Bài Văn tế Thập loại chúng sinh không phải là bài văn tế cô hồn nổi tiếng duy nhất. Vua Lê Thánh Tông (1442- 1497) cũng đã viết Thập giới cô hồn bằng chữ Nôm trước đó hơn ba trăm năm. Trong nhà chùa cũng đã có nhiều bài văn tế trong Khóa Mông Sơn Thí Thực dùng trong các cuộc trai đàn chẩn tế. Nhưng bài Văn tế này vẫn nổi tiếng hơn cả và là một tác phẩm duy nhất được coi là một thành tựu lớn của văn chương Việt Nam...
Tác giả Văn Tế Thập loại chúng sinh là Nguyễn Du (1765- 1820), nhà thơ lỗi lạc của Việt Nam. Ông sinh ra và trưởng thành ở đế đô Thăng Long và là một cậu ấm trong một gia đình danh giá nhất thời đó. Ðó là gia tộc họ Nguyễn ở Tiên Ðiền, Hà Tĩnh với cha ông là Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm, vị quan đứng đầu các hàng quan ở triều đình nhà Lê ở Thăng Long. Mẹ ông là bà Trần Thị Tần cũng là người Kinh Bắc, vùng đất nổi tiếng về văn học lẫn dân ca và có nhiều người đẹp của đất bắc. Khi cha mất và sau đó mẹ cũng mất lúc Nguyễn Du mới có 13 tuổi, ông về sống với anh người anh cả cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản cũng là người quyền thế bậc nhất ở Thăng Long và đang được chúa Trịnh sủng ái.
Sau khi nhà Lê sụp đổ, Nguyễn Du không làm việc với Tây Sơn nhưng cũng không chống đối như phần đông các cựu thần nhà Lê có lẽ một phần cũng ảnh hưởng của tinh thần bất nhị của Phật giáo. Ông rút về tá túc mười năm dài nơi quê vợ ở Quỳnh Côi, Thái Bình. Ðây chính là thời gian mà thi tài ông chín mùi qua kinh nghiệm của một thân phận lưu lạc, là chứng nhân và cũng là nạn nhân của một thời đại bi thảm và đau khổ nhất của người dân Việt trong gần ba thế kỷ chiến tranh và tao loạn. Có lẽ trong thời gian này ông đã hoàn thành bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh với máu lệ và nước mắt của lòng từ bi Phật giáo qua các cảnh thương tâm trước mắt. Nguyễn Du để lại nhiều tác phẩm, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Truyện Kiều và bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh này.
Nguyễn Du nổi bật so với nhiều thi sĩ khác bởi vì người ta cảm thấy ông không chỉ là một nhà thơ mà còn là một thiền sư. Là thiền sư vì cuộc sống của ông vươn cao hơn những yêu ghét hận thù tầm thường của cuộc đời (Trăm năm trong cõi người ta!). Trong văn chương, ông luôn luôn tỏ ra mối thâm cảm với những người cùng khổ nạn nhân của xã hội bất công và nghiệt ngã. Tất cả tác phẩm của ông đều phản ảnh lòng từ ái trắc ẩn với những khổ đau và khó khăn của kiếp người.
Trong Truyện Kiều, dùng ngòi bút làm võ khí, ông đã lên tiếng chống lại một xã hội bất lương. Từng là công tử con của một đại gia tộc, ông biết rõ hơn ai hết mặt trái của xã hội phong kiến ấy. Ông lột mặt tất cả, từ bậc đại thần đường đường quyền cao chức trọng đến những quân tri thức trở thành quân ma cô “Có ba trăm lạng việc này mới xuôi … Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan.” Nhưng trong đến Văn Tế, ông xem tất cả chỉ là nạn nhân của một kiếp người mà theo tinh thần Phật Giáo nhìn bản chất cuộc đời là khổ.
Trong bài Văn Tế, tác giả đã bày tỏ tinh thần từ bi đến tuyệt cùng. Tác giả trải lòng từ ái với tất cả thập loại chúng sinh dù nhiều kẻ lúc còn sống đã làm nhiều điều tàn ác. Ở đây tác giả đã hoàn toàn giải thích theo quan điểm Phật học, cho thấy tất cả sự kiện vật chất hay tâm thức, thành bại sang hèn được thua, đều là nạn nhân của thay đổi và biến hoại. Tất cả đều là khổ như chân lý thứ nhất của Tứ Diệu Ðế mà Phật đã giải thích. Nhưng bài Văn Tế không chỉ nói lên triết lý và lòng từ ái mà còn là một tác phẩm văn chương. Giá trị văn chương của bài Văn Tế không thua sút Truyện Kiều mà còn có phần sâu sắc hơn, dù chỉ gồm 184 câu thơ. Tác giả đã dùng chung một bút pháp trong hai tác phẩm. Tất cả lòng trân thành, quan ngại và tính sáng tạo trong Truyện Kiều ta đều thấy rõ trong Văn Tế.
