Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Hóng chuyện bác Bu và bác PNH về tháp Chăm







Đại tháp Kesariya

Đọc một lèo hai bài mới thấy bác PNH đã bỏ công sức làm một nghiên cứu thật công phu. Em chỉ hỏi một câu sơ sài cho vấn đề quá lớn mà bác cho bài này, bác Bu lại tiếp tục nghiên cứu nữa thì đúng là em "Thao chuyên dẫn ngọc" ném hòn ngói đi lấy hòn ngọc về.

Tháp Chăm Phố Hài - Phan Thiết

Ngoài những thông tin quý giá bác PNH cung cấp như tháp Chăm VN có trước và nguồn gốc người Chăm thì vẫn còn câu hỏi lớn về tác giả đích thực của kỹ thuật xây tháp gạch không có vôi vữa mà cả ngàn năm viên gạch vẫn tươi mới đó.

Tháp đá ong ở Siêm Riệp

Em rất chú ý đến ý kiến của TS Nguyễn Hữu Thông, Viện nghiên cứu Trung bộ đưa ra giả thiết, những nhà buôn Ấn độ đã mang theo thợ từ chính quốc sang xây dựng đền tháp này, bởi lẽ nếu là kỹ thuật của cư dân bản địa thì phải có những kiến trúc khác sử dụng loại gạch này. Hơn nữa, gốm bản địa như Bầu Trúc cho đến nay vẫn không có bàn xoay và lò nung.

Tháp gạch ở Angkor Thom

Vì ý kiến này mà em tìm về Ấn Độ xem họ có những tháp tương tự hay không?! Tìm mãi mới thấy thông tin về Đại tháp Kesariya là ngôi tháp tưởng niệm những ngày cuối cùng của Đức Phật Thích Ca, được Vua Chacravarty xây vào thế kỷ thứ 5 và hiện vẫn được coi là ngôi tháp gạch cổ cao nhất thế giới. Tháp đã thấp hơn nhiều so với nguyên gốc, do một trận động đất. Đỉnh tháp đổ sập, gạch, đá vương vãi quanh chân tháp. Bức tường gạch vẫn tươi mới, dù dầm dãi mưa nắng đã hơn hai ngàn năm, gợi nhớ đến tháp Chăm VN.

Trong bài Viên gạch “Chăm” ở Bihar, Ấn Độ - Ký sự của Nguyễn Trung Hiếu trên Báo Lao Động, tác giả nêu ý kiến tương tự ý kiến của TS Thông. Đó là Giáo sư M.G Prahlad ở Đại học Ngoại ngữ Hyderabad nhận định rằng: “ Kiến trúc gạch phục vụ tôn giáo của vùng Đông Nam Á cổ đại trong những thế kỷ đầu sau công nguyên đều chịu ảnh hưởng từ Ấn Độ”. Ông giải thích: Giới tăng lữ mang tôn giáo đến, tất yếu phải mang theo cả tập quán xây dựng đền tháp thờ cúng các vị thần. Vì vậy từ Campuchia, Lào, Myanmar và cả Phù Nam, Chămpa… trong quá khứ đều bị ảnh hưởng sâu sắc kỹ thuật chế tác vật liệu và phương pháp xây dựng từ Ấn Độ là điều không còn tranh luận trong giới chuyên môn.

Tuy nhiên đến đây lại nảy ra câu hỏi, vậy Ấn Độ ngày nay có còn giữ được phương pháp xây tháp với kỹ thuật làm gạch đặc biệt đó không? Nếu họ đích thực là tác giả thì tại sao họ không có nhiều đền tháp gạch như ở Mỹ Sơn? vv...

Hy vọng sẽ có thêm thông tin về những ngọn tháp Chăm bí ẩn có mặt ở vài ba quốc gia này... sau những nghiên cứu của bác Bulukhin...



