Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

Thương con sai ... pháp luật


Vụ án thảm sát cướp tiệm vàng đang tràn ngập trên các báo vì hung thủ Lê Văn Luyện đã bị bắt. Luyện không ngờ rằng bố mẹ nó, cô chú, anh họ..., những người đã bao che cho nó đều bị bắt giữ vì hành vi không tố giác tội phạm, che giấu tội phạm.

Đáng lẽ bố mẹ Luyện thấy con phạm tội ác tày trời ấy họ phải biết khuyên con ra đầu thú, nộp ngay tang vật cho cơ quan Công an thì họ lại che giấu, bố chôn giấu vàng, mẹ giặt áo dính máu nạn nhân... Vì thế, họ đã  sa vào vòng tố tụng.

Cả nhà dắt nhau ra trước vành móng ngựa trong sự căm phẫn, ghê tởm của nhân dân xung quanh thì quả là đau đớn. Họ đã bị quả báo do đứa con oan nghiệt của mình gây ra... Nhưng phản ứng như bố mẹ Luyện có phải là phản ứng của đại đa số người Việt hiện nay khi gặp cảnh tương tự hay không?

Tôi ngờ đó là phản xạ của đại đa số cha mẹ khi thấy chuyện như thế. Mấy ai đủ can đảm đi tố giác con mình, nhất là tội ác của nó có thể lĩnh tội chết. Bản năng che chở cho con của họ lấn át tất cả, như con gà mẹ xòe cánh che cho đàn con khi thấy có nguy hiểm thôi.

"Cá chuối đắm đuối vì con"... nếu có gánh tội thay cho được thì họ cũng dám lắm.


Luật của ta bây giờ quy định  ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng.

Luật Hồng đức xưa kia có quy định con cháu phải che giấu tội lỗi cho ông bà , cha mẹ nhưng cũng trừ những tội đại nghịch...

Vụ án này là một bài học đau xót cho các bậc cha mẹ, "cá chuối đắm đuối vì con" nhưng ta không phải là con cá chuối nên phải có lý trí và hiểu biết pháp luật để không phải ân hận.

--> Read more..

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Chữa bệnh thu vàng


Năm nay đúng là mùa thu vàng.
Vừa sang tiết thu vàng đã lên giá vòn vọt... Cái ngưỡng 50 triệu/ lượng như sắp đến nơi. Ùn ùn đi mua.Vàng rực mặt báo. Nhập về để bình ổn....
Thế rồi mấy hôm này vàng lại rớt thảm hại. Hai ngày mất 2 triệu/lượng. Lại ùn ùn đi bán, đi mua. Báo chí lại xôn xao. Cứ như 80 triệu dân ta không có vàng thì chết đói.

Vàng mặt vì vợ đòi mua vàng...


Và cũng liên quan đến thứ kim loại vàng ệch này là vụ cướp tiệm vàng, sát hại cả nhà gia chủ, một bé gái 9 tuổi sống sót bị chặt đứt cả cánh tay.
Điên loạn vì vàng mất rồi. Vàng có ăn được đâu mà khổ thế nhỉ?

Có cách nào chữa được bệnh điên vì vàng không, các bác hiến kế đi.

Cứu lấy mùa thu, trời xanh đắm đuối đi...

--> Read more..

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

Thương lắm sâm cầm

Năm nay, mùa thu Hà Nội có vẻ đúng tiết, sớm có mưa và se se lạnh. Một anh bạn Nam Bộ ra chơi hỏi, bây giờ có sâm cầm Hồ Tây không anh?

Ừ nhỉ, những người xa Hà Nội đều nhớ bài "Nhớ mùa thu Hà Nội" của Trịnh có câu "bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời"... Sâm cầm từ phương Bắc, Trung Quốc , Triều Tiên mỗi năm có mấy tháng thu đông bay về Hồ Tây tránh rét. Chúng làm tổ, sinh con trên những đám bèo.

Loài chim sống trên mặt nước này nghe nói thường ăn nhân sâm trên dãy núi Trường Bạch- Triều Tiên nên thịt của nó rất bổ, nhất là với quý ông. Chả thế, vì lời đồn đại mà vua  sắc cho Hà Nội tiến cống hàng năm...

