Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Món mới đêm Giao thừa

Hôm qua, có người bạn cho ít tu hài, vợ đi mãi không về, mà khách sắp đến nơi, thế là bố cháu ra tay, tự tuột bao, kỳ cọ, hấp hiếc như ai. Khách ăn khen ngon tấm tắc... Vì vậy, sáng nay vẫn còn dư âm làm đầu bếp.

Ngó sang nhà sư tỷ THM, thấy có người bạn dạy chế biến món ăn, hay quá, xin về đây để đãi cả nhà. Món này ngon hơn tu hài hấp hay cho vào cháo đỗ xanh... Hiii...

Công thức nấu món đêm Giao Thừa :

- Lấy toàn thể 12 tháng trong năm đem rửa sạch mùi cay đắng, ghen tị, thù oán…rồi để cho ráo nước
- Tuần tự cắt mỗi tháng ra 28, 30, hay 31 phần.
- Trộn đều với : Một chút tin yêu - Một chút kiên nhẫn – Một chút can đảm – Một chút cố gắng – Một chút hy vọng – Một chút trung thành.
- Ướp thêm gia vị: lạc quan, tự tin và hài hước.
- Rồi đem ngâm một lát trong dung dịch “những điều tâm niệm của riêng mình”.
- Vớt ra, xay nhỏ, đổ tất cả vào “nồi yêu thương” và nấu với "lửa vui mừng”.
- Đem ra ăn với “nụ cười” trong chén “bao dung”.

--> Read more..

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Ông già Noel

Nhà mình có ba đứa, năm nào bố cũng đóng vai ông già Noel tặng quà, để sáng  sớm chúng hớn hở đi tìm quà. Hai con lớn biết là bố, sợ nó nói với thằng cu em, làm mất sự ngây thơ của bé, bố bảo: Ông già Noel chỉ tặng quà những trẻ ngoan và tin tưởng vào Ông già Noel thôi.

Lát sau, hai con chị mang lên cái thư, nhờ bố chuyển cho Ông già Noel . Mở ra, nó viết: " Kính gửi ông già Noel, chúng cháu là BT, BC đây ạ. Chúng cháu rất ngoan và hết sức tin tưởng ở Ông già Noel. Năm nay, chúng cháu chả dám xin ông gì nhiều, chỉ xin ông đưa chúng cháu lên Đinh Lễ ( chợ sách) một chuyến, ông chỉ cần chuẩn bị 500K  là đủ ông ạ. Chúng cháu mong quà của ông".

Hii...

--> Read more..

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

Hỗ trợ trường "đổ bỏ cơm rang trứng"

Hôm nay, nhóm họp anh em làm từ thiện, tôi nói đến vụ "Đổ bỏ cơm rang trứng", ai cũng ngậm ngùi, nhất là nghĩ đến cảnh các cháu không có nước sạch, phải lễ mễ xách nước từ suối lên, ngày nắng cũng như mưa... Hội ý nhanh, anh chị em đều đồng lòng giúp đỡ các cháu. Liên lạc ngay với thầy Hiệu trưởng, thì nguyện vọng của trường là xây được bể chứa nước, chừng 35 m3, tốn kém ngót 30 triệu đồng. Anh em đều đồng ý  xây tặng các cháu bể nước ngay. Hôm nào khánh thành, anh em trong nhóm sẽ lên thăm tình hình cụ thể và tính chuyện kêu gọi tài trợ để cháu nào phải ăn "cơm trứng" thường xuyên được ăn cơm trắng và mỗi tuần các cháu có một bữa ăn tươi thì thật tốt...

Dưới đây là một số hình ảnh sinh hoạt của học trò Trường THCS Hiếu Kiên, Chi Lăng, Lạng Sơn.


Xin xem lại bài trước
 http://torovn.multiply.com/journal/item/474/474

--> Read more..

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

Làm từ thiện

Hôm nay mới rảnh đôi chút để nói lại vì sao nhà cháu lại có bài về chuyến đi Chương Mỹ cũng như hoạt động từ thiện trên blog.