7 nhận xét:

  1. Tôi cũng đã được đến những tháp Chăm VN và những tháp gạch có cùng kiểu dáng tương tự ở Angkor, đã đến làng gốm Bàu Trúc của người Chăm ở Ninh Thuận xem cách họ làm gốm, đến bây giờ còn thân với một gia đình chuyên làm gốm Chăm ở đó nên khi thấy Toro đưa ra những thắc mắc về tháp Chăm, tháp gạch ở Angkor thì khoái chí tìm hiểu chơi.
    Có lẽ những vấn đề Toro nêu ở câu hỏi với bác Bu, một số nét cơ bản không khó trả lời, chẳng hạn tháp Chăm VN và tháp Angkor cái nào có trước, mục đích xây tháp... Bởi những điều này còn ghi chép trên những bi ký cổ của 2 dân tộc Chăm, Khmer. Tuy nhiên điều Toro nêu bên trên, chủ nhân đích thực của những tháp nêu trên là ai? thì thật là không dễ trả lời với ngay cả những người chuyên nghiên cứu.
    Bia đá ghi chép rõ vua nào đã cho xây dựng những tháp Chăm VN, thời gian nào, bên Angkor cũng thế, vua Chăm cũng như vua Khmer cho xây dựng, nhưng như đã nói "đích thực" ai là người xây dựng? Kỹ thuật nung gạch, kỹ thuật xây... là từ đâu? Không biết người Khmer ra sao chứ tôi thấy cho đến tận bây giờ, cái cách làm gốm của người Chăm rất thô sơ (không dùng bàn xoay, không có lò nung...) thì quả thật khó có thể làm ra được những viên gạch qua cả ngàn năm vẫn còn đỏ au như mới, chưa kể kỹ thuật xây không dùng mạch vữa kết dình gạch, mà đến tận bây giờ vẫn chưa giải thích được rõ ràng...
    Có một điều tôi thắc mắc là những người xưa ở mọi nơi đã xây được những ngôi tháp tinh xảo như thế, tồn tại mấy ngàn năm, đất làm gạch, than củi nung, thợ xây thì dễ tìm, ở đâu cũng có, mà tại sao họ chỉ xây tháp thờ chứ không xây những công trình dân dụng khác như nhà ở (ít ra cũng là nhà ở dành cho vua chúa, quan lại...).
    Ở những đền tháp nhiều nơi chứ không riêng gì VN hay Angkor có lẽ còn rất nhiều điều bí ẩn mà các nhà nghiên cứu lớn cũng chưa giải thích nổi, huống chi là những kẻ "lông bông chữ nghĩa và hiểu biết" như mình, hì hì!

    Trả lờiXóa
  2. Còm này chuyển từ PNH sang
    Hehehe...Càng đi sâu vào câu hỏi của TORO càng như vào đường hầm. Tại sao vậy? Tại chúng ta thiếu công cụ của chuyên môn hẹp. Chẳng qua cũng chỉ trao đi đổi lại cho vui cửa vui nhà vậy thôi... TORO bảo "tháp Chăm, cứ gọi thế cho tiện" là biết phòng xa. Tháp Chăm phải là của người Chăm xây trên đất Chăm. Cho dù người Ấn Độ sang xây thì vẫn là tháp Chăm, chứ không thể là tháp Ấn. Chúng ta biết rằng Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo...vào đất nước nào lập tức bị tín ngưỡng dân gian nước đó chi phối và trà trộn vào. Vua Lí, vua Trần, sùng Phật nhưng lúc cúng tế vẫn cầu trời, cầu linh hồn tiên đế phù hộ độ trì. .Trời và linh hồn là tín ngưỡng bản địa, những thứ bị Phật giáo bài bác.. .Với tháp Chăm, tháp Miến, tháp Thái, Tháp Lào Tháp Khơme.... chung quy cũng là hình ảnh núi Tu Di (Meru, tiếng Sankrit) trong văn hóa Ấn Độ. Nhưng mỗi loại tháp ở mỗi nước lại khác nhau. Tháp Miến là một khối đặc không có cửa vào trong khi tháp Chăm có cửa vào rất hẹp. Còn cái đại tháp bên Ấn Độ thì có khoét vào thân tháp để đặt tượng. Chưa nói nước này với nước kia, mà trong một nước Chăm đã có 8 phong cách khác nhau. Phong cách Mỹ Sơn, phong cách Bình Định, phong cách Đồng Dương ...Chỉ riêng lòng chảo Mỹ Sơn thôi đã có trên 70 kiến trúc khác nhau được kí hiệu hết cả 24 chữ cái !!! Rõ ràng Tháp chăm có đặc tính và bản sắc riêng của nó. Các nhà khoa học từ thế kỉ 19 đã dò dẫm trong 128 bia kí (tuỵệt nhiên không có sách vở) để dựng lên 14 triều đại Chăm với 97 ông vua mở đầu 192 cho đến 1471. Với những gì đã có (và có thể có) ta tìm được chi tiết một phong cách (nào đó) của tháp Chăm mà sách vở đã kê ra. Còn Với Ba kheng ta chỉ biết có 2 thông tin không hơn không kém: (1) Được xây cuối thế kỉ 9. (2) Vật liệu tháp là gạch. Cũng xin nói thêm: Các nhà khoa học Ba Lan đã đã khảo cứu gạch Chăm và cho hay: Trọng lượng riêng của nó là 1,522g/cm3 trong khi gạch thường là 1,8g/cm3. Giá như ta có một viên gạch Ba Kheng để thí nghiệm thì cũng tạm khẳng được cái tháp ấy bà con ruột thịt với tháp Chăm trên đất Chăm đến mức độ nào...Tiếc thay đó cũng chỉ là mơ ước vu vơ..... hihihi
    (Qua Firefox chữ to lên rất dễ đọc)

