Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

Kỵ húy - kiêng tên

Bác PNH bàn về việc đặt tên, bác Bulukhin bàn về chữ Phong Nha, em té nước theo mưa, nói về việc kỵ húy cho vui.

Kỵ húy nghĩa là kiêng, tránh dùng một số từ nào đó, điều này thời nào cũng có, nhưng đặc biệt là trong thời phong kiến và dân gian rất được coi trọng. Ai dùng vào những chữ đã quy định phải tránh thì gọi là phạm húy.

Trước hết là kỵ húy triều đình, các triều đại đều ban hành những chữ phải kiêng tránh, để quan lại, dân chúng khi soạn thảo văn bản, tấu sớ, thi cử, làm văn chương dùng chữ khác thay thế, hoặc viết thêm nét vào chữ đó, nếu không thay thế được. Do đó, cụ Hoàng Xuân Hãn, cụ Nguyễn Tài Cẩn mới căn cứ vào những chữ kỵ húy đó để suy ra thời điểm xuất xứ của văn bản.

Ví dụ Lan là tên mẹ vua Gia Long, nên chữ Lan trong một số bản Kiều đổi thành Hương

Nhà hương thanh vắng một mình ( câu 375)

hay So vào với thiếp hương đình nào thua ( câu 1988)

Cũng vì kỵ húy nên miền Trung trở vào kiêng chữ Hoa, gọi là Bông; Cảnh thành Kiểng...

Bịt mắt bắt dê ở Hội làng...

Bên cạnh những chữ húy chung cho cả nước thì mỗi vùng miền, mỗi làng xã lại có thêm những chữ kỵ húy riêng, đó thường là tên thần thánh, danh nhân. Ví dụ, ở quê tôi thờ Thành hoàng là Nam Hải đại vương thì cả làng kiêng hai chữ Nam Hải, không ai đặt tên con trùng hai chữ này và khi phát âm thì chệch đi là Nơm Hởi. Chỉ từ 1954 trở về đây thói quen này mới giảm dần và đến nay chưa mất hẳn.

Thụy khí tường quang

Cuối cùng là kỵ húy trong gia tộc, gia đình. Những chữ phải kiêng kỵ là tên ông bà, tổ tiên. Không chỉ con cháu kiêng mà những người hàng xóm, thông gia... cũng kiêng theo. Vì cái sự kiêng thái quá này mà có lắm chuyện buồn cười.

Một ông cán bộ HTX nông nghiệp họp toàn thể xã viên lại nói oang oang: "Tôi xin đọc Phang án để xin ý kiến bà con xã viên"... Ông này kiêng chữ Phương, khiến cử tọa cười ồ...

Bà mẹ tôi thì kể, một hôm chơi nhà bà hàng xóm, có mấy người cùng uống nước.Mẹ tôi hỏi, nhà bác có cây gì ngoài kia mà trông xanh tốt nhỉ? Bà chủ nhà bảo: Cây cơm đấy mợ.

-Cây gì bác?

-Cây cơm.

-Cây cơm là cây gì nhỉ, em chưa nghe tên bao giờ - bà mẹ tôi thắc mắc.

Bấy giờ bà ngồi bên cạnh mới lên tiếng: Cây cam đấy bác ạ, bà đây kiêng tên cụ nhà tôi.

Kiêng tên người chết đã đành, kiêng cả tên người sống nữa. Có khi dân làng, họ hàng đặt chữ tránh cho ai đó, lâu dần thành tên như thật, ví dụ cụ lang Giai ( Giai là đẹp- giai phẩm, giai nhân) được gọi chệch đi là cụ lang Bở; cụ Chánh Bang, gọi là cụ Chánh Bống, Bống lại thành tên nên chệch tiếp sang cụ Chánh Ấm... Những chuyện kỳ khôi như thế thì bây giờ không còn.

Nhưng bà bác tôi tên là Phan Thị Dung, lấy chồng trên phố huyện, vậy mà thư trong Nam gửi ra rồi bị trả lại vì không có bà PTD ở địa chỉ đó. Té ra là khi mới về nhà chồng thì gọi theo tên chồng, có con thì gọi theo tên con, có cháu gọi theo tên cháu nên không mấy khi nhắc đến tên thật của người đàn bà... Do đó bưu tá hỏi hoài ai cũng lắc đầu.

