Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010

Đi học kiểu thót tim

Con nhà mình ở thành phố, trường cách nhà 1-2 km mà không dám cho đi xe đạp vì sợ tai nạn giao thông, sọ bị cướp tóc... Đọc bài trên báo TT hôm nay mới thấy nỗi lo lắng của  các ông bố bà mẹ thành thị quá "tiểu tư sản"...

TT - Chiều muộn, hai bóng áo trắng học trò xuất hiện bên kia bờ sông PôKô hung dữ (xã PôKô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum). Loay hoay một hồi để tìm chỗ nước cạn, Y Xe và Y Nhiên (cùng học lớp 8B, Trường THCS PôKô, xã PôKô) thay chiếc áo trắng học trò đang mặc trên người rồi lao xuống dòng nước.

Chới với giữa dòng nước một hồi lâu, cuối cùng cả hai cũng vào đến bờ. Hổn hển trong tiếng thở gấp vì mệt, Y Nhiên cho biết: “Cả hai đều không biết bơi nên phải chọn chỗ nước cạn nhất để vượt qua. Đến những đoạn nước gần ngập đầu cũng rất sợ nhưng không biết làm sao vì không còn cách nào khác”.

Theo anh A Dít - phó trưởng thôn Đăk Rao Nhỏ (xã PôKô) - toàn thôn có 25 em đang học THCS. Thôn không có trường dành cho cấp học này mà chỉ có mầm non và tiểu học, nên để học lên không có cách nào khác là phải mạo hiểm vượt sông. Mỗi khi phải dầm mình qua dòng nước đục, áo quần ướt sũng, các em cứ mặc nguyên đến trường.

Nhờ quãng đường từ nhà đến trường quá xa nên khi vào đến lớp thì quần áo cũng đã kịp khô. “Bữa trước có hai bạn A Gió và A Xép bị nước cuốn trôi, may có người lớn phát hiện kịp và xuống cứu nên thoát chết” - Y Nhiên kể.

Không chỉ học sinh, hiện nay tại thôn Đăk Rao Nhỏ có bảy giáo viên cũng thường xuyên phải vượt sông như thế. Trong số đó, chỉ có duy nhất một giáo viên nam là thầy A Yết. Mỗi lần vượt sông PôKô, tất cả các cô giáo đều phải “dựa dẫm” vào thầy A Yết.

Cô N.A. kể: "Mỗi khi xuống nước để băng qua sông đến trường, tất cả bảy thầy cô giáo nắm tay nhau và dùng cây để chống. Nhưng nhiều bữa gặp nước xoáy, một vài cô rùng mình thét lớn khiến cả nhóm đành vội vã quay lại bờ. Những lúc như vậy, các thầy cô lại cùng động viên quyết tâm lấy lại tinh thần để... đi tiếp, kiên quyết không bỏ trường, bỏ lớp”.

TRẦN THẢO NHI

6 nhận xét:

  1. Thương người dân và học trò vùng sâu vùng xa quá!
    Mấy cha bộ trưởng mắc lo họp hết rồi thì phải......!

    Trả lờiXóa
  2. Họp nói chuyện cái cách giáo dục,. Vần quốc ngữ phải học chữ e trước chữ a, chứ có phải họp bàn chuyện làm cầu vượt sông cho thầy cô và đám học sinh nói trên đâu !!!

    Trả lờiXóa
  3. Thì do vậy nên chúng ta luôn có nhiều chuyện nói mãi mà mấy ông ấy đâu có chịu rung rinh.

    Trả lờiXóa
  4. Muốn được khai sáng , mà hàng ngày phải mạo hiểm với tính mạng.Các em và các thầy cô giáo thật dũng cảm và đáng khâm phục.
    Nhưng trách nhiệm để cho các thấy , cô và các học trò nhỏ ấy phải mạo hiểm , trước hết là trách nhiệm của các cơ quan quản lí địa phương.Có nhiều cách để huy động được cả các nguồn vốn của xã hội, để làm cái cầu nhỏ .Vấn để là ở cái "tâm' của đám quan chức ấy.

    Trả lờiXóa
  5. Chính vì đi học ở các vùng sâu vùng xa khó khăn gian khổ như vậy nên mặc cho các thầy cô cố gắng thuyết phục, dạy dỗ tận tình nhưng tỷ lệ tái mù, bỏ học của các em học sinh cũng nhiều lắm. Ngoài việc đi dạy, nhiều thầy cô còn phải đến tận làng bản để động viên cha mẹ và các em học sinh vượt qua khó khăn đi học tiếp. Đọc tin mà thấy thật thương nhưng cũng thật cảm phục cho thầy và trò ở Kontum!

    Trả lờiXóa
  6. Vậy mới thấy mình thật là sung sướng trong khi các thầy cô giáo nơi đó quá vất vả và thực là quá tốt

    Trả lờiXóa

Flags

Flag Counter