Thứ Năm, 26 tháng 3, 2009

Hỏi chuyện Phạm Duy

Thưa Nhạc sĩ Phạm Duy, người ta ví ông như con chim bách thanh, nhạc của ông đa dạng, phong phú. Hơn nữa ông có khoảng thời gian sáng tạo rất dài... Sau mọi thử nghiệm, ông ưng ý nhất với đề tài nào, phong cách nào, giai đoạn nào? Ông có dự định nào trong thời gian tới không?

- Tôi có may mắn là ham sống và sống dai, sống qua nhiều thời khác nhau. Có những nhạc sĩ chỉ có một thời, không chuyển sang thời khác được. Tôi có may mắn là rất tham lam, không chịu đứng một chỗ. Chạy chỗ này chỗ nọ, luôn luôn bị bà tiên âm nhạc ám ảnh. Lúc nào tôi cũng nghĩ tôi chưa có vợ, kể cả đến khi có vợ và 8 con cũng vẫn bị bà tiên âm nhạc hành hạ. Tôi chủ truơng ngay khi bắt đầu cầm đàn đi hát thì phải phản ánh lại xã hội tôi sống. Tôi "cover" được nhiều tâm trạng, tình cảm của con người. Tôi có tình ca cho sinh viên thị thành, sinh viên trường làng, tình yêu chiến sĩ, tình vợ chồng, rồi tình hờ...

Tất cả nhạc của tôi, dù dưới hình thức tân ca thì cũng là tình ca, tình người. Tôi không thể phê bình nhạc nào của tôi cả, việc đó xin dành cho người thưởng thức.

Thời gian tới, tôi dự định "làm thinh". Con người ta phải có lúc làm, lúc nghỉ. Tôi làm thinh 10 năm nay vì mải theo đuổi nàng Kiều của Nguyễn Du. Khi tôi dự định trở về, tôi có nhiều cảm hứng, làm 10 bài Hương ca, nói về quê hương năm 2000 thì sẽ khác. Đã phổ biến được 5 bài rồi.

Đây là câu hỏi Toro đặt ra và Nhạc sĩ Phạm Duy trả lời, tiếc là VNN không ghi rõ đây là câu hỏi bạn đọc gửi đến, mà mặc nhiên như câu hỏi PV của bản đài.

http://vietnamnet.vn/vanhoa/2009/03/838470/

--> Read more..

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2009

Gái Việt xếp hàng cho trai Hàn chọn vợ

Tin này không mới, mấy năm nay vẫn diễn ra, nhưng vẫn khiến ta nghĩ ngợi, buồn lòng.

Sáng 20-3, khi ập vào kiểm tra ngôi nhà trên đường Dương Bá Trạc, phường 2 quận 8, TP HCM, cảnh sát phát hiện 65 cô gái vừa tham gia xép hàng cho các chú rể Hàn coi mắt. Trước đó, có 3 cô được chọn cùng chú rể Hàn Quốc đã nhanh chân đi mất.

Các cô gái tham gia đường dây môi giới hôn nhân trái phép tại cơ quan công an.

Tại cơ quan công an, Phạm Văn Thắng (tự Thắng Đen) và Trương Thị Thúy Diễm cùng ngụ tại quận 8 đã khai nhận hành vi của mình. Thắng thuê ngôi nhà trên làm địa điểm cho các chú rể Hàn Quốc tới coi mắt chọn vợ với giá 400.000 đồng mỗi lần. Trước đó, đã 3 lần Thắng - Diễm tổ chức coi mắt cho các chú rể Hàn Quốc trót lọt.

Ngoài các cô gái được Thắng đưa về từ các "lò" chờ coi mắt, Thắng và Diễm thường xuyên về các tỉnh miền Tây tìm kiếm, dụ dỗ các cô gái muốn lấy chồng ngoại tham gia vào đường dây tổ chức coi mắt này. Mỗi gia đình có cô dâu được chọn Thắng trả cho họ 3 triệu đồng.

Thắng cũng móc nối với các đường dây môi giới hôn nhân Hàn Quốc để đưa chú rể Hàn qua Việt Nam coi mắt. Khi chú rể chọn được vợ sẽ phải trả cho Thắng 6.000 USD.

