Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

SƯ TỤNG KINH Ở ĐÁM TANG



Hôm rồi, đi viếng nhạc mẫu của một anh bạn, thấy có mấy vị sư mặc áo vàng, một vị đội mũ "hiệp chưởng" và mấy bà vãi đi theo. Đám tang được dẫn đầu bằng xe ô tô bốn chỗ, trên nóc thiết trí tranh Phật A Di Đà kết đầy hoa lan... Sau hỏi mới biết, dịch vụ đó hết... 27 triệu đồng. Số tiền có thể lo được cả một đám tang ở quê tôi.

Lại nhớ tháng trước ông bác tôi tạ thế, từ 1 tuần trước các vãi đã đến tụng kinh cho cụ, mỗi ngày 2 tiếng, xong lễ các bà chỉ uống ngụm nước chè tươi. Hôm đưa cụ đi an táng, các vãi đi ngót trăm người, có người lên sớm để tụng kinh trị huyệt, khi đưa tang có vị Ni trụ trì chùa làng đưa đến tận huyệt và cùng các vãi tụng kinh cho đến lúc mồ yên mả đẹp... Gia đình chỉ "thướng" vào khay của các cụ một chút tiền lẻ, tiền đó góp thêm nhang đăng ở chùa. Có thể nói miễn phí 100%. Và lượng các vãi tham gia đông gấp mấy chục lần đám 27 triệu.



Thiệt tình, mình không phải vô thần, vô Phật nhưng nhìn cảnh ông sư đội mũ hiệp chưởng, nhanh nhảu leo lên xe đẹp, mình có cảm giác như dịch vụ tuồng chèo, chứ không có cảm giác bình yên, êm ả và được an ủi như các bà ở quê niệm Phật. Các bà ở quê là tình làng, nghĩa xóm, ăn ở với nhau cả đời thì phải có cảm xúc và thành tâm cao hơn dịch vụ rồi... cả nhà nhỉ.


Trong ảnh là một xe rước Phật ở đám tang Hải Phòng và ba ảnh các vãi quê tôi đi hộ phúc đám tang.



Note: Mũ giống như hai bàn tay úp lại nên gọi là "hiệp chưởng" - chỉ riêng Phật Giáo Việt Nam mới có, do các vua triều Nguyễn chế ra để tặng cho các vị Tăng cang đội khi vào triều. Sau được dùng phổ cập, các vị Chủ sám thường đội trong các pháp hội trai đàn.
--> Read more..

Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

BÁC TÔI




Bác là anh cả của mẹ tôi, năm nay đã 91 tuổi. Sau ít ngày mệt nặng, bác đã  lặng lẽ về với ông bà, tổ tiên…
Bác là người rất hiền hậu, cả đời không dám quát ai, tức giận lắm cũng nói ra những lời hiền khô. Năm 1955, quê loạn quá, bác gồng gánh đưa vợ con ra Hà Nội. Ở quê nhà ngang dãy dọc, ra Hà Nội làm dân nghèo thành thị, ngơ ngác thuê nhà, dệt cửi thuê qua ngày… Có lẽ vì thế, cả đời bác là nỗi nhung nhớ ngày xưa, nhung nhớ quê nhà. Tôi nhớ, Tết bác về quê ăn Tết thường đến rằm tháng Giêng mới ra Hà Nội.
Bác kể chuyện ngày xưa với anh em con cháu đến thuộc lòng. Thuộc lòng mà vẫn thích nghe lại. Nghe hoài khiến chúng tôi thấy như mình cũng tham gia vào ký ức đó. Từ chuyện việc họ, việc phe, đi tuần, đi lễ tết, chuyện nhỏ như sang quê ngoại ăn giỗ, chuyện thả diều đêm trăng, chuyện sinh hoạt của cha chú, anh em trong nhà đến những biến cố trong nhà, trong làng cứ như cuốn phim chiếu hoài mà người chiếu, người xem đều không chán. Những nhân vật trong các câu chuyện xa lắc đó như cụ Ký Quy, cụ Hai Lịch, cụ Quản Hán, cô Thầy, ông Cửu Võ, chú Lam… mà chúng tôi không biết nhưng lại rất thân thuộc.
Vì tha thiết với quê như thế nên nhà bác ở Hà Nội là một nửa gian phòng 24m2 quanh năm không mấy ngày không có khách quê. Có khi nửa đêm còn có người gọi cửa vì đi buôn bán theo tàu Yên Bái về xin ngủ nhờ. Vậy là người trong nhà lại sang nhà hàng xóm ngủ, nhường chỗ cho khách. Sáng mai bà bác lại giặt chăn, giặt chiếu vì mấy ông khách đi tàu về hôi hám quá.
Thời bao cấp nghèo khó nhưng nhà bác luôn luôn có khách ở lại ăn cơm. Cơm độn, thức ăn là đậu phụ, lạc rang, mà ngồi chéo cánh xẻ, tức là ngồi nghiêng mới đủ chỗ. Khổ thế nhưng hai bác không kêu ca, vẫn quý hóa, thân tình. Mà thế là khách không ngại… ai lỡ chân cũng ghé vào.
Sau này có nhà to hơn, rộng rãi bác thường nói: “Bây giờ rộng quá mà chả có ai ngủ lại để nói chuyện cho vui. Buồn rứt”…
Mấy hôm rồi, bác dở mê dở tỉnh nói đây không phải nhà mình, nhà mình ở xóm Trại, ở quê cơ mà... Vậy là con cháu đã đưa cụ về quê để cụ được sống những ngày cuối cùng trong ngôi nhà thân yêu của đại gia đình.
Bác tôi đã mang kho ký ức thấm đẫm tình làng nghĩa xóm, đầy ắp những chuyện về một làng quê êm đềm, đầm ấm ấy về với tổ tiên.
--> Read more..

Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

MỐI TÌNH CẢI CÁCH


Gia đình cụ Ngó ở làng tôi rất nhiệt tình với kháng chiến. Nhà cụ giàu có, ở quê mà có nhà Tây, đẹp lắm. Cả nhà tham gia kháng chiến nên các con cụ tên là Quì, là Cánh, là Búp, là Nhụy… đều đổi tên mới thành Kháng, Chiến, Thắng, Lợi…

Cô Quì là chị cả, được gả cho anh hàng xóm, con một lương gia khá giả. Hai gia đình đã làm lễ ăn hỏi. Phong trào kháng chiến lên cao, cô rất hăng hái nhưng anh chồng kiên quyết không tham gia. Thế là cô “trả tiền trầu cau”, tức là thoái hôn, để toàn tâm toàn ý cho kháng chiến. Tiền bạc thóc lúa gia đình ùn ùn gánh lên chiến khu.




Giải phóng miền Bắc năm 1954, chị Qùi ( tên mới là Kháng) làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã... Tố chức vun vén cho chị  lấy anh Khoăn,  Chủ tịch xã - một cán bộ đang có uy tín lúc bấy giờ. Anh Khoăn bị tật nên tập tễnh từ nhỏ, anh cao lênh khênh, mặt nhăn nhó với dáng đi chấm phảy. Vốn không phải người làng, Khoăn được một gia đình hiếm muộn trong làng nhận làm con nuôi… Hai bên tổ chức đính hôn theo nếp sống mới. Cặp đôi như biểu hiện của mối tình cách mạng, con gia đình giàu có lấy người thuộc tầng lớp dưới, vốn bị coi là nghèo hèn, nay là lớp trên của thời đại mới. Cả hai tuy xuất thân khác nhau nhưng cùng chung lý tưởng.

Chưa kịp cưới thì Cải cách ruộng đất nổ ra, nhà cụ Ngó bị quy thành phần địa chủ kháng chiến. Thế là đang hồ hởi, hy vọng thì họ rơi xuống đáy. Anh Khoăn thể hiện ngay lập trường giai cấp, từ bỏ con nhà địa chủ… Khoăn còn thể hiện sự kiên quyết đoạn tuyệt bằng cách bắt cụ Ngó và cô Quì ra quét chợ, việc xưa nay của mõ. Trong mấy chục địa chủ, công việc bị hạ nhục nhất này lại rơi xuống nhà cụ Ngó - địa chủ chui đầu vào kháng chiến để phá hoại.

Sau này, bà Quì được gả cho một ông người làng, con nhà tử tế nhưng ông này không thật hồn, hâm hâm, dở dở. May thay, sau đó các con bà đều giỏi giang, tử tế. Vợ chồng bà bỏ quê ra HN sinh sống. Bà Quì mới cách đây mất vài năm.