Từ ba năm nay, một nhóm bạn bè thân thiết ( đa phần là phụ nữ) đã họp nhau thành một nhóm từ thiện mang tên nhóm Hoa Hương Dương, và chị em bắt nhà cháu là Hoa trưởng, Hội trưởng, có khi gọi là Chủ tịch cho oai.

Lý do thành lập nhóm là mọi người đều muốn bớt chút chi tiêu, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Có một em thấy bão lụt, mang 500 K lên chỗ người ta mở cuộc vận động để đóng góp thì người tiếp nhận nhìn như người nước lạ đến, với sự lạnh nhạt, coi thường. Thế ra ở đó họ chỉ muốn tiếp nhận những khoản to của doanh nghiệp, của Việt kiều thôi, những đồng tiền còm như thế không bõ viết biên nhận. Vì thế mà chị em nung nấu lập nhóm từ thiện của riêng. Và chị em đã muốn là có.

Mặc dù là một nhà báo nhưng tôi chủ trương nhóm này không báo chí. Hiểu theo nghĩa thứ nhất là không giúp đỡ những trường hợp báo chí đã nêu. Bởi lẽ, những trường hợp lên báo sẽ có nhiều bạn đọc giúp đỡ rồi, trong khi có nhiều hoàn cảnh khó khăn nhưng báo chí không biết tới. Thứ hai là không tuyên truyền những hoạt động của nhóm lên báo. Chủ trương âm thầm, lặng lẽ được quán triệt, ngay cả không đưa lên blog.

Nhóm đã có chuyến tặng quà một trại bảo trợ xã hội của Hà Nội; một chuyến quần áo, thực phẩm, tiền cho bà con vùng lũ Hà Tĩnh... nhưng nhóm chú trọng điểm chứ không chú trọng diện. Nghĩa là nhóm hỗ trợ những trường hợp cụ thể, do thành viên của nhóm phát hiện hay có người giới thiệu. Trước khi có quyết định hỗ trợ lâu dài thì nhóm đi đến thăm tận nơi.

Niềm vui của cụ M, 95 tuổi khi nhóm có hỗ trợ thường xuyên, nay cụ đã yếu hơn nhiều

Vì vậy, nhóm đang hỗ trợ thường xuyên một số trường hợp như gia đình hai vợ chồng đều ung thư, con còn nhỏ ở Hưng Yên; bà cụ 80 nuôi cháu mồ côi và tâm thần ở Chương Mỹ; một cụ 95 tuổi nghèo khó ở Thạch Thất... Nhóm cũng vừa hỗ trợ một cháu nhỏ thoát chết nhờ được mổ tim kịp thời với số tiền hỗ trợ 15 triệu đồng. Đây là trường hợp hỗ trợ mổ tim thứ hai. Trước đó hỗ trợ một người bị tuyên án tử hình oan, một chút tiền để anh ta học nghề, tạo dựng lại cuộc sống.


Cháu nhỏ được hỗ trợ mổ tim

Để chị em trong nhóm đều đóng góp được nên mức sàn đóng góp bắt buộc của hội viên chỉ là 100 ngàn/tháng, nhưng mức trần thì không hạn chế. Bởi lẽ tôi cho rằng lòng nhân ái, thiện tâm của hội viên thì ai cũng như ai nhưng hoàn cảnh kinh tế thì khác nhau. Những vụ cần giúp đỡ khoản nhiều tiền thì Hội trông vào các Mạnh Thường Quân có điều kiện trong nhóm và các Cộng tác viên, bạn bè gần xa.

Lần này nhà cháu phi lộ chuyện từ thiện này vì đã trót đưa bài Chương Mỹ lên. Nguyên do là một thành viên xinh đẹp trong nhóm muốn những người không đi được biết tình hình và các đối tượng cần giúp.Hôm đó  nhà cháu nói sẽ lập một blog riêng nhưng lúc về mới thấy nguy. Một blog, một facebook đã không nuôi nổi, nhiều khi mốc meo, bây giờ thêm blog nữa thì chết. Thế là trong lúc chị em bức xúc nhà cháu đưa ngay lên blog. Vả lại các bác qua lại đây đều thân thiết cả nên cũng đỡ áy náy vì vi phạm nguyên tắc tự mình đặt ra...

Việc nhóm hoạt động được trông vào sự nhiệt tình của một số thành viên và sự ủng hộ của bạn bè, chứ vai trò Hội trưởng rất mờ nhạt. Khi cần giúp ai mà thiếu thì lại gọi điện cho bạn bè xin ủng hộ. Có lần bà xã bảo: Anh gọi điện xin tiền thế mà không ngại à? Nhà cháu "ní nuận", ngại gì mà ngại, đây là anh giúp cả hai bên, bên người hoạn nạn khó khăn và giúp người cho tiền một cơ hội làm việc thiện... Hii, các bác thấy nhà cháu AQ thế có được không? Nếu được thì lần sau em có gọi điện các bác đừng có tắt máy và phải sẵn sàng mở hầu bao đấy nhé...


(Cuối năm, nhân đây xin chân thành cảm ơn tấm lòng nhân hậu và tận tình của tất cả Hội viên và Cộng tác viên nhóm Hoa Hướng Dương. Biết các bạn làm những việc này không mong cám ơn, nhưng tôi không thể không cám ơn các bạn)
--> Read more..

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

Chương Mỹ 2

  Gia đình thứ ba chúng tôi đến thăm ở xã có cái tên rất oai, xã Văn Võ.




Trước khi đến, qua một pv quê ở đây, tôi biết đây là địa phương có truyền thống phụ nữ đi đánh dậm, đàn ông ở nhà trông con, làm thuê và uống rượu. Đặc sản nổi tiếng nhất của họ là "đánh vợ". Những người phụ nữ đi đánh dậm xa nhà, dăm bữa nửa tháng mới về một lần...

Chúng tôi đến thăm gia đình anh H, một hộ nghèo. Đến nơi thấy nhà có một con bê, của chương trình "Lục lạc vàng" trao tặng. Đến đúng bữa trưa. Cả nhà họ ngồi xổm ăn cơm, bát đĩa bày ngay xuống nền nhà cáu bẩn. Thức ăn chỉ có hai quả trứng luộc và bát rau... Anh chồng trông lơ ngơ như người dân tộc thiểu số. Hỏi ra hắn sinh năm 1976, vợ sinh 1972. Họ có 5 đứa con vì phải sinh bằng được con trai. Nếu không có con trai thì đi ăn cỗ nhất định bị ngồi dưới, bị sai lấy nước mắm, lấy rượu. Nhục lắm.

Vợ chồng nhà này cũng sống bằng kiếm cá và làm thuê. Nhưng anh chồng bị bệnh gut, cả nhà trông vào chị vợ, nên bừa đói bữa no. Hôm đó anh chồng ươn người nên ở nhà. Dự kiến năm tới hai con bé lớn học lớp 5 sẽ phải bỏ học. Làng này chỉ cho con gái học đến thế thôi... Tôi nhìn thấy tương lai màu xám cho những bé con xinh xắn này.






Đường làng Văn Võ, lối vào nhà anh H đầy phân trâu bò,phân chó. Gặp một đám thài lài xanh ngắt, tôi chỉ cho chị em xem và bảo:" Đúng là thài lài phải cứt chó, như gái phải hơi trai, thật mơn mởn"... Hì hì.




Nhà cuối cùng trong kế hoạch chúng tôi đến thăm thuộc xã Nam Phương Tiến. Đó là gia đình cụ K. cụ 100 tuổi, sống với vợ chồng người con trai bị bệnh tâm thần. May thay con trai của họ thì không sao. Gia đình họ bần hàn, nên xã vừa quyết định xây cho căn nhà tình nghĩa. Nhưng nhà đang xây thì cụ bị xe đạp đâm vào, gãy chân. Xã cho cụ sống nhờ một gian tập thể xập xệ. Khi chúng tôi đến cụ K nằm mê man, nên quà được trao cho cháu cụ...

Sao xã không giúp cụ từ năm ba năm trước nhỉ... Một nỗi chua chát dâng lên khi chúng tôi thấy gia cảnh của cụ K.