Ở nông thôn kiêng tên rất kỹ, nói đến tên cha ông nhà người ta mà không cẩn thận là gây xích mích. Bây giờ đỡ hơn nhưng vẫn rõ nét, tùy vùng miền...

Do đó, khi làm hoành phi, câu đối người ta phải hỏi rất kỹ chủ nhà những chữ này gia đình có trùng tên húy không. Ví du, mừng bác Nguyễn Quốc Toàn 70 tuổi mà anh em làm bức trướng " Phúc Lộc Thọ toàn"  là không được rồi.

Hà đức như sơn

Hơn nữa, câu đối thờ tổ tiên mà đọc lên thấy tên các cụ bị réo thì hỏng quá. Do đó, khi được bạn bè anh em nhờ tham mưu làm hoành phi, câu đối, bao giờ tôi cũng bảo họ về hỏi kỹ những chữ này, nếu sơ ý cứ làm xong, mang về treo mới có người nhắc thì nguy. Đó là một thứ văn hóa truyền thống không thể không biết.



29 nhận xét:

  1. Hồi xưa trẻ con giận dỗi, ghét nhau toàn mang tên ông bà, bố mẹ của đối phương ra để réo hoặc chửi.
    Phổ biến nhất là con cháu không được đặt trùng tên cụ, kỵ, ông bà hoặc những người thân trong họ tộc và gọi tên con cả, cháu đích tôn thay tên "cúng cơm" của ông bà, bố mẹ nữa.
    Thời nay tân tiến hơn nhiều rồi. Ví dụ cháu của MTV toàn gọi MTV bằng tên đầy đủ. Trong gia đình cũng có cháu được đặt tên trùng với tên người lớn tuổi hơn...mà chả ai có ý kiến hoặc thắc mắc gì cả:-)))

    Trả lờiXóa
  2. Em đi trà đá vỉa hè rồi em đọc kĩ hơn và trình bày với anh mấy câu nhé!

    Trả lờiXóa
  3. Em gái Kichbu lúc nhỏ gọi là Bé. Một bà cô tên là Bé hỏi mẹ Kichbu cháu tên gì. Bà nói luôn: "Phé". Thé là cái Phé cứ theo em gái Kichbu suốt một thời gian dài. Nghĩ, kiêng kị cũng làm tiếng Việt thêm phần phong phú đấy chứ..:)

    Trả lờiXóa
  4. Mưa to quá em lại nhẩn nha đọc kị húy tên của anh.
    Em thấy văn hóa này của VN rất hay, tuy nhiên là có gọi chệch mãi đi thì có khi chả nhớ cái tên ban đầu mất.

    Trả lờiXóa
  5. Tudinhuong, Muathuvang, Kichbu: Kỵ húy là văn hóa Việt, cũng có cái hay, trừ những cái quá mức. Ví dụ, đứa bạn thân mình lấy tên mình đặt cho con nó thì mình không khoái rồi, nó phải kỵ húy mình mới đúng chứ... Hii
    Tập tục này trái ngược với Tây, càng quý thì càng nhắc đến nhiều... Cháu đặt theo tên bà, tên ông. Do đó, bây giờ ở ta cũng có nhà như Tây, lấy tên người trên đặt cho người dưới. Bà chị vợ tôi tên Lưu Ph, đặt tên con gái là Hồng Ph... Tuy vậy, Tây đến đâu thì ta cũng không dám đặt tên ông bà hay các cụ cao hơn cho con cháu...

    Trả lờiXóa
  6. Có khi Toro nên nói rõ nguồn gốc phát xuất cái luật lệ kỵ húy này luôn một thể đi Toro ạ!

    Trả lờiXóa
  7. Nếu thời đại này mà còn kiêng kỵ cái húy của triều đình như xưa nữa thì, các nhà làm hộ tịch tư pháp ngày nay chắc làm việc mệt nghỉ nhỉ? vì khi bầu cử xong trong dân gian ai mà dính tới tên của lãnh đạo cao cấp nhà nước ta phải đổi hàng loạt ngay lập tức ấy chứ nhỉ?