Chuyện tình duyên lận đận của bà không biết các con có biết không nhưng trong làng đôi khi vẫn kể lại…

Đang dở chuyện cải cách nên kể thêm chuyện này cho vui.
--> Read more..

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

ĐI Ị THỜI BAO CẤP


Chả hiểu cơn cớ gì mà mấy sự kiện văn hóa ( Triển lãm CCRĐ, rồi Đèn Cù) đều dẫn về chuyện xưa. Xưa khổ lắm, nhắc làm gì nhỉ? Chỉ xin ví dụ chuyện đi ị, để ai chưa biết thì thấu hiểu.

Trong Đèn Cù có chuyện, ở Khu văn công Mai Dịch, có dãy nhà vệ sinh, chỉ vài hôm  là mất hết cửa. Vậy là các nữ nghệ sĩ lớn nhỏ, minh tinh, công chúa, nữ hoàng trên sân khấu, mỗi khi đi vô đó mang đều theo cái nón trắng để che chỗ hiểm. Như vậy ai có nhu cầu mà đi ngang qua, tìm chỗ cũng thấy mặt nhau. Chưa kể, một bọn trẻ choai mất dạy, ngồi sau nhà vệ sinh ngó ngược lên coi, vì nhà vệ sinh dưới trống hoác, để tiện xúc phân ra. Tởm thế đây.


 Hoàng Cúc, một ngôi sao sân khấu hồi đó.

Loại nhà vệ sinh như thế phố biến ở Hà Nội những năm đó, dành cho những nhà không có nhà vệ sinh. Ở khu tôi ở ( Kim Mã, Ba Đình) có cái nhà vệ sinh như thế. Mỗi người có nhu cầu phải mang theo một miếng vải hay nilon có cán như cái cờ, để ra đó che lên thay cửa, kèm theo cái bô dội nước. Mỗi buổi sáng dân cư trong khu đứng lố nhố quanh nhà vệ sinh chờ đến lượt. Hồi bao cấp cái gì cũng xếp hàng nhưng xếp hàng đi ị là kinh khủng nhất chăng?!


Xếp hàng mua rau

Có hôm đi qua tôi thấy một ông chủ tiệm may cầm bô chờ, gần đó một cô bé 18 tuổi xinh như mộng - người yêu của con trai ông ấy cũng đang cầm bô và chờ đợi. Bi hài hết cỡ…

Loại nhà vệ sinh này rất tởm, có khi giòi bò lên chân… Đi vệ sinh về tắm ba lần xà phòng “Hoa nhài” chưa hết mùi.

Chỉ một chuyện đó thôi, đủ thấy đời sống tinh thần và vật chất của người dân mình kinh khủng đến thế nào. Bây giờ, so với hồi đó, cách đây trên 20, là quá happy, nếu cứ so từ khâu “đầu ra” này.
--> Read more..

Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Bà Nội


Mới rồi ghi bổ sung gia phả, nghe lại nhiều chuyện về ông bà. Xin chép lại vài chuyện về bà tôi, đều là những chuyện 1954 trở về trước.

-Nhà có mấy khung cửi dệt, nên luôn có thợ đến dệt thuê. Một chị thợ dệt khéo tay lắm, nhưng hết tháng, trả công xong bà mới nói: Từ nay tôi không mướn chị nữa. Chị không thực thà, phiên chợ trước chị xé trộm vải, tôi nhìn thấy nhưng không muốn nói. Muốn có việc làm phải thực thà mới được…

Sau này người nhà biết chuyện tức lắm, nói sao bà không bắt tận tay lại để cho nó lấy trộm như thế. Bà bảo, mình bắt quả tang thì người ta xấu hổ, mà chả ai dám mướn nữa… Mình làm thế làm gì.

-Nhà có dăm mẫu ruộng, nhiều thóc nên người làm hàng xáo thường đến mua ( xưa gọi là đong thóc). Bao giờ bà tôi cũng mua bán dễ dãi. Khi giá gạo lên xuống, phiên chợ trước giá cao, phiên sau xuống thấp thì bà luôn bớt cho họ mấy giá cho ngang với phiên sau. Bà bảo: Họ lấy công làm lãi thôi, bớt cho họ có chút lãi.



