Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Có hay không chuyện tình Huyền Trân công chúa - Trần Khắc Chung

TS. Thông Thanh Khánh

Từ rất lâu câu chuyện đàm tiếu về một chuyến đi mang yếu tố lịch sử được Thượng hoàng Trần Nhân Tông và nhà vua Anh Tông giao phó cho quan hành khiển Trần Khắc Chung, chuyến đi mà tên tuổi ông được giới sử học sau đó đánh giá khá mỉa mai bởi tính định mệnh của nó: người dũng tướng trong trận chiến vệ quốc chống quân Nguyên - Mông, được phong đến chức Nhập nội hành khiển, một nội tướng quan trọng trong triều đình đã gục ngã trước nhan sắc nàng công chúa duy nhất của vua Trần Nhân Tông.
Sử gia Ngô Sĩ Liên, người thực hiện bộ Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) đã đánh giá một cách khá gay gắt về câu chuyện này, rồi ông xem đó như là một vết nhơ đáng trách. Chính việc ĐVSKTT ghi chép một thiên tình sử tựa như câu chuyện của Tây Thi - Phạm Lãi thời Việt Vương Câu Tiễn bên nước Tàu được thêu dệt truyền tụng khắp nhân gian, đã tạo nên những cơn phong ba của hỷ, nộ, ái, ố, qua các thế hệ trước sau. Câu chuyện bắt đầu từ việc “Năm Đinh Mùi, tháng 5, Chế Mân chết. Tháng 9 con của Huyền Trân là Chế Đa Da sai sứ thần tên là Bảo Lộc Kê đem voi trắng dâng. Tháng 10 sai Trần Khắc Chung và Đặng Văn, sang Chiêm Thành. Bọn Khắc Chung sang mượn cớ làm lễ viếng rồi nói rằng:Nếu công chúa hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng hãy ra bờ biển làm lễ chiêu hồn ở ven trời, đón linh hồn cùng về sẽ vào đàn thiêu, người Chiêm nghe theo. Khắc Chung dùng thuyền nhẹ để cướp đi rồi đưa về. Bèn cùng Công Chúa tư thông loanh quanh mãi ở đường biển, lâu ngày mới đến kinh sư (ĐVSKTT 6 tờ 32a7 - 33a2). Và rồi cũng chính từ đây ĐVSKTT 6 tờ 33b3 - 4 lại nói tiếp: “Mùa thu ngày 18 tháng 8 năm Giáp Thân (1308) Công chúa Huyền Trân từ Chiêm Thành về nước. Thượng hoàng sai trại chủ Hóa Châu đưa 300 người Chiêm đi thuyền trở về nước họ”. Cũng theo hư truyền rằng trước khi sang làm dâu xứ Chiêm, Huyền Trân và Trần Khắc Chung đã có một mối tình sâu đậm, vì lợi ích quốc gia nên đành phải hy sinh mối tình đầy thơ mộng để đổi lấy hai châu Ô Mã và Ô Rí. Rồi khi Chế Mân mất, tình xưa của hai người được kết nối qua cuộc giải vây và hộ tống Huyền Trân về lại Đại Việt. Rồi năm qua tháng lại, dòng đời tuôn mãi, câu chuyện ấy vẫn được các thế hệ truyền lưu. Nhưng đâu là sự thật lịch sử, một sự thật lịch sử công bằng để đánh giá đúng tầm của cả hai nhân vật Khắc Chung và Huyền Trân?

Minh họa của Trung Dũng
Những đối lập đáng ngờ
Khi đọc lại những gì ĐVSKTT ghi chép, nếu tinh ý chúng ta sẽ thấy những điểm đáng ngờ và đầy tính bất ổn về sự kiện này. Trước nhất ở Q.6 tờ 20a3 - 6 ĐVSKTT ghi: “Tháng 2 năm Ất Tỵ (1305) Chiêm Thành sai Chế Bồ Đài và bộ đảng 500 người đem biểu dâng vàng, bạc, hương quý, vật lạ để xin đính lễ cầu hôn. Triều thần cho là không được. Riêng Văn Túc Vương Đạo Tải chủ trương việc nghị bàn và Trần Khắc Chung tán thành nên việc bàn mới quyết”. Vậy thì cuộc hôn nhân giữa Huyền Trân và vua Chiêm Thành là Chế Mân đã gặp phải sự kháng cự khá gay gắt bởi các quan lại trong triều đình dẫn đến việc Văn Túc Vương Đạo Tải phải tổ chức một hội nghị luận bàn nên hay không nên gả Huyền Trân về xứ Chiêm. Cuộc luận bàn này diễn ra trong sự tranh luận nảy lửa về tính dị tộc nhưng chính quan Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung lại hoàn toàn nhất trí về cuộc hôn nhân này. Nếu quan hệ tình cảm với Công chúa Huyền Trân có thật thì đây là cơ hội cho Khắc Chung đứng về phía triều thần để phản đối, chứ đâu lại là người ủng hộ việc đưa Huyền Trân về với Chế Mân. Còn nếu bảo rằng Khắc Chung vì lợi ích quốc gia nên đồng ý gả công chúa Huyền Trân để lấy lại châu Ô Mã và Ô Rí như ĐVSKTT 6 tờ 22a7 - b2 ghi: “Đổi 2 châu Ô, Rí làm Thuận Châu và Hóa Châu, sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến ổn định dân chúng. Trước đó chúa Chiêm Thành là Chế Mân đem đất ấy làm vật dẫn cưới”. Liệu điều này có đúng không? Theo một tư liệu có từ đời Trần nói về việc đi Chiêm Thành của Thượng hoàng Nhân Tông thì Trần Chí Chính trong lời đề từ cho bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ: “Có lúc ngài viễn du hóa độ cho các nước lân bang, phía Nam đến tận Chiêm Thành, đã từng khất thực ở trong thành. Vua nước Chiêm biết được điều đó, hết sức kính trọng thỉnh mời, dâng cúng trai lễ, sắp sẵn thuyền bè nghi trượng, thân hành tiễn ngài về nước và đem đất hai châu làm lễ cúng dâng cho Ngài. Ấy là Thuận Châu và Hóa Châu nay vậy”. Tác phẩm ra đời trước ĐVSKTT như tư liệu nêu trên vào đời Trần chắc chắn phản ánh sự việc có tính chính xác hơn ĐVSKTT việc vào đời nhà Lê - như vậy vấn đề đất đai với chuyện hôn nhân của Huyền Trân hầu như không có gì liên hệ với nhau. Hai châu Ô và Rí đã được triều đình Chiêm Thành nghị bàn trong thời gian 9 tháng khi thượng hoàng Trần Nhân Tông với tư cách là nhà lãnh đạo tôn giáo, người khai sáng Thiền Phái Trúc lâm Yên Tử đến viếng thăm Chiêm Thành. Mặt khác cuộc nghị bàn mà ĐVSKTT gọi là của các quan lại trong triều đình do Văn Túc Vương Trần Đạo Tải chủ trì nên nhìn từ góc độ thân tộc. Chúng ta nhớ rằng, đa số quan lại trong triều Trần là hoàng thân, quốc thích nên vấn đề đồng ý và không tán đồng có ý nghĩa thân tộc nhiều hơn ý nghĩa chính sự quốc gia.
Theo cách ghi chép của ĐVSKTT mà chúng tôi trích dẫn ở phần trên thì những điểm bất ổn đã liên tục xảy ra. Việc Thế tử Chế Đa Da sai sứ thần Bảo Lộc Kê đem voi trắng đến dâng vào tháng 9 năm Đinh Mùi (1307) và việc gả công chúa Huyền Trân vào tháng 6 năm Bính Ngọ (1306) thì ở thời điểm này Thế tử Chế Đa Da mới có 4 hay 5 tháng tuổi và trước đó vào tháng 5 năm Đinh Mùi thì vua Chế Mân đã băng hà. Theo tư liệu Thư tịch hoàng gia của người Chăm bàn về các vật lễ dâng cúng cho thần và vua (Dăkna Tôh Kaya Po yang Patao) thì con voi trắng là vật thế hay con vật trả. Sứ thần Bảo Lộc Kê đưa voi trắng đến dâng cúng có hàm ý là xin trả Công chúa Huyền Trân về lại Đại Việt, vì vua Chế Mân đã chết. Chính yếu tố này giúp cho chúng ta thấy rằng, sự việc mà phái bộ sứ thần yêu cầu là chính đáng vì người Chiêm Thành theo chế độ mẫu hệ. Tính mẫu hệ ở đây được hiểu như là mẫu tính (người con theo họ mẹ) và mẫu cư, người con sinh sống với mẹ, việc cho phép Thế tử Chế Đa Da theo Huyền Trân về nước đã phần nào nói lên điều này. Thêm một điều nữa, do vua Chiêm là chàng rể ngoại tộc nên mọi vấn đề triều chính do Hội đồng hoàng gia nghị bàn và quyết định, Hoàng hậu mới được xem là Nội tộc và những đứa con của Hoàng hậu mới chính là Nội tộc hoàng gia (nội thích) có quyền đảm nhận việc thừa tự truyền ngôi. Huyền Trân là ngoại tộc và Chế Đa Da là cháu ngoại (ngoại thích), vì vậy triều đình Chiêm Thành dâng voi trắng xin trả Huyền Trân và Thế tử Chế Đa Da về lại Đại Việt đã phản ánh rõ nét tính chất mẫu hệ của cộng đồng dân tộc Chăm và vương quốc Chiêm Thành. Từ đây chúng ta thấy rằng, bản thân vua Chế Mân không thể tự quyền.
Giàn hỏa đầy tai tiếng
