Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Đi chợ Bưởi...

Chợ Bưởi là chợ có từ lâu đời, thuộc các làng ven Hồ Tây như Nghĩa Đô, An Thái, Thuy Khuê, Vĩnh Phúc... Chợ thì có đủ thứ nhưng loại hàng có tính đặc thù nhất hình như là con giống, lợn con, mèo, chó. Chợ lại nằm vùng đất chuyên hoa, cây cảnh nên con đường Hoàng Hoa Thám, ven chợ hình thành một phố chuyên chim , hoa, lá, cá... đông vui.








Vì vậy, khi cần mua một chậu cây trồng trong nhà thì tôi "đi chợ Bưởi" hay "lên Bưởi". Đường Hoàng Hoa Thám khởi đầu từ vườn hoa Mai Xuân Thưởng, cổng vào Văn phòng Chủ tịch nước và Chính phủ, trước đây có Trụ sở tiếp dân nữa nên vườn hoa này là nơi tụ họp của bà con đi kiện. Đường đi qua đất của các làng hoa cổ Hà Nội như Ngọc Hà, Hữu Tiệp, có Nhà máy bia HN từ thời Pháp và kết thúc ở chính chợ Bưởi. Con đường này là đê La Thành, thành ngoài của Hà Nội xưa.



Chủ nhật vừa rồi hai bố con tôi lượn lên Bưởi, thấy con đường đang làm lâu này đã thông, vỉa hè chưa kịp làm nhưng không hiểu sao người đông đúc náo nhiệt, té ra là chợ chim cảnh mới hình thành. Đủ các loại chim, lồng chim, thức ăn cho chim và người chơi chim ngắm nghía, mua bán xôn xao. Con chim chích chòe cũng 300 ngàn... Chơi chim cũng lắm công phu thật.

Đi tiếp qua chợ Chim, đến khu vực bán cây cảnh, đủ loại cây, hoa mới lạ.



Hai bố con tôi mua một chậu xương rồng nhỏ, chậu kim ngọc và vài con cá cảnh.

















Người bán hàng vừa bán vừa trông chừng cảnh sát. Lát sau cảnh sát ùa đến, xông vào lấy ngay một chậu xương rồng đẹp nhất. Trên xe đủ loại hàng hóa, cây cảnh, lồng chim, đôn chậu. Thu như cướp, không biên bản, không giao nhận. Lạ thế.



Âu cũng là hình ảnh Hà Nội những năm đầu thế kỷ 21 này...


--> Read more..

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Chuyện một người lính khố đỏ

Hai hôm nay tôi dành thời gian đọc hết cuốn sách lạ, có tên là " Chuyện một người lính khố đỏ" tự truyện của tác giả Phạm Khải Tri, do NXB Quân đội nhân dân ấn hành năm 2009.



Tôi có được cuốn này lạ nhờ blog. Các bác còn nhớ cách đây chừng 2 tháng tôi có một bài viết về Lính Khố đỏ nhân đọc Gia phả. Ít ngày sau, nhận được tin nhắn qua PM của bạn tuyettinhcocchu cho hay, "có một cuốn sách của một người từng là lính khố đỏ viết và tác giả hiện còn sống, anh cho xin địa chỉ để em gửi tặng một cuốn".


Thật là tuyệt, tôi ghi địa chỉ và mong, nếu có được cả chữ ký người tặng và tác giả thì quý quá. Ít lâu sau, tôi nhận được cuốn " Chuyện một người lính khố đỏ" qua Bưu điện, người gửi là KTS Nguyễn Quốc Lanh  ( tức tuyettinhcocchu ) ở Biên Hòa - Đồng Nai.  Cuốn sách có chữ lời tặng của KTS Lanh và dòng chữ " Trân trọng kính tặng ông Nguyễn Phan Khiêm - báo Công Lý và gia đình", có chữ ký của tác giả PKT.



Tôi nhắn cám ơn KTS Lanh nhưng hôm nay đọc xong mới viết entry này để một lần nữa trân trọng cảm ơn bạn Lanh và nhất là cám ơn cụ Phạm Khải Tri, tác giả cuốn sách rất hay, tuổi đã ngoại 85, đã tặng cho kẻ hậu sinh xa lạ những chữ trân trọng đến thế.

Cuốn tự truyện thật hấp dẫn, từ đầu đến cuối. Tác giả kể lại cuộc đời mình, một người quê gốc Bắc Ninh, do ông nội Cần vương mà gia đình lưu lạc ra Móng Cái lập nghiệp... Sinh trong thời loạn lạc, những năm 20 đầu thế kỷ trước, Phạm Khải Tri dấn thân vào binh nghiệp làm Lính Khố đỏ. Mặc dù học trường Tây, nói tiếng Pháp rất tốt nhưng anh lính Phạm Khải Tri, thầy cai "thổ mừ" luôn giữ cốt cách con nhà Nho, theo phong cách ông nội và những lời dạy bảo của người mẹ hiền mà ông rất mực thương yêu.

