Thứ Năm, 31 tháng 12, 2009

Khoả thân và máy bay

-Chào anh, năm mới tốt lành anh nha…

-Anh cũng chúc em một năm nhiều sức khoẻ bình yên, hạnh phúc, có nhiều tiền đến ra Hà Nội dự lễ 1000 năm Thăng Long nhé.

-Ối, em sợ đi máy bay lắm. Khoả thân hết dưới ống kính của mấy anh an ninh.

-Ai bảo em thế?

-Mỹ vừa có vụ một tay hành khách của hãng hàng không Northwest Airlines đi từ Amsterdam, Hà Lan, tới Detroit, Mỹ đã giấu một khối thuốc nổ trong quần lót, vì thế y thoát các cửa kiểm tra an ninh. Trên máy bay, y kích hoạt thiết bị nổ. May thay, vì lý do kỹ thuật, khối thuốc không kịp phát nổ như dự tính, hành khách và phi hành đoàn đã kịp khống chế nếu không thì hậu quả đau thương. Vấn đề đặt ra là phải soi khoả thân hành khách.

-Ồ, đúng là nếu không soi khoả thân thì làm sao phát hiện ra thuốc nổ bị giấu ở chỗ kín.

-Dạ, phiền phức ở chỗ nó sẽ phát hiện ra cả silicon trong vòng 1 của chị em, đeo khoen ở rốn hay dùng chân tay giả, bộ phận cơ thể giả… Ngượng chết đi được.

-Chỉ một nhân viên máy soi nhìn thấy và có thấy như chụp ảnh đâu mà lo em.

-Có khác gì lột sạch quần áo để xem xét đâu. Khi thấy có bộ phận nghi ngờ thì các nhân viên an ninh phải hội ý chứ, thế là bàn tán, chỉ trỏ… Nghĩ mà xấu hổ.

-Em thuộc diện bảo thủ thật đấy. Ở nước ngoài từng có nhiều bức ảnh chụp hàng ngàn người khoả thân, rồi có nhiều cuộc biểu tình khoả thân để kêu gọi bảo vệ môi trường… Như thế còn chả ngại nữa là soi.

-Nhưng nhiều người lại không thể làm thế, nhất là phụ nữ Hồi giáo, họ còn không để lộ mặt cho người ngoài chồng nhìn thấy cơ mà.

-Anh biết là về mặt tâm lý không dễ chịu với đa số người, không chỉ riêng phụ nữ nhưng phải vì cái quan trọng hơn là an ninh cho chuyến bay, mà chấp nhận em ạ.  Như trường hợp vào bệnh viện sinh đẻ, chữa bệnh, dù trước cả tập thể thầy thuốc hội chẩn cũng phải…cởi chứ sao? Vì sức khoẻ, tính mạng quan trọng hơn hết. Như trước đây mình cấm pháo cũng tiếc, tiếc một nét văn hoá nhưng vì an ninh nên phải chấp nhận.

-Hì hì, anh thuộc trường phái cởi…mở. Nói đùa vậy thôi, tôn trọng sự riêng tư của nguời này có thể làm mất an ninh của người khác. Vấn đề ở chỗ các cơ quan chức năng phải dung hoà để có giải pháp hữu hiệu và hợp lý nhất. Khi cần thì cũng phải… cởi.

-Lại quá đà rồi, đi máy bay không cần cởi đâu. Hẹn gặp nhau ở Thủ đô em nhé!!                 
--> Read more..

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2009

Cười một cái chia tay năm cũ

-Anh em mình trò chuyện hôm nay là tất niên 2009 đó nha. Loáng cái đã hết một năm.

-Ừ, nhìn lại năm qua nhiều vất vả em nhỉ. Lũ lụt miền Trung này; giá vàng chao đảo thị trường này; nhiều vụ tai nạn đau lòng…

-Thôi anh à, nghĩ làm chi cho rầu. Hết năm rồi, mình nghĩ cái gì dzui dzui để tiễn đưa năm cũ một cách nhẹ nhàng. Em thì thấy khoái nhất là năm vừa rồi có nhiều dự thảo chủ trương, quy định giàu tính u-mua. Đúng là dân tộc mình có tính hay cười, chết cũng cười…

-Em nói hay đấy. Hà hà, vụ ngực lép không được đi xe máy là anh thấy ấn tượng nhất. Không hiểu nếu được áp dụng sáng kiến này của Bộ Y tế thì trên đường giao thông sẽ còn bi hài đến đâu. Tắc nghẽn chứ chả chơi. Ví dụ cảnh sát phải lấy thước dây ra đo ngực các cô người tham gia giao thông xem có đủ số cm theo quy định không. Mà đo thực chứ không được đo qua Triumph, Vera… nhá.

-Có khi mấy tay lang băm chuyên nâng ngực vận động hàng lang cho quy định này anh ạ. Lúc đó họ tha hồ hốt bạc bằng silicon. Trước đây suýt có quy định xe  chẵn đi ngày chẵn, xe lẻ đi ngày lẻ nữa chứ.

-Ừ, lại còn có sáng kiến xe ngoại tỉnh để ngoài, không được vào thủ đô. Nghe mà hãi… Giả sử thực hiện sáng kiến này, các tỉnh khác cũng học tập thì mỗi tỉnh cát cứ một kiểu, không cho xe biển lạ vào thì … ngang với loạn 12 sứ quân.

-Ấn tượng nữa của tụi em trong này với ngoải là dự án phổ cập tiến sĩ cho cán bộ thành phố. Họ biểu: Có trình độ tiến sĩ mới có tư duy đột biến. Ha ha… Đột biến có hay có dở, có lành lặn, có quái thai. Sao họ thích đột biến vậy không biết…

-Em ơi tác giả đề án cũng là một Tê - ét đấy. Hà Nội đang có một đề án ấn tượng nữa, đó em biết là cái gì?

- Dạ, cấm cán bộ cưới con ăn quá 40 mâm, đúng không? Em đọc vụ này mà khó tin. Một ông cưới con làm đúng 40 mâm theo quy định, bất ngờ có nhóm bạn nghe tin mà đến mừng, phải bổ sung 2 mâm. Vượt quy định, he he, kỷ luật. Đúng là bi hài.

-Em đoán sai rồi.

- Cấm lấy tiền có nguồn gốc công quỹ đi biếu tết, đúng không? Cái này hài hước ở chỗ, đã cấm thế thì ngưòi đi biếu bảo “nhà em trồng được”. Mà tưởng tưởng cảnh sếp nhận gói quà và hỏi: Nguồn gốc thế nào, có chứng nhận nguồn gốc không… thì cười đau bụng.

-Cũng sai. Lệnh cấm mới liên quan đến đối tượng rộng hơn- Cấm hôn nhau ở công viên, nơi công cộng.

- Trời… Thế thì chết các đôi yêu nhau rồi, chết các đôi vợ chồng tiễn nhau ra sân bay đi ngoại quốc rồi…Em công nhận cái này là quái chiêu cù thiên hạ.

-May thay, những cái đó chỉ là dự thảo cho dân chúng giải trí thôi em. Nó lú có chú nó khôn… em ơi. Năm mới vui vẻ nhé!       
--> Read more..

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2009

"Tình yêu" giáng sinh

Thiên Chúa tức là Tình yêu, ở đâu có Tình yêu ở đó có Thiên Chúa.

Anh không tin ở Chúa nhưng anh tin ở Tình yêu... Tình yêu  mang đến cho chúng ta những hạnh phúc nhiệm mầu, khiến cho ta trở nên yên bình trong lòng và nhìn đời bằng con mắt độ lượng hơn.

Nếu không có tình yêu thì mặt đất này buồn tẻ biết bao nhiêu... (ST)

--> Read more..

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2009

Mất vàng vì sao?

Tối qua, coi trận chung kết bóng đá nam tại SEA Games mà buồn thúi ruột. Các cầu thủ đã không trả được món nợ cho người hâm mộ em nhỉ?! Nhìn những cổ động viên mặc áo hình quốc kỳ đỏ rực trên sân, háo hức, hân hoan mà xót xa. Cuối trận, có cầu thủ khóc như mưa…

Thua thắng trong thể thao là bình thường, dù quả này rất đắng. Điều quan trọng là rút ra điều gì từ thất bại này. Có nhiều điều để bàn, nhưng chỉ xin nói đến thủ môn.

 Tấn Trường đau đớn, lăn lộn trên sân  khiến đồng đội lo lắng. Tại sao không thay thủ môn dự bị là điều không thể hiểu nổi.

Có lẽ do Tấn Trường vẫn nghĩ là mình giỏi nhất, không thể ai có thể thay thế được, nên dù đau đớn vẫn quyết trụ lại, ngay cả khi ban huấn luyện ra dấu thay người.

Tâm lý đó dễ hiểu, cơ hội thi đấu trận lớn như thế ai chả muốn thể hiện, muốn cống hiến đến giây phút cuối cùng. Nhưng họ đâu biết, có thể vì muốn cống hiến đến giây phút cuối cùng mà hại cho đại cục và làm mất cơ hội của lớp đàn em sung sức, tràn đầy hứng khởi ngoài lề sân cỏ đang khởi động với khát vọng sục sôi?!

Lẽ ra huấn luyện viên phải quyết định, phải thay người khi thấy cần thiết, bất kể anh là ai, khi không đáp ứng được yêu cầu công việc là phải thay. Ban huấn luyện có quyền như vậy cơ mà, sao họ không thực thi quyền đó của mình. Trách Tấn Trường 1 thì trách ông Tô 10.

-Có lẽ ông Tô không phải không biết, nhưng còn vướng mắc gì đó chăng? Người ngoài nhìn vào thấy đơn giản nhưng người trong cuộc có cái khó của họ, ví dụ nợ tình nợ nghĩa, ví dụ con ông nọ cháu bà kia, vv và vv…

-Chuyện sân cỏ mà anh cứ làm như chuyện chính sự. Hi hi… Đúng là mắc bệnh  nghề nghiệp.

-Thì thể thao cũng đâu có tách khỏi đời sống xã hội, luật pháp… Các cầu thủ được cưng như vàng của ta đã chả biến thành tội phạm, thành bị cáo ra Toà lĩnh án vì bán độ năm nào hay sao. Bóng đá cũng là một lăng kính phản ánh đời sống chứ em.

-Đúng thật. Nếu suy ngẫm kỹ thì ta có được nhiều bài học từ trận đấu này…

--> Read more..

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2009

Xôi trắng chè kho

Bác PNH viết một bài về bánh mỳ, món Tây nhập rất hay, tôi nhân đấy viết về một món dân dã, mời cả nhà thưởng thức.

Hồi còn nhỏ, khi được một tý xôi trắng và thỏi chè kho bằng cái bật lửa mà ăn thì ngon vô cùng. Vị ngọt của chè kho, có thảo quả, quế chi thơm quện lẫn xôi trắng khiến đứa nào cũng ăn thật chậm.

Mỗi đứa có một chút thế thôi vì đó là lộc ông bà đi việc họ hay tế lễ về, chia cho nhiều đứa.

Một trong những nguồn chè kho là "cỗ lễ đám cưới". Quê tôi có tục lệ khi có con cháu cưới, người ta mang lễ đến cúng ông bà nội , ông bà ngoại cô dâu chú rể và cả ông bà nội ngoại của cha mẹ cô dâu chú rể nữa. Một đám cưới có thể dăm ba cỗ lễ như thế... Ngày xưa có thể bưng cả mâm cỗ đến nhưng sau này để cho giản tiện, người ta chỉ mang một đĩa xôi to, một miếng chè kho vuông 20, dày chừng 5 cm, mấy quả cau, chén rượu đến thôi. Người chủ nhà nhận được lễ ấy sau khi cúng thì mang chia lộc cho con cháu của cụ được cúng. Vì thế mà không có nhiều.

Hôm nọ về quê, lại thấy có xôi trắng chè kho, hôm đó nhà bà cô tôi có con cưới vợ.

Tôi nghĩ thầm, cưới con ăn hàng trăm mâm mà cúng bố mẹ lại cúng chay, chán thật. Hii, ngày đẻ thằng chú rể bây giờ, bà nội tôi, bà ngoại nó vất vả trông nom hàng tháng... Các cụ bây giờ có ăn đâu, nhưng đơn bạc quá, nghĩ thế cũng thấy chạnh buồn.

Chè kho là đỗ xanh đồ chín, cho đường hay mật vào đánh kỹ, đun đến khi khô mới đổ ra khay, rắc quế chi, thảo quả lên trên. Món này có thể để cả tuần không ôi thiu.

Bây giờ ăn chè kho cũng không thấy ngon như xưa vì ngọt quá... Dù tết nào về quê cũng phải ăn dăm ba miếng, các gia đình truyền thống vẫn không quên món này.

--> Read more..

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2009

Em có đến không?

Nhân một ngày đặc biệt, nhớ một bài thơ đặc biệt, bài "Đêm mưa" của Nguyên Sa, xin post lên để chia sẻ. Vì bài thơ dài nên cắt bớt một số câu, dù rất tiếc...
 
Đêm mưa
Tôi đợi em ở một góc công trường.
Ðằng sau lưng tôi: một giòng sông chảy quanh co.
Trước mặt: con đường nhựa đen dài chạy về xa bóng mưa rơi thấp thoáng.

Tôi đợi em từ 8 giờ. Bây giờ đã 9.
Có lẽ đã 9 giờ 5 phút.

Tôi không đếm thời gian bằng đôi mắt say mê của người biển lận
đếm bạc vàng rồi cất vào tủ sắt.
Nhưng chắc em biết rằng thời gian đợi chờ -
đợi chờ một người yêu - bao giờ cũng trôi qua rất chậm.

Tôi đứng hỏi thầm: Em đến hay không đến?
...
Tôi sẽ chỉ đem lại được cho em một cuộc đời đạm bạc: tôi chỉ biết ôm tóc em trong mưa để uống
từng giọt nước và nói cùng em những lời đắm đuối đầy thơ.

Phải, tôi sẽ ôm mái tóc dài đen ướt đẫm
bằng bàn tay của người chết đuối níu lấy mảng thuyền lướt đi trong bóng tối đêm khuya.

Và sẽ tìm trong mắt em những nụ cười say đắm.
Những nụ cười có sức đắm say mở rộng chân trời và nguồn sống vô biên.

Còn nếu như em không đến?
Em không đến tôi cũng chả dám giận hờn em.

Em hãy ở lại nhà. Ðóng chặt cửa sổ kẻo mưa hiu hắt.
Kéo chăn chùm kín cổ kẻo gíó lùa về lạnh những giấc mơ êm.

Em hãy ở lại nhà. Tôi không dám giận hờn em.

Tôi lại ra đi. Sáng ngày mai tôi lại ngửa mặt lên trời cao nhìn vầng thái dương đỏ lửa chói mắt thế nhân.

Tôi lại đi thẳng vào cuộc đời nghiêng ngửa.

Tôi lại đàn cho lòng tôi hát dịu lời ca.
Rồi những đêm khuya nhớ em tôi đàn to, hát to
gọi cuồng phong về điều khiển trăm cây làm vũ điệu.

Và nếu đến một ngày không còn ai dám hò hẹn trên bờ sông tôi sẽ về đốt đuốc đứng bên bờ Ngân Hà để Chức Nữ Ngưu Lang nhìn rõ mắt nhau qua đôi bờ sông tình tự.

Những ngôi sao rụng: tôi sẽ nhặt từng ngôi sao rụng.
Trăm ngôi sao tôi kết lại một vòng sao.
Ðể những đêm tối trời tôi trốn về đặt trên mộ
những người trinh nữ yêu thơ mà cũng phải giã từ nhân thế.

Còn những bài thơ tình của chúng mình xưa cũ
tôi sẽ chôn kín dưới những gốc hoàng lan để mai sau những người con gái hẹn hò mà e ngại đường xa ngồi nghe gió hiu hiu của lòng mình rung động.

Em sẽ đến hay em không đến?
Tôi sẽ đợi trong mưa mà không giận hờn trách móc em đâu.

Tôi không trách em bởi vì không thể trách người đời không biết nghe âm thanh của đá chuyển mình, mây vần vũ và bóng tối đổ mồ hôi
rồi cứ nhìn những tâm hồn thi sĩ bằng những đôi mắt vô cùng ngơ ngác, láo lơ.

Em không đến thì tôi lại đi.
Tôi sẽ cười vang và nghe núi vọng tiếng cười vang.

Tôi sẽ đến trên bờ đại dương xanh để soi gương và cũng để biết rằng: Tôi dám chạy ngược chiều mây bay vì tóc tôi là một bầu trời lồng lộng.

Phải, em không đến thì tôi lại đi.
Nhưng còn một phút một giây chờ đợi trong mưa
tôi vẫn hỏi thầm âu yếm: Em có đến không?
Em có đến với cuộc đời?
--> Read more..

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2009

Không đói cũng ăn vụng

-Em vừa đọc trên báo một câu chuyện thật có hậu anh ạ. Ước gì ở ta cũng có nhiều chuyện như vầy..

-Chuyện gì em?

- Một tên trộm đột nhập vào một cửa hàng tiện lợi ở Long Island (Mỹ). Tên trộm đã bị ông chủ cửa hàng Mohammad Sohail bắt quả tang. Tên trộm khóc sướt mướt, bảo rằng nhà hắn quá nghèo nên buộc phải làm thế để vợ con không bị đói. Ông chủ cửa hàng mủi lòng đưa cho tên trộm một ít bánh mì và 40 USD sau khi buộc anh ta hứa sẽ không đi chôm chỉa nữa. Trong khi Sohail quay vào trong để lấy thêm cho hắn một ít sữa thì kẻ trộm đã lủi đi mất.

-Chắc nó lại cuỗm thêm món đồ?!  

- Dạ không. Ha ha… Chuyện xảy ra từ hồi tháng 5 và có lẽ ông Sohail không còn nhớ gì tới nó nữa nếu như không vừa nhận được 50 USD gởi qua đường bưu điện cộng một lá thư. Người gởi chính là kẻ đã bị bắt quả tang ăn trộm. Anh ta hồ hởi khoe rằng đã có việc làm mới, có thêm một đứa con và không còn gặp khó khăn nữa. 50 USD là để trả lại món nợ ngày nào! Có điều ông ta không ký tên. Ông chủ cửa hàng cho biết sẽ dùng 50 USD này để làm từ thiện.

-Như chuyện cổ tích em nhỉ. Trường hợp bên Mỹ này đúng với nhận định của các cụ nhà ta ” Đói ăn vụng, túng làm càn” chứ họ không muốn như vậy. Khi người ta đói nghèo quá dễ làm bậy để sinh tồn. Như Giăng Vangiăng trong “Những người khốn khổ” đi ăn trộm bánh…

-Đấy là lẽ thông thường thôi nhưng nhiều người quyết “Đói cho sạch, rách cho thơm “ anh ạ. Ngược lại có người không đói, thậm chí giàu ních đố đổ vách vẫn ăn vụng, vẫn làm càn.

-Anh biết ý em rồi. Quan tham không nghèo mà vẫn tham nhũng… Đúng không!?  Lòng tham có tính bản năng mà em.

- Dạ, anh nói đúng. Người nghèo đói khó giữ được sự trong sạch, nhưng dường như quan chức cũng khó giữ được thanh liêm khi nhận quà quá dễ…

-Chính vì thế mà tại Hội nghị các nhà tài trợ CG 2009, người ta bày tỏ mối quan tâm đến tham nhũng và nâng cao tính minh bạch ở Việt Nam. Đây cũng là chủ đề “truyền thống” của các kỳ CG.  Đại sứ Thụy Điển Rofl Bergman nhận định tham nhũng tiếp tục là “một trong những tai họa lớn của xã hội Việt Nam”.

-Muốn chống tham nhũng thì phải minh bạch, minh bạch trong quy định của pháp luật, trong chính sách và dư luận nữa.

- Đúng thế. Đại sứ Thụy Điển nhấn mạnh đến vai trò của người dân, của báo chí  trong việc chống lại tham nhũng. Nếu quy định chặt chẽ, minh bạch thì quan chức cũng thận trọng, cũng dễ dưỡng liêm hơn.

--> Read more..

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009

Nhớ gió mùa đông bắc

... Hà Nội bỗng dung nhan đổi khác nhờ những cơn Gió Mùa Ðông Bắc. Thanh niên, thiếu nữ giấu trong chiếc áo len, áo dạ, những mơ uớc lãng mạn của mình. Họ khoác tay nhau ngồi xuống những quán ăn đơn sơ ngay ở vỉa hè. Chuyền tay nhau những chén lục tào xá, bánh trôi, bánh chay. Họ ăn bằng mơ mộng của tuổi trẻ, ăn bằng hoang mang của những ngày cuối năm, ăn bằng nôn nao của mùa xuân đang tới. Gió lãng mạn, gió phiêu du, gió làm gầy những con phố, làm trái tim dập dịu dàng và làm những bài thơ bỗng nghiêng xuống, nằm sát vào những chiếc lá cuối đông.
 