    Trả lờiXóa
  8. Bây giờ người họ Hồ chưa thấy ai đặt tên con là Minh và chữ lót là Chí
    Cũng là còn húy kị vậy

    Trả lờiXóa
  9. Em thì luôn nghĩ tới những cái tên đẹp khác mà chả bao giờ nghĩ đến những cái tên của ông bà, bố mẹ (nghĩ trước cho con).

    Trả lờiXóa
  10. Tôi đặt tên con "kỵ húy" rất rộng, trước hết tránh tên các vị bề trên, nhưng vì mình không muốn con mình mang cái tên đã quen tai nên con cái anh em bạn bè gần đã đặt chữ đó rồi thì mình cũng không muốn trùng. Nhiều gia đình con nhà anh và con nhà em cùng tên, tôi thấy không thích. Như vậy là khi đặt tên con mình không nhớ đến con nhà anh, và anh em như thế khác gì người ngoài. Hơn nữa, thiếu gì tên mà phải chọn loanh quanh mấy chữ gia đình đã sử dụng...
    Ý bác Bu hay, giả sử có ai đặt tên các vị lãnh tụ, dù không có quy định cấm như thời phong kiến, nhưng ông xã phường sẽ lắc đầu. Ta hay thế, không cần văn bản vẫn hiểu và buộc phải hiểu...

    Trả lờiXóa
  11. Kỵ húy, thấy cũng có một vài nơi chép là "Tỵ húy", chưa rõ nghĩa chữ "Tỵ" này. Kỵ húy, nôm na là kiêng tên ở nước ta có từ lâu đời, hình như ở miền Nam còn phổ biến hơn miền Bắc, chẳng hạn những từ như "Cảnh" (hoàng tử Cảnh) thành "Kiểng", "Hoa" thành "Bông", cho nên "Hoa Cảnh" gọi theo miền Bắc thành ra "Bông Kiểng" ở miền Nam, người miền Nam kiêng không gọi con trưởng là "Cả" như miền Bắc, đọc trong sách thấy nói do kiêng luôn cả chữ Cả trong Ông hoàng Cả (chỉ hoàng tử Cảnh), nên chỉ gọi con trưởng là "Hai"... Không những chỉ kỵ húy trên văn tự , miền Nam còn kỵ cả trong ngôn từ thường nhật, đủ biết họ coi trọng triều Nguyễn.
    Đọc trong sách thấy nói ở Hà Nội có địa danh tên Quảng Bá (thuộc phường Quảng An quận Tây Hồ), trong khi tên xưa viết bằng chữ Hán là Quảng Bố, cũng là kỵ húy, vì xưa là làng thờ Đức Phùng Hưng Bố Cái Đại Vương. Sách cũng có chép người Nhật Tân (xưa là Nhật Chiêu) gọi khoai lang là khoai dây, vì con thứ bảy của vua Trần Thánh Tông và Hoàng hậu Minh Đức là Uy Lang sinh ở cung Sùng Đức phường Nhật Chiêu... nên kỵ húy chữ "lang"...
    Xưa là như thế, bây giờ chắc đã bỏ tục này, hay đã nhẹ bớt, nhưng như bác Bu đã viết bên trên, ai họ Hồ, họ Nguyễn mà sinh con đặt Hồ Chí Minh, Nguyễn Ái Quốc... chắc đi làm hộ tịch cũng không thông...

    Trả lờiXóa
  12. Chữ Tỵ nghĩa là tránh thôi bác H. Tránh những chữ húy, tương tự kỵ húy.
    Bây giờ ta không có quy định những chữ húy nhưng có khái niệm rất rộng là "nhạy cảm"... Ngoài tên lãnh tụ, đặt những chữ như Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu... cũng chưa chắc đã thông.