Sâm cầm là loài chim nặng chừng dăm bảy lạng, mỏ to cứng, hơi quặp màu trắng ngà, lông đen hoặc màu xám, đôi cánh khi bay lên có ánh tím trong ánh chiều tà trông thật đẹp mắt. Chân sâm cầm có màng như chân vịt, bốn ngón, nghe nói cũng là vị thuốc quý...

Trước đây vài chục năm có lúc đàn chim sâm cầm có đến cả ngàn con trú ngụ trên lau lách, hoa sen, hoa súng Hồ Tây. Dân làng Nghi Tàm còn gọi đấy là "Thiên Cầm"- đàn chim từ trên trời bay xuống.
Nhưng từ lâu Hồ Tây đã vắng bóng sâm cầm, do nhà cửa bê tông hóa san sát ven hồ, do những nhà hàng thuyền nổi ồn ã, xe cộ tấp nập...

Năm 2006 có một đàn sâm cầm trở về, người dân xung quanh Hồ mừng lắm, dấu hiệu "Đất lành chim đậu" đã hồi sinh... Nhưng từ đó đến nay chim lại mịt mù tăm cá. Năm 2010, Hà Nội kỷ niệm 1000 năm , ai cũng ao ước có đàn chim sâm cầm trở về nhưng không có. 

Tôi thì mong thời buổi này chim đừng trở lại, sâm cầm trở lại thì nhanh chóng làm mồi cho dân nhậu trong các nhà hàng đang mọc lên như nấm quanh hồ mất thôi.

Thương lắm, sâm cầm ơi...



--> Read more..

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

Vu lan nhớ chuyện bài trừ mê tín dị đoan ngày trước

Với những trải nghiệm của mình, tôi thấy chưa bao giờ tự do "mê tin dị đoan" lại hoành tráng như bây giờ. Hồi nhỏ, tôi chỉ nghe kể về những chuyện đốt mã hồi trước 1954, còn sau đó miền Bắc học tập lối sống mới, cấm ngặt chuyện mê tín dị đoan, trong đó có đốt vàng mã. Hôm nay, nhớ lại vài kỷ niệm xưa...

Làng tôi có dòng họ làm nghề thầy cúng, có điện thờ Phật nhiều con nhang đệ tử, tôi cũng được "bán khoán" ở đấy, nên ngày Tết 5-5 rồi 10-10 âm lich nào cũng theo mẹ đến lễ. Vui lắm vì điện thờ có treo  những cái nón thờ rồi tranh thờ rất đẹp bên cạnh các pho tượng Phật thường ngày. Nhà ông thống ( thầy cúng) có bà cụ mẹ lúc đó đã 90 tuổi, ngồi bó gối trên giừơng, thấy mẹ tôi đến cụ thường nói " Cô đến để lỡi thánh" thay vì " Cô đến để lễ Phật" khiến tôi thấy rất lạ lẫm. Đặc biệt là có cả những bà mế ( người Mường) từ trong rừng đi mấy chục cây số đến lễ nữa... Vui nhất là lúc về được phát lộc Phật là một cái oản và một quả chuối.

Mấy năm sau, Xã bắt ông thống mang hết tượng Phật ra chùa, không cho cúng bái nữa. Ông cụ phải nhờ một đệ tử, khiêng Phật xuống, trùm vải đỏ, cắm mấy nén nhang, đưa lên xe "cải tiến" kéo ra chùa. Khốn nỗi, ngoài chùa đã đủ ban bệ, thêm mấy pho tượng cũng rất khó chêm vào... Tôi nghĩ hẳn ông cụ phải đau lòng tới cỡ nào.

NÓi chuyện vàng mã, dù cấm đến đâu thì dân vẫn không thể bỏ tục đốt mã, nhất là đối với nhà có người mới mất. Mã cho lễ cúng 3 ngày ( nhập mộ), mã cho đợt trước Rằm tháng 7 gần nhất (mã nộp), mã vào dịp Rằm tháng 7 và năm thứ ba nữa... Chưa kể nhu cầu của người dân cúng tạ mồ mả, lễ kỳ yên... có ngựa, có mũ mão. Vậy là kẻ bán người mua đều phải giấu. Nhà sản xuất là làm hàng lậu, có thể bị khám nhà nên phải làm kín, giấu ở nhiều nơi. Người mua cũng phải chờ đêm tối mới đến lấy ...

Ông thầy cúng thường được nhờ xem ngày, nhờ bấm quẻ, cúng bái nên bị gọi ra Xã để giáo dục thường xuyên.

Khoảng những năm 76-80, trong làng có một số đền miếu bị triệt phá. Tôi thì tiếc nhất là Nghĩa đàn, ngôi miếu thờ rất đẹp ở trên Nghĩa địa bị phá. Ngôi miếu này thờ Thần linh và nơi cúng vong, câu đối chữ Hán nhiều và đẹp, nhất là các tranh thờ vẽ trên tường, rồng mây, ngựa... tuyệt đẹp. Họ phá bệ thờ, đục thủng vách tường hậu để nơi đây chỉ còn là cái quán ngồi cho mát thôi...

Ngôi miếu này đối với nhà tôi còn có nhiều kỷ niệm. Thứ nhất, ông bác của mẹ tôi là người có công cùng dân làng xây dựng miếu, cụ đã mang một cây si cảnh trồng trong cái chậu lớn của nhà lên đặt bên cạnh miếu. Sau mấy chục năm cây si đã là cây cổ thụ, bóng che rợp mát.

Thứ hai, khi làm miếu, có "cuộc vận động sáng tác" câu đối, ông ngoại tôi đã làm một đôi câu đối tôi thấy hay là:

Mấy ngàn năm vật đổi sao dời, nọ áng xương khô, sảng khí xui nên hương hỏa đó
Trải bao thưở sương sa tuyết lạnh, kìa mồ cỏ biếc, hương hồn như thấy miếu đàn đây.

Câu đối nói đến việc dân làng đã quy tập vô số các ngôi mộ vô chủ rải rác khắp các cánh đồng, thành một ngôi mộ tập thể, rồi làm nên ngôi miếu này...

Thứ ba, vì ngôi miếu rất mực linh thiêng nên khi nhà tôi có ông chú đi bộ đội ở chiến trường Lào ác liệt, ông nội tôi thường buổi trưa lặng lẽ lên đó thắp hương cầu cho chú tôi bình yên. Quả thật, chú tôi về không bị sứt mẻ chút nào...

Cùng với sự bài trừ mê tín dị đoan triệt để đó, phong tục tập quán cũng khủng hoảng, những phong tục cũ thì bài trừ, phong tục mới thì chưa có. Cả làng tôi đông đúc không ai mặc áo dài khăn xếp khi đình đám hội hè nữa. Đi ăn giỗ cũng không ai vái bàn thờ. Nhiều nhà bỏ cả bàn thờ... Có ông cán bộ xã, đưa tang mẹ nhưng không mặc áo xô chỉ buộc khăn và cầm gậy, cầm gậy nhưng lại không chống đằng trước vì giống cái cũ. Trên đường từ mộ về nhà, ông ấy ném cái gậy vèo một cái ra giữa ruộng. Trong khi theo phong tục, ngày xưa và bây giờ, cây gậy đó phải để cạnh bàn thờ cho đến lúc mãn tang.

Bây giờ miếu đã phục hồi lại, không những thế lại được ai đó nhiệt tình lát gạch men, tranh thờ vẽ lại những lòe loẹt xấu xí, nghề vàng mã cũng thịnh vượng hơn xưa... nhưng cái hồn vía ngàn năm của nó thì dường như đã tiêu tan.



--> Read more..

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Thêm 4 ký tự vào bảng chữ cái

Hưởng ứng bài của Chuồn chuồn, cũng chuẩn bị để sẵn sàng, nếu tháng 10 này quy định được đưa ra, bốn chữ  f, j, w,z trở nên thông dụng, nhà cháu viết ẻn này cho nó quen tay. Ví dụ một vài đoạn thơ xem sao nhé.

Hôm wa em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung wần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi.

Có vẻ cũng Ok đấy, phải không các bác. Thử đoạn khác nhé.

Trong thành fố có một vườn cây mát
Trong triệu người có em của ta
Buổi trưa nắng bầy ong đi tìm mật
Vào vườn rồi ong chẳng biết lối ra...

Cũng không ảnh hưởng lắm.

Sóng nước tràng jang buồn điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song.

Cũng không ảnh hưởng lắm. Thử bài thơ cổ xem xao.

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định fận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Khá quen tay rồi, không ảnh hưởng gì lắm đâu, các bác thủ xem sao và ủng hộ anh Quách Tuấn Ngọc nhé. Chuẩn bị hết rồi đấy...

http://tangtinhtinh2.multiply.com/journal/item/3376/3376





--> Read more..

Flags

Flag Counter