Bây giờ ngồi đây nhớ Gió Mùa Ðông Bắc, muốn khóc. 

(Vừa nhặt được trên mạng, tác giả là Trần Mộng Tú- Việt kiều)
 

--> Read more..

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2009

Dị ứng chữ L

Một anh bạn tôi nguyên là Thư ký riêng cho một lãnh đạo. Khổ nỗi, lãnh đạo nói ngọng, chữ L luôn ngọng thành N, kiểu như "nực nượng", "năn nộn", "nuột pháp"... vì vậy, trong các bài phát biểu soạn cho sếp luôn luôn phải tránh dùng chữ L. Nói cho nó có chữ nghĩa là "kỵ huý".

Anh bạn tôi bảo: Nghĩ lại mình cũng tài thật, có bài diễn văn 3 trang mà tôi không dùng một chữ L nào nên lãnh đạo đọc quá "nuột". Công nhận có lúc mình giỏi...

May mà chỉ kiêng chữ L trong diễn văn chứ kiêng tất thì có mà... "hỏng hết bánh kẹo"các bác nhỉ?! Hee...

--> Read more..

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2009

Tôi được ăn... thịt

"Có nhà thơ ở nơi đâu trên thế giới làm thơ về miếng thịt như một ám ảnh, một mơ ước xa vời: "tôi hãy tưởng tượng một hôm tôi được ăn thịt/ tôi vui vẻ nói cười/ miếng thịt có khúc mỡ dày/ chảy tuột qua cuống họng tôi/ hai mắt tôi mở to/ tôi ngồi dưới đất và/ đĩa thịt rất nhiều trước mặt..." [bài "tôi được ăn thịt"], đấy là những câu thơ hiếm hoi bộc lộ niềm vui thật trẻ thơ của ông. Nhưng đó chỉ là trong mơ, "...nửa đêm cả nhà thức dậy thắp đèn bắt muỗi/ thấy máu nghĩ tới bữa ăn lúc tối/ đứa có thịt ăn lại không bị muỗi rệp cắn/ tôi chưởi..."" ...tôi thèm một miếng mỡ/ miếng mỡ to và dày nằm trong một thứ nước đặc/ đóng váng/ miếng mỡ ở trong miệng tôi/ tôi cắn/ miếng mỡ kêu bụp đứt ngang/ nước chảy giữa hai hàm răng... tôi đứng dậy/ nuốt nước miếng. ". Tôi chưa bao giờ tưởng tượng cái thôn Vỹ Dạ nên thơ của Hàn Mặc Tử ngày xưa [lá trúc che ngang mặt chữ điền], nơi Trần Vàng Sao sinh sống từ ấu thời đến nay lại có một nhà thơ bị ám ảnh "no ấm" đến vậy ".

Vừa đọc đoạn này trên một bài giới thiệu sách mới, đó là thơ của nhà thơ Trần Vàng Sao- mà những năm chống Mỹ học trò từng biết đến. Nỗi khốn khó mà nhà thơ nêu lên đọc mà đau như xát muối. Không biết bây giờ cuộc sống của ông đã khá lên chưa, trông ảnh thì thấy ông thật tiều tuỵ.

--> Read more..

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2009

Yêu xác chết

VNN đăng tin một ông ở Quảng Nam, yêu vợ quá, nên sau khi vợ chết tối nào cũng lên mộ vợ để ngủ. Chưa "đã", ông ấy còn đào đường hầm để chui vào mộ vợ mà ngủ. Nghĩ đến thi thể đang thời kỳ phân huỷ mà rợn người.

 Cuối cùng, thấy bất tiện, ông áy nặn tựơng thạch cao rồi đào xác vợ lên cho vào trong tượng, mặc áo mặc quần, đưa lên giường ngủ. Suốt 7 năm qua ông ấy ôm xác vợ ngủ như vợ còn sống. Mỗi đêm trôi qua thế nào, phải huy động sức tưởng tượng của bạn đọc ...

Người ta bảo có bệnh "yêu xác chết". Bệnh này có nhiều lý do...

Theo đạo Phật, sau khi chết nên hoả táng để thân thể thành tro bụi, linh hồn không còn quyến luyến cái thể xác ấy nữa, dễ siêu thoát hơn.

Theo quan niệm ấy thì ông già chung tình ở miền Trung "Yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau" nhỉ?!

--> Read more..

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2009

Hành mỡ phi thơm và vấn đề đạo đức

 

-Báo Thanh niên đăng loạt bài về công nghệ làm hành phi mà kinh hãi quá anh à. Té ra họ đều  xài dầu bẩn để phi hành. Nguồn chủ yếu của thứ dầu này là … hố ga của các khu chế biến nông sản.

-Dư luận chưa nguôi vụ bao nhiêu tấn mỡ thối, lại thêm chuyện này được phát hiện…

-Khi hành đã thơm phức thì ai biết đâu anh nhỉ?

-Ở ngoài Bắc nhiều người cũng sợ món hành phi này rồi em ạ. Thứ nhất là hành khô được ngâm tẩm thuốc chống mối mọt, cực kỳ nguy hại cho sức khoẻ con người; thứ hai là nhiều loại hành phi giả, không phải là hành mà là cùi bưởi thái nhỏ. Nếu tinh ý, chỉ cần ngâm vào nước một lát là “hành” hiện nguyên hình em à.

-Quốc hội đang bàn đến Luật An toàn thực phẩm đó. Có cách nào ngăn chặn những hành vi coi thường sức khoẻ, sinh mạng ngươì tiêu dùng này hiệu quả hơn được không anh?!

-Cái này Quốc hội sẽ nghiên cứu nhưng anh thấy vấn đề nghiêm trọng hơn mà luật lệ khó điều chỉnh.

- Vấn đề gì anh?

- Đạo đức. Chỉ cần lướt qua báo chí những ngày gần đây ta đã thấy bao nhiêu tin kinh hoàng về sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Một phụ nữ dám đang tay xuyên cây kim cả chục cm vào đầu đứa trẻ sơ sinh vô tội; một phụ nữ chỉ vì giận chồng dám vứt đứa con mình dứt ruột đẻ ra xuống giếng; một thanh niên vừa lĩnh án vì sát hại bố rồi chặt ra nhiều mảnh; một thầy hiệu trưởng mua dâm học trò…

- Nhức nhối đến rùng mình anh à. Ai có thể ngờ một đất nước có truyền thống đạo lý bền chặt hàng ngàn năm như ta mà đạo đức lại sa đoạ đến như vậy. Ở trong này cũng có vụ cậu ruột chặt ngón tay cháu mình kìa…

-Do đó, anh thấy những người làm thực phẩm độc hại để có lợi nhuận cao, những người rải đinh trên đường để có việc làm, những người loè bịp để bán vòng ti tan giá cao… đều do căn bản đạo đức không còn. Khi trong thâm tâm họ chỉ còn có tiếng gào thét của đồng tiền thì họ sá gì những thủ đoạn bất lương.

-Có cách gì cứu vãn không anh?

-Câu hỏi khó quá nhưng không thể không nghĩ cách trả lời để khắc phục em à. Có lẽ sau những rao giảng giáo điều, người dân cần có những tấm gương đạo đức. Học trò không thể thôi quay cóp khi thầy cô cũng gian lận vì bệnh thành tích; không thể học thói liêm chính khi bố mẹ nó đưa hàng ngày vẫn chạy chọt, biếu xén phong bì… Xã hội cần lắm những người trên làm gương tốt cho kẻ dưới.

                                                                                     

--> Read more..

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2009

Lạnh và khô nẻ

Đó là đặc điểm thời tiết hiện nay ở Hà Nội và miền Bắc nói chung. Do độ ẩm quá thấp nên da mặt ai cũng bị khô ráp, nứt nẻ.

Hôm qua ngồi ở Nhà hàng Bánh Tôm Hồ Tây thật buồn cười khi thấy một anh chàng nhân viên nhà hàng đứng tô môi một cách kỹ lưỡng. Tưởng tay này xăng pha nhớt, hoá ra không phải, nó bôi kém chống nẻ.

Ngoài này có câu: "Bà khen con bà xinh, con bà tốt/ Đến tháng Mười một bà biết con bà " là thế. Da ai cũng xấu tệ...

Tôi rất thích những hôm trời thật lạnh... Cô nhân viên trong phòng thấy nói thế cươì rất nghi hỏi:" Ô... Tại sao anh thích trời lạnh, nói đi...?". Hỏi thế thì ai trả lời được.

Nhưng đi đường, hơi lạnh phả vào mặt có cái gì đó rất thú vị."Nghênh diện thu phong trận trận hàn"...

Tuy nhiên, tớ thích lạnh nhưng không thích khô nẻ, hay ngược lại là mưa phùn gió bấc.

Nói chuyện này để các bạn phía Nam chia sẻ với nguời ngoài Bắc...

--> Read more..

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2009

Tự kiểm điểm

Không biết các cơ quan ngoài nhà nước có lệ này không chứ cơ quan có tớ có cái lệ "rất tệ" - tớ nghĩ thế, là hàng năm mỗi người phải tự kiểm điểm, đọc lên trước đơn vị để mọi người góp ý.

Nhiều người có bản mẫu từ năm ngoái, sửa đổi vài chữ là lại in ra và đọc. Cũng chẳng ai có ý kiến gì...

Tớ đã là công chức bao nhiêu năm nay rồi mà vẫn ngại tiết mục này. Mình nhận xét người khác nghe chừng vô lối. Khen trước mặt họ thì ngượng mồm, chê lại càng không được phép. Tớ đành im...

Tuy vậy, mình cũng tự kiểm điểm lại mình xem 1 năm qua mình có OK không? Thấy ổn là được. "Em" xin mức Lao động tiên tiến.

Cuối cùng ai cũng như ai... Nhưng có những lời nói ra thành vết thương lòng.

Cái này tàn dư của kiểu quản lý bao cấp chăng?!

--> Read more..

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2009

Ngày Nhà giáo... nhớ ngày xưa

Một trong những ngày không thể nào quên trong ký ức thời học trò là ngày 20-11 hàng năm. Hồi ấy còn gọi là Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo. Mỗi đứa góp vài hào và một ít hoa, nhà nào có hoa gì thì góp hoa đó, chủ yếu là hoa hồng và mào gà. Chúng tôi thường mua một cuốn sổ và cái bút máy làm quà tặng cô… Chỉ có thể thôi nhưng chúng tôi đi có khi đến dăm bảy cây số để đến chúc mừng thầy cô. Thường là chỉ có quà tặng thầy cô chủ nhiệm, còn nhiều thầy cô khác chúng tôi chỉ thăm và chúc mừng bằng lời và mấy đoá hoa dân dã…

Không chỉ đi thăm các thầy cô đang dạy mà bao giờ chúng tôi cũng đi thăm thầy cô giáo cũ. Cả 4 năm cấp 1 chúng tôi học cô Phùng Thị Uyên ở xã bên cạnh, nên những năm cấp 2 không năm nào bọn lớp cũ chúng tôi không rủ nhau đến chúc mừng cô.

