Hai anh em đi miền Trung có một tuần mà tôi thấy có ba đám gọi điện mời ăn giỗ. Có đám anh bạn giải thích, người gọi điện mời là con gái ông cậu, sắp tới là giỗ bố chồng chị ấy. Hai nhà cách nhau 5 cây số. Nghe thế thì đủ biết đám giỗ mời rộng tới đâu.
Giỗ còn mời cả cán bộ thôn ấp, xã phường, nên mấy ông này bận rộn ăn giỗ quanh năm...
Mấy năm trước, một ông quan tỉnh hồi hưu ở Cà Mau kể với tôi là giỗ ông già ổng thì từ hôm trước bà con ở quê đã ra, mang theo tôm cá, gà vịt... Và để cho vui thì phải mời đờn ca tài tử. Hôm sau cánh trẻ ở quê mới ra, bà con anh em mới tới. Một số người ở lại hôm sau nữa, vậy là đám giỗ kéo dài ba ngày. Điều đặc biệt hơn là ổng không có mời, anh em con cháu nhớ ngày mà tới thôi.
Nói về vụ này, anh bạn tôi ở Vĩnh Long kể, vì nhà ảnh là cháu trưởng, giữ hương hỏa nên đôi khi vào ngày giỗ các cụ, bất chợt có gia đình họ hàng đi cả nhà dăm sáu người tới thắp nhang và đương nhiên là ăn giỗ, khiến chủ nhà vắt chân lên cổ chuẩn bị cỗ bàn. Lý do họ đến bất chợt có thể vì mới đi xem bói đâu đó, thầy nói gia đình bỏ bê tổ tiên, vậy là họ tới thôi, còn những năm trước họ không tới.
Chuyện này khác ngoài Bắc lắm, ngoài Bắc nếu gia chủ không mời thì kể cả con gái cũng không đến. Thông thường ngoài Bắc thì sắp đến ngày giỗ, con gái mang chút tiền, hay gà gạo... đến gửi người anh (em) trai trưởng. Nếu định làm cỗ thì người con trai cũng nói luôn là mời cả nhà chị (em) gái đến ăn giỗ. Có khi vì khó khăn, người con trai chỉ cúng "nhớ ngày", có khi nghèo quá thì chỉ có "bát cơm, quả trứng", nên không mời ai ăn cỗ cả, và họ cũng chỉ nhận một chút tiền tượng trưng.
Bây giờ không ai nghèo khó như vậy nữa, nhà ai giỗ cha mẹ cũng có cỗ, hẹp thì cũng đủ con cháu trong nhà, rộng hơn thì bà con hàng xóm, thông gia... nhưng nếp cũ vẫn còn, do đó nếu ông cậu không mời thì cháu ngoại cũng không đến dự đám giỗ ông ngoại mình.
Vì thế, phong tục do đời sống kinh tế mà ra, trong Nam dễ kiếm hơn nên chuyện ăn uống cũng thoải mái hơn, ngoài Bắc do nghèo khó nên cũng khác. "Tùy gia phong kiệm" là thế.
Lại nói về chuyện gửi (góp) giỗ. Ở ngoài Bắc, con gái, con trai thứ có nghĩa vụ gửi giỗ cha mẹ cho người con trai trưởng. Có thể nhà con thứ cũng cúng giỗ nhưng theo lệ cổ thì vẫn phải mang lễ (tiền) đến gửi con trai trưởng. Đối với bên ngoại, theo lệ cổ thì việc gửi giỗ ông bà ngoại thường được giao cho các cô con gái. Như vậy là cháu gái có nghĩa vụ hương khói ông bà ngoại, vì con trai lo trách nhiệm bên nội rồi.
Hiện nay những tập tục trên đây đã thay đổi, không nhất thiết phải giữ như vậy, ví dụ có thể em trai không câu nệ gửi anh trai chút tiền nhang khói nữa, hay anh em có thể cũng tụ họp ở nhà người em làm giỗ nhưng đại thể thì vẫn như vậy.
