Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Chữ Hán ở Đền Hùng


Hôm nay 10-3, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đây ạ, xin kính chúc toàn thể đồng bào ( chơi blog) trong và ngoài nước an vui, hạnh phúc ạ. Chắc hẳn nhiều đồng bào chưa về thăm  Đền Hùng được nên xin được chia sẻ với các bác một số hình ảnh và nội dung về chữ Hán ở Đền Hùng. Hoành phi, câu đối ở đây hội tụ tinh hoa cả nước, nhưng cách hiểu lại không thống nhất, khó hiểu hoặc hiểu sai.





Một đôi câu đối khác, khá đặc biệt vì hội tụ tất cả tinh thần của các câu đối, hoành phi ở Đền Hùng:

Thử địa thử sơn Nam quốc kỷ
Ngô vương ngô thổ Bắc thần tôn

Tiếc rằng đôi câu đối này đang có nhiều cách nhiểu khác nhau, biểu hiện ở nhiều bài viết, nhiều bài báo, trong cả sách giới thiệu Đền Hùng, có người dịch rằng:

Đất này, núi này là của nước Nam
Vua ta, đất ta làm phương Bắc cũng nể vì.
(Nguyễn Khắc Xương - Tạp chí Hán Nôm số 2 – 1996).

Cuốn sách giới thiệu về Đền Hùng  dịch là:

Đất này, núi này, nước Nam dấy nghiệp
Vua ta, nước ta, vua Bắc nể vì.
“Phương Bắc cũng nể vì” hay “Vua Bắc nể vì” đều dịch từ chữ “Bắc thần tôn”, với lý lẽ: “Chữ Bắc trong Bắc thần tôn, nên hiểu và dịch là phương Bắc, Bắc quốc, mới đối được với vế trên là Nam quốc. Chữ Thần gồm bộ Miên ở trên và chữ Thìn ở dưới, Từ điển Số tứ giác của Trung Quốc trang 238 giải thích là Đế vương. Từ điển Trung Việt trang 150 giải nghĩa là Vua, thần cư là nơi  ở của vua, thần chương là văn chương của vua. Chữ Tôn ở đây nghĩa là tôn trọng, nể vì…”  (Phạm Thức – tài liệu đánh máy)

Tuy nhiên, “Bắc thần” không phải là phương Bắc hay Bắc quốc mà là chữ lấy từ sách Luận ngữ. Đó là câu trong chương Vi chính: " Tử viết: Vi chính dĩ đức, thí như Bắc thần cư kỳ sở nhi chúng tinh củng chi". Nghĩa là, Khổng Tử nói rằng: Người làm chính trị, cầm quyền trị dân mà dùng đức để thi hành chính sự thì mọi người dân đều tuân phục, tựa như ngôi sao Bắc thần (Bắc đẩu) ở một chỗ mà mọi vì sao khác đều chầu theo.

Do đó, chữ “Bắc thần tôn” trong đôi câu đối Đền Hùng trên đây phải hiểu là Vua ta lấy đức trị dân, được dân ta tôn kính, tuân phục, chứ không liên quan gì đến “phương Bắc” hay “Bắc quốc”.

Vì thế, câu đối này có nghĩa là: Đất này, núi này đã được ghi chép là của nước Nam/ Vua ta trị đất ta bằng đức nên dân chúng tôn kính, như sao Bắc  thần, muôn vì sao hướng theo. Như vậy “Nam quốc kỷ” cũng là sự thể hiện  tinh thần quả quyết “Rành rành định phận tại sách trời”. 




Nam Việt Triệu Tổ

Về đại tự thì trên Đền Thượng, nơi quan trọng nhất, đề bốn chữ Nam Việt Triệu Tổ - đây là công trình xây dựng thời nhà Nguyễn và xây lại , to hơn năm 2009, nhưng bốn chữ đó làm lại như cũ. Ông già tôi nói: Nam Việt là tên nước thời Triệu Đà, sao Đền Hùng lại viết Nam Việt Triệu Tổ mà không là Việt Nam Triệu Tổ hay Đại Nam, Đại Việt, Âu Lạc Triệu Tổ... Tôi cũng đã viết thắc mắc này lên báo đôi lần nhưng chưa ai giải thích. Mong các quý đồng bào uyên thâm như bác Bu, bác Hiệp, bác Mùi... tham gia giải đáp giúp.