Tại sao các cô gái xứ ta lại phải tìm đường bỏ nước ra đi, bằng cái cách không mấy chắc chắn có được hạnh phúc? Vụ án một cô dâu Việt bị chết tức tưởi năm ngoái ở Hàn Quốc đâu đã nguôi ngoai.

Đất nước đang ngaỳ càng phát triển, nhiều đô la đổ vào, sao vẫn không mang lại cơm no áo ấm cho các gia đình đó, để họ phải cho con dứt ruột ra đi?

Có phải do đàn ông quê hương các cô tối ngày nhậu xỉn, đánh vợ, mắng con khiến họ chán nản ra đi?

Hình ảnh đất nước ta, thương hiệu quốc gia Việt Nam qua con mắt những người đàn ông đến mua vợ như mua gà vịt thế nào nhỉ? Thế giới nhìn ta bằng con mắt thế nào ?...

Không thể nói ta không thấy xấu hổ và đau lòng... Mong các quan trên cũng trăn trở để chấm hết nỗi đau này.

--> Read more..

Thứ Tư, 18 tháng 3, 2009

Bài thơ tình viết ở Hồ Gươm

Nét son Thê Húc

Thắm ướt môi mưa

Soi bóng hàng mi mắt nhắm

Tháp Bút căng mình

Viết vào mưa xuân nỗi nhớ

Em… em…

Nửa trái đào nghiên ngửa lòng

Khô mực

Thèm ngọn bút lông

Cây giấu trong mình ngọn lửa

Bung ra búp nõn

Tinh khôi

Chân tháp cỏ xanh bối rối

Mưa xuân ẩm ướt sinh sôi

Mu rùa thấp thoáng

Em ở đâu

Trong gió tơ, trong nắng hoang

Anh ở đây lang thang…

3-2009

--> Read more..

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2009

Khô...

Bài trước đã cho thấy cái non tơ, tươi mới của thiên nhiên Hà Nội, hôm nay xin nói về một cành cây khô...

Cơn bão, lụt đổ vào miền Bắc cuối năm ngoái đến giờ có lẽ đã qua nửa năm rồi nhỉ, vậy mà cành nhãn bị quật gãy từ ngày đó, treo trên một đống dây điện vẫn treo mình từ đó đến nay. Hiện trường sát ban công cơ quan tôi, tôi có thể thò tay nhặt mấy cái lá vàng được. Dưới cành cây là khu dân cư... Vậy mà không ai bỏ ra chừng nửa giờ hạ nó xuống để bảo đảm an toàn đường điện.

Thủ trưởng cơ quan tôi bảo, dây điện của dân, mình sao có thể đụng vào. Dân có lẽ cũng nghĩ, chưa mất điện chưa lo...

Cứ mỗi lần nhìn vào cành cây tôi lại băn khoăn về lối sống của con người của con người bây giờ. Thờ ơ. Không quan tâm đến ai. Ai cũng mải kiếm tiền... Có phải thế không nhỉ?!

Một nhà văn Mỹ nói rằng: Thời đại chúng ta đang sống là thời dại buồn chán nhất vì mục tiêu của cuộc sống là lơị nhuận.

--> Read more..

Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2009

Hồ Gươm, phần 2

Được mọi nguời khen, toro xin post tiếp phần hai của loạt ảnh này. Xin dẫn mọi người vào thăm Đền Ngọc Sơn, nơi thờ Văn Xương Đế quân và Trần Hưng Đạo, xem một vài hoành phi, sau đó lại trở ra ngắm hồ nhé...

Đắc nguyệt lâu
--> Read more..

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2009

Mưa xuân trên Hồ Gươm

Phương Nam đang rực rỡ nắng vàng, nhưng miền Bắc vẫn còn se lạnh và mưa xuân giăng đầy trời, đến nỗi nguyenthuthuy cũng phải thốt lên những lời mơ mộng ngỡ ngàng. Tớ xin po post mấy tấm ảnh chụp Hồ Gươm trong mưa xuân cách đấy 4 ngày để tặng các bạn. Chia sẻ chút lạnh mùa xuân... Chia sẻ chút náo nức của những mầm xuân đang cựa mình, bung ra lá nõn.