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tục nước Chiêm Thành, hễ vua chết thì Hoàng hậu phải vào đàn thiêu chết” và thế là vào tháng 10, triều đình đã sai sứ bộ gồm Nhập nội Hành khiển Trần Khắc Chung và An phủ sứ Đặng Văn dẫn đầu đến Chiêm Thành để đón Huyền Trân và Thế tử Chế Đa Da về nước. Việc hỏa táng mà ĐVSKTT chép thật ra là một tục lệ của Ấn Độ dành riêng cho các đẳng cấp Bà La Môn. Trong khi đó, sử ký Chiêm Thành và tất cả thư tịch cổ bàn về nghi lễ hỏa táng (Danak Ngap Ndam Cuh) không bao giờ đề cập đến việc khi Vua mất đưa lên giàn thiêu, Hoàng hậu cũng chấp nhận thân phận chết theo đầy phi lý ấy. Theo thư tịch Danak Ngap Ndam Cuh thì việc hỏa táng là cách mà chính thể xác và linh hồn được nhập thân vào vũ trụ. Tổ chức một đám hỏa táng với đầy đủ nghi lễ của nó là diễn lại sự tái sinh của linh hồn người đã mất về lại thế giới thực tại. Tục hỏa táng diễn ra rất cổ xưa ngay từ thời đại văn hóa Sa Huỳnh, một dạng văn hóa mà chủ nhân của nó là cư dân Chămpa của Vương quốc Chiêm Thành, người ta đã thấy những vò, chum chôn cất phần tro xương của những người đã hỏa táng. Tập tục hỏa táng chung được xem như húy kị (tabo) đối với cộng đồng người Chăm, nên việc mà ĐVSKTT ghi chép hoàn toàn mang tính truyền thuyết hơn là sự thật lịch sử.
Nhìn từ góc độ gia tộc thì đối với người Chiêm Thành, phụ nữ là Nội và nam giới thì Ngoại (Ama Keh, Amaik Kapen) nên phụ nữ chết theo chồng là chuyện không thể xảy ra, bởi tính thừa tự của gia đình và dòng họ (Muk thruh Palei). Người đàn ông Chiêm có thân phận như cô gái Việt, chấp nhận thân phận đi ở rể, con gái đến cưới. Việc làm vua của vương quốc này cũng thế, con gái út của Hoàng hậu mới hưởng quyền truyền thừa ngôi báu và chồng cô ta khi cưới về sẽ đảm nhận vai trò là quốc vương. Chính vì vậy, cộng đồng người Chăm có câu ca dao ca thán về tục lệ này: “Còn sống thì làm cho người ta/ Khi chết ra ma đem xương về tộc họ (Daok diep ngap ka urang, Mâtai ba talang ka gep)”. Từ đó cho chúng ta thấy việc đồn đại rằng Huyền Trân phải lên giàn hỏa cùng Chế Mân là cách đàm tiếu của người xưa bởi tính hẹp hòi và ích kỷ của việc hôn nhân dị tộc. Nó không bao giờ xảy ra như thế. Ngược lại, khi vua Chế Mân chết vào tháng 5, sứ bộ Chiêm Thành dâng voi trắng vào tháng 9 và đến tháng 10 sứ bộ nhà Trần mới có mặt tại vương quốc Chiêm Thành để đưa Huyền Trân về nước thì vào thời điểm đó việc hỏa táng Chế Mân đã tiến hành đến 4 tháng. Do vậy, vấn đề hỏa táng Huyền Trân chung cùng Chế Mân lại càng không thể xảy ra.
Sứ bộ Chiêm Thành đưa voi trắng như chúng tôi trình bày ở phần trên là cách mà Hội đồng hoàng gia Chiêm Thành vừa báo lễ tang và xin trao trả công chúa Huyền Trân và con là Chế Đa Da về lại Đại Việt. Cũng chính từ yêu cầu này mà một phái bộ sứ thần do hai vị quan đứng đầu triều Trần là Nhập nội Hành khiển Trần Khắc Chung và An Phủ Sứ Đặng Văn đã đến Chiêm Thành để đón Huyền Trân, Chế Đa Da và những người hầu mà Công chúa được phép mang theo khi qua làm dâu Chiêm Thành. Dĩ nhiên, đoàn sứ bộ lúc này không chỉ có Trần Khắc Chung mà có cả quan An Phủ Sứ Đặng Văn, một người có uy danh trong triều Trần cùng đi, mọi vấn đề đều diễn ra trước hàng trăm cặp mắt thì không có việc mà Ngô Sĩ Liên chép trong ĐVSKTT rằng: “Họ có tư thông với nhau” chỉ vì căn cứ vào một lý do cực kỳ đơn giản là chuyến đi loanh quanh gần một năm trời mới về đến Đại Việt.
Một điều mà cho đến nay chưa ai có thể xác định được là ngày và tháng mà Trần Khắc Chung và phái đoàn sứ bộ rời Chiêm Thành. Riêng ĐVSKTT chỉ chép chung chung về việc giải vây cho Huyền Trân của Trần Khắc Chung, vậy thì trong lúc giải vây, An Phủ Sứ Đặng Văn ở đâu? Với đội hải quân tinh nhuệ, thiện chiến từng chiến thắng quân Nguyên Mông của Chiêm Thành thì họ làm ngơ sao?
Căn cứ vào những yếu tố mà chúng tôi phân tích có thể thấy, câu chuyện tư thông cũng như mối tình giữa Huyền Trân và Khắc Chung chỉ là lời đồn đại có chủ ý của các nhân vật bất đồng quan điểm với nhà Trần và chống đối với cuộc hôn nhân mang tính dị tộc, những nhà Nho mới nổi. Việc mà chờ cho đến ngày 18 tháng 8 năm Giáp Thân (1308) sứ bộ mới đưa được Huyền Trân công chúa về đến Thăng Long và việc Thượng hoàng Trần Nhân Tông cho đưa về Chiêm Thành 300 người Chiêm ở trại Hóa Châu đã phản ánh tinh thần hòa hiếu giữa hai triều đình lúc bấy giờ. Ở đây chuyến đi kéo dài gần tròn một năm, theo chúng tôi có thể phái bộ phải chờ tham dự lễ giáp năm (Pabak thun) cho vua Chế Mân, đồng thời cho Công chúa làm tròn bổn phận của người vợ hiền đối với vị vua Chiêm Thành Chế Mân chứ không có đi “loanh quanh mãi…” như sử gia Ngô Sĩ Liên chép trong ĐVSKTT. Tuy vậy, đây chỉ là những thông tin ban đầu mà chúng tôi xin cung cấp cho giới nghiên cứu lưu tâm đến vấn đề Chiêm Thành và quý độc giả tham khảo. Chúng tôi hy vọng trong một ngày gần đây nhất sẽ tìm được những sử liệu khoa học về vấn đề này, giúp bổ sung và làm sáng tỏ câu chuyện rắc rối đã lưu truyền mấy trăm năm nay.
(Theo báo điện tử "Đại biểu nhân dân" ngày 06/05/2013).

