Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

Ước vọng đầu năm



 Bên nhà anh PNH treo những tấm hình những vòng hương lớn treo chi chít ở đền miếu người Hoa, trong mỗi vòng hương có miếng giấy điều viết tên và ước mong của tín chủ. Không biết lời cầu nguyện kiên trì đó có linh ứng không?

Ý nghĩ đó khiến tôi nhớ về quê nhà vài chục năm trước. Hàng xóm nhà tôi là nhà bác K. Bác trai mất sớm, anh con trai đầu lại bị liệt nên nhà nghèo lắm, nhà tranh, nền đất, sân đất, không có cổng ngõ. Vốn dân dã, thích vui nên nhà bác K như câu lạc bộ, ai rảnh rang thì ghé sang đó ngồi chơi, uống nước, đánh cờ, tán phét linh tinh. Sau này anh con trai đầu làm nghề sửa Radio nữa nên lại càng lắm khách. Mấy anh con trai lớn dần lên nhưng cũng khó thoát nghèo vì cũng chỉ làm thợ thuyền, không biết buôn bán gì. Nghèo vẫn hoàn nghèo.



Nhưng cứ mỗi năm tết đến thì tôi rất thán phục những biểu tượng no đủ, giàu có của nhà bác K. Trước sân nhà K có một cây cau, ít quả lắm, nhưng sáng Mùng Một Tết nào nó cũng được đắp những tảng đất cày phơi nỏ trắng như phấn. Mấy chum vại thì đầy nước giếng  trong veo. Mẹ tôi bảo, đấy là đất và nước bác gái và chị Đ đi gánh về lúc giao thừa đấy.

Tôi nghĩ lúc giao thừa lẽ ra tụ họp trong nhà, ấm áp, đốt pháo, ăn bánh mà phải đi ra đầu làng, ra đồng gánh nước, gánh đất về trong lúc tối tăm, rét mướt như thế thật là khổ. Nhà tôi chả bao giờ làm thế, Tết chỉ có nghỉ ngơi, vui chơi, mặc đẹp thôi... Mẹ tôi bảo: Làm như thế để năm mới của cải vào nhà nhiều như nước,như đất con ạ.

Sáng mùng Một thì anh S, con trai thứ ba trong nhà, rất khỏe mạnh, đi hái lộc từ sớm tinh mơ. Anh vào tận trong Chùa Tây Phương mang về một cành đa to tướng, cắm vào mái tranh gian giữa, ai đến thấy rợp màu xanh cũng tấm tắc khen và bảo năm nay lộc to phải biết. Bác gái không giấu vẻ hãnh diện vì cành lộc đa lộc đề  của nhà mình...



Ra giêng, các anh ấy lại đi làm thợ tận mạn ngược, cái nghèo khó lại hiện về. Cành đa khô dần, khô dần, thỉnh thoảng vài lá đa lại rụng xuống, nâu nâu đầy bụi bám và cứng đơ...

Bây giờ  bác gái và hai anh con trai đầu cũng ra đi, mang theo cái ước mơ khá giả cả đời không được, về cõi xa tít rồi.

Thương lắm những lời nguyện cầu...

11 nhận xét:

  1. Chuyện nghe buồn buồn, nhưng giờ em nghĩ những người sống lương thiện và không bao giờ ngừng mơ ước như những người hàng xóm cũ nhà anh Toro có khi lòng cũng được thanh thản, nghèo mà không thấy khổ, có lẽ vậy.

    Trả lờiXóa
  2. :( Cầu là cầu, còn được hay không thì nhờ trời.
    E vừa tham gia một khóa tu thiền. Bác sang nhà em xem ảnh chụp nhé.

    Trả lờiXóa
  3. NHưng ít ra còn có mơ ước để quên đi cái nghèo thực tại mà anh.

    Trả lờiXóa
  4. Còn hàng triệu những con người vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo nàn.Một phần do ít được học, một phần do thiếu cơ may, một phần do...Nhưng ngày tết ,cái khát vọng thoát nghèo của họ vẫn ám ảnh . Dù sao cũng có tí ...thuốc an thần mà :(

    Trả lờiXóa
  5. Hình ảnh đêm giao thừa hai người phụ nữ một già một trẻ đi gánh đất và nước về nhà có lẽ cả nước Nam chỉ quê TORO mới có. Rõ ràng đất và nước trong tiềm thức người nông dân VN nó thâm căn cố đế biết dường nào. Anh đạo diễn Sói Đồng Hoang đâu rồi mà không đọc chi tiết này để có dịp mà đưa vào phim. Ước mơ đổi đời của gia đình bác K làm họ khổ theo thuyết Khổ, tập, diệt, đạo của nhà Phật. Tuy nhiên việc làm của họ tạo nên thiện nghiệp và mơ ước của họ sẽ thành tựu vào kiếp sau. Cứ tin thế mà sống phải không các bạn

    Trả lờiXóa
  6. Toro ơi! Nói đến cầu nguyện, chị lại nhớ đến một quyển sách của nước ngoài dịch với tựa là "Tiềm thức..."
    Tựa sách hơi dài chị lại quên mất rồi, đây là quyển sách nói về tiềm thức dẫn dắt tư duy và hành động của con người thực hiện một mục đích mà trong suy nghĩ trong mong đợi, con người đã nung nấu mà hình thành..

