Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

Vu lan nhớ chuyện bài trừ mê tín dị đoan ngày trước

Với những trải nghiệm của mình, tôi thấy chưa bao giờ tự do "mê tin dị đoan" lại hoành tráng như bây giờ. Hồi nhỏ, tôi chỉ nghe kể về những chuyện đốt mã hồi trước 1954, còn sau đó miền Bắc học tập lối sống mới, cấm ngặt chuyện mê tín dị đoan, trong đó có đốt vàng mã. Hôm nay, nhớ lại vài kỷ niệm xưa...

Làng tôi có dòng họ làm nghề thầy cúng, có điện thờ Phật nhiều con nhang đệ tử, tôi cũng được "bán khoán" ở đấy, nên ngày Tết 5-5 rồi 10-10 âm lich nào cũng theo mẹ đến lễ. Vui lắm vì điện thờ có treo  những cái nón thờ rồi tranh thờ rất đẹp bên cạnh các pho tượng Phật thường ngày. Nhà ông thống ( thầy cúng) có bà cụ mẹ lúc đó đã 90 tuổi, ngồi bó gối trên giừơng, thấy mẹ tôi đến cụ thường nói " Cô đến để lỡi thánh" thay vì " Cô đến để lễ Phật" khiến tôi thấy rất lạ lẫm. Đặc biệt là có cả những bà mế ( người Mường) từ trong rừng đi mấy chục cây số đến lễ nữa... Vui nhất là lúc về được phát lộc Phật là một cái oản và một quả chuối.

Mấy năm sau, Xã bắt ông thống mang hết tượng Phật ra chùa, không cho cúng bái nữa. Ông cụ phải nhờ một đệ tử, khiêng Phật xuống, trùm vải đỏ, cắm mấy nén nhang, đưa lên xe "cải tiến" kéo ra chùa. Khốn nỗi, ngoài chùa đã đủ ban bệ, thêm mấy pho tượng cũng rất khó chêm vào... Tôi nghĩ hẳn ông cụ phải đau lòng tới cỡ nào.

NÓi chuyện vàng mã, dù cấm đến đâu thì dân vẫn không thể bỏ tục đốt mã, nhất là đối với nhà có người mới mất. Mã cho lễ cúng 3 ngày ( nhập mộ), mã cho đợt trước Rằm tháng 7 gần nhất (mã nộp), mã vào dịp Rằm tháng 7 và năm thứ ba nữa... Chưa kể nhu cầu của người dân cúng tạ mồ mả, lễ kỳ yên... có ngựa, có mũ mão. Vậy là kẻ bán người mua đều phải giấu. Nhà sản xuất là làm hàng lậu, có thể bị khám nhà nên phải làm kín, giấu ở nhiều nơi. Người mua cũng phải chờ đêm tối mới đến lấy ...

Ông thầy cúng thường được nhờ xem ngày, nhờ bấm quẻ, cúng bái nên bị gọi ra Xã để giáo dục thường xuyên.

Khoảng những năm 76-80, trong làng có một số đền miếu bị triệt phá. Tôi thì tiếc nhất là Nghĩa đàn, ngôi miếu thờ rất đẹp ở trên Nghĩa địa bị phá. Ngôi miếu này thờ Thần linh và nơi cúng vong, câu đối chữ Hán nhiều và đẹp, nhất là các tranh thờ vẽ trên tường, rồng mây, ngựa... tuyệt đẹp. Họ phá bệ thờ, đục thủng vách tường hậu để nơi đây chỉ còn là cái quán ngồi cho mát thôi...

Ngôi miếu này đối với nhà tôi còn có nhiều kỷ niệm. Thứ nhất, ông bác của mẹ tôi là người có công cùng dân làng xây dựng miếu, cụ đã mang một cây si cảnh trồng trong cái chậu lớn của nhà lên đặt bên cạnh miếu. Sau mấy chục năm cây si đã là cây cổ thụ, bóng che rợp mát.

Thứ hai, khi làm miếu, có "cuộc vận động sáng tác" câu đối, ông ngoại tôi đã làm một đôi câu đối tôi thấy hay là:

Mấy ngàn năm vật đổi sao dời, nọ áng xương khô, sảng khí xui nên hương hỏa đó
Trải bao thưở sương sa tuyết lạnh, kìa mồ cỏ biếc, hương hồn như thấy miếu đàn đây.

Câu đối nói đến việc dân làng đã quy tập vô số các ngôi mộ vô chủ rải rác khắp các cánh đồng, thành một ngôi mộ tập thể, rồi làm nên ngôi miếu này...

Thứ ba, vì ngôi miếu rất mực linh thiêng nên khi nhà tôi có ông chú đi bộ đội ở chiến trường Lào ác liệt, ông nội tôi thường buổi trưa lặng lẽ lên đó thắp hương cầu cho chú tôi bình yên. Quả thật, chú tôi về không bị sứt mẻ chút nào...