    Theo chỉ đạo của chị M, em tìm hiểu thấy, cái này bắt nguồn tất nhiên từ bên Tàu. Việt Nam có lịch sử một ngàn năm đô hộ của Trung Quốc nên chịu ảnh hưởng nền văn hóa Tàu, trong đó có văn hóa "húy kỵ". Lệnh kiêng húy đầu tiên trong lịch sử Việt Nam được ban hành tháng sáu năm Kiến Trung thứ tám (1232) dưới thời Trần Thái Tông. Lệnh vua đã ban thì thần dân phải thi hành; và đương nhiên con cháu nhà Lý phải từ bỏ gốc gác họ hàng của mình để được tồn tại. Lệnh kiêng húy do vua ban ra để giữ vẻ uy nghi của ngai vàng, kẻ nào phạm húy sẽ bị tru di tam tộc.
    Sang triều Hậu Lê, ngày 20 tháng 4 âm lịch năm 1428, sau khi lên ngôi được 5 ngày Lê Thái Tổ đã ban bố ngay lệnh kiêng húy rộng rãi nhất lịch sử: Kiêng đến nhiều loại húy: quốc húy (gồm chính húy và thường húy), tên húy, gia tộc kính húy và dân gian húy..
    Và từ đó đến mãi thời nhà Nguyễn, lệnh kiêng huý tiếp tục duy trì, nhiều thời được áp dụng một cách khắt khe. Do kiêng huý mà những danh nhân đất Việt đã một thời biến thành tên khác như Ngô Thì Nhậm (Ngô Thời Nhiệm), Phan Châu Trinh (Phan Chu Trinh)…
    Húy kỵ dưới triều đại phong kiến Việt Nam, đặc biệt Quốc húy dưới thời các vua Nguyễn, khá phức tạp. Húy kỵ đã được nâng lên thành Quốc luật, làm thay đổi một phần ngôn ngữ. Có nhiều chữ Nho do viết theo lối húy kỵ (thêm bộ chữ hoặc thêm bớt nét) mà biến thành dạng chữ khác ở cả cách đọc và cách viết.

    Trả lờiXóa
  13. Ừ nhỉ, Tỵ là tránh (trong chữ tỵ nạn thường gặp), hihi, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ... chắc cũng khó đặt...

    Trả lờiXóa
  14. Nhà Trần lấy lý do kiêng chữ "Lý" trong tên của Trần Lý, ông nội Thái Tông nên bắt tất cả họ Lý đổi sang họ khác, chủ yếu là họ Nguyễn. Hình như vì thế mà họ Nguyễn ở ta đông và họ Lý chỉ còn ở vùng dân tộc.

    Trả lờiXóa
  15. Vậy mà cứ tưởng họ Nguyễn "sản xuất" giỏi hơn các họ khác, hì hì!

    Trả lờiXóa
  16. Bác H: Ở làng Đình Bảng, quê Lý Bát đế mà không có họ Lý mới khổ chứ... Thời ta thì ngược lại, cho tất cả bà con Pako, Vân Kiều mang họ Bác Hồ nên họ Hồ đông lắm. Hii...

    Trả lờiXóa
  17. Vậy cũng còn đỡ, xưa ở ta Nguyễn Thuyên còn được "đặc cách" đổi thành Hàn Thuyên, là ông tuốt mãi bên Tàu.

    Trả lờiXóa
  18. Bác H: Những vụ đặc cách đó là hình thức khen thưởng, ban khen to nhất là ban Quốc tính, đổi sang họ Vua, như vậy là thuộc Hoàng tộc với vô số đặc quyền đặc lợi của nhà cầm quyền như Nguyễn Trãi được đổi thành Lê Trãi...