-Hồi cải cách ruộng đất, người ta xúi một bà cô tôi, gọi ông tôi là chú đứng lên tố. Bà cô tôi năm nay 91 tuổi nói với Đội: Tôi chỉ nói với các anh thế này thôi, có hôm tôi đi ngang qua cổng nhà chú, bà thím tôi thấy gọi lại bảo, nhà vừa gặt xong ruộng đồng trên, chị vào nhà ăn vài bát cơm, nhà đang sắp ăn. Xong rồi lên gánh mấy gánh rạ về nhà mà đun… Chú thím tôi như thế thì các anh bảo tôi tố thế nào. Anh cán bộ Đội cũng phải cười mà nói : Chịu chị.

Hồi tôi còn nhỏ, nhớ mãi những đêm hè ngủ với bà, lúc đó chưa có điện, tay bà thì khẳng khiu mà bà quạt cho tôi xà xã cả đêm. Bà là người nhẫn nại vô cùng, không bao giờ kêu ca, phàn nàn, không bao giờ chê trách ai. Biết nhưng để trong lòng thôi. Bà tôi thường bảo: một sự nhịn là chín sự lành. Ngày xưa, có người đi lấy chồng, bà mẹ buộc cho con hòn sành vào dải yếm, các cháu có biết để làm gì không? Đấy là mẹ dặn con nên nhẫn nhịn đấy, nhẫn nhịn như hòn sành ấy, nói thật ít thôi mới êm ấm cửa nhà...

Con cháu ngày nay no ấm, cũng là nhờ phúc đức của tổ tiên ông bà. Ngày rằm tháng 7 ghi lại vài hàng để nhớ đến bà tôi.
--> Read more..

ÔNG NGOẠI TÔI

Ông ngoại tôi mất đã hơn 60 năm, nhưng với chúng tôi hình ảnh ông vẫn rất gần gũi vì nhà tôi hay kể chuyện xưa. Ảnh thờ ông tôi rất giống ảnh vua Hàm Nghi. Những câu chuyện về ông bà vẫn kể hàng ngày, nghe nhiều nên có cảm tưởng như mình cũng được tham dự vào đó.

Bác tôi hay kể, hồi 1945, trong làng có nhiều nhà đói. Nhà có giàn mướp ở cổng, nhưng quả vừa nhu nhú bằng chuôi dao đã bị cắt trộm. Tức lắm, nên lũ trẻ con vẫn để ý xem ai là thủ phạm. Một hôm, bác tôi chạy vào nói với ông:


Nhà thờ ông bà ngoại và tổ tiên


-Thầy ơi, hóa ra chú L lấy mướp nhà mình, con vừa trông thấy.
Ông tôi ra hiệu giữ kín và nói nhỏ: Vậy là chú đói, con đừng có nói với ai thế nữa. Nhớ chưa?! Chiều hôm đó, không biết có phải có lễ gì không mà ông tôi nấu xôi, thắp hương. Cúng xong, ông tôi cho mang sang biếu chú L nửa đĩa xôi và mấy quả chuối, nói rằng hôm nay nhà cháu giỗ cụ.

Sáng hôm sau, ông tôi khăn áo chỉnh tề rồi sang nhà chú L, rủ chú ra chùa. Ông tôi bảo: Ngoài chùa nấu cháo cho những người thiếu đói, anh em mình ra đó tham gia với dân làng cho vui. Chú L vui vẻ đi ngay. Đến chiều bác tôi hỏi sao thầy ra chùa ăn cháo. Ông bảo, nhà mình không đói nhưng nhiều người đói mà không dám ra , sợ xấu hổ. Mình cũng ra ăn bát cháo chung với mọi người thì người đói không thấy xấu hổ con à. Thầy muốn chú L hàng ngày ra ăn bát cháo cho đỡ đói lòng. Nghe đâu trong làng tôi hồi đó, các vị chức dịch cũng ra húp bát cháo cho chan hòa với bà con nghèo.



Hay một chuyện khác, hàng xóm có đám tang, không phải họ hàng nhưng có quan hệ gần gũi. Có điều hai họ có hiềm khích. Ông tôi sắm cái lễ viếng rất đàng hoàng, người ta viếng 10 quả cau, ông mua cả cành cau lớn. Bác tôi hỏi, sao lại như thế? Ông bảo: Nhà mình với nhà ông ấy không có chuyện gì nhưng nhà chú B ( em họ ông ) lại hiềm khích, mình đi viếng thật chu đáo cho cái tình nó ấm lại.





Ông tôi còn là người làm thơ Nôm rất hay nữa. Xin ví dụ bài “Vịnh Hang Thần”. Hồi đó hang Thần Quang trên núi Sài Sơn ( Quốc Oai, Sơn Tây) phát hiện thấy có rất nhiều xương người, sư trụ trì cho thu gom vào hai bể lớn. Các cụ kéo nhau lên xem. Trở về ông tôi viết bài này.

Kìa những xương khô tự thủa nào
Lấy ai mà hỏi rõ tiêu hao
Rã rời vách quế thê lương nhỉ
U uất hồn mai thảm đạm sao
Hoặc kẻ anh hùng khi chiến trận
Hay người thôn dã lúc binh đao
Đến nay nom tới di hài đó
Mượn nước cành dương tưới nhuận vào.
--> Read more..

Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

981, con số đó có ý nghĩa gì không?


 Tượng thờ vua Lê Đại Hành ( Lê Hoàn) ở Hoa Lư


Báo PLĐS đăng ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, nói về giàn khoan phi pháp của giặc ngoài Biển Đông rằng: " 981 là phạm vào nguyên lý con số 10, số thập thành hay còn gọi là số cực mãn. Với những con số khi kết thúc chu kỳ sẽ phải trở lại từ đầu, nghĩa là quay về con số 0, phản lại chủ nhân”.

“Nó là trị số của gốc rơi tự do, hàm chứa con số của sự rơi trọng lượng. Tôi cho rằng ngay từ số hiệu của giàn khoan cũng đã ẩn chứa sự rơi tự do, sự sụp đổ. Điều này sẽ ứng với những tác động nghiệt ngã của thiên nhiên. Chỉ cần một trận động đất nhỏ, một cơn bão nhỏ, giàn khoan Hải Dương - 981 sẽ có nguy cơ biến mất”.





Lời bàn
Báo chí đăng những bài như thế có vẻ cổ vũ cho những đầu óc u mê, chờ số phận run rủi, hy vọng cầu cúng mà đuổi được giặc ( dù ông NPGH không nói thế). Ôi, ai tin thì tin chứ tôi không tin cách suy luận đó.







 

Tuy nhiên Platon nói "Vũ trụ là sự hòa điệu của các con số", nên tôi thấy con số 981 đó có ý nghĩa, rất có ý nghĩa trong tâm thức Việt luôn luôn chống lại kẻ thù Phương Bắc. Đó là năm 981, Lê Hoàn tự cầm quân đại phá quân Tống trên sông Bạch Đằng bằng cách đóng cọc ngăn sông, bắt chém Hầu Nhân Bảo, bắt sống Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư. Chiến thắng này nối tiếp chiến công của Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng ( năm 938), giành lại độc lập sau 1000 năm Bắc thuộc.


Máu giặc đến nay vẫn còn đỏ, nhắc nhở truyền thống anh hùng, bất khuất của cha ông ta, nhắc nhở bọn xâm lược đừng quên bài học đó. Nhìn giàn khoan của giặc, nhớ tới Chiến thắng Bạch Đằng để mạnh mẽ, vững vàng, đó là khí thiêng sông núi phù hộ. Có như thế con số mới có ý nghĩa.

Nhìn giàn khoan giặc, tính đến hôm qua tròn 56 ngày đêm, ngang với thời gian chiến dịch Điện Biên Phủ oai hùng. Nghĩ xem 56 ngày đêm qua ta đã làm gì xứng đáng với tinh thần Điện Biên Phủ hay chưa? Đó là con số đáng suy nghĩ.


--> Read more..

Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

TÀU GIẶC VÀO BIỂN ĐÔNG

 Trong những ngày qua, tâm trạng chúng ta là buồn phiền, lo âu, căm giận, phẫn nộ... trước hành vi ngạo ngược của Tàu, mang giàm khoan khủng vào vùng biển VN để thăm dò dầu khí. Vậy là nó hiện thực hoá đường lưỡi bò phi pháp, nếu điều này thành công, Biển Đông sẽ là ao nhà của họ, Việt Nam bị bao bọc trong biển của Tàu, mất đi nguồn sống cho ngư dân và thu hẹp nguồn dầu khí quan trọng. Tuy nhiên, sự kiện này có những mặt tích cực, hữu ích cuả nó.

