Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Đi viếng mộ nghĩa sĩ vụ Hà Thành đầu độc

Khi tôi đang viết bài này, thì giờ này cách đây đúng 104 năm, tối 27-6-1908, Hà Nội đang xảy ra vụ binh biến, đánh úp nhằm chiếm thành Hà Nội, khởi đầu bằng việc đầu độc các binh lính Pháp, mà lịch sử gọi là vụ "Hà Thành đầu độc".




Không mấy ai không biết những tấm ảnh nổi tiếng chụp hình thủ cấp ba vị lãnh đạo vụ binh biến bị tử hình và bêu đâu thị chúng, và hình các nghĩa sĩ bị cùm trong nhà lao với anh mắt cương nghị, không sợ hãi.

Vì thế, sáng nay tôi đã trai giới, mua hương hoa tìm đến viếng mộ chín vị anh hùng lẫm liệt ấy. Mộ các cụ nằm trong góc một khu vườn tư gia, nên không phải ai đến họ cũng cho vào. Có lẽ do trông tôi thật thà, lơ ngơ nên may mắn được đến viếng các cụ và may mắn là đại diện duy nhất cho hậu thế đến viếng các cụ nhân 104 năm sự kiện này...

Đầu tiên, phải đi qua hành lang đầy quần áo này...

 Sau đó qua vườn cây, mộ các cụ ở cuối vườn







Tôi đứng tưởng niệm các vị anh hùng lẫm liệt vị nước quên thân mà không khỏi xót xa, ngậm ngùi vì sự vô cảm của hậu thế đối với các cụ...

Tôi đã viết một phóng sự để đăng báo, ai không ngại xin đọc dưới đây.


Kỷ niệm 104 năm “vụ Hà thành đầu độc” 27- 6 ( 1908-2012)

Ngậm ngùi, khuất nẻo anh hùng

Nguyễn Phan Khiêm

Nói đến lịch sử chống ngoại xâm hồi đầu thế kỷ XX, không thể không nhắc tới vụ “Hà thành đầu độc” - một sự kiện làm chấn động hệ thống cai trị của thực dân Pháp ở Đông dương khiến cho hơn 200 binh lính, sĩ quan của Pháp bị ngộ độc. Thực dân Pháp đã xử chém bêu đầu những thủ lĩnh cuộc binh biến này.

Đúng ngày 27-6, ngày mà 104 năm trước đã diễn ra sự kiện bi tráng này, tôi lặng lẽ đi tìm và viếng mộ 9 vị lãnh đạo cuộc binh biến đã lẫm liệt hy sinh vì Tổ quốc…

1.Hà Nội sáng 27-6 không có nắng gắt, gió thổi lao xao, tôi chạy xe trên đường phố nhà cửa san sát, người xe tấp nập. Tôi cố hình dung ngày này 104 năm trước, con đường tôi đang đi như thế nào, các nghĩa sĩ đang nung nấu tâm can, chuẩn bị để tối nay ra tay khởi nghĩa cam go, sinh tử ra sao. Tôi đi ngược lên Chợ Bưởi, để tâm trí mình lùi về quá vãng…

Lực lượng làm binh biến hồi đó là các bồi bếp và binh lính người Việt ( lính khố đỏ) thuộc trung đội công nhân pháo thủ Hà Nội nằm trong trung đoàn pháo binh bảo vệ thành Hà Nội của Pháp. Đứng đầu nhóm này là bếp Hiên, còn gọi là Hai Hiên, cùng với bếp Xuân, bếp Nhiếp, Đặng Đình Nhân, Nguyễn Trí Bình, Dương Bê… Nhóm có nhiệm vụ nội ứng, đầu độc 200 binh lính Pháp thuộc hai trung đoàn pháo binh và bộ binh Pháp đóng trong thành Hà Nội, rồi bắn pháo hiệu làm hiệu lệnh tiến công cho các cánh quân đánh vào chiếm lại thành Hà Nội.

Lực lượng tiếp ứng bên ngoài chia thành 3 mũi tấn công, có tài liệu nói mỗi mũi khoảng 200 người. Mũi thứ nhất, nghĩa quân tập kết ở Lò sát sinh được lệnh đánh thẳng vào Đồn Thủy phía bờ sông ( Bệnh viện Quân đội 108 ngày nay); Một mũi phân tán trên các các thuyền bè đậu gần một xưởng thuốc lá (có lẽ là hồ Trúc Bạch hay hồ Tây) tiến đánh thẳng vào cửa Bắc; Mũi thứ ba, tập kết ở ngoại ô phía Tây, có nhiệm vụ phối hợp với cánh quân từ Sơn Tây về. Trong mũi này 20 người là người của Hoaangf Hoa Thám, được trang bị súng lục, chờ sẵn trước vọng lâu của phủ Toàn quyền, chuẩn bị đánh trại lính khố đỏ ở phía Tây.

Trong bữa tiệc tối 27 tháng 6 năm 1908, sau khi ăn phải những bát súp trộn cà độc dược, 80 lính Pháp thuộc Trung đoàn pháo binh thứ 4 và 125 lính Trung đoàn bộ binh thuộc địa thứ 9 đã trúng độc, ngất xỉu nhưng không chết. Ngay sau đó quân Pháp báo động toàn thành và toàn bộ lính người Việt trong thành tham gia khởi nghĩa, chưa kịp bắn ba phát đại bác như đã định, thì đã bị tước vũ khí và bị bắt giam. Nguyên do là một người lính tên là Trương tham gia vụ đầu độc đã vội vã thú tội với linh mục nên Pháp phản ứng nhanh chóng, cho ngay các thầy thuốc đến cứu chữa binh lính ngộ độc và ban hành lệnh thiết quân luật.

Sự kiện này gây chấn động cả hệ thống cai trị của thực dân Pháp, khiến chúng hoang mang, kinh hãi, mấy hôm liền không dám ăn cơm ở trại, phải lũ lượt kéo nhau lên Phủ Toàn quyền biểu tình đòi giới cầm quyền phải có biện pháp cứng rắn đối phó với tình thế.

2. Khi viên Tổng đốc Hà Đông hỏi cung, các nghĩa sĩ đã chất vấn lại: “Những điều ông hỏi làm chúng tôi rất ngạc nhiên. Chúng tôi tự hỏi rằng không biết tại sao ông lại còn hỏi chúng tôi như thế. Bởi vì, suy cho cùng, ông cũng là người Việt Nam, ông phải hiểu cái việc mà chúng tôi đã cố làm. Chính các ông, những ông quan, ông lớn, các ông phải làm cái việc đó trước tất cả mọi người mới phải”.

Ngay ngày hôm sau, 28-6-1908, Hội đồng Đề hình được thành lập cấp tốc để xét xử vụ đầu độc, đã kết tội các binh sĩ và đầu bếp "xâm phạm nền an ninh của chính phủ Bảo hộ". Ngày 8-7-1908 Pháp xử chém ba thủ lĩnh là Đội Bình (Nguyễn Trị Bình), Đội Cốc (Dương Bê – Nguyễn Văn Cốc) và Đội Nhân (Đặng Đình Nhân) ngay tại Bãi Gáo, gần Cột Cờ Hà Nội (Vườn hoa Chi Lăng ngày nay) và mang bêu đầu ba vị ở ô Cầu Dền, ô Cầu Giấy và Chợ Mơ để thị uy và làm tê liệt ý chí phản kháng của nhân dân Việt Nam. Cả ba người trước khi bị hành quyết đều tỏ thái độ hiên ngang, bất khuất, như sau này tác giả bài “Khóc những người hy sinh sau vụ “Hà thành đầu độc” đã cảm kích: “ Thương thay thất bại anh hùng/ Tấm lòng son với non sông thẹn gì? Gan vàng dạ sắt tri tri…”.

Tháng 10-1908, Hội đồng Đề hình Pháp xét xử, khép tội tủ hình 13 binh lính và bồi bếp người Việt, trong đó có Hai Hiên, Lang Sèo, Cai Tôn, Đội Hổ, ngoài ra là 6 người tử hình vắng mặt, 4 người chung thân, còn lại khá nhiều người tù có thời hạn. Vụ án có 59 bị cáo, trong đó có hai phụ nữ, một trong hai vị đó là bà Nguyễn Thị Ba ( bà Nhiêu Sáu) – người có mặt trong tấm hình chụp cùng các đồng chí đang bị cùm trong nhà lao. Bà đã bị tra tấn đến chết. Vị liệt nữ thứ hai là cô Đồng Đa, giữ một ngôi chùa ở Phúc Yên làm liên lạc cho Đề Thám cũng bị bắt và tuẫn tiết.

Ngày 3-8 -1908 chúng xử tử tiếp ba người là Bếp Hiên (Nguyễn Văn Hiên), Cai Ngà và Bếp Xuân. Ngày 29 chúng hành quyết ba người nữa là Lang Sèo, Cai Xe và Cai Tôn. Cuối cùng ngày 27-11- 1908 thì bốn người cuối cùng bị chém Đồ Đàm ( Đỗ Khắc Nhạ), Đội Hổ, Lý Chánh, và Vinh.

Địa điểm chém là Vườn Bàng ở gần chợ Bưởi. Mộ tập thể không đầu của 9 người này lúc đầu chôn ngay tại pháp trường. Về sau khi người Pháp lấy Vườn Bàng làm xưởng nhuộm thảm thì mộ bị chuyển tới một khu đất thuộc Nghĩa Đô, Từ Liêm…

3. Tôi đứng lặng bên Vườn Bàng, pháp trường oan nghiệt khi xưa, nay là con phố Lạc Long Quân đông đúc, không còn chút bóng dáng nào của trăm năm về trước, có chăng là cây đề cổ thụ đầu chợ Bưởi là nhân chứng không lời vẫn đứng đó, rì rào như đang nói chuyện với thời gian…
Tôi mua bó hoa cúc vàng và thẻ hương, rồi hỏi ông xe ôm đầu làng Nghĩa Đô về nơi có ngôi mộ các vị nghĩa sĩ ”Hà thành đầu độc”. Ông xe ôm nói ngay: Ồ, mộ đó ai mà không biết, anh rẽ phải qua cổng làng vào hỏi nhà ông Thành”. Tôi cám ơn và rẽ vào ngõ, qua cái cổng làng cổ có ba chữ đại tự “Thiểu cao đại”, tôi xuống xe hỏi thăm một cụ già tóc bạc phơ, cụ bảo, “có đây, để tôi dẫn vào”. Đường làng Nghĩa Đô sạch đẹp, nhà cổ lẫn mới xây. Qua một cái cổng cổ và vài chỗ rẽ thì đến ngôi nhà số 12. Tôi thấy cụ thoăn thoắt đi trước, cứ ngỡ cụ là chủ nhà nhưng không phải, cụ dẫn đường cho tôi. Tôi bước vào sân thấy một người đàn ông lúi húi bên bể nước, biết đó là chủ nhà, tôi ôm bó hoa trên tay và nói: “Thưa anh, em là nhà báo, hôm nay đúng là ngày diễn ra vụ “Hà thành đầu độc” 104 năm trước, xin phép anh cho em được thăm mộ các cụ”. Ông chủ nhà chăm chú nhìn tôi một lát rồi nói: Thôi được, anh để xe đấy rồi tôi dẫn vào. Sau đó tôi biết ông tên là Thành, giáo viên một trường trung học cơ sở gần nhà.
Nhà này đất rộng nên xây nhiều nhà cho ở thuê, dây phơi đầy quần áo như một khu tập thể nhỏ. Phần giữa là một vườn bưởi và cây cảnh, tre trúc um tùm. Ông Thành rẽ lối, đưa tôi rẽ cây vào phía trong và dặn lưu ý những cây trúc đang mọc mầm… Đi sâu đến cuối vườn, ông Thành dẫn tôi đến ngôi mộ ốp gạch men đỏ và nói: ”Mộ các cụ đây” rồi quay ra. Ngôi mộ xây ốp vào tường một ngôi nhà khác, dài chừng hơn 2m, rộng gần 1m, trên mặt mộ đã bong tróc, có những túi nilon vứt lại. Nơi đây, có chín thi hài nhưng chỉ ghi tên được hai vị là cụ Hai Hiên và cụ Đồ Đàm, và mộ do con cháu hai cụ xây nên. Một cái đĩa nhựa rụng đầy lá cây, nồi hương đầy nước. Tôi nhặt rác, rồi cắm hoa, đốt bó hương lên. Tôi không dám cắm hết hương vào bát hương đầy nước, nên dành một phần cắm đều trên mặt mộ. Tôi đứng lặng trước ngôi mộ của những người Việt Nam anh hùng đã lẫm liệt đi vào lịch sử, thành kính tưởng nhớ đến ý chí sắt đá và khát vọng đấu tranh cho độc lập dân tộc của các cụ… Và không khỏi ngậm ngùi. Sao những vị anh hùng lại khuất nẻo nơi xó vườn lâu như vậy? Sao không có chỗ tưởng niệm đàng hoàng để con cháu và nhân dân có nơi thăm viếng và giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ mai sau?