Trong thời loạn lạc, nhố nhăng giữ được mình không lấm láp là rất khó, giữ tư cách kiểu Nho gia còn khó hơn nhưng ông đã giữ được, dù không ít lần phải trả giá. Ông đã dắt bạn đọc đi hết cuộc đời binh nghiệp của ông từ giữa thế kỷ trước cho đến 1975, qua các miền đất nước và đến tận hôm nay.

Cốt cách Nho gia ấy làm chuẩn mực ứng xử cho ông, dù là trong cuộc chiến. Có lần binh lính bắt giữ mấy người dân qua đêm, trong đó có một cô gái trẻ 16-17 tuổi, ông nghĩ tối nay bọn lính thế nào cũng làm bậy, hãm hiếp cô gái, ông nói nhỏ với cô gái đến nằm với ông. Cô gái nghe lời và suốt đêm đó ông nằm quay lưng vào lưng cô gái, cố giữ không cho động chạm, chăn không được bùng nhùng và chỉ sợ nhỡ vô ý chạm vào cô gái bất chợt la lên trong đêm hôm thì ông sẽ không biết thanh minh thế nào, chưa kể chuyện còn đến tai vợ... Nhưng ông đã làm được, sang hôm sau cô gái được thả về. Khi đó, có lẽ ông chưa đến tuổi 30.



Cũng cách ứng xử ấy, sau này ông gặp nhiều khó khăn khi có những tên chỉ huy tham lam, vơ vét, trục lợi... mà loại quan chức đó thời nào cũng rất nhiều..

Cuộc đời ông là một chuỗi những gian nan, lận đận, những lần chuyển đơn vị, rồi những hoạn nạn bất ngờ ụp tới. Ông đã vẽ nên chân dung nhiều những người ông đã gặp trong suốt cuộc chiến, thân sơ, đậm nhạt khác nhau. Nhưng có lẽ tử vi của ông cung Nô không tốt, nên có khi ngay cả những người chịu ơn ông cũng bạc.

Thân phận ông cũng như thân phận những người cùng trang lứa, dù ở trong Nam hay ngoài Bắc đều gian nan, vất vả như thế, không mấy ai được an nhàn...



Cuốn tự truyện như cuốn phim hay và nó nhắc nhở ta một điều không mới, nhưng không bao giờ cũ, là trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải sống cho tốt, cho trong sạch.


Cuốn sách còn có giá trị tư liệu quý giá về Lính Khố đỏ, sắc lính đặc trưng Đông dương, đã lùi vào dĩ vãng mà do chính nhân chứng kể lại.

Mặc dù là người cầm bút nghiệp dư và cao tuổi nhưng Phạm Khải Tri viết với một văn phong mạch lạc, truyền cảm và rất hiện đại. Hiện đại ở chỗ không rườm rà, lan man mà rất cô đọng, trong sáng. Văn ông trẻ hơn tuổi ông rất nhiều.

Cuốn sách là một món quà quý, một kỷ niệm mà bạn tuyettinhcocchu, người định chui vào hang tuyệt tình với thiên hạ, lại ra khỏi hang, gửi tặng tôi, người ít khi vào trang của bạn, không phải là rất lạ hay sao. Có lẽ nhờ cưới vợ, mà KTS Lanh đã lại dan díu với cuộc đời.

Cuối cùng xin kính chúc cụ Phạm Khải Tri mạnh khỏe, an vui với con cháu. Cụ đã trải qua một cuộc đời phong phú, thấm đẫm mồ hôi và nước mắt nhưng đã làm được nhiều việc nhân nghĩa
, hẳn cụ sẽ được hưởng những trái ngọt của đàn con hiếu thảo và xã hội đang đổi thay mang đến.



--> Read more..

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Lá Cọ

Hồi mới học xong cấp 3, được ông chú đưa lên Phú Thọ chơi, tôi ngỡ ngàng vì vẻ đẹp của cây cọ, tôi bảo những chiếc lá cọ là những mặt trời xanh. Có thể nói "rừng cọ, đồi chè" là nét đặc trưng của vùng đất cổ này.


Nói đến cây cọ, ngoài Bắc ai cũng biết bài hát thiếu nhi mà người lớn ai cũng thích: Hôm nay mẹ lên nương/ Một mình em tới lớp/ Hương rừng thơm đồi vắng/ Suối uốn quanh rì rào/ Cọ xòe ô che nắng/ Râm mát đường em đi... Bài hát viết về buổi đầu đi học không có mẹ đưa đi, rất hay, vui tươi, trong sáng nhưng lại có chút ngậm ngùi...



Hôm tôi lên đó, anh Chủ tịch xã mời uống rượu, chạm một chén lại bắt tay. Anh ấy bảo: Đặc sản Phú Thọ là Chè, Cọ, Mít và Bắt tay... Mỗi bữa, có khi bắt tay nhau đến chục lần. Cỗ nhất định có gà đồi và măng.

