Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Bánh chưng hình sinh thực khí

Nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, thời đại được gắn với truyền thuyết Lang Liêu, bánh chưng bánh dày. Bây giờ cúng vua Hùng vẫn có hai món bánh này. Sách giáo khoa và nhiều tài liệu khác vẫn nói rằng, bánh chưng vuông tượng trưng cho Đất, bánh dày tròn tượng trưng cho Trời. Trời tròn, đất vuông. Nói vậy cũng có nghĩa là âm dương, đực cái hài hòa.



Tưởng như thế là "chân lý của thời đại" rồi, nhưng một người rất uyên bác về lịch sử, khảo cổ và văn hóa dân gian là GS Trần Quốc Vượng bảo không phải, không có chuyện trời đất gì đâu, chuyện người, bộ phận cơ thể người cả thôi. Ông bảo:


Tôi xin đưa ra một minh giải văn chương: Bà con cô bác miền Nam gọi bánh chưng là bánh tét, chữ bánh tét này là tiếng đọc chạnh kiểu miền Nam của bánh tết.

Và nhân đây xin thanh toán một "ngộ nhận văn hóa". Thoạt kỳ thủy, bánh chưng không được gói vuông như bây giờ mà gói tròn như bánh Nam Bộ, gọi là đòn bánh tét là hoàn toàn chính xác. Ngay giờ đây, xin các bạn chỉ quá bộ sang Cổ Loa, Đông Anh, Thạch Thất ngoại thành Hà Nội thôi, vẫn thấy bà con cố đô Cổ Loa gói bánh chưng như đòn bánh tét và vẫn gọi nó là bánh chưng, thảng hoặc mới gói thêm bánh chưng vuông. Thế cho nên, cái triết lý gán bánh chưng vuông tượng Đất, bánh dầy tròn tượng Trời là một "ngộ sự văn hóa". Trời tròn đất vuông là một triết lý Trung Hoa muộn màng được hội nhập vào triết lý Việt Nam. Đó không phải là triết lý dân gian Việt Nam. Nó không phải là Folklore (nguyên nghĩa: trí tuệ dân gian) mà là Fakelore (trí tuệ giả dân gian).


Bánh chưng tròn dài tượng Dương vật, như cái chày, cái nõ. Bánh dầy tròn dẹt tựa Âm vật, như cái cối, cái nường.

Đó là tín ngưỡng và triết lý nõ-nường-chày-cối-chưng-dầy của dân gian, của tín ngưỡng phồn thực dân gian. Ngay như khi đã gói bánh chưng vuông, dân gian ngày trước vẫn có tục lệ buộc hay ấp hai chiếc bánh một sấp một ngửa đặt trên bàn thờ. Và khi biếu họ hàng, khách khứa ngày trước dân gian cũng giữ tục biếu một cặp bánh chưng (cũng như trước đấy bao giờ dân ta cũng mua một đôi chiếu) chứ không bao giờ tặng một chiếc bánh chưng (cũng như không bao giờ mua một chiếc chiếu).

 Nhân tiện nói thêm: việc mua hay chặt cây mía cả gốc cả ngọn đặt bên bàn thờ với giải thích hữu thức ngày sau đó là "gậy chống của ông vải" về nguyên ủy cũng thuộc về tín ngưỡng phồn thực.



Bánh chưng gói ghém trong nó cả một nền văn minh nông nghiệp lúa gạo. Trong bầu khí văn minh đó, người Việt Nam sống vừa hòa hợp (thích nghi tối đa và tối ưu) vừa đấu tranh (biến đổi) với tự nhiên. Lá dong gói bánh là lá dong riềng lấy sẵn của thiên nhiên. Cái bánh chưng, là sản phẩm của trồng trọt và chăn nuôi Việt Nam: gạo nếp, đỗ xanh, hành, thịt lợn... Cái đặc sắc, độc đáo của bánh chưng không phải chỉ là, thậm chí không phải chủ yếu là ở từng yếu tố họp thành cái bánh mà là ở cơ cấu của bánh, nó tạo nên nét khác biệt trong hình khối, mầu sắc, hương vị của bánh chưng so với các loại xôi đỗ và bánh nếp khác. Với gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn... có thể tạo nên mấy chục loại bánh xôi Việt Nam dùng hằng ngày như quà và trong các dịp cưới xin, giỗ, tết như lễ phẩm.