--> Read more..

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Việt Nam thu nhỏ ở Sơn Tây

Chủ nhật tuần trước, nhà cháu ngẫu hứng đi thăm Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây, cách Hà Nội chừng 40 km. Không ngờ nó rộng đến thế, hỏi ra thì tổng diện tích là 1544 ha, riêng Khu các làng dân tộc rộng 198,61ha, có đồi cao, thung lũng, mặt nước, thể hiện sự phân bố các làng dân tộc trải rộng trên mọi miền đất nước. 



Có từng khu vực, cho các dân tộc khác nhau, từ Mông, Dao, Mường, Thái đến Mơ nông, Ê đê... Phải nói là rất công phu, nghe đâu chính những người thợ của dân tộc đó về dựng nên. Quả là một đất nước thu nhỏ...



                                  

                                    



Đặc biệt là ngôi chùa Khmer mới khánh thành, rất to lớn, bề thề và đúng chất Phật giáo Nam Tông như chùa Thái Lan, Lào, CPC... Có điều trong chính điện, tượng Phật quá to, quá cao, không bình dị, gần gũi như chùa Lào. Nghe nói chùa do các sư Nam tông của miền Nam phê duyệt, qua đó thì thấy chùa Nam tông Việt cũng  có khác biệt với Lào... 


Đứng trên hành lang chùa nhìn hồ nước bảng lảng sương mù, phải nói là rất bình yên, thơ mộng. Xung quanh chùa là những cây thốt nốt cao vút.










