Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2008

Tiếng quê

Vừa đi dự đám giỗ về. Hôm trước ông anh gọi điện đến bảo: Chủ nhật này giỗ bà già anh, cô chú với các cháu đến nhé! Mấy giờ bác? 11 giờ, nhưng đến sớm cho vui, lâu lâu chưa gặp nhau. OK, em sẽ đến sớm.

Hôm nay đến, lên gác thắp nén hương rồi xuống nhậu, lại nói chuyện trên trời dưới bể, từ Olympich đến Nga- Grudia. Nhậu về lại nhở chuyện thời thơ ấu đi ăn giỗ ở quê, xin kể lại để bà con nghe cho thấy "cái khéo" của người dân xứ Đoài xưa.

Hồi đó không hiểu sao rất hay ăn cỗ vào lúc mờ sáng. Khoảng 4 giờ là có tiếng gọi, gọi mãi mới có ngươì ra mở cổng vì đang ngủ ngon quá. Mắt nhắm mắt mở, bao giờ tôi cũng nghe thấy bà bác họ ngoại nói với bà tôi:" Hôm nay nhà cháu kiếm lưng cơm cúng ông cháu, mời cụ trẻ lại xơi vơi nhà cháu miếng cơm". Đây là những câu cửa miệng nhà tôi hay mang ra diễu như một giai thoại. Làm giỗ mà có "lưng bát cơm" thì mời cụ đến " xơi một miếng " là đúng quá rồi...

Nói khiêm tốn thế thôi, tôi mắt nhắm mắt mở được bà nội cõng lên vai. Đến nơi bao giờ cũng thấy đông người lắm, nhưng chả rõ mặt ai. Trong bếp lửa đỏ bập bùng, trên nhà đèn hương nghi ngút. Cỗ bao giờ cũng đầy đặn, có xôi có miến và nhất định phải có thịt gà. ăn xong troài mới sáng, các cụ ngồi uống chè tươi, trẻ con thì nô đùa. Một anh đang học cấp 3 bao giờ cũng lấy cho mấy tờ giấy kiểm tra cũ để cho tôi gói phần mang về, một đĩa xôi vài miếng thịt gà, mấy quả chuối. Vui lắm.

Đấy là nhà các cụ sinh ra bà tôi. Sân gạch đỏ au, nhà cổ rộng thênh thang, chỉ có điều tuyệt không bóng cây nào vì sân còn để phơi thóc.

Lại nói về cách nói khiêm tốn. Quê tôi hay có cỗ bàn, người ta có việc dựng nhà mới, khao thọ, cưới con đều ăn uống dăm bảy chục mâm, thậm chí vài trăm mâm nhưng khi đi mời bao giờ cũng nói:" Hôm này, nhân... nhà cháu kiếm dăm mâm để mừng nhà mới ( tạ ơn trời đất, tổ tiên...) mời ông bà đến uống với nhà cháu chén rượu nhạt". Rượu nút lá chuối sủi tăm, bây giờ là bia hà Nội đấy nhưng mà vẫn nói thế.

Với những người trẻ hơn thì câu kết là " mời hai bác đến làm giúp". Cho nên ở quê tôi có thời nói " đi làm giúp" tức là đi ăn cỗ. Ăn cỗ mà không phải mừng gì cả, đến làm cỗ giúp gia chủ và ăn luôn thôi. Tuy nhiên chỉ vài chục người làm, còn cả trăm người ngồi chơi, đánh cờ, uống nước... ăn cỗ không phải mừng gì cả, hay thế.

Khi cỗ đã bưng lên, gia chủ xếp khách ngồi theo theo thứ tự tuổi tác, từ trong nhà ra ngoài sân, coõ bưng lên đầy đủ rồi người đại diện gia chủ bao giờ cũng " có nhời" thế này: Kính thưa.... hôm nay... gia đình ông bà X nhà tôi có việc vui miừng ( gì đó), gia đình gọi là " lấy mâm làm cỗ" để kính mời trên các cụ. Các ông các bà, họ hàng nội ngoại, bạn bè gần xa chứng kiến cho.

Lấy mâm làm cỗ tức là cỗ tượng trưng thôi, đơn bạc lắm, chả có gì cả. Cỗ đủ các món mà vẫn nói thế. Một cụ đại diện dân làng cám ơn gia chủ, chúc tụng vaì câu rồi " kính mời trên các cụ và đông dân làng "ra chén". Lúc đó các mâm mới so đua, rót rượu.

Bây giờ nhưng kiểu nói như thế đang mai một dần, khó tránh khỏi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter