Thứ Hai, 1 tháng 3, 2010

Đầu năm ... lễ ở đâu?

Đi lễ đầu năm là một phong tục đẹp nhưng dường như đi lễ thời nay khác với những ước mong bình dị, khiêm nhường “vạn sự bình an, lão ấu khang kiện” thời xưa. Trong cơn lũ người hành hương về các đền chùa miếu mạo hiện nay, không ai thống kê đựơc nhưng chắc chắn là đa phần đều đi cầu tài, cầu lộc, cầu danh, cầu thăng quan tiến chức, học hành đỗ đạt… Xu hướng thực dụng trong lễ bái đã trở nên phổ biến.

          Đành rằng, những nguyện vọng đó cũng chính đáng nhưng điều đáng nói là không mấy ai hiểu rằng, một ít  vàng mã, mớ tiền lẻ, con gà, nải chuối của họ không thể đổi được những thứ cao vời đó. Thần thánh không phải là đối tượng nhận hối lộ, rồi ban phát bổng lộc một cách vô tội vạ và thiếu công bằng.

          Một người có chút ít hiểu biết về lời Phật dạy đều biết rằng mọi sự là do quy luật nhân - quả mà thành. Mỗi việc làm  của chúng ta đều tạo nhân cho những cái quả ở phía trước. Ta có thể đỗ đạt, phát tài, thăng tiến nếu hàng ngày ta biết cố gắng nâng cao trình độ, rèn luyện nghề nghiệp, biết giữ chữ tín, biết làm điều tốt, biết quan tâm đến ngươì khác…

          Thật là buồn lòng khi đổi tiền lẻ để đầu năm đi lễ trở thành một thói quen phổ biến. Ngày tết, ngày lễ, mỗi pho tượng, mỗi thần vị được nhét đầy tiền lẻ một cách vô lễ đến rợn người mà không ai ngăn chặn là điều đáng suy ngẫm.

Năm mới tốt lành, chắc ai cũng mong như thế, nhưng làm thế nào để mọi điều tốt lành nhỉ? Không ai làm thay ta được cả. Hãy bắt đầu bằng việc làm những việc tốt, ví dụ như giúp đỡ một người khó khăn; tha thứ cho một ai đó; bắt đầu học thêm một cái gì đó… Có thể không cần đến Văn Miếu - nơi thờ Khổng Phu Tử mà vẫn được ngài phù hộ khi làm theo lời ngài rằng: ”Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”- cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác; không cần đến Chùa mà vẫn được đức Phật phù hộ khi sống theo lời Phật dạy “ Từ, bi, hỷ, xả” giảm bớt “Tham, sân, si”… Hay cụ thể hơn, mỗi tháng ta dành ra một hai ngày ăn chay, như thế vừa giảm bớt sát sinh, bảo vệ môi trường mà lại có lợi cho sức khoẻ.

 

8 nhận xét:

  1. Hỷ xả làm lòng ta nhẹ nhàng thư thái...Giảm được Tham, sân si sẽ giúp ta ít bị phiền não quấy rầy, sẽ được nhiều trợ duyên chú ha!

    Cái tiêu đề, đầu năm...lễ ở đâu...Con chẳng có đi Lễ Chùa...á quên, đúng ra là cũng có ghé vô 2 ngôi Chùa đấy chứ...Nhưng mục đích chính là...Con tham gia chương trình Từ thiện đầu năm cùng nhóm Nụ Cười Nhân Đức, đến Khám chữa bệnh cho bà con nghèo ở Long Khánh và vùng Núi Tánh Linh- Bình Thuận hà.

    Vì đi làm nên cũng khó có điều kiện ăn chay, mỗi tháng thì con chỉ ăn chay có 4 ngày thôi hà! Hic, con thì ít đi Chùa cầu điều chi như mọi người, quan trọng là tâm mình chú ha!

    Chúc chú bước vào tháng 3 nhiều bình an nhé!

    Trả lờiXóa
  2. may quá, đọc xong thấy có lí do dể khỏi đi chùa rồi.

    Trả lờiXóa
  3. Thần thánh và tiên phật không nhận hối lộ là bạn nói đúng rồi.
    Nhưng có một sự thực là kinh thánh kể rằng đầu têu gây ra sự anh em giết nhau trong gia đình là do chúa trời (Không phải Giê su đâu nhé) ăn ở không công bằng. Cậu con trai đầu của A Đam và E va làm nghề nông chỉ cúng cho chúa trời toàn hoa quả lúa gạo, thằng em làm nghề chăn nuôi cúng toàn dê cừu. Chúa trời cho rằng máu dê cừu cũng đỏ như máu người tức thằng em tử tế, biết điều hơn thằng anh. Từ đó chúa ưu ái thằng em bỏ rơi thằng anh. Sinh chuyện anh giết chết em.
    Phật dạy người ta tu tập để giác ngộ, Đại thừa có đến 28 kiểu tu!!! Nhưng tu thiền thì lâu quá, sốt ruột, cho nên khoảng thế kỉ thứ 7 ông Đàm Loan bên Tàu mới "phát minh" ra phái Tịnh Độ niệm ông phật A Di Đà liên miên thì ông ta dắt về Tây phương cực lạc, anh nào lười niệm tức không tin ông ta thì ông thây kệ, cho về với ngạ quỷ. Kinh vô lượng thọ còn nói chính ông thích ca khuyến cáo chúng sinh phải niệm, phải cúng, phải xin xỏ ông A Di Đà để ông ta thương xót. Không chỉ khuyến cáo chúng sinh, Thích Ca còn khuyến cáo bố mình niệm nữa.
    Vậy thì ngày nay dân chúng đến đền miếu xin xỏ thần thánh phù hộ độ trì thì có nên trách cứ họ không????