Công trình Tháp Chàm cũng rất ấn tượng. Tháp theo khuôn mẫu tháp Tháp Po Klong Garai, có đủ cả ba tháp, tháp chính, tháp lửa và tháp cổng. Đã đi Ninh Thuận mới thấy thấy phiên bản y như thật, có khác chăng là những cột đá vào đền nhẵn nhụi, không khắc đầy kinh bằng chữ Chăm cổ và không có dấu vết tàn phá của thời gian thôi. Xung quanh họ trồng xương rồng...








Khu Làng Văn hóa vẫn đang quá trình xây dựng nên chưa hoàn thiện, nhưng có nhiều điểm để tham quan, chụp hình. Nếu có cơ hội, mọi người lên đây một chuyến cũng hay. Bây giờ hoa ban đỏ đang nở đầy...                                   







--> Read more..

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

DINH THẦY THÍM



Đây là một di tích - ngôi đền nổi tiếng của thị xã La Gi, Bình Thuận, cách đó cả chục Km đã có biển chỉ đường. Tên đền nôm na lạ lẫm quá, đến nơi đọc lời giới thiệu tôi mới lý giải được.

Đó là một vị quan nhà Nguyễn có sai phạm gì đó bị phạt tử hình với "tam ban triều điển" - tự chọn cách chết. Ông này bí mật cùng vợ chạy trốn đến La Gi ngày nay thì ở lại. Ông chữa bệnh và dạy dân cách đóng ghe thuyền... Vì ông mai danh ẩn tích nên không ai biết tên, dân cứ gọi ông là Thầy, vợ Thầy là Thím. Nói ngắn gọn như thế nhưng tương truyền ở điạ phương thì linh thiêng, huyền hoặc hơn nhiều. Trên cổng Tam quan có phù điêu về những thần tích đó.
 
 


Quy mô của Dinh cũng rất lớn, từ cách xa nửa cây số đã có barie. Vào trong thì nhiều người mời mua gạo. Gạo đóng thành bao 10 kg, 20 kg... Lý do họ nói là Dinh không nhận tiền mà nhận gạo.

Đến cổng Dinh thì có người ngồi gác, cấm tiệt bọn bán hàng rong, hương hoa, vé số được vào trong. Bên trong Dinh sạch sẽ, khang trang lắm. Tôi không mua gạo. Vào nói chuyện với ông từ thì biết là Dinh nhận cả gạo lẫn tiền nhang đăng. Mỗi năm Dinh ủng hộ chính quyền cả chục tấn gạo... Vì lễ vật bằng gạo nên Dinh phải làm cái bàn thờ bằng thép rất to...


 
 
 
 
 
 Ở đây còn có phòng chữa bệnh bằng cách mài cây gậy còn lại của thầy ra làm thuốc thánh (?!). Hii, ai có niềm tin mãnh liệt vào sự linh thiêng của Thầy và Thím thì hẳn sẽ khỏi bệnh. Mình lạc bước giang hồ rẽ vào chơi tý rồi đi tiếp thôi...
--> Read more..

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

MỘT THOÁNG BÀ RỊA



Địa danh Bà Rịa khá đặc trưng Nam Bộ, dù không xa SG nhưng lại không có lý do để đến. May thay, hành trình ra Phan Thiết hôm rồi, mình đi qua. Đây quả là một đô thị yên tĩnh. Tiếc rằng, cũng như tình trạng chung, dấu vết cũ hầu như đã bị các công trình đời mới thay thế triệt để.

Điểm thú vị đầu tiên ai đến đây chắc cũng chú ý, đó là Tháp nước cổ ngay cửa ngõ thành phố. Tháp nước không đẹp như Tháp nước Phan Thiết nhưng hấp dẫn ở chỗ có vô số chim én lấy đó làm nơi trú ngụ. Đây là loài chim đắp tổ bằng đất, nên chi chít trên Tháp nước là những tổ chim tựa như  những tổ ong. Chim bay vào bay ra ríu rít, hồn nhiên. Đất lành chim đậu, nhưng đây là Tháp lành chim đậu.























Qua Tháp chim một quãng ta sẽ gặp một công trình tôn giáo đẹp mắt, đó là Nhà thờ Chánh tòa Bà Rịa. Đây là nhà thờ cổ, xây dựng từ  năm 1865 nhưng mới được xây dựng lại năm 2005. Phía trong khuôn viên nhà thờ là những cụm tượng đá trắng diễn tả cuộc đời Chúa Giê su, hành trình lên núi Sọ... Các bức tượng rất sinh động, đẹp mắt. Hai bên bực lên nhà thờ là hai pho tượng Thiên thần cầm đuốc và hai vị thánh tông đồ. Ở giữa sân là Tượng đức mẹ bế Chúa Hài đồng.





