Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Có hay không chuyện tình Huyền Trân công chúa - Trần Khắc Chung

TS. Thông Thanh Khánh

Từ rất lâu câu chuyện đàm tiếu về một chuyến đi mang yếu tố lịch sử được Thượng hoàng Trần Nhân Tông và nhà vua Anh Tông giao phó cho quan hành khiển Trần Khắc Chung, chuyến đi mà tên tuổi ông được giới sử học sau đó đánh giá khá mỉa mai bởi tính định mệnh của nó: người dũng tướng trong trận chiến vệ quốc chống quân Nguyên - Mông, được phong đến chức Nhập nội hành khiển, một nội tướng quan trọng trong triều đình đã gục ngã trước nhan sắc nàng công chúa duy nhất của vua Trần Nhân Tông.
Sử gia Ngô Sĩ Liên, người thực hiện bộ Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) đã đánh giá một cách khá gay gắt về câu chuyện này, rồi ông xem đó như là một vết nhơ đáng trách. Chính việc ĐVSKTT ghi chép một thiên tình sử tựa như câu chuyện của Tây Thi - Phạm Lãi thời Việt Vương Câu Tiễn bên nước Tàu được thêu dệt truyền tụng khắp nhân gian, đã tạo nên những cơn phong ba của hỷ, nộ, ái, ố, qua các thế hệ trước sau. Câu chuyện bắt đầu từ việc “Năm Đinh Mùi, tháng 5, Chế Mân chết. Tháng 9 con của Huyền Trân là Chế Đa Da sai sứ thần tên là Bảo Lộc Kê đem voi trắng dâng. Tháng 10 sai Trần Khắc Chung và Đặng Văn, sang Chiêm Thành. Bọn Khắc Chung sang mượn cớ làm lễ viếng rồi nói rằng:Nếu công chúa hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng hãy ra bờ biển làm lễ chiêu hồn ở ven trời, đón linh hồn cùng về sẽ vào đàn thiêu, người Chiêm nghe theo. Khắc Chung dùng thuyền nhẹ để cướp đi rồi đưa về. Bèn cùng Công Chúa tư thông loanh quanh mãi ở đường biển, lâu ngày mới đến kinh sư (ĐVSKTT 6 tờ 32a7 - 33a2). Và rồi cũng chính từ đây ĐVSKTT 6 tờ 33b3 - 4 lại nói tiếp: “Mùa thu ngày 18 tháng 8 năm Giáp Thân (1308) Công chúa Huyền Trân từ Chiêm Thành về nước. Thượng hoàng sai trại chủ Hóa Châu đưa 300 người Chiêm đi thuyền trở về nước họ”. Cũng theo hư truyền rằng trước khi sang làm dâu xứ Chiêm, Huyền Trân và Trần Khắc Chung đã có một mối tình sâu đậm, vì lợi ích quốc gia nên đành phải hy sinh mối tình đầy thơ mộng để đổi lấy hai châu Ô Mã và Ô Rí. Rồi khi Chế Mân mất, tình xưa của hai người được kết nối qua cuộc giải vây và hộ tống Huyền Trân về lại Đại Việt. Rồi năm qua tháng lại, dòng đời tuôn mãi, câu chuyện ấy vẫn được các thế hệ truyền lưu. Nhưng đâu là sự thật lịch sử, một sự thật lịch sử công bằng để đánh giá đúng tầm của cả hai nhân vật Khắc Chung và Huyền Trân?

