Thứ Sáu, 5 tháng 3, 2010

Thở phào xem khi ấn đền Trần

Sự vất vả để có được mảnh vải in ấn Đền Trần đã được các báo tả khá kỹ. Phải nói rằng vô cùng vất vả, nhiều người ngất xỉu phải cấp cứu, người mất cắp cũng không thiếu... Nếu hiểu rằng, để có được một bảo vật thì phải chịu gian nan như muốn có đựoc chân kinh thầy trò Đường Tăng phải đi mất 15 năm và trải qua 81 kiếp nạn thì sự vất vả đó cũng có giá trị... thể hiện lòng thành.

Qủa thực ai cũng tò mò, không biết trong ấn viết thế nào, tôi thì nghĩ chắc phải viết như các sắc phong kiểu như " Phụng thiên thừa vận, Hoàng đế chiếu viết..." và nhất định phải có mấy chữ kiểu như " ban thưởng" hay " phong tặng" gì đó, vì ai cũng nói ấn có giá trị giúp cho sự thăng tiến trên quan trường .

May thay , nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo post lên mạng bức ảnh chụp tờ in ấn này. Té ra trong đó chỉ có nội dung:" Trần Đế Miếu- Việt Nam quốc, Thái Bình tỉnh, Hưng Hà huyện, Tiến Đức xã, Tam Đường thôn" nghĩa là tên đền thờ vua Trần và địa chỉ mà thôi. Hai bên có hai hàng chữ nhỏ "Kim ngọc mãn đường" và " An khang thịnh vượng", tức là hai lời chúc tụng thông thường, đậm đà hương vị "kinh tế thị trường". Nó cũng cho thấy ấn mới được làm để đáp ứng cơn khát của thị trường thôi.

Đọc xong tôi thở phào nhẹ nhõm. Hoá ra các cụ rất chu đáo, ban nội dung có tính vui vẻ vậy thôi, tuyệt không thấy nói sẽ ban cho người có ấn này chức tước gì cả. Làm như thế là đúng tinh thần nhà Trần. Không biết có ai nhớ đến câu chuyện khi vua Trần Anh Tông chuẩn bị thăng thưởng quan tước, Thượng hàng Trần Nhân Tông không chuẩn y, Cụ bảo:" Nước bằng cái đấu thế này mà nhiều quan tước như thế dân nuôi sao nổi". Việc ấy bị bãi bỏ.

Hay một chuyện khác, bà Trần Thị Dung xin Trần Thủ Độ cho một người cháu họ chức câu đương bé tý ở quê. Ông đồng ý nhưng gọi người đó đến bảo, ta cho ngươi làm chức câu đương nhưng phải chặt một ngón tay để đánh dấu. Người đó vãi linh hồn mà xin tha...

Qủa thực, Vua tôi nhà Trần đã trải quan biết bao gian lao, ba lần đổ máu với quân Nguyên Mông, nhiều lần đánh dẹp Chiêm Thành... mới có được triều đại thịnh trị, nên hiểu hơn hết giá trị và tầm quan trọng của quan tước. Các cụ đâu có thể tặng quan tước bừa bãi được.

Ngày nay chúng ta đến chiêm bái đền Trần để tửơng nhớ đến hào khí Đông A, đến Bạch Đằng, đến Đông Bộ Đầu, Chương Dương Độ;  đến tình vua tôi gần gũi, thân thiết, đến sự nghiêm minh, sáng suốt cuả tiền nhân thì nhất định được các vị minh quân nhà Trần phù hộ. Còn nếu chỉ chen vào cướp ấn xong ngồi chờ thăng chức thì... đúng là đến Đền Trần mà chả hiểu gì nhà Trần, các ngài không phạt là may.

http://hieuminh.org/2010/03/04/to-an-cua-nha-tho-ntt/

9 nhận xét:

  1. "Nó lú thì chú nó cũng phải khôn chứ?", nhân dân ta đã nói như thế, vậy mà "ông chú" cũng lơ mơ nốt, chán thật!

    Trả lờiXóa
  2. Tối đó em có tới đến lúc 8h mà đông, chen và ồn ào quá xá. Mãi tới nửa đêm mới có lễ. Không được vào thắp hương vì lý do an ninh chờ nguyên thủ tới. Em đành về. Xem như có lòng thành thôi.

    Trả lờiXóa
  3. Giờ người ta biến tấu niềm tin, mua bán thần thành, hic hic

    Vậy là thấy an tâm khi chưa có dịp đến xin ấn rùi ạ :-)

    Trả lờiXóa
  4. Trần Nhân Tông không chuẩn y, Cụ bảo:" Nước bằng cái đấu thế này mà nhiều quan tước như thế dân nuôi sao nổi". Thời nay, cũng đâu có nhiều quan tước, cái hiện trạng "ghế ít đít nhiều" nên các quan càng tranh nhau dữ, kể cả tranh nhau xin ấn, nếu vua không ban thì mua(!). Hình như quốc hội kì rồi có xác định tình trạnh mua quan chứ ạ. Quan thanh liêm là điều không có thực, nó chỉ được in trong từ điển thôi. Thời thị trường, làm quan mà không giàu bằng mọi cách thì bị kiểm điểm là không thành đạt á! Ái chà, khổ ghê!

    Trả lờiXóa
  5. Ơ, mà em tưởng Khai Ấn ở Nam Định chứ ạ?
    Thế Đền TRần ở Nam Định khác ở Thái Bình thế nào ạ?

    Trả lờiXóa
  6. Làm quan ở VN là sướng nhất, cho nên tranh nhau xin ấn thăng quan.:D.

    Trả lờiXóa
  7. Cơ chế xin cho ăn sâu vào nảo trạng người Việt ta từ chính quyền cho đến thần thánh.