Nhà thờ Chánh Toà có hai ngọn tháp cao 45m trong màu đá hoa cương. Từ trên ngọn tháp, sáu quả chuông với đường kính từ 60 cm đến 114 cm.

 

 





Theo thông tin từ Nhà thờ: “Bên trong ngôi nhà cầu nguyện, khu vực Cung thánh được thiết kế theo dạng thức hình tròn liên cấp, tạo nên ý nghĩa của tình hiệp thông trọn vẹn giữa đoàn Dân Thiên Chúa được qui tụ để làm nên Ngôi Đền Thờ của Chúa Thánh Thần và cùng nhau cử hành hy tế Con Chiên Thiên Chúa.


Bàn tiệc Thánh Thể làm bằng cẩm thạch trắng đặt tại vị trí trung tâm, mặt trước là bức phù điêu khắc hoạ lại khung cảnh Tiệc Ly, mặt sau là nơi niêm ấn thánh tích của ba vị chứng nhân đức tin đến từ ba miền đất nước:
- Miền Nam với Thánh Matthêu  Lê Văn Gẫm, tín hữu thuộc xứ Long Điền, Bà Rịa, tử đạo ngày 11.5.1847 tại Chợ Đũi, Giáo phận Sài Gòn;
- Miền Trung với Thánh Phêrô Hoàng Khanh, tử đạo ngày 12.7.1842 tại Hà Tĩnh, Giáo phận Vinh;
- Miền Bắc với Thánh nữ Anê Lê Thị Thành, tử đạo ngày 12.7.1841 tại Phúc Nhạc, Giáo phận Phát Diệm.

Di cốt của ba vị Thánh Tử Đạo được cẩn khảm trong một tấm phù điêu ghi khắc chân dung của 117 Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam”.
Nhà thờ mở cửa, bên trong thông thoáng, hiện đại pha lẫn nét cổ kính của các vòm cửa và tranh kính. Có hai người đang thì thầm cầu nguyện. Có điều lạ là họ ngồi sát ngay cửa, như vậy là rất xa bàn thờ chính, thì thầm một cách thành kính. Tôi thường thấy cảnh chen nhau tiến sát nhất cung cấm, chen cho đến gần chỗ thờ chính nhất ở các sinh hoạt tín ngưỡng khác, nhưng ở đây thì không... Đúng là Chúa ở trong lòng.

Một anh bạn hẹn đến quá Cafe Hello gần đó. Quán rộng rãi, người ta thảnh thơi đánh cờ, uống cafe... Bên ngoài đường phố vắng vẻ, yên tĩnh khác rất xa so với SG.

Ở đây, cán bộ công chức không được đi nhậu buổi trưa nên các quán này vắng tanh. Nghĩ ngơi để chờ cho hết giờ hành chính...
Một thoáng Bà Rịa với tôi cũng thú vị.
--> Read more..

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

Đứt quãng văn hóa



Miền Bắc sau những năm biến động, loạn lạc của thế kỷ XX đã đứt quãng văn hóa rất kinh khủng. Ví dụ ở làng Văn La, xã văn Võ, thuộc Chương Mỹ, Hà Nội mà tôi vừa đến là khá rõ.

Hôm đó về quê cậu phóng viên trong báo  ở làng Văn La, vào đình làng thì thấy một ngôi đình sạch sẽ, yên tĩnh và nguyên vẹn. Ông thủ từ mở cửa mời vào. Đình treo đầy hoành phi câu đối khảm trai. Chính giữa là bức hoành phi Văn Khắc Phối... Tôi hỏi chuyện ông từ, xem đình thờ Thành hoàng là vị nào... Đang vui vẻ giới thiệu đình, mặt ông từ trở nên trầm lắng và buồn bã. Ông bảo: Không biết thờ ai, do trộm lấy hết sắc phong  rồi. Tôi nói: Văn tế, văn khấn cũng có thể biết. Ông nói, không có văn tế. Tôi vào hậu cung xem bài vị, ôi trời, bài vị không có chữ... Tóm lại là lâu nay ông từ  chỉ biết ngủ trông trộm và giữ hương khói thôi chứ Ngài là ai thì chịu. Buồn lắm mà cả làng không biết tính sao...


Văn khắc phối



Máu giang hồ nổi lên, tôi nói, qua câu đối cũng có thể biết đôi chút về thân thế , công lao người được thờ nên cháu sẽ chụp lại và về dịch để các cụ biết thêm được chút nào hay chút đó.


