ này :)

    Trả lờiXóa
  4. Tuyettinhcocchu: Chính cụ PKT đi bán sách à?!

    Trả lờiXóa
  5. tuyettinhcocchu: Xem ra đời sống ông cụ vẫn còn khó khăn phải không chú? Hay cụ chỉ muốn có nhiều người đọc sách của mình thôi nhỉ...

    Trả lờiXóa
  6. Lính Khố đỏ thời Pháp ở VN, không biết có phải còn được gọi là lính "Commando, hay lính Lê Dương" không?
    Quyển sách Toro được tặng cũng là một chứng nhân lịch sử...

    Trả lờiXóa
  7. Có lẽ câu hỏi của anh PNH phải nhờ KTS Lanh hỏi cụ PKT dùm... Chuồn chuồn gọi xong cười, chả hiểu ý gì... Hii

    Trả lờiXóa

  8. Có người dùng từ commando để chỉ lính khố đỏ nhưng chỉ với ý là "biệt động quân", " lính tinh nhuệ". Tuy nhiên các cụ ta gọi những người Việt đi lính khố đỏ là theo đúng ý nghĩa mà mình đã ghi ở dưới. Còn từ Lê Dương ngày xưa ý chỉ "lính đánh thuê" nhưng hàm ý lính là người ở các nước thuộc địa của Pháp thường thì tàn độc, hung hăng và liều mạng. Trong những trận càn quét vùng đồng bằng Bắc bộ quân đội Pháp thường đưa lính Lê Dương lên đầu. Chuyện rằng khi gặp lực lượng chống càn của ta, một lính Lê Dương người Phi da đen rạch mặt ngậm vào miệng con dao găm rồi cắp súng liều chết lao lên trước làn đạn.

    (Ghi thêm : Rạch mặt là hình thức theo phong tục tập quán và tín ngưỡng của một số dân tộc Phi, chăng hạn như ở Ma rốc, Phong tục này ở VN ta cũng có nhưng hình thức lại khác. Ví dụ như tục cà răng căng tai của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên trước đây)

    Trả lờiXóa
  9. Moido: Mua giúp ông cụ một cuốn đi, có chữ ký tác giả luôn. Nhờ anh Lanh. Có khi anh ấy mang ra tận QN cho em ấy chứ. Hii
    Tuy nhiên, phải nói trước, đây là sách chụp lại chứ không phải sách in em nhé.
    Cám ơn bổ sung của bác yeuhanoi.

    Trả lờiXóa
  10. chị mess lại cho em cái địa chỉ. hihi

    Trả lờiXóa
  11. Em nghĩ theo vế thứ 2, tuy không hỏi về hoàn cảnh hiện tại của Cụ, nhưng theo mạch tự truyện thì có lẽ mưu sinh bây giờ không làm một người có lối sống giản dị như Cụ bận lòng nhiều.

    Trả lờiXóa
  12. Có lẽ ông Cụ không đủ khả năng in theo cách tốt hơn

    Trả lờiXóa
  13. ohh...sao nghe thương cụ vậy !

    Trả lờiXóa
  14. Đó là món quà vô giá anh nhỉ !
    Thật quý !

    Trả lờiXóa
  15. Đúng là món quà qúy vì nhiều lẽ suongdang ạ.

    Trả lờiXóa
  16. tuyettinhcocchu, khi nào gặp cụ Tri hỏi giúp mình về chữ BẾP nhé, vì sao các cụ đi lính cho Tây về hay được gọi là Bếp. Theo mình Bếp là quân hàm trên Lính, dưới Cai. Thông thường, đi lính bao nhiêu lâu được lên Bếp, có phải như Tiểu đội trưởng không, cai quản bao nhiêu lính? Lương bổng so với Lính thế nào?

