Thứ Tư, 31 tháng 12, 2008

Giã từ năm 2008

Thế là năm 2008 đang lặng lẽ khép lại, khép lại những chuỵện không mấy an lành.

Nhớ đến 2008, người ta nhớ đến trận lụt khiến Thủ đô Hà Nội, nơi " rồng cuộn hổ ngồi", "trung tâm trời đất" được đức Lý Thái Tổ xác định là nơi "cao ráo" bị ngập chìm trong nước. Nó cho thấy không chỉ hệ thống thoát nước bất lực.

Người ta nhớ đến một năm khó khăn, lương không tăng nhưng có lúc lạm phát tới trên 30%. Các bà nội trợ méo mặt khi cầm ví tiền hẻo vào chợ vì đắn đo, suy tính.

Năm 2008 báo chí, nơi được coi là diễn đàn của nhân dân, cơ quan phản biện xã hội cũng quá nhiều chuỵên phiền lòng, mà không biết chữa sao cho được.

Năm 2008 việc chống tham nhũng cũng trở nên lặng lẽ và vụ án liên quan đến vốn vay ODA chậm chạp giải quyết cho thấy nhiều điều...

Năm 2008, sau 2 năm gia nhập WTO, một chuyên gia cho rằng, điều đáng tiếc là chúng ta đã biền nhiều cơ hội thành thách thức. Cho đến giờ này thì ta mất nhiều hơn được, nhưng hy vọng thì còn nhiều.

...

Cuối cùng, Thượng đế cũng muốn an ủi chúng ta nên cho VN thắng Thái Lan vào phút chót, ngoài cả phút chót, của trận đá bóng chung kết cuối năm, khiến người ta sướng đến điên cuồng, mang hết cả " Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng" đến xoong chậu ra gõ. Chừng trăm người nhập viện sau chiến thắng này...

Không biết có phải khó tính không nhưng tôi thấy chiến thắng đó là chiến thắng của một trò chơi thôi. Vui vẻ, giải trí thôi, sau cái vui này cuộc sống trước mắt còn biết bao điều.

Chào giã biệt năm cũ, hy vọng, lại hy vọng, năm mới 2009 không quá khó khăn và hy vọng năm 2008 đã là cơn bĩ cực...

Vài hàng tất niên, thân mến kính chúc các bạn blogger của tôi một năm mới vui hơn, khoẻ mạnh, thành đạt hơn năm cũ.

Happy New Year!!!

--> Read more..

Thứ Hai, 22 tháng 12, 2008

Đám cưới miền Tây

Bài trước nói về đám cưới ở Bắc Giang, bài này tôi xin kể cái khổ của bà con miền Tây. Ông Bảy vốn là một vị khá giả ở Chợ Mới- An Giang, sắp cưới con gái tâm sự với tôi: Tôi đã nói với bên nhà trai, nhà trai đưa bao nhiêu tôi sẽ cho lại vợ chồng chúng nó hết và cho thêm nữa.

(Ảnh minh hoạ thôi nhé)

-Nhà trai sẽ đưa bào nhiêu anh? Tôi hỏi vì ngoài Bắc- Hà nội chẳng hạn bây giờ không có chuyện đưa tiền. Nhà trai chỉ mang lễ vật đến ăn hỏi trị giá vài triệu với hai phong bao hàm ý hai lễ gia tiên nội ngoại cô dâu, giá trị thì tuỳ tâm, 500 ngàn hay 1 triệu cũng được…

- Trong đó khác, nhà trai phải chồng tiền mặt, càng đi nhiều thì nhà gái càng tự hào. Do đó nhà trai mang tiền đến có sự chứng kiến của họ nhà gái. Trung bình vài chục triệu, có người chồng cả trăm triệu. Ngoài ra còn kiềng vàng, vòng vàng cho cô dâu nữa.

Nhà nghèo thì lấy tiền đó trang trải đám cưới, lo cho gia đình, nhưng nhà khá giả như ông Bảy thì cho con hết, và cho hồi môn vài chục triệu nữa.

- Thế thì nhà gái cũng tốn kém chớ?! Tôi hỏi.

- Tốn nhưng vẫn dư vì bà con sẽ giúp. Trước ngày cưới là cô bác bên bố, cô bác bên mẹ cùng ngồi với nhau tuyên bố sẽ tặng cháu bao nhiêu tiền. Hai bên không ai chịu kém ai, nếu ông chú nói cho cháu 10 triệu thì ông cậu cũng không thể kém… Có người cho cháu vài chục triệu. Cho nên tiền đám cưới bao giờ cũng dư.

