Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2008

Quan chức

Trên báo Lao Động Cuối tuần số 43 có bài đặt câu hỏi: Sao lại xưng là quan chức? Tác giả nhận xét
gần đây ở nước ta, không chỉ nói năng giao tiếp, mà cả trên văn bản, trên mặt báo (cả báo hình, báo nói), không ít người thường hay dùng từ "quan chức" để chỉ cán bộ có chức quyền ở bộ nọ ngành kia, như quan chức Bộ NG.G., Bộ C.T., Bộ KH-ĐT...

Dùng như vậy vừa không chính xác về ngữ nghĩa, vừa không phù hợp với Hiến pháp và Pháp lệnh Cán bộ, công chức của nước ta và phản ánh sai lệch tính chất nhà nước dân chủ xã hội chủ nghĩa của nước ta. Bởi "quan chức là người có chức vụ cao trong bộ máy của nhà nước phong kiến hoặc tư bản" (Từ điển Tiếng Việt - 1992, Trung tâm Từ điển Ngôn ngữ, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam).

Dưới chế độ cũ, chức danh "quan" để chỉ người đứng đầu bộ máy nhà nước từ cấp huyện trở lên, như quan huyện, quan phủ, quan tỉnh... Nói đến từ "quan" là nhân dân ta từ thế hệ này đến thế hệ khác đều thấy xa lạ cách biệt với mình, quan đồng dạng với quan dạng, quan cách, xa lánh và đè nén dân. Nên Bác Hồ đã dùng từ "quan cách mạng" để chỉ những cán bộ mang danh là cán bộ cách mạng nhưng lại xa dân, đè nén dân, thậm chí đàn áp và xâm phạm quyền dân chủ và lợi ích của nhân dân, tức là đứng trên đầu trên cổ nhân dân như quan lại dưới chế độ cũ.

Do vậy, theo tôi không nên dung từ "quan chức" để chỉ bất cứ chức danh nào, cao cũng như thấp, của cán bộ nhà nước ta, nói chung là cán bộ nước ta. Như vậy, vừa tuân thủ theo Hiến pháp và Pháp lệnh Cán bộ, công chức, vừa phù hợp với bản chất chế độ xã hội ta và tính chất nhà nước ta.

Trăn trở của vị này rất đáng suy nghĩ. Nhưng ta sẽ thay cụm từ Quan chức bộ X bằng gì nhỉ? Xin đề cử vài cách để các bạn chọn giùm và gợi ý thế:

- "Lãnh đạo của Bộ X"- Lãnh đạo thì cũng là cấp trên, có quyền sai bảo cấp dưới. Nghe nó xa lạ với bản chất công nông nhỉ? Dưới chế độ ta cán bộ lãnh đạo là công bộc của dân cơ mà.

- "Các đầy tớ của dân ở Bộ X"... Nghe như thế có vẻ lột tả được sự tận tuỵ vì dân, khiêm tốn, giản dị, liêm khiết của đội ngũ cán bộ ta rồi đấy, nhưng nói đi nói lại chưa ổn nhỉ, nếu thế có người dịch là " Ô sin của dân..." cũng được à?!

- Hay " Đầy tớ cao cấp của dân ở Bộ X"- dài dòng mà vẫn dễ hiểu lầm. Làm việc với nước ngoài nó dịch linh tinh thì mất thể diện quốc gia, trong thời buổi hội nhập này.

- Thế "Chính khách Bộ X" cho nó thờì thượng được không? Không được vì chỉ có Bộ trưởng mới là chính khách thôi, còn lại Thứ trưởng, Vụ trường ... thì không được rồi.

Bí quá, thôi gọi là quan chức cho nó nhanh vậy...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags

Flag Counter