Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Đám tang cụ Tứ

Cụ Hòa thượng Thích Thanh Tứ vừa viên tịch, đám tang cụ rất long trọng, hoành tráng,  nhưng trong sự trang hoàng, tôi thấy có điều khó hiểu. Đó là chỗ trang trọng nhất, sát chân dung cụ Hòa thượng, người ta bày một đài rượu.

Theo tín ngưỡng dân gian, đài rượu gồm 3 chén đó tượng trưng cho 3 tuần rượu. Khi tế thần thánh, người ta dâng 3 lần, gọi là lễ sơ hiến, lễ á hiến và chung hiến.

Nhưng đây là Hòa thượng, trong ngũ giới sơ đẳng có cấm rượu. Vậy tại sao lại bày đài rượu ở trước chân dung Hòa thượng? Có lẽ họ chỉ nhằm trang trí, nhưng như vậy thì không ổn chút nào?


Tôi đắn đó khi bình luận chuyện này vì không nên soi vào những chuyện tang ma, tôn giáo, nhưng vẫn đưa ra vì muốn mọi sự có chuẩn mực chung.

Nam mô A di đà Phật!

Xin bác Bu, người uyên thâm về Phật giáo giải thích giùm.

23 nhận xét:

  1. Toro ơi! đó có khi là 3 chung nước đó, chứ không phải là Đài rượu đâu.

    Trả lờiXóa
  2. Em đã để lại ý này, thấy bác TTM nói nên đưa ra nốt, ngày xưa gọi nước lã là "huyền tửu"... Vậy là để huyền tửu chăng?!

    Trả lờiXóa
  3. Toro ơi!
    Phật pháp bất ly thế gian pháp, đạo Phật thì phải nhập thế thì mới độ được chúng sanh, do đó phải theo tập tục của nhân gian, theo tập tục ở địa phương mà chùa tọa lạc ở đó mà truyền. Có như vậy mới nhập được vào lòng dân để giáo hóa, độ được chúng sanh, khi nhập thế thì phải tùy duyên mà hóa độ.

    Do đó việc thấy 3 chung để ở trước Linh vị của Hòa Thượng, thì ta đừng chấp vào hiện tượng này mà hiểu sai về Phật giáo. Và ta cũng không khẳng định được ba chung đó có phải là ba chung rượu hay không ? Và ba chung (rượu hay nước?) mà người ta để cúng ở trước linh vị của Hòa Thượng hoàn toàn không liên hệ vì với giới luật của Phật giáo, mà chỉ có thể là tập tục của địa phương mà người ta cúng như thế.

    Giả sử, nếu đó là 3 chung rượu, cũng đâu phải cúng cho Hòa Thượng uống, vì Hòa Thượng cũng đâu có ngồi dậy mà uống đâu, mà đó có thể chỉ là theo tín ngưỡng tập tục của địa phương đó mà thôi. Do đó ta không nên chấp vào cái tướng mà ta đang thấy.

    Trả lờiXóa
  4. Mong Cụ được ung dung nơi Cõi Phật sau khi hoàn thành sứ mạng ở Cỗi Trần, Nam mô A Di Đà Phật!

    Trả lờiXóa
  5. Toro ơi! chị vừa hỏi Ni cô, cô còn cho biết thêm là giống như Phật giáo ở Nhật và Hàn quốc, thì trong mùa đông quí thầy được uống rượu để giữ ấm cơ thể giữa tuyết lạnh.
    Và hôm trước chị ra Hà Tây, con gái chị hỏi chị: "mẹ ơi! sao ở chùa gần nhà, con thấy mấy bác nấu mặn cho Phật tử ăn.." Chị không hỏi là quí Thầy trụ trì ở đó có ăn không? Vì ở trong nam, đi chùa vào các ngày lễ là luôn được các chùa cho hưởng cơm chay, chứ không bao giờ ăn mặn.

    Và chị chỉ giải thích với cháu rằng, đạo Phật bất ly thế gian, một trong ngũ giới là "cấm sát sanh" nhưng khi mức độ giác ngộ của chúng sanh chỉ ở mức độ không ăn chay được, thì vẫn cứ theo dân gian mà hóa duyên.

    A Di Đà Phật, Phật tại tâm.

    Trả lờiXóa
  6. Bác THM nói cũng có lý nhưng nếu theo tập tục địa phương thì đó là ba chung rượu. Đó là đài rượu chứ không phải đài nước. Như vậy, không nên bày như vậy thì hay hơn, tránh chúng sinh hiểu lầm.

    Trả lờiXóa
  7. Đúng như thế Toro ạ, để nhang đèn hoa quả là cũng đã quá nhiều rồi, không có trà rượu ở đây. Nhưng mà ta cũng chẳng nên chấp vào hình tướng làm gì Toro ạ. Cũng như chùa ở ngoài Bắc thì có thể ăn mặn (nghĩa là có thịt động vật), còn trong nam thì chỉ có ăn chay.. cũng có sao đâu.

    Trả lờiXóa
  8. nếu trời lạnh thì có thể uống trà nóng cũng ấm vậy , sao phải là rượu , hihi...