Thế là hì hục chụp và về mày mò dịch, chữ nào không hiểu lên hỏi sư phụ, dịch xong mang cụ thẩm định lại, cuối cùng cũng tạm ổn. Vậy mà việc dịch của cháu gây cơn sốt cho làng, như người khát nước được uống nước dừa tươi... Hii, các cụ mở hội ba ngày, nhà cháu không về được thì các cụ gửi cho lộc là hai cái bánh chưng và con gà trống ( nó gáy từ ba rưỡi sáng.. Hii). Nội dung câu đối thấy Thần là vị có công lao hiển hách, đi sử Tàu, bình Chiêm, công lao được "Thiên tử trọng" rồi "Vị quán vương hầu"- đng đầu vương hầu... Tuy nhiên, danh tính Ngài thì vẫn đang là câu hỏi sẽ phải làm tiếp.

Sau đây là một số nội dung cụ thể:





TRẠC GIÁP  ĐỆ, SỨ HÁN KINH,

       BƯU BÍNH HÙNG VĂN, TRUNG NGOẠI PHỤC
Đăng khoa bảng, đi sứ Tàu, văn chương hào hùng, trong ngoài khâm phục
                                                                    ( Mùa hè năm Kỷ Mùi- 1919)

TÒNG TRIỆU TỔ PHÙ LÊ ĐẾ,

       CHẤN DƯƠNG NGHĨA LIỆT, CỔ KIM TRUYỀN
Theo triệu tổ giúp vua Lê, nghĩa liệt chói lòa, xưa nay truyền tụng
                                         ( Cử nhân Tạ Đình Uyển soạn, Tả Văn Hội cung tiến)







  TƯỚNG CÔNG KIẾN HỒNG HUÂN, SỨ HÁN,


            BÌNH CHIÊM, DANH THÙY VŨ TRỤ
Tướng công dựng nghiệp lớn, đi sứ  Tàu, đánh dẹp quân Chiêm,  danh tiếng bao trùm vũ trụ.
                                            (Triều Bảo Đại, mùa đông năm Mậu Dần, 1938 –
                                         Tú tài, Nguyên Nghị viên, Hàn lâm Lê Văn Sinh soạn )

 SINH HƯƠNG KHÂM VĨ LIỆT, TÁN TRỊ

           PHỤ QUỐC, VỊ QUÁN VƯƠNG HẦU
Quê hương tôn kính công lao, giúp vua giúp nước, đứng đầu vương hầu.
                                                        (Hội Thương mại xã Văn La cung tiến)


 HÁCH HÁCH THẦN CÔNG, XUYẾN NGA SƠN    BẮC
       Hiển hách công Thần, xuyên suốt từ núi Nga sang Bắc
(Triều Bảo Đại, mùa đông năm Bính Tý, 1936. Cựu Lý trưởng, nguyên Chánh hội Nguyễn Đức Mao làm lại như cũ)

 DƯƠNG DƯƠNG THÁNH TRẠCH, CÙNG HÁT THỦY NHI  ĐÔNG
       Mênh mông ơn Thánh, như  dòng sông Hát chảy sang Đông
 (Triều Tự Đức, mùa thu năm Kỷ Mão 1879, Cựu Lý trưởng Nguyễn Đức Hòa cung tiến)





 SỨ HÁN VĂN DANH TRUYỀN BẮC ĐỊA
       Đi sứ Tàu, văn tài lừng danh đất Bắc
                               ( Mùa xuân năm  Bảo Đại thứ nhất – 1925)

 BÌNH CHIÊM VÕ LIỆT CHẤN NAM THIÊN
       Dẹp loạn Chiêm, võ công chấn động trời Nam
                                 ( Hội Tư văn xã Văn La cung tiến)



 Đức bác thánh văn đằng vũ trụ/  Uy dương thần vũ chấn Hoa Di


 Vụ khoát tinh huy chương thánh đức/ Nhật lâm nguyệt chiếu diệu thần uy



 Hậu cung, có tượng nhưng bài vị không ch

 
 Nam Quốc Phan Hàn


Trong những chữ ở đây, cũng có một chữ từ điển không có, kính phiền bác Bu thẩm định. Đó là trán của nhà hậu cung ghi bốn chữ Nam Quốc Phan Hàn , chữ Phan ( phiên) lại có bộ trúc đầu thay vì bộ thảo. 

 
 Bắc Thần Kỳ Sở, chữ Thần có bộ Miên, mời bác Bu xem ạ.


Mời các bác xem, và góp ý thêm.


--> Read more..

