Thứ Hai, 4 tháng 1, 2010

Cướp hoa...

-Anh ơi, không được ra Hà Nội, mới chỉ coi lễ khai mạc và một số hình trên mạng mà em thấy lễ hội hoa mở đầu năm mới 2010, năm Thăng Long - Hà Nội  tròn ngàn tuổi mà háo hức muốn ra…

- Nói đến lễ hội hoa mà nẫu ruột em ạ. Vừa tuyên bố bế mạc xong là dân xông vào cướp. Già trẻ, lớn bé, bất chấp khách du lịch quốc tế kinh ngạc giơ máy ảnh lên bấm lia lịa.

-Vẫn bệnh  cũ, năm trước lại tái phát hả anh?

-Ừ… những người có chút tự hào “Tràng An” đều thấy rất đau khổ trước hành vi của đồng bào mình. Tại sao đường hoa Nguyễn Huệ - Tp Hồ Chí Minh năm nào cũng tưng bừng khoe sắc mà không bị cướp phá như ngoài thủ đô. Đêm nằm nghĩ mãi không ra…

- Hay do văn hoá cướp cháo chùa còn rơi rớt hả anh? Nghe ba em kể, ở các ngôi chùa ngoài Bắc, sau khi cúng cháo cho cô hồn thì trẻ con xông vào cướp, không chỉ cướp cháo mà oản chuối, bánh trái, có gì cướp nấy… “Cướp cháo chùa” là một thành ngữ.

- Cướp cháo cô hồn mang hàm ý khác. Những đứa trẻ đó tượng trưng cho các cô hồn đói khát, thấy trẻ lấy được đồ ăn thì người cúng vui như những đối tượng mình cúng bái đã nhận lễ... Vả lại, đồ cúng cũng là do các gia đình trong cộng đồng chung tay đóng góp. Nhưng em nói không phải không có cơ sở. Có lẽ do vậy chăng?

-Mà anh thấy không, không chỉ “cháo chùa”  mà “tiền chùa” cũng bị coi là đối tượng ai cũng có thể xâm phạm. Nghĩ như thế nên thấy “hoa chùa”, theo phản xạ họ lao vào cướp thôi. Cướp một cách vô tư, hả hê, sung sướng.

- Ừ, hàng trăm chậu hoa trước đó ít phút còn e ấp khoe sắc bị  giẫm đạp tan nát. Lực lượng an ninh đành thúc thủ. Mà không phải chỉ người dân mà thành viên Ban tổ chức rồi lực lượng bảo vệ cũng tranh giành chí choé, ngay trước tượng đài Lý Thái Tổ oai nghiêm. Không hiểu cụ buồn đến thế nào khi thấy lũ con cháu tranh cướp như thế.

-Thế cho nên giữ gìn và bảo vệ bản sắc dân tộc nhưng cũng đồng thời với việc thải loại những hủ tục, những thói xấu làm méo mó hình ảnh con nguời Việt Nam trước bạn bè quốc tế anh nhỉ. Ta chỉ bảo vệ cái gì tinh hoa thôi…

                                                         

 

41 nhận xét:

  1. Ừ, sao nhiều người khoái nói xấu hội hoa HN thế nhỉ. Nào dẫm đạp, nào cướp phá... nghe xong nhao vào mà bình, mà chê ý thức đạo đức "dân HN" rồi than buồn than đủ thứ.
    Mấy anh nhà báo quê rình chộp được mấy tấm hình ng ta ngắt hoa, hay trèo vào trong để chụp ảnh tung lên mạng. Cuối bài còn thêm cái link: Ai nhìn thấy gì xấu ở hội hoa xin gửi vào đây nhé.
    Ai thích nói xấu HN thì vô nói xấu đi, có dịp rồi đó.

    Trả lờiXóa
  2. đâu ai muốn, đâu ai khoái. nó hiện ra rành rành đó chứ.

    Trả lờiXóa
  3. Người HN bức xúc nhé. Cơ mà có lửa mới có khói chứ. Hội hoa năm ngoái đấy graph.

    Trả lờiXóa
  4. Nhà văn Băng Sơn năm nay bình luận có lẽ khách quan hơn:"hiện 90% người dân sống ở thủ đô là người các tỉnh về làm ăn, dân Hà Nội gốc rất ít nên khó có được nét thanh lịch của "người Tràng An" xưa"chắc phát biểu thế không gây bức xúc cho người HN như cái title năm rồi là"xấu hổ cho người HN".

    Trả lờiXóa
  5. ý thức dân mình còn kém nhỉ

    Trả lờiXóa
  6. không có dân miền nam, miền tây càng không. Tui nhớ hồi nhỏ, tết theo ông bà đi chúc tết, được giáo dục lễ nghĩa, biết mặc áo dài in đồng xu to, hội hoa xuân, or dọc đường, trước nhà từ quê ra tỉnh ai ai cũng chưng ngoài cổng các loại chậu hoa mà tối k cần mang vô nhà, vườn ai cũng trồng kiểng, mai, cúc, v.v... hầu như ai cũng biết lễ nghĩa, biết tôn trọng cây nhà khác, chỉ ngắm. Còn mua thì ra chợ mua, or đi ngắm xem bán. Trước 1975 càng động vui hơn bây giờ. Đường hoa Ng. Huệ giờ không bằng 1 góc ngày xưa cả miền Nam tỉnh nào cũng hay mà hay nhất là ở nghĩa cử con người xử sự nhau.

    Trả lờiXóa
  7. "Hình ảnh con nguời Việt Nam trước bạn bè quốc tế" :((

    Trả lờiXóa
  8. Tớ cho rằng cái gì đáng chê thì, chê đáng khen thì khen, có cởi mở tiếp thu ý kiến đóng góp thì mới tiến bộ. Cả trong lời chửi bới thóa mạ cũng có thể có một phần sự thật.

    Cần nhất là đừng "cả vú lấp miệng em" !

    Trả lờiXóa
  9. Tôi cũng có xem trên báo, nói chung hội hoa năm nay ở HN "được" hơn năm rồi, nhưng báo chí viết lúc "đang diễn ra hội hoa". Ở entry này bạn Toro viết (tôi nghĩ đây là bài viết của Toro, vì không thấy Toro ghi chú trích lại ở đâu cả): "Vừa tuyên bố bế mạc xong là dân xông vào cướp. Già trẻ, lớn bé, bất chấp khách du lịch quốc tế kinh ngạc giơ máy ảnh lên bấm lia lịa", tiếp nữa "Mà không chỉ người dân mà thành viên Ban tổ chức, rồi lực lượng bảo vệ cũng tranh giành nhau chí chóe...". Nghĩa là cảnh "cướp hoa" diễn ra sau khi hội hoa bế mạc.
    Nếu ở một blog khác thì tôi sẽ không chú ý, có thể người ta chỉ nghe nói, vì một vài chuyện nhỏ mà cố tình xé ra to, để chủ đích là nói xấu. Nhưng ở đây là ông bạn Toro, một người sống ở Hà Nội, là một "Journaliste" tại HN hẳn hoi, chẳng lẽ Toro lại định "bêu xấu" nơi mình sinh sống. Tôi nghĩ bài viết này đáng để chúng ta suy nghĩ...

    Trả lờiXóa
  10. Em thấy anh Hiệp nói chí phải, mà không chỉ hoa thôi, những thứ khác giống như trong entry của anh Toro, cứ "chùa" là vô tư thôi. Không chùa cũng phải thành chùa để bỏ vào túi vô tư.