    Trả lờiXóa
  8. Quan sát bản in quả ấn, dễ nhận thấy đây hiển nhiên chỉ là quả ấn mới làm, không phải là thứ “quốc ấn” trân quý như người ta lầm tưởng. Bỏ qua sự non nớt về nghệ thuật khắc ấn, chỉ nói về chữ khắc trên ấn đã thấy nhiều điều bất ổn. Quả ấn khắc bốn chữ lớn: “Trần miếu tự điển”, nghĩa là “điển lễ tế tự ở miếu nhà Trần”.

    Ảnh chụp bản in quả ấn xin được ở Đền Trần. 4 chữ lớn ở chính giữa là: “Trần miếu tự điển”, 4 chữ nhỏ ở cạnh dưới là: “Tích phúc vô cường”.

    Bốn chữ này được khắc theo lối chữ “khải”, chữ khắc nổi (trong nghệ thuật khắc ấn, kiểu khắc này gọi là “dương văn” hay “chu văn”). Riêng chữ “tự”, nửa “khải”, nửa “tiểu triện”. Người sành chữ, nhìn sơ qua có thể biết bốn chữ trên vốn lấy từ phông chữ vi tính mà ra.

    Xưa, khắc ấn được coi là một bộ môn nghệ thuật. Ấn chương cổ tuyệt đại bộ phận được khắc theo lối chữ “triện” (cho nên ấn, và cả việc đóng ấn còn được gọi là “triện”).

    Lối chữ “triện” được đưa vào ấn chương, khiến quả ấn thêm cổ kính, đẹp về đường nét, thêm vào đó, người khắc ấn sẽ dùng kĩ thuật khắc ấn cùng cảm quan nghệ thuật của mình để tạo ấn, sao cho sản phẩm được tạo tác đảm bảo hai tiêu chí quan trọng, đó là tính thẩm mĩ và tính độc bản.

    Tiền thân của ấn chương ở nước ta (theo Nguyễn Công Việt: Ấn chương Việt Nam từ thế kỉ XV đến cuối thế kỉ XIX) có thể thấy qua các con dấu có hoa văn niên đại khoảng thế kỉ XV-XVI tr.CN tìm thấy tại Hoa Lộc – Thanh Hóa năm 1974.

    Cũng tại Thanh Hóa, các nhà khảo cổ đã phát hiện được 6 chiếc ấn nhỏ trong một ngôi mộ cổ, được đúc khoảng cuối thời Tây Hán đến đầu thời Đông Hán (tương đương với thời An Dương Vương, từ 257-147tr.CN), được coi là “chứng tích của ấn chương xuất hiện tại Việt Nam”. Riêng ấn chương thời Trần, hiện chí ít vẫn còn quả ấn “Bình Tường Thổ châu chi ấn”, khắc năm Đại Trị thứ 5 (1362).

    Việc sử dụng ấn chương tại Việt Nam nếu chỉ tính đến hết thời Nguyễn, sơ bộ đã có lịch sử hơn hai nghìn năm.

    Tất nhiên, việc sử dụng ấn chương không thể tách rời nghệ thuật chế tác ấn. Xem thế đủ biết, về mặt ấn chương, nước ta cũng là một nước có bề dày truyền thống.

    Trên thế giới ấn chương được sử dụng rộng rãi, do đó đã có hẳn môn Ấn chương học (Sigillographie hoặc Sphragistique) chuyên nghiên cứu về hệ thống ấn chương qua các đời. Tại nước ta cũng có chuyên gia về ấn chương học, có công trình nghiên cứu về ấn chương đã xuất bản.

    Đền Trần là một ngôi đền cổ, nổi tiếng là linh thiêng thì lẽ ra quả ấn nhân danh Đền Trần cũng phải đạt những tiêu chí cần có của một quả ấn bình thường.

    Nếu muốn tạo tác một quả ấn riêng cho Đền Trần ta có thể tham khảo quả ấn “Bình Tường Thổ châu chi ấn” nói trên, cùng nhiều mẫu ấn cổ khác, đồng thời tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia về ấn chương và các nghệ nhân khắc ấn.

    Hai chữ “Vô cương” trong hoành phi cổ

    Còn như việc dùng mẫu chữ “khải” vi tính để khắc ấn phục vụ ngôi đền thiêng này (với kĩ thuật chế tác quá non kém) thì thật là một việc rất không nên.

    Chưa dừng lại ở đó, cạnh dưới của quả ấn từ Đền Trần còn khắc thêm 4 chữ, “nghe nói” đó là bốn chữ “Tích phúc vô cương? ”. Xem vào bản in quả ấn mà nhiều người đã xin tại Đền Trần, 4 chữ này khắc chìm (trong nghệ thuật khắc ấn, kiểu khắc này gọi là “âm văn” hay “bạch văn”); khi nhìn kĩ, không rõ vì lí do gì, người ta đã khắc thiếu bộ “thổ” trong chữ “cương khiến chữ “cương”, biến thành chữ “cường” (nghĩa là “mạnh mẽ”).

    Thay vì “Tích phúc vô cương”, nghĩa là “ban phúc vô bờ”, thì giờ đây, ấn lại khắc bốn chữ “Tích phúc vô cường?”, nghĩa là “Ban phúc không mạnh”.

    Chẳng lẽ quả ấn mà nhiều người cho là linh thiêng, tâm thành đến Đền Trần làm lễ xin về với bao niềm kì vọng lại có lỗi khiến chỉ còn là quả ấn “Ban phúc không mạnh” thôi sao? Chúng tôi hy vọng rằng những bản ấn có sai sót mà chúng tôi xem là thứ thau lẫn trong vàng, do một quả ấn không phải của Đền Trần đóng.

    Trả lờiXóa

Flags

Flag Counter