Sau khi đi thăm các gia đình này, tôi thấy có điểm chung là vùng này quá nhiều người điên dại, tâm thần, lẩn thẩn. Không hiểu sao nơi địa linh nhân kiệt mà hậu duệ lại ra nông nỗi này, không biết có phải do họ tàn phá danh lam, thắng cảnh hay trong địa chất cho vấn đề gì.





Cậu PV người làng Văn Võ bảo: Do rượu đấy anh ạ. Lười biếng, uống rượu nhiều nó hóa ra dở người thôi...




--> Read more..

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Ngày đông Chương Mỹ

Chương Mỹ, một huyện ngoại thành Hà Nội, vốn thuộc Hà Tây, đây là quê hương của các danh nhân như Thám hoa Đặng Ma La, Sử gia Ngô Sĩ Liên, Đô đốc Đặng Tiến Đông, Sử gia Lê Ngô Cát... Có chiến thắng Tốt Động lừng lẫy, có núi Tử Trầm Sơn, có chùa Trăm Gian thơ mộng...

Nhưng hôm nay xin mời các bác đi thăm một Chương Mỹ khác, Chương Mỹ của những số phận nghèo khó, không khác gì người La Hủ, Giẻ Triêng ở búp rừng, quanh năm heo hút.

Xã đầu tiên chúng tôi đến là xã Phụng Châu, tên thật sang, phong cảnh thật đẹp. Núi Trầm ở làng này. Gia đình đầu tiên chúng tôi đến thăm là nhà cụ H.

Cụ H gần 80 tuổi, nuôi một con gái bị mù, lại tâm thần và cháu gái đang học lớp 10. Cháu là kết quả của một vụ cưỡng hiếp, khi mẹ cháu không thể chống đỡ. Tác giả cái thai khi bị phát hiện đã bỏ đi khỏi làng, nhờ Trời cháu xinh xắn, học khá. Ngoài giờ đi học, thì làm thêm đỡ bà. Khi tôi đến cháu đang đi học.




Ba người sống trong một gian nhà bán mái ẩm thấp ven đường. Thu nhập chính trông vào quán quà vặt của bà cụ và 250 ngàn đồng trợ cấp/tháng cho người mẹ.


Gia đình thứ hai chúng tôi đến thăm trong cùng xã này là gia đình ông B. Hai ông bà già có 5 người con, nhưng chỉ có anh có trai út lấy được vợ, có con. Mấy anh con trai lớn không lấy được vợ vì họ đều ngẩn ngơ, không bình thường. Chị con gái hoạt bát nhất nhà thì cũng lỡ làng, sinh một đưa con rồi lại quay về rúc vào căn nhà tồi tàn của bố mẹ.

Cả đại gia đình họ sống trong một căn nhà dột nát, hôi hám. Ông B có gương mặt sưng tấy, nhiễm trùng rất đáng sợ, như bị cùi. Cô bác sĩ đi cùng nói, đây là viêm bờ my nhưng không chữa trị nên nhiễm trùng. Cô gợi ý gia đình đưa ông B ra Hà Nội, cô sẽ lo chữa trị miễn phí.


Anh con trai có vợ con trông cũng không sáng sủa lắm, ngày đi làm mà cũng ở nhà ôm con vì không có việc...
Cuộc sống của họ tăm tối, chỉ trông vào thu nhập từ đi làm thuê, làm mướn của mấy người con không được bình thường này...
Chúng tôi đến thăm để thấy tận mắt hoàn cảnh của các gia đình và kiếm tài trợ lâu dài cho họ, nhất là cháu gái con bà mẹ bị mù được học đến nơi đến chốn...
--> Read more..

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

Em ơi, Hà Nội rét

Năm nay tưởng như HN không có mùa đông, vì tháng Mười, tháng Một vẫn mặc áo sơ mi. Ngoài Bắc có câu: Bà khen con bà xinh, con bà tốt/ Đến tháng Mười một bà biết con bà", bởi lẽ tháng Một, giữa mùa đông, không khí sẽ hanh khô, lạnh giá, da dẻ sẽ nứt toác, mốc meo, chả đẹp tý nào. Ai cũng thế... Vậy mà năm nay sang tháng Một vẫn nóng.