Thứ nhất, nó làm cho những ai còn ảo tưởng trước chiêu bài lừa mị 16 chữ vàng, láng giềng bốn tốt buộc phải thức tỉnh. Đừng quên đó là cái lá nho che cái mõm con sói đói khát, mà như có chủ đích ta tự nhân nhượng, nhún nhường thành con thỏ trước mõm nó.

(Có lẽ trong đầu họ cũng biết con sói đó rất đểu nhưng họ cố tự lừa mình, ru ngủ mình để cầu lấy cái bình yên tạm bợ)

Thứ hai, nó cho thấy phương pháp "thỏ hoá" không thành công, phải tìm phương pháp khác.

Thứ ba, nó nhắc nhớ lại vô vàn bài học trong lịch sử, muốn chiến thắng ngoại xâm thì trong nước phải huy động được sức mạnh của cả dân tộc, phải đoàn kết, "tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào", có như thế mới thắng được "cường địch". Nếu không làm được điều này thì chỉ có cách nộp mình cho sói.
Đưa xe tăng ra Trường Sa

Thứ tư, sự ngang ngược của Tàu khiến cả dân tộc Việt Nam, trong nước và nước ngoài đều đau đáu nhìn về phía biển. Đây là cơ hội để hoà giải, thể hiện sự tương kính lẫn nhau, thay đổi cách nhìn quá khứ để cùng bảo vệ đất nước. Đất nước là của chung. Không làm được việc này thì đất nước khó mạnh.

Thứ năm, dân tộc ta sẵn sàng đổ máu vì độc lập và toàn vẹn lãnh thổ nhưng máu người không phải nước lã, phải tuyệt đối tránh đổ máu cho đến khi không còn cách nào khác. Bây giờ là lúc phải huy động trí tuệ của cả dân tộc, khởi kiện ra Toà án quốc tế, đưa ra những bằng chứng và lý lẽ tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế... Trung Quốc hung hăng nhưng đuối lý, nếu cả thế giới tẩy chay thì nó cũng không thể làm càn. Tuy nhiên, muốn được thế giới ủng hộ thì ta phải là đối tác tin cậy, có trước có sau chứ không chỉ là dùng sách lược để lợi dụng họ lúc cần.

Chỉ có sự chân thành mới nhận lại được sự chân thành.
Bây giờ bọn Tàu hạ giọng, gạ "đàm phán".
Bọn Tàu làm càn nhưng đuối lý

Xin những vị có trách nhiệm đừng "thỏ hoá" trước mưu mô của con sói nữa, nếu chấp nhận đàm phán là cò cưa mấy tháng, mấy năm, trong lúc đó giàn khoan nó ngang nhiên hoạt động, thế là biến không thành có, biến mọi chuyện thành sự đã rồi.

Vì vậy, điều kiện tiên quyết trước khi đàm phán là Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan phi pháp ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Thứ hai, thay vì dấm dúi đàm với nhau dẫn đến VN ngày càng thua thì ta khởi kiện ngay ra Toà án Quốc tế để họ phán cho. Họ phán thì cả thế giới ủng hộ, có lợi trăm bề, thằng Trung Quốc có thua cũng khó dám chống thi hành án.

Chỉ có công khai, minh bạch, dựa vào cộng đồng quốc tế thì kẻ mạnh mới không hiếp đáp được ta.

Không biết các anh ấy ở trên có nghĩ thế không? Lo lắm!
--> Read more..

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

SÁT THÁT HAY... ?




Hôm nay là ngày dành cho Thần Tình, nhưng đọc bài về Lễ hội đền Trần trên Infonet.vn, dẫn lại từ Vietnam+, xem tấm ảnh của lễ hội, lại không thể không viết mấy dòng.

Theo bài báo, tối 12/2 (tức ngày 13 tháng Giêng), tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền thờ và lăng mộ các vua Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, UBND huyện Hưng Hà đã tổ chức khai mạc lễ hội Đền Trần.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã đánh trống khai hội. Đặc biệt, hoạt động luôn thu hút được sự quan tâm của người dân và mang tính truyền thống là lễ rước nước để nhắc lại thuở xưa tổ tiên nhà Trần đều sống bằng nghề chài lưới.