    Trả lờiXóa
  9. Ở xứ đó đầy tuyết mà Marg ơi! Mấy thầy vào mùa đó được uống rượu để giữ ấm cơ thể đó.

    Trả lờiXóa
  10. Vấn đề em muốn nói chính là thiếu chuẩn mực, không chỉ ở các vấn đề xã hội mà lại cả ở những lễ nghi lớn như vậy sao?
    Nội dung nào hình thức đó. Về hình thức đã thiếu "oai nghi" như thế thì nội dung ai dám chắc là viên mãn...bác TTM ạ.

    Trả lờiXóa
  11. Có một vấn đề VÌ SAO MÀ THIẾU CHUẨN MỰC rất tế nhị mà không thể nói ra được đó Toro ơi!

    Trả lờiXóa
  12. Vấn đề Toro đưa ra khá thú vị, và cách nhìn, giải thích của các bạn cũng rất hay. Trong cúng tế của người Việt mình không thể thiếu 3 thứ hoa, rượu (hoặc nước trắng), và trà, đạo Cao Đài lý giải: Hoa tượng trưng cho Tinh (thể xác)_, Rượu (hay nước trắng) tượng trưng cho Khí (tinh thần). Trà tượng trưng cho Thần (linh hồn), đấy chính là Tam bửu của con người. Có lẽ bên Phật giáo cũng thế, cúng rượu (hoặc nước trắng) ở đây chắc không phải là cúng cho người đã khuất hưởng (nhất là người đã khuất là bậc tu hành cao niên), mà rượu mang ý nghĩa như bên đạo Cao Đài đã lý giải.

    Trả lờiXóa
  13. Vấn đề bác PNH giải thích mới thú vị đấy ạ. Trong đạo Phật có "ngũ cúng" là hương, hoa, trà, quả, phẩm, trong đó không có rượu. Vì rượu nằm trong ngũ giới rồi. Bác PNH lấy quan niệm của Cao Đài để giải thích nên bác cũng thận trọng nói "chắc là..." thôi.
    Theo tín ngưỡng dân gian "vô tửu bất thành lễ" nhưng Phật giáo thì khác.
    Do đó, ba đài rượu trước di ảnh cụ Tứ chưa giải thích được... Mong thêm ý kiến các bác ạ.

    Trả lờiXóa
  14. Khi một tôn giáo du nhập vào quốc gia nào thì tín ngưởng truyền thống quốc gia đó xâm nhập vào tôn giáo kia trong nhiều phương diện. Sự giao thoa đó không chỉ xẩy ra trong đời sống người bình dân mà còn thể hiện trong nhận thức của giới trí thức, cầm quyền. Lý Công Uẩn thuở nhỏ học Phật ở chùa Lục Tổ với thầy Vạn Hạnh nhưng khi đã làm vua, trong nhận thức của ông vẫn bị cái thiên mệnh của nhà nho chi phối, ông theo Phật nhưng vẫn tin có trời, có quỷ thần gia phúc, giáng họa. Trong lần vào cửa Biện Sơn (Thanh Hóa) dẹp loạn, trên đường về trời đất tối tăm, sấm chớp ầm ầm vua đốt hương khấn trời có đoạn "… Tôi dù hoạn nạn cũng không dám ân hận gì, nhưng còn sáu quân tội có thể tha thứ được, xin lòng trời soi xét cho". Xưa nay hầu hết các gia đình Phật tử đều có bàn thờ Tổ tiên bên cạnh bàn thờ Phật, giổ tết vẫn có mâm cỗ mặn để vong hồn ông bà về hưởng. Trong khi đó giáo lý nhà Phật khẳng định không có linh hồn trường tồn như quan niệm Nho giáo. Do vậy TORO thấy trong tang lễ hòa thượng Thích Thanh Tứ có chi tiết nào giống tang lễ truyền thống của người Việt thì cũng đừng lấy làm lạ.
    2- Bu chưa mục sở thị tang lễ một hòa thượng. chỉ đọc sách Tây Tạng sinh tử thư (của Đại sư Liên Hoa Sinh) và sách Trợ niệm tiễn người về cảnh cực lạc (Của Thầy Thích Thiện Chơn). Triết lý nhân sinh Phật giáo về luân hồi và giải thoát của hai sách này vô cùng vô tận, chỉ nói vài dòng với TORO:
    - Sau khi trút hơi thở cuối cùng, vong linh (thần thức) vẫn còn ở trong cơ thể người mới mất (trừ những vị tu hành nhất tâm bất loạn thì được vãng sanh ngay) Do đó trong thời gian vừa tắt thở đến 8 giờ sau khi khi mất , không được thay quần áo hay lay động họ, mà phải chờ sau đó mới làm…
    - Gia đình người bệnh tuyệt đối không được khóc lóc hay kêu réo, không níu kéo người bệnh trong thời gian hấp hối… Ban hộ niệm khuyên gia đình người bệnh phải nhất mực chí thành niệm Phật mới giúp người bệnh vãng sanh.
    - Cần đặt một bàn thờ Phật có hình Phật A Di Đà….Trên bàn Phật cần có một cặp đèn, lọ hoa, đĩa trái cây, lư hương cắm nhang, ly nước trong, bó nhang, một đèn dầu để thắp nhang, một máy niệm Phật để trợ niệm…
    3- TORO thấy trên bàn Phật của tang lễ hòa thượng Thích Thanh Từ có "3 đài rượu" ?? Bạn có căn cứ chính xác để nói 3 đài ấy đựng rượu không ? Nếu không, thì chắc chắn 3 đài ấy đựng nước trong như luật Trợ niệm bu đã nói trên. Nhưng tại sao không 1 đài mà những 3 đài? Phải chăng là Thân - Khẩu - Ý (Phật) hoặc Thiên- Địa -Nhân (nho). Nước trong có phải để linh hồn uống hay để hài hòa âm dương (nước, và lửa của nhang, đèn). Trên bàn Phật có hoa, quả của đất vậy thêm nước là đủ bộ để nói về giang sơn, xã tắc, đất nước. Nếu bên Nhật cúng rượu hoặc nhà sư uống rượu để chống rét thì bu tui thấy lạ. Uống mấy giọt rượu, mấy ly rượu, mấy hũ rượu thì vừa đủ ấm mà không lấn sang giới hạn túy lúy càn khôn. Huhuhu bu tui bất khả tri luận.