Cùng với sự bài trừ mê tín dị đoan triệt để đó, phong tục tập quán cũng khủng hoảng, những phong tục cũ thì bài trừ, phong tục mới thì chưa có. Cả làng tôi đông đúc không ai mặc áo dài khăn xếp khi đình đám hội hè nữa. Đi ăn giỗ cũng không ai vái bàn thờ. Nhiều nhà bỏ cả bàn thờ... Có ông cán bộ xã, đưa tang mẹ nhưng không mặc áo xô chỉ buộc khăn và cầm gậy, cầm gậy nhưng lại không chống đằng trước vì giống cái cũ. Trên đường từ mộ về nhà, ông ấy ném cái gậy vèo một cái ra giữa ruộng. Trong khi theo phong tục, ngày xưa và bây giờ, cây gậy đó phải để cạnh bàn thờ cho đến lúc mãn tang.

Bây giờ miếu đã phục hồi lại, không những thế lại được ai đó nhiệt tình lát gạch men, tranh thờ vẽ lại những lòe loẹt xấu xí, nghề vàng mã cũng thịnh vượng hơn xưa... nhưng cái hồn vía ngàn năm của nó thì dường như đã tiêu tan.



13 nhận xét:

  1. chắc ông nào đến cầu tăng quan tiến chức, được như ý nên đến lát gạch men :)

    Trả lờiXóa
  2. Moido: khong phải cầu quan chức đâu, mà một gia đình muốn làm công đức thôi. Họ cứ nghĩ thành tâm rằng, gạch men sạch sẽ , đẹp hơn gạch bát. Khổ thế em ạ.

    Trả lờiXóa
  3. Phong tục tập quán thì cũng phải có tính kế thừa, được giữ gìn và truyền lại từ đời cha ông.. nhưng vì ở mình bị đứt quãng một thời gian dài nên tính chất thiêng liêng của phong tục tập quán, của lễ hội, của thờ cúng bị mai một đi, và khi mà người ta được tự do trở lại, thì họ lại bắt đầu phục hồi và lại còn "sáng tạo" thêm ra những phong tục tập quán "khủng" .. nên những linh thiêng tín ngưỡng hình như khác xưa, cái gì cũng phôi phai hết rồi đó Toro ơi!

    Trả lờiXóa
  4. Chi huynhtran nói rất đúng, sự đứt quãng về văn hóa, khó nối lại...

    Trả lờiXóa
  5. Không có gì đáng sợ bằng sự cuồng tín.May mà thời kì ấy cũng đã đi qua, nhưng những mất mát và di chứng của nó phải rất lâu sau mới may ra tìm lại được chút ít.

    Trả lờiXóa
  6. Bất cập và thái quá là một đắc tính của văn hóa Việt.

    (Đánh Pháp bỏ tiếng Pháp, Liên Xô đổ bỏ tiếng Nga, Tàu đánh bỏ tiếng Tàu. Đánh Mỹ không thèm học tiếng Mỹ...nay cả nước bò ra học tiếng Anh...Hehehe bỏ xác chỉ húp nước thì cũng thế..)

    Trả lờiXóa
  7. Anh Bu chỉ được cái là nói rất đúng..hihi

    Trả lờiXóa
  8. M nghe mà tiếc ngôi miếu làng anh Toro. Thực tình không thích cái kiểu "xóa sạch, xóa trắng" ấy tí nào. Giờ ngồi nhìn lại thấy hành vi đó thật là giống Tần Thủy Hòang đốt sách quá.