    Cách đây gần chục năm rồi, khi chị đọc quyển sách này xong thì chị ngẫm và nhìn vào bản thân mình bấy lâu này thì thấy đúng Toro ạ. Con người sống lạc quan có ước mơ thì dễ đạt được điều mình mong muốn hơn là con người bi quan yếm thế. Chẳng hạn hai vợ chồng chị, nhiều khi bàn một việc gì đó, ông xã chị sẽ nói không làm được đâu... chị thì nói cố đi anh sẽ làm được mà, thế là chị cố gắng mà thực hiện với tư duy là mình sẽ làm được việc này (đã thâm nhập vào tiềm thức của chị) , thế là cuối cùng thể nào chị cũng đạt được điều mà mình muốn, dĩ nhiên mức độ thành công thì tùy thuộc vào nhiều vấn đề nữa, nhưng điều mà cuối cùng là sẽ thực hiện được ít nhiều những việc mà mình mong muốn.

    Còn trường hợp của bạn chị, hồi ấy khi bắt đầu hợp tác với nhau, anh bạn chị nói "M ơi làm thì làm thôi, chứ mình thấy mấy gia đình ở quanh đây bị phá sản phải bán nhà...". Chị thì chỉ nói ngành này nhiều người làm, người ta làm được, nếu mình cố gắng thì sẽ được mà. Và doanh nghiệp do bạn chị điều hành. Cuối cùng thì thất bại, không có hiệu quả Toro ạ.

    Bây giờ Chị tự luận với bản thân mình là, con người hãy luôn mong cầu với ý thức là mình sẽ làm được (dĩ nhiên là công việc đó phải trong tầm tay và khả năng của mình). Thì cái mong cầu đó sẽ từ từ thấm vào trong tận tiềm thức của mình, và cuối cùng tiềm thức sẽ dẫn dắt mình mà đi. Mình mà bi quan nghĩ mình kg làm đc điều gì cả thì sẽ luôn luôn thất bại. Còn nếu mình lạc quan là khó khăn sẽ đi qua, thì cuối cùng cũng sẽ đạt được.. dĩ nhiên mức độ đạt được là còn tùy vào cái đức của mình nữa. Có người chẳng làm gì nhưng họ luôn may mắn dễ dàng được điều mà họ muốn, có người như bác K mà em nói.

    Nhưng như anh Bu nói ở comment dưới, thì có khi gia đình bác K mà em nói ở đây đang gieo thiện duyên, trong lòng họ luôn lạc quan mong cầu không ngừng nghỉ cho đến cuối đời họ vẫn mong cầu dù họ nghèo túng bần cùng nhưng họ vẫn lạc quan, trong khi mình bên ngoài nhìn vào thì thấy sự sơ xác, nhưng họ trong sơ xác lại thấy hạnh phúc thanh thản vì họ vẫn luôn nghĩ rằng họ sẽ có được điều mà họ muốn..

    Vài lời góp với bài viết của em.

    Trả lờiXóa
  7. Cám ơn chị TTM đã cho cái còm đồ sộ, lại song ngữ. Đúng là "tâm tưởng sự thành", tâm không tưởng thì sự khó thành. Chị đưa bác Bu dịch bài này thật ý nhị, nhưng theo em chị là dân gốc Hoa, phối hợp cùng dịch với bác Bu thì dễ "thành " hơn, đúng không bác Bu?!
    -Bác Bu: Khi đi gánh nước đầu năm, người ta còn thả xuống giếng mấy đồng xu mới bác ạ. Vì thế, khi tát giếng có rất nhiều tiền, ngày xưa là tiền 5 xu. Sau Giao thừa, nghe nói giếng đầu làng em chen nhau gánh nước. Bây giờ giếng cạn khô rồi, vì có nhiều giếng khoan quá...
    -thaominhhue, Comieng, Haidieugiandi: Đúng là cái tết có một ý nghĩa đặc biệt trong sự khích lệ con người. Người phát đạt thì hân hoan đã đành, người nghèo khó, thất bại thì mong năm cũ hết, mang theo cơn đen vận túng, hy vọng năm mới sẽ tốt đẹp hơn năm cũ. Năm mới đúng là mang theo năng lượng mới cho mỗi người...

    Trả lờiXóa
  8. Vì khi em treo entry này chị nghĩ tới thành ngữ "Tâm tưởng sự thành" mà người Taiwan hay dùng lắm.
    Nên chị gõ vào tìm xem còn có ai nói hay hơn câu này không, thế là thấy bài này, bài do vị Hòa Thượng người TW giảng năm 1990 đó em.
    Và Chị cũng mới mò mò đọc thôi. Và nghĩ người dịch hay nhất là Bác Bu nhà mình..

    Em chưa biết chị đâu, vì chị có được học tiếng Trung bao giờ đâu.. hihiiiiiiiiiiiii nói kg ai tin cả.

    Trả lờiXóa
  9. Đầu năm mới ở đâu cũng thế Tây cũng nhưTa, người dân đều cầu cho mình và người thân được nhiều may mắn. Tục lệ ném đồng xu xuống giếng cầu may ở quê Toro xưa chắc giống như ở Châu Âu người ta ném đồng xu vào hồ nước ở công viên, quảng trường... Tục hái lộc đầu năm cuả người mình coi bộ tàn phá môi trường quá.

    Trả lờiXóa
  10. Ai cũng có ước vọng cho bản thân và gia đình, đôi khi cho cả đất nước. MTV cũng có đi thăm chùa chiền: bây giờ hình như thiếu vẻ thanh tịnh, tĩnh tâm vì mội người chen lấn, khấn vái to những điều họ cầu khấn khiến người khác khó chịu vì bị phân tâm, vì bất đắc dĩ phải nghe họ ước những điều quá "tham lam"...

    Trả lờiXóa

Flags

Flag Counter