    Trả lờiXóa
  17. Cuốn sách được tặng với nhiều ý nghiã quá . Em ngại không dám nhờ Lanh luôn , có lẽ mượn anh nhỉ :)

    Trả lờiXóa







  18. "Bếp" có thể tương đương với chức vụ "Anh nuôi"- người chuyên phụ trách nấu ăn trong quân đội. Ngày xưa khi các cụ đi lính cho Pháp hồi hương về quê, thường được dân gán cho cái chức vụ cuối cùng trong quân ngũ khi gọi tên, ví dụ binh Bàng, binh Triết, binh Hỏa ( chức binh ) ; cai Ngãi, cai Chân, cai Bản (chức cai), đội Thử, đội Tạp, đội Ngô, đội Cấn (chức đội) ; xếp Úc, xếp Hải, xếp Phường (chức xếp).... có nơi còn có chức đề (đề Thám) Cách gọi vậy chỉ là hàm ý kính trọng trong xã giao, hầu như rất phổ cập đâu cũng vậy. (Việc tra cứu liên hệ đối chiếu các hàm và chức của quân đội Pháp, hoặc quân đội thuộc triều đình phong kiến với các hàm cấp và chức vụ hiện đại ngày nay là công việc của các nhà sử học nhiều khi rất công phu, phức tạp. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, quân đội Việt Minh chỉ có gọi 3 hàm tướng : thiếu tướng, trung tướng, đại tướng, (không có soái), ngoài ra chỉ có chức mà không có hàm. Chẳng hạn chức binh gọi chung là chiến sĩ, chiến binh, bộ đội, trên là các chức : tiểu đội trưởng, tiểu đội phó - trung đội trưởng , trung đội phó, đại đội trưởng....đến tiểu đoàn, trung đoàn, đại đoàn trưởng (không có lữ đoàn). Đôi khi còn gọi tắt : A trưởng, B trưởng, C trưởng, E trưởng... )

    .

    Trả lờiXóa
  19. Hệ thống quân hàm trong Quân đội Đông Dương thời đó gồm Quan tư, Quan ba, Quan hai, Quan một ( là người Pháp) Phó quản, Đội bốn, Đội ( người Pháp và người Việt) Đội, Cai, Bếp và Lính ( người Việt).
    Như vậy, Bếp là cấp bậc chứ không phải chỉ người lính làm hậu cần, nấu cơm, như có người lầm tưởng. Bếp tương tự như Binh nhất hiện nay. Lính khố đỏ được người Pháp trực tiếp huấn luyện, chỉ huy và trả lương nên những người được chọn đều khỏe mạnh. Nhiều lần, lính tập An Nam được huy động tham gia các cuộc chiến của Pháp ở châu Phi.
    Tôi tra cứu thì như vậy bác yeuhannoi ạ. Tuy nhiên, để hỏi trực tiếp cụ PKT nữa xem sao..

    Trả lờiXóa
  20. * Nếu có dịp vào nam TORO tiếp cận được với ông PKT thì hay quá, Người 85 tuổi rồi, quỷ thời gian không còn lại mấy. Chuẩn bị những câu hỏi trước...
    * Hình như đây là lần thứ hai TORO được bạn ảo tặng sách, mà lần này nghe có vẻ Liêu trai....
    * Câu chuyện ông PKT nằm bên cô gái trẻ suốt đêm làm bu nhớ tới nhân vật Liễu Hạ Huệ người nước Lỗ thời Xuân Thu bên Tàu. Ông Huệ nằm vì người phụ nữ kia rét quá không đủ chăn đắp, (đương nhiên ông cũng giữ một khoảng cách cần thiết). Liễu Hạ Huệ được người đời xem là chính nhân quân tử. Mạnh tử gọi là thánh, Nguyễn Du trong Bắc Hành thi tập có làm thơ về ông và thăm mộ ông. Thiết nghĩ cụ Phạm Khải Tri kém chi ông Liễu Hạ Huệ bên Tàu sống cách ta trên 2600 năm???

    Trả lờiXóa
  21. Nhân nói về cuốn hồi ký "Chuyện một người lính khố đỏ" của cụ Phạm Khải Tri mình cảm thấy nền văn học (văn tự) của Việt Nam ta còn nhiều mảng trống quá. "Chuyện một người lính khố đỏ" coi như đã ghi một dấu ấn đầu tiên trong mảng "Người Việt trong đội quân viễn chinh của Pháp"

    Trả lờiXóa
  22. Ý kiến bác Bu hay quá. Tiếc là vừa đi Nam về, hy vọng ky tới em đi, gặp được cụ PKT. Bạn tuyetjtinhcocchu có cách gì để cụ PKT đọc được những ý kiến này thì vui nhỉ?!
    Ý kiến bác yeuhanoi đúng lắm ạ.

    Trả lờiXóa
  23. * Chính nhân quân tử trong thiên hạ vẫn còn nhiều, không phải hạng người mủ cao áo dài mà là những người dân như cụ Trí
    * Toro nên tìm đọc một chính nhân quân tử tên là Lưu Công Danh, được dân Án Độ và Cam pu chia coi là Phật sống. Với hai dân tộc này thì sau Thích Ca, Lưu Công Danh (người Việt) là Phật. Trong đời đọc sách bu thấy có Papilon bên Tây và Phật sống Lưu công Danh là ly kỳ vào bậc nhất.
    * Ông Danh có vợ Việt, vợ Ấn (cháu thủ tướng Nê Ru). Dân Cam pu chia cứ một năm cung hiến cho ông một hoa hậu để lấy giống Phật, đó là ý dân không được từ chối. Sau này ông theo cụ Hồ về đánh Pháp rồi đánh Mỹ, làm chủ nhiệm HTX xe ba gác ở Phúc Xá, xơi thịt chó tì tì, lai sang LIên Xô học nhưng không khoái bỏ về. Thuở còn là Phật, ông đã đi thuyết pháp bên Luân Đôn, Thượng Hải.....sau này ông làm thuốc cứu người nghèo ở phố Hoàng Quốc Việt (Hà Nội). Sau 30.4 ông về nam, thọ 102 tuổi.

    Trả lờiXóa
  24. Bác Bu giới thiệu nhân vật Lưu Công Danh ly kỳ quá. Bác đã đọc tài liệu về cụ này ở đâu đấy ạ?!
    Nghe chuyện Phật sống về làm chủ nhiệm HTX xe bác gác mà ái ngại cho lẽ vô thường.

    Trả lờiXóa
  25. Mua ở nhà sách Quảng Bình "PHẬT SỐNG LƯU CÔNG DANH" giá 18 ngàn đồng. Bu mua tặng bạn bè khá nhiều bây giờ chính bu không có, đang tìm lại, nếu có sẽ giành phần TORO một quyển. Còn Hà Nội có thì nhờ bạn mua hộ.

    Trả lờiXóa
  26. Vâng, để chiều em lượn lên Phố Sách bác Bu nhé!!

    Trả lờiXóa






  27. Theo báo Người Lao Động Lưu Công Danh sinh ngày 29-12-1900 tại Long Xuyên, Rạch Giá, Hà Tiên.
    Vào cuối năm 1931, Lưu Công Danh phải đi làm thuê, làm mướn để nuôi sống gia đình, vợ con. Từ năm 1933, ông  sang Campuchia, làm phu khuân vác lúa gạo ở Batđombong, sau đó làm phiên dịch cho một người chủ Ấn Độ rất giàu có ở Nam Vang. Có lần người chủ bỏ quên ở nhà một va-li tiền có giá trị rất lớn, với bản chất không tham lam Lưu Công Danh đã trao lại cho chủ. Được chủ tín nhiệm và nhận làm con rể.
    Sau đó, Lưu Công Danh được chủ và gia đình chọn đi Tây phương Phật, đi bằng chân đất men theo các ngọn núi của Hymalaya thăm thẳm rừng già. Trong 10 năm, Lưu Công Danh  đã đi qua 10 chùa trong các khu rừng hoang, vừa ngồi thiền, học thuộc các kinh, vừa học Đông y, cuối cùng đến chùa Tây Phương được vị hòa thượng Vua Phật công nhận đắc đạo thành “ông Phật sống”.
    “Phật sống” Lưu Công Danh khi về tới Tân Cương Trung Quốc thì được Sứ quán Anh đưa xe về Thượng Hải, Hồng Kông qua Luân Đôn rồi về Nam Vang, trụ trì ở chùa Prệp Prạ gần 5 năm.
    Sau tháng 8-1945  Lưu Công Danh về Châu Đốc thăm nhà và cùng nhân dân tham gia kháng chiến chống Pháp tại quê nhà
    Tháng 7-1954 tập kết ra miền Bắc. Sau đó đi học Học viện Quân sự, chính trị ở Liên Xô, về làm việc ở Cục Giao tế Bộ Ngoại giao.
    Năm 1962, lúc này Lưu Công Danh đã 62 tuổi, ông chuyển qua nghiên cứu Đông y - Bộ Y tế.
    Sau 1975, ông về Rạch Giá lập Phòng trị bệnh thuốc nam và góp phần thành lập Bệnh viện Y học Dân tộc của tỉnh.
    19 giờ ngày 31-5-2003 Lưu Công Danh từ trần, thọ 103 tuổi./.