Huyền thoại quy công sáng tạo bánh chưng bánh dầy cho Lang Liêu, một người con thứ của vua Hùng, tổ dựng nước Việt Nam. Cũng như "vua Hùng", "Lang Liêu" là một "anh hùng văn hóa", nó không hề hiện hữu như một cá thể (cá nhân) nhưng chỉ tồn tại trong công thể (cộng đồng) của nhân dân, dân tộc Việt Nam. Lang Liêu có tài sáng tạo, làm ra bánh chưng bánh dầy cho nên được nhường ngôi, trở thành "vua Hùng" mới. Tuy cũng là cha truyền con nối như xu hướng phổ quát của lịch sử loài người, nhưng không truyền cho con trai trưởng (trước thế kỷ 19, dường như Việt Nam không có tập tục này và sau đó cho mãi đến thế kỷ 14, 15 (Hồ Quý Ly cũng không nhường ngôi cho con trai trưởng là Hồ Nguyên Trừng mà cho con thứ là Hồ Hán Thương) nó vẫn là một truyền thống yếu, có xu hướng ngoại sinh) theo lý, cũng không truyền ngôi cho con trai của một bà ái phi nào theo tình, mà truyền ngôi cho con nào hiền tài, đó là sự kết hợp giữa truyền tử và truyền hiền, đó là sự hòa hợp lý tính thời cổ đại...



Trong các cuộc thi tài thuở trước, mà ở đây là thi nấu cỗ, có biết bao người con của "vua Hùng" đã làm ra biết bao nhiêu món lạ, lạ mắt, lạ miệng... những sơn hào hải vị kiếm tận đâu đâu... Cái giỏi của "Lang Liêu", cái con mắt tinh đời của "vua Hùng" cũng là cái sáng giá trong bảng giá trị văn hóa của dân tộc dân gian là tìm cái phi thường trong cái thường thường. Trong tâm lý thường nghiệm, có thói quen chuộng lạ, ưa của lạ. Cái hằng ngày thân quen, nếu không biết cách nhìn, cách thưởng thức, cách biến đổi thành cơ cấu mới từ những nhân tố quen thuộc thì dễ trở thành nhàm chán.

Tìm cái đặc biệt trong những của lạ thì nào có khó khăn gì! Có khả năng diễn tả cái phi thường bằng những cái bình thường mới là một tài năng đặc biệt không dễ nhận ngay được giá trị vì cứ tưởng là không khó mà thật ra rất khó, vì nó đòi hỏi sự thấu hiểu, sự đi sâu tìm hiểu, sự nhập thể rất sâu trong lòng văn hóa và nhân dân...


Nói đến nõ nường, chúng ta cũng nên biết đến lễ hội Nõ Nường, với trò linh tinh tình phộc rất chất phác, đơn sơ, mang dấu ấn thời vua Hùng xa xưa.

Lễ hội Nõ Nường là lễ hội ngợi ca về sự cường tráng và hoạt động “linh tinh tình phộc” của Nõ Nường “vật hèm”: Nõ to và dài như “giằng cối xay” còn Nường thì rộng và sâu như “cối xay lúa’’đó là biểu tượng. Ở đây không còn quan niệm “dâm” và “tục” nữa.

 

Lời ca của nhóm hề pha trò:

 - Gặp đây anh mới hỏi nàng

Cái gì lủng lẳng một gang trong quần

- Chàng hỏi thì thiếp thưa rằng

Cái đeo lủng lẳng là “giằng cối xay”.

- Ước gì em hoá ra trâu

Anh hoá ra chạc xỏ nhau cả ngày.

- Ước gì em hoá lưỡi cày

Anh hoá thành bắp lắp ngay bây giờ

- Bà già như ruộng đỉnh gò

Đang hạng con gái như kho ruộng mềm.