 Vạn Đức Viên Chương - hoành phi cũ trông khác hẳn.




Bức này Nhân nghĩa Cúc Dân chữ lớn được, chắc sao từ bản cũ, nhưng chữ lạc khoản quá kinh khủng.






Ngoài ra, sau chuyến đi vừa rồi thì tôi thấy, nhiều hoành phi chữ quá tệ, không hiểu sao Ban quản lý di tích lại cẩu thả, dễ dãi đến thế... 

 Toro.

20 nhận xét:

  1. Mới đọc sơ qua, nhưng tôi chú ý đến câu "Nam Việt Triệu Tổ", tại sao không là Đại Nam, Việt Nam hay Đại Việt... mà lại là Nam Việt, là tên nước thời Triệu Đà, Toro thắc mắc rất đúng. Nhưng một chi tiết Toro nói đến là Đền Thượng xây dựng thời Nguyễn, chữ được giữ nguyên không thay đổi từ đó đến nay.

    Theo tôi cách giải thích là như thế này, sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi gởi thư sang nhà Thanh xin cầu phong, thoạt tiên lấy quốc hiệu là Nam Việt, nhưng vua nhà Thanh không đồng ý (vì thời Triệu Đà đất Nam Việt bao gồm cả Quảng Đông, Quảng Tây... rất rộng lớn), nên vua nhà Thanh mới đổi tên thành Việt Nam.

    Có lẽ nhà Nguyễn vẫn "kết" cái tên Nam Việt cho nên lấy đặt ở Đền Thượng.

    Sẽ đọc kỹ sau.

    Trả lờiXóa
  2. Phiên âm hoành phi, cuốn thư:
    1. CÀN KHAI KHÔN HẠP - Đất trời đóng mở ( Ca ngợi Cha Mẹ LLQ- Âu Cơ)
    2.ĐỨC THAM THIÊN ĐỊA - Đức cùng với trời đất che chở dân chúng
    3. VẠN ĐỨC VIÊN CHƯƠNG - Muôn đức tròn đầy, rực rỡ ( Chữ cổ khá đẹp)
    4. NHÂN NGHĨA ĐÀO DÂN - Lấy nhân nghĩa dạy dỗ dân chúng , chữ Đào trên bài tôi nhầm sang chữ Cúc ( nuôi dưỡng) , Đào là đào tạo, đào luyện, dạy dỗ vào khuôn phép. Chữ lạc khoản thì quá bôi bác.
    5. HÙNG VƯƠNG TỔ MIẾU - Miếu thờ Tổ Hùng Vương

    Trả lờiXóa
  3. Mình chẳng biết gì về chữ hán cả nên không dám tham gia chỉ chúc mừng Toro đã quay lại viết bài ở blogspot!

    Trả lờiXóa
  4. Bác TORO thử xem lại: Hình như là VẠN ĐỨC VIÊN ẢNH chứ không phải là VẠN ĐỨC VIÊN CHƯƠNG.
    Chữ ẢNH một bên là chữ "cảnh", một bên là bộ "sam"

    Trả lờiXóa
  5. Cám ơn bác Nano BoBi, đúng là VIÊN ẢNH - nhưng Viên Chương có nghĩa, chứ Viên Ảnh thì hơi lạ, nghĩa là hình ảnh tròn đầy chăng?! Mời các bác bàn thêm...

    Trả lờiXóa
  6. Chào Toro !
    Hoành phi ấy xưa nay đọc là " Vạn đức viên ảnh " : vạn đức = muôn đức , viên ảnh = bóng tròn đầy ( ảnh là bóng , tỏa bóng ; viên là tròn đầy , như chư viên trong viên mãn , viên túc ...
    Blog bạn rất thú vị , CT rất thích . Mong được làm quen .
    Cúc ban an vui !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác, với tôi thì chữ Viên Ảnh hơi lạ nên nhầm. Son lu và CT có mối quan hệ sao bác? Hii

      Xóa
  7. Cảm ơn Bác, biết thêm được nhiều điều.
    Chúc vui!