    Lưu ý : Trong bản tin có nói tới Vua Phật ? Trong giáo lý nhà Phật thì không có vua Phật đâu .




    Trả lờiXóa
  28. Cám ơn bac yeuhanoi đã cung cấp thông tin về Phật sống Luu Công Danh. Thế ra cụ bằng tuổi ông nội tôi...

    Trả lờiXóa
  29. Quá hay bác Bu ạ, còm của bác là một truyện cực ngắn đặc sắc, một cuốn phim...
    Tuy nhiên, hồi đó HN chưa có phố Hoàng Quốc Việt, đường HQV hồi đó là đường Nghĩa đô, Chèm gì đó...

    Trả lờiXóa
  30. Chỗ đường Hoàng Quốc Việt có một ông bạn thân của bu ở nên khi đọc đến tên đường thì nhớ như in, có thể người ghi chép tự động đỗi tên đường chăng?
    Bu đã nói chuyện với đạo diễn Trần Quốc Trọng, cha này khen hay song lắc đầu... hihihi
    Để xem lại Tên HQV được dặt từ bao giờ và đức Phật về nam năm nào

    Trả lờiXóa
  31. Ai có cuốn sách hồi ký của Phật Sống do cụ Lưu Công Nhân kể và nữ ký giả Nguyễn Thị Thanh Xuân ghi. (NXB Văn học, 2003. Tái bản, 2005) xin cho hỏi : Cuốn sách có tất cả bao nhiêu chương ? ( mình chỉ được biết 9 chương thôi)

    Trả lờiXóa
  32. Bác Bu, ông Hoàng Quốc Việt, húy Hạ Bá Cang, người Kinh Bắc, kém cụ Phật sống 5 tuổi, 1992 mới qua đời. Tên con phố đó chắc khoảng 1995-97 gì đó.

    Trả lờiXóa
  33. Ông Hoàng Quốc Việt được chúng tôi coi là người sống có nhân nghĩa. Sau ngày nhẩy nhà Tám mái bị thọt chân vẫn hoạt động chống Pháp, chúng tôi gọi là ông nhiêu Thọt (nhiêu : tiếng đệm chỉ bậc đáng kính ở làng tôi). Sau hòa bình ông Việt vẫn quan tâm rất thực tế tới những người đã từng che chở cho ông lúc khó khăn hay gian nguy khi còn hoạt động trong bí mật. Việc một đường phố mang tên Hoàng Quốc Việt ở thủ đô cũng là hợp ý dân tình.

    Trả lờiXóa
  34. Bác yeuhanoi: Nhiêu là chức vị thưởng bỏ tiền ra mua, thực ra là đóng góp với làng. Nhiêu được miễn phu phen tạp dịch. Có nơi gọi là Quan viên hay Cai tế, có nghĩa khi làng vào đám, những người này mặc áo thụng xanh và tế, không phải vác cờ quạt, kéo ngựa... như dân đen nữa. Người từ 60 tuổi trở lên cũng gọi là lão nhiêu, miễn phu phen như quan viên...