    Người VN mình bây giờ cư xử cũng khác xưa, theo chiều hướng không đáng tự hào. Bởi vậy, nghe anh Hiêp, suy nghĩ và nhìn vào sự thật ráng sửa mình coi sao hiiii

    Trả lờiXóa
  11. Toro có đi hội hoa không? GRAPH có mặt ngay hôm sau đêm khai mạc.
    Cảm giác rất tuyệt vì khung cảnh hoành tráng, lộng lẫy bất ngờ. Người tuy rất đông nhưng trật tự và ai cũng được ngắm nghía thoải mái. GRAPH đã chụp hơn trăm tấm hình ở đó.
    Cảnh trí họ đã dựng khá công phu. Suốt dọc đường Đinh Tiên Hoàng được biến thành sông, hồ nước, vườn cây trông rất đẹp và tự nhiên. Tất cả nói lên sự nỗ lực lao động của không biết bao nhiêu người, với bao nhiêu thời gian, bao nhiêu tiền bạc.
    Hoa được đem đến từ khắp nơi. Đặc biệt hơn 20 ngàn bông tuylip được bà bộ trưởng bộ nông nghiệp Hà Lan tặng đã làm người xem sững sờ.
    Một điều cũng rất đặc biệt là dù đóng góp khá nhiều nhưng không có bất cứ tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân nào ghi tên, gắn logo, quảng cáo trong hội hoa.
    Toro nếu đến có nhận thấy những điều GRAPH kể là đúng không?

    Trả lờiXóa
  12. bây giờ nha. Cứ coi cảnh bế mạc kết thúc sự kiện gì đó giống nhau 3 miền, là biết ý thức khác nhau tới đâu liền hà. Còn bạn hanggraphic a, bạn mới lớn lên, thấy lần đầu thủ đô có lệ hội hoa vài lần nên mê tít, tôn thờ thôi. Trong này lễ hội kiểu đó, muá lân tui thấy từ nhỏ, trước 1975 rồi, còn to hơn HN nhiều, đường hoa Ng.Huệ phụ hồi lại cũng là làm sống lại kí ức 1 con đường trước 75 đó , tuy không vui bằng thôi.

    Trả lờiXóa
  13. biết thưởng thức, biết đẹp, ăn mặc, ăn nói lí luận sang trọng thanh lịch quá vậy mà bế mạc cái lại làm trò vô ý thức vậy. chỉ có ngoài HN. trong này ai mà thấy chắc tròn mắt cứng đơ (nhất là bà con các vùng quê trồng hoa kiểng) vì không tin nổi đó.

    Trả lờiXóa
  14. Mình không có ý định bảo vệ hay tranh luận với mọi người về tính cách, ý thức của người HN hay SG, những điều này báo chí đang nói rất nhiều. Những bài viết hoặc phản biện đều nghiêng theo một hướng chỉ trích. Không ai nhận ra sự sắp xếp đó hay sao? Có những sự kiện báo chí ém nhẹm, hoặc có đưa chỉ đưa thông tin một chiều theo chỉ đạo. Việc đó để dân báo chí như anh Toro đây nắm vững mà thực hành cho tốt.
    Bạn gatre à, mình không tranh luận với bạn đâu và không định tranh luận bên nhà Toro. Nhưng nói để bạn đính chính lại: nảnh đất mình đang sống đây gia đình mình đã ở hơn một trăm năm. Và nó cách hội hoa đúng 1 km.

    Trả lờiXóa
  15. vậy ....tiểu thơ Hà Thành lúc bế mạc đó, có xem không, hi vọng bạn không có hành xử ấy.

    Trả lờiXóa
  16. hehe, không phải tiểu thơ Hà Thành. Giừ lắm rùi.
    Lúc bế mạc có ở đó. :)

    Trả lờiXóa
  17. ở trung tâm HN hơn 100 năm, phải tự hào là dân HN gốc, cỡ công tử tiểu thơ Hà Thành xưa như trong văn thơ NVGP, TLVĐ chứ.

