Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Bà Nội


Mới rồi ghi bổ sung gia phả, nghe lại nhiều chuyện về ông bà. Xin chép lại vài chuyện về bà tôi, đều là những chuyện 1954 trở về trước.

-Nhà có mấy khung cửi dệt, nên luôn có thợ đến dệt thuê. Một chị thợ dệt khéo tay lắm, nhưng hết tháng, trả công xong bà mới nói: Từ nay tôi không mướn chị nữa. Chị không thực thà, phiên chợ trước chị xé trộm vải, tôi nhìn thấy nhưng không muốn nói. Muốn có việc làm phải thực thà mới được…

Sau này người nhà biết chuyện tức lắm, nói sao bà không bắt tận tay lại để cho nó lấy trộm như thế. Bà bảo, mình bắt quả tang thì người ta xấu hổ, mà chả ai dám mướn nữa… Mình làm thế làm gì.

-Nhà có dăm mẫu ruộng, nhiều thóc nên người làm hàng xáo thường đến mua ( xưa gọi là đong thóc). Bao giờ bà tôi cũng mua bán dễ dãi. Khi giá gạo lên xuống, phiên chợ trước giá cao, phiên sau xuống thấp thì bà luôn bớt cho họ mấy giá cho ngang với phiên sau. Bà bảo: Họ lấy công làm lãi thôi, bớt cho họ có chút lãi.



-Hồi cải cách ruộng đất, người ta xúi một bà cô tôi, gọi ông tôi là chú đứng lên tố. Bà cô tôi năm nay 91 tuổi nói với Đội: Tôi chỉ nói với các anh thế này thôi, có hôm tôi đi ngang qua cổng nhà chú, bà thím tôi thấy gọi lại bảo, nhà vừa gặt xong ruộng đồng trên, chị vào nhà ăn vài bát cơm, nhà đang sắp ăn. Xong rồi lên gánh mấy gánh rạ về nhà mà đun… Chú thím tôi như thế thì các anh bảo tôi tố thế nào. Anh cán bộ Đội cũng phải cười mà nói : Chịu chị.

Hồi tôi còn nhỏ, nhớ mãi những đêm hè ngủ với bà, lúc đó chưa có điện, tay bà thì khẳng khiu mà bà quạt cho tôi xà xã cả đêm. Bà là người nhẫn nại vô cùng, không bao giờ kêu ca, phàn nàn, không bao giờ chê trách ai. Biết nhưng để trong lòng thôi. Bà tôi thường bảo: một sự nhịn là chín sự lành. Ngày xưa, có người đi lấy chồng, bà mẹ buộc cho con hòn sành vào dải yếm, các cháu có biết để làm gì không? Đấy là mẹ dặn con nên nhẫn nhịn đấy, nhẫn nhịn như hòn sành ấy, nói thật ít thôi mới êm ấm cửa nhà...

Con cháu ngày nay no ấm, cũng là nhờ phúc đức của tổ tiên ông bà. Ngày rằm tháng 7 ghi lại vài hàng để nhớ đến bà tôi.

6 nhận xét:

  1. Các cụ ngày trước đa phần là sống như thế, như cụ bà của Toro, giàu cũng như nghèo, không ăn gian của ai một đồng chinh (đồng chinh, đồng xu ngày xưa), lại có lòng trắc ẩn thương người. Tôi không mấy tin ở những chuyện cô hồn địa ngục, nhưng thật thà tin rằng con cháu ngày nay đàng hoàng, hiền lành nên tấm nên cám là nhờ phước đức của các cụ ngày trước.

    Thật là đáng kính trọng :-)))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cũng nghỉ thế. Nếp đó tạo thành nếp nhà cho con cháu. Vì sống tốt cũng dễ gặp may mắn và mọi việc cũng thuận lợi hơn... Các cụ phù hộ như thế chăng?!

      Xóa
  2. Bà cụ tích nhiều thiện nghiệp để được giải thoát và lưu lại phúc đức cho con cháu.
    Người ta có bức hoành "Đức lưu quang là vậy"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ồ, bàn thờ nhà em có ba chữ Đức Lưu Quang bác Bu ạ.

      Xóa
  3. Ông bà ta sống tốt ắt theo nếp nhà , con cháu cũng sẽ sống tốt , có lẽ theo vậy mà người ta nhìn vào nói ông bà tích đức , con cháu được phước , Toro nhỉ .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Con cháu có nghĩa vụ tiếp nối truyền thống, nhưng e là không tốt bằng các cụ chị Mar ạ...

      Xóa

Flags

Flag Counter