    Trả lờiXóa
  3. Bác Bu muốn có viên gạch Bakheng để cân thử, biết thế hôm đo em lấy một viên cho vào balo cho nhanh... Hì... đổ cả đống mà bác.
    Tuy vậy, bù lại khi nào tìm ra lô ảnh em sẽ đưa lên để bác ngắm nghía, tiện thể ngắm luôn một số mỹ nhân từ nhiều nơi đến thăm di tích nữa...
    Em cũng có thắc mắc như bác H nêu là những người xưa ở mọi nơi đã xây được những ngôi tháp tinh xảo như thế, tồn tại mấy ngàn năm, đất làm gạch, than củi nung, thợ xây thì dễ tìm, ở đâu cũng có, mà tại sao họ chỉ xây tháp thờ chứ không xây những công trình dân dụng khác như nhà ở (ít ra cũng là nhà ở dành cho vua chúa, quan lại...). Vậy thì ở Ấn Độ liệu có những công trình khác dùng kỹ thuật này không? Nghe chừng cũng không nốt mới bí chứ... Không lẽ cả mấy quốc gia đều thất truyền kỹ thuật này.
    Mong các bác nghiên cứu thêm.

    Trả lờiXóa
  4. Hihi, lên mạng tìm kiếm thông tin từ từ cũng vỡ ra được vài điều...

    Trả lờiXóa
  5. Không biết gì về Bakheng thì không thể trả lời đượccâu hỏi của TORO

    Trả lờiXóa
  6. 1- Hihihi... mấy ông Tây Ba Lan cho là người Chăm nung lần thữ hai. Mấy ông Việt Nam trong đó có ông Tiến sĩ Doanh (Viện phó Đông Nam Á) bảo là có tìm thấy dấu đốt lửa ở bên trong nhưng đấy chỉ là ....dấu khói bám vào khi các thầy cúng đốt nhang đèn hay trầm hương mà thôi. Ôi ! Chăm (việt ) và Chum (Lào) bí hiểm quá.

    2- Mấy hôm nay đọc sách Chăm rất chăm chỉ. Té ra hồi mới lập quốc Các ông vua Lâm Ấp nghèo lắm, tường cung điện trát bằng phân bò màu xanh.!!!! (khổ) Cho đến thế kỉ 6 mới giàu lên do đào vàng, cho thuê bến đổ, và ngoại thương....

    Trả lờiXóa
  7. Thông tin bác Bu cung cấp hay quá. Cung điện bằng phân bò thì quá đặc biệt rồi. Không biết các cụ Hùng nhà mình ngày xưa sống sao nữa...

    Trả lờiXóa

Flags

Flag Counter