    Trả lờiXóa
  18. thực ra không đến nỗi như báo chí nói đâu. 3 triệu lượt người chen chúc xem trong 4 ngày, chộp được những tấm hình phản cảm không phải là khó.
    Lúc bế mạc, người ta phải rất khẩn trương để giải tán dọn dẹp tất cả chỗ đất đá hoa hoét khổng lồ đó. Một số đơn vị quyết định vứt hết hoa bày đi. Và họ cho vài người, những người khác thấy xin được, tội gì ko xin. Thế là xảy ra cảnh chen lấn ấy.
    Chỗ hoa Tuylip đắt đỏ ấy, đố ai dám đến gần. Họ đem đi không bỏ lại một cọng
    Mô hình Khuê Văn Các bị gỡ hoàn toàn, tiếc quá. Họ cho GR ba cái vòng. Đem về tập lắc eo:). Họ vứt đi làm củi, uổng quá.

    Trả lờiXóa
  19. Ồ, dân HN thành phần chính là tiểu thị dân chứ ko phải tư sản đâu. GR cũng vậy thôi. Có mang tính tốt và những hạn chế của lớp người tiểu thị dân thành thị. Tuy nhiên, từ khi lên Mul này, ảnh hưởng bạn bè SG nhiều lắm đấy.

    Trả lờiXóa
  20. Bạn ạ, cái quan trọng là lúc dọn dẹp , và cách xin đó bạn. Hỗn loạn quá cũng gây phản cảm, mà HN là thủ đô, nhiều quan khách QT nhìn vô đánh giá. Cũng cảnh bế mạc, dọn dẹp đó mà trong nam người ta c6àm đồ xin cũng rón rén, quay lưng đi cũng tự mắc cở (sao mình k bỏ tiền mua, thôi đi cho nhanh). Tui thấy nhiều chủ cây kiểng lúc công nhân vệ sinh kêu dọn, họ còn cho tiền mong người ta ốt hết cho mình, cầu người đi đường lấy của mình, mà nhiều người còn không muốn lấy.

    Trả lờiXóa
  21. tui cũng đâu phài tư sản, nói như bạn vậy tất cả dân miền nam phài là nhà giàu, là TS hết mời biết xử sự sao. Do hoàn cảnh lâu đời tạo tập tục, được giáo dục lâu mới có tjhôi.

    Trả lờiXóa
  22. Cái này để ban tổ chức rút kinh nghiệm.
    Quan mình thì tham, dân mình thì ... gian.

    Trả lờiXóa
  23. Cái này đề BTC tự hỏi lòng mình.ok thôi. Nhưng dân mình gian tui không đồng ý. trong này tui không có. nhiều người cũng khó chấp nhận , nếu ngoài đó dám chiếu cảnh này.

    Trả lờiXóa
  24. So với năm ngoái, họ sửa thế là tiến bộ lắm rồi. Sơ duyệt rồi, tổng duyệt rồi, sang năm mà còn sai sót nữa tha hồ xấu hổ tiếp.

    Trả lờiXóa
  25. vậy bạn nhớ lời bạn nhận định lúc này, giờ này nhé. Sang năm mình sẽ nói lại chuyện này với bạn.

    Trả lờiXóa
  26. @gatre, @hanggraphic, không thấy chủ nhà đâu, chắc "bỏ của chạy lấy người" rồi (vẫn còn hơn bỏ... người chạy lấy của, hì hì), tình cờ được đọc "bàn phím luận" của 2 bạn, tôi xin mạo muội góp đôi lời. Hai bạn đều có lý của mình, có lý lẽ khác nhau, nhưng có cái đúng chung, trên hết vẫn là mong muốn xã hội này đươc tốt hơn, con người đối xử có văn hóa, và tử tế với nhau hơn. Người xấu đâu cũng có, ít hay nhiều thôi, có lẽ Nữu Ước, Ba Lê hay Luân Đôn... cũng đầy rẫy, nói chi VN. Tôi ở Saigon hơn nửa thế kỷ nay, mấy năm trước ở đường hoa Nguyễn Huệ Sàigon, khi bế mạc, một số bạn trẻ cũng "hồn nhiên" xông vào cướp chong chóng, heo đất trưng bày, dĩ nhiên đây chỉ là một số nhỏ, tôi không được chứng kiến, nhưng qua báo chí, tôi thật sự cảm thấy xấu hổ với hành vi thiếu văn hóa này.
    Tôi không nghĩ mình là "người Saigon" mới xấu hổ. Saigon, Hà Nội hay Đà Nẵng, Cần Thơ... chỉ là những tên gọi để phân biệt nơi chốn, địa giới... Tôi chỉ nghĩ, bất cứ ai sống trên giải đất vốn đã chịu nhiều đau thương này, không chối bỏ mình là người Việt Nam, cũng đều cảm thấy xấu hổ như thế...
    Và cái quan trọng nhất, để không còn những cảnh đáng xấu hổ này, các vị, các nơi, có trách nhiệm (luật pháp và giáo dục), cần phải nhìn thấy để chấn chỉnh. Mong lắm thay!