Năm nào cũng chỉ có thế mà háo hức vô cùng.

Tôi có bà cô làm giáo viên cấp 1 ở Lạng Sơn. Cô kể, ngày 20-11 học trò kéo đến tặng cô một quyển số, lại một nải chuối nữa và ba quả cam. Bọn trẻ, đa số là con em các dân tộc ít người, thưa vì mua sổ xong vẫn còn thừa tiền nên mua nải chuối, mua xong vẫn còn thừa nên mua 3 quả cam mới hết tiền… Nhìn lũ học trò mồ hôi nhễ nhại vì đi bộ, hai má đỏ hồng, mắt đen láy mà cô xúc động trong lòng.

Bà cô tôi nay đã 70 tuổi, lũ học trò ngày ấy cũng đã lên ông lên bà, nhiều người đã thành đạt. Mỗi khi nhắc lại chuyện ấy cả nhà đều rất vui.

Ở thành phố thì hồi đó ngwoif ta hay tặng cô mấy quả cam (Không có phong bao như bây giờ) nên dân gian còn gọi chệch là "Ngày hiến cam các nhà giáo". Hii...

Bây giờ tôi có bà chị dạy học ở quê. Hỏi chị 20-11 vui không? Chị bảo đến mệt người, không lẽ nói các em không cần đến. Sao thế?

-Học sinh bây giờ không như mình ngày xưa đâu. Nó không có sự nể sợ cô giáo như ngày xưa mà suồng sã, cợt nhả. Có cô giáo là con dâu mới về nhà chồng mà 20-11 lũ học trò kéo đến lại ra vườn trèo cây, hái ổi, làm tan hoang cả vườn nhà cô. Mà cô ngại không dám nói chứ…

Quả thật, đối với thế hệ chúng tôi  hình ảnh thày cô giáo thật thiêng liêng, như không phải người bình thường. Tôi nhớ khi đã học cấp 2 mà bất chợt nhìn thấy thầy giáo dạy văn rẽ vào hàng thịt chó mà tôi kinh ngạc và nghĩ ngợi mãi không thôi…

Bây giờ mình lại là phụ huynh học sinh. Ngày 20-11 mình thay con đi chúc mừng các cô giáo của con ( bây giờ hình như ít thầy giáo hơn xưa).  Dù đi thay con nhưng ký ức tuôỉ thơ vẫn khiến mình nhìn thày cô giáo với con mắt trân trọng, thiêng liêng, tuy nhiên quà cho cô của con khác với quà cho cô giáo mình ngày trước...

Không biết các bác ở trong Nam trước 1975 có ngày này không?!               

--> Read more..

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2009

Đặt tay...

Thuthuy kêu nhà vắng người, kẻ trộm khoắng sạch... Nghe hoảng quá. Ghi vài câu thơ tặng Thuythuy. Mấy câu này nổi tiếng trước 1975 ở Sè Gòng.

Đặt tay vào chỗ không thể đặt

Thế mà đặt được chẳng làm sao

Mười năm gặp lại trên hè phố

Cười tủm còn thương chỗ đặt vào.

Lứa trên dưới 40 như Thuthuy ... đọc chắc có nhiều liên tưởng thú vị

--> Read more..

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2009

Giải thưởng vô lương tâm

Nghe tin Vedan vừa được tuyên dương ba sản phẩm trong "Top 100 sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2009" do cơ quan đại diện phía Nam Bộ Khoa học - Công nghệ phối hợp với Trung tâm Tư vấn phát triển thương hiệu và chất lượng (NATUSI) tổ chức nhân Ngày doanh nhân Việt Nam, tưởng chuyện “cá tháng Tư”, nhưng bây giờ là tháng 10 rồi.

Nếu là “cá tháng Tư” thì cười nhưng “cá tháng 10” này thì muốn khóc… Con sông Thị Vải bị đầu độc, tôm cá chết, mang theo bao khốn khó cho người dân thuộc lưu vực con sông lớn này do Vedan gây ra. Để thau rửa hết chất độc hại đã ngấm xuống đất thì mất cả trăm năm… Bây giờ trao giải thưởng Vì sức khoẻ cộng đồng cho họ thì thật là sự xúc phạm lương tri và nhạo báng công lý.

Cách đây có 4 tháng , Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Xuân Cường báo cáo Quốc hội còn khẳng định Công ty này mới khắc phục bước đầu, mối lo ngại về môi trường vẫn tiềm ẩn. Ông Cường dẫn chứng, tuy Vedan ngưng xả nước thải vào 21 hồ sinh học diện tích 14ha nhưng lượng nước thải tồn đọng đến nay vẫn chưa được xử lý. Đây là nguồn ô nhiễm có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho người lao động tại Vedan và cư dân xung quanh.

 Người ta cho hay, doanh nghiệp muốn tham gia giải thưởng này phải ký hợp đồng tham gia chương trình với Điều 1 của hợp đồng là hỗ trợ tổng cộng 30 triệu đồng để phục vụ công tác tổ chức, xét tặng, truyền thông và lễ tuyên dương giải thưởng! Hợp đồng này do bà Nguyễn Thị Sinh, giám đốc NATUSI ký với doanh nghiệp. Một giám đốc doanh nghiệp tham gia giải thưởng nói, tôi không biết Hội đồng xét duyệt ra sao nhưng biết rõ doanh nghiệp  nộp đủ tiền là có giải!?

Có đại biểu Quốc hội than: Vedan đã giết chết một dòng sông, tàu bè ngoại quốc không dám vào, làm nông dân thiệt hại nhiều tỷ đồng đến nay vẫn chưa chịu bồi thường... thế mà chỉ với 30 triệu đồng, họ đã mua ngay được một danh hiệu liên quan đến sức khỏe cộng đồng! "Nén bạc đâm toạc lương tri!". Nếu một trung tâm nào đó có thể cấp một danh hiệu vô lương tâm như vậy đã là điều đáng trách, sao lại dính dáng đến các cơ quan nhà nước vào đây.

Liệu công luận có thể tẩy chay giải thưởng này, buộc Ban tổ chức phải thu hồi lại giải thưởng đã cấp cho Vedan và xin lỗi ngươì dân- trước hết là cư dân dọc sông Thị Vải ?!…

                                                                            
--> Read more..

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2009

Cậu bé mồ côi thành Bộ trưởng

Câu chuyện mang dáng  dấp cổ tích này xảy ra ở Đức. Một cậu bé Việt Nam sống trong trại trẻ mồ côi được một đôi vợ chồng người Đức nhận làm con nuôi. Nước Đức đã cho cậu bé đi học, trở thành nha sĩ. Và bây giờ khi mới 36 tuổi, anh nha sĩ gốc Việt này được bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Y tế- một bộ được đánh giá là quan trọng.

Sự kiện này cho thấy "công tác cán bộ" lạ lùng của nước Đức.

Viên Bộ trưởng này là người gốc nước ngoài, do đó cha anh chưa có công lao gì với nước Đức. Học vị  thì không ăn thua gì so với một rừng Tiến sĩ xịn. Anh ta cũng chưa từng nắm chức vụ lãnh đạo nào để tích luỹ kinh nghiệm quản lý một bộ...

Càng nghĩ càng thấy lạ so với các tiêu chí VN.

Mà có phải chính vì những cái lạ đó mà nước Đức hùng mạnh hay không, cũng chả biết nữa...

--> Read more..

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2009

Tin vui về tham nhũng

Quốc hội bàn về công tác phòng chống tham nhũng, đưa ra những con số đáng suy nghĩ. 

Đáng chú ý nhất là theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, trong năm 2009 đã có 211 cán bộ, công chức nộp lại quà cho cơ quan, tổ chức với tổng giá trị 66,5 triệu đồng. 

Con số này cho thấy nhiều cán bộ đã thể hiện được sự liêm khiết, không tham nhũng, nhận hối lộ.

 

Cái thứ hai là cho thấy tình trạng tham nhũng hiện nay cũng không đến nỗi gay gắt lắm, bằng chứng là quà cáp cho hơn 200 vị này có hơn 66 triệu, tính có 3 triệu/ vụ.

 

Như vậy là mức độ nghiêm trọng cũng hạn chế.

Vui!!

                                                                                               

--> Read more..

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2009

Chọn một niềm vui

"Mỗi ngày ta chọn một niềm vui". Câu này có vẻ tuổi teen phải không các bác. Nhưng giả sử mình cũng AQ nghĩ như thế thì không biết mình nên chọn niềm vui nào nhỉ?! Khó phết!

Có hôm không có dự định gì lại có những niềm vui bất ngờ, hân hoan, sung sướng.

Có hôm từ lúc ra khỏi cổng đến khi tối về nhà toàn chuyện bực mình. Chọn niềm vui nghe chừng bất khả.

Có người bảo, người bi quan nhìn đời là bi kịch.

Ngược lại người vui vẻ nhìn đời như tấn hài kịch.

Mình ở giữa, nên nhìn đời là bi hài kịch.

... Huyên thuyên vài dòng cho blog đỡ vắng, xin các bác bàn thêm ạ!!

--> Read more..

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2009

Trên ngực anh

 

Chả có gì vui, xin post lên bài thơ tình cho nguôi ngoai mọi điều, cho thêm yêu cuộc sống, thêm nâng niu tỉnh yêu vậy...

 

Trên ngực anh

VI THÙY LINH

Bên nhau một ngày như quen trăm năm
Chúng mình yêu rồi, khi chưa gặp mặt
Hạnh ngộ leo qua thế kỷ

Đẹp biết bao phút giây Anh ôm em nghẹn ngào, cả hai cùng im lặng
Im lặng mọc mầm trên da niềm niềm trinh bạch
Im lặng cho tình yêu sâu thẳm dồn nhập xuyên mùa
Chiếc giường là dải thiên hà trắng,
bao nhiêu ánh sáng bao nhiêu mùi hương
bao nhiêu luồng bay bao nhiêu màu hoa
bao đường cất cánh
Em yên trong tay Anh, gối đầu lên ngực
Âm nhạc nâng đôi ta bay, trái tim Anh nâng em lên
truyền vào em muôn mạch nguồn rạo rực
những mạch máu hòa vào nhau hăm hở
Nằm nghe căn phòng vũ trụ nóng theo nhịp thở
Tâm hồn giao linh thanh xuân vô độ
Tháng 9 chín dần thảo nguyên mênh mang xôn xao da thịt
Nhắm mắt để nhìn nhau rõ hơn
Em muốn thời gian ngưng lại !