Cổng Đền Ngọc Sơn, hai chữ Phúc Lộc , thủ bút của cụ Nguyễn Văn Siêu Cầu Thê Húc Lá nõn Liễu rủ Tháp Rùa nhìn từ Tháp Hòa Phong NHiều đôi vẫn đội mưa tình tự chả cần ô...

Tháp Rùa nhìn từ Hàng Khay.

--> Read more..

Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2009

Ghen cần đúng cách

Có bạn chuẩn bị thực hiện một vụ GHEN, hỏi ýkiến tớ, dù chả có kinh nghiệm nhưng cũng đành thể hiện nhiệt tình bằng cách viết bài này để trả lời.

Ghen là gia vị của tình yêu. Gia vị là thứ thêm vào nguyên liệu chính - tình yêu, nên nêm sao cho vừa đủ, ít quá không ngon, nhiều quá thì hỏng cả món ăn. Nhưng làm thế nào để biết là vừa đủ, ghen cho đúng cách nhỉ?

Tôi cho rằng ghen đúng cách là kiểu ghen có lý, có tình mà không xúc phạm, hạ thấp danh dự của cả hai bên. Nếu bạn thấy có những dấu hiệu lạ trong cuộc sống của người kia, như hay nghe những cú điện thoại bất thường rồi vội vã đi đâu đó, có khi nói dối… chẳng hạn, thì bạn có quyền nghi ngờ. Bạn có thể thể hiện sự nghi ngờ, đề nghị người kia giải thích nhưng phải trên tinh thần thẳng thắn, khéo léo, vì hạnh phúc gia đình. Từng ấy chưa đủ để có thể kết luận rằng bạn đang bị phản bội. Bạn cần có chứng cứ cụ thể hơn. Biết đâu đó chỉ là mấy ông bạn nhậu rủ rê… Sự tưởng tượng, suy diễn dễ đẩy bạn đến cực đoan.

Bạn có thể ghen khi nguời kia có những cử chỉ quá ư thân mật, hoặc quan tâm quá mức đến người khác, nhưng bạn đừng ghen ngược, ghen với những người yêu cũ của chồng ( hay vợ) mình, đừng giận dữ thấy đôi khi họ thăm hỏi nhau, hay một vài cuốn sách hoặc đồ vật nào đó của mối tình cũ vẫn được họ giữ lại. Người ấy kết hôn với bạn, trao gửi cả cuộc đời cho bạn là bằng chứng mạnh mẽ nhất của tình yêu rồi bạn ạ. Quá khứ là cái đã qua, hiện tại mới là là những giây phút quý giá nhất.

Một chút ghen khi người ta lơ là có thể tăng thêm thi vị cho cuộc sống vợ chồng đang ngày càng cũ đi nhưng ghen, ghen tuông lại như ngọn lửa, từ ấm áp có thể bùng cháy lên thiêu đốt tất cả. Khi ghen tuông khó ai giữ được bình tĩnh, do đó dễ nói quá lời, dễ có những cử chỉ, lời nói thiếu cân nhắc xúc phạm người kia, và qua đó cũng làm tổn thương đến danh dự của chính bạn đấy. Hãy ghen cho đúng cách bạn nhé.

--> Read more..

Thứ Hai, 9 tháng 3, 2009

Thị bò bít tết+Vim

Hôm nay rủ một anh bạn đi ăn thịt bò bít tết, té ra nhà anh này làm nghề đó. Anh ấy bảo, tôi khuyên thật bác nhé, đừng bao giờ ăn món đó cả.

- Sao thế?

- Tôi nói riêng với bác nhé. Để miếng thịt bò mềm, lại không ngót, nhà hàng trải miếng thịt ra bơm vào mỗi mặt thịt một lớp Vim, lấy búa gõ, bọt sùi lên, đem rửa qua rồi cho vào chảo...

- Vim là cái gì?

- Anh không xem quảng cáo trên ti vi à? Vim là thuốc tẩy nhà vệ sinh đó.

- Ối trời ơi!

- Nhưng nhà tôi thì không làm thế đâu. Các hàng khác thì đều truyền nhau bí quyết này...

-!?!?

-Dưa chuột ăn kèm cũng thế. Họ hái từ khi quả bằng ngón tay cái, đem vào ngâm dung dịch một đêm, sáng mai dưa to bằng chuôi dao, xanh mướt...

!?!?

--> Read more..

Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2009

Phong bao tặng cô

Ở cơ quan nghe mọi nguời bàn tán về chuyện tặng phong bao cho cô giáo của con ngày 8-3 khá xôn xao. Một cô kể, con bé nhà em được cô ( mẫu giáo) dạy hát bài 8-3 suốt cả tuần nay rồi. Khổ quá, không nhắc cũng phải nhớ tặng phong bao cho cô mà.

Cậu khác kể: Ối giời, chưa bằng con nhà tớ, cô còn nhắc mai sinh nhật cô phải mua hoa tặng cô kia. Hoa thì phải kèm phong bao rồi.

Thời buổi kinh tế thị trường, bây giờ ai biếu quà cô giáo cũng kiếm cái thiếp viết mấy dòng, kẹp tiền vào giữa để đưa tặng cô. Có người muốn giấu con là trong đó có tiền nhưng lũ trẻ biết cả. Bây giờ thành lệ rồi, cả người đưa người nhận cũng quen. Thôi thế cũng được, tùy thời, tiện lợi cho cả hai bên. Phụ huynh nào cũng muốn tỏ lòng cám ơn cô đã chăm lo cho con cái mình. Cô nhận cho là vui rồi...

Tối qua nhớ chuyện đó mình mới hỏi bà xã, có nhớ tặng quà 8-3 cho các cô giáo không?

-Em làm từ hôm qua, chờ anh nhắc có mà sang mùng 9. Nhưng cô chủ nhiệm của BT gửi lại, cô bảo: Coi như cô nhận rồi, con về tặng lại mẹ nhé!!

Nhớ lại hôm 20-11, vợ chồng rủ nhau đi đến nhà chúc mừng cô. Nhà cô khó tìm, mãi mới gặp được một chị cũng là giáo viên nhiệt tình dẫn đường, vừa đi chị này vừa kể: Nó là bạn dạy cùng trường tớ đấy nhưng nó nghiêm lắm, không cho phụ huynh biết nhà và không nhận quà cáp gì đâu. Lần trước cũng có người quen của tớ bị nó trả lại rồi. Các cậu vào đừng nói là tớ dẫn đến nhé.

Nhà cô đơn sơ, bóng dáng một thời bao cấp vẫn còn. May mắn là hôm đó cô nhận chút quà nhỏ của chúng tôi...

Có thể cô sống không hợp thời lắm nhưng... tôi thấy kính trọng!

--> Read more..

Thứ Tư, 4 tháng 3, 2009

Mưa phùn

TTO - Có ai yêu những cơn mưa lây rây, giăng mắc không gian trong những ngày xuân lá nõn. Những cơn mưa li ti như bụi bay, vương vương trên mái tóc. Nó như tiếng gọi của mùa xuân, của đôi lứa, của nảy chồi lộc biếc. Bạn từ phương Nam sẽ thấy cái đặc trưng đất Bắc là có mưa phùn. ..

Em yêu dấu, có nghe trong tiếng mưa phùn, còn có bao âm sắc, có cả tiếng cựa quậy của mầm xuân, của sự giao hoà đất trời, của lời tỏ tình hoa lá. Em có nghe chăng tiếng tách vỏ của những thân cây xù xì xám ngắt, từ đó, chui ra những đốm lửa xanh. Mưa phùn như sự thôi thúc cho cảm hứng thi ca, cho cả những nhịp tâm hồn nảy thành khúc hát du dương để xuân thêm đằm thắm. Thì em tin không? Tôi sẽ hát em nghe bài hát từ cõi lòng tôi bay lên, tự viết và dùng hơi ấm xuân phổ nhạc, em sẽ thấy sự u ám, lạnh buốt mùa đông tan biến, chỉ còn cảm giác của đê mê đất và người.

Mưa đã xui tôi gặp em, rồi yêu em. Người con gái mảnh mai tóc liễu ven hồ. Em đẹp và thánh thiện như bức tranh thời phục hưng. Em đẹp như mùa thơ tôi vừa hái. Tôi đi bên em trong mưa. Hoa cài lên tóc. Mưa đậu trên tóc duyên duyên. Tôi muốn ôm lấy em trong mưa, nhưng sợ, cái sợ khó diễn tả thành lời. Sợ em như giọt sương, dễ vỡ, nên cầm lòng, chờ mong cơ hội trong phút giây thật lòng.

