Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Bà Nội


Mới rồi ghi bổ sung gia phả, nghe lại nhiều chuyện về ông bà. Xin chép lại vài chuyện về bà tôi, đều là những chuyện 1954 trở về trước.

-Nhà có mấy khung cửi dệt, nên luôn có thợ đến dệt thuê. Một chị thợ dệt khéo tay lắm, nhưng hết tháng, trả công xong bà mới nói: Từ nay tôi không mướn chị nữa. Chị không thực thà, phiên chợ trước chị xé trộm vải, tôi nhìn thấy nhưng không muốn nói. Muốn có việc làm phải thực thà mới được…

Sau này người nhà biết chuyện tức lắm, nói sao bà không bắt tận tay lại để cho nó lấy trộm như thế. Bà bảo, mình bắt quả tang thì người ta xấu hổ, mà chả ai dám mướn nữa… Mình làm thế làm gì.

-Nhà có dăm mẫu ruộng, nhiều thóc nên người làm hàng xáo thường đến mua ( xưa gọi là đong thóc). Bao giờ bà tôi cũng mua bán dễ dãi. Khi giá gạo lên xuống, phiên chợ trước giá cao, phiên sau xuống thấp thì bà luôn bớt cho họ mấy giá cho ngang với phiên sau. Bà bảo: Họ lấy công làm lãi thôi, bớt cho họ có chút lãi.



-Hồi cải cách ruộng đất, người ta xúi một bà cô tôi, gọi ông tôi là chú đứng lên tố. Bà cô tôi năm nay 91 tuổi nói với Đội: Tôi chỉ nói với các anh thế này thôi, có hôm tôi đi ngang qua cổng nhà chú, bà thím tôi thấy gọi lại bảo, nhà vừa gặt xong ruộng đồng trên, chị vào nhà ăn vài bát cơm, nhà đang sắp ăn. Xong rồi lên gánh mấy gánh rạ về nhà mà đun… Chú thím tôi như thế thì các anh bảo tôi tố thế nào. Anh cán bộ Đội cũng phải cười mà nói : Chịu chị.

Hồi tôi còn nhỏ, nhớ mãi những đêm hè ngủ với bà, lúc đó chưa có điện, tay bà thì khẳng khiu mà bà quạt cho tôi xà xã cả đêm. Bà là người nhẫn nại vô cùng, không bao giờ kêu ca, phàn nàn, không bao giờ chê trách ai. Biết nhưng để trong lòng thôi. Bà tôi thường bảo: một sự nhịn là chín sự lành. Ngày xưa, có người đi lấy chồng, bà mẹ buộc cho con hòn sành vào dải yếm, các cháu có biết để làm gì không? Đấy là mẹ dặn con nên nhẫn nhịn đấy, nhẫn nhịn như hòn sành ấy, nói thật ít thôi mới êm ấm cửa nhà...

Con cháu ngày nay no ấm, cũng là nhờ phúc đức của tổ tiên ông bà. Ngày rằm tháng 7 ghi lại vài hàng để nhớ đến bà tôi.
--> Read more..

ÔNG NGOẠI TÔI

Ông ngoại tôi mất đã hơn 60 năm, nhưng với chúng tôi hình ảnh ông vẫn rất gần gũi vì nhà tôi hay kể chuyện xưa. Ảnh thờ ông tôi rất giống ảnh vua Hàm Nghi. Những câu chuyện về ông bà vẫn kể hàng ngày, nghe nhiều nên có cảm tưởng như mình cũng được tham dự vào đó.

Bác tôi hay kể, hồi 1945, trong làng có nhiều nhà đói. Nhà có giàn mướp ở cổng, nhưng quả vừa nhu nhú bằng chuôi dao đã bị cắt trộm. Tức lắm, nên lũ trẻ con vẫn để ý xem ai là thủ phạm. Một hôm, bác tôi chạy vào nói với ông:


Nhà thờ ông bà ngoại và tổ tiên


-Thầy ơi, hóa ra chú L lấy mướp nhà mình, con vừa trông thấy.
Ông tôi ra hiệu giữ kín và nói nhỏ: Vậy là chú đói, con đừng có nói với ai thế nữa. Nhớ chưa?! Chiều hôm đó, không biết có phải có lễ gì không mà ông tôi nấu xôi, thắp hương. Cúng xong, ông tôi cho mang sang biếu chú L nửa đĩa xôi và mấy quả chuối, nói rằng hôm nay nhà cháu giỗ cụ.

Sáng hôm sau, ông tôi khăn áo chỉnh tề rồi sang nhà chú L, rủ chú ra chùa. Ông tôi bảo: Ngoài chùa nấu cháo cho những người thiếu đói, anh em mình ra đó tham gia với dân làng cho vui. Chú L vui vẻ đi ngay. Đến chiều bác tôi hỏi sao thầy ra chùa ăn cháo. Ông bảo, nhà mình không đói nhưng nhiều người đói mà không dám ra , sợ xấu hổ. Mình cũng ra ăn bát cháo chung với mọi người thì người đói không thấy xấu hổ con à. Thầy muốn chú L hàng ngày ra ăn bát cháo cho đỡ đói lòng. Nghe đâu trong làng tôi hồi đó, các vị chức dịch cũng ra húp bát cháo cho chan hòa với bà con nghèo.



Hay một chuyện khác, hàng xóm có đám tang, không phải họ hàng nhưng có quan hệ gần gũi. Có điều hai họ có hiềm khích. Ông tôi sắm cái lễ viếng rất đàng hoàng, người ta viếng 10 quả cau, ông mua cả cành cau lớn. Bác tôi hỏi, sao lại như thế? Ông bảo: Nhà mình với nhà ông ấy không có chuyện gì nhưng nhà chú B ( em họ ông ) lại hiềm khích, mình đi viếng thật chu đáo cho cái tình nó ấm lại.





Ông tôi còn là người làm thơ Nôm rất hay nữa. Xin ví dụ bài “Vịnh Hang Thần”. Hồi đó hang Thần Quang trên núi Sài Sơn ( Quốc Oai, Sơn Tây) phát hiện thấy có rất nhiều xương người, sư trụ trì cho thu gom vào hai bể lớn. Các cụ kéo nhau lên xem. Trở về ông tôi viết bài này.

Kìa những xương khô tự thủa nào
Lấy ai mà hỏi rõ tiêu hao
Rã rời vách quế thê lương nhỉ
U uất hồn mai thảm đạm sao
Hoặc kẻ anh hùng khi chiến trận
Hay người thôn dã lúc binh đao
Đến nay nom tới di hài đó
Mượn nước cành dương tưới nhuận vào.
--> Read more..

Flags

Flag Counter