*
Trong Truyện Kiều, hình ảnh mở đầu của thi phẩm trường thiên này là một buổi sáng sáng mùa xuân. Tác giả đã dùng bút pháp thủy mặc vẽ nên một bức tranh với mầu sắc ấm áp tươi trẻ:
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Trong khi đó hình cảnh trong Văn Tế là một buổi chiếu thu. Tác giả đã dùng chung thủ pháp, nhưng lần này là với gam mầu tối lạnh gợi cảm sợ hãi:
Não người thay bấy chiều thu,
Ngàn lau khảm bạc giếng ngô rụng vàng,
Ðường bạch dương bóng chiều man mát
Ngọn đường lê lác đác mưa sa.
Trong mỗi tác phẩm, tác giả trình bày các chủ đề khác nhau. Trong Truyện Kiều, qua chuyện một thiếu nữ tài sắc bị cuộc đời đưa dẫn thành một kỹ nữ, chúng ta thấy toàn cảnh là cả một xã hội phong kiến nhưng cũng đã có chủng tử từ trong tâm của chính nàng. Ðó là một thế giới thực nên các nhân vật trong truyện đều rất quen thuộc với chúng ta. Từ một đại quan nho gia đến một anh nhà buôn gian sảo, từ một chàng thổ phỉ anh hùng đến một gã ma cô đẹp trai, tất cả đều phản ảnh hình ảnh thực của một xã hội thối nát và bất công. Ở đó, tác giả đã lột mặt thật tất cả, phê phán tất cả và cho thấy rõ căn nguyên của nó trong một xã hội nho giáo phong kiến băng hoại:
Oan này còn một kêu trời nhưng xa.
Một ngày lạ thói sai nha,
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.
Và tất cả những các nhân vật đó đều trở lại trong Văn Tế. Những nhân vật đó trở lại trong giờ phút hiện diện của sự thật. Trở lại không son phấn hư ngụy giả trá. Nhưng lần này ta không còn thấy tác giả than trách hay phê phán. Ta chỉ thấy tràn ngập tình cảm tiếc thương phản ảnh lòng trắc ẩn tha thứ của tác giả:
Phách đơn hồn chiếc lênh đênh quê người …
Phận bồ côi lần lữa đêm đen.
Còn chi ai khá ai hèn.
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu…
Trong nhiều loại người tác giả đã miêu tả trong Kiều, ở đây chúng ta chỉ tạm so sánh bốn nhân vật chính: Thúy Kiều, cô gái điếm nhưng thừa tài sắc: Kim Trọng, anh thư sinh ngớ ngẩn nhưng giỏi tài tán tỉnh; Từ Hải, người anh hùng áo vải nhưng si tình và Hồ Tôn Hiến một đại thần mà tài trí cũng là tài xảo trá với hậu thân của họ trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh.
Trước hết là Thúy kiều. Trong tất cả tác phẩm, tác giả đều tỏ lòng thương cảm với những người nghèo đói bất hạnh. Trong bọn người này tác giả thường nhắc dến thân phận người phụ nữ trong xã hội Nho giáo phong kiến, đặc biệt hơn nữa lại là giai cấp các nàng Kiều buôn hương bán phấn vẫn thường bị người đời phỉ nhổ. Trong Tuyện Kiều tác giả viết:
Ðau đớn thay phận đàn bà,
Lời là bạc mệnh cũng là lời chung.
Phũ phàng chi mấy hóa công,
Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha.
Sống làm vợ khắp người ta,
Khéo thay thác xuống làm ma không chồng.
Trong Văn Tế, tác giả lập lại “Ðau đớn thay phận đàn bà” của một đời phiền não:
Lại có kẻ lỡ làng một tiết,
Liều tuổi xanh bán nguyệt buôn hoa.
Ngẩn ngơ khi trở về già,
Ai chồng con nấy, biết là cậy ai.
Sống đã chịu một đời phiền não,
Thác lại nhờ hớp cháo lá đa.
Ðau đớn thay phận đàn bà.
Ðây là những đại quan như Hồ Tôn Hiến và những bậc quyền cao chức trọng, cha mẹ của dân đen, “những người mũ cao áo rộng. Ngòi bút son thác sống ở tay” dù thực chất chỉ là bọn bất tài “Kinh luân chất một sải đầy” nay trở lại trong thân phận là một cô hồn thất thưởng dọc ngang:
Thịnh mãn lắm oán thù càng lắm,
Trăm loài ma xắm nắm chung quanh.
Ngàn vàng khôn chuộc được mình,
Lầu ca viện xướng tan tành còn đâu.
Kẻ thân thích vắng sau vắng trước.