Người yêu của tôi, mưa ngoài kia mềm mại quá, như giấc ngủ ngon đêm thâu. Em bí ẩn đời tôi, diệu vợi đời tôi, khao khát đời tôi. Có khi nào đó, hồn thơ tôi bất lực, thì em ơi, làm sao tả được, sự rung rinh đáng yêu của tâm hồn em. Nhưng có lẽ, tôi sẽ cầu mong sự đồng điệu của hai tâm hồn, để chúng ta mãi mãi là của nhau.

Em thấy không, mưa phùn đến, rồi mưa phùn sẽ đi. Mùa xuân đến rồi đi, nhưng tuổi xuân thì chỉ có một. Tình yêu tôi hướng hết thảy về em. Em cũng biết rằng, mùa đến, sẽ làm những trái tim già nua hồi sinh, có thêm sức sống. Cũng như mưa xuân cho những mầm cây nảy xanh. “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”. Em có biết, tháng Giêng mãi làm tôi xao xuyến, để luôn ghi nhớ mình có một tình yêu, và hướng về. Thì em hãy hát lên đi, cho đời trẻ mãi. Em yêu!

NGUYỄN VĂN HỌC

--> Read more..

Thứ Ba, 3 tháng 3, 2009

Con sít hay con nhít?!

Theo yêu cầu của bạn Catul, trong khi chờ đợi blogger uyên bác Bulukhin lên tiếng, tớ post bài này sưu tầm (và biên tập lại) từ trên mạng, của một tác giả ở bên Pháp, chúng ta cùng đọc cho vui...

Con sít, con nít và con nhít

" Quan họ " có bài Trống cơm :

Trống cơm khéo vỗ nên vông,
Một bầy con sít lội sông đi tìm.
Thương ai con mắt lim dim,
Một bầy con nhện đi tìm chăng tơ.
Thương ai duyên nợ tang bồng.
(
Nguyễn Văn Phú, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Viêm, Tú Ngọc, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Văn Hóa, 1962, tr. 182).
Trong Nam, vào những năm 1960 cũng có bài Trống cơm, lời ca đại khái là :

Tình bằng có cái trống cơm
Khen ai khéo vỗ (ớ mấy bông mà) nên bông...
Một bầy tang tình con nít ( ớ mấy lội, lội) lội sông
Đôi con mắt (ớ mấy là) lim dim...
Lời hát hơi khác nhau. Đặc biệt là một bên có con Sít, bên kia có con Nít.
Trong Nam ca con nít là... đúng điệu quá trời rồi, phải không tía ? Nhưng phiền một điều là Trống cơm là Dân ca Quan họ. Tại sao con nít trong Nam lại chạy tuốt ra Bắc Ninh lội sông làm chi vậy à?

" Quan họ " Bắc không chơi với con nít, hát con sít cho xong chuyện, khỏi thắc mắc. Khoan khoan hò ơi... Có người hỏi con sít là con gì thế nhỉ?

Tiếng Việt có con bọ xít và con sít.

Bọ xít là một loài bọ cánh nửa, thân hình năm góc, có vòi châm hút nhựa cây, tiết chất rất hôi.

Con sít là một loài chim cỡ bằng con gà, chân cao, mỏ đỏ, lông đen ánh xanh, hay phá hoại lúa (Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê).

Con sít

Bọ xít và sít bay trên trời, đỗ trên cây, thỉnh thoảng đáp xuống đất hay xuống ruộng nước để kiếm ăn.

Bọ xít và sít không có khả năng kéo bầy lội sông. Hát rằng " Một bầy con sít lội sông đi tìm " là sai.

Rốt cuộc cả hai lời hát đều... có vấn đề à?

***

Con nít rủ nhau lội sông nô đùa, nghe rất hợp lí, nhưng không đúng đất dụng võ.

Tự vị của Huỳnh Tịnh Của (1895) định nghĩa chữ Nít (chữ Nôm) là trẻ con.

Tự điển Génibrel (1898) có từ Nhít (từ địa phương miền Bắc) nghĩa là trẻ con. Từ Nhít (trẻ con) này không có trong các từ điển khác.

Chữ Nít được Huỳnh Tịnh Của viết bằng chữ Niết (Niết bàn).

Chữ Nhít được Génibrel viết bằng chữ Niết + chữ Tiểu (nghĩa là nhỏ).

Nít và Nhít có nghĩa giống nhau, có âm (Niết) giống nhau.

Nhít (miền Bắc) hay Nít (miền Nam) là một, tương đương với chữ Nhi (chữ Hán, nghĩa là trẻ con).

Chúng ta còn giữ được một dấu vết hiếm hoi của chữ Nhít.

Bộ tranh Oger (1909) có một tấm vẽ cái tiểu sành đựng hài cốt trẻ con. Tên tranh được nghệ nhân dân gian ghi là Cái tiểu " nhị ". Chữ Nhị có kí hiệu của chữ Nôm. Nếu đọc chữ Nhị theo nghĩa (nhì hoặc hai) thì tên tranh không có nghĩa. Chữ Nhị phải được đọc theo âm thành Nhít. Tên tranh là Cái tiểu nhít, tức là Cái tiểu trẻ con.

Trở lại bài dân ca quan họ Trống cơm.

Ngoài hai chữ Nhít và Nít nghĩa là trẻ con, chữ Lội cũng cần được phân biệt.

Lội của miền Bắc nghĩa là đi trên mặt nền ngập nước (Từ điển tiếng Việt). Trẻ con (xắn quần) lội qua chỗ sông cạn nước. Giống như ngày xưa, lúc mực nước sông Hồng xuống thấp, trẻ con rủ nhau lội sang bãi Phúc Xá mót khoai lang !

Lội của miền Nam nghĩa là bơi. Con nít lội sông là trẻ con bơi qua sông. Trò chơi này nguy hiểm quá.

Nói tóm lại, lời của bài dân ca quan họ Trống cơm đúng ra phải là Một bầy con nhítlội sông đi tìm. Lâu nay, chữ nhít đã bị nhầm thành sít, bị đổi thành nít.

Ngày nay, nhiều ông dửng mỡ có bồ nhí, nhiều căn hộ lụp xụp có chuột nhắt. Có lẽ nhí và nhắtcó bà con với nhít (nghĩa rộng là nhỏ, bé) chăng ?

--> Read more..

Thứ Hai, 2 tháng 3, 2009

Sánh ra thì tiếc uống vào thì say...

Hôm nay, cô nhân viên trong cơ quan mời về quê dự hội làng. Hội làng Phù Chẩn, Bắc Ninh, vùng đất quan họ.

0306To08L.jpg picture by baby_mylove1512

Vào tiệc, chồng cô bé rót rượu và hát bài mời rượu:" Tay tiên rót chén rượu đào/ Đổ đi thì tiếc uống vào thì say..."... Mọi người khoái lắm. Tớ bắt lỗi ( cho vui):

- Cậu hát sai rồi, nên tớ không uống.

-Sao ạ?

- Nguyên văn lời cổ bài này là :" Tay tiên rót chén rượu đào/ Sánh ra thì tiếc uống vào thì say". Nghĩa là rượu rất quý, sánh ra ngoài một chút đã tiếc mà uống vào thì say. Lời cô con gái nhún nhường ý nói em là nữ nhi , không uống được... mời các anh Hai uống.

-Vâng, đúng ạ.

- Bây giờ cậu hát: Đổ đi thì tiếc, uống vào thì say, có nghĩa là rượu định đổ đi, tiếc rẻ mang mời khách sao?!!

- Vâng, em hát sai thật, đúng ra thì phải hát là " sánh ra thì tiếc..." nhưng hát " đổ đi" dễ hơn nên hát quen miệng. Em xin phạt một chén..

Hiiii. Người quan họ rất lịch lãm, câu chữ khéo léo vô cùng, tiếc là bây giờ nó cứ mai một như thế. Xin chia sẻ một kinh nghiệm để lần sau các bác nghe Quan họ, bắt lỗi cho vui.

- Xin lỗi quê anh ở đâu ạ? Cậu chủ nhà hỏi tôi.

- Anh ở làng Diềm.

- Ối trời, làng thuỷ tỏ quan họ mà lỵ...

(Thực ra tớ trai xứ Đoài, ăn cơm thì ít ăn khoai thì nhiều...)

--> Read more..

Flags

Flag Counter