Nhưng ông Trời đã nhớ ra trách nhiệm, cho một đợt không khí lạnh tràn về, dẫu không rét run cầm cập chừng 7-8 độ nhưng cũng khá lạnh. Áo ấm được mang ra. Hàng ốc nóng, ngô nướng, hạt dẻ tấp nập...Ghế đá ven hồ vắng tanh. Hà Nội đương rét run lên đây các bác ạ.















Người ta thích tụ tập, quanh ấm trà nóng, quanh nồi lầu bốc khói, hay đơn giản là xích lại gần nhau hơn  cho nó ấm.

Lành lạnh... thật dễ chịu. Thế mà ai cũng chúc nhau ấm áp, trả ai chúc nhau lành lạnh là sao nhỉ?!

--> Read more..

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Anh lớn lên dưới bầu sữa mẹ/ Và dại khờ trước bầu ngực em...

--> Read more..

Đám tang cụ Tứ

Cụ Hòa thượng Thích Thanh Tứ vừa viên tịch, đám tang cụ rất long trọng, hoành tráng,  nhưng trong sự trang hoàng, tôi thấy có điều khó hiểu. Đó là chỗ trang trọng nhất, sát chân dung cụ Hòa thượng, người ta bày một đài rượu.

Theo tín ngưỡng dân gian, đài rượu gồm 3 chén đó tượng trưng cho 3 tuần rượu. Khi tế thần thánh, người ta dâng 3 lần, gọi là lễ sơ hiến, lễ á hiến và chung hiến.

Nhưng đây là Hòa thượng, trong ngũ giới sơ đẳng có cấm rượu. Vậy tại sao lại bày đài rượu ở trước chân dung Hòa thượng? Có lẽ họ chỉ nhằm trang trí, nhưng như vậy thì không ổn chút nào?


Tôi đắn đó khi bình luận chuyện này vì không nên soi vào những chuyện tang ma, tôn giáo, nhưng vẫn đưa ra vì muốn mọi sự có chuẩn mực chung.

Nam mô A di đà Phật!

Xin bác Bu, người uyên thâm về Phật giáo giải thích giùm.
--> Read more..

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

Ngày đặc biệt

Hôm nay ngày 11 tháng 11 năm 11 của thế kỷ 21, một ngày đặc biệt các bác ạ.

Vậy mà xung quanh chả có gì đặc biệt, báo chí buồn tênh, ngoài vụ tìm được em bé bị bắt cóc mà báo chí khai thác hết ngóc ngách thì chả có gì đáng chú ý. Chả có gì vui...

Các bác hãy làm cho ngày 11-11-11 này của mình trở nên có ý nghĩa nhé, nói một lời yêu thương với ai đó; mang đến cho ai đó một niềm vui; hẹn hò với ai đó, rủ ai đi dã ngoại một chuyến, ra ngoài thành phố sẽ thấy dễ chịu ngay; hay đơn giản tạo cho chính mình một niềm vui...

Nếu không thì phí cả một ngày đầu đông gợi cảm thế này.

(P/S Trưa nay, nhà cháu phải đi đám cưới...)
--> Read more..

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

Bác Bu thiên di

Thế là bác Bu Trần Quốc Toàn và phu nhân Nguyễn Thu Hà khăn gói "hành Phương Nam" nơi có nắng ấm quanh năm, như hạnh phúc con cháu quấn quít quanh chân...


Em cũng may mắn có kỷ niệm với căn nhà đẹp ở Đồng Hới của hai bác. Căn nhà hai mặt đường, yên tĩnh thoáng mát, có sân, có giàn phong lan, có núi non bộ và rất nhiều sách.

Hai anh em ở Quảng Bình quan



Thật ấm lòng khi bác cứ tha thiết mời: Ông ở nhà tôi. Có riêng một phòng cho ông và có xe máy, ông đi đâu thì đi... Phải nói hai bác rất chân tình, đôn hậu.