Trong không khí tưởng nhớ đến cuộc chiến tranh biên giới 35 năm trước, việc tôn vinh nhà Trần là hoạt động tuyệt vời, chiến công hiển hách nhà Trần với khí thế Sát Thát TK XIII mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc ta, có giá trị khích lệ lòng yêu nước và ý chí quật cường. Đang nghĩ như thế thì cái ảnh lễ rước nước như thùng nước lạnh dội vào tâm trí ta.

Lễ rước nước, ngoài lá cờ có chữ Trần, chỉ còn lại là một lễ rước Phật. Bàn thờ thiết trí tượng Phật Thích ca, bên dưới thì chủ tế là mấy vị sư. Không hiểu Ban tổ chức có ý tưởng gì mà lại thay bài vị Trần Triều, hay cỗ ngai thờ trong Đền bằng bức tượng Phật như vậy? Chắc hẳn mấy ông sư đang tụng kinh Phật để cao giải thoát, nhẫn nhục... trái ngược với hào khí oanh liệt nhà Trần.

Chỉ có khí thế Sát Thát ngút trời và tình quân dân "tướng sĩ một lòng phụ tử/ hòa nước sông chén rượu ngọt ngào" mới ba lần đập tan quân Nguyên Mông, còn tinh hoa Trúc Lâm Thiền tông đã có lễ hội Yên Tử kéo dài mấy tháng mùa xuân... Xin đừng làm hỏng lễ hội Đền Trần!


--> Read more..

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

HỒ GƯƠM MỜI ĐỐI



Khách ở xa đến HN nhất định sẽ lượn quanh Hồ Gươm, vào các quán cà phê quanh hồ, ngắm cầu Thê Húc, tháp Rùa, tháp Bút, chụp hình mênh mông, xả láng. Nhân thế, xin treo giải chầu cà phê bên Hồ Gươm cho người đối hay nhất vế đối sau đây:

THẦY GIÁO MÁC LÊ, CƯỠI XE KÍCH, LƯỢN HỒ GƯƠM XEM HOA SÚNG NỞ


--> Read more..

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Nhà thờ lớn Hà Nội

Qua lại Nhà thờ lớn bao nhiêu năm nhưng hôm qua, lần đầu tiên có bạn Suong Dang từ SG ra, em  Charming Pink triệu tập, dẫn khách đi chơi, tôi mới tình cờ vào trong Nhà thờ lớn Hà Nội. 

                                          
Theo một số tài liệu lịch sử như sách của Louvet “La vie de Mgr. Puginier”, tiểu thuyết lịch sử “Bóng nước Hồ Gươm” của Chu Thiên, các tài liệu trong Văn khố Hội Thừa sai Paris (M.E.P.) … thì khu đất này xưa kia là khu đất của Báo Thiên Tự (Chùa tháp Báo Thiên) được xây dựng từ đời Nhà Lý. Đây là một ngôi quốc tự nổi tiếng của kinh đô của Đại Việt trong suốt các triều đại từ -Trần. Đến thời  – Nguyễn, đây vẫn là nơi diễn ra các nghi lễ Phật giáo cầu cho quốc thái dân an...


Các tài liệu nói về sự kiện phá hủy chùa Báo Thiên không thống nhất với nhau. Theo Bùi Thiết trong Tự điển Hà Nội địa danh, chùa Báo Thiên đến cuối thế kỷ 18 đã bị phá hủy và nền chùa cũ trở thành đất họp chợ trước khi chuyển giao cho nhà thờ. Còn ông Thống sứ Bắc Kỳ Raoul Bonnal, người chứng kiến việc chuyển giao khu đất, đã viết trong cuốn Au Tonkin rằng Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ đã cố gắng lấy lòng Giám mục bằng cách lấy lý do ngôi chùa đã đổ nát và không tìm thấy hậu duệ của người thành lập ngôi chùa nên đã cho phá sập và chuyển nhượng khu đất cho nhà thờ.




Nhà thờ xây dựng từ năm 1884-1888. Nguyên thủy, nhà thờ này có tên là Nhà thờ Thánh Giuse (Saint Joseph) do vào năm 1678, Giáo hoàng Innôcentê XI tôn phong Thánh Giuse (cha nuôi của Chúa Giêsu) làm thánh quan thầy của nước Việt Nam và các nước lân cận. Chính vì vậy, ngôi thánh đường lớn nhất ở Hà Nội được tôn phong là "Nhà thờ chính tòa kính Thánh Giuse". Lễ khánh thành được tổ chức đúng vào lễ Giáng sinh năm Đinh Hợi (1887).