Bây giờ ngoài Bắc cũng có khi làm giỗ ăn hàng chục mâm nhưng nhìn chung thì "thua xa" Vĩnh Long...
Trong Nam giỗ bố mẹ,ông bà thì con cháu tự khắc phải nhớ mà đến nhà anh(em),chú(bác),cô(cậu,dì)mà thắp hương còn chuyện gửi lễ(tiền)thì tùy tâm chứ không phải"nghĩa vụ",con cháu người quá cố nếu gia cảnh khó khăn thì không cần đóng góp với người thờ cúng.Còn chuyện cỗ bàn thì tùy kinh tế mỗi nhà mà quy mô lớn nhỏ cũng khác nhau nhưng trong này có "lệ"nếu giỗ thì phải"quãi"đi ăn giỗ về còn được chủ nhà biếu khi thì đòn bánh tét,ít trái cây,bánh ngọt,lúc thì thịt kho tàu,canh khổ qua nhồi thịt,ít càri(cho vào túi nylon được chủ nhà cố tình chuẩn bị từ trước chứ không phải "đồ ế"thừa mứa) nên giỗ thường tốn kém,khoảng ít năm trở lại đây đám giỗ cũng nhận phong bao của khách đến dự nhằm lấy thu bù chi chia sẻ với chủ nhà.
Trả lờiXóaCỗ bàn hoành tráng quá
Trả lờiXóaNguoi song quan trong hon Nguoi Chet
Trả lờiXóaTai Sao ton tho ke chet
Người mình có quan niệm "Sống về mồ về mả chứ không ai sống về cả bát cơm" cho nên xưa nay chuyện giỗ kỵ vẫn tươm tất, nhất là với những người thờ ông bà, hay các đạo giáo liên quan đến thờ tổ tiên, Phật giáo... Bên người Thiên chúa giáo xưa ít chú trọng đến chuyện giỗ chạp bởi TCG nặng ảnh hưởng Tây phương nhưng thời gian gần đây cũng đã chú ý đến.
Trả lờiXóaCòn chuyện làm giỗ như thế nào, anh em bà con xử sự ra sao có thể tùy theo phong tục của từng miền, từng địa phương, và hoàn cảnh của mọi người... Không nhớ đến nguồn gốc thì tệ quá, nhưng cũng không nên làm rình rang mất thời giờ và tốn kém, nhất là có những đám lạm dụng chuyện giỗ chạp đình đám nhậu nhẹt bét nhè, rồi khích bác ẩu đả... Chỉ nên vừa đủ trang nghiêm để tưởng nhớ đến cha mẹ, tổ tiên...
Phong tục trong Nam như vậy là "hậu" hơn ngoài Bắc. Ngoài Bắc do khó khăn quá nên buộc phải quy định thành nghĩa vụ, trách nhiệm. Trong Nam dễ sống hơn nên cũng thoáng hơn. Sau 1975 vào Saigon, ngày giỗ anh em, họ hàng đến thắp hương, thấy lạ và ấm áp quá. Ngoài Bắc, giỗ ông bà ngoại đại đa số các cháu không đến thắp nén hương, vì việc đó thường có bà mẹ, ông bố đi thôi. Cũng là cái khó bó cái khôn, lâu thành nếp...
Trả lờiXóaBây giờ "cúng quẩy" từ Nam Bộ- giỗ chạp - từ Bắc Kỳ, quá rềnh rang cũng lãng phí, gây phiền phức.
Riêng Như thị thì quan niệm "Sống thì cho ăn", không đợi chết rồi "làm dzăn tế ruồi!"
Trả lờiXóaMà nghĩ cho cùng đám, giỗ là cho người còn sống thôi!
Người chết đã hòa tan vào vũ trụ rồi, nặng nề quá về nghi lễ không khéo khiến cho người sống chết mau theo người đã chết!
Hihi...