Thời gian ngưng lại
Bỏ quên mọi u phiền đớn đau ngoài vũ trụ
Buổi chiều sữa trào qua rèm cửa
Trên ngực Anh, em thở
Thu đầy thu nghìn trùng rút gọn
Ngực áp ngực trái tim lên xuống
Hơi thở dồn như muôn cơn gió
Anh thấy như Anh nắng oi gọi bão
Anh thấy như Anh chưa yêu lần nao
Như đã yêu em suốt đêm ngọt ngào
Suốt trong mảnh đời chạy theo tình yêu
Yêu thật liều yêu hiểm nghèo yêu không tỉnh dậy
Tai em áp chặt tim Anh, ngàn nhịp hân hoan từ thế giới tượng thanh Anh khởi tạo

Trên ngực Anh, em thơ
Trên ngực nhau, ta thở
Một ngày ngưng lại ngàn năm thôi miên
Mỗi sợi lông tơ mọc lên cây xanh thẳm
Mê miết nghe lời hát Chủ nhật buồn, hai chiều chủ nhật

Chuyện sống – chết - chia lìa, đã quên, rất thật !

Chiều nào cũng là chiều chủ nhật
Đêm nào cũng tràn ban mai Anh
Như chiều em chiều Anh
Trên ngực Anh, em an lành...

--> Read more..

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2009

Cướp... tóc

Có một loại tội phạm mới ở Hà Nội, đó là cướp tóc.

Một em nữ sinh lớp 8 có mái tóc dài, mượt , trên đường đi học về bị hai đứa con gái lớn hơn, cũng mặc đồng phục, không biết thật hay giả, ép vào ngõ nhỏ. Một đứa nói nó có dao, nếu kêu nó đâm chết. Hãy đứng im để nó "xin bộ tóc". Nói rồi, một đứa canh chừng, một đứa rút ra cái kéo sắc, xoẹt một cái, bộ tóc bị cắt gọn.

Thế ra bây giờ nhu cầu nối tóc nhiều nên các cửa tiệm cần mua tóc. Tóc trở thành  mặt  hàng bán được nên bọn lưu manh nhằm tới các em học sinh nữ.  

Chị em blogger nào có tóc đẹp cũng nên cẩn thận khi đi đường vắng. Tốt nhất là đi đâu, nếu không có anh xã hay bồ thì nhắn cho một anh blogger thân thiết hộ tống. Lỡ bị cắt tóc thì uổng lắm đó...

--> Read more..

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2009

Quan họ- nỗi đau sau câu hát

Quan họ Bắc Ninh được ghi nhận là di sản nhân loại

TT (HÀ NỘI) - Tối 30-9, từ thủ đô Abu Dhabi của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, tiến sĩ Lê Thị Minh Lý - cục phó Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT&DL - cho biết: “Tại kỳ họp lần 4 của Ủy ban Liên chính phủ công ước UNESCO bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (diễn ra từ ngày 28-9 đến 2-10), Quan họ BN đã được ủy ban công bố là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Đọc tin này tôi thấy vui một mà buồn mười. Lấy cái danh ấy để quảng bá hình ảnh đất nước chăng? Để có tiền tài trợ chăng?...

Ầm ĩ thế nhưng trong khi đó chính những người đang cất giữ cái báu vật đó thì sống hay chết cũng chả ai quan tâm. Tôi đã viết bài báo về vấn đề này. Xin mời các bạn đọc lại.

 

http://vnca.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=51665

Ngay sau khi có bài báo, tôi đã gửi bài báo và mấy chữ cho ông Nguyễn T. T, Bí thơ Bắc Ninh ngày đó, đề nghị ông quan tâm đến các cụ. Nếu ông Bí thư quan tâm thì vô số doanh nghiệp sẽ xin chăm lo các cụ... Tiếc rằng có lẽ ông quá bận, không hồi âm thư của tôi và một năm sau trở lại thăm cụ Ngô Thị Nhi thì cụ cho hay: "chả thấy gì sất...

Tôi biết chỉ một vài năm nữa thôi các cụ sẽ về Trời.

--> Read more..

Cái giá của tấm bằng TS bên Tàu

Trung Quốc: 70% nữ nghiên cứu sinh bị thầy hướng dẫn "lạm dụng"?

Trang web chinanews hôm 15/9 đăng bài viết đầu đề “Hiệu phó Đại học Bắc Kinh khuyên bạn chớ nên cho con gái làm tiến sĩ trong nước”.

2 thumb216 Trung Quốc: 70% nữ nghiên cứu sinh bị thầy hướng dẫn "lạm dụng"?

Tin này lập tức được nhiều mạng khác đưa lại, giật tít “Tin cực kỳ giật gân”.

Bài viết nói trên kể chuyện hôm trước một vị cựu hiệu phó ĐH Bắc Kinh kiên quyết phản đối bạn thân của mình đưa con gái vào trường này làm tiến sĩ. Lý do: ngoài việc trình độ học thuật trong nước chưa cao ra, điều quan trọng nhất là e ngại con gái bạn mình bị thầy hướng dẫn “xài”.

Vị cựu hiệu phó này được các bạn giáo sư trong trường cho biết, không ít thầy hướng dẫn tiến sĩ ngoài việc tất cả trước tác của mình đều do các trò nam giới cất công viết hộ ra, còn tranh thủ kiếm một hai nữ ; các trò nữ này nếu muốn được đội mũ mặc áo tiến sĩ thì nhất thiết phải hiến thân xác cho thầy.

Cựu hiệu phó nói, theo thống kê của giới giáo sư ĐH Bắc Kinh, có tới trên 70% nữ tiến sĩ bị các thầy hướng dẫn trong khi truyền thụ “kiến thức” cho trò thường tranh thủ làm chuyện đồi bại.

Nghe nói câu chuyện giữa cựu hiệu phó với bạn diễn ra tại nhà ăn tập thể và một nhà báo tình cờ ngồi bên đã ghi âm lén được câu chuyện này. Vị hiệu phó được bạn nhờ giúp đưa con gái vào làm tiến sĩ nhưng ông không tán thành nên người bạn nổi cáu, cho là ông không muốn giúp, vì thế hiệu phó đành phải nói rõ lý do mình phản đối. Ngoài ra ông còn nói nhiều chuyện nữa. Những chuyện ấy hiện giờ đã đồn ầm khắp kinh thành Bắc Kinh.

Đương nhiên tính chân thực của thông tin này chưa hề được chứng thực, và cái kiểu kết luận- 70% thầy hướng dẫn "ghẹo" nữ nghiên cứu sinh có lẽ làm cho người ta sợ. Khi đưa lại tin này, mạng Tư tưởng TQ bình luận: con số 70% có thể không chính xác, song dù sao cũng có thể thấy trong các trường đại học hiện nay đang thịnh hành một thứ “quy tắc ngầm”: Nếu muốn cho người TQ tin rằng, hầu hết các giáo sư là người đứng đắn, thì e rằng rất khó chấp nhận.

Khi những thông tin như thành quả luận văn là  sao chép và bao nữ sinh liên tục lộ ra, cho dù “70% trở lên” không phải là loại “kết luận thống kê” tin cậy; thì những vị giáo sư đầy mình chính khí cũng khó mà thoát khỏi sự gượng gạo.

Việc tin nói trên xuất hiện trên chinanews đã cho thấy vấn đề không nằm ở tính chất thực hư của nó nữa; bởi vì điều quan trọng là mạnh của nó không còn là “giả hay thật”, sự ảnh hưởng của nó không còn là “sự thực” mà là “tín nhiệm” . Kiểu phán đoán – hơn 70% các vị thầy hướng dẫn  là "cầm thú đội lốt người” đã chứng tỏ một điều rằng: ít nhất các vị giáo sư TQ  hiện nay đã hoặc đang đánh mất dần hình ảnh lương tri xã hội.

Nó cũng cho thấy, khi sự tín nhiệm bị mất đi thì nhiều câu hỏi dễ dàng đặt ra là: liệu nhóm người đứng trên đỉnh cao tri thức dân tộc có thể trở thành kẻ phá hoại văn hóa dân tộc tệ hại nhất? “Cầm thú đội lốt người” là loại “thầy giáo” trên nẻo đường nào? họ làm thầy cho ai?

Chuyện thầy Tàu thế chả biết ở ta thế nào? Giả sử ở ta cũng thế mà có bằng TS mới được làm quan vì biết "đột phá" thì kinh sợ quá, các bác ạ.

--> Read more..

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2009

Sinh nhật

Bây giờ bọn trẻ thấy sinh nhật là chuyện bình thường. Đứa nào cũng được tổ chức sinh nhật, có bánh gato, có nến và quà... Thế hệ cha anh không có điều kiện như thế, nhất là nông thôn.

Hồi còn nhỏ, ở quê, chỉ thấy chuyện sinh nhật trên phim ảnh. Ít ai nhớ đến ngày sinh của mình. Ngược lại, lại rất nhớ giỗ các cụ. Nhớ để cách đấy dăm ba ngày có định mua thịt cũng thôi, để dành đến ngày giỗ... Thói quen ấy thành nếp nhà. Bây giờ ở thành phố, tuy không phải tiết kiệm chờ giỗ mới mua thịt nhưng không quên giỗ cụ nào.

Bà xã dân con nhà công chức Hà Nội quen làm sinh nhật, ngày xưa làm cả sinh nhật bác Hồ. Hiii... Về nhà chồng một thời gian thì nhận xét: nhà anh hay thật, không thấy làm sinh nhật cho ông bà. Người sống chả quan tâm, toàn quan tâm đến người chết.

Nói thế nhưng cũng quen với việc lo cúng giỗ, mua hoa qủa về thắp hương xong mới ăn. Mà không phải ngày Rằm, mùng Một mới thắp hương mà ngày nghỉ nào cũng thắp hương.

Bây giờ cúng bái chu đáo và sinh nhật cũng liên miên. Đúng là Đông tây kết hợp.

--> Read more..

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2009

Gỗ Sưa

Hồi này Hà Nội xôn xao về vụ các cây sưa bị chặt trộm và Công an Hà Nội đã bắt hai chục nghi can  liên quan đến các vụ này.