    Trả lờiXóa
  15. Điều này M được Ni Cô Tâm Châu - Thạc sĩ Tôn giáo học ở Taiwan giảng cho M đó anh Bu ơi!
    Không chỉ ở Nhật mà ở Hàn nữa, cô nói ở Nhật và Hàn quốc, quí thầy được uống ít rượu để giữ ấm cơ thể trong mùa đông tuyết.. do đó điều này đúng đó anh Bu.

    Trả lờiXóa
  16. Bu thấy lạ chứ không phải không tin là có thật

    Trả lờiXóa
  17. Cũng có thể là một loại rượu đặc biệt, được làm từ hoa quả hay sao đó và chỉ vừa đủ để làm ấm cơ thể chứ không "lấn sang giới hạn túy lúy càn khôn" ấy nhỉ!

    Trả lờiXóa
  18. Cũng có thể là một loại rượu đặc biệt, được làm từ hoa quả hay sao đó và chỉ vừa đủ để làm ấm cơ thể chứ không "lấn sang giới hạn túy lúy càn khôn" ấy nhỉ!

    Trả lờiXóa
  19. Cũng nghe nói các thầy tu đến một mức độ nào đó thì có thể ăn mặn, không biết có đúng không, rồi các vị thầy tu ở Tây tạng hay đâu đó không nhớ rõ, họ ăn thịt bình thường!!!

    Trả lờiXóa
  20. "Khi một tôn giáo du nhập vào quốc gia nào thì tín ngưởng truyền thống quốc gia đó xâm nhập vào tôn giáo kia trong nhiều phương diện" Câu này của bác Bu có thể giải thích về cái gọi là không ổn của toro, hơn nữa đã chắc gì trong đó là rượu và cũng có thể chỉ là sơ xuất của ban tổ chức chứ đâu phải là văn bản gì.

    Trả lờiXóa
  21. Bác Bu giảng rất hay. Tuy thế, ba đài rượu này đặt trước chân dung Hòa thượng chứ không phải trước bàn thờ Phật A di đà như trong luật trợ niệm mà Bu đã dẫn. Nhà cháu không khẳng định trong đó có nước, hay rượu hay không có gì nhưng trong tín ngưỡng dân gian thì đó là ba đài đựng 3 chén rượu. Thông thường, hai bên sẽ có hai cái đài lớn hơn, để nước cúng, một bên là hoa hay trầu cau...
    Vì là ba đài rượu nên chúng sinh mới băn khoăn chút xíu đấy ạ.
    Việc bác TTM dẫn ý chuyên gia nói, trời lạnh sư có thể uống chút rượu cho ấm, cái này hay, vì ngoài rượu, có nhiều thứ có thể làm cơ thể ấm lên ( chưa kể về mặt khoa học, uống rượu vào thêm lạnh chứ không ấm) Hii...

    Trả lờiXóa
  22. TORO ở Hà Nội có dịp hỏi ban lễ tang ấy xem sao, chúng ta nói với nhau cứ như anh đi sờ voi thôi.
    Bu vẫn cho là ba đài ấy không đựng rượu. Trong ngũ giới rượu là thứ tối kị. Thấy Nhất Hạnh có nói nếu con người không ăn cá thì tàu thủy hết có đường đi. Ở đạo Phật Tiểu thừa, nếu chúng sanh bố thí thịt các thì các thầy xơi như thường, nhưng không ai bố thí rượu và có bố thí thì các thầy cũng không dám xài.

    Trả lờiXóa
  23. Em cũng tin là trong đó không có rượu, vấn đề ở chỗ bày ba đài rượu vào chỗ đó " không chuẩn" thôi ạ...

    Trả lờiXóa

Flags

Flag Counter