Vì những hủ tục như vậy mà không thiếu chuyện bi hài. Nhiều nhà gái phải đưa tiền cho nhà trai, qua chú rể để chồng tiền kha khá khi đến đón dâu. Nhiều nhà nghèo mà sĩ diện thì phải đi vay nợ. Nhiều ông chồng, bà vợ phải dấm dúi đưa tiền cho anh em nhà mình để hôm họp bàn đám cưới đỡ mất mặt với bên thông gia… Khổ thế.

Và nó cung xlà những món nợ. Khi anh em họ mạc có đám cưới thì cũng liệu mà cư xử tương xứng, món tiền không phải dăm ba trăm nên cũng mệt mỏi, nặng nề.

Còn chính gia đình tôi cũng đã tham gia vào một vở kịch đám cưới miền Tây như vậy. Con ông chú tôi láy vợ miền Tây, hai đứa cưới nhau ở Sài gòn. Các cụ từ ngoài Bắc vô tưởng hôm sau có thể bay thì nhà giá đề nghị, các vị về miền Tây dự đám báo hỷ tại nhà gái. Đến nơi mới biết, họ đã bố trí 10 mâm lễ vật, 50 triệu đồng, bộ hoa tai, vòng vàng của cô dâu giao cho bà thím tôi. Tất cả tập kết tại khách sạn, đến giờ G nhà trai đến đón dâu… như mới. Cô dâu chú rể cho biết, tiền bạc là vợ chồng nó bỏ ra cả, cho đẹp mặt thôi, đâu lại vào đấy… Hiii.

Các bác nào có kinh nghiệm xin chia sẻ nhé.

--> Read more..

Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2008

Chuyện cưới ở một làng quê

Hôm qua tôi có một vị khách đến từ Bắc Giang. Câu chuyện loanh quanh lại dẫn đến chuyện cưới xin, vì anh là người rất có tín nhiệm với anh em ho mạc trong việc tổ chức đám cưới. Nghe vị thạo việc này kể chuyện quê anh mà tôi thấy nẫu ruột...

Anh vốn là kế toán nên quen việc quản lý, nhất là tiền bạc. Do đó, anh em họ mạc có đám cưới là họ tìm đến anh, và tất nhiên anh phải nhận lời, có đôi chút hãnh diện vì được tin cậy. Nhiệm vụ của anh là kê cái bàn ngồi góc sân để nhận tiền, gạo mừng đám cưới, ghi vào sổ và lấy tiền đó chi tiêu cho đám cưới. Cuối cũng còn bao nhiêu thì trả cho gia chủ. Việc đó không đơn giản chút nào. Anh kể có người đến bảo anh ghi cho là mừng hai mươi cân gạo. Anh thaóng nghĩ, có thấy đưa gạo đâu nhỉ? Anh phải hỏi khéo kẻo mất lòng:" Bà ơi, hai mươi cân gạo của bà đứa nào nhận đấy? Tôi hỏi mấy đứa cháu nó bào chưa nhận". Bà kia mới ú ớ nói , thế ra con bà quên chưa bưng sang... Đấy , nếu không phát hiện ra là mình phải đền 20 cân gạo, có mà ốm.

- Anh phải đền à?

- Vâng. Có đám thế này mới tức chứ, cưới xong đến cả tuần lễ, lão K trong họ nhà em mới mang đến 100 nghìn nói là tiền mững hôm nọ có tờ tiền giả. Bác nhận thì bác phải đền cho em. Tức lộn ruột anh ạ. Chả được câu cảm ơn mà mất toi 100 ngàn, em cạch mặt nhà lão K... Rút kinh nghiêm, hôm nọ có đám mừng 500 nghìn, tiền to quâ, em phải ghi sổ số seri, bảo ông khách ký cho một chữ, sau này thật giả thế nào bác giải quyết cho em.

- Sao quê anh không cho tiền vào phong bì, chủ nhà tự quản lý?

- Ấy thói quê em nó thế rồi, chỉ có khách ở xa họ mới phong bì phong bao thôi.

- Thế sau khi lo toan cho đám cưới, họ cảm ơn anh thế nào?

- Cám ơn gì?! Mất ba ngày lăn lóc, phải giữ tiền khư khư nhưng chả có ai cám ơn câu nào, nói gì đến mang biếu cân chè, gói bánh. Giúp không thôi bác ơi. Làm xong không cãi nhau là may. Em chưa bị đám nào, chứ nhiều người cãi nhau to. Sau đám cộng sổ thiếu một vài trăm, họ bắt đền, thế là cãi nhau ầm ĩ cả ấy chứ.

- Thế thì nhận làm gì cho khổ?

- Quê mà bác, họ nhờ là phải làm, không làm thì sứt mẻ tình cảm à...

Chuyện cưới cheo thời mở cửa ở huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang như thế đấy...

--> Read more..

Flags

Flag Counter