 

go sua

 

Cây Sưa ở vườn Bách Thảo rất nhiều, trẻ con gọi là cây hạt thối. Trẻ con đi lấy về đốt, thối um lên... rất khoái. Nhất là đốt ở trường học, bọn con giá bịt mũi chạy hết.

Trước cửa cơ quan tớ cũng có một cây sưa nhỏ, mới độ chục tuổi. Gốc nhỏ như cái chày giã cua nên chưa kẻ nào ngó tới. Cây này có đặc biệt là mùa xuân, mùa hè thì lá nó xanh nõn nà, mướt mát. Lá gần giống lá khế nhưng không có răng cưa. Đến mùa đông thì ngược lại, lá không rụng mà khô từ trên cây. Cái cây trông như chết. Sếp tôi chả biết nó là cây gì gọi là cây sống dở chết dở.

Thực ra, cây có tên chữ là Hùynh đàn. Người ta mê tín, cho rằng gỗ này chế tác đồ phong thuỷ rất linh nên vì thế mà cây gặp hoạ.

--> Read more..

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2009

Nhật dại hơn VN?!

Cách đây đúng 20 năm , ở thành phố Hiroshima của Nhật có xảy ra một vụ án mạng hiếp dâm. Vụ việc bắt đầu bằng 2 ông cảnh sát trẻ đi tuần ban đêm đã bắt một cô bé học sinh hãm hiếp sau đó giết luôn để phi tang. Sự việc bị phanh phui , giám đốc cảnh sát ra lệnh bắt giam ngay 2 cảnh sát viên dưới quyền và họp báo xin lỗi gia đình nạn nhân và dân chúng.

 Nhưng sự việc không ngừng ở đó, ngay ngày tòa án xử tù án giam cho 2 cảnh sát viên xong thì ông cảnh sát trưởng đó đã vào phòng riêng trong sở để lại một bức thư xin lỗi Thiên hoàng, xin lỗi toàn quốc dân vì đã không hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị của mình rồi nỗ súng tự sát. Tòa án không xử ông ta nhưng lương tâm và lòng tự trọng của ông ta đã buộc ông ta phải tự xử.

 Người Nhật có một câu nói trong "tam thập lục kế"  của binh pháp Tôn Tẫn họ chỉ học  35 chước đầu . Chước cuối cùng là " Tẩu Vi Thượng Sách " không có trong văn hóa biết xấu hổ và tự trọng của họ.    (ST )

Thế ra, văn hoá Nhật và văn hoá ta, dẫu "đồng văn, đồng chủng" mà khác nhau xa các bác nhỉ?!

--> Read more..

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2009

Nghiêm cấm tiết lộ thông tin

Nhà có cậu con trai út 5 tuổi đi học mẫu giáo. Mỗi khi cu cậu đi học về cả nhà lại xúm lại hỏi chuyện lớp.

- Trưa  nay ở lớp con ngủ trưa cạnh bạn nào?

- Khánh Huyền hôm nay mặc đẹp không, mặc váy hay mặc quần? Vì cu cậu có vẻ thân với cô bạn này.

-Hôm nay có bạn nào bị cô phạt không?

Cu cậu nghe nhưng mím môi nhất định không trả lời. Gặng mãi nó mới nói: Cô dặn về nhà không được nói chuyện ở lớp cho bố mẹ. Tức điên cả người mà không dám phun ra trước mặt con. Định bụng hôm nào đi đón con hay họp cuối năm phải nhắc nhở các cô... nhưng quên mất, lại đến kỳ nghỉ hè.

Mấy hôm nay vào năm học mới, hỏi con thì cu cậu vẫn nhớ lời cô giáo năm ngoái... không nói. Bố phải bảo: À, năm ngoái là mẫu giáo nhỡ, cô sợ về nói không đúng, nên dặn thế thôi. Năm nay mình 5 tuổi rồi, nói thoải mái. Cu cậu bùi tai nói ra chút chút rồi nghĩ lại... lại thôi.

Té ra nó tự kiểm duyệt trước khi trả lời ông bà bố mẹ. Khổ thế!

--> Read more..

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2009

Khai giảng cho ngưòi lớn hay cho học trò?

Ngày mai cả nước khai giảng năm học mới. Nhưng có lẽ cảm xúc của học trò bây gìơ khác ngày xưa. Ngày xưa, sau kỳ nghỉ ba tháng mới gặp lại thầy cô, bạn bè. Bây giờ trẻ con học hè suốt mấy tháng rồi.

Photobucket

Cách làm đó nó còn làm cho trẻ mất tự nhiên, quen sống với… kịch bản, trong khi đó kỹ năng sống thực thì lại không dạy. Giá như trẻ em từ nhỏ đến hết phổ thông được dạy  những kỹ năng sống. Ví dụ trẻ tiểu học được dạy những kỹ năng đơn giản, gần gũi như biết giới thiệu về bản thân và gia đình mình trước mọi người, biết trò chuyện với cha mẹ và người thân, biết thực hiện các hành vi vệ sinh, biết bảo vệ mình trước người lạ để không bị xâm hại, lạm dụng...

Chưa có ai dạy cho trẻ khi ăn phải như thế nào, biết cách mời, cách lấy thức ăn, cách trò chuyện sao cho lịch sự, hợp vệ sinh. Hay những kỹ năng giao tiếp khi nhà có khách… Cái này tuỳ vào mỗi gia đình.

 

Trong Kinh Thi, cách đây vài ngàn năm người ta đã dạy những quy tắc này rất kỹ, kiểu như vào nhà phải đánh tiếng; nếu thấy cổng khép thì mình đi qua rồi cũng phải khép lại; trong buổi gặp gỡ, khi bậc trưởng thượng chưa đứng dậy thì mình vẫn phải ngồi yên…

Có phải vì không được dạy những kỹ năng đó nên bây giờ  hiện tượng ngưòi lớn vô hàng quán cùng nhau chạm cốc rồi đồng thanh hô “dzô… dzô” ngày càng phổ biến với buồn chứ. Hay đi đám tang không ít ngươì cười nói bô bô. Chuyện nhường ghế cho phụ nữ có thai, người già yêu ngày càng trở nên hiếm hoi...

 Khi học đến cấp 3, học trò cần phải biết thuyết trình, làm việc theo nhóm, khả năng lãnh đạo, tổ chức, thậm chí là giải quyết các vấn đề liên quan đến tệ nạn xã hội, vấn đề môi trường, hoả hoạn và nhiều vấn đề khác trong cuộc sống... Những cái đó sẽ giúp các em tự tin, chủ động và biết cách xử lý mọi tình huống và quan trọng hơn là khơi gợi những khả năng tư duy sáng tạo, biết phát huy thế mạnh của các em.

Vì nhà trường không dạy nên nhiều gia đình phải đi tìm đến các Trung tâm để gửi con. Như vậy thì tính chuẩn mực chung không được đảm bảo…“Tiên học lễ, hậu học văn” nhiều truờng kẻ khẩu hiệu này lắm nhưng “lễ” và “văn” song hành là điều mà mỗi học sinh cần được giáo dục thì lại bị quên...




 

--> Read more..

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2009

Con mày

Có nhiều loại con, con đẻ, con nuôi nuôi, con dâu , con rể... ở quê tôi ngày xưa và cả bây giờ mới hay chứ, có thêm "con mày". Mày nghĩa là xin, như ăn mày ấy.

Hôm qua, vợ chồng ông anh họ tôi ở quê ra chơi, kể chuyện thàng cháu nội 2 tuổi hay ốm đâu quá, vừa rồi phải cho đi làm con mày. Thủ tục là ông thầy bói tính xem nó phù hợp với ông "bố mày" tuổi nào thì tìm đến người đó mà nhờ cậy. Cháu ông anh tôi được xác định phải chọn ông bố tuổi Đinh Tỵ 1977.

Đi nói với một vài người nhưng đa số họ từ chối vì ngại phiền phức... Tìm mãi mới được một gia đình nhận lời. Thế là hai bên thống nhât thực hiện một kịch bản, gia đình mang thằng cháu ra đặt ở ven đường, ông "bố mày" kia đi xe máy đến đón về nhà mình. Sau đó một hai tiếng, bố mẹ cháu bé mang xôi gà đến để cũng gia tiên nhà ông bố mới và đón cháu về. Trước đây, ông bố mày còn đặt tên mới cho đứa "con mày" này , thường là theo thứ tự trong nhà ông ta, ví dụ có 9 con rồi, nay đặt thêm đứa trẻ này là Mười. Dịp này họ cũng may cho đứa con mới một bộ quần áo.

Đứa con này tuy vẫn ở nhà bố mẹ đẻ nhưng đi lại với nhà bố mẹ mày rất gần gũi. Tết nhất phải mang lễ đến. Khi bố mẹ mày chết phải để tang như con đẻ...

Phong tục cổ xưa này tưởng không còn nữa, nào ngờ vẫn diễn ra. Hay thế! Viết ra đây để các bác biết cho vui.

--> Read more..

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2009

Ngôi nhà ma ở Bangkoc

Hôm sang Bangkok tôi có đến tham ngôi chùa ( không rõ tên), nơi đây có tượng và con thuyền của Vua Rama 4, vị  vua đã phát triển ngoại thương mạnh mẽ ở cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Thái tử hiện nay của Thái Lan sau khi cầu tự con trai đã xuống tóc quy y ( một thời gian) tại chùa này. Xung quanh Chùa là các thư viện chứa kinh và là nơi tu tập của nhiều tu sĩ ...

Photobucket href="http://s647.photobucket.com/albums/uu199/khiemphan12photo/?action=view&current=IMG_5739.jpg" target=_blank>

Trong một không gian đặc quánh chất Phật giáo như thế thì bên kia con đường, cách cổng đầu hồi của chùa vài mét là một toà nhà, gọi là Tháp thì đúng hơn, vì nó cao gấp đôi Tháp Hà Nội ( chỗ Hoả Lò cũ) mọc lên nghễu nghện.

Điều đáng nói là toà nhà này hiện bỏ hoang. Nhìn lên thấy các phòng đều chưa lắp cửa, tường sơn màu trắng đã loang lổ... gợi một cảm giác ma quái. Tay hướng dẫn viên kể: Đây là Toà nhà của một doanh nhân theo đạo Hồi. Khi mua miếng đất này và chuẩn bị xây, vị sư trụ trì, người đã cạo đầu cho Thái tử khuyên: không nên xây cao ốc ở đó, đấy là đất thiêng. Sau khi khởi công, ông cũng nhắc nhở nhiều lần nhưng vị kia theo đạo Hồi nên không tin. Vì thế mà công trình vẫn mọc lên.