    Trả lờiXóa
  27. A, vậy anh chắc lớn, cỡ cha em rồi, em thì khoảng giữa 30-40, hanggraphic thì chắc 8-9x. Đường hoa Ng.Huệ mấy năm trước có con nít hôi hoa, mô hình heo đất chỉ là số it.(mấy năm sau chắc biết, bị la rồi). Số it đó không đáng trách, một phần cũng do chúng còn bé , sinh sau này, lãi bị chương trình giáo dục "mơ màng". Đó là những người trẻ, còn người lớn thì sao hè?... làm sao còn học, giáo dục lại .Một thế hệ ít gì (75-2010, từ 1 thanh niên thành ông bà xui rùi).....!!!!!!!

    Trả lờiXóa
  28. Trời đất, mình U50 rồi đấy ạ. Vậy là trên Mul này mình trẻ hơn ngoài há Gatre. Trên này tán tếu táo vui là chính thôi. "Đại sự" để nhà báo Toro lo.
    À mà Toro đâu rồi nhỉ?

    Trả lờiXóa
  29. eeeee, vậy là mình hố hàng rùi, chân thành xin lỗi chị!...hic

    Trả lờiXóa
  30. Giáo dục, đâu phải chỉ là ở trường học. Trong cuộc sống, có ít ra 4 "cơ chế" giáo dục, đó là giáo dục (từ) gia đình, giáo dục học đường, giáo dục bản thân, và giáo dục xã hội. Tôi bằng này tuổi mà khi nhắc nhở con cháu điều gì, cũng là để tự "giáo dục" chính mình đấy thôi.

    Trả lờiXóa
  31. GR dạy tụi nhóc, ra sức "giáo dục" này kia nọ: nào không được ngắt hoa nơi công cộng, nào phải biết chờ đến lượt, không chen lấn xô đẩy v.v.. Chúng làm theo được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Nhưng khá nhiều đứa bị bố mẹ "giáo dục" ngược lại hay tìm cách "sáng tạo" các thói hư tật xấu.
    Bao nhiêu "sản phẩm" của thời chiến tranh, gian khổ, đói rách, bao cấp biến con người ta thành một tập hợp "phong phú" như ngày nay. Biết là trứng chọi đá nhưng sức mình làm được gì vẫn cứ phải làm.
    Mong ghê lắm sau này đời con cháu mình sẽ khá hơn.

    Trả lờiXóa
  32. "Tôi bằng này tuổi mà khi nhắc nhở con cháu điều gì, cũng là để tự "giáo dục" chính mình đấy thôi."
    Em thích, và tâm đắc câu này ghê. Suy nghĩ rất thật. Ôi thôi thì đạo đức XH, GD xuống cấp, mình làm gì được bằng cách GD sắp nhỏ gần mình nhất, ví dụ trong nhà, ra xung quanh hàng xóm v.v.. mỗi ngày 1 ít cũng còn đỡ hơn để nó xuống cấp thêm.