Biết lấy ai bát nước nén hương
Cô hồn thất thưởng dọc ngang…
Ðây là đám Kim Trọng, Vương Quan… bọn thư sinh, bọn theo đuổi con đường văn chương chỉ biết tìm đường tiến cá nhân trong chữ nghĩa, lặn lội cầu thân nơi sứ lạ quê người:
Mấy thu lìa cửa lìa nhà
Văn Chương đã chắc đâu mà trí thân
Dọc hàng quán phải tuần mưa nắng
Vợ con nào nuôi nấng kiêng khem
Vội vàng liệng sấp chôn nghiêng.
Anh em: thiên hạ, láng giềng: người dưng.
Bóng tang tử xa chừng hương khúc,
Bãi sa ma kẻ dọc người ngang.
Cô hồn nhỡ gửi tha hương
Gió trăng heo hắt khói hương lạnh lùng.
Ngay cả người hùng Từ Hải, người đã được tác giả vẽ hào quang trong Truyện Kiều: “Ðường đường một đấng anh hào./ Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài…./ Thừa cơ trúc chẻ ngói tan. / Binh uy từ ấy sấm rang trong ngoài. / Triều đình riêng một góc trời. / Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà.” Nay trở về nheo nhóc than khóc trong mưa đêm:
Nào những kẻ tính đường kiểu hạnh
chí những lăm cướp gánh non sông
Nói chi đang thủa thi hùng
Tưởng khi thế khuất vận cùng mà đau.
Bỗng phút đâu tro bay ngói giở
Không bằng mình làm đứa thất phu
Cả giầu sang nặng oán thù
Máu tươi lai láng xương khô rã rời.
Ðoàn vô tự lạc loài nheo nhóc
Quỉ không đầu van khóc đêm mưa…
*
Tóm lại, Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh dù là một bài văn tế tràn ngập cảm tính tôn giáo nhưng vẫn là một tác phẩm văn chương lớn. Trong thế giới thẩm quang thị giác, tác giả vẽ ra được cả một dẫy hình tượng tưởng tưởng của thế giới âm hồn đen tối tràn ngập những cảm giác lạ lùng nhưng vẫn truyền cảm và sống thật với thế giới hiện thực sắc mầu. Trong tác phẩm, từng hàng từng lời, khi thôi thúc khi diễn tả, củng cố và hòa điệu trong thanh điệu thi ca tuyệt vời. Tài nghệ và tình cảm của Nguyễn Du một lần nữa đưa ông đến một thành tựu văn chương lớn. Ðọc Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh, người ta liên cảm ngay với các tác phẩm văn chương cùng loại. Ðó là Purgatory của Dante hay Hamlet của Shakespeare. Ðộc giả đã quen biết với Truyện Kiều sẽ vô cùng ngạc nhiên khi tìm thấy bên cạnh danh phẩm này vẫn còn một tác phẩm khác mà có lẽ hương sắc bất phàm của nó còn sâu sắc hơn. Một thi phẩm không chỉ quan tâm đến thế giới con người đang sống mà còn với thế giới bên kia, thế giới của thần linh ma quỉ, và cũng là thế giới của lòng từ ái.
Vũ Thế Ngọc
Xem tin nguồn: http://www.ttxva.org/ve-tac-pham-van-te-thap-loai-chung-sinh/#ixzz2572XR7Gz
Mạng phập phù, người đọc không vào được, nhưng cứ đưa lên cho Mul còn thoi thóp vậy...
Trả lờiXóaCòn em thì thấy dài quá chưa đọc được. Để thư thả đầu óc thì mới nhập tâm được ạ.
Trả lờiXóaEm đọc , thấy anh bình em nhớ thời SV làm bài về văn thơ cụ Nguyễn Du
Trả lờiXóaHôm nay Toro đưa bài lên sao thấy khó đọc, hơi nhức mắt :-))
Trả lờiXóaUhm, bài này bình hay thật!
Trả lờiXóa:-)
Tớ cứ nghĩ cô hồn là những linh hồn bạc phận,không may, vất vưởng không có ai hương khói... Đúng là các loại nhân vật trong truyện Kiều đều được tái hiện lại một cách tài tình qua những câu văn tế của Nguyễn Du nhưng tớ không hiểu : Ví như Hồ Tôn Hiến, Kim Trong, Vương Quan... họ đều có gia đình, con cháu đuề huề, được con cháu nhà họ thờ cúng tử tế thì làm sao mà bình luận được như thế trong bài bình của tác giả Vũ Thế Ngọc?
Trả lờiXóaChet huong duoc coc Kho gi?????
Trả lờiXóaVan chuong, '?????
Me tin, lac hau
Mạng nhà em cùi bắp quá, hic hic...vào Mul không được tốt .
Trả lờiXóaBài viết thật hay! Chỉ có điều mình thấy cái câu so sánh ở cuối bài gượng, sao lại có thể nói Văn tế thập loại chúng sinh sâu sắc hơn Truyện Kiều?
Trả lờiXóa