Nhà thờ rất đẹp, đặc biệt là hệ thống tranh kính và kỹ thuật chạm khắc bàn thờ. Uy nghiêm nhưng ấm áp. Trong đó một số khách nước ngoài đang lặng lẽ cầu nguyện.





                                               


                         



Có hai thứ lần đầu tiên tôi thấy, đó là hộp ủng hộ công đức rất kín đáo, không phô trương như tôn giáo khác. Họ thực hiện lời Chúa, làm việc thiện kín đáo, tay phải làm và tay trái không biết chăng?
Cái thứ hai là một chóe nước, bên cạnh một bệ đá có khắc thánh giá, phía trước có chỗ để quỳ, chắc đây là nơi thực hiện nghi lễ rửa tội. Những thứ này đặt gần cửa ra vào, góc bên trái. (Đề nghị bác Phạm Ngọc Hiệp giới thiệu kỹ hơn chỗ rửa tội này ạ.)

                                                         

                                              
--> Read more..

Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

BÍ THƯ BỊ ĐÂM NGỒI TRÊN NGAI...



Báo chí loan tin, Bí thư đảng ủy xã Phượng Kỳ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương bị đâm nhiều nhát vào ngực, lưng và tử vong sau đó. Công an đang điều tra nguyên nhân và truy tìm thủ phạm, theo quy trình bình thường, tuy nhiên nhìn tấm hình đám tang, xin bàn vài câu.

Bàn thờ người xấu số rất trang trọng, kiểu như đám cúng tế thần thành chứ không phải người thiệt mạng vì bị đâm. Chắc Đảng ủy, HHĐND, UBND, MTTQ xã nghĩ đến cương vị Bí thư của người chết nên bày đặt trang trọng như thế...

Tuy nhiên, điều phản cảm nhất là di ảnh người chết được đặt trên cỗ ngai, có hai con hạc chầu hai bên. Theo phong tục, người ta chỉ đặt tượng vua, thần thánh ngồi trên ngai.

Còn trong các gia đình, cỗ ngai thờ ở chính giữa, thường bỏ trống, chỉ đặt bát hương hay bài vị vị Tổ cao nhất, tượng trưng cho sự linh thiêng của nhiều đời tiên tổ, có người nói tượng trưng nền nếp, gia phong, cho tam cương ngũ thường... Đặt cái ảnh anh Bí thư này vào đó mang hàm ý cao hơn tất cả.

Nhìn hình anh Bí thư đội mũ bộ đội ngôi trên cỗ ngai có hạc chầu hai bên tôi thấy nó thật bi hài...
Nó cũng phản ánh sự khủng hoảng chuẩn mực văn hóa ở ta hiện nay rất lớn. Vì thiếu chuẩn mực nên những người tổ chức đám tang không tìm ra được cách thiết trí trang trọng, đúng mực.

Bàn thờ người xấu số rất trang trọng, kiểu như đám cúng tế thần thành chứ không phải người thiệt mạng vì bị đâm. Chắc Đảng ủy, HHĐND, UBND, MTTQ xã nghĩ đến cương vị Bí thư của người chết nên bày đặt trang trọng như thế...

Tuy nhiên, điều phản cảm nhất là di ảnh người chết được đặt trên cỗ ngai, có hai con hạc chầu hai bên. Theo phong tục, người ta chỉ đặt tượng vua, thần thánh ngồi trên ngai.



Còn trong các gia đình, cỗ ngai thờ ở chính giữa, thường bỏ trống, chỉ đặt bát hương hay bài vị vị Tổ cao nhất, tượng trưng cho sự linh thiêng của nhiều đời tiên tổ, có người nói tượng trưng nền nếp, gia phong, cho tam cương ngũ thường... Đặt cái ảnh anh Bí thư này vào đó mang hàm ý cao hơn tất cả. 



Nhìn hình anh Bí thư đội mũ bộ đội ngôi trên cỗ ngai có hạc chầu hai bên tôi thấy nó thật bi hài... 

Nó cũng phản ánh sự khủng hoảng chuẩn mực văn hóa ở ta hiện nay rất lớn. Vì thiếu chuẩn mực nên những người tổ chức đám tang không tìm ra được cách thiết trí trang trọng, đúng mực.
--> Read more..

Flags

Flag Counter