Minh họa của Trung Dũng
Những đối lập đáng ngờ
Khi đọc lại những gì ĐVSKTT ghi chép, nếu tinh ý chúng ta sẽ thấy những điểm đáng ngờ và đầy tính bất ổn về sự kiện này. Trước nhất ở Q.6 tờ 20a3 - 6 ĐVSKTT ghi: “Tháng 2 năm Ất Tỵ (1305) Chiêm Thành sai Chế Bồ Đài và bộ đảng 500 người đem biểu dâng vàng, bạc, hương quý, vật lạ để xin đính lễ cầu hôn. Triều thần cho là không được. Riêng Văn Túc Vương Đạo Tải chủ trương việc nghị bàn và Trần Khắc Chung tán thành nên việc bàn mới quyết”. Vậy thì cuộc hôn nhân giữa Huyền Trân và vua Chiêm Thành là Chế Mân đã gặp phải sự kháng cự khá gay gắt bởi các quan lại trong triều đình dẫn đến việc Văn Túc Vương Đạo Tải phải tổ chức một hội nghị luận bàn nên hay không nên gả Huyền Trân về xứ Chiêm. Cuộc luận bàn này diễn ra trong sự tranh luận nảy lửa về tính dị tộc nhưng chính quan Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung lại hoàn toàn nhất trí về cuộc hôn nhân này. Nếu quan hệ tình cảm với Công chúa Huyền Trân có thật thì đây là cơ hội cho Khắc Chung đứng về phía triều thần để phản đối, chứ đâu lại là người ủng hộ việc đưa Huyền Trân về với Chế Mân. Còn nếu bảo rằng Khắc Chung vì lợi ích quốc gia nên đồng ý gả công chúa Huyền Trân để lấy lại châu Ô Mã và Ô Rí như ĐVSKTT 6 tờ 22a7 - b2 ghi: “Đổi 2 châu Ô, Rí làm Thuận Châu và Hóa Châu, sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến ổn định dân chúng. Trước đó chúa Chiêm Thành là Chế Mân đem đất ấy làm vật dẫn cưới”. Liệu điều này có đúng không? Theo một tư liệu có từ đời Trần nói về việc đi Chiêm Thành của Thượng hoàng Nhân Tông thì Trần Chí Chính trong lời đề từ cho bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ: “Có lúc ngài viễn du hóa độ cho các nước lân bang, phía Nam đến tận Chiêm Thành, đã từng khất thực ở trong thành. Vua nước Chiêm biết được điều đó, hết sức kính trọng thỉnh mời, dâng cúng trai lễ, sắp sẵn thuyền bè nghi trượng, thân hành tiễn ngài về nước và đem đất hai châu làm lễ cúng dâng cho Ngài. Ấy là Thuận Châu và Hóa Châu nay vậy”. Tác phẩm ra đời trước ĐVSKTT như tư liệu nêu trên vào đời Trần chắc chắn phản ánh sự việc có tính chính xác hơn ĐVSKTT việc vào đời nhà Lê - như vậy vấn đề đất đai với chuyện hôn nhân của Huyền Trân hầu như không có gì liên hệ với nhau. Hai châu Ô và Rí đã được triều đình Chiêm Thành nghị bàn trong thời gian 9 tháng khi thượng hoàng Trần Nhân Tông với tư cách là nhà lãnh đạo tôn giáo, người khai sáng Thiền Phái Trúc lâm Yên Tử đến viếng thăm Chiêm Thành. Mặt khác cuộc nghị bàn mà ĐVSKTT gọi là của các quan lại trong triều đình do Văn Túc Vương Trần Đạo Tải chủ trì nên nhìn từ góc độ thân tộc. Chúng ta nhớ rằng, đa số quan lại trong triều Trần là hoàng thân, quốc thích nên vấn đề đồng ý và không tán đồng có ý nghĩa thân tộc nhiều hơn ý nghĩa chính sự quốc gia.
Theo cách ghi chép của ĐVSKTT mà chúng tôi trích dẫn ở phần trên thì những điểm bất ổn đã liên tục xảy ra. Việc Thế tử Chế Đa Da sai sứ thần Bảo Lộc Kê đem voi trắng đến dâng vào tháng 9 năm Đinh Mùi (1307) và việc gả công chúa Huyền Trân vào tháng 6 năm Bính Ngọ (1306) thì ở thời điểm này Thế tử Chế Đa Da mới có 4 hay 5 tháng tuổi và trước đó vào tháng 5 năm Đinh Mùi thì vua Chế Mân đã băng hà. Theo tư liệu Thư tịch hoàng gia của người Chăm bàn về các vật lễ dâng cúng cho thần và vua (Dăkna Tôh Kaya Po yang Patao) thì con voi trắng là vật thế hay con vật trả. Sứ thần Bảo Lộc Kê đưa voi trắng đến dâng cúng có hàm ý là xin trả Công chúa Huyền Trân về lại Đại Việt, vì vua Chế Mân đã chết. Chính yếu tố này giúp cho chúng ta thấy rằng, sự việc mà phái bộ sứ thần yêu cầu là chính đáng vì người Chiêm Thành theo chế độ mẫu hệ. Tính mẫu hệ ở đây được hiểu như là mẫu tính (người con theo họ mẹ) và mẫu cư, người con sinh sống với mẹ, việc cho phép Thế tử Chế Đa Da theo Huyền Trân về nước đã phần nào nói lên điều này. Thêm một điều nữa, do vua Chiêm là chàng rể ngoại tộc nên mọi vấn đề triều chính do Hội đồng hoàng gia nghị bàn và quyết định, Hoàng hậu mới được xem là Nội tộc và những đứa con của Hoàng hậu mới chính là Nội tộc hoàng gia (nội thích) có quyền đảm nhận việc thừa tự truyền ngôi. Huyền Trân là ngoại tộc và Chế Đa Da là cháu ngoại (ngoại thích), vì vậy triều đình Chiêm Thành dâng voi trắng xin trả Huyền Trân và Thế tử Chế Đa Da về lại Đại Việt đã phản ánh rõ nét tính chất mẫu hệ của cộng đồng dân tộc Chăm và vương quốc Chiêm Thành. Từ đây chúng ta thấy rằng, bản thân vua Chế Mân không thể tự quyền.
Giàn hỏa đầy tai tiếng
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tục nước Chiêm Thành, hễ vua chết thì Hoàng hậu phải vào đàn thiêu chết” và thế là vào tháng 10, triều đình đã sai sứ bộ gồm Nhập nội Hành khiển Trần Khắc Chung và An phủ sứ Đặng Văn dẫn đầu đến Chiêm Thành để đón Huyền Trân và Thế tử Chế Đa Da về nước. Việc hỏa táng mà ĐVSKTT chép thật ra là một tục lệ của Ấn Độ dành riêng cho các đẳng cấp Bà La Môn. Trong khi đó, sử ký Chiêm Thành và tất cả thư tịch cổ bàn về nghi lễ hỏa táng (Danak Ngap Ndam Cuh) không bao giờ đề cập đến việc khi Vua mất đưa lên giàn thiêu, Hoàng hậu cũng chấp nhận thân phận chết theo đầy phi lý ấy. Theo thư tịch Danak Ngap Ndam Cuh thì việc hỏa táng là cách mà chính thể xác và linh hồn được nhập thân vào vũ trụ. Tổ chức một đám hỏa táng với đầy đủ nghi lễ của nó là diễn lại sự tái sinh của linh hồn người đã mất về lại thế giới thực tại. Tục hỏa táng diễn ra rất cổ xưa ngay từ thời đại văn hóa Sa Huỳnh, một dạng văn hóa mà chủ nhân của nó là cư dân Chămpa của Vương quốc Chiêm Thành, người ta đã thấy những vò, chum chôn cất phần tro xương của những người đã hỏa táng. Tập tục hỏa táng chung được xem như húy kị (tabo) đối với cộng đồng người Chăm, nên việc mà ĐVSKTT ghi chép hoàn toàn mang tính truyền thuyết hơn là sự thật lịch sử.
Nhìn từ góc độ gia tộc thì đối với người Chiêm Thành, phụ nữ là Nội và nam giới thì Ngoại (Ama Keh, Amaik Kapen) nên phụ nữ chết theo chồng là chuyện không thể xảy ra, bởi tính thừa tự của gia đình và dòng họ (Muk thruh Palei). Người đàn ông Chiêm có thân phận như cô gái Việt, chấp nhận thân phận đi ở rể, con gái đến cưới. Việc làm vua của vương quốc này cũng thế, con gái út của Hoàng hậu mới hưởng quyền truyền thừa ngôi báu và chồng cô ta khi cưới về sẽ đảm nhận vai trò là quốc vương. Chính vì vậy, cộng đồng người Chăm có câu ca dao ca thán về tục lệ này: “Còn sống thì làm cho người ta/ Khi chết ra ma đem xương về tộc họ (Daok diep ngap ka urang, Mâtai ba talang ka gep)”. Từ đó cho chúng ta thấy việc đồn đại rằng Huyền Trân phải lên giàn hỏa cùng Chế Mân là cách đàm tiếu của người xưa bởi tính hẹp hòi và ích kỷ của việc hôn nhân dị tộc. Nó không bao giờ xảy ra như thế. Ngược lại, khi vua Chế Mân chết vào tháng 5, sứ bộ Chiêm Thành dâng voi trắng vào tháng 9 và đến tháng 10 sứ bộ nhà Trần mới có mặt tại vương quốc Chiêm Thành để đưa Huyền Trân về nước thì vào thời điểm đó việc hỏa táng Chế Mân đã tiến hành đến 4 tháng. Do vậy, vấn đề hỏa táng Huyền Trân chung cùng Chế Mân lại càng không thể xảy ra.
Sứ bộ Chiêm Thành đưa voi trắng như chúng tôi trình bày ở phần trên là cách mà Hội đồng hoàng gia Chiêm Thành vừa báo lễ tang và xin trao trả công chúa Huyền Trân và con là Chế Đa Da về lại Đại Việt. Cũng chính từ yêu cầu này mà một phái bộ sứ thần do hai vị quan đứng đầu triều Trần là Nhập nội Hành khiển Trần Khắc Chung và An Phủ Sứ Đặng Văn đã đến Chiêm Thành để đón Huyền Trân, Chế Đa Da và những người hầu mà Công chúa được phép mang theo khi qua làm dâu Chiêm Thành. Dĩ nhiên, đoàn sứ bộ lúc này không chỉ có Trần Khắc Chung mà có cả quan An Phủ Sứ Đặng Văn, một người có uy danh trong triều Trần cùng đi, mọi vấn đề đều diễn ra trước hàng trăm cặp mắt thì không có việc mà Ngô Sĩ Liên chép trong ĐVSKTT rằng: “Họ có tư thông với nhau” chỉ vì căn cứ vào một lý do cực kỳ đơn giản là chuyến đi loanh quanh gần một năm trời mới về đến Đại Việt.
Một điều mà cho đến nay chưa ai có thể xác định được là ngày và tháng mà Trần Khắc Chung và phái đoàn sứ bộ rời Chiêm Thành. Riêng ĐVSKTT chỉ chép chung chung về việc giải vây cho Huyền Trân của Trần Khắc Chung, vậy thì trong lúc giải vây, An Phủ Sứ Đặng Văn ở đâu? Với đội hải quân tinh nhuệ, thiện chiến từng chiến thắng quân Nguyên Mông của Chiêm Thành thì họ làm ngơ sao?
Căn cứ vào những yếu tố mà chúng tôi phân tích có thể thấy, câu chuyện tư thông cũng như mối tình giữa Huyền Trân và Khắc Chung chỉ là lời đồn đại có chủ ý của các nhân vật bất đồng quan điểm với nhà Trần và chống đối với cuộc hôn nhân mang tính dị tộc, những nhà Nho mới nổi. Việc mà chờ cho đến ngày 18 tháng 8 năm Giáp Thân (1308) sứ bộ mới đưa được Huyền Trân công chúa về đến Thăng Long và việc Thượng hoàng Trần Nhân Tông cho đưa về Chiêm Thành 300 người Chiêm ở trại Hóa Châu đã phản ánh tinh thần hòa hiếu giữa hai triều đình lúc bấy giờ. Ở đây chuyến đi kéo dài gần tròn một năm, theo chúng tôi có thể phái bộ phải chờ tham dự lễ giáp năm (Pabak thun) cho vua Chế Mân, đồng thời cho Công chúa làm tròn bổn phận của người vợ hiền đối với vị vua Chiêm Thành Chế Mân chứ không có đi “loanh quanh mãi…” như sử gia Ngô Sĩ Liên chép trong ĐVSKTT. Tuy vậy, đây chỉ là những thông tin ban đầu mà chúng tôi xin cung cấp cho giới nghiên cứu lưu tâm đến vấn đề Chiêm Thành và quý độc giả tham khảo. Chúng tôi hy vọng trong một ngày gần đây nhất sẽ tìm được những sử liệu khoa học về vấn đề này, giúp bổ sung và làm sáng tỏ câu chuyện rắc rối đã lưu truyền mấy trăm năm nay.
(Theo báo điện tử "Đại biểu nhân dân" ngày 06/05/2013).

--> Read more..

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Việt Nam thu nhỏ ở Sơn Tây

Chủ nhật tuần trước, nhà cháu ngẫu hứng đi thăm Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây, cách Hà Nội chừng 40 km. Không ngờ nó rộng đến thế, hỏi ra thì tổng diện tích là 1544 ha, riêng Khu các làng dân tộc rộng 198,61ha, có đồi cao, thung lũng, mặt nước, thể hiện sự phân bố các làng dân tộc trải rộng trên mọi miền đất nước. 



Có từng khu vực, cho các dân tộc khác nhau, từ Mông, Dao, Mường, Thái đến Mơ nông, Ê đê... Phải nói là rất công phu, nghe đâu chính những người thợ của dân tộc đó về dựng nên. Quả là một đất nước thu nhỏ...



                                  

                                    



Đặc biệt là ngôi chùa Khmer mới khánh thành, rất to lớn, bề thề và đúng chất Phật giáo Nam Tông như chùa Thái Lan, Lào, CPC... Có điều trong chính điện, tượng Phật quá to, quá cao, không bình dị, gần gũi như chùa Lào. Nghe nói chùa do các sư Nam tông của miền Nam phê duyệt, qua đó thì thấy chùa Nam tông Việt cũng  có khác biệt với Lào... 


Đứng trên hành lang chùa nhìn hồ nước bảng lảng sương mù, phải nói là rất bình yên, thơ mộng. Xung quanh chùa là những cây thốt nốt cao vút.










Công trình Tháp Chàm cũng rất ấn tượng. Tháp theo khuôn mẫu tháp Tháp Po Klong Garai, có đủ cả ba tháp, tháp chính, tháp lửa và tháp cổng. Đã đi Ninh Thuận mới thấy thấy phiên bản y như thật, có khác chăng là những cột đá vào đền nhẵn nhụi, không khắc đầy kinh bằng chữ Chăm cổ và không có dấu vết tàn phá của thời gian thôi. Xung quanh họ trồng xương rồng...








Khu Làng Văn hóa vẫn đang quá trình xây dựng nên chưa hoàn thiện, nhưng có nhiều điểm để tham quan, chụp hình. Nếu có cơ hội, mọi người lên đây một chuyến cũng hay. Bây giờ hoa ban đỏ đang nở đầy...                                   







--> Read more..

Flags

Flag Counter