41 nhận xét:

  1. Hìhì, bài này hay, thời xưa xưa có lẽ chưa có nhiều cái để vui cho nên chuyện âm dương nõ nường là cái vui nhất của con người. Ở nơi loài vật không có ý thức (cứ cho là như thế), thì chuyện nõ nường là chuyện truyền giống, là quy luật sinh tồn của tạo hoá. Nhưng với con người (có ý thức), thì chuyện nõ nường trước hết là niềm vui... Bởi thế cho nên mới đi vào văn hoá dân gian... :-)))

    Trả lờiXóa
  2. Giỗ Tổ vua Hùng bàn chuyện bánh chưng bánh dày và nõ nường, tự kỉ ngồi nhà thế này cũng không vô nghĩa.
    Cảm ơn anh Toro!

    Trả lờiXóa
  3. Hay quá!
    Đáng để ngồi nghiền ngẫm trong một chiều mưa.

    Trả lờiXóa
  4. Ko biết cái lễ hội Nõ Nường giờ còn tổ chức ko bác hè?

    Trả lờiXóa
  5. "Nhân tiện nói thêm: việc mua hay chặt cây mía cả gốc cả ngọn đặt bên bàn thờ với giải thích hữu thức ngày sau đó là "gậy chống của ông vải" về nguyên ủy cũng thuộc về tín ngưỡng phồn thực" - Toro noi ro hon về điều này đi!

    Trả lờiXóa
  6. bài vik hay quá.
    cảm ơn bạn đã post.

    Trả lờiXóa
  7. Biết thêm khối điều mới mẻ và lý thú! Cảm ơn Toro!

    Trả lờiXóa
  8. 1- Cái hay của bài này là xem xét lại niềm tin gần như vững chãi của chúng ta về triết lý dân gian trời tròn đất vuông thể hiện qua bánh chưng bánh dày của hoàng tử Lang Liêu.
    Người phủ nhận lý thuyết này như Toro nói là cố giáo sư Trần Quốc Vượng. Tiếc rằng Toro không dẫn ra GS TQV nói ở tài liệu nào, sách nào để người đọc có thể tìm hiểu đối chiếu thêm. Khi niềm tin cố hữu bị lung lay người ta có thể băn khoăn hoặc mừng rỡ. Với bu tui cũng không ngoại lệ và phải tìm hiểu thêm nhiều nữa mới có thể đưa ra chính kiến của mình được.
    2- GS TQV là người uyên bác, có nhiều phát kiến mới lạ và táo báo trong khảo cổ và lịch sử. Tuy nhiên để hiểu được ông và phản bác lại ông không dễ dàng tí nào.
    3- Một dạo vào Quảng Bình công tác ông cùng với một vài nhà nghiên cứu Văn học dân gian Huế đến nhà bu tui uống bia tán gẫu. Khi ngà ngà say ông bảo: Tôi đi khắp nơi gặp nhiều người và chỉ thấy con gái Quảng Bình đẹp nhất nước. Bu là người quyết liệt cãi lại ông. Hôm sau trong một cuộc gặp gỡ với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình có chủ tịch tỉnh tham dự GS Vượng lai công bố chính thức quan điểm của mình rằng "Con gái Quảng Bình đẹp nhất nước". Ông chỉ luôn vào bu nói to "Thế mà ông Toàn này cho là tôi ngụy biện" Cả hội trường cười to. Kể lại mẫu chuyện này để tưởng nhớ đến một GS tài năng, tài hoa và đào hoa.
    4- Bu đinh nói vài dòng về triết lý VUÔNG TRÒN khi nó là biểu tượng văn hóa thế giới, nhưng còm dài quá rồi. Hẹn còm sau nếu TORO chưa qua Entry khác

    Trả lờiXóa
  9. Năm nào cũng tổ chức đó anh Giáp. Dịp Tết.

    Trả lờiXóa
  10. Cháu phải đi Quảng Bình mới được.

    Trả lờiXóa
  11. tudinhhuong: Đấy là cụ Vượng thấy cô nào đó mà cảm đấy thôi... Cái này phải hỏi bác Bu, bác không chọn con gái QB mà chọn con gái xứ Nghệ...

    Trả lờiXóa
  12. Em thì thấy phụ nữ miền nào cũng có người đẹp. Chỉ ít hay nhiều.
    Chứ không thể đánh đồng các vẻ đẹp thành một từ đẹp nhất.
    Mỗi nơi một vẻ.