    Trả lờiXóa
  33. Xem bài viết và cuộc tranh luận ở nhà Toro thấy hay thật nhưng hay nhất là câu này :"hanggraphic thì chắc 8-9x"
    @Hằng: người 8-9x được khen mà không khao bạn bè lẩu hoặc càphê là không được đâu nha :D

    Trả lờiXóa
  34. TT không tính đến việc ai vẫn hình dung GR 8X,9X lúc gặp mặt mụ giừ này ấy sẽ ngất xỉu vì bất ngờ à? Tôi còn phải lo chi phí cấp cứu làm sao mà khao được. :(

    Trả lờiXóa
  35. Ủng hộ ý kiến PNH, và thuthuy.
    Được lên hàng 8x, 9x chắc thế nào hanggraphic cũng chiêu đãi cà phê Thìn đặc sắc của Hà Nội đây.
    Toro tọa sơn quan hổ đấu không có tiêu chuẩn

    Trả lờiXóa
  36. Ông nhà văn Bá Dương bên Đài Loan viết quyển NGƯỜI TRUNG QUỐC XẤU XÍ cực hay và đi rao giảng khắp thế giới, vậy mà không thấy một người Tàu nào phản ứng. Xem ra ngày nay người Tàu không đến nỗi xấu xí như thế nữa (còn đầu óc bành trướng của các vị tai to mặt lớn của họ thì lại chuyện khác)

    Trả lờiXóa
  37. Vụ lễ hoa năm nay ở Hà Nội, nghe báo chí và các blogger lên tiếng, trong đó chủ yếu là các blogger Hà Nội, người dân cả nước ai chẳng xót. Năm ngoái đã thế, năm nay cũng vậy.

    Ông Băng Sơn nào đó nói rằng đa số người ở Hà Nội không phải là "Hà Nội gốc" nên mới ra cớ sự như thế. Lại một lần nữa, cái khái niệm "Người Hà Nội gốc" lại được vin vào để làm một lý do "đổ văn thừa".

    Sài Gòn có đủ dân tứ xứ, từ Cao Bắc Lạng đến tận Cà Mau. Chẳng tỉnh, thành phố nào trong nước mà lại không có dân của mình đang sống và làm việc tại Sài Gòn. Ở Sài Gòn không có khái niệm "dân Sài Gòn gốc". Thế thì tại sao chợ hoa Nguyễn Huệ vẫn trường tồn, khai mạc sao, bế mạc vậy. Thậm chí có năm, khi chợ hoa Nguyễn Huệ trong những ngày sắp bế mạc, lại còn rực rỡ và đẹp hơn do được bổ sung thêm.

    GR có vẻ rất bức xúc. Thật ra, tôi nghĩ vấn đề không phải là "bêu xấu Hà Nội", mà chúng ta nêu vấn đề tại sao nó lại như thế. Tìm rõ nguyên nhân một cách bình tĩnh, khách quan và khoa học thì mới mong những lễ hội hoa sau ở Hà Nội mới không xảy ra những điều đáng tiếc, đáng buồn!

    Trả lờiXóa
  38. Zip cũng ủng hộ ý kiến của anh Phạm Ngọc Hiệp!

    Trả lờiXóa
  39. OK,khong co dan SG goc,ma hinh thanh tu moi tinh thanh.catui cung len song hoc,lam ke thoi.

    Trả lờiXóa
  40. Mọi người tranh luận sôi nổi quá!
    Không chỉ riêng HN mà ở đâu người ta cũng sẵn sàng ...cướp ,vì hội chứng đám đông , điên loạn tập thể ,sợ mình bị mất phần.Ở Sai gon thì không cướp hoa , mà cướp đồ gốm của người trưng bày , đến mức người thợ thủ công phát khóc vác gậy đập tan nát tất cả số đồ gốm ấy của mình làm với bao nhiêu mồ hôi.Thà như thế còn hơn rơi vào tay kẻ cướp.(Cái này có thể tìm được trên mạng).Chắc do di căn từ thế hệ cha mẹ, phải chen nhau mua thực phẩm thời bao cấp ấy mà.:D

    Trả lờiXóa

Flags

Flag Counter