    Trả lờiXóa
  4. Ahaha! Bác Bu nói chính xác theo sách vở (kinh, sách), bởi vì kinh sách nói thế, rành rành. Nhưng chắc chúng ta cũng hiểu hơn ai hết, kinh, sách... các loại, nghĩa là tất tần tật, Đạo đức kinh, Tứ thư, Ngũ kinh, Cô ran, Áo nghĩa thư, Tân ước, Cựu Ước, cùng bao nhiêu bộ kinh Phật... đồ sộ, là ở đâu ra? Có phải chính là do Lão Tử, Khổng Tử, Chúa Trời, hay Phật... viết ra (hoặc chính là tư tưởng của các ngài) không? hay đó chỉ là những gì do người đời sau "sáng tác" hoặc "phóng tác", rồi gán cho các ngài? Các bộ kinh như thế trải qua mấy ngàn năm, chắc phải qua bao nhiêu lần "hiệu chỉnh", nghĩa là thêm, bớt ý tưởng, theo ý của một ai, hay của một nhóm, một tổ chức nào đấy, có thể là giỏi nhưng cũng có thể là dở... cho nên kinh sách có những ý tưởng rất cao siêu, nhưng cũng có những ý tưởng rất... trần tục (như bác Bu đã dẫn, Chúa trời (Ala theo cách gọi của đạo Hồi) thì không công bằng cứ như một ông gia trưởng nông thôn. Kinh Phật thì dạy người ta chắp tay tụng niệm xin xỏ, năng cúng dường tam bảo là được. Thái tử Tất Đạt Đa đắc đạo trở thành Phật (đấng Giác ngộ) là bằng CON ĐƯỜNG THỰC NGHIỆM thông qua tu tập khổ hạnh mấy mươi năm, chứ có phải bằng năng ngồi tụng niệm, đốt nhang đèn, giấy tiền vàng bạc, cúng heo quay, gà luộc... mà được.
    Cho nên kinh sách, tin một cách mù quáng, lắm khi lại dẫn con người xuống vực thẳm...

    Trả lờiXóa
  5. Hai bậc trưởng lão lên tiếng hay quá, Thần thánh bị oan nhiều mà không ai minh oan cho các ngài. Hôm nay bac H đỡ cho các ngài mấy lời, hẳn phúc lộc dồi dào đấy ạ.
    Đạo nào cũng có cái hay, ngại nhất là tình trạng hổ lốn và thực dụng ở ta hiện nay, nhiều đạo mà hoá ra vẫn vô đạo. Mong các bác bàn thêm.

    Trả lờiXóa
  6. Đặt có mấy đồng tiền lẻ mà cầu xin đủ thứ thì Phật thánh nào chứng cho được, còn mâm cao cỗ đầy cúng thì lại bảo là lãng phí...Đi lễ chùa ở miền Bắc và miền Trung cũng thấy có nhiều cái khác nhau lắm. Giá mà các bậc huynh trưởng và Toro được gặp nhau bàn về đạo lễ mà tớ được ngồi nghe hóng hớt thì biết thêm nhiều điều thú vị lắm đấy nhỉ.

    Trả lờiXóa
  7. TORO à, hai ông lão thì đúng hơn. Trưởng lão ở cái nước Nam ta chỉ có thầy Thích Thông Lạc trụ trì tu viện CHƠN NHƯ Trảng Bàng, Tây Ninh. Ông ta tự gọi mình là Trưởng lão tức sắp chứng quả A La Hán, sêm sêm Phật rồi. Có dịp nói về thầy Thông Lạc hay lắm. Hehehe...

    Trả lờiXóa
  8. Tu bi hi xa ,4 chu doc rat nhe nhang nhung lam dung nghia thi rat kho , may ai làm dung voi nghia cua nhung chu ay ?
    nhung cuon sach cao sieu cua nhung dao tren doi nay chung qui cung gom trong 4 chu nay
    Neu tren doi nay moi nguoi deu giu duoc theo dung nghia 4 chu ay thi doi da thanh ra thien dang roi !

    Trả lờiXóa

Flags

Flag Counter