Thứ Tư, 26 tháng 5, 2010

Yếu sinh lý

Trên báo chí, người ta hay dùng cụm từ “yếu sinh lý”, với hàm ý “chuyện kia” chính là sinh lý. Trường Đại học Y TB. có bảng “Phòng thí nghiệm sinh lý” ở tòa nhà cạnh đường. Bà con đi qua nhìn thấy bảng, chửi: "hết chuyện rồi hay sao mà chúng nó còn mang ra mà thí nghiệm!". Các bác đang bực mình vì "ô uế" thì thấy một giảng viên cao gầy lòng khòng đi ra. Bác nông dân chép miệng: "làm ăn thế chả trách, trông chả ra hồn người nữa!" ...

 

--> Read more..

Thứ Ba, 25 tháng 5, 2010

Nói tục

Xưa nay nói tục là thói quen của người ít học, nhất là dân lao động cực nhọc. Họ nói tục  như để xả stress. Tôi nghĩ thế không biết có đúng không?!

Bây giờ người nói tục  không phải chỉ có dân lao động lam lũ mà cả văn nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo chữ nghĩa đầy mình. Một tối tôi đi thể dục thấy bên hè đường có đám quay phim, bối cảnh là cửa hàng hoa. Diễn viên là các cháu tuổi teen. Đạo diễn là một anh diễn viên nổi tiếng đẹp trai.

Để cho cậu học sinh vào vai bạo dạn hơn,  bớt chất học trò đi tay đạo diễn bảo: Mày phải nói tục cho quen đi, nói thử tao nghe, nào  L... nói lại đi, L... nói lại đi. ĐM thằng này cứ như con gái ngày xưa... Tôi như không tin ở tai mình. Cậu bé kia thì mặt đỏ nhừ.

Mới đây ngồi với một vị nhà báo nhớn, mọi người muốn mời một nhà thơ ra cho vui, nhà báo nhớn gọi di động nói: Mày viết loạt bài ABC như L... ra đây nghe tao mắng! Nhanh...

Một nhà báo to khác khi nói về một vụ đã xong, cũng kết luận : ... Bây giờ nó có bú C... tớ.

Một cô về một xã công tác thấy nói tục ghê quá liền phàn nàn, góp ý với ông Chủ tịch xã, ông ấy bảo: Nói mãi rồi đấy mà chúng nó Đ... nghe. Hiii, hết thuốc...

Tại sao nói tục lại lên ngôi thế nhỉ?! Các bác ấy stress chăng? Cái gì làm các bác ấy bức bối thế?! Nhưng stress lại chỉ xả bằng nói tục thôi sao... Càng nghĩ càng chả biết lý giải thế nào...

Ngày xưa chỉ cần nói: Chán bỏ mẹ, hay Cần đếch gì... đã ăn mắng rồi. Bây giờ khác quá...

--> Read more..

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2010

Suy ngẫm

Báo chí hồi này đưa nhiều chuyện nhiễu nhương, đau lòng quá, bên cạnh đó là nhiều tin vô thưởng vô phạt, nên đọc bài này trên Bee net thấy có ý nghĩa. Xin post lên để mọi người tham khảo, biết đâu góp phần cho chúng ta di dưỡng tính tình, bình tâm trước những nhiễu nhương trước mắt... Những quan niệm, suy ngẫm của cụ Nguyễn Hiến Lê như thế này:

Rải rác trong các tác phẩm của tôi thường đưa ra những suy tư, ý kiến của tôi về nhiều vấn đề, dưới đây tôi lựa và gom lại một số thuộc về nhân sinh quan:

d
Nguyễn Hiến Lê

1. Đời sống tự nó vô ý nghĩa, trừ ý nghĩa truyền chủng, nhưng mình phải cho nó một ý nghĩa. Từ hồi ăn lông ở lỗ đến nay, nhân loại quả đã tiến rất nhiều phương diện. Chúng ta được hưởng công lao, di sản của biết bao thế hệ, thì phải duy trì di sản đó và cải thiện nó tuỳ theo khả năng mỗi người.

2. Chúng ta làm điều phải vì tin nó là điều phải, chứ không phải vì ý muốn của Thượng Đế hay một thần linh nào, cũng không phải vì mong chết rồi được lên Niết Bàn hay Thiên Đàng.

3. Quan niệm thiện ác, thay đổi tuỳ thời, tuỳ nơi, cái gì ích lợi cho một xã hội vào một thời nào đó thì được xã hội cho là thiện: cũng cái đó qua thời khác không còn ích lợi nữa mà hoá ra có hại thì bị coi là ác.

Ví dụ như đạo tòng phu, tòng tử của phụ nữ có lợi cho gia đình, xã hội ở thời nông nghiệp, tới thời kỹ nghệ không có lợi cho gia đình, xã hội nữa, nên mất giá trị. Khi sản xuất được ít, đức tiết kiệm được đề cao: ngày nay ở Âu Mỹ, sản xuất vật dụng thừa thãi quá, nên sự phung phí gần thành một bổn phận đối với xã hội. Tuy nhiên, vẫn có một số giá trị vĩnh cửu, dân tộc nào văn minh cũng trọng, như đức nhân, đức khoan hồng, công bình, sự tự do, tự chủ....

4. Đạo nào cũng phải hợp tình, hợp lý thì mới gọi là đạo được. Tôi không tin rằng hết thảy loài người chỉ thấy đời toàn là khổ thôi; cũng không tin rằng hết thảy loài người thích sống tập thể, không có của riêng.

5. Đạo Khổng thực tế nhất, hợp tình hợp lý nhất, đầy đủ nhất, xét cả về việc tu thân, tề gia trị quốc. Vậy mà tới nay lý tưởng của ông nhân loại vẫn chưa theo được. Về tu thân, ba đức nhân, trí, dũng luyện được đủ tình cảm, trí tuệ và nghị lực của con người.

6. Nên trọng dư luận nhưng không nên nhắm mắt theo dư luận. Biết đắc nhân tâm, cũng có lúc phải tỏ nỗi bất bình của mình mà không sợ thất nhân tâm.

7. Mỗi người đã phải đóng một vai trò trong xã hội thì tôi lựa vai trò thư sinh. Sống giữa sách vở và hoa, được lòng quý mến, tin cậy của một số bạn và độc giả, tôi cho là sướng hơn làm một chính khách được hằng vạn người hoan hô, mà có phần giúp ích cho xã hội được nhiều hơn chính khách nữa. Nhưng làm nhà văn thì phải độc lập, không nên nhận một chức tước gì của chính quyền.

8. Ghi được một vẻ đẹp của thiên nhiên, của tâm hồn và tả được một nỗi khổ của con người khiến cho đời sau cảm động, bấy nhiêu cũng đủ mang danh nghệ sĩ rồi.

9. Văn thơ cũng phải tự nhiên, cảm động, có tư tưởng thì mới hay. Ở Trung Hoa thơ Lý Bạch, văn Tô Đông Pha hay nhất. Ở nước ta, thơ Nguyễn Du tự nhiên, giản dị mà bài nào cũng giọng buồn man mác.

10. Tôi khuyên con cháu đừng làm chính trị, nhưng nếu làm thì luôn luôn phải đứng về phía nhân dân.

11. Một xã hội văn minh thì nhà cầm quyền không đàn áp đối lập; cùng lắm chỉ có thể ngăn cản họ để họ đừng gây rối thôi, tuyệt nhiên không được tra tấn họ. Phải tuyệt đối tôn trọng ý kiến của mọi người.

12. Một xã hội mà nghề cầm bút, nghề luật sư, không phải nghề tự do thì không thể gọi là một xã hội tự do được.

13. Khi nghèo thì phải tận lực chiến đấu với cảnh nghèo vì phải đủ ăn mới giữ được sự độc lập tư cách của mình. Nhưng khi đã đủ ăn rồi thì đừng nên làm giàu, phải để thì giờ làm những việc hữu ích mà không vì danh vì lợi. Giá trị của ta ở chỗ làm được nhiều việc như vậy hay không.

14. Chỉ nên hưởng cái phần xứng đáng với tài đức của mình thôi. Nếu tài đức tầm thường mà được phú quý hoặc được nhiều người ngưỡng mộ thì thế nào cũng sẽ mang hoạ vào thân.

15. Hôn nhân bao giờ cũng là một sự may rủi. Dù sáng suốt và chịu tốn công thì cũng không chắc gì kiếm được người hoàn toàn hợp ý mình; phải sống chung năm ba năm mới biết rõ được tính tình của nhau. Từ xưa tới nay tôi chỉ mới thấy cuộc hôn nhân của ông bà Curie là đẹp nhất, thành công nhất cả cho cá nhân ông bà lẫn cho xã hội. Hiện nay ở Mỹ có phong trào kết hôn thử, tôi cho rằng chưa chắc đã có lợi cho cá nhân mà còn có thể gây nhiều xáo trộn trong xã hội.

16. Có những hoa hữu sắc vô hương mà ai cũng quý như hoa hải đường, hoa đào; nhưng đàn bà nếu chỉ có sắc đẹp thôi, mà không được một nét gì thì là hạng rất tầm thường. Chơi hoa tôi thích loại cây cao; có bóng mát, dễ trồng và có hương quanh năm như ngọc lan, hoàng lan. Ở đâu tôi cũng trồng hai loại đó.

17. Rất ít khi con người rút được kinh nghiệm của người trước. Ai cũng phải tự rút kinh nghiệm của mình rồi mới khôn, vì vậy mà thường vấp té. Nhưng phải như vậy thì loài người mới tiến được.

18. Cơ hồ không thể thay đổi được bản tính con người: người nóng nảy thì tới già vẫn nóng nảy, người nhu nhược thì tới già cũng vẫn nhu nhược. Nhưng giáo dục vẫn có ích lợi.

Không nên cho trẻ sung sướng quá. Phải tập cho chúng quy củ, kỷ luật, biết tự chủ và hiểu rằng ở đời có những việc mình không thích làm nhưng vẫn phải làm ngay, và làm thì phải làm ngay, làm đàng hoàng, làm cho xong.

19. Thay đổi bản tính loài người như Mặc Tử, như Karl Marx muốn làm chuyện không dễ một sớm một chiều. Thế giới còn những nước nhược tiểu có nhiều tài nguyên thì còn bọn thực dân họ chỉ thay đổi chính sách thôi. Thực dân nào cũng vậy. Khi họ khai thác hết trên mặt đất, trong lòng đất thì họ sẽ khai thác biển, đáy biển. Họ còn sống lâu. Tuy nhiên, cũng phải nhận rằng sự bóc lột trong một nước tân tiến thời nay đã giảm nhiều, thì sau này sự bóc lột các dân tộc nhược tiểu cũng sẽ giảm đi lần lần.

20. Xã hội bao giờ cũng có kẻ tốt và kẻ xấu. Như Kinh Dịch nói lúc thì âm (xấu) thắng, lúc thì dương (tốt) thắng; mà việc đời khi giải quyết xong thì lại sinh ra việc khác liền sau, quẻ kí tế (đã xong) tiếp ngay tới quẻ vị tế (chưa xong). Mình cứ làm hết sức mình thôi còn thì để lại cho các thế hệ sau.

21. Hồi trẻ, quan niệm của tôi về hạnh phúc là được tự do, độc lập, làm một công việc hữu ích mà mình thích, gia đình êm ấm, con cái học được, phong lưu một chút đừng giàu. Nhưng hồi 50 tuổi, tôi thấy bấy nhiêu chưa đủ, cần thêm điều kiện này nữa: sống trong một xã hội lành mạnh, ổn định và tương đối thịnh vượng.

--> Read more..

Thứ Ba, 18 tháng 5, 2010

Làm kem thời bao cấp

Thời bao cấp có các hàng kem quốc doanh, khá ngon lành, có kem sữa, kem cốm, kem đậu xanh hẳn hoi. Ở Hà Nội có món kem cốc ở Hồng Vân- Long Vân ở Bờ Hồ, đối diện hàm Cá Mập bây giờ đối với tôi rất hấp dẫn. Kem tuôn ra thành hình quả đào, có chóp mầu hồng hồng ngon tuyệt. Nhưng đấy là kem cao cấp rồi, dân quê không có tiêu chuẩn đó.

Cái kem bán rong kiểu "bíp bu"  là kem gia công, còn gọi là "kem đỉa" và tôi cũng đã hân hạnh tham gia làm loại kem này một ít ngày.

Gọi là kem đỉa vì trong que kem có hẳn con đỉa nằm giữa ( không biết trong Nam kêu con đỉa là con gì?). Có khi là con tép hay bèo tấm... Kinh hồn luôn... Tại sao có chuyện đó?

Có thời nhiều nguời kinh doanh bằng cách mở lò kem. Máy kem chế từ lốc máy lạnh. Nhiều người làm giàu, có xe Cup vì làm kem.

Nguyên liệu làm kem là bột sắn (bột mì thì sang hơn). Bột được quấy lên như cháo loãng, sau đó cho mật vào quấy thành một hỗn hợp lờ nhờ. Nguyên liệu thế là hết. Hỗn hợp này được đổ vào khuôn, đưa lên máy, một lát sau cắm que, 30 phút được một mẻ.

Kem đa số làm đêm để sáng hôm sau họ mang bán rong nên nếu thợ mệt quá không kéo nước giếng, vục ngay nước ao hồ lên thì có đỉa hay , tôm tép, bèo tấm là tất nhiên.

Hôm nọ, kể chuyện làm kem cho mấy đứa con nghe, nó bảo bố làm kem thử đi. OK, mấy bố con hì hục làm bằng nguyên liệu xịn, bột mì, đường sữa rồi cho vào tủ lạnh... Ôi thôi, kem cứng như đá, trẻ con chê ỏng chê eo. Nó không phải là trẻ con của thế kỷ trước nữa, nó ăn kem ly 15-20 ngàn đồng/ ly cơ.

Đúng như Thaominhue nói, nhớ lại những que kem thởu trước vị kem thấm... đau đến tận bây giờ. Ôi cái tuổi thơ ở thế kỷ 20 anh hùng...

--> Read more..

Thứ Năm, 13 tháng 5, 2010

Kem mút, kem đỉa...

Hôm nọ một bạn post lên những hình kem cốc rất ngon mắt. Nhìn những cốc kem tôi lại nhớ những kỷ niệm về kem một thời.

Hồi còn nhỏ, ở quê, tiếng còi hơi "bíp bu, bíp bu" của ông bán kem rong là cả thế giới văn minh. Kem đặt trong thùng gỗ lót xốp, che bằng những tấm màn rách bẩn thỉu nhưng với chúng tôi thì không hề gì. Được ăn kém là một hạnh phúc. Kem khi đó 1 hào một que. Tôi có một nỗi ân hận đeo bám đến tận bay giờ liên quan đến kem là thế này.

Hôm đó, bà chị tôi đưa cho mấy hào và dặn, thấy kem thì mua mang về nhé. Tôi đi chơi với Phong, một anh bạn học cùng lớp. Đi chơi khá xa thì thấy hàng kem mới nhớ ra lời bà chị vội móc tiền ra mua. Kem được gói vào tờ báo cũ, rồi hai thằng chạy về kẻo kem chảy nước hết. Chạy được một quãng thì kem rớt ra tay, Phong bảo "để tao về nhà lấy cho cái bát". Thế rồi Phong chạy ào về mang cái bát to ra, tôi bỏ kem vào bát chạy về, tôi bảo Phong đến nhà tớ ăn kem. Phong bảo: Thôi, tao về đây. Tôi sợ kem chảy hết vội mang kem về. Bà chị bảo, sao không đưa cho Phong que kem luôn...

Tôi ngẩn người ra, ừ sao mình vô tâm thế, mua 4 que rồi, nhà tôi có ba chị em, Phong là 4 mà. Tôi ân hận vô cùng mà không biết làm thế nào, định bụng sẽ rủ Phong đi ăn kem bù lại nhưng có phải lúc nào cũng có tiền đâu...

Cho đến bây giờ, có lẽ gần 40 năm trôi qua tôi vẫn không quên cảm giác ngại ngùng, ân hận ấy mỗi khi nhớ về chuyện ấy hay mỗi lần gặp Phong.

Phong cùng họ với tôi, nhưng sống ở quê nên trông già hơn tôi nhiều. Và có lẽ Phong cũng không tin rằng tôi còn nhớ đến nó, còn cảm giác thân thiết với nó nên cũng không mặn mà lắm. Mấy lần gặp ở quê, tôi muốn tìm cơ hội nói lại chuyện đó mà chưa làm được. Mà chính vì thế mà tôi không thể quên được chuyện này.

Giá như Phong cũng chơi blog nhỉ, tôi muốn nói: Tôi xin lỗi Phong về vụ đó nhé, chúng mình đi nhậu một bữa cho vui đi...

(Kỳ sau: Làm kem... đỉa)

--> Read more..

Thứ Tư, 12 tháng 5, 2010

Tim con gái ở bên phải...

Hồi mới lớn đi cưa gái, khi đã thân mật, muốn tiến thêm một bước thì mình bảo: Tim con gái ở bên phải, tim con trai ở bên trái. Cô bé nói: Thật à? Tim em ở bên trái mà... Em nhầm rồi, làm gì có chuyện tim con gái ở bên trái... Đây, rõ ràng đập bên trái đấy chứ... Thế là cô bé trúng kế của mình . Vừa tận hưởng thành quả, ta vừa nghĩ thầm, cô bé này ngốc thế không biết, làm gì có ai có tim bên phải cơ chứ.

Bây giờ mới biết có hai cái nhầm, cái thứ nhất, biết đâu mình ngốc, cô bé biết thừa "âm mưu"; thứ hai là người có tim bên phải là có thật và không hiếm, chỉ có điều không phân biệt nam nữ thôi. Bác Nguyenvantuan, một chuyen gia y khoa cho biết như vậy, sau khi đọc bài báo của VNN.

Sáng nay, đọc bản tin dưới đây, thoạt đầu tôi tưởng là chị này có trái tim nằm bên phải có vấn đề gì; hóa ra, chẳng có vấn đề gì cả... Theo tôi biết thì hiện tượng tim nằm bên phải không đến nổi quá lạ và cũng không phải rất hiếm đâu. Trong thuật ngữ y khoa, "hiện tượng" này gọi là dextrocardia, nằm trong nhóm situs inversus (tiếng Latin, dịch nôm na là "nằm lộn chỗ"). Y văn nói đây là một “hiện tượng” bẩm sinh, phát hiện lần đầu vào năm 1643. Theo thống kê ở bên Mĩ thì cứ 10,000 người, có 1 người có tim nằm bên phải. Ở Sri Lanka, một báo cáo trong y văn cho thấy tỉ lệ này khoảng 2 trên 10,000 người. Xin nhắc lại rằng, “hiếm” trong y văn thường được hiểu là 1 trên 100,000 hay 1 trên 1 triệu người. Do đó, tôi nghĩ hiện tượng tim nằm bên phải tuy là ít thấy nhưng không phải rất hiếm.

Người có tim nằm bên phải có sức khỏe bình thường như mọi người. Tuổi thọ cũng không khác với quần thể dân số. Không có khác biệt giữa nam và nữ.
http://vietnamnet.vn/khoahoc/201005/Chuyen-la-co-that-Trai-tim-nam-ben-trai-909034/

Chuyện lạ có thật ở Việt Nam: Trái tim nằm bên phải!


(TinnhanhVietnamnet)- Cô gái trẻ vẫn đùa rằng: “Từ khi biết trong người mình lạ như vậy, nhiều lúc cứ nghĩ vẩn vơ mình giống như người ngoài hành tinh”.

Đó là trường hợp của Nguyễn Thị Yến Mỹ, cô gái 27 tuổi, hiện đang sống tại thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, Quảng Nam.

Năm 2005, sau khi có thai được sáu tháng, Mỹ đã đi khám thai ở phòng mạch tư của bác sĩ Trần Quang Dũng ở số 4 Nguyễn Thị Minh Khai – Hội An. Trong quá trình khám, bác sĩ Dũng áp ống nghe vào ngực trái thì không nghe thấy nhịp đập, nhưng khi đưa ống nghe qua ngực phải thì thấy tim đập mạnh.

Nghi ngờ có điều bất thường, bác sĩ Dũng đã cho siêu âm và kết quả khiến bác sĩ cũng phải kinh ngạc, phủ tạng của Mỹ đảo ngược hoàn toàn so với người bình thường.

Được biết, thời học sinh, Mỹ từng là một vận động viên điền kinh thuộc đội tuyển Đại Lộc và cũng tham gia nhiều môn thể thao khác nhưng chưa bao giờ có vấn đề gì về tim mạch.

Đến nay, Mỹ đã sinh 2 con và sức khỏe của cô hoàn toàn bình thường. Theo các bác sĩ cho biết thì đây là một trong số những trường hợp rất hiếm gặp ở cả Việt Nam và trên Thế Giới.

 

--> Read more..

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2010

Buổi sáng mất vui

Chỗ đèn đỏ  ở ngã tư Deawo hôm nào cũng đông. Sáng nay vừa dừng xe thì thấy một tay mồm thì hò hét, chửi thề đạp vội chân chống xe giữa đám đông ùn tắc để lao lên phía trước túm áo một người khác. Trên xe, có thằng bé con đeo khăn quàng đỏ. Người bị túm lại cũng đang chở một cô bé quàng khăn đỏ. Cả hai đều là bố đưa con đi học. Họ chỉ chen lấn va vào nhau, không đỏ xe, không xây sát nhưng đã tức khí, hung hăng như vậy.

Mình đứng cạnh mà thấy xấu hổ với hai đứa con đang chứng kiến hai ông bố bộc lộ sự vô văn hoá ngay giữa đám đông.

Bố như thế, người lớn như thế trách gì trẻ con chơi bạo lực và làm nhiều chuyện bậy bạ khác nhỉ. Đây là chuyên thường ngày thôi, chả đặc biệt gì mà chứng kiến cũng buồn và xấu hổ với con trẻ quá.

--> Read more..

Flags

Flag Counter