Ở đây người ta trồng cọ rất nhiều, dưới những tán cọ là chè. Chè Phú Thọ nước đỏ, không ngon bằng chè Thái Nguyên. Hôm tôi về cũng được cho 1 ký chè "sao suốt", nhưng tôi quen uống chè Thái hơn. Sao suốt là chỉ laoij chè hái về cho lên chảo sao ( rang) ngay. Họ làm liên tục cho đến khô, thành phẩm mới thôi. Đây là loại chè đắt tiền, dành để uống. Còn lại, họ làm chè kiểu công nghiệp, vò bằng máy, sao cũng có lò, dân ở đây không uống mà bán sang Tàu, không hiểu Tàu mua làm gì... Hay lại thêm hương vị  biến thành Ô Long, Thiết quan âm bán cho mình cũng nên.



Tàu còn bịa ra chuyện thuê các trinh nữ, hái chè bỏ vào ngực, cho đượm mùi thanh tân nữa... thì không biết ra giá bao nhiêu một lạng chè. Còn dân Phú Thọ nhà mình thì hái về đổ đống ra nền nhà thế này đây...







Dụng cụ vò và sao chè kiểu công nghiệp.



Cọ sống rất lâu, có nhiều cây cọ sống 70-80 năm vẫn cho ra lá, thân mốc rêu, rất đẹp.









Lá cọ bây giờ vẫn dùng để lợp nhà nhưng ít dần, chỉ người nghèo mới lợp lá cọ. Hồi xưa thì khá giả mới lợp lá cọ, vì cọ bền , hàng chục năm mới hỏng. Nhà nghèo thì lợp rơm rạ. Bây giờ giá lá cọ cũng chỉ khoảng 2000đ/ tàu. Mỗi năm một cây cho khoảng chục tàu lá. Vì thế, dân ở đây nghèo...



Nhà lợp lá cọ cũng có cái lợi là mát muà hè và ấm khi mùa đông, hơn lợp ngói hay pro ximang. Đây là bà chị dâu họ tôi và con trai, trước căn nhà mới lợp lá cọ.


Phú Thọ cũng nhiều mít nữa. Nhưng họ chỉ ăn mít chín chứ không lấy mít non làm nộm, làm dưa ( nhút) như Nghệ An ( Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn).






Ẻn này khép lại chuyến đi về Phú Thọ, với những địa danh thị xã Phú Thọ, Đoan Hùng, Tuyên Quang, sông Thao, sông Lô, sông Chảy... một vùng non nước thanh bình, êm ả, mang nét đặc sắc trung du Bắc Bộ...




--> Read more..

Hạnh phúc cực hơn mọi điều đã tả /Lại ngọt ngào, kỳ lạ, lớn lao hơn.

--> Read more..

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

Tuyên Quang

Từ Đoan Hùng lên tp Tuyên Quang chỉ khoảng 15 km. Trong kháng chiến chống Pháp thì Tuyên Quang được coi là Thủ đô kháng chiến, ngược dòng lịch sử thì Tuyên Quang là nơi nhà Mạc rút chạy khỏi Thăng Long lên bám trụ, do đó di tích Thành nhà Mạc là di sản vật thể quý giá nhất.




Như các bạn đã biết, do nhiều lý do mà di tích Cổng phía Tây, vốn um tùm, huyền hoặc đã bị tân trang, biến thành cái lò gạch trơ trẽn, mà tôi có chụp hình ghi lại. Bức tường thành cũng bị xây lại như thế, trông như di sản thời Hợp tác hóa chứ không phải di sản thời Mạc.

( Kích đúp để xem hình lớn hơn)






Đây là đô thị có con sông Lô chảy qua. Ngay chân cây cầu mới xây, một điểm mua bán lâm thổ sản từ mạn trên xuống vẫn hoạt động như muôn năm cũ, bè tre nứa vẫn tập kế đầy dưới chân cầu. Lá cọ dùng để lợp nhà, được bán với giá khoảng 2000 đ/ tàu. Bây giờ lá cọ ít được dùng vì tấm lợp pro ximang và tôn đã chiếm lĩnh thị trường...







Tôi muốn tìm hiểu văn hóa, lịch sử nên sau thất vọng Thành nhà Mạc, tôi rẽ qua vài di tích, thì đáng tiếc là các di tích hầu hết đang là công trường tân trang. Cuối cùng tôi dừng lại ở một ngôi đền có tên khá công nghiệp là " Đền Mỏ Than" di tích cấp tỉnh. Đền thuộc dòng đạo Mẫu, xây dựng năm 1931, ở vị trí khá đẹp.



Khi tôi lên thì thấy một vài người đang sửa soạn lễ vật, bánh kẹo, trái cây, bột ngot, vàng mã... Tôi hỏi một em trông gợi cảm nhất thì được được trả lời một cách thân thiện rằng: "Chiều nay nhà em phát sớ tấu, sáng mai hầu"... Xem ra Thủ đô kháng chiến khi xưa phát triển hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo khá mạnh vì người dân giới thiệu rất nhiều địa chỉ cúng bái, hầu đồng...










Tuyên Quang có một đặc sản là con gái rất xinh " Chè Thái, gái Tuyên" nhưng chuyến đi này tôi chưa có trải nghiệm nào về đặc sản này để chia sẻ.

--> Read more..

Flags

Flag Counter