    Trả lờiXóa
  19. 1- 忌 (Kỵ) Ghét, ghen ghét, kiêng ky, khác, không ưa, không hợp, cấm, sợ,ngày giỗ, họ
    避 (Tỵ) Trốn tránh, lánh đi, kiêng
    (Ghi theo từ điển Hán Việt của TRần thị Thanh Liêm xb 2007)
    2- Sách “Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn” ở trang 71 (sách dày 636 trang) có mục: “KHIẾM TỊ (Lỗi không biết tránh chữ húy)” cũng sách này giải thích “Húy có nghĩa tránh, giấu. Những chữ húy là những chữ cần tránh đi không được dùng”
    3- Như vậy chữ TỊ được dành ra một mục hẳn hoi, trong khi đó chữ KỴ chỉ được dùng để dẫn giải ví dụ “Lệ kỵ húy phát xuất từ thời Xuân Thu ở Trung quốc…”
    4- Húy tự trong thi cử nhà Nguyễn được chia thành 2 loại
    - Trọng húy: Gồm tên các vua và hậu. Mỗi vị vua có 5 tên: Niên hiệu, Ngự danh, Danh tự, Miếu hiệu, Tôn thụy…(vắn tắt)
    - Khinh húy: Gồm tên các lăng miếu, cung điện…
    Mỗi triều có quy định Trọng húy và Khinh húy khác nhau. Trong mỗi khoa thi các chữ húy được ghi lên bảng cho thí sinh biết. Nhưng khốn nỗi người ghi lại phạm húy cho nên phải mô tả cái chữ ấy theo kiểu tả tòng…hữu tòng… (bên trái là… bên phải là). Thượng tòng… hạ tòng…(trên là…dưới là…) hoặc ngoại tòng…bao…(ngoài là …bọc phần trong là…) (vắn tắt)
    Ví dụ: chữ CHỦNG 種 Danh tự của vua g Gia Long, được ghi tả tòng 禾 (hòa) hữu tòng 重 (trọng)
    5- Trang 74 Sách “Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn” có viết “ Đặng huy Trứ đi thi đình phạm húy khi viết “Hữu hại gia miêu” (nguyên nghĩa là “Cỏ năn làm hại giống lúa tốt”) mà Gia Miêu là quê quán của dòng tộc nhà vua, câu trên có thể hiểu là hại làng Gia Miêu, vì chứ Hán không có viết hoa…Đặng Huy Trứ không những bị đánh rớt thi đình mà còn bị cách tuột luôn cả học vị cử nhân.
    6- Thấy TORO và PNH hăng hái tranh luận thì bu tui nói thêm vài dòng, chứ cái vụ húy kỵ thời xưa thì còn dài dài và nói cho hết phải cười ra nước mắt… huhuhu

    Trả lờiXóa
  20. Bác Bu bổ sung đầy đủ quá, cũng là kiến thức nên biết...

    Trả lờiXóa
  21. Cám ơn bác Bu đã viết rất đầy đủ, quả là những kiến thức phổ thông nên biết. Tôi thấy có sách chép là "Tỵ", cho nên tra từ điển Hán Việt Thiểu Chữu, Từ điển tiếng Việt, kể cả từ điển chữ Nôm mấy quyển có trong tay đều không có chữ Tỵ (y dài), tra qua "Tị" thì thấy có ghi, hihi!

    Trả lờiXóa
  22. Luật húy kị thời xưa quái đản nhất là trong thi cử.
    Thí sinh bị đánh hỏng do sai nội dung thì còn có lý, đằng này các cụ hỏng thi vì ba chuyện đâu đâu. Về hình thức các cụ có thể mắc các tội như:
    1- Khiếm tị (như đã nói)
    2- Khiếm trang là câu văn không trang nhã
    3- Khiếm đài là không đài (đẩy) chữ lên đúng quy định
    * Khiếm trang: Chẳng hạn câu “Định sơn hà nhất đái, an thiên hạ chi cục” (Định một dãi non nước, yên thế cục thiên hạ). Những từ “đái”, “cục” nghe không tao nhã, phạm tội Khiếm trang!!!
    * Khiếm đài: Chữ Hán viết hàng dọc từ phải sang trái, phía trên trang giấy có một khoảng trống gọi là “du cách”. Một câu văn mà có những chữ quan trọng thì phải “đài” (đẩy lên) du cách, chẳng hạn câu: “Bản niên nhị nguyệt hạ đinh nhật thượng thân thích điện ư văn miếu, lễ thành mệnh giả thị học, tuyên sắc khuyến lệ đa sĩ” (Ngày đinh hạ tuần tháng hai năm nà, vua tự thân làm lễ điện tại Văn Miếu, lễ xong khiến đến xem việc học ban sắc để khuyến khích các sĩ tử)
    Các chữ “Thượng” chỉ vua, “Văn” trong văn miếu là tên miếu thờ đức thánh Khổng, “mệnh” là động từ chỉ hành động của vua, “sắc” là danh từ chỉ sắc chỉ của vua buộc phải viết vào “du cách” nếu sai là hỏng thi.
    4- Ngoài ra phải chú ý đến xưng hô. Với thi hương thì mệnh đề “Đối sĩ văn” (thưa tôi nghe…) chữ sĩ (tôi) phải viết nhỏ bằng nửa chữ thường và hơi lệch về bên phải. Lên thi hội thì cấm viết chữ sĩ mà phải viết chữ thần là bề tôi để tỏ lòng cung kính và khiêm tốn, nếu sai là trượt.
    5- Sai sót như nhau thì thì Hương tội 1 thi Hội tội 2, thi Đình tội 3.