    Trả lờiXóa
  9. Em thấy bây giờ có "phong tục tập quán mới", thậm chí có thể coi là "tín ngưỡng" mới rồi đó chứ anh?!?!?
    1/ Từ Bắc chí Nam, đâu đâu cũng thấy bàn thờ "Thần Tài - Ông Địa" ở giữa nhà. Mà nhà trước, khà khác hẳn hòi anh nhé... Người ta có thể không thờ Phật như ông bà ngày trước, nhưng nhất nhất phải thờ Thần Tài - Ông Địa.
    2/ Nhiều nơi, bàn thờ ông bà có thể không có bánh trái, hoa trà... nhưng cái trang thờ hai ông THẦN đại diện cho sự giàu có và may mắn vui vẻ, lại luôn đầy ắp bánh trái. Ông Địa còn được người ta hào phóng, mỗi ngày biếu cho một điếu thuốc lá 555 (chí ít cũng là hiệu Con mèo). (Hỏng biết Ông Địa có khoái món "khói xám" đó không hay cầm điếu thuốc sặc sụa tối ngày?!?!?!).
    3/ Rồi người ta truyền nhau rằng, ra chợ mua (hay gọi trang trọng hoàng tráng là "THỈNH") tượng hai ông THẦN đó về thờ không linh thiêng bằng "ăn cắp" của người khác. Mà phải là những cặp tượng đã thờ lâu ngày, càng cũ (cổ) càng tốt và nếu "chôm" được của những gia đình giàu có thịnh vượng... là oách nhất!!!
    4/ Những người "hoài cổ" và mộ đạo nhất, cũng kháo nhau rằng: trước khi thỉnh hai ông THẦN ấy về nhà, cần đem gửi vào chùa để các sư tụng kinh gõ mõ, "hô thần nhập tượng" rồi mới đem về nhà thờ. Thế mới "linh", mới "cầu được ước thấy" (?!). Vậy nên, nói nhiều thì không dám, nói ít thì cũng sợ anh chị em bảo "dối mồm", thực tế hiện có kha khá chùa chiền, am tu... nhận làm dịch vụ "hô thần nhập tượng" nói trên cho các gia chủ. Giá mỗi gói dịch vụ cũng chỉ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng tùy giá trị tượng và tùy... "lòng hảo tâm" của thí chủ!!!
    KL: Không biết quý anh chị em nghĩ sao, chứ thiển ý của "hai lúa miền Tây" tui thì cho rằng, dường như xã hội đương đại VN đang hình thành một "tín ngưỡng mới". Chỉ có điều chưa ai định danh cho nó thôi, chứ hầu như ai cũng ngờ ngợ nhận ra. Đó là tín ngưỡng của sự cầu phú (ham giàu có), cầu phát, cầu vượng, cầu an... Mà, ở cái tập hợp rất rất đông người theo tín ngưỡng ấy, không biết ai là giáo chủ (hay ông tổ), không có giáo lý, không có đường hướng giáo đạo nào cụ thể. Và dĩ nhiên, tín ngưỡng ấy không mảy may gắn liền với lợi ích cộng đồng. Họ chỉ có chung một mục đích: mong muốn giàu có và CẦU cho bằng được sự giàu có. (Chứ không phải làm việc để đạt cho bằng được sự giàu có). Cho nên, thứ tín ngưỡng ấy, nói đại khái (chứ không có ý quy chụp), nó là tín ngưỡng của sự thích hưởng thụ hơn là làm việc. Nó là một biểu hiện sinh động của một xã hội, một ý thức hệ đang dần lệch lạc và mất định hướng phát triển. (Không muốn làm mà muốn có ăn, ăn no đủ và ăn thừa mứa... Thực tế muốn thế ngoài việc CẦU khẩn thì chỉ có CƯỚP của người khác mà ra!).
    Đó cũng có thể coi là tín hiệu của một xã hội suy thoái về ý thức hệ. Nguyên do: tôn giáo và tín ngưỡng mất dần "tác dụng" điều chỉnh đối với cộng đồng xã hội! Cho dù tính Pháp trị của xã hội đó có nghiêm minh đến đâu, thì với nền tảng thực trạng ấy, chúng ta sẽ thấy, Pháp luật luôn luôn "chạy theo đuôi" các loại án, các loại tội phạm... Và chẳng bao giờ có thể thực thi tố được Xã hội Pháp quyền nếu bản thân quá nhiều Công dân của xã hội ấy là những cá thể theo "tín ngưỡng ăn hưởng" mà không nhận ra giá trị của sự lao động, biết tôn trọng thành quả lao động của bản thân và của người khác.
    (Miền Tây mùa này sáng nắng gay gắt - Chiều mưa tầm tã... Hai lúa em có nói gì lỡ lời mong các anh chị em bỏ qua cho!!! Hehehehehehe... )

    Trả lờiXóa
  10. gạch men chỉ nên lot trong toalet thôi :(

    Trả lờiXóa
  11. thuongquavietnam còm rất chí lý. Bây giờ VN chỉ thờ Tiền Bạc, họ thờ nhiều vị lắm (....) nhưng chung quy cũng chỉ cầu cho phát tài, thăng tiến để có lợi mà thôi. Làm giàu cũng là một nguyện vọng chính đáng, nhưng ngay cả trong tâm linh cũng chỉ cầu lợi, không mong đánh thức phần lương thiện trong con người mình thì gay go. Phật bảo đến chùa để cầu danh cầu lợi, cầu cái nọ cái kia thì đừng đến chùa, Khổng tử bảo không phải tổ tiên mình mà cũng thờ là đồ siểm nịnh... Những lời dạy đó bây giờ đa số đã bỏ ngoài tai.
    Cám ơn tất cả các ý kiến đã chia sẻ!!

    Trả lờiXóa
  12. Có những thứ mãi mãi không thể làm lại được.

    Trả lờiXóa
  13. Ngày xưa thì nhiều chuyện khó hiểu nổi luôn mà anh . Cái gì là tinh hoa thì chả bao giờ mất được đâu , phải không ạ ?

    Trả lờiXóa

Flags

Flag Counter