Thứ Ba, 16 tháng 3, 2010

Cảnh giác khi đi lễ đền Kiếp Bạc

Ngày Chủ nhật cuối tháng Giêng, tôi rủ một anh bạn đi thăm Côn Sơn - Kiếp Bạc. Từ hồi xây đền Nguyễn Trãi tôi chưa đến. Côn Sơn và đền Nguyễn Trãi tuyệt đẹp, tùng bách xanh tươi, phong cảnh u nhã, khiến lòng ta thư thái.

Kiếp Bạc cách Côn Sơn 8 km.

Xe ô tô đến bãi để xe, một tay nhân viên vẫy ra hiệu xe cứ đi vào tiếp. Chạy một quãng thì thấy barie, cấm xe ô tô. Lạ thế!

Một tay đội mũ cối chạy xe máy sát cửa ô tô bảo, các anh vào quán nhà em, ngay sát của đền nhé, em sẽ bảo lãnh cho xe qua barie. Đỗ xe ở ngoài thì phải đi bộ vài trăm mét nên thấy gợi ý cũng hay, nhưng vẫn e ngại. Lái xe hỏi: Mất bao nhiêu tiền?

-Không mất xu nào cả, các anh cứ vào uống nước, lần sau nhớ lại đến quán nhà em thôi.

-Chắc không?

-Khổ quá, ai dám nói dối các anh.

Thế là xe vào. Ngay trước của tam quan “ Hưng Đạo Đại Vương Từ” có đôi câu đối nổi tiếng “ Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếp khí/ Lục đầu vô thuỷ bất thu thanh” đã đỗ rất nhiều ô tô.

Vào quán mới thấy, quán không bán nước mà bán vàng mã và viết sớ thuê. Ông chủ quán năn nỉ gợi ý “Mỗi lá sớ có 10 ngàn đồng, đến cửa nhà Ngài phải kêu bằng lá sớ chứ”. Anh bạn tôi ngại quá, tặc lưỡi OK. Ông già mang sớ ra, té ra là sớ quốc ngữ, chữ ông già như con gà mái điền tên tuổi vào… Viết xong, cô con dâu ông già mặc quần thể thao mới bảo, mời anh vào lấy lễ vật, sớ phải có kim ngân đi theo chứ. Anh làm một lễ Nam Tào giải hạn nữa. Xong ông em vào khấn, kêu cầu cho anh.

Chối cũng không được, anh bạn tôi đành mua một bộ vàng mã giá 370.000 đ. Ông già lại đưa ra bộ ấn đền Trần Kiếp Bạc nữa, tuỳ chú cúng bao nhiêu thì cúng… Lại móc tiền ra. Cô gái bên mâm, ông già cầm sớ, anh bạn tôi bị dong vào đền. Sau khi chen được một chỗ sát cánh gà bàn thờ, ông gìa mang sớ ra đọc và keng keng, gieo hai đồng xu, OK nhé, nhất âm nhất dương…

Tôi lặng lẽ đi thăm đền, nhiều phụ nữ tuổi sồn sồn lượn lờ trong sân để gạ xem bói. Hai bên tả hữu vu là vài chục ông viết sớ thuê kiêm xem bói chỉ tay. Dù già hay choai choai, ông nào cũng khăn xếp, mặc áo gụ.

 

Ban Tổ chức  phát trên loa liên tục rằng: Khách thập phương chú ý cảnh giác, hiện nay có bọn cò mỗi gạ khấn thuê, để bán vàng mã... quý khách nên cảnh giác để không bị lừa. Họ cứ nói nhưng lại không đi dẹp bọn cò mồi này.

Trở ra quán, ông già lại bảo anh bạn tôi: Chú là người có tâm, bây giờ chú ghi tên tuổi vào đây, để ngày nào tôi cũng vào khấn xin Ngài phù hộ cho chú. Cuốn sổ nhàu nhĩ, có vô số tên tuổi ghi sẵn.

-         Nhiều thế này ông khấn sao được?

-         Khấn được chứ, ai nói dối chú làm gì. Thành tâm bao nhiêu tuỳ chú.

Như có ma ám, anh bạn tôi lại hý hoáy ghi. Lúc lên ô tô tôi hỏi, hết bao nhiêu tiền? Tính một lúc, anh bạn tôi mất ngót triệu bạc. Thật là một cú lừa ngoạn mục vì sự nhẹ dạ cả tin…

( Lúc nào rảnh tôi post ảnh nhé)

4 nhận xét:

  1. có một trải nghiệm thú vị

    Trả lờiXóa
  2. Một lần Bu đến đền Kiếp Bạc từ chối mọi lời mời tào lao thì sau đó ...ô tô bị thủng lốp phải tìm người đến vá. Nhớ cánh giác mọi thứ các bạn ơi.

    Trả lờiXóa
  3. Đã cả nể theo cò mồi vào quán thì sẽ bị móc túi một cách tinh vi hết lần này đến lần khác khó mà từ chối được. Tưởng chỉ có phụ nữ nhẹ dạ cả tin ai dè nam giới cũng rứa, nhà báo nhỉ!

    Trả lờiXóa
  4. Đền Bà Chúa kho ở Bắc Ninh cũng vậy.Nó còn tệ hơn nữa là tụi bán vàng mã , viết sớ vớ vẫn ấy còn cho người ra đeo bám từ ngoài.Vào đến nơi mà không mua của chúng , chúng còn gây sự ẩu đả nữa.Cho nên, không đi lễ chùa vào dịp sau tết.

    Trả lờiXóa

Flags

Flag Counter