    Trả lờiXóa
  8. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  9. 1- “Vi chính dĩ đức, thí như Bắc thần cư kỳ sở nhi chúng tinh củng chi” TORO dẫn ra là một câu quốc ngữ, không rõ tự dạng chữ “thần” ra sao. Trong “Vi chánh đệ nhị”, ở phần “phàm nhi thập tứ chương” của Luận ngữ, chữ thần này là: 辰 - tên một sao trong nhị thập bát tú, còn nếu chữ thần 宸, thì Bắc thần là vua phương bắc. Tìm ra được Bắc thần trong Luận ngữ thì “cụ” TORO quả là thông kim bác cổ.
    2- Về mấy chữ Nam Việt Triệu Tổ
    * Mấy vị nhà Nguyễn khi xây dựng những gì ở đền Hùng đáng ra phải dùng chữ nghĩa phù hợp với thời đại các vua Hùng. Tên nước lúc bấy giờ là Văn Lang và trên cổng kia phải là “Văn Lang triệu tổ”. Văn Lang thời vua Hùng phía bắc đến hết Giang Nam và Lãnh Nam của Trung Quốc, phía bắc đến núi Hoành Sơn. Người Tàu không nói gì được vì lịch sử nó như thế.
    * Ý kiến của bạn PNH có lý, bu tui nói thêm vài câu:
    - Năm 1802 sau khi dứt được Tây Sơn, Gia Long cử Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định sang Yên Kinh xin nhà thanh lập Quốc hiệu Nam Việt. Nhà Thanh không nhất trí mà đặt là Việt Nam.
    Nay xây dựng các công trình ở đền Hùng nhà Nguyễn lại dùng chữ Nam Việt để nhắc lại ý định của vua Gia Long ngay trước.
    - Thực ra tên Việt Nam đã được các học giả Việt Nam dùng trước đó khá lâu, cụ thể:
    * khoảng 1390 Hồ Tông Thốc đã dùng tên Việt Nam khi viết sách Việt Nam thế chí
    * khoảng 1435 Nguyễn Trãi đã ghi trong sách Dư địa chí “Ngày nay cũng xưng là Việt Nam.
    * Khoảng 1545 Nguyễn Bĩnh Khiêm đã làm và thu thập trên 100 bài vịnh cảnh thành tập Việt Nam sơn hải động thưởng vịnh.
    * Khoảng 1715 Nguyễn Phước Chu vịnh đèo Hải Vân với câu đầu Việt Nam hiểm ải thử sơn diên .
    Hay là vua Thanh nghỉ rằng đám trí thức nước ta khoái chữ Việt Nam mà quyết định vậy??? … hihihi

    Trả lờiXóa
  10. Về tên nước Việt Nam thời Gia Long, sách Quốc Sử Quán Triều Nguyễn - Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu chép: Năm Giáp Tý thứ 3 (1804) tháng giêng, Ngài trú tất ở hành cung Thăng Long:

    Sứ Tàu là Tề Bố Sâm đến cửa Nam Quan. Lúc trước ngài sai bọn Lê Quang Định sang cầu phong, lại xin đổi quốc hiệu. Trong quốc thơ nói: "Mấy đời trước mở đất Viêm Giao, càng ngày càng rộng, gồm cả nước Việt Thường và nước Chân Lạp, đặt quốc hiệu là Nam Việt, truyền nối 200 năm. Nay tôi lấy hết cõi Nam, có toàn cả đất Việt, nên theo hiệu cũ để chánh quốc danh". Vua Tàu nghĩ rằng hiệu Nam Việt cũng giống như Việt Đông, Việt Tây (là Quảng Đông, Quảng Tây bây giờ) ý không ưng cho. Ngài đưa thơ bài bác hai ba lần; nói: nếu không cho đổi quốc hiệu, thời không thọ phong. Vua Tàu sợ mất lòng nước ta, mới cho đặt hiệu Việt Nam. Trong thơ Tàu trả lời rằng: "Lúc trước có đất Việt Thường, đã xưng là nước Nam Việt, nay lại có toàn cõi đất An Nam, xét ra cho kỹ, thời nên gồm cả đất đai mở mang trước sau mà đặt danh hiệu tốt. Vậy thời định lấy chữ "Việt" để trên, nghĩa là tỏ nước ta giữ đất cũ mà nối nghiệp trước; lấy chữ "Nam" đặt dưới, nghĩa là tỏ nước ta mở cõi Nam Giao mà chịu quyến mạng mới, như thế thời danh xưng chánh đại, nghĩa chữ tốt lành, so với hai đất Việt nước Tàu khác nhau xa lắm."

    Tôi cũng đồng ý với bác Bu về 2 chữ Việt Nam như bác đã dẫn phía trên, là 2 chữ này đã có từ trước khi có tên nước Việt Nam thời vua Gia Long. Trong một bài viết trên Tạp chí Xưa và Nay (số 144 tháng 7 - 2003), GS Phan Huy Lê cũng có nêu vấn đề tên Việt Nam, và tên nước Việt Nam đã có trong sách sử của nước ta từ trước năm 1804, năm mà nhà Thanh phong vương và quốc hiệu Việt Nam cho nước ta, GS Phan Huy Lê cũng nêu những tư liệu. Ở bài viết GS PHL khẳng định "Chúng ta có nhiều cứ liệu để khẳng định tên nước Việt Nam đã có từ lâu đời".

    Theo tôi (dù rất yêu nước, rất tự hào là con dân Việt Nam) ta cũng nên phân biệt điều này, là giữa tên nước (quốc hiệu) và tên trong dân gian, trong xã hội có khi dùng.

    Tên nước (quốc hiệu) là tên gọi chính thức của một quốc gia, được nhà nước lúc bấy giờ đặt. Nước ta trải qua mấy ngàn năm lịch sử, chỉ có chừng trên mười quốc hiệu: 1/ Xích Qủy (thời Kinh Dương Vương). 2/ Văn Lang (thời kỳ Hùng Vương). 3/ Âu Lạc (đời An Dương Vương). 4/ vạn Xuận (đời Lý Nam Đế). 5/ Đại Cồ Việt (đời Đinh Tiên Hoàng). 6/ Đại Việt (từ đời Lý Thánh Tông). 7/ Đại Ngu (đời Hồ Quý Ly). 8/ Đại Việt (từ đời Lê Thái Tổ). 9/ Việt Nam (đời Gia Long). 10/ Đại Nam (từ đời Minh Mạng). 11/ Việt Nam (từ 1945 đến nay).
    Ngoài ra còn một tên gọi là Nam Việt sau khi Triệu Đà diệt nước Âu Lạc của An Dương Vương, sát nhập vào quận Nam Hải thành nước Nam Việt.

    Như vậy tên nước (quốc hiệu) Việt Nam lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1804, thời vua Gia Long, và từ năm 1945 đến nay.

    Tên Việt Nam mà các học giả đã dùng trước thời điểm quốc hiệu Việt Nam đầu tiên năm 1804, chỉ là một sự trùng hợp, có một ý nghĩa khác, tôi đọc một vài quyển sách được biết, chữ "Việt Nam" này thường có ý nghĩa là "người Việt ở phương Nam", và chắc chắn không bao giờ được coi là tên, quốc hiệu của nước ta. Bởi vì tên, quốc hiệu của một nước chỉ được hình thành và công nhận khi do nhà nước lúc đó công bố.

    Thiết nghĩ GS Phan Huy Lê trong bài viết đã nêu ở trên viết: ""Chúng ta có nhiều cứ liệu để khẳng định tên nước Việt Nam đã có từ lâu đời". Hoàn toàn không có cứ liệu lịch sử nào cho thấy tên nước (quốc hiệu) Việt Nam đã có từ lâu đời, như GS Phan Huy Lê khẳng định.


    Trả lờiXóa
  11. Về dòng [chữ "Việt Nam" này thường có ý nghĩa là "người Việt ở phương Nam"] bên trên, xin bổ túc là "người Việt, hay đất của người Việt ở phương Nam".

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bu tui cho rằng theo ngữ pháp tiếng Hán:
      Nam Việt: Người Việt ở Phương Nam
      Việt Nam: Phia nam nước việt
      ------
      Trung Hoa: Người hoa (là) trung tâm (Thế giới?)
      Trung quốc: Nước Trung Hoa
      Nhân tài: Tài của người
      Nhân lực: Sức của nười

      Xóa
    2. Tôi rất đồng ý với bác về tên (chữ) Việt Nam, và tên Việt Nam đã có từ lâu, trước tên nước Việt Nam thời vua Gia Long, bởi sử sách có ghi chép rõ. Nhưng khẳng định như GS PHL là "tên nước Việt Nam" đã có từ lâu là không đúng, bởi sử sách chưa từng ghi trước thời vua Gia Long, đã có một vương triều nào đặt tên nước (quốc hiệu) là Việt Nam. Khẳng định như thế dễ gây nhầm lẫn cho những ai không am hiểu sử sách nước nhà.

      Xóa
  12. Theo nhận xét của bác Bu, em sẽ cố gắng có dịp chụp đôi câu đối Đền Hùng để biết họ dùng chữ Thần nào cho chính xác hơn.
    Bác Hiệp nói đúng, quốc hiệu VN chỉ tính từ Gia Long. Trong dân gian, trong văn chương người ta có thể dùng chữ khác quốc hiệu chính thức, mà người đọc vẫn hiểu là nước mình là được, nhưng không thể lấy đó để làm căn cứ.
    "Việt điểu sào Nam chi", câu mà cụ Phan Bội Châu căn cứ đặt bút hiệu Sào nam cũng đâu có liên quan gì đến Nam Việt, Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  13. "Cụ đồ" TORO và bác PNH à
    Bu tui xin chép hầu hai vị PHỤ LỤC VI:
    Quang Trung tuyên cáo đổi quốc hiệu là Việt Nam
    (Trang 118 sách VIỆT NAM quốc hiệu và cương vực qua các thời đại của Nguyễn Đình Đầu)

    Phan Huy Ích, Dụ am vân tập, 8 quyển: Trong quyển 5 có chép bài Tuyên cáo về việc đổi quốc hiệu An Nam thành Việt Nam của vua Quang Trung. Năm 1790 Nguyễn Huệ xưng là Nguyễn Quang Bình cầu phong với nhà Thanh, năm 1792 Nguyễn Huệ băng, Không biết tuyên cáo đổi tên quốc hiệu đã được gởi sang nhà Thanh chưa?

    Ngoài ra, trong nhiều văn bản cổ, một số tác giả đã lấy tên việt Nam để chỉ toàn quốc Đại Việt hoặc để chỉ Đàng trong của Đại Việt, song vẫn chưa được xem là quốc hiệu chính thức.

    Xem ra ông GS Phan Huy Lê nói không chính xác
    Về ông GS này, sử gia Bùi Thiết kê lên 23 tội với lịch sử đất nước, hai bác tìm đọc cho vui ...hihihi

    Trả lờiXóa
  14. Thông tin Quang Trung tuyên cáo đổi tên An Nam sang VN của bác Bu rất hay...
    Xin nói thêm về chữ Thần, xem ra thực tế viết chữ Thần không giống Từ điển lắm bác ạ. Chữ Thần không có bộ Miên là chữ cổ, sau này hai chữ như nhau, đa số viết có bộ Miên. Tình cờ em chụp được bứ hoành phi ở Đình Thượng, xã Văn Võ, Chương Mỹ,Hà Nội viết bốn chữ "Bắc Thần Kỳ Sở" có chữ Thần bộ Miên, mà không ai không hiểu câu này muốn dẫn ý nghĩa từ Luận Ngữ.Em sẽ post hình hoành phi này ở bài tiếp ngay sau đây ạ.

    Trả lờiXóa
  15. Trong bài viết của GS Phan Huy Lê có nêu lên câu chuyện bài viết của Phan Huy Ích mà bác Bu nêu bên trên (tôi chưa được xem sách của Nguyễn Đình Đầu).

    Bài viết có tựa "Giáp Tý xuân phụng nghĩ tân kiến quốc hiệu tuyên cáo" (Mùa xuân năm Giáp Tý phụng thảo tuyên cáo đặt mới quốc hiệu), được chép trong Dụ Am văn tập (tôi không chép lại sợ dài dòng). Vì tựa của bài cáo là năm Giáp Tý, tức năm 1804, trùng khớp với năm Gia Long tuyên cáo đổi quốc hiệu, cho nên người đời sau vẫn cho rằng đây là bài soạn của Phan Huy Ích cho vua Gia Long.

    Phan Huy ích cùng Ngô Thì Nhậm là 2 nhà thơ, nhà ngoại giao lớn đã giúp Nguyễn Huệ trong việc bang giao với Trung Hoa, năm 1790, 2 ông đã phụng lệnh Nguyễn Huệ sang mừng vua Càn Long 80 tuổi. Sau khi Nguyễn Huệ mất, nhà Tây Sơn bị đánh bại, Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm đã bị Nguyễn Ánh bắt và đánh đòn làm nhục trước Văn Miếu (đầu năm 1803). Sau Ngô Thì Nhậm mất, còn Phan Huy Ích vẫn được vua Gia Long tiếp tục dùng do yêu cầu ngoại giao với nhà Thanh.

    GS Phan Huy Lê có đặt vấn đề ở đây (tôi xin nói những ý chính). Với tính cách căm ghét và trả thù nhà Tây Sơn của Gia Long, thì Phan Huy ích tuy được Gia Long dùng đến, nhưng có thật là Gia Long đã nhờ Phan Huy ích là một cận thần tin cậy của Nguyễn Huệ soạn bài tuyên cáo đổi quốc hiệu của mình hay không? Trong khi vua Gia Long có lẽ cũng không thiếu người soạn một bài tuyên cáo như thế? Năm 1792 là năm Nguyễn Huệ đã bình định được Bắc Thành, và mùa xuân năm đó sai Phan Huy Ích bấy giờ giữ chức Nội các Thị trung Ngự sử dự thảo tuyên cáo đổi quốc hiệu. Năm 1792 là năm Nhâm Tý. GS PHL có đặt dấu hỏi là "có phải chữ Nhâm Tý (1792) đã bị chép nhầm thành Giáp Tý (1804) hay không?" Và GS PHL viết, nếu xác định chính xác được niên đại của tờ tuyên cáo đổi quốc hiệu (năm 1792 hay năm 1804), thì rất có ý nghĩa, vì nếu là năm Nhâm Tý 1792, thì tên nước Việt Nam cũng đã được Nguyện Huệ chọn đặt, trước khi Gia Long cầu phong đặt tên nước là Nam Việt và được nhà Thanh đổi thành Việt Nam vào năm 1804.

    Trả lờiXóa
  16. Như chúng ta đã biết, sau đó Nguyễn Huệ mất đột ngột, bắt đầu sự suy thoái của nhà Tây Sơn.

    Như vậy, về mặt chính thức thì bản tuyên cáo đổi quốc hiệu của vua Gia Long vào năm 1804, vẫn được xem là do Phan Huy Ích soạn cho vua Gia Long, vì dù sao năm 1804 Phan Huy ích đã phục vụ dưới triều Gia Long. Còn việc nghi vấn bên trên (bản tuyên cáo là do Phan Huy ích soạn cho Nguyễn Huệ) của GS Phan Huy Lê không biết ông Nguyễn Đình Đầu, hay có ai đã làm rõ được hay không?

    Xin chép ra đây để các bạn quan tâm đến sử sách nước nhà cùng tham khảo.

    Trả lờiXóa
  17. Việc một nhà khoa học đặt ra nghi ván đề đi tìm lời giải như vấn đề Nhâm tý hay Giáp tý là rất hay, không nên chụp mũ GS PHL theo kiểu suy diễn ngoài khoa học như thế.

    Trả lờiXóa

Flags

Flag Counter