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Chữ Hán ở Đền Hùng


Hôm nay 10-3, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đây ạ, xin kính chúc toàn thể đồng bào ( chơi blog) trong và ngoài nước an vui, hạnh phúc ạ. Chắc hẳn nhiều đồng bào chưa về thăm  Đền Hùng được nên xin được chia sẻ với các bác một số hình ảnh và nội dung về chữ Hán ở Đền Hùng. Hoành phi, câu đối ở đây hội tụ tinh hoa cả nước, nhưng cách hiểu lại không thống nhất, khó hiểu hoặc hiểu sai.





Một đôi câu đối khác, khá đặc biệt vì hội tụ tất cả tinh thần của các câu đối, hoành phi ở Đền Hùng:

Thử địa thử sơn Nam quốc kỷ
Ngô vương ngô thổ Bắc thần tôn

Tiếc rằng đôi câu đối này đang có nhiều cách nhiểu khác nhau, biểu hiện ở nhiều bài viết, nhiều bài báo, trong cả sách giới thiệu Đền Hùng, có người dịch rằng:

Đất này, núi này là của nước Nam
Vua ta, đất ta làm phương Bắc cũng nể vì.
(Nguyễn Khắc Xương - Tạp chí Hán Nôm số 2 – 1996).

Cuốn sách giới thiệu về Đền Hùng  dịch là:

Đất này, núi này, nước Nam dấy nghiệp
Vua ta, nước ta, vua Bắc nể vì.
“Phương Bắc cũng nể vì” hay “Vua Bắc nể vì” đều dịch từ chữ “Bắc thần tôn”, với lý lẽ: “Chữ Bắc trong Bắc thần tôn, nên hiểu và dịch là phương Bắc, Bắc quốc, mới đối được với vế trên là Nam quốc. Chữ Thần gồm bộ Miên ở trên và chữ Thìn ở dưới, Từ điển Số tứ giác của Trung Quốc trang 238 giải thích là Đế vương. Từ điển Trung Việt trang 150 giải nghĩa là Vua, thần cư là nơi  ở của vua, thần chương là văn chương của vua. Chữ Tôn ở đây nghĩa là tôn trọng, nể vì…”  (Phạm Thức – tài liệu đánh máy)

Tuy nhiên, “Bắc thần” không phải là phương Bắc hay Bắc quốc mà là chữ lấy từ sách Luận ngữ. Đó là câu trong chương Vi chính: " Tử viết: Vi chính dĩ đức, thí như Bắc thần cư kỳ sở nhi chúng tinh củng chi". Nghĩa là, Khổng Tử nói rằng: Người làm chính trị, cầm quyền trị dân mà dùng đức để thi hành chính sự thì mọi người dân đều tuân phục, tựa như ngôi sao Bắc thần (Bắc đẩu) ở một chỗ mà mọi vì sao khác đều chầu theo.

Do đó, chữ “Bắc thần tôn” trong đôi câu đối Đền Hùng trên đây phải hiểu là Vua ta lấy đức trị dân, được dân ta tôn kính, tuân phục, chứ không liên quan gì đến “phương Bắc” hay “Bắc quốc”.

Vì thế, câu đối này có nghĩa là: Đất này, núi này đã được ghi chép là của nước Nam/ Vua ta trị đất ta bằng đức nên dân chúng tôn kính, như sao Bắc  thần, muôn vì sao hướng theo. Như vậy “Nam quốc kỷ” cũng là sự thể hiện  tinh thần quả quyết “Rành rành định phận tại sách trời”. 




Nam Việt Triệu Tổ

Về đại tự thì trên Đền Thượng, nơi quan trọng nhất, đề bốn chữ Nam Việt Triệu Tổ - đây là công trình xây dựng thời nhà Nguyễn và xây lại , to hơn năm 2009, nhưng bốn chữ đó làm lại như cũ. Ông già tôi nói: Nam Việt là tên nước thời Triệu Đà, sao Đền Hùng lại viết Nam Việt Triệu Tổ mà không là Việt Nam Triệu Tổ hay Đại Nam, Đại Việt, Âu Lạc Triệu Tổ... Tôi cũng đã viết thắc mắc này lên báo đôi lần nhưng chưa ai giải thích. Mong các quý đồng bào uyên thâm như bác Bu, bác Hiệp, bác Mùi... tham gia giải đáp giúp.




 Vạn Đức Viên Chương - hoành phi cũ trông khác hẳn.




Bức này Nhân nghĩa Cúc Dân chữ lớn được, chắc sao từ bản cũ, nhưng chữ lạc khoản quá kinh khủng.






Ngoài ra, sau chuyến đi vừa rồi thì tôi thấy, nhiều hoành phi chữ quá tệ, không hiểu sao Ban quản lý di tích lại cẩu thả, dễ dãi đến thế... 

 Toro.

--> Read more..

Flags

Flag Counter