Trong khi xây dựng chưa xong thì con trai duy nhất, người sẽ kế nghiệp vị doanh nhân này bị tai nạn ô tô chết. Ông bố thì kinh doanh phá sản... Thế là toà nhà bỏ lại dở dang.

Thời Thacksin làm Thủ tướng, người ta định mua lại để làm nhà ở cho người nghèo, nhưng một số hộ dân đến ở thấy bất ổn, sợ hãi nên xin rút. Thế là kế hoạch đó cũng không thành công.

Bây giờ một số hộ kinh doanh thuê tầng 1 để bán hàng, nhưng tối về nhà ngủ.

Chắc ai đi du lịch Thái lan, đến chùa này đều biết chuyện đó.

 

--> Read more..

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2009

Phí trông xe

Hôm qua có việc đến Bệnh viện Mắt Trung ương (HN). Bãi đỗ xe kín mít, không nhận xe. Một đám thanh niên nhao đến tóm lấy xe mình dắt sang bên kia đường, họ dúi cho cái vé in sẵn số nhà. Thế ra cả dãy những nhà đối diện bệnh viện đều có dịch vụ trông xe tự phát như vậy.

Mua được ống thuốc nhỏ mắt quay ra lấy xe, tay nhân viên trả xe đòi 10 ngàn đồng.

- Sao đắt thế?

- Anh thông cảm, em để xe đây là để liều đấy, Cảnh sát đi qua là em bị phạt 2 triệu ngay. 10 ngàn này có phải là vào túi bọn em cả đâu...

Lên xe mình vừa đi vừa nghĩ vẩn vơ. Bệnh viện quá tải dẫn đến nhiều tiêu cực, nhiều kẻ cò mồi lừa đảo bệnh nhân, nhiều y tá, bác sĩ bị tiền bạc chi phối, quá tải thì chất lượng khám chữa bệnh cũng kém... Tại sao bệnh viện quá tải trầm trọng như thế mà không xây dựng thêm bệnh viện mới? Trong khi đó sinh viên y khoa ra trường không có việc làm, người dân thì khốn khổ vì chen chúc, chậm trễ trong chữa trị... Mùa nóng thế này mà hai bệnh nhân một giưưòng thì sao nghỉ ngơi được, tránh sao khỏi nhiễm trùng.

Thay vì danh hiệu nhiều sân golf nhất thế giới, ta đạt danh hiệu nhiều bệnh viện nhất thế giới thì dân hạnh phúc quá.

 

--> Read more..

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2009

Chuyện đi học

Tôi bỗng nhớ lại hồi học trung học, thầy giáo có tổ chức cho chúng tôi học tập tấm gương Lại Ninh.
Chuyện Lại Ninh như sau: Ngày 13 tháng 3 năm 1988, thiếu niên Lại Ninh 14 tuổi bỗng phát hiện thấy có đám cháy trong rừng, anh liền tức tốc chạy tới chỗ cháy và cầm lấy một cành cây hăng hái quên mình dập lửa. Tuy các đội viên đội chữa cháy từng khuyên mọi người chớ chạy đến gần đám lửa, nhưng vì không đành lòng nhìn thấy tài sản của Nhà nước bị thiệt hại, Lại Ninh vẫn tiếp tục dập lửa. Sau cùng đám cháy rừng bị dập tắt, hơn 3500 mẫu rừng được cứu thoát, trạm vệ tinh chuyển tiếp truyền hình trong rừng và nhà kho của công ty dầu lửa cũng bình yên vô sự. Sáng hôm 14, người ta tìm thấy xác Lại Ninh trong đống tro rừng. Tay phải anh vẫn còn nắm chặt cành cây, mặt hướng lên đồi, cặp kính cận thị văng đâu mất, tay trái bám lấy mặt đất, chân phải ở tư thế leo lên đồi. Lại Ninh đã vĩnh biệt chúng ta nhưng tinh thần của anh mãi mãi còn sống với chúng ta. Anh là tấm gương để chúng ta học tập noi theo! Anh mãi mãi là niềm kiêu hãnh của chúng ta!
Lại Ninh là một thiếu niên tốt và có tinh thần quý trọng của công rất cao. Thế nhưng tại sao chúng ta không dạy dỗ trẻ em cách phòng tránh khi có cháy rừng mà lại khuyến khích các em chạy tới đám cháy? Có “tài sản Nhà nước” nào quý hơn tính mạng con người chăng ? Những người thân của Lại Ninh sẽ phải chịu đựng nỗi đau như thế nào vì chuyện ấy ? Còn có cách giáo dục nào thiếu đạo đức hơn lối dạy trẻ em như thế không ? Nhất là ngày nay, trong khi một lũ quan tham ra sức chiếm đoạt “tài sản Nhà nước” thì ta vẫn tiếp tục dạy dỗ các em hy sinh thân mình để bảo vệ một loại tài sản nào đó, thử hỏi đạo trời ở đâu?
Tại nước Mỹ, khi xảy ra nguy hiểm, các thầy cô giáo bao giờ cũng khuyên răn học trò rời xa ngay nơi đó và hướng dẫn chúng rất tường tận cách tránh né. Họ hiểu rằng tính mạng giữ được thì lại có thể làm ra tài sản… Cách giáo dục của chúng ta thì có thể đưa bao nhiêu thanh thiếu niên ưu tú đi tới chỗ chết!
Thế nhưng trước đây tôi đâu có biết đạo lý ấy. Tôi từng mong muốn mình cũng được như Lại Ninh liều thân chữa cháy, dẫu có hy sinh trong đám lửa thì cũng không quản ngại. Cho tới năm học lớp 12, tôi được một thầy giáo trẻ dạy môn sử có lương tri bảo ban cho dần dần hiểu rõ thực chất của nhiều vấn đề, từ đó tôi bắt đầu suy nghĩ sâu sắc. Sau khi trở thành nhà báo, đi nhiều thấy nhiều, tôi dần dần hiểu ra rằng tính mạng con người, tình thương yêu, lòng khoan dung và niềm tin mới là thứ đáng quý nhất.
Kiểu giáo dục khuyên bảo lũ trẻ con ấu trĩ xông vào cứu cái gọi là “tài sản Nhà nước” ấy thật đáng trách, ngay cả loài cầm thú cũng chẳng làm thế. Tất cả mọi thứ vật chất đều có thể làm lại, riêng sinh mạng thì không thể.
Cách giáo dục ấy hủy hoại lũ trẻ từ nhỏ, xóa bỏ thiên tính của chúng, ươm trồng hạt giống tính nô lệ. Ngay từ ở nhà trẻ, có cô giáo đã quyết định thái độ đối xử với từng cháu tùy theo bố mẹ cháu chức vụ cao hay thấp, giàu hay nghèo; ngay từ tuổi ấy chúng đã dần dần học được cách lấy lòng cô giáo. “Nô tính” ấy thâm căn cố đế tới mức sau này có người leo lên địa vị lãnh đạo rồi mà vẫn còn giữ thói cũ, thậm chí còn nặng hơn. Thấy khách nước ngoài thì cung kính vâng vâng dạ dạ; thấy quần chúng bình thường thì nạt nộ ra oai … Thật là đáng buồn làm sao !
Chế độ giáo dục xóa bỏ lương tri, tính người, hủy hoại tình thương yêu, trau dồi nô tính và tính phục tùng, gạt người nghèo ra khỏi ghế nhà trường chẳng những chỉ đào sâu hố ngăn cách giàu nghèo mà còn hủy hoại tiền đồ của một dân tộc. Nếu không thấy rõ sự khác biệt giữa chúng ta với người Mỹ ngay từ cách giáo dục trẻ em, nếu không cải tổ nền giáo dục mà cứ phát triển theo kiểu giết gà lấy trứng như thế này thì chúng ta sẽ mãi mãi chẳng đuổi kịp người Mỹ và con cháu chúng ta sau này sẽ phải trả giá đau khổ cho cách tăng trưởng kinh tế này.
Huy Đường  (Lược dịch theo báo Trung Quốc)

--> Read more..

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2009

Đường xa...

Đường xa, đường xa theo chân mây

Hoàng hôn, hoàng hôn trong rừng cây

Chân bước ra đi lòng khép lại

Tình yêu thà coi như mưa bay...

--> Read more..

Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2009

Gióng hay Dóng?

-Anh à, đọc báo thấy chưa thống nhất một danh xưng từ ngàn xưa là “Gióng” hay “Dóng” khi gọi Phù Đổng Thiên Vương, chuyện này kỳ quá à...

-Vì chưa thống nhất nên phải bàn, có gì mà kỳ, em!

-Tại sao bỗng dưng lại lôi vấn đề này ra bàn hả anh?

- Vì Bộ Văn hóa Thể thao &Du lịch đề nghị và được Chính phủ chuẩn y, trình lên UNESCO đưa Lễ hội Thánh Gióng vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể. Đã trình lên UNESCO là phải chuẩn em ạ.

-Không ngờ một chữ đã in vào đầu óc bao nhiêu thế hệ người Việt Nam là Thánh Gióng cũng bị xem lại, bị cạnh tranh bởi một từ lạ - Thánh Dóng.

- Không phải cái gì tồn tại lâu, theo thói quen đã là đúng, em công nhận không?! Việc của các nhà khoa học là phải minh định lại.

-Thế theo anh vụ này minh định cái gì ạ?

- Cụ GS Cao Huy Đỉnh, chuyên gia số 1 với các công trình về Phù Đổng Thiên Vương, nhất là  công trình “Người anh hùng làng Dóng” cho rằng “Dóng” là con ông Đổng (ông Đùng, bà Đà). Tuy “Dóng” là một từ không có nghĩa nhưng là sự biến âm, gợi lại chữ Đổng.

- Ý kiến của GS khả kính như thế thì đúng là phải trân trọng nhưng tại sao từ xưa đến nay người ta vẫn gọi là Gióng. Gióng có nghĩa là cái nôi nuôi cậu bé lên ba chưa biết nói biết cười vụt lên thành Phù Đổng; gióng còn là gióng tre, khi đánh giặc Ân cậu bé này đã nhổ tre làm vũ khí...

-Em nói đúng, mà cũng nhiều nhà khoa học bảo vệ quan điểm này. Nhưng thế nào là chuẩn thì chưa có ai dám khẳng định.

- Em là người ngoại đạo nhưng xin lạm bàn nhé. Các nhà khoa học nên xem thư tịch, văn bản cổ của làng Phù Đổng, nhất là những hương ước, hồ sơ địa chính, văn tế, văn tự... đã sử dụng chữ quốc ngữ xem các cụ dùng chữ nào. Vì chữ quốc ngữ có sau chữ hán, chữ Nôm, còn âm Gióng hay Dóng thì phát âm như nhau.