4. Tôi mang nỗi ngậm ngùi ra trò chuyện với ông Thành, ông Thành nói: Nói thực với anh, lâu nay chúng tôi cam kết với con cháu các cụ và chính quyền là chỉ có ngày tết, ngày giỗ và thanh minh là các con cháu các cụ đến thắp hương thôi, còn những người khác thì phải qua chính quyền, vì mộ nằm trong khuôn viên gia đình. Hôm nay, anh đã đến, lẽ ra phải qua Phường đấy, nhưng thôi… Nghe ông Thành nói tôi mới biết, hôm nay mình may mắn được là người duy nhất thay mặt hậu thế đến thắp hương tưởng niệm các cụ.
Nhà ông Thành ở mảnh đất này đã đến đời thứ 8. Khi khu đất Vườn Bàng được Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu xây dựng trang trại thì họ chuyển 9 ngôi mộ đặc biệt này ra lũy tre, thuộc đất gia đình ông Thành. Chỗ này cách mộ cũ chỗ cũ chừng 100 m… Ông Thành chỉ ra những tòa nhà đang xây ven đường Lạc Long Quân và nói đấy chính là Vườn Bàng ngày xưa. Suốt hơn 100 năm qua, những ngôi mộ vẫn nằm đó, mãi đến 1988 mới được xây và gần đây tu bổ thêm. Chia sẻ nỗi băn khoăn của tôi, ông Thành bảo: Việc này gia đình tôi không có ý kiến gì, đây là quyết định của UBND thành phố với thân nhân các cụ anh ạ.
Trước khi chia tay, tôi ngỏ ý muốn gửi chút tiền, nhờ gia đình thỉnh thoảng thắp giùm mấy nén nhang lên mộ các anh hùng, nhưng ông Thành từ chối.
Cách đây ba năm, trước thời điểm đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, người ta đã tổ chức một Hội thảo khoa học về tôn tạo phần mộ các nghĩa sĩ hy sinh trong vụ “Hà thành đầu độc” vậy mà rồi lại lãng quên… Không lẽ chúng ta tiếp tục để các vị anh hùng khuất nẻo trong vô tâm như thế?!


20 nhận xét:

  1. Sao bác Toro biết được nhưng thông tin quý giá như vậy? Tại sao hồi 1000 năm TL ấy, chẳng thấy báo chí nói đến? Tại sao mộ các cụ lại nằm trong vườn tư nhân? Để trong vườn tư như vậy, họ ko cho vào thì chỉ có họ hương khói cho các cụ thôi, như vậy không phải với những gì bậc tiền bối đã làm cho Hà Nội.
    Có chủ trương nào của thành phố đưa các cụ ra nghĩa trang đàng hoàng hay không?

    Trả lờiXóa
  2. Nơi này gần nhà em.
    Có hôm nào đó anh đi thăm viếng lần nữa, cho em đi với.

    Trả lờiXóa
  3. Có những điều không đọc được trong lịch sử Toro nhỉ?
    Như vậy đâu phải là hậu thế vô cảm đâu? phải không Toro?

    Trả lờiXóa
  4. Hồi chiến tranh ông Tố Hữu về QB để bồi dưỡng các nhân vật Hai giỏi (đánh Mỹ giỏi và sản xuất giỏi). Nhà thơ lớn làm bài vè Mẹ Suốt..và bà ấy thành anh hùng, có tượng đá gần chợ Đồng Hới. Dân Bảo Ninh quê bà Suốt hỏi nhau "Mụ nớ mần chi mà anh hùng hè". Các Liệt sĩ TORO viết có được nhà nước phong tặng gì không? Đang chờ đọc tiếp đây.

    Trả lờiXóa
  5. Vậy thực sự hình tượng mẹ Suốt là như thế nào đó chú Bu?

    Trả lờiXóa
  6. Đúng là các nghĩa sỹ trong ảnh dù bị cùm nhưng ánh mắt nét mặt vẫn kiên cường thế. Chờ đọc tiếp bài viết của Toro

    Trả lờiXóa
  7. Đã đưa đủ bài rồi các bác ạ. Mời cả nhà đọc tiếp phần còn lại...

    Trả lờiXóa
  8. Sau khi nhà nước phong bà Nguyễn Thị Suốt là anh hùng chống Mỹ thì người ta tạc tượng đá cho bà chứ sao. Tượng do nhà điêu khắc Nguyễn Đình Tiến tạc bằng gỗ chưng bày trong phòng, Nhỏ thì còn xem được, nhưng đến khi làm bằng đá thì sao nó cứng quèo như người vô hồn.
    Chuyện anh hùng đánh Mỹ nhiều chi tiết khôi hài lắm. Thời đó chú bu đã ra trường (ĐHGTVT) và đảm bảo giao thông trên nhiều tuyến lửa ở Quảng Bình. Tại vùng Roòn huyện Quảng Trạch, Mỹ thả bom bi QUẢ DỨA như vãi trấu. Loại bom này đã không nổ thì cầm nó liệng vào đá cũng không nổ. Chú và một ông bạn kỷ sư tên Tiến người Hà nội là chuyên gia tháo bom bi quả dứa lấy thuốc nổ. Dụng cụ tháo bom rất đơn giản, chỉ cần một sợi thép bằng que tăm, đẩy con ve ve chứa hạt nổ về một góc rồi chốt chặt lại, sau đó tháo nắp ra, có khi dùng búa tạ đập vào lưng quả bom cho vở ra mà lấy thuốc. Hồi ấy có một chiếc xe ca chở quan chức ngoài Hà Nội vào, khi đến bờ sông Roòn tài xế phát hiện đằng trước có một quả bom bi quả dứa màu vàng, Tất cả người trên xe nhảy ra nằm rạp xuống rãnh. Anh công nhân Võ Xuân Nở điềm nhiên cầm quả bom ném xuống sông như ném cụ đá. Các vị quan chức lóp ngóp bò dậy bắt tay Nở và khen chú mày quá anh hùng. Từ đó người ta bồi dưỡng thêm cho Nỡ nào tình yêu giai cấp, nào căm thù giặc Mỹ, nào vì miền Nam ruột thịt ...Cuối cùng Võ Xuân Nỡ được nhà nước phong anh hùng chống Mỹ. Bà suốt nói ra thì dài, song đại khái cũng như vậy.

    Trả lờiXóa
  9. Đây là mộ những nghĩa sĩ chống Pháp, mà sao nghe Toro tả thì hậu thế muốn thắp một nén hương cho các cụ cũng khó khăn thế? Có gì bí mật và không phải trong việc làm này không? Chưa nói đến chuyện nếu không tập trung được mộ của các vị ấy vào một nơi tốt hơn, thì nhà chức trách cũng nên tạo điều kiện cho phần mộ hiện tại được tươm tất, việc này chắc không quá khó. Sao thế Toro?

    Trả lờiXóa
  10. Đọc bài của anh chợt nhớ cuốn sách Chuyện một người lính khố đỏ. Trong truyện cụ tác giả Phạm Khải Tri là nhân vật chính, cụ vẫn còn sống gần nơi em ở. Nếu anh chưa đọc thì em tìm cụ mua một cuốn, anh cho em xin cái địa em gửi biếu nhé !

    Trả lờiXóa
  11. Có cần cả một "Hội thảo khoa học" trong việc tôn tạo mộ không? Trong khi cái trước mắt chỉ cần mộ phần được tươm tất, 3 voi chẳng được bát nước sáo...

    Trả lờiXóa
  12. Ngôi mộ ở góc vườn nhà dân, họ trồng cây cảnh, nên nếu ra vào tự do thì hỏng hết cây cảnh và phiền phức cho gia đình. Lý do đơn giản vậy thôi các bác ạ, chả có gì bí mật cả. Tuy nhiên việc tìm ra những ngôi mộ này thì lại ly kỳ, tôi sẽ kể tiếp sau.
    Việc này lỗi tại UBND tp Hà Nội, đã không quan tâm đúng mức, mặc dù nhiều nhà khoa học như Dương Trung Quốc, Nguyễn Hải Kế, Nguyễn Vinh Phúc đã có ý kiến... Nếu dịp 1000 năm Thàng Long, HN bỏ ra vài tỷ thì tuyệt đẹp... Thật tiếc!
    Tôi nghĩ, có thể đưa các cụ về Công viên Hòa Bình, rộng thênh thang cách đó vài cây số, làm một khu tưởng niệm. Vì sao họ không làm là điều khó hiểu nhất.
    Cám ơn bạn Tuyetjtinhcocchu, mình sẽ nhắn địa chỉ ngay.

    Trả lờiXóa
  13. Đúng là một đất nước ra ngõ gặp anh hùng ...nằm dưới cỏ hoang

    Trả lờiXóa
  14. Bác Bu nói mâu thuẫn quá đấy, dưới thì bác bẩu: "Mụ nớ mần chi mà anh hùng hè", không những có bảng anh hùng treo trong nhà, hưởng chế dộ ưu đãi, lại được tạc tượng sừng sững, thơ vào sách giáo khoa trẻ con đọc ra rả...
    Nhưng dù sao chiến tranh ác liệt, thêm một anh hùng cũng không sao, chỉ có điều bây giờ thời bình rồi nên quan tâm đến tiền nhân hơn chút thôi bác ạ..

    Trả lờiXóa
  15. Số anh hùng nằm ngoài ngõ dưới cỏ hoang nhiều hơn anh hùng được tạc tượng, chưa nói người đó có xứng đáng được tạc tượng hay không ?

    Trả lờiXóa

Flags

Flag Counter