    Trả lờiXóa
  13. Bà xã bu bố Huế mẹ Nghệ An do không có duyên với người đẹp QB nên mới đi làm rể quê xa thế

    Trả lờiXóa
  14. Đoc thấy nói ý kiến GS TQV nhưng không dẫn nguồn thì bu hơi tiếc chứ không hẳn là yêu cầu trích dẫn
    Nhưng nay được bạn dẫn nguồn thì rất cảm ơn,
    Bu sẽ đọc lại số sách cụ Vượng hiện có
    Một lần nữa cảm ơn TORO

    Trả lờiXóa
  15. Lễ hội nõ nường vẫn được tổ chức, mời bạn Gà ra Phú Thọ xem nhé, có bạn gái mang theo rồi ra rừng trám diễn thì thánh sẽ phù hộ cho. ha ha.

    Trả lờiXóa
  16. Đọc bài viết của bác Toro, LT thấy được nhiều điều hay mà xưa nay chỉ hiểu qua loa thôi.
    Hồi Nội LT còn sống hay hò vui 2 câu này mà LT ít dám giởn với ai bởi tính nhạy cảm, nhân bài viết này của bác Toro, LT xin viết ra góp vui chút nha.
    Đối qua:
    "Đi đưa, đứng thụng, ngồi thòng
    Hỏi nàng thiếu nữ, cái này là cái chi"
    Đáp lại:
    "Đi nhai, đứng ngậm, ngồi cười
    Xin người quân tử trả lời cái chi"

    :))))

    Trả lờiXóa
  17. Hii, hai câu đối và đáp chị nêu vẫn chưa đưa ra đáp án, cả hai đều mới là câu đố... Xem ra đối đáp ở lễ hội nõ nường Phú Thọ thiệt thà hơn.

    Trả lờiXóa
  18. Cháu chờ chú Bu nói tiếp đây ạ.
    Hấp dẫn quá!
    Tại sao lại có nhiều ý kiến trái chiều vậy chú?
    Cháu không phải là nhà nghiên cứu, ai viết gì thì cháu chỉ đọc và cảm nhận theo khối óc và con tim của cháu, nhưng đó chỉ là những cái ngu ngơ, lơ tơ mơ mà thôi.

    Trả lờiXóa
  19. Thật ra, trước khi đất nước thống nhất, thì ở trong Nam, học sinh cũng học tích "Bánh dày bánh chưng" giống như những lời anh Bulukhin vừa dẫn. Nên khi đọc những dẫn chứng của Toro, cũng thấy lạ lẫm, vì TTM không biết và chưa đọc bài và sách của GS Trần Quốc Vượng “Triết lý bánh chưng bánh dày” đăng trên báo Người Hà Nội năm 1985. Năm 2000, GS Trần Quốc Vượng nhắc lại luận diểm đó ở sách “Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm” (NXB Văn hóa dân tộc, Tạp chí VHNT).", nên cũng chẳng dám luận bàn.

    Nên chăng, anh Bu viết lại thành một entry nữa cho nối liền một mạch bài của Toro và luận điểm của anh cùng với luận điểm của tứ trụ "Lâm Lê Tấn Vượng (Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng) là “tứ trụ của ngôi nhà sử học” đất nước. " Cho bà con trên Mul ôn lại sử nhà.

    Cám ơn anh Bu và Toro.

    Trả lờiXóa
  20. Hehehe vì lỡ dại hứa với TORO nên chú bu phải còm tạm một đoạn...chú sẽ viết tiếp nhưng đang bí bới cái khái niệm "muộn màng" của ông Vượng. Hai chữ muộn màng trong sử học không ổn lắm. Muộn màng là quá chậm so với thường lệ vậy thường lệ ở đây là gì?? ...

    Trả lờiXóa
  21. Chú bí thì cháu mù tịt rồi. :)
    Không biết khi nào thì sáng tỏ đây ạ.
    Thôi cháu cứ chờ chú và các anh chị gỡ rối.

    Trả lờiXóa
  22. TTM à

    Người ta nói văn mình vợ người cấm có sai. Bộ tứ kia chỉ đọc mình chứ không đọc ai nên không biết ông Vượng nói gì. Cũng có thể họ cho rằng cụ Vượng bốc lên nói đại nên không chấp chăng???. Bu sẽ viết tiếp một cái gì đó nhưng không chắc hay ho gì khoan cảm ơn vội ...