    Trả lờiXóa
  23. Bác Bu: Có lẽ vì tuyển trạch quan lại tương lai nên triều đình quy định thật chặt chẽ, khuôn phép, để sau này những tân khoa nghiêm chỉnh trong thực thi công vụ.Người xưa không khuyến khích lắm sự sáng tạo mà đề cao tôn ty, khuôn phép...
    Thời phong kiến trì trệ kéo dài có lẽ cũng vì thế bác nhỉ?!

    Trả lờiXóa
  24. Quả xưa đề cao khuôn phép, sự vâng lời, không khuyến khích sáng tạo, ta còn thấy rõ nơi tục kỵ húy mà bác Bu đã cất công sư tầm rõ, dĩ nhiên như Toro thấy nó kéo theo sự trì trệ, nhưng như chúng ta cũng nhìn thấy, Trung quốc, rồi Việt Nam vội phá bỏ những điều này mà không có cái thực sự giá trị khác thay thế, đất nước xem ra còn hỗn loạn hơn...

    Trả lờiXóa
  25. Anh H: Không có gì rõ bằng ở ta, nhất là miền Bắc, đã có thời kỳ dài, tất cả những gì thuộc về phong kiến, cả vật thể và phi vật thể đều bị phá sạch... nhưng cái mới thay thế, hay hơn, đẹp hơn thì không có nên hậu quả là mất gốc, mất chuẩn mực, mất bản sắc dân tộc. Trong mấy chục năm từ 54-86,chưa kể tiêu thổ kháng chiến trước đó, cơ bản ngoài Bắc đã phá hết đình chùa, miếu mạo... Bây giờ quay lại thì tốn tiền mà đâu có giá trị lich sử, văn hóa bao nhiêu.
    Trong khi đó, Nhật bản giữ những cái cũ của họ, những tinh hoa của quá khứ quá tuyệt anh H nhỉ.

    Trả lờiXóa
  26. Nhật họ đổi mới nhưng họ biết giữ lại cái tinh hoa, cái hay của lịch sử của họ, ở Nhật giới cầm quyền thời nào cũng có cái tâm, cái tầm... Người xưa nói Tu thân, tề gia, trị quốc, rồi mới bình thiên hạ được, muốn làm việc lớn thì phải hiểu rõ việc nhỏ, bây giờ lắm khi lớn nhỏ gì cũng không thông, mà cứ muốn trị quốc với bình thiên hạ, cho nên thành loạn...

    Trả lờiXóa
  27. Nho giáo dạy người ta phải biết tu thân cho tốt đã nên luôn tự mình "khắc kỷ phục lễ", "tich bất chính bất tọa"- chiếu không ngay ngắn không ngồi... Đấy cũng là những căn cốt làm nên nhân cách con người. Chỉ cần thay thông số cho phù hợp thời đại là OK.
    Bây giờ, bỏ cái đó, quên cái gốc thì đương nhiên là loạn bác H nhỉ...

    Trả lờiXóa
  28. Toro ơi! Em qua trang của chị xem nhé, ở đó có địa chỉ của cả nhà Multiply nhà mình nữa.

    Trả lờiXóa

Flags

Flag Counter