    Trả lờiXóa
  35. Hì hì ...Nói đến chức mua thì cũng nhiều chuyện vui vui... Nhiêu, phần, phó (kể cả phó lý), bá hộ, và hẳn là còn các chức "cao sang oai vệ" khác. Những chức mua thì chẳng bao giờ phải hành sự theo tên của chức vụ, không những được miễn phu phen tạp dịch mà lại được ngồi chiếu hoa mâm trên mỗi khi làng có chuyện chè chén. Quan viên nơi mình chỉ chung chung các vị (quan viên làng nước). Chức mua có thể bằng thóc hay bằng ruộng. Đại để chỉ là hình thức gây quỹ cho thôn làng để khi cần chi cho món nào đó ( ví dụ làm đường làng, tu bổ đình chùa, mở hội, chiêu đãi quan trên khi về làng.......

    Trả lờiXóa
  36. Hướng dẫn cách post vào blog hồi ký "Phật Sống Lưu Công Danh" (bằng cách dùng code trong khung cuộn tại Reply bên dưới):

    Trước hết bạn nhấp-giữ trỏ vào mũi tên tam giác ở đầu thanh cuộn dọc, chỉ vài giây là văn tự code sẽ hiện ra phần đầu (có mấy chữ tô đỏ). Tiếp theo bạn thực hiện lần lượt các thao tác sau:

    1- Nhấp-giữ trỏ tại đầu code (ngay trước cụm chữ màu đỏ) và kéo rê chuột từ từ xuống vài ba phân rồi dừng lại (vẫn giữ nguyên chuột). Lúc này code sẽ từ từ nhô lên và được bôi đen. Cứ vậy bạn chờ cho toàn bộ code được bôi đen hết (kể cả cụm màu đỏ cuối cùng). Nếu bạn cảm thấy giữ chuột lâu, mỏi ngón tay thì hãy khéo chuyển giao cho ngón khác). Khi văn bản của code đã được bôi đen xong thì bạn nhả chuột ra và nhấn Ctrl+C (để copy code vào bộ nhớ tạm).

    2- Mở trang soạn thảo blog của bạn ra rồi => Nhấp vào nút vuông nhỏ R trước chữ Edit HTML (nút nằm ở cuối thanh công cụ) để mở cửa sổ soạn HTML, xong => Đặt trỏ vào trong cửa sổ này rồi nhấn Ctrl+V (để paste code từ trong bộ nhớ tạm), và nhấn lại nút vuông nhỏ Edit HTML, để trở về cửa sổ soạn bình thường.

    3- Tiếp tục hoàn thành các thao tác khác để hoàn tất post ( Tiêu đề bạn nên ghi đúng như nguyên bản "Phật sống Lưu Công Danh" )

    Chúc các bạn thưởng thức tác phẩm thật thú vị.

    YHN.

    .

    Trả lờiXóa
  37. Cam on bac yeuhanoi da rat chu dao va cung cap cho moi nguoi mot tac pham thu vi.

    Trả lờiXóa
  38. Trước hết tôi xin cảm ơn blog đã có bài viết bổ ích này!
    Tôi là người văn. Đang thu thập tư liệu sống để viết một cuốn tiểu thuyết đã hoàn thành đề cương. Trong đó, vật chính là một viên đội lính khố đỏ. Tôi hiểu rất ít về người lính khố đỏ. Nhất là việc họ nhập vào đội ngũ ấy và chiến đấu bằng động cơ cụ thể nào? Cuộc sống chi tiết của họ ra sao? Tất nhiên nếu không có tư liệu thì đành lòng phải tưởng tượng ra bằng suy luận… và những liên quan khác. Như thế không chính xác và thiếu thuyết phục. Xong không có cách nào khác. Vì tôi ở rất xa. Ngoài Bắc Giang anh ạ! Sức khỏe tôi lại yếu. Không thể đi vào trong đó được. Tôi tha thiết nhờ anh nếu có thể được thì mua dùm và gửi ra cho tôi cuốn sách này. Tôi sẽ gửi tiền cho anh theo tài khoản hoặc bưu điện. Có thể là bản photo cũng được.
    ĐỊA CHỈ CỦA TÔI:
    Quang Đại – 134 Thanh Xuân- Thị trấn Đồi Ngô - Lục Nam- Bắc Giang
    ĐIỆN THOẠI: 0945529434
    XIN TRÂN TRỌNG CẢM ƠN!

    Trả lờiXóa

Flags

Flag Counter