Nhà bác Bu rất nhiều sách

Mời cả nhà đọc bài thơ chia tay chốn cũ của bác Bu:

 Đêm nay đêm ngủ cuối cùng
Trong ngôi nhà cũ bên dòng sông quê.

Mà sao nhà bổng rộng ghê
Không bàn không ghế ti vi tủ giường
Vòng quanh chỉ thấy những tường
Buồng cau sai trái như tuồng buồn thiu.

Hai hai năm mấy sớm chiều
Mấy thăng trầm với mấy điều buồn vui
Hai con lớn ở xa xôi
Mẹ già nằm lại chân đồi cuối thôn.

Đất quê đã hoá tâm hồn
Sụt sùi mưa gió bồn chồn bước đi
Cuộc đời là cuộc thiên di
Cũng mong cũng hẹn ra đi để về.

Thắp nhang mộ mẹ con thề
Thiên di lần cuối là quê mẹ nằm.

Đọc bài thơ của bác Bu, như bài khấn, như lời từ biệt cố hương, nơi cắt rốn chôn rau để về phương Nam mà thật ngậm ngùi. Thiên di chuyến này là đoàn tụ trong no ấm, hạnh phúc nhưng có cuộc chia ly nào mà không buồn đâu.

Thắp nhang mộ mẹ con thề
Thiên di lần cuối là quê mẹ nằm.

Hai câu cuối của bài thơ làm cái ngậm ngùi ấy vỡ òa, xúc động.

Chúc hai bác về Vũng Tàu may mắn, hạnh phúc!!

--> Read more..

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

Dịch thơ Đường

Đọc blog chị huynhtran, thấy có mục giới thiệu thơ Đường, tự nhiên nhà cháu cũng quan tâm hơn đến dòng văn học này. Tối qua, học thuộc và viết thạo (chữ Hán) một bài của Sài Tham có nhan đề "Kiến Vị Thủy tư Tần Xuyên", thấy sông Vị nhớ sông Tần.



Nguyên văn:

Vị thủy đông lưu khứ
Hà thời đáo Ung Châu
Bằng thiêm lưỡng hàng lệ
Ký hướng cố viên lưu.

Nghĩa là:

Sông Vị chảy về phương Đông
Bao giờ tới Ung Châu?
Gửi theo đôi dòng lệ
Về dòng bên vườn cũ.


Bài thơ khiến ai xa nhà, nhìn thấy dòng sông chảy về quê mình không khỏi đồng cảm, u buồn. Nghĩa thì thế, mời cả nhà dịch và phỏng dịch cho vui. Nhà cháu dịch thế này:



Sông Vị chảy về Đông
Ung Châu bao giờ tới?
Mang giùm ta dòng lệ
Về cố hương xa vời.

Và tiếp tục nghĩ thêm...







--> Read more..

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Ngày nghỉ chụp chơi

Thứ Bảy, theo chân bác PNH, nhà cháu chụp vài tấm hình trong nhà cho vui.



Nhà có cái ban công, kê thêm cái bàn làm chỗ uống cafe, đọc sách hay hay.






Hoa ly vàng với bài thơ "Há Giang Lăng" của Lý Bạch, thủ bút của cụ Nguyễn Văn Bách.



Triêu từ Bạch Đế thái vân gian
Thiên lý Giang Lăng nhất nhật hoàn
Lưỡng ngạn viên thanh đề bất tận
Khinh chu dĩ quá vạn trùng san.

Sáng đi từ thành Bạch Đế trong sắc mây
Giang Lăng ngàn dặm, chiều đã đến nơi
Hai bên bờ sông vượn hót liên hồi
Thuyền nhẹ vượt qua ngàn vạn núi non...

(Có nhiều người dịch nhưng ta chờ bài dịch của cặp BU - TRẦN, bài này hợp tâm trạng bác Bu đang "Hạ Trấn Biên")

Thử mang bình hoa đi chỗ khác...




Cám ơn các bác đã ghé thăm tệ xá.
--> Read more..

Flags

Flag Counter