    Trả lờiXóa
  23. Chỉ sợ gỡ làm rối thêm huhuhu

    Trả lờiXóa
  24. Ai cũng có cái tôi của mình.
    Cháu nghĩ vậy nên ít khi có được sự khách quan trong nhìn nhận vấn đề.
    Cháu nói có đúng không chú?

    Trả lờiXóa
  25. Đọc lại entry này của Toro, các comments của các bạn, nhất là của bác Bu thấy rất hay. Tôi có chút suy nghĩ:
    - Trước hết chúng ta phải phân định: chuyện bánh dày (giầy) bánh chưng là truyền thuyết (legend) trong lịch sử, thuở nhỏ tôi được học dưới tên gọi "Sự tích bánh dày bánh chưng". Những gì trong lịch sử được cho là truyền thuyết, sự tích thường nhuốm màu sắc thần bí, nhiều khi hoang đường, chẳng hạn truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên của người VN, Lạc Long Quân - Âu Cơ và chuyện sinh ra 100 trứng thành 100 người con, chuyện nỏ thần (thần Kim Quy), chuyện Thánh Gióng, chuyện trả gươm... Truyền thuyết, sự tích trong lịch sử là những chuyện tuy nhuốm màu hoang đường, vô lý, nhưng được lịch sử và nhân dân chấp nhận, không hề thắc mắc.Những vị GS như Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê khi viết như bác Bu đã trích dẫn ở trên, tôi nghĩ chỉ là nhắc lại truyền thuyết về bánh giầy bánh chưng mà sách sử đã chép, chứ không có ý phản bác lại ý kiến của GS Trần Quốc Vượng trong chuyện GS TQV đưa ra ý kiến chuyện bánh giầy bánh chưng là chuyện phồn thực, kiểu Nõ Nường.
    - Riêng chuyện GS Trần Quốc Vượng viết trên báo hay tạp chí chuyện bánh giầy bánh chưng theo một nhận định khác với truyền thuyết, như Toro đã nói trong entry, tôi nghĩ đây lại là chuyện khác. Có thể coi là một Thuyết (ism, theory) của GS Vượng. Thuyết này như Toro đã viết, dựa trên một số nơi ở Hà Nội gói bánh chưng (cũng vẫn gọi là bánh chưng), nhưng không là hình vuông, mà gói tròn dài như đòn bánh tét của miền Nam, và theo như entry trên, từ hình dạng này GS đã kết luận chuyện bánh giầy bánh chưng (dạng gói như bánh tét) là chuyện Nõ Nường. Thiết nghĩ nếu chỉ vì hình dáng của bánh chưng như vậy, mà đã đưa ra kết luận có lẽ cũng là vội vàng. Tôi chưa được đọc những bài viết của GS TQV, hoặc những bài viết nào khác nói về nhân dân ở những vùng ngoài Bắc gói bánh chưng theo dạng dài, kết hợp với bánh giầy tròn và có dùng hình ảnh này trong những buổi lễ hội mang nặng tính chất tín ngưỡng dân gian, như lễ hội Nõ Nường.
    Và Thuyết của GS TQV về chuyện bánh giầy bánh chưng được những ai chấp nhận, hoặc những ai phản bác lại là chuyện khác. GS TQV có lẽ cũng không thể dùng Thuyết của mình để bác bỏ Truyền thuyết về chuyện bánh giầy bánh chưng đã được chấp nhận trong sử sách. Thuyết này có thể bác bỏ Thuyết kia, nhưng Thuyết không thể bác bỏ Truyền thuyết, vì đây là 2 vấn đề khác nhau hoàn toàn.

    Trả lờiXóa
  26. Ối tội quá, sao lại nói chỉ có văn là của mình và vợ của mình lại là vợ của người nè Giời!

    Trả lờiXóa
  27. Chị HT ơi, văn mình vợ người là ý khen đó chị.
    Chỉ có văn mình là hay nhất, vợ người là đẹp nhất.
    Các bác hay ngó trộm ti vi hàng xóm lắm đó chị. Hì.

    Trả lờiXóa
  28. Vậy à ! chị sao lại ngớ ngẩn thế nhỉ?

    Trả lờiXóa
  29. 1.Chị HT ơi, bác Bu nói "văn mình vợ người là ý khen chị đó". Hi hi.. Tudinhhuong bạo phổi thật!
    2.Cụ Vượng là nhà khảo cổ nhưng chuyên sâu về văn hóa, viết nhiều, sắc sảo, chịu đi điền dã. Ông quả là người uyên bác. Tiếc rằng, ông không tập trung làm các chuyên khảo. Ông chỉ xói vấn đề, gợi ý đề tài cho đàn em làm luận án hay nghiên cứu chuyên sâu.
    Nhận định của cụ Vượng về bánh chúng bánh dày khá nổi tiếng nhưng từ 1985 đến khi ông mất không thấy chuyên gia nào phản bác. Còn chữ "muộn màng " theo cách nói dân dã của cụ Vượng, ta có thể hiểu là khi Nho giáo đã thịnh ở nước ta, thế kỷ 14-15 chẳng hạn, nó rất muộn so với thời đại Hùng Vương gắn với truyền thuyết này. Bác Bu có cao kiến gì bàn thêm thì hay quá.

    Trả lờiXóa
  30. Anh Toro à nha, đáng nhẽ em phải nói "...là ý khen đó chị" thì em gõ nhanh thành "...là ý khen chị đó".
    Em bạo phổi thật.
    Em xin lỗi chị HT đầu tiên!
    Cháu xin lỗi chú Bu ạ!

    Trả lờiXóa
  31. tudinhuong: ha ha, em rat quan lieu, thuc ra anh da bien tap lai chut xiu trong cai cau cua em.
    ma thuc ra em khong can xin loi bac Bu va chi M, ma neu co thi xin loi nguoi vang mat co... Hiii

    Trả lờiXóa
  32. Thì anh thêm "bác Bu nói", em biết mà.
    Nhưng em vốn chân thật mà.

    Trả lờiXóa
  33. Mấy anh em luận bàn từ ngữ vui quá.. có gì mà xin lỗi hả TĐH ơi! vui thôi mà.
    chị chẳng sao đâu, mà chỉ cười thôi..

    Trả lờiXóa
  34. Hì. Không biết khi gặp nhau có cười tóe không hén chị.

    Trả lờiXóa
  35. Cười hihi chứ sao lại không hở em..

    Trả lờiXóa
  36. Sự tích Bánh chưng với quan niệm trời tròn đất vuông được ghi lại trong Lĩnh nam chích quái, của Vũ Quỳnh - Kiều Phú, thế kỷ thứ XV. Có lẽ đây là truyện dân gian được văn bản hóa sớm nhất. Căn cứ vào đây để đời sau viết sách chăng?
    Tôi vừa phải mang LNCQ ra đọc lại, như vậy khá xa so với thời đại Hùng Vương...

    Trả lờiXóa
  37. Tôi cũng có một quyển Lĩnh Nam Chích Quái do Nhà xuất bản Văn học Hà Nội xuất bản năm 1990. LNCQ là quyển sách được viết từ thế kỷ XV, chép lại những sự tích và truyền thuyết ở vùng Lĩnh Nam, theo chú thích của sách thì bao gồm một phần Hoa Nam và nước ta thời bấy giờ. Sách ở vào thế kỷ XV chép về những truyền thuyết và sự tích , còn truyền thuyết và sự tích có từ bao giờ, đời nào thì chẳng ai rõ. Cuối tuần rảnh rỗi, có khi tôi thử viết lan man vui chơi cái gì đó từ bài viết này của Toro chăng?

    Trả lờiXóa
  38. Ý anh H hay lắm ạ.
    Khi những chuyện cổ tích, truyền thuyết... vốn lưu truyền trong dân gian bằng kể, bằng truyền miệng được văn bản hóa, cố định một câu chuyện thì đó chính là cách kể của tác giả rồi, mang dấu ấn người viết rồi. Chưa kể ngay trong LNCQ cũng được đời sau sửa đi sửa lại, thì khó còn nguyên gốc. Tóm lại, ta coi như một cách kể mà thôi, nhưng các nhà soạn sách đời sau lại cứ lấy đó làm chuẩn mực, mới khó...

    Trả lờiXóa

Flags

Flag Counter