-Em gợi ý rất hay, đáng suy nghĩ. Nếu theo cách đó thì anh chắc là đa phần dùng chữ “Gióng”.

-Nếu đã thế thì theo em, nên thống nhất một chữ, còn trong nghiên cứu thì cứ tiếp tục bàn, không sao cả. Tại sao lễ hội này lại được đề cử lên UNESCO mà không phải lễ hội đền Hùng hay Cổ Loa, Chùa Hương... bảo tồn hả anh?

-Vì đây là một lễ hội đậm đặc tính truyền thống nhất, từ lễ nghi, đến trang phục, tế khí... tiêu biểu nhất trong các lễ hội của ta. Còn các lễ hội em nói thì tính truyền thống không đạm đặc bằng, thậm chí có lễ hội liên tục biến đổi.

- Biến đổi sao anh?

- Ví dụ lễ hội quan trọng nhất là Đền Hùng nhé, trình tự tế lễ khác xa với ngày xưa, trang phục cũng mới, tế theo kiểu mới. Mấy năm trước ông chủ tế lại mặc comple, có dải băng thắt chéo như hoa hậu. Lễ hội lại có vòng hoa như viếng đám tang để viếng mộ tổ; lại có quân đội mang cờ đi đều như đón khách quốc tế ...

-Thế ra những chi tiết cổ xưa, nguyên bản mới được đánh giá cao. Theo tiêu chí này liệu ta còn được mấy lễ hội như thế hả anh?

- Chắc là hiếm lắm, ngay cả Lễ hội làng Gióng cũng đang bị biến dạng từng bước em ạ...
--> Read more..

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2009

Con gái tuổi Dần móng vuốt có mùi hoa

Con Gái Tuổi Dần
Bùi Chí Vinh

Năm tới sẽ là năm con cọp
Tuổi bé trùng năm mới động trời
Nếu muốn làm tim anh hồi hộp
Bé gầm lên một tiếng "Anh ơi!"

Sử sách đã nhắc nhiều đến bé
Hết sát phu rồi đến bỏ chồng
Anh thì gọi đó là "Bà Kẹ"
Mới nhìn, đã nuốt chửng đàn ông

Vái trời ai cũng xa lánh bé
Chỉ riêng anh tan cửa nát nhà
Anh chết sớm không hề nuối tiếc
Miễn là móng vuốt có mùi hoa

Mà anh lại cầm tinh con ngựa
Thoát sao qua con gái tuổi Dần
Giả đò vồ thật anh lần nữa
--> Read more..

Thứ Ba, 11 tháng 8, 2009

Xem sex show ở Pattaya

Tay hướng dẫn viên có cái tên Thái dài lê thê được gọi tắt là Tôm gợi ý: Đến Pattaya phải ăn chơi cho biết, anh em nên đi xem vài sex show, đặc trưng của Pattaya. “Không đi xem là ốm đó nha”- với thứ tiếng Việt kiểu Chợ Lớn, Tôm nói và cười khúc khích. Anh em hội ý nhanh và cả đoàn quyết định đi xem thực hư thế nào.

-Vì thấy mấy em cũng đã trên 18 tuổi nên Tôm mới  giới thiệu đó nha. Xem cả show Nga và show khí công Thái thì mỗi người 1600 bath. Hay lắm nha, rất đặc biệt - Tôm nói và lại cười rất tươi.

-Show Nga là sao? Chúng tôi hỏi Tôm.

-Diễn viên hoàn toàn là người Nga, đẹp lắm, trắng hồng. Họ đều là những diễn viên múa nhé. Tiết mục có nội dung hấp dẫn kiểu như người đẹp gặp tướng cướp, người đẹp gặp anh hùng... Anh nào ngồi gần có thể thấy rõ từng cái nốt ruồi.

-Còn show Thái?

-Đây là show khí công, mạnh bạo hơn show Nga nhiều, đặc sắc Pattaya đó.

Cả đoàn thống nhất, sang Thái thì xem show Thái nên mỗi người góp cho Tôm 1000 bath để mua vé. Xe chạy đến khu biểu diễn. Tôi hoàn toàn bất ngờ khi thấy nơi đây như một bãi đỗ xe ở một thị xã

 

Việt

Co VN

Nam, biển hiệu cũng thiết kế bằng đèn neon màu xanh đỏ nhưng đơn giản. Tôi có cảm giác như bước vào một chỗ vui chơi có thưởng ở những miền quê.

Ngay giữa sân là bàn thờ Phật bốn mặt như mọi cơ sở kinh doanh khác nhưng đặc biệt là có hàng quốc kỳ một số nước, trong đó có Cờ đỏ sao vàng. Té ra dân VN mình là khách quen ở đây.

 

Nơi biểu diễn show Nga ở bên phải, chúng tôi bước vào cửa giữa có biển Harrem Show- Number One và dòng chữ Trung Quốc “Á châu nhất tuyệt”.

Ngay chỗ thu vé là một tủ sắt cho khách gửi lại máy ảnh và điện thoại di động. Ở đây cấm tuyệt đối chụp ảnh. Khán phòng hôi hám, chật hẹp, có khoảng 200 ghế kê hình chữ U, sân khấu nhỏ được chiếu bằng thứ ánh sáng vàng không thay đổi. Các diễn viên bước ra, sau một động tác chào khách lấy lệ họ nhanh chóng kéo tuột trang phục mong manh, lộ ra thân thể trần trụi. Họ đều là những cô gái nhan sắc trung bình, thực hiện công việc của mình với vẻ mặt vô cảm và không che giấu được vẻ mệt mỏi. Mỗi tiết mục có từ 2 đến 3 người, chủ yếu lấy chỗ kín của thân thể người phụ nữ làm nơi diễn trò kiểu như hút vào một chai Coca Cola và lại bơm trở lại nguyên vẹn; lấy chỗ đó mở nắp chai bia; một cô gái dạng chân kéo một sợi dây, bất ngờ trong đó bay ra một con chim sẻ; một cô gái kéo từ trong đó ra một chuỗi panh xa lam sắc lẻm; có khi sau họ "đẻ" ra một con cá vàng, con cá rơi tõm vào thố nước và bơi lội tung tăng... Nhiều người, nhất là phụ nữ bỏ ra giữa chừng. Tôi cố nán lại nhưng ngăn được tiếng thở dài, không biết có cải lương quá không nhưng tôi thấy ngao ngán cho  những phụ nữ phải mang thân thể mình ra để kiếm sống một cách cơ cực như vậy.

Kết thúc là cảnh hai đôi nam nữ làm tình bằng các tư thế khác nhau , họ gọi là 36 kiểu.

Thấy chúng tôi bước ra lặng lẽ, không ai tỏ ra hào hứng, Tôm cười cười : ”Cũng được đúng không?! Xem cho biết, cho biết”. Mỗi đêm nơi này có chừng dăm bảy trăm người vào xem “cho biết” đem lại cho họ khoản thu không nhỏ. Nguồn thu lớn nhưng tôi nhận ra rằng, Thái Lan không hề khuyến khích loại hình sexy này. Họ cấm tuyệt đối người dân Thái vào xem,  “dù triệu phú cũng không được vào” như lời Tôm nói, nơi đây chỉ dành cho khách du lịch.

Sex show

Hơn nữa dân Thái theo đạo Phật nên đó là một nơi nhơ bẩn, họ cũng không có nhu cầu.  

--> Read more..

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2009

Đi chơi ở Pattaya

Pattaya được mệnh danh là thành phố ăn chơi ai đến Thái Lan cũng đến thành phố ven biển xinh đẹp này. Pattaya hầu như chỉ thực sự sống vào ban đêm, từ 5 giờ chiều đến 5 giờ sáng hôm sau. Vì thế, buổi sáng thành phố rất vắng vẻ, các siêu thị, cửa tiệm bán tạp hóa, thuốc tây... thông thường đến 10 giờ sáng mới mở cửa.

quan ba<br /><P class=MsoNormal style=

Quán Bar beer như thế này tràn ngập Pattaya

Màn đêm buông xuống, Pattaya được trang điểm bằng vô số ánh đèn màu từ đường phố và các quán bar-beer, các vũ trường và vô số tòa nhà cao tầng quanh bờ biển. Đủ mọi thứ tiếng, đủ mọi màu da, những nụ cười của các cô gái Thái ăn mặc sexy và tiếng nhạc rộn ràng, cùng với gió biển từ vịnh Pattaya thổi vào mát rượi khiến cho nó có sức hấp dẫn ghê gớm.

 

Pattaya không có các quán cà phê như ở Việt Nam, thay vào đó là các quán bar beer san sát. Các cô gái ăn mặc mát mẻ ngồi chờ khách, thấy anh nào đến cửa thì tươi cười vẫy gọi. Vẫy gọi nhưng không co kéo. Khách vào uống bia trả tiền theo bảng giá và có thể ôm ấp một em không phải che giấu. Tiền típ (bo) cho các em tùy thuộc vào khách. Đó là quán bia ôm công khai, khách hứng chí có thể nhảy múa, hát hò, có thể cởi trần mà không ai phàn nàn.

 

 

Một hình ảnh khá quen thuộc trên đường phố Pattay là những cặp đôi, một người đàn ông nước ngoài cao lớn cặp với một cô gái Thái thấp nhỏ, đa phần là đen nhẻm.

Mặc dù được biết đến như một thành phố ăn chơi, nổi tiếng vì dịch vụ sex nhưng Pattaya không hề có khu đèn đỏ, chợ mại dâm công khai như một số nước ở châu Âu. Những hoạt động này được hiểu là có trong dịch vụ massage body với giá chừng 1600 bath ( khoảng 800 ngàn đồng)/ 2 giờ. Ở đây các cơ sở massage nhiều vô kể, có cơ sở nhỏ nằm ngay trong khách sạn, các ghế masage không che kín, cửa kính thông thoáng; có nơi thì là một tòa nhà lịch sự sơn màu kem trắng, có mảnh sân nhỏ phái trước với biển hiệu là một trung tâm chăm sóc sức khỏe. Tôm cười với tôi bảo: Nếu anh đi massage thì tối nay sẽ đến những chỗ như thế này. Massabody được hiểu là từ A đến Z. Rẻ nhất là massags truyền thống 400 bath/2 giờ, nhưng một chị trong đoàn chúng tôi thưởng thức xong nhận xét rằng chả khác tẩm quất ở Việt Nam.c&aacute;c dien vien chuyen gioi

Người mẫu chuyển giới

( Kỳ sau: Đi